Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Thé giới – 02/10/2016

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2016 19:20 // , ,

No sub-categories
Tin khắp nơi – 02/10/2016

Trump ‘có thể tránh thuế suốt 18 năm’

Một tờ báo của Mỹ nói họ thu thập được tài liệu cho thấy tỷ phú Donald Trump báo lỗ hơn 900 triệu USD khi khai thuế thu nhập liên bang vào năm 1995.
Tờ The New York Times nói khoản lỗ lớn đến mức có thể đã làm cho ứng viên đảng Cộng hòa phải ‘tránh trả thuế hợp pháp trong 18 năm’.
Ban vận động tranh cử của ông Trump đã từ chối công bố khai thuế và không xác nhận cũng như không phủ nhận quy mô các khoản lỗ của ông.
Ứng viên của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton đã đề cập nhiều đến hồ sơ thuế của ông Trump.
Ông Trump là một doanh nhân giỏi và có trách nhiệm với doanh nghiệp, gia đình và nhân viên để không phải trả thuế nhiều hơn yêu cầu về mặt pháp lý.Chiến dịch vận động của Donald Trump
Trong cuộc tranh luận gay gắt giữa hai ứng viên Tổng thống lần đầu tiên được tổ chức hôm 26/9/2016, bà đã buộc ông Trump phải rơi vào thế thủ vì đã không công bố chứng từ khai thuế, cho rằng ứng viên kiêm tỷ phú này hẳn đang che dấu “điều gì đó kinh khủng”.
Khi bà Clinton cáo buộc ông không nộp thuế thu nhập liên bang, ông Trump trả lời điều đó chứng tỏ “tôi thông minh.”
Bà Clinton đã công khai chứng từ của bà trong giai đoạn gần 40 năm, trong khi người đồng hành với ông Trump, Mike Pence, đã công bố bằng chứng khai thuế 10 năm.
‘Doanh nhân giỏi’
Trong phóng sự của mình, tờ New York Times nói ba trang tài liệu được gửi vào tháng trước tới một trong các phóng viên của Tòa soạn báo này là những người viết bài về tài chính của ông Trump.
Một kế toán cũ cho các ông trùm bất động sản, Jack Mitnick, có tên xuất hiện như người khai thuế cho hồ sơ của ông Trump, nói tài liệu dường như là ‘bản sao đích thực’ của các phần chứng từ khai thuế năm 1995, theo tờ báo.
Hôm thứ Bảy, chiến dịch vận động của ông Trump cáo buộc tờ New York Times trở thành “một phần mở rộng của chiến dịch Clinton”.
Ông Trump, theo chiến dịch vận động, là một “doanh nhân giỏi và có trách nhiệm với doanh nghiệp, gia đình và nhân viên để không phải trả thuế nhiều hơn yêu cầu về mặt pháp lý.
Vẫn theo ban vận động của ông Trump, ứng viên tỷ phú đã “trả hàng trăm triệu USD tiền thuế tài sản, doanh thu và thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bất động sản, các loại thuế của thành phố, thuế tiểu bang, thuế lao động và thuế liên bang, cùng với các đóng góp từ thiện rất đáng kể.”
Kể từ năm 1976, mọi ứng viên tổng thống được đề cử bởi một đảng lớn ở Mỹ đều đã công khai tài liệu khai thuế.

Hungary trưng cầu về đón người tỵ nạn

Hungary đã sẵn sàng trưng cầu dân ý về việc liệu có chấp nhận đón và giúp tái định cư số người tỵ nạn bắt buộc theo yêu cầu của Liên minh Châu Âu (EU) hay không.
Thủ tướng cánh tả Viktor Orban chống lại kế hoạch giúp tái định cư 160.000 người di cư trong toàn khối.
Theo kế hoạch được công bố năm ngoái sau khủng hoảng người nhập cư, Hungary có thể sẽ nhận 1.294 người xin tỵ nạn.
Các khảo sát cho thấy những người nói sẽ đi bầu có khả năng sẽ bỏ phiếu từ chối. Để quyết định này có hiệu lực, kết quả phải hơn 50% số người đi bỏ phiếu trưng cầu.
Trong cuộc khủng hoảng nhập cư, Hungary trở thành quốc gia nằm trên đường trung chuyển từ khu vực Tây Balkan đến Đức và các nước EU khác.
Trong nỗ lực kiềm chế dòng người di cư, nước này đóng cửa biên giới với Serbia và Croatia. Biện pháp này nổi tiếng tại quốc gia sở tại nhưng bị các nhóm nhân quyền chỉ trích.
Người đi bỏ phiếu sẽ được hỏi: “Bạn có muốn EU có thể áp đặt việc tái định cư các công dân không phải người Hungary đến Hungary thậm chí không thông qua Quốc Hội?”
Tháng 12/2015, Hungary nộp đơn lên tòa án chống lại kế hoạch của EU, vốn có thể dẫn đến việc tái định cư trong hai năm.
Trong phỏng vấn trên truyền hình hôm thứ Năm 29/9, ông Orban nói: “Nếu có nhiều phiếu chọn ‘không’ hơn là chọn ‘có’, điều đó có nghĩa là người Hungary không chấp nhận quy định mà các quan chức Ủy ban Châu Âu muốn áp đặt lên chúng tôi.”
“Càng có nhiều người nhập cư, nguy cơ khủng bố càng cao,” ông nói thêm, theo một đoạn trích được hãng tin Reuters đăng tải.
Kế hoạch của EU nhằm làm giảm bớt áp lực lên Hy Lạp và Ý, đường đi chính của người nhập cư và tị nạn đến Châu Âu.
Để kết quả trưng cầu trở thành hiện thực, cần có hơn 50% trong số 8,3 cử tri Hungary tham gia bỏ phiếu.

TT Mỹ: “Chế độ nghỉ bệnh có lương là một nhu cầu”

Trong bài diễn văn vào mỗi thứ Bảy hàng tuần, Tổng Thống Obama hôm 1/10 đề cập tới tầm quan trọng của việc bảo đảm các gia đình Mỹ phải được hưởng chế độ nghỉ bệnh được trả lương.
Hiện nay, hàng triệu gia đình Mỹ không được hưởng chế độ nghỉ bệnh có lương phải đối mặt với những chọn lựa khó khăn khi gia đình họ có người lâm bệnh và phải làm những quyết định có thể dẫn tới nguy cơ bị đuổi việc, hoặc những rủi ro đối với sức khoẻ.
Tổng Thống Obama trong thời gian qua đã nhiều lần kêu gọi các thành viên của Đảng Cộng hoà tại quốc hội hãy thông qua một đạo luật bảo đảm đa số thành phần lao động có cơ hội được hưởng 7 ngày bệnh được trả lương mỗi năm. Cho tới bây giờ, quốc hội Mỹ do Đảng Cộng hoà chiếm đa số, vẫn chưa ra tay hành động.
Nhưng điều đó vẫn không ngăn cản Tổng Thống Obama hành động ở bất cứ nơi nào mà ông có thể để giúp nhiều người Mỹ hơn được trả lương khi nghỉ bệnh.
Bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2017, các nhà thầu làm việc theo hợp đồng với chính phủ liên bang Mỹ được yêu cầu phải áp dụng chế độ cho phép nhân viên mỗi năm được 7 ngày nghỉ bệnh có lương.
Tổng Thống Obama nói làm như vậy là bởi vì “nghỉ bệnh ăn lương không chỉ là một điều tử tế, mà là một nhu cầu, phải có.”
Toàn văn và video của bài diễn văn hàng tuần của Tổng thống Hoa Kỳ có trên trang web tại địa chỉ sau đây:
https://www.whitehouse.gov/the-press-office/2016/10/01/weekly-address-time-give-families-access-paid-sick-leave

Ấn Độ sắp phê chuẩn hiệp định Paris về khí hậu

NEW DELHI —
Ấn Độ, nước phát thải khí nhà kính nhiều thứ ba trên thế giới, dự kiến phê chuẩn hiệp định Paris về khí hậu hôm Chủ nhật, 2/10. Đây là một cú hích lớn đối với nỗ lực toàn cầu để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu,
Việc Ấn Độ chính thức đồng ý phê chuẩn giúp cho hiệp định càng có nhiều khả năng có hiệu lực. Hiệp định sẽ có hiệu lực sau khi 55 nước chiếm 55% lượng khí thải của thế giới phê chuẩn.
Với chữ ký của Ấn Độ, 62 quốc gia chiếm hơn một nửa lượng khí thải của thế giới đã tham gia hiệp định.
Liên hiệp châu Âu cho biết họ sẽ phê chuẩn hiệp ước vào tuần tới. Hoa Kỳ và Trung Quốc đã làm như vậy hồi tháng trước.
Việc phê chuẩn của Ấn Độ rất có ý nghĩa. Mặc dù đất nước có 1,2 tỷ dân chiếm khoảng 4% lượng khí thải trên toàn thế giới, nước này đang chuẩn bị có “bước nhảy vọt” trong việc sản xuất năng lượng phục vụ cho nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh của mình.
Hiệp định Paris đặt mục tiêu hạn chế sự ấm lên toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp bằng cách thúc đẩy để thế giới hoàn toàn không còn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Ấn Độ đã hứa đến năm 2030 sẽ giảm 1/3 mức độ phát thải từ nhiên liệu hóa thạch so với mức của năm 2005. Mức độ phát thải này là một cách đo đếm mức ô nhiễm phát ra trên một đơn vị tăng trưởng kinh tế.
Ấn Độ dự định sẽ đạt được điều đó bằng cách chuyển mạnh mẽ sang năng lượng tái tạo, tạo ra 40% điện từ các nguồn năng lượng sạch vào năm 2030. Phần lớn số này sẽ nhờ năng lượng mặt trời, trong khi cho đến nay Ấn Độ chủ yếu phát điện nhờ vào than gây ô nhiễm.

Philippines:

Nhóm Abu Sayyaf trả tự do cho 3 ngư dân Indonesia

Hôm 2/10 tại Philippines, khủng bố Hồi Giáo Abu Sayyaf đã trả tự do cho 3 ngư dân Indonesia mà chúng bắt giữ làm con tin từ hồi tháng Sáu năm nay.
Tin này được hai chính phủ Phi và Indonesia xác nhận, cho biết thêm những người may mắn sẽ được đưa từ đảo Jolo về Manila, và trao cho nhân viên Đại Sứ Quán Indonesia.
Cho đến sáng nay, vẫn chưa rõ tại sao khủng bố Abu Sayyab lại trả tự do cho những ngư dân Indonesia. Thông thường, bọn gian chỉ làm điều này sau khi nhận được tiền chuộc.
Cả Manila lẫn Jakarta không nói gì về chuyện này.

LHQ lên kế hoạch thực hiện chương trình không gian đầu tiên

Liên hiệp quốc đang có kế hoạch thực hiện chương trình không gian đầu tiên trên quỹ đạo Trái Đất để tiến hành các thí nghiệm khoa học cho những quốc gia không có đủ kinh phí thực hiện chương trình khoa học không gian riêng.
Kế hoạch được nói phối hợp thực hiện với Sierra Nevada Corporation, nhà sản xuất ra loại phi thuyền có thể tái sử dụng với tên Dream Chaser. Phi thuyền này có thể đáp xuống bất cứ sân bay thông thường nào.
Thông tin vừa nêu được công bố chính thức tại Hội nghị Không gian Quốc tế diễn ra trong tuần ở Guadalajara, Mexico. Cụ thể theo kế hoạch vào năm 2021 sẽ phóng phi thuyền Dream Chaser vào quĩ đạo Trái Đất.
Văn phòng Không gian Sự vụ của Liên hiệp quốc – UNOOSA cho hay đang có kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật cho những quốc gia chưa có kinh nghiệm tiến hành thí nghiệm vi trọng lực.
UNOOSA được thành lập năm 1958 nhằm cổ xúy cho hoạt động sử dụng không gian vào mục tiêu hòa bình. Tuy nhiên từ khi ra đời cho đến nay UNOOSA chưa tiến hành được một chuyến bay nào vào không gian.
Một quan ngại hiện nay là vấn đề kinh phí tài trợ cho chương trình. Cách thức là kêu gọi đóng góp và chính những quốc gia muốn tham gia cũng phải đóng phí; tuy nhiên mức phí sẽ không quá cao cho nước muốn dự phần vào chương trình.

Mỹ, Đức và Israel

chỉ trích TT Philippines vì tự so sánh với Hitler

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter đã lên tiếng chỉ trích « những nhận định đáng lo ngại » của tổng thống Philippines khi ông Duterte tự ví mình với Hitler và so sánh cuộc chiến chống ma túy của nước này với cuộc thảm sát người Do Thái.
Lời bình luận của người đứng đầu Lầu Năm Góc được đưa ra ngày 30/09/2016 bên lề một hội nghị về an ninh với đồng nhiệm Đông Nam Á. Chính tại đây, ông Carter cố gắng trấn an các đồng nhiệm rằng Washington tiếp tục chính sách « tái cân bằng » tại châu Á trong chính phủ Mỹ sắp được bầu.
Ngày 01/10/2016, đến lượt Israel lên tiếng phản đối những lời tuyên bố của ông Duterte. Bản thông cáo của bộ Ngoại Giao Israel khẳng định « đây là một lời tuyên bố không phải lúc và chúng tôi tin rằng tổng thống Philippines sẽ có cách giải trình rõ ràng những phát biểu của mình ».
Tuy nhiên, cũng trong ngày 01/10, tổng thống Duterte từ chối rút lại lời phát biểu trên. Bản thông cáo của phát ngôn viên tổng thống, ông Ernesto Abella, cho biết : « Chúng tôi không tìm cách giảm nhẹ cái chết của 6 triệu người Do Thái trong các lò thiêu. Ông Duterte chỉ muốn lấy đó để chứng minh cho « quyết tâm triệt hạ » 3 triệu tội phạm buôn bán ma túy để đảm bảo tương lai cho thế hệ tới và cho đất nước ».
Trước đó, Berlin đã thông báo với đại sứ Philipines ở Đức là việc tổng thống Duterte so sánh cuộc chiến chống ma túy ở nước này với cuộc thảm sát người Do Thái của Hitler là « hoàn toàn không thể chấp nhận được ».
Ngày 30/09, ông nói : « Hitler đã tàn sát 3 triệu người Do Thái. Có 3 triệu kẻ buôn bán ma túy (ở Philippines). Tội sẽ rất vui được triệt hạ họ ». Tuy nhiên, con số người Do Thái bị phát xít Đức tàn sát mà ông Duterte là hoàn toàn sai : có khoảng 6 triệu người Do Thái bị thiệt mạng trong Thế Chiến II.
Tổng thống Philippines nổi tiếng vì những phát ngôn bột phát, đôi khi mang tính thóa mạ. Ông thường đánh giá Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu là « đạo đức giả » khi chỉ trích chiến dịch chống tội phạm ma túy đầy bạo lực và đẫm máu của Manila.

Úc: Sẽ sớm xác định

thủ phạm bắn hạ chuyến bay MH17 ở Ukraina

Trả lời đài truyền hình Úc ABC vào hôm nay, 02/10/2016, ngoại trưởng Úc Julie Bishop khẳng định rằng những kẻ tình nghi bắn hạ chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines – chuyến bay MH17 – trên bầu trời Ukraina năm 2014, sẽ được nhận diện từ đây đến cuối năm, hay đầu năm tới.
Theo ngoại trưởng Úc, trong khoảng thời gian vừa kể, Canberra sẽ xác nhận « danh sách những người bị cho là có trách nhiệm (về sự cố) và khi ấy sẽ phải tiến tới việc xét xử ».
Vào hôm thứ Tư 28/09, các công tố viên quốc tế điều tra vụ chuyến bay MH17 bị bắn rơi trên không phận đông Ukraina đã kết luận rằng chiếc máy bay Malaysia đã bị trúng một hỏa tiễn Buk, do Nga chế tạo, bắn đi từ một ngôi làng Ukraina do lực lương ly khai thân Nga kiểm soát.
Kết luận trên đi ngược lại với thông báo của Nga, vốn quy trách nhiêm cho quân đội Ukraina trong việc bắn hạ chiếc máy bay Malaysia bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur, làm cho toàn bộ 298 hành khách và nhân viên phi hành đoàn bị thiệt mạng. Trong số hành khách có 28 người Úc, còn phần đông nạn nhân còn lại là công dân Hà Lan.

Syria: Aleppo tiếp tục hứng chịu bom đạn của Nga và Damas

Ở Syria, chiến sự vẫn ác liệt tại Aleppo, với một bệnh viện lớn trong khu vực phía đông thành phố do quân nổi dậy trấn giữ bị trúng oanh kích của quân chính phủ Syria và không quân Nga. Vào lúc các nỗ lực ngoại giao để khôi phục lại lệnh hưu chiến có vẻ như đang bị những căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Nga nhận chìm, lực lượng của Damas đã chiếm lĩnh những quả đồi nhìn xuống thành phố.
Từ Beyrouth, thông tín viên RFI Paul Khalifeh tường trình :
Không quân Nga và Syria đã liên tục mở những đợt oanh kích tại tất cả các mặt trận ở Aleppo. Hôm qua là lần thứ hai trong tuần, bệnh viện lớn nhất ở khu vực phía Đông do lực lượng nổi dậy kiểm soát bị không kích. Chỉ còn 6 bệnh viện hoạt động trong khu vực này, nơi có tới 250.000 thường dân sinh sống. Con số này cao gấp 5 lần số dân thường sinh sống ở khu vực phía Tây thành phố do quân đội chính phủ kiểm soát.
Quân đội Syria và các đồng minh tiến quân từ từ song song với các đợt pháo kích và không kích. Đây là chiến thuật cho phép họ chiếm dần các khu vực Souleiman al-Halabi và Boustan al-Bacha, nằm ở giữa và phía Bắc của đường ranh giới chia Aleppo làm đôi. Đây là lần thứ hai kể từ năm 2012 các đường ranh giới này bên trong thành phố thay đổi.
Các đơn vị quân chính phủ cũng đã bao vây nhiều quả đồi gần khu trại của người Palestine ở Handarat, phía Đông Bắc Aleppo mà họ giành được từ quân nổi dậy trong tuần qua. Thành công này cho phép lực lượng chính phủ giám sát các khu vực quân nổi dậy chiếm đóng bên trong thành phố.

Đại hội đảng Bảo Thủ Anh khai mạc

ở Birmingham với trọng tâm Brexit

Đại hội đảng Bảo Thủ Anh chính thức khai mạc ngày hôm nay 02/10/2016 tại Birmingham. Chủ đề Brexit chắc chắn được đề cập đến nhiều. Hơn ba tháng sau cuộc trưng cầu dân ý, thủ tướng Therasa May ngày càng phải đối mặt với nhiều sức ép đòi bà cho biết cụ thể cách thức rút nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Thủ tướng May phát biểu về chủ đề này trong phiên họp chiều nay.
Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Muriel Delcroix cho biết thêm chi tiết :
Nắm bắt được tâm trạng nóng ruột toàn diện hiện nay, bà Theresa May đã dự kiến nói rõ hơn một chút về quan điểm của bà trong việc thoát ly khỏi Liên Hiệp Châu Âu trong bài diễn văn « Một nước Anh toàn cầu : thực hiện Brexit thành công ».
Cho dù mục tiêu đã rõ ràng nhưng cách thức tiến hành lại không được như vậy. Cũng chính vì thế mà chẳng cần phải đợi khai mạc đại hội ở Birmingham, nhiều cựu bộ trưởng phe bảo thủ đã gửi một bản đề xuất yêu cầu thủ tướng thể hiện rõ quan điểm « chủ động hay thụ động » khi thương lượng với Bruxelles và khẩn trương tiến hành các thủ tục ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Các chính khách bảo thủ đang bị chia rẽ : một số người chủ trương « Brexit cứng rắn », muốn tiến hành nhanh chóng, rõ ràng các thủ tục, ngăn chặn di dân và rút ra khỏi thị trường chung. Một số khác thì theo chủ trương « Brexit mềm mỏng », sẵn sàng ở lại thị trường chung và vẫn mở cửa đón người nhập cư từ các nước châu Âu.
Ở Birmingham, ba thành viên chính phủ chủ chốt theo xu hướng ủng hộ Brexit là ngoại trưởng Boris Johnson, bộ trưởng bộ đặc trách Brexit David Davis, và bộ trưởng Ngoại Thương Liam Fox sẽ tháp tùng theo bà Theresa May. Nhiều người sẽ chăm chú quan sát cuộc đọ sức giữa bà thủ tướng Anh với những người đã được mệnh danh là « ba người lính ngự lâm của Brexit ».

Dầu lửa : Vì sao OPEC đạt được thỏa thuận giảm sản lượng ?

Ả Rập Xê Út, do chịu ảnh hưởng từ việc giá dầu sụt giảm, đã bất ngờ nhượng bộ để Khối Các Nước Xuất Khẩu Dầu Lửa OPEC đạt được thỏa thuận Alger nhằm giảm sản lượng dầu. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, Ả Rập Xê Út vẫn muốn giữ vai trò lãnh đạo thị trường dầu lửa.
Đứng đầu khối OPEC, từ hai năm nay, Ả Rập Xê Út luôn phản đối giảm sản lượng dầu lửa, với mong muốn bảo vệ thị phần của mình trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.
Tuy nhiên, trong một cuộc họp không chính thức của OPEC tại thủ đô Alger của Algeria, Ả Rập Xê Út đã chấp nhận việc Iran (đối thủ cạnh tranh lớn của Ả Rập Xê Út) và các nước Nigeria và Lybia không phải chịu mức hạn chế về sản lượng này. Đây được coi là tín hiệu về một chính sách mới mà Ả Rập Xê Út áp dụng do phải chịu sức ép lớn về ngân sách.
Nhưng các nhà phân tích cho biết vương quốc Ả Rập Xê Út vẫn có nhiều lợi thế hơn các nước sản xuất dầu lửa khác để đối phó với việc sụt giảm giá dầu thô, nhờ vào nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ và mức nợ thì không quá cao.
Ông Spencer Welch, chuyên gia về thị trường dầu lửa của công ty năng lượng IHS nhận xét là « không có sự thay đổi lớn nào trong chiến lược dầu lửa của Ả Rập Xê Út (…) Ả Rập Xê Út không bị bắt buộc phải thay đổi chính sách». Cũng theo chuyên gia này, Ryad cho biết sẵn sàng thông qua thỏa thuận nếu các thành viên khác của OPEC có cùng thiện chí.
Sau sáu giờ họp và nhiều tuần thương lượng, ngày 28/09/2016, OPEC đã quyết định giảm sản lượng từ 33,47 triệu thùng/ngày xuống còn 32,5 – 33 triệu thùng/ngày. Đây là mức giảm sản lượng dầu lớn nhất kể từ năm 2008, khi mà giá dầu giảm từ 150 đô la/thùng xuống còn chưa đến 40 đô la/thùng.
Tuy nhiên, theo công ty tư vấn Capital Economics của Anh, ít có khả năng Ả Rập Xê Út thay đổi quyết định ngay cả khi nước này bị ảnh hưởng nhiều nhất từ biện pháp giảm sản lượng dầu lửa. Cũng theo công ty tư vấn này, thỏa thuận Alger cho thấy Ryad đã mềm mỏng hơn trên thị trường dầu lửa và vương quốc Ả Rập Xê Út sẽ tiếp tục chấp nhận giá dầu thấp và thắt chặt chi tiêu để thích nghi với tình trạng giá dầu sụt giảm.
Năm 2015, Ryad thông tháo thiếu hụt ngân sách đạt mức kỷ lục là 98 tỉ đô la và dự kiến năm 2016 ngân sách thiếu hụt 87 tỉ đô la. Từ giữa năm 2014, Ả Rập Xê Út đã lạm tiêu 170 tỉ đô la dự trữ. Đến cuối tháng 07/2016, dự trữ nước này chỉ còn 560 triệu đô la. Sau khi tăng giá chất đốt, điện, nước và các dịch vụ công khác, tuần này, Ryad đã quyết định cắt giảm 20% lương các bộ trưởng và phụ cấp của các thành viên hội đồng tư vấn.
Trong khi đó, vương quốc Ả Rập lại đang sa vào cuộc chiến đắt đỏ tại Yémen và các căng thẳng khu vực tại Syria và Irak.
Ông Spencer Welch, chuyên gia về thị trường dầu lửa của công ty năng lượng IHS nhấn mạnh : « Ả Rập Xê Út có dự trữ đạt 500 tỉ đô la và mức nợ rất thấp. Vì thế, để đối mặt với giá dầu sụt giảm thì nước này gặp ít khó khăn hơn đa số các nước khác ».
Đối với ông Mohammad al-Sabban, người từng phụ trách lĩnh vực dầu lửa của Ả Rập Xê Út, thỏa thuận Alger không khiến mức sản xuất dầu của nước này thay đổi nhiều, ngay cả khi Ryad phải giảm 500.000 thùng/ngày. Giải thích với BBC, ông Mohammad al-Sabban cho biết : « Điều này cũng chỉ khiến sản lượng dầu của Ả Rập Xê Út giảm xuống bằng mức sản lượng tháng 01/2016 ». Đây cũng là mức nước này đề xuất trong cuộc thương thuyết không mang lại kết quả gì hồi tháng 04/2016 ở Doha.
Trong những tháng qua, vương quốc Ả Rập đã tăng sản lượng lên mức kỷ lục 10,7 triệu thùng/ngày so với mức 10,2 triệu thùng/ngày.
Nhà phân tích người Kowet Kamel al-Harami công nhận là tác động kinh tế của việc sụt giảm giá dầu đã giúp OPEC đạt được thỏa thuận Alger nhưng cũng chính nhờ « việc tạo điều kiện để OPEC đạt được thỏa thuận Alger mà Ả Rập Xê Út ghi được nhiều điểm trên chính trường». Ông nói với AFP : « Ả Rập Xê Út đã cho thấy nước này vẫn đang kiểm soát được OPEC. Ả Rập Xê Út đã tái khẳng định vị thế lãnh đạo của họ (…) Nước này đã nhượng bộ, không chỉ Iran mà cả Nigeria và Libya ».

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.