Tin Việt Nam – 02/10/2016
Người dân ở Kỳ Anh biểu tình vì Formosa – tin BBC
Nhiều người ở Quý Hòa, Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) đã đến trước cửa công ty Formosa biểu tình.
Hình ảnh từ mạng xã hội và các clip tường thuật trực tiếp qua Facebook từ hiện trường vụ việc cho thấy những người dân tập trung và hát những bài hát với câu hỏi “biển bao giờ ăn được cá”.
Người dân từ các Giáo xứ Đông Yên, Mỹ Dụ, giáo xứ Dũ Lộc, Quy Hòa, Tây Thành thuộc Giáo hạt Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tham gia cuộc xuống đường đến cổng công ty Formosa, nằm trên địa bàn huyện này trong sáng Chủ Nhật 2/10.
Cha Phêrô Trần Đình Lai thuộc Giáo phận Vinh, có mặt trong đoàn biểu tình, ông dùng loa kêu gọi người dân hãy ôn hòa, trong một clip đã xảy ra xô xát giữa cảnh sát với người biểu tình.
Ông Trần Đình Lai nói người dân “Không được ném chai lọ, không được ném đất”, …”không được bạo động, tất cả ôn hòa”.
“Cảnh sát không được đánh dân, dân và cảnh sát không được xô xát,” ông Lai nói khi cuộc xô xát ngắn dừng lại.
Vị linh mục này phát biểu cuộc biểu tình là để “đòi hỏi những người đã gây ra thảm họa này phải bồi thường công bằng, trả lại môi trường xanh sạch cho dân tộc”.
“Người dân đứng ở cổng chính Formosa, trèo lên tường treo các băng-rôn khẩu hiệu, nhưng không có cuộc đập phá nào, không ai đập phá,” một người tham dự cuộc biểu tình tại cổng công ty Formosa nói với BBC.
Cuộc xuống đường xảy ra bốn tháng sau thảm họa cá chết ở bốn tỉnh miền Trung Việt Nam, được xác định nguyên nhân là do công ty Formosa gây ra.
Lực lượng cảnh sát cơ động cũng có mặt và xuất hiện trong ảnh bên cạnh những người biểu tình.
Hàng ngàn người
biểu tình phản đối Formosa ở Hà Tĩnh – tin VOA
Các nhân chứng cho hay hàng ngàn người đã biểu tình ở Hà Tĩnh hôm Chủ nhật, 2/10. Họ phản đối nhà máy thép thuộc hãng Formosa Plastics của Đài Loan, đòi chi nhánh này phải rời khỏi Việt Nam và đền bù nhiều hơn cho người dân sau khi đã gây ra thảm họa môi trường.
Cuộc biểu tình nổ ra từ sáng sớm và kết thúc vào buổi trưa. Cảnh sát đã triển khai để canh gác quanh khu nhà máy thép của Formosa. Trần Việt Hòa, một người biểu tình, cho biết qua điện thoại có khoảng 10 nghìn người biểu tình, đông hơn nhiều so với cảnh sát, và cảnh sát đã rời đi.
Những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy tình hình giống như lời mô tả kể trên. Không có tin về thương tích.
Hòa cho biết một số người biểu tình đã vào trong nhà máy qua cổng sau và đập vỡ một số cửa sổ và máy camera.
Tin của Reuters nói người ta không liên lạc được với hãng Formosa ở Đài Loan, còn viên chức phụ trách đối ngoại của chi nhánh ở Hà Tĩnh nói ông ấy không nắm tình hình và sẽ trả lời sau.
Người ta cũng không liên lạc được với cảnh sát và nhà chức trách tỉnh Hà Tĩnh.
Người dân vẫn tức giận với nhà máy thép của Formosa sau khi họ đã chấp nhận đền bù 500 triệu đôla và thừa nhận chịu trách nhiệm về nạn cá chết hàng loạt dọc theo 200km bờ biển miền trung Việt Nam hồi tháng 4.
Một nhân chứng khác nói người dân còn tức giận vì bị cảnh sát ngăn chặn khi họ cố gắng biểu tình ôn hòa. Nhân chứng từ chối nêu tên này nói: “Người ta bực tức vì họ chỉ muốn gặp trực tiếp Formosa và thương lượng”.
Bộ Ngoại giao Đài Loan nói trong một tuyên bố là đại diện của họ ở Việt Nam đã liên lạc với nhà máy thép. Tuyên bố cho hay: “Văn phòng đại diện đã đề nghị nhà chức trách Việt Nam cử thêm cảnh sát đến bảo vệ nhà máy, nhân viên, tính mạng và tài sản của tất cả các doanh nhân Đài Loan ở tỉnh Hà Tĩnh”. Cảnh sát đã tạm thời đóng cửa nhà máy.
Theo Reuters, Bangkok Post
Công dân Đài Loan ‘an toàn’ ở Formosa
Bộ Ngoại giao Đài Loan xác nhận rằng các công dân Đài Loan làm việc tại nhà máy sản xuất thép ở Việt Nam thuộc Tập đoàn nhựa Formosa (FPG) và các thành viên gia đình của họ đều an toàn sau khi một cuộc biểu tình của 3.000 ngư dân và ‘nhà hoạt động’ bên ngoài nhà máy hôm Chủ Nhật, theo hãng tin của Đài Loan (CAN) từ Đài Bắc.
Những người biểu tình tại đã rời đi và các công nhân tại nhà máy thép, các thành viên gia đình của họ cùng tài sản đều an toànBộ Ngoại giao Đài Loan
Bộ này cho biết hôm 02/10, văn phòng đại diện tại Việt Nam đã liên lạc với doanh nghiệp sản xuất thép Formosa Hà Tĩnh khi cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra vào sáng Chủ nhật và thấy rằng công an Việt Nam đóng ở đó đã đóng cửa nhà máy và thực hiện các biện pháp để duy trì trật tự trong cuộc biểu tình.
“Những người biểu tình tại đã rời đi và các công nhân tại nhà máy thép, các thành viên gia đình của họ cùng tài sản đều an toàn”, Bộ này cho biết.
Đài Loan nói văn phòng đại diện của họ đã liên lạc với công an Việt Nam và đề nghị công an gửi thêm nhân viên đến tổ hợp thép Formosa Hà Tĩnh để bảo vệ các công nhân ở đó và bảo vệ cuộc sống cùng tài sản của tất cả các doanh nghiệp Đài Loan đang hoạt động tại Hà Tĩnh.
Việt Nam phản ứng bằng cách hứa hẹn xử lý chủ động vấn đề, vẫn theo Bộ Ngoại giao Đài Loan.
‘Ngư dân tức giận’
Trong khi đó, đại diện của Đài Loan tại Việt Nam, ông Richard Shih và phó tổng giám đốc công ty thép Formosa Hà Tĩnh Chang Fu-Ning, trong các phát biểu riêng rẽ, nói với hãng tin Đài Loan rằng không có nhân viên nào của FPG tại nhà máy đang gặp nguy hiểm và rằng nhà máy đã không báo cáo bất kỳ thiệt hại tài sản nào.
Cuộc biểu tình của các ngư dân tức giận và các nhà hoạt động từ ba tỉnh – Quảng Bình, Nghệ An và Hà Tĩnh – xảy ra sau khi hàng trăm người dân từ những vùng kiện Formosa vào tuần trước đòi bồi thường ô nhiễm do nhà máy gây ra dẫn đến cá chết hàng loạt trong vùng biển ngoài khơi duyên hải Việt Nam.
Công ty Thép Formosa Hà Tĩnh nằm trong Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh, ở miền trung Việt Nam, bị chính phủ Việt Nam kết luận đã xả thải các chất thải gây ô nhiễm làm chết cá trên một phạm vi trải dài 130 dặm trên bờ biển miền Trung.
Tình trạng ô nhiễm đã làm cho hơn 40.000 ngư dân Việt Nam bị mất hoặc gần mất việc làm, và hơn 176.000 người dân khác ở Việt Nam bị ảnh hưởng gián tiếp bởi thảm họa môi trường, theo một ước tính.
Trong một thỏa thuận với chính phủ Việt Nam, Tập đoàn Nhựa Formosa nói họ chấp nhận hoàn toàn trách nhiệm cho vụ việc và đã cam kết 500 triệu USD để đền bù những ảnh hưởng và làm sạch môi trường.
Gần đây, khi được hỏi về các cuộc biểu tình phản đối Formosa, Tập đoàn FPG nói sẽ để cho phía chính phủ Việt Nam xử lý.
Dân Việt khởi kiện tập thể chống lại Formosa
Một vị linh mục đứng ra giúp đỡ, dẫn dắt hàng trăm dân nghèo trong một vụ kiện tập thể quy mô chưa từng có trước nay, yêu cầu Formosa Đài Loan phải chịu trách nhiệm pháp lý và bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam bị thiệt hại trong thảm họa môi trường biển miền Trung.
Vượt qua những sách nhiễu và cản trở từ nhà cầm quyền, đoàn xe buýt gồm 15 chiếc do linh mục Antôn Đặng Hữu Nam dẫn đầu, ngày 26/9, đã đưa 600 ngư dân thực hiện cuộc hành trình 2 ngày tới tòa án ở thị xã Kỳ Anh, tâm điểm thảm họa cá chết hồi tháng 4 và cũng là nơi công ty Formosa đặt trụ sở, để nộp đơn khởi kiện.
Đây là một phần trong loạt các hoạt động của linh mục Nam suốt nhiều tháng qua, vận động hỗ trợ pháp lý và tài chính, để giúp đỡ ngư dân nghèo miền Trung đang khốn đốn, khánh kiệt vì biển bị nhiễm độc hóa chất từ Formosa.
Vị linh mục quản xứ Phú Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, đã chia sẻ với Trà Mi VOA Việt ngữ về những nỗ lực của ông trên đoạn đường đã qua và trong chặng đường sắp tới.
Bấm vào nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn với linh mục Đặng Hữu Nam
LM Nam: 506 bộ hồ sơ đã được tòa án tiếp nhận dù gặp nhiều khó khăn, người ta đánh phá và tìm mọi cách gây khó dễ, cản trở chúng tôi làm việc này. Là một linh mục đứng ra hỗ trợ bà con, chúng tôi cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí. Với 506 đơn kiện vừa nộp, mức án phí tôi ước tính xấp xỉ 4 tỷ đồng, tương đương 200 ngàn Mỹ kim. Hiện còn rất nhiều bộ hồ sơ chúng tôi đang hoàn thiện. Theo pháp lý Việt Nam, sau khi nộp đơn được tòa án thông báo thụ lý thì lúc đó sẽ phải nộp án phí. Về mức án phí, chẳng hạn như mức yêu cầu bồi thường từ 400 đến 500 triệu đồng thì tòa đòi 5%. Từ 800 triệu đồng đến 2 tỷ thì họ yêu cầu nộp 30 triệu và 4%.
Trà Mi: Linh mục có kế hoạch thế nào để tìm kiếm các nguồn tài chính hỗ trợ ngư dân?
LM Nam: Để hoàn thiện chương trình này, tôi xin tất cả mọi người trên thế giới yêu chuộng công lý-hòa bình, đấu tranh cho dân chủ-nhân quyền và hiện tình đất nước hãy giúp đỡ chúng tôi để chúng tôi có đủ kinh phí đi theo con đường đấu tranh này.
Trà Mi: Cho tới thời điểm này, lời kêu gọi đó đã được sự hưởng ứng như thế nào, thưa linh mục?
LM Nam: Hôm nay cũng đã có một số ủng hộ rồi.
Trà Mi: Ngoài vấn đề tài chính, về mặt pháp lý, bà con ngư dân trong đoàn đã được sự hỗ trợ thế nào?
LM Nam: Từ ngày khởi đầu chương trình, tôi đã liên hệ một số luật sư để hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho chúng tôi. Họ đã hỗ trợ miễn phí, và khi ra tòa, chúng tôi cũng sẽ kêu gọi họ tiếp tục giúp đỡ.
Trà Mi: Hàng trăm người cùng nộp đơn kiện là một bước đột phá. Linh mục có tin tưởng công cuộc đấu tranh đòi hỏi công lý của bà con ngư dân lần này sẽ thành công?
LM Nam: Việt Nam có cả rừng luật, nhưng chỉ thi hành luật rừng. Đó là khó khăn chung cho những ai đấu tranh cho công lý, công bằng, dân chủ, nhân quyền. Tuy nhiên, trong vụ kiện này, chúng tôi cũng có niềm tin sẽ chiến thắng bởi vì còn hàng ngàn hồ sơ đang được tiếp tục hoàn thiện. Rất nhiều ngư dân là nạn nhân của thảm họa hôm nay đã liên lạc với chúng tôi và yêu cầu hỗ trợ để có thể đi theo con đường này. Với sự quan tâm của truyền thông thế giới, sự lên tiếng của các tổ chức NGO và các chính phủ dân chủ, với sức mạnh của sự đoàn kết và đấu tranh giữa các tổ chức xã hội trong và ngoài nước, chúng ta đã thắng từ ngay lúc đầu. Với những điều kiện đó, tôi có niềm tin sẽ chiến thắng.
Trà Mi: Dẫn dắt 100 người cùng nhau lên tiếng trong một vụ kiện đã là khó khăn, huống chi là 500, 600 người cùng lúc như thế. Ý tưởng này xuất phát từ cơ duyên nào, thưa linh mục?
LM Nam: Tôi là người từng đấu tranh cho công lý và hòa bình, dân chủ-nhân quyền từ năm 2008. Đó là mệnh lệnh lương tâm của tôi. Tôi phải bênh vực những người thấp cổ, bé miệng bị gạt ra bên lề xã hội. Quy tụ được hàng ngàn người trong vụ này, trên hết là vì họ thấy có đủ cơ sở để họ tin tưởng và cậy dựa, họ thấy mình dám sống và dám chết vì sự thật. Họ thấy được sự thật, họ hiểu vấn đề, họ đủ tin tưởng vào một người lãnh đạo nào đó thì họ sẵn sàng đi theo. Chúng tôi đi nộp đơn kiện hôm nay gồm những giáo dân giáo xứ Phú Yên và các giáo xứ lân cận thuộc Quỳnh Lưu, Nghệ An, chứ không phải ở tâm điểm thảm họa. Còn rất nhiều nơi khác nữa từ Nghệ An tới Thừa Thiên-Huế tiếp tục kêu gọi chúng tôi hỗ trợ để tham gia. Chúng tôi chưa phải những người bị ảnh hưởng nhất, nhưng chúng tôi là những người bị bỏ rơi nhất. Dù các ngư dân này đánh bắt trên ngư trường bị nhiễm độc từ Hà Tĩnh đi vào, nhưng nhà cầm quyền trong tất cả báo cáo về thảm họa đều không đá động đến Nghệ An.
Trà Mi: Xin linh mục cho biết hoàn cảnh hiện nay của các ngư dân ra sao dẫn tới vụ kiện này?
LM Nam: Họ đã nghèo, sau thảm họa cuộc sống của họ càng thê thảm. Họ đứng trước thảm cảnh phá sản vì nợ ngân hàng. Gia đình họ suốt 5 tháng qua không hề nhận được hỗ trợ nào từ nhà cầm quyền. Họ cố gắng cầm cự bằng việc bán và cầm cố tài sản, hiện họ đã khánh kiệt. Hàng ngàn học sinh đã bỏ học vì cha mẹ không còn khả năng, những gia đình không còn gì để bấu víu.
Trà Mi: Những ngư dân này hiện giờ có còn đi biển hay không, thưa linh mục?
LM Nam: Vùng trung tâm thảm họa, tất cả thuyền bè nằm bờ vì không đánh bắt được. Ngư dân Nghệ An, đặc biệt là trong giáo xứ của tôi, họ vẫn phải tiếp tục ra khơi đi đánh bắt xa bờ, nhưng trở về không bán được hoặc bán với giá rẻ mạt vì không ai mua, người ta rất sợ.
Trà Mi: Thông điệp và nguyện vọng của đoàn người khởi kiện Formosa hôm nay?
LM Nam: Đầu tiên, chúng tôi muốn nói với mọi người, những người cũng là nạn nhân nhưng vì nỗi sợ không dám vượt qua để đòi công lý, công bằng, quyền lợi chính đáng của mình. Chúng tôi đã đứng dậy được thì cớ gì quý ông, bà, anh, chị, em không đứng dậy được? Chúng tôi vượt qua nỗi sợ vì chúng tôi hiểu được sự thật về thảm họa, về tương lai, về nguy cơ. Chúng tôi muốn nói rằng việc chúng tôi đứng dậy hôm nay, 5-6 trăm người đệ đơn lên tòa, quả là có một không hai trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chúng tôi không đòi cho mình, không bảo vệ mình, mà chúng tôi muốn bảo vệ giống nòi tương lai vì môi trường là sự sống của con người. Môi trường bị hủy hoại giống như cơ thể con người, khi một vài tế bào bị ung thư không thể nói chỉ vài tế bào đó bị ảnh hưởng mà nó sẽ ảnh hưởng tới toàn cơ thể. Tất cả đều đau và có thể chết tất cả. Chúng tôi khởi kiện hôm nay nhắm tới mục đích chính là đấu tranh cho sự thật, cho quê hương đất nước. Lúc nào đó, con cháu chúng ta sẽ hỏi rằng khi đất nước lâm nguy, biển bị ô nhiễm , cha mẹ ông bà đã làm gì để cứu biển và cứu chúng con? Chúng tôi phải trả lời thế nào cho thế hệ cha ông đi trước, đã để lại gia sản này cho chúng tôi? Đó là con đường chúng tôi đấu tranh, chứ không phải vì quyền lợi mỗi mình chúng tôi. Các ngư dân muốn làm đơn khởi kiện, xin liên hệ trực tiếp với tôi: quản xứ Phú Yên, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Suốt 3 tháng qua, tôi có đội ngũ tình nguyện viên hơn 20 người. Dù họ làm với tinh thần thiện nguyện, nhưng mọi kinh phí ăn uống, đi lại và các kinh phí liên quan về phương tiện, máy móc..v…v.. tôi đang phải tự lo liệu vì chúng tôi không thu bất cứ đồng tiền nào của ngư dân. Đây cũng là khó khăn rất lớn cho tôi. Chắc chắn sẽ còn những chuyến sắp tới. Còn hồ sơ thì chúng tôi còn tiếp tục chương trình.
Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn thời gian linh mục đã dành cho cuộc trao đổi này.
LM Nam: Xin cảm ơn và xin tất cả cầu nguyện cho chúng tôi, ủng hộ chúng tôi trên con đường tranh đấu đầy gian lao này.
Chính quyền đền bù, ngư dân nói gì?
Hoàng Dung, thông tín viên RFA
Ngày 29 tháng 09 năm 2016, chính phủ đã ra thông báo quyết định, đền bù cho ngư dân ở 4 tỉnh miền Trung chịu thiệt hại do Formosa gây ra hồi đầu tháng 4. Các ngư dân nói gì về mức đền bù của chính phủ?
Chính phủ đền bù
Vào ngày 29 tháng 09 năm 2016, thủ tướng chính phủ đã ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các ngư dân ở 4 tỉnh miền Trung chịu thiệt hại do Formosa gây nên.
Theo thông báo của chính phủ thì có 7 nhóm đối tượng được xác định đền bù do Formosa gây nên, các nhóm gồm: 1 khai thác hải sản, 2 nuôi trồng thủy sản, 3 sản xuất muối, 4 hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển, 5 dịch vụ hậu cần nghề cá, 6 dịch vụ du lịch, thương mại ven biển, 7 thu mua, tạm trữ thủy sản.
Thời gian tính bồi thường thiệt hại tối đa là 6 tháng, từ tháng 4/2016 đến hết tháng 9/2016. Nguồn kinh phí bồi thường thiệt hại về kinh tế cho các ngư dân bị ảnh hưởng do Formosa gây nên được sử dụng từ nguồn kinh phí do Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh bồi thường hồi cuối tháng 6 năm 2016.
Ngư dân nói gì?
500 triệu USD thì với mức đó thì làm sao mà đủ với mức thu nhập của chúng tôi là mỗi ngày 600 nghìn của một lao động được cho nên chắc chắn sẽ không bao giờ đáp ứng được.
-Mai Quang Hanh
-Mai Quang Hanh
Khi ngư dân nhận được thông báo, là chính phủ đã có quyết định đền bù cho các ngư dân chịu ảnh hưởng của thảm họa môi trường do Formosa gây nên, thì nhiều ngư dân rất bất ngờ, nhiều ngư dân cho rằng đây là việc do Formosa gây ra, nên trước khi có quyết định đền bù, thì chính quyền nên họp dân lại, lấy ý kiến, thiệt hại của ngư dân, khi đó mới có quyết định đền bù một cách thỏa đáng hơn.
Tại một số xã ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh một số xã như Kỳ Lợi, Kỳ Hà thì chính quyền xã cũng đã họp dân lại để tổng kê thiệt hại, nhưng cách làm mập mờ của chính quyền thì người dân ở những xã này chưa đồng ý ký giấy kiểm tra thiệt hại đền bù.
Trước thông tin từ chính quyền, nhiều ngư dân cho biết họ sẽ không nhận số tiền đền bù đó, thứ nhất vì nó quá thấp so với thu nhập của người dân khi biển còn sạch, thứ 2 nữa họ bắt Formosa phải đứng ra chịu trách nhiệm làm sạch biển để ngư dân có thể đi đánh cá.
Ông Mai Quang Hanh ở Kỳ Lợi, Kỳ Anh chia sẻ, chính quyền đã thỏa thuận với Formosa là đền bù 500 triệu USD, mà số tiền đó không thể đền bù hết được cho ngư dân, nên giờ họ phải tính sao cho đủ thôi, chứ với ngư dân số tiền đó quá nhỏ:
Thuyền của ngư dân Hà Tĩnh rơi vào cảnh thất nghiệp. Courtesy Zing.
“Chưa có gì là đáp ứng với thiệt hại của dân cả, bởi vì dân thiệt hại thì tính ra như ở thôn chúng tôi đây nghề nghiệp làm ăn là trên biển hằng ngày với mức thu nhập mỗi ngày chúng tôi tính là quân bình mỗi ngày 600 ngàn của 1 lao động. Đó là mức trung bình chứ có khi lại là 1 triệu mà có khi lại dưới 6 trăm. Cho nên chúng tôi tính dưới cái mức là 600 nghìn của một ngày là của một lao động, nhưng mà cái mức hỗ trợ, mức đền bù của chính quyền mà họ tính ra trong khoản 500 triệu USD thì với mức đó thì làm sao mà đủ với mức thu nhập của chúng tôi là mỗi ngày 600 nghìn của một lao động được cho nên chắc chắn sẽ không bao giờ đáp ứng được.”
Chị Thảo ở xã Kỳ Hà, Kỳ Anh cũng cho biết, người dân ở xã chị cũng sẽ không nhận số tiền đền bù đó, vì có thể sau khi nhận số tiền đó thì coi như chính quyền và Formosa sẽ hết trách nhiệm trong thảm họa đó, hơn nữa chính quyền Hà Tĩnh và Formosa đang có dự án xả thải ra sông Quyền trong khi người dân Kỳ Hà cũng sống nhờ vào con sông này, nên người dân xã chị kiên quyết không nhận.
Chị Thảo cho biết:
“Đền bù đối với vùng miền dân ven biển thì nó quá thấp so với công việc họ làm ở đây. Còn việc đền bù thì dân ở đây họ không chấp nhận bởi vì dân nói là cũng không cần phải nhận số tiền đền bù chủ yếu là mong làm sao cho cuộc sống ổn định lại để cho người dân ở đây làm ăn, nếu như nhận số tiền đó chuẩn bị nghe nói là họ cho xả thải về con Sông Quyền, nếu mà xả thải ra Sông Quyền thì ở đây sẽ ảnh hưởng trực tiếp rất là nặng.”
Anh Bình ở Quảng Bình thì cho rằng, cuộc sống của ngư dân quá khổ, nên giờ chính quyền đền bù sao cũng được, biết thế nào cho đủ.
“Đền bù thì cũng phần nào đó, đền bù cho chính xác thì chưa chính xác.”
Đền bù như thế nào?
Hiện nay thì đã sang tháng 10, mà thời gian đền bù của chính quyền cũng đến tháng 9, trong khi ngư dân vẫn chưa thể đi đánh bắt cá được, nhiều ngư dân không đồng ý với quyết định này, họ tự hỏi sau tháng 10 thì cuộc sống của ngư dân sẽ ra sao?
Biển kéo dài độc hại đến bao nhiêu thì dân cũng không làm ăn được vì thế họ mà nhận đền bù sáu tháng, còn mà kéo dài đến 70 năm thì dân có thể sống làm sao đây.
-Chị Thảo
-Chị Thảo
Ông Hanh cho biết, nếu đền bù thì sẽ phải đền bù cho tới khi nào biển sạch, ngư dân đi đánh được mới thôi:
“Nguyện vọng của chúng tôi hiện bây giờ là chúng tôi không chủ động với việc đền bù, cái đền bù là Formosa làm thiệt hại thì Formosa phải có trách nhiệm đền bù phần thiệt hại đó cho dân chiếu theo luật công bằng, thì họ tính trong vòng sáu tháng đó thì chúng tôi yêu cầu ít nhất cũng phải đền bù là một năm, sau một năm đó mà biển chưa sạch thì trả lại môi trường cho chúng tôi làm ăn thì vẫn tiếp tục yêu cầu đền bù.”
Chị Thảo cũng đồng tình rằng chính quyền nên tinh nhân khẩu vào để đền bù, chứ không thể đền bù theo lao động như vậy được, nếu vậy con em sẽ sống sao, hơn nữa nếu môi trường biển ảnh hưởng đến 70 năm thì ngư dân đây sẽ như thế nào?
“Biển kéo dài độc hại đến bao nhiêu thì dân cũng không làm ăn được vì thế họ mà nhận đền bù sáu tháng, còn mà kéo dài đến 70 năm thì dân có thể sống làm sao đây, nếu như mà họ đền bù thì tính vô nhân khẩu mà đền bù chứ còn lao động thì chủ yếu là tương lai con cái sau này chứ hiện tại thì những người lao động một phần rồi nhưng mà ảnh hưởng là con em là ảnh hưởng nhưng mà sau này mà được sáu tháng thì lấy gì mà nuôi con em đây.”
Ông Danh một ngư dân ở Kỳ Anh cũng chia sẻ với chúng tôi, chính quyền đã làm sai từ khi nhận 500 triệu USD trong khi chưa biết thiệt hại của ngư dân như thế nào, và mong muốn của ngư dân vẫn là chính quyền và Formosa nên có trách nhiệm làm sạch biển. Dư luận cũng cho rằng quyết định đền bù này của chính quyền chỉ là việc xoa dịu dư luận và an ủi ngư dân, và từ tháng 10 trở đi ngư dân sẽ sống sao khi biển chưa sạch?
Vì sao có tin tổng biên tập báo Petrotimes
Nguyễn Như Phong bị cách chức?
Từ chiều muộn ngày 1/10/2016, trên mạng xã hội, cùng dư luận báo giới nhà nước, kể cả một số trang dư luận viên của tuyên giáo và công an, bất chợt rộ lên tin tức về vụ Đại tá công an Nguyễn Như Phong – Tổng biên tập báo Petrotimes – vừa bị Bộ Thông tin và Truyền thông cách chức và bị thu hồi thẻ nhà báo, còn báo Petrotimes có thể bị đình bản.
Theo dư luận chung, nguồn cơn của sự việc thình lình trên là do báo Petrotimes đã đăng bài “Người Buôn Gió Bùi Thanh Hiếu trả lời phỏng vấn về Trịnh Xuân Thanh” và dẫn link… “trang phản động Cầu Nhật Tân”, như một cách thanh minh gián tiếp cho ông Trịnh Xuân Thanh.
Nếu những thông tin trên là đúng, trước mắt có 3 khả năng xảy ra:
1/ Ông Nguyễn Như Phong chủ động phản ứng đối với loạt bài “THANH hay THĂNG” và “Tảng băng nổi” của tác giả Huy Đức trên mạng xã hội, và qua đó phản ứng với chiến dịch “diệt hổ” của Tổng bí thư Trọng mà có thể đang nhắm vào Ủy viên bộ chính trị, Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng. Theo đó, chính ông Nguyễn Như Phong là người chịu trách nhiệm cho đăng lại trên báo Petrotimes bài Thời Báo (ở Đức) phỏng vấn ông Bùi Thanh Hiếu.
2/ Ông Nguyễn Như Phong không biết vụ báo Petrotimes đăng lại bài Thời Báo ( ở Đức) phỏng vấn ông Bùi Thanh Hiếu, mà việc đăng lại này do cấp dưới của ông Phong tự quyết định, như một cách phản ứng với tác giả Huy Đức và Tổng bí thư Trọng.
3/ Ông Nguyễn Như Phong bị “gài”, khi một ai đó trong dàn dưới của ông đã tự ý lèn bài Thời Báo (Đức) phỏng vấn ông Bùi Thanh Hiếu và khiến ông Phong phải chịu tội.
Hiện nay, trên mạng xã hội đã lan truyền hình ảnh chụp lại màn hình trang Petrotimes đăng bài Thời Báo (Đức) phỏng vấn ông Bùi Thanh Hiếu – như một xác nhận về trách nhiệm chính trị của ông Nguyễn Như Phong.
Việc một tờ báo nhà nước đăng (dù là đăng lại) bài phỏng vấn một nhân vật bị đảng cầm quyền xem là “cực kỳ phản động” như ông Bùi Thanh Hiếu, là chưa bao giờ xảy ra. Thậm chí trường hợp lần đầu tiên xảy ra này còn đặc biệt hơn nhiều, vì trong làng báo nhà nước, Petrotimes thuộc về số ít những tờ báo chỉ biết “còn đảng còn mình”. Tờ báo này đã đăng rất nhiều bài đả kích, miệt thị, chửi bới, xúc phạm nhân phẩm giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền.
Một số dư luận đã ví Petrotimes như một “dư luận viên cao cấp của đảng”, hoặc cũng được xem là “cơ quan ngôn luận của Bộ Công an”, với vai trò đặc biệt của Đại tá Nguyễn Như Phong.
Một số nguồn tin cho biết Petrotimes được ông Nguyễn Tấn Dũng sủng ái khi ông Dũng còn là thủ tướng CSVN.
Cơ quan chủ quản của Petrotimes là Hội Dầu khí Việt Nam. Nhưng có tin cho biết, nguồn tài chính mà Petrotimes nhận được là rất dồi dào do tờ báo này có mối quan hệ mật thiết với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – nơi ông Đinh La Thăng là Chủ tịch Hội đồng quản trước khi làm bộ trưởng Giao thông Vận tải,
Lê Dung / SBTN
‘Mất chức’ vì đăng bài phỏng vấn blogger Người buôn gió?
Làng báo Việt Nam hai ngày nay rộ lên tin ông Nguyễn Như Phong, Tổng biên tập báo Petrotimes (Tin nhanh năng lượng mới), “bị thu hồi thẻ nhà báo” và “phải nghỉ việc”, sau khi tờ báo do ông lãnh đạo đăng lại bài phỏng vấn blogger Người buôn gió (Bùi Thanh Hiếu) về vụ ông Trịnh Xuân Thanh.
Cũng có tin tờ báo này “bị tịch thu tên miền”, và “phải đóng cửa”. VOA Việt Ngữ hôm 2/10 không thể liên lạc được với ông Phong để xác nhận thông tin này. Chúng tôi cũng gọi tới đường dây nóng của báo nhưng người cầm máy nói “bị ốm cả tuần nay, không đến văn phòng, nên không nắm được thông tin”.
Tuy nhiên, trang web của Petrotimes tới tối ngày 2/10 vẫn truy cập được, và trong phần nội dung về tổng biên tập vẫn để tên ông Nguyễn Như Phong.
Tin trên xuất hiện một ngày sau khi tờ Tin nhanh năng lượng mới hôm 30/9 đăng tải bài viết có tựa đề “’Người buôn gió’ Bùi Thanh Hiếu trả lời phỏng vấn về Trịnh Xuân Thanh”.
Bài viết, trích lại một cuộc phỏng vấn của tờ Thời báo ở Đức, có đoạn: “Blogger “Người buôn gió” Bùi Thanh Hiếu hiện đang sống ở CHLB Đức được đồn thổi là người nắm giữ nhiều thông tin về Trịnh Xuân Thanh – đối tượng đang bị Bộ Công an Việt Nam truy nã”.
Petrotimes trích đăng một phần cuộc phỏng vấn, trong đó có câu hỏi, “Là một người đã được ông Trịnh Xuân Thanh ủy quyền cung cấp các tài liệu rất nhậy cảm lên mạng truyền thông, ông nghĩ gì khi giúp Trịnh Xuân Thanh làm điều này?”
Tờ báo thuộc Hội Dầu khí Việt Nam cũng trích lại câu trả lời của blogger Người buôn gió: “Trước tiên tôi phải đính chính là tôi không nhận sự ủy quyền của ông Trịnh Xuân Thanh, mà tôi gián tiếp thông qua người khác, mà trong đó tôi là người trực tiếp Skype (đàm thoại trực tuyến) với anh Thanh, anh nhờ tôi đưa môt số thông tin lên cho dư luận biết, trong đó anh Thanh có đưa một số đơn thư, ý kiến của anh phản ánh tới một số báo trong nước để giúp đỡ, nhờ phản biện lại trường hợp của UB Kiểm tra TW đảng đang xem xét cho anh ấy…”
Tuy nhiên, bài báo này hiện không còn trên trang Petrotimes, nhưng vẫn lan truyền trên các trang mạng xã hội.
“Nghề phóng viên phải như con chó ấy…”
Trong bài bình luận đăng ngày 10/6, ông Phong kể lại chuyện khi ông mới bắt đầu làm phóng viên, và đọc được một bài báo mà theo ông trong đó dẫn lời ông chủ bút của tờ Bangkok Post nói rằng “nghề phóng viên phải như con chó ấy…”
Ông Phong viết tiếp rằng “nếu so sánh giữa nghề làm báo với những phẩm chất cao quý của con chó thì xem ra rất giống nhau”.
Ông viết: “Chỉ có một điều rằng, muốn có được một chú chó hay, mang tất cả những phẩm chất cao quý của loài chó, thì ngoài tình thương yêu chăm sóc của chủ ra, nó cũng phải được dạy dỗ, chỉ bảo từng li từng tí. Nó cũng sẽ bị phạt như phạm lỗi và cũng sẽ được thưởng khi có công…”
Trước khi sang làm Tổng biên tập tờ Petrotimes, ông Phong từng đảm nhận các vị trí chủ chốt trong một cơ quan báo chí của Bộ Công An Việt Nam.
Bộ này phát lệnh truy nã quốc tế với ông Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam hôm 16/9, sau khi khởi tố ông này vì “tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự”.
Trước đó, một loạt các tờ báo ở trong nước đề cập tới các tin đồn trên mạng xã hội về việc cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang có thể đã rời Việt Nam, “chạy” sang nước khác, nhất là Đức.
Mới đây nhất, tuần trước, một quan chức ngoại giao của Đại sứ quán Đức ở Hà Nội mới đáp lại một câu hỏi của báo chí Việt Nam về trường hợp của ông Thanh.
Báo Người Lao Động dẫn lời Phó Đại sứ Wolfang Manig nói rằng trong khi “vẫn chưa có thông tin chi tiết về việc ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu thì câu hỏi về việc dẫn độ nhân vật này không được đặt ra”.
Vụ việc liên quan tới ông Thanh bùng lên sau khi truyền thông trong nước đưa tin hồi tháng Sáu về chiếc xe sang trị giá nhiều tỷ đồng do ông sử dụng.
Sau đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao cho các cơ quan liên quan “kiểm tra, xem xét, và kết luận” thông tin liên quan tới Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Người Mỹ gốc Việt xem Biển Đông là vấn đề bầu cử quan trọng
Bên trong văn phòng dưới tầng hầm của Trung tâm Cộng đồng Đông Nam Á của mình trong một khu phố ở trung tâm thành phố San Francisco, ông Philip Nguyen lướt qua một danh sách những vấn đề mà ông nói là quan trọng nhất đối với hầu hết người Mỹ gốc Việt như ông.
Thiếu công ăn việc làm tốt. Chi phí chăm sóc y tế gia tăng. Giá nhà ở cao ngất. Nói cách khác, đó là những vấn đề mà bất kỳ người Mỹ nào cũng quan tâm khi đến mùa bầu cử. Nhưng khi vừa nhắc đến Trung Quốc, mắt ông Philip Nguyen sáng lên.
“Đây là chủ đề yêu thích nhất của tôi,” người đàn ông 70 tuổi này cho biết. Ông Philip Nguyen đến Mỹ sau khi Sài Gòn thất thủ trong Chiến tranh Việt Nam. Giống như nhiều người Mỹ gốc Việt khác, ông không có thiện cảm với chính quyền cộng sản của Việt Nam.
Nhưng ông vẫn tràn ngập niềm tự hào về đất nước cũ của mình. Tình cảm đó hiện rõ khi ông nói về hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh có tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác.
“Người Mỹ gốc Việt chúng tôi có quan tâm tới tranh chấp Biển Đông hay không ư? Có chứ,” ông Philip Nguyen nói chắc nịch. “Tôi có thể nói với bạn là gần như 100 phần trăm người dân ở đây quan tâm. Đây là chủ đề số 1 hiện nay trong cộng đồng của chúng tôi.”
Biển Đông nổi lên như một vấn đề bầu cử quan trọng, không chỉ đối với nhiều người trong số 1,6 triệu người Mỹ gốc Việt, mà còn với 2,6 triệu người từ Philippines, nước cũng đang có tranh chấp với Trung Quốc.
Phương sách khác nhau
Cả hai ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton và Đảng Cộng hòa Donald Trump đều tuyên bố sẽ cứng rắn với Trung Quốc, theo cách riêng của họ.
Làm bộ trưởng ngoại giao từ năm 2009 đến năm 2013, bà Clinton đã tích lũy rất nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với Trung Quốc. Bà đã tỏ lập trường nhất quán mạnh mẽ lên tiếng những hành động hung hăng của Trung Quốc tại những khu vực có tranh chấp ở Biển Đông. Bà là một trong những kiến trúc sư chính của chiến lược “tái cân bằng” của Tòa Bạch Ốc về Châu Á, phần nhiều được xem như một cách để kiềm tỏa Trung Quốc.
“Bà Clinton chắc chắn có tiếng là người có quan điểm diều hâu ở Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc,” Steven Lewis, một chuyên gia Châu Á tại Đại học Rice, nói. “Tôi nghĩ chúng ta có thể nhìn thấy bà ấy tiếp tục thể hiện quan điểm này trong tương lai.”
Quan điểm của ông Trump về Châu Á phức tạp hơn. Dù những chỉ trích nhắm vào Trung Quốc đã trở thành tâm điểm của chiến dịch tranh cử của ông, song những chỉ trích này chủ yếu tập trung vào thương mại, không phải vấn đề quân sự. Ông cũng đã dọa sẽ rút binh sĩ Mỹ khỏi Châu Á, khơi lên câu hỏi liệu ông có nhường ảnh hưởng lại cho Bắc Kinh hay không.
Khi nhắc tới Biển Đông, ông Trump thường cường điệu vấn đề, như hồi tháng 4 khi ông nói rằng Trung Quốc đang xây dựng một “pháo đài quân sự mà có lẽ thế giới chưa từng thấy pháo đài nào giống như vậy.”
Dù các chính trị gia Mỹ đưa ra những luận điệu cứng rắn, thực tế là Trung Quốc đã xúc tiến những hành động khẳng định quyền kiểm soát khu vực có tranh chấp, biến những bãi san hô và những bãi đá thành những hòn đảo nhân tạo có thể hỗ trợ những cơ sở quân sự và đường băng.
‘Little Saigon’
Người Mỹ gốc Việt lâu nay vẫn mạnh mẽ lên tiếng về vấn đề Biển Đông, có lúc thậm chí còn tổ chức những cuộc biểu tình trước đại sứ quán của Trung Quốc tại Washington hoặc những lãnh sự quán khác để phản đối những hành động của Bắc Kinh.
California là bang có dân số người Mỹ gốc Việt đông nhất. Nhiều người sống ở Vùng Vịnh, bao gồm San Francisco, nơi họ tập trung trong một khu phố xuống cấp nhưng nhộn nhịp được gọi là Tenderloin.
Hai block nhà trong khu vực đồi núi trập trùng này được chính thức định danh là Little Saigon vào năm 2004 và có nhiều nhà hàng, quán cà phê và cửa hàng tạp hóa do người Việt làm chủ. Một cặp tượng sư tử đá đứng gác ở cổng vào.
Đây là một trong những khu vực duy nhất còn sót lại trong thành phố nơi mà người ta có thể thuê được một căn hộ giá vừa phải, theo lời ông Philip Nguyen, giám đốc điều hành của Trung tâm Cộng đồng Đông Nam Á. Trung tâm này mở những lớp về nhập tịch và cung cấp hỗ trợ cho những người nhập cư thu nhập thấp, cùng những dịch vụ khác.
“Chúng tôi giờ là người Mỹ, nhưng nhiều người vẫn còn đau đáu nhìn về” Việt Nam. Ông giải thích mối quan tâm của cộng đồng người Việt đối với Trung Quốc: “Chúng tôi hiểu lý do tại sao Trung Quốc phải bành trướng. Nhưng nếu họ bành trướng gây tổn hại cho chúng tôi thì chúng tôi phải lo lắng.”
Lá phiếu có ảnh hưởng
Những chiến dịch tranh cử tổng thống thường không bỏ công sức tiếp cận khối dân nhập cư ở những bang như California, nơi đã bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ trong mọi cuộc tổng tuyển cử kể từ năm 1992.
Nhưng khối cử tri người Đông Nam Á có thể đóng một vai trò then chốt ở những nơi khác, chẳng hạn như ở Florida, Nevada hoặc Virginia, tất cả những bang chiến trường chính yếu mà có thể bỏ phiếu cho ứng cử viên Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử vào tháng 11.
Nhấm nháp ly cà phê đá ở ngoài hiên một quán cà phê của người Việt tại thành phố Falls Church, bang Virginia, ông Lam Nguyen thẳng thừng nêu suy nghĩ của mình về tranh chấp Biển Đông.
“Tôi không thích Trung Quốc,” người tài xế này nói. “Tôi muốn quân đội Mỹ ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông.”
Ngồi gần đó là Keith Lee, một người tổ chức công đoàn địa phương. Ông cũng nói ông không thích việc Trung Quốc tỏ ra hung hăng với Việt Nam, nhưng hoài nghi rằng có nước nào có thể làm bất cứ điều gì để ngăn chặn Trung Quốc.
“Kẻ lớn luôn tìm cách giành phần lớn thôi,” ông Lee ta thán. “Đây là thế giới thực.”
Khoảng 150.000 triệu người Mỹ gốc Việt và gốc Philippines sống ở Virginia. Dù đó là tỉ lệ nhỏ trong số 8,3 triệu người sống ở Virginia, vài năm nữa con số này sẽ đủ lớn để đổi chiều một cuộc bầu cử.
Chỉ cần hỏi Thượng nghị sĩ Mark Warner thì sẽ rõ. Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đến từ bang Virginia này giành một ghế ở Thượng viện vào năm 2014 với cách biệt chỉ 17.000 phiếu.
Ông Warner, theo Đảng Dân chủ, đã tiến hành một nỗ lực có phối hợp để tiếp cận cử tri người Mỹ gốc Á và cuối cùng giành được lá phiếu của họ với tỉ lệ 2-1. Điều này có nghĩa là chỉ riêng số phiếu của người gốc Á không thôi là đã đủ để giúp ông về nhất.
Một thập niên trước, một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ theo Đảng Dân chủ từ Virginia, Jim Webb, giành được ghế tại Thượng viện với cách biệt hết sức mong manh với chỉ 9.000 phiếu bầu, một phần cũng nhờ tiếp cận cử tri người Mỹ gốc Á.
Không biết bầu cho ai
“Tôi nghĩ ông Trump sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc, nhưng tôi thực sự không biết,” ông Binh Tran nói. Ông sở hữu và quản lý một tiệm bánh ở Trung tâm Eden ở Falls Church, một khu thương mại đầy những cửa hàng do người Việt làm chủ.
Nhìn chung, người Mỹ gốc Á đang có quan điểm chính trị tự do hơn và phần lớn không thích ông Trump, theo một cuộc thăm dò được thực hiện hồi tháng 5 bởi một nhóm những tổ chức vận động của người Mỹ gốc Á.
Nhưng người Mỹ gốc Á không bỏ phiếu thống nhất. Chẳng hạn như người Mỹ gốc Việt lâu nay thường bỏ phiếu cho phía Cộng hòa, một phần vì những ứng cử viên Cộng hòa được xem là cứng rắn hơn đối với với chính quyền cộng sản.
Trong khi đó, sự ủng hộ dành cho ông Trump trong khối dân gốc Philippines có thể bị tổn hại vì ông Trump đưa Philippines vào danh sách “những quốc gia khủng bố” màà ông sẽ cấm nhập cảnh.
Tình hình này trở nên phức tạp hơn khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gần đây đã có những phát biểu chỉ trích mối quan hệ quân sự của Manila với Mỹ, và được cho là đang đưa đất nước ông xích lại gần Trung Quốc.
Tiếp cận
Cả bà Clinton và ông Trump đều đã có những nỗ lực nhằm tiếp cận người Mỹ gốc Á.
Vào tháng 1, chiến dịch tranh cử của bà Clinton ra mắt một nhóm có tên là Cử tri Mỹ Người gốc Á và đảo Thái Bình Dương Ủng hộ Hillary. Đầu tuần này, ông Trump loan báo thành lập một Ủy ban Cố vấn Người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương “để hỗ trợ và củng cố những mối quan hệ” với cộng đồng đó.
Nhưng không rõ liệu hai ứng cử viên có sử dụng vấn đề Biển Đông để cố gắng giành phiếu hay không. Giáo sư Lewis của trường Đại học Rice cho biết đó có thể là một chiến lược mạo hiểm.
“Bà Clinton sẽ khôn ngoan khi tỏ ra thận trọng trong việc tăng cường quan hệ quân sự với Việt Nam hay Philippines, vì lịch sử phức tạp của chúng ta với hai nước này,” ông nói.
Khi quyền lực tối thượng được nuôi dưỡng?
Cát Linh, phóng viên RFA
Trong thời gian chỉ hơn một tuần, ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra hai sự việc có liên quan đến lực lượng công an, gây bức xúc dư luận. Sự việc gây thêm nhiều tranh cãi sau khi sự việc kết thúc mà cơ quan có thẩm quyền không đưa ra lời giải thích rõ ràng thoả đáng, thậm chí có những yêu cầu được cho là không hợp lý.
Vì sao lực lượng công an, một lực lượng đóng vai trò giữ tính nghiêm minh pháp lý trong xã hội lại có những hành động mà mọi người đều cho là trái pháp luật?
Dung dưỡng, bao che
Vụ việc phóng viên Trần Quang Thế của báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội bị hành hung khi đến tác nghiệp tại cầu Nhật Tân hôm 23 tháng 9 chưa kịp lắng xuống thì tối ngày 29 tháng 9, ở khu vực Hồ Con Rùa, TP Hồ Chí Minh, dư luận lại dậy sóng trước hành vi một cán bộ công an Phường Quận 3 nắm tóc, kéo lê một người phụ nữ.
Cách xử lý những hành vi sai phạm của lực lượng công an, luôn luôn là dung dưỡng, bao che. Nhiều trường hợp đã quá rõ, ai cũng thấy.
- Nhà báo Trương Duy Nhất
Hành vi của người thi hành công vụ ở hai miền Nam, Bắc này không phải là những sự việc đầu tiên được lan truyền trên mạng xã hội. Rất nhiều những vụ việc được chia sẻ rộng rãi từ trước đến nay như công an phường, xã vẫn có thể lôi kéo một người dân nhốt vào trụ sở phường, xã; hoặc một công an khu vực có thể gõ cửa kiểm soát nhà dân vào lúc nửa đêm mà không trình lệnh khám xét; hoặc cảnh sát giao thông chặn người dân lưu thông đường để tra hỏi giấy tờ bất cứ lúc nào…
Tất cả những hình ảnh đó được nhà báo Trương Duy Nhất giải thích rằng do luật pháp Việt Nam quá nặng về nghĩa bảo vệ cho các hành vi của phía công an.
“Cách xử lý những hành vi sai phạm của lực lượng công an, luôn luôn là dung dưỡng, bao che. Nhiều trường hợp đã quá rõ, ai cũng thấy. Như trong cuộc biểu tình năm 2011, một sĩ quan công an đứng trên xe buýt đạp vào mặt người dân.”
“Những hành vi của anh cảnh sát như thế là hành vi côn đồ, phải được xử lý nghiêm. Nhưng kẻ hành hung đó lại không bị kiểm điểm, thậm chí chỉ khiển trách, cảnh cáo thôi. Trong khi đó lại phạt hành chính anh nhà báo kia.”
Một điều đặc biệt mà những người quan tâm đến luật pháp Việt Nam đều nhận thấy, đó là những bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam được giao cho chính lực lượng công an soạn.
Chính vì điều này mà nhà báo tự do Trương Duy Nhất cho rằng luật pháp được xây dựng luôn nặng về ý nghĩa làm sao để cho cơ quan công quyền dễ hành xử hơn, bảo vệ quyền lợi của cơ quan đó chứ không phải tìm cách để bảo vệ quyền lợi của người dân.
Phóng viên Quang Thế bị phạt hơn 14 triệu đồng về 6 lỗi vi phạm. Screen capture
Một nhận định khác từ bác sĩ Đinh Đức Long, nguyên trung tá quân đội Việt Nam cũng có cùng một lập luận:
“Xưa nay (trong pháp luật) bao giờ họ cũng bênh người thi hành pháp luật, cụ thể là cơ quan hành pháp luôn bảo vệ nhau. Thế còn người dân thấp cổ bé họng thì rất khó vì không ai bảo vệ, mặc dù có bằng chứng rành rành nhưng họ vẫn cố tình bóp méo đi.”
Cựu tù nhân công giáo, Trần Minh Nhật đưa ra nhận xét về những người làm luật, có trách nhiệm giữ gìn pháp luật lại chính là những người không biết luật, hoặc là biết mà cố tình làm ngơ:
“Xét ở 1 phạm vi tổng thể thì mình nhận thấy là bức tranh pháp luật ở Việt Nam đa phần là không biết, mà có biết cũng làm ngơ, hoặc ép người ta theo ý của mình. Đây không phải là pháp trị nữa mà là nhân trị, hay đa số trị.”
Trở lại với sự việc phóng viên Trần Quang Tuấn bị hành hung, đập phá máy ảnh trên cầu Nhật Tân, đại tá Nguyễn Duy Ngọc, phó giám đốc Công an Thành phố Hà Nội trả lời báo chí rằng đó là hành động gạt tay, chân chứ không phải đánh phóng viên. Tuy nhiên, rất nhiều hình ảnh và video lan truyền trên mạng cho thấy sự việc không như lời giải thích của ông Nguyễn Duy Ngọc và càng làm cho dư luận những ngày qua bày tỏ sự bất bình trước hành vi của lực lượng công an. Nhà báo Trương Duy Nhất cho biết:
“Những phản ứng giận dữ trong sự việc đó đa phần trên mạng, chứ còn các toà báo phản ứng rất yếu ớt. Những hành vi với phóng viên như thế phải thuê luật sư khởi tố. Chính cái đó làm cho công an càng thêm lậm quyền và hành vi đó càng ngày càng nhiều hơn. Chưa bao giờ hình ảnh công an tệ đến mức như bây giờ.”
Quyền lực tối thượng?
Câu chuyện của những người dân bị triệu tập vào đồn công an, trải qua thời gian xét hỏi, giam giữ và cuối cùng là… chết vì một lý do nào đó không còn là những tin tức xa lạ với người dân trong nước. Tuy nhiên, dư luận chưa bao giờ bày tỏ sự đồng tình với những lý do mà phía lực lượng công an đưa ra.
Nói về điều này, bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng:
Họ đã bế tắc hoàn toàn, cố tình bất chấp mọi phán xét dư luận và chà đạp lên hệ thống pháp luật để bao che cho hệ thống hành pháp, cụ thể là công an.
- Bác sĩ Đinh Đức Long
“Nó là cái trò hề nực cười. Nó thể hiện rằng họ đã bế tắc hoàn toàn, cố tình bất chấp mọi phán xét dư luận và chà đạp lên hệ thống pháp luật để bao che cho hệ thống hành pháp, cụ thể là công an.”
Khi một quyền lực, nhất là quyền lực của người cầm dây cương pháp luật, người thi hành công vụ được đặt trong một xã hội thiếu dân chủ thì nghiễm nhiên, quyền lực ấy có sức mạnh đàn áp tất cả dù là tự vệ từ phía người khác. Đó là nhận định của nhà báo Trương Duy Nhất.
“Một đất nước thiếu dân chủ cho nên tạo nên tâm lý người Việt sự sợ hãi quá, nhìn công an là thấy sợ, mà không ý thức được quyền của mình. ngay cả một toà báo cũng không dám đấu tranh. Càng ngày càng tạo cho lực lượng công an trở thành như một lực lượng kiêu binh của chế độ.”
Trần Minh Nhật thì cho rằng sự tồn tại của quyền lực tối thượng ấy một phần là do:
“Yếu tố bình đẳng trước pháp luật và đời sống không thực dự hoàn toàn, vì nền tảng dân chủ của mình còn rất thấp.”
“Công an đánh phóng viên không xử lý nghiêm, ngày mai sẽ đánh ai?”, đó là câu nói được dư luận ví von theo lời phát biểu của Bộ trưởng Công an Tô Lâm khi nói về công tác phòng chống tội phạm “Hôm nay cướp bánh mì, ngày mai sẽ cướp gì?”
Một câu hỏi về một quyền lực và công bằng trong xã hội mà chưa có câu trả lời.
0 nhận xét