Sài Gòn thất thủ
Mặc Lâm, Biên tập viên RFA
2016-10-01
2016-10-01
Cơn mưa lớn chưa từng thấy làm Sài Gòn chìm trong biển nước không ai ngờ đó cũng chính là cơ hội cho người dân Sài Gòn nhìn lại cuộc đời mình đang sống qua chiếc màn trắng mênh mông của mưa của nước.
Những con đường cây cối gãy đổ. Những chiếc xe nằm lăn giữa dòng nước như ăn vạ khổ chủ. Những cô gái mặt mũi phờ phạc chiến đấu chống cái lạnh của mưa gió và nước đang ngập lên ngang bụng. Những chàng trai chiến đấu với cơn lũ hung hãn giữa thành phố để kéo chiếc xe máy bất kham vật vã với nước. Đèn phố chớp tắt cùng với sấm sét như đe dọa người dân đang run rẩy tụm lại với nhau. Tất cả những hình ảnh như trong một phim giả tưởng của Hollywood.
Cư dân mạng ngay trong lúc mưa gió đầm đìa, nước ngập khắp nơi vẫn còn đủ thời gian vừa tát nước vừa cầm điện thoại vào Facebook để châm biếm, đùa vui với “mưa cực đoan” và từ đó đồng ý với nhau cụm từ “Sài Gòn thất thủ”.
Sài Gòn thất thủ!
Nhà báo Mạnh Kim tỏ ra mặn mà với hai chữ “thất thủ” ghê lắm mới viết hẳn một dòng tâm trạng được xem là tỉnh táo đến lạnh người. Anh chia sẻ cái lạnh của mưa gió bằng sự so sánh trí tuệ bởi hai từ này. Thất thủ là đầu hàng, là thua cuộc, là tuyệt vọng là những gì mà cuộc sống người dân đang phải sống, dù là là sống chung hôm nay như sống chung với lũ. Là điều mà chính quyền Việt Nam phải thấy, phải lạnh mình, anh viết:
“Thất thủ!
Sài Gòn thất thủ, Biên Hòa thất thủ, Huế thất thủ, Hà Nội thất thủ… Cả nước đang thất thủ bởi những trận mưa ngập ngoài sức tưởng tượng với mức độ ngày một tăng dần.
Không chỉ ngập trong biển nước mênh mông sau những trận mưa mà thậm chí giới chính quyền bây giờ cũng ngượng ngập và “thất thủ” trong việc tìm cách giải thích dư luận, chính xác hơn, Việt Nam đang thất thủ toàn diện.
Kinh tế thất thủ bởi lý thuyết “kinh tế XHCN” đã và tiếp tục dẫn đất nước đến vùng trũng ngập của những khoản nợ này đến những khoản nợ khác.
Giáo dục đang thất thủ vì ngập trong tư duy lạc hậu. Xã hội đang thất thủ bởi ngập sâu trong tội ác.
Y tế thất thủ khi ngập trong sự bất lực của giới điều hành.
Môi trường thất thủ bởi cuộc tấn công không thể kiểm soát của những Formosa trước sự bất lực, tuyệt vọng, bế tắc và vô tâm.
Con người cũng thất thủ khi ngập trong lối sống đầu độc nhau, bằng hóa chất và nhiều phương cách khác.
Sự thất thủ nguy hiểm nhất và ảnh hưởng tương lai đất nước nhiều nhất vẫn là sự thất thủ trước Trung Quốc.
Việt Nam đã không thể “thoát Trung”. Việt Nam vẫn bám chặt vào Trung Quốc. Việt Nam đang thất thủ. Toàn diện.
Có con đường nào cho tương lai đất nước? Không và không bao giờ, nếu người ta chấp nhận sự thất thủ này mà không thay đổi thể chế.
Không thay đổi, Việt Nam chỉ còn một con đường duy nhất để đi: con đường đi đến chỗ chết.”
Mạnh Kim đang nói sự thất thủ không tránh được và anh xót xa với hai từ “Thất thủ” đến chạnh lòng.
Trong khi đó, Đàm Hà Phú lại nhìn “Sài Gòn thất thủ” ở một hướng khác. Những cơn mưa gây ngập là thứ tình yêu ngọt ngào đắm đuối mà thượng đế dành cho con người. Trong cái giá buốt ấy không thiếu những con chuột run rẩy bám vào chiếc lưới B40 một cách tuyệt vọng. Con chuột hơn gì chúng ta, đeo bám vào tâm lý tự thưởng và né tránh. Nó chỉ là một cơn mưa thôi mà….
Tự đánh lừa mình như đã từng bao nhiêu năm nay, người Sài Gòn vốn hiền lành và nhẫn nhục như vừa bị đánh thức bởi những dòng thơ của Đàm Hà Phú:
“Chúng ta đừng nói về chính trị nữa,
chỉ có bọn phản động mới nói chuyện chính trị,
còn chúng ta là người yêu nước,
hãy nói về cơn mưa tình yêu của chúng ta,
thật dồi dào nước,
mọi con phố biến thành sông, biết bao thứ chìm và tan đi trong nước,
hàng ngàn xe máy về nhà ngã, bị cuốn trôi và chết máy,
con nít khóc ngất, cha mẹ chúng cũng khóc theo trong đói và lạnh,
những người phụ nữ tơi tả dắt xe đi giữa dòng nước lũ, chán ngán nhìn kẹt xe và nước cống…
một thảm cảnh như sóng thần vừa cuốn qua chăng, không, chỉ là cơn mưa,
chúng ta nguyền rủa cơn mưa, một cơn mưa như mọi cơn mưa khác,
chỉ khác là nó rơi trên một đất nước tiêu nhiều ngàn tỉ vào tượng đài, vào vinashin hay vinaline, vào xe công vào tiệc tùng vào mừng sinh nhựt bố thủ trưởng vào cổng chào vào cắt cỏ thủ đô và giao thầu cho TQ chống ngập…
nó chỉ là cơn mưa, chỉ khác là nó rơi xuống một đất nước lạc hậu hiếm hoi toàn dân đi xe máy,
nơi người ta chết vì đủ thứ lý do lãng xẹt và có nạn tham nhũng bậc nhất hành tinh,
chỉ khác là cơn mưa nó rơi ở chỗ chúng ta không nói chuyện chính trị,
đúng rồi, chỉ có bọn phản động mới nói chuyện chính trị,
chúng ta chỉ nên nói về cơn mưa.”
Ngập lụt tại Sài Gòn – Nguồn cảm hứng sáng tác
Trong khi đó nhà báo Đào Tuấn tường thuật lại hình ảnh Sài Gòn thất thủ bằng những giòng điện tín gửi đi từ một căn phòng ngập nước. Những tiếng gõ từ chiếc máy tính sũng nước và hào hễn bởi bị nước tấn công. Nhà báo tường trình:
“Hàng ngàn chiếc xe máy ở Nguyễn Siêu trở thành tàu ngầm.
Biệt thự triệu dollar của Mr Đàm ngập trong nước khiến anh, quần tới gối, khuôn mặt thẫn thờ như mặt bức tượng sáp 12 tỉ vnd.
Tòa “tháp” Bitexco ngập từ trong ngập ra, ngập từ ngoài ngập vào.
Một khung cảnh dữ dội và lãng mạn như trong đại sảnh con tàu Titanic gãy đôi. Các nàng Rose ống thấp ống cao tay xách nách mang trong tòa tháp cao nhất Sài Thành.
Một clip quay cảnh anh soái ca lao mình giữa dòng nước “cứu” chiếc xe máy trôi như bao diêm, à như chiếc lá – thu hút đến ngót 100k like, 35k lượt bình luận và hàng vạn share.
Sân bay Tân Sơn Nhất trở thành sân bơi, bãi đáp của Thủy phi cơ. Bến xe Chợ Lớn biến thành bãi canoing.
À còn nữa, các nữ y tá hò dô ta bắt lươn trong hành lang bệnh viện.
Toàn dân sặc nước với những vận động viên bất đắc dĩ điện thoại dắt trên lưỡi trai nón bảo hiểm.
Toàn dân sặc nước với những vận động viên bất đắc dĩ điện thoại dắt trên lưỡi trai nón bảo hiểm.
Những chiếc bus thủy phi cơ “mất điện” giữa dòng thác. 20 chuyến bay trong nước và quốc tế phải bay vòng vòng.
Facebook tràn ngập 2 chữ thất thủ. Có người, trí tưởng tượng thật là phong phú, nhắc đến một cơn “đại hồng thủy”.
Đâu đó vang lên bản nhạc “Sài Gòn ngập quá Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi”.
Một con chuột cố bám víu vào hàng rào B40 ở một nơi nào đó trong sự kiện “Sài Gòn thất thủ” tối qua. Đúng là một khoảnh khắc lịch sử!”
Hầu như tất cả các phương tiện đầu tê liệt. Người dân chì có thể dắt hoặc đẩy. Courtesy of giaobao.com
Đúng là một khoảnh khắc lịch sử. Ngày 30 tháng Tư là một khoảnh khắc lịch sử, lúc ấy Sài Gòn thất thủ với một bản nhạc mà 41 năm sau những người lính Mỹ cuối cùng tại Việt Nam vẫn còn nhớ: White Christmas.
Nhưng bây giờ bản nhạc người dân Sài Gòn lấy ra làm tín hiệu là “Mùa mưa trên thành phố Hồ Chí Minh.”
Người dân Sài Gòn có bản tính mau quên. Họ thụ hưởng văn hóa nhiều vùng miền gộp lại làm ra bản sắc Sài Gòn, trong đó cái hồn nhiên của người miền Tây đã làm cho Sài Gòn bớt đi héo hắt của nắng nóng hay lập cập của mưa giông cùng nước ngập mù trời.
Ngay cả ngập thì Sài Gòn vẫn “ngập đúng quy trình” dưới tiếng cười giễu nhại của người Sài Gòn gốc miền Tây hãy cùng nghe giọng hô lô tô trong khi nước vẫn còn dưới chân, vừa hô vừa nhảy lò cò…
Sài Gòn ngập đúng quy trình
Mưa to, nước ngập lưng giời
Lau “bu-gi” rồi “lau người” đi anh
Sài Gòn ngập… đúng “quy trình”
Sài Gòn đỏ, Sài Gòn xanh…Sài Gòn
Lau “bu-gi” rồi “lau người” đi anh
Sài Gòn ngập… đúng “quy trình”
Sài Gòn đỏ, Sài Gòn xanh…Sài Gòn
Uống bia cho phố bớt buồn
Trăm con phố ngập thành sông cả rồi
Ta quy hoạch phố tuyệt vời
Mưa to là ngập, nắng thời tắc mau
Trăm con phố ngập thành sông cả rồi
Ta quy hoạch phố tuyệt vời
Mưa to là ngập, nắng thời tắc mau
Mưa thì nước lộn lên đầu
Nắng thì “tắc kẹt” có sầu riêng không
Mưa về, tát nước chổng mông
Nắng lên, ùn tắc cả trong lẫn ngoài
Nắng thì “tắc kẹt” có sầu riêng không
Mưa về, tát nước chổng mông
Nắng lên, ùn tắc cả trong lẫn ngoài
Hòn ngọc Viễn Đông đâu roài
Bắt lươn trên phố bài hoài dưới mưa
Mưa to không ngại ướt thơ
Sợ áo em ướt sững sờ mờ xa
Bắt lươn trên phố bài hoài dưới mưa
Mưa to không ngại ướt thơ
Sợ áo em ướt sững sờ mờ xa
Áo em khoét cổ, xẻ tà
Mỏng manh mưa ướt thành ra lộ hàng
Sài Gòn mưa ngập chứa chan
Ngắm phố đang lụt, ngắm nàng thơ đi
Mỏng manh mưa ướt thành ra lộ hàng
Sài Gòn mưa ngập chứa chan
Ngắm phố đang lụt, ngắm nàng thơ đi
Đặng Hữu Phúc
Thiệt hại
Quanh đi quẩn lại người ta lại quay về với hiện thực đời sống. Sau khi những nụ cười gượng gạo trôi đi người Sài Gòn lại nhận ra mình mất thứ này, hụt thứ kia. Xe hư, nhà sập, mái dột, đồ đạt sũng nước nhìn mà thấy nao lòng…. tất cả những cái thất thủ ấy quay trở lại tấn công họ sau khi nước rút. Những đôi mắt thẫn thờ, những nụ cười nhợt nhạt.
Nhưng dù sao người Sài Gòn vẫn phải sống vẫn phải tự cày cuốc trên vùng đất sinh nhai của mình.
Và đôi khi họ nhìn nhau cười thật lớn, cười hả hê, cười không nhặt được mồm khi nghe anh chàng Facebooker Hoàng Dũng đề nghị kiểm điểm mưa đã làm cho Sài Gòn thất thủ:
“Kết nạp đảng cho ông Trời, yêu cầu mưa theo nghị quyết, chỉ đạo của đảng. Nếu làm sai gây ngập sẽ kỷ luật cảnh cáo. Tiếp tục tái diễn thì chuyển công tác ra Trung ương.”
0 nhận xét