Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tranh chấp Biển Đông – 16/09/2016

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016 19:25 // , ,

Tin Biển Đông – 16/09/2016

Nhật tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông

Nhật Bản sẽ gia tăng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông thông qua một loạt các cuộc tuần tra “tập huấn” chung với Mỹ và các đồng minh của Mỹ tại vùng biển đang tranh chấp này. Đó là tuyên bố của tân bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Tomomi Inada ngày 15/09/2016 tại Washington.
Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược CSIS, bà Inada, được xem là một nhân vật “diều hâu” trong chính phủ Nhật, cho biết là các cuộc tuần tra tập huấn mà Nhật Bản tham gia sẽ bao gồm các chiến hạm của Hoa Kỳ và Hàn Quốc và các cuộc tuần tra này sẽ có bản chất tương tự như các cuộc tuần tra mà hải quân Mỹ tiến hành thường xuyên để bảo đảm quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.
Vào đầu tháng 09, Nhật Bản đã loan báo sẵn sàng cung cấp các tàu tuần duyên mới cho Việt Nam, đồng thời chấp thuận cấp hai tàu tuần duyên lớn cho Philippines cũng như cho nước này thuê các máy bay giám sát cũ. Nhưng theo lời bộ trưởng Quốc Phòng Nhật, chính các cuộc tuần tra của Mỹ đã đóng vai trò trọng yếu trong việc chặn bớt những hành động xâm lấn của TC ở Biển Đông.
Hiện giờ chưa biết là Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào về các cuộc tuần tra chung mới của Nhật với Mỹ ở Biển Đông, nhưng trong những tháng gần đây, TC đáp trả ngày càng cứng rắn các cuộc tuần tra như vậy của Mỹ. Tháng 5/2016, các tư lệnh TC đã ra lệnh cho một đội chiến đấu cơ bay đến khu vực bên trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross) khi một chiến hạm của Mỹ tuần tra sát đảo này.
Tuy vậy, trong bài phát biểu hôm qua tại CSIS, bà Inada nhấn mạnh rằng, trong khi củng cố tiềm lực quân sự trước sự xâm lấn của TC trong khu vực, Tokyo cũng muốn “thảo luận thẳng thắn” với Bắc Kinh về phương cách giảm nhẹ căng thẳng ở vùng châu Á.

Philippines: Chưa đến lúc đàm phán song phương với TC về Biển Đông

Trong một hội nghị tại New York hôm qua, 15/09/2016, ngoại trưởng Philippines khẳng định hiện tại «chưa phải là lúc đàm phán song phương» với TC về Biển Đông. Tuy nhiên, ông Perfecto Yasay hy vọng trong tương lai hai bên có thể thương thuyết «cởi mở» về vấn đề này, một khi hợp tác trong các lĩnh vực khác được đẩy mạnh.
Theo trang mạng Philippines Rappler.com, nhân chuyến công du tới Hoa Kỳ để tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay có bài phát biểu tại Trung Tâm Chiến Lược và Nghiên Cứu Quốc Tế CSIS ở Washington D.C. Trả lời câu hỏi của giám đốc chương trình Đông Nam Á của CSIS, bà Amy Searight, về bước kế tiếp trong tranh chấp tại Biển Đông với TC, ngoại trưởng Philippines khẳng định: «Hiện tại, vào thời điểm này, chúng tôi chưa chuẩn bị để đàm phán song phương với Trung Quốc về các bất đồng tại Biển Đông».
Theo ông Perfecto Yasay, lập trường của hai bên về khuôn khổ đàm phán còn rất khác biệt. Manila không thể đàm phán, khi Bắc Kinh không công nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực, và đây là quan điểm của Philippines. Hồi tháng 7/2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực, có trụ sở tại La Haye, Hà Lan, đã ra phán quyết lịch sử trong vụ Philippines kiện TC về Biển Đông, rất bất lợi cho Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ngoại trưởng Philippines cũng để mở ra viễn cảnh hai bên có thể «đàm phán cởi mở không cần bất cứ điều kiện tiên quyết nào về cách thức giải quyết bất đồng liên quan đến Biển Đông». Theo lãnh đạo ngoại giao Philippines, tranh chấp biển chỉ là «một phần nhỏ» trong quan hệ toàn diện giữa Philippines và TC. Đối với ông, con đường tốt nhất để đưa tất cả các bên vào bàn đàm phán là «hướng Trung Quốc, cũng như các nước láng giềng, đến các lợi ích khác như thương mại, đầu tư, phát triển hạ tầng cơ sở, trao đổi văn hóa, tiếp xúc giữa nhân dân các nước».
Ngoại trưởng Philippines cũng bày tỏ hy vọng là cựu tổng thống Ramos – sau chuyến thăm không chính thức TC với nhiệm vụ « phá băng » – sẽ được cử làm đặc phái viên chính thức để thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh.
Về quan hệ đồng minh lâu đời với Washington, theo ông Perfecto Yasay, chính sách xích gần lại với TC hay các nước ASEAN của Manila không đồng nghĩa với việc Philippines tìm cách xa lánh Mỹ. Ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh, «ngoại giao độc lập là chính sách» của Philippines và «quan hệ hữu nghị» với tất cả các nước là điều được ghi trong Hiến pháp.

Tháng 11, thời điểm định mệnh của Biển Đông?

Bắc Kinh đang rình rập thời cơ để chiếm lĩnh bãi cạn Scarborough của Philippines, một tử huyệt của Biển Đông. Thời điểm lý tưởng nhất là khi cuộc tranh cử tổng thống Mỹ đi vào giai đoạn cuối, khi toàn thể công luận và chính giới Mỹ bị thu hút vào trận đấu quyết liệt giữa Hillary Clinton và Donald Trump ngày 08/11/2016.
RFI tóm lược bài phân tích «Bắc Kinh có lẽ đang chờ thời điểm lý tưởng để tấn công ở biển Nam Trung Hoa» (Beijing may be waiting for the perfect timing to strike in South China Sea, trên Asia Times.online) của chuyên gia Harry Kazzianis, tân giám đốc Nghiên cứu Quốc phòng Mỹ thuộc Trung tâm vì Quyền lợi Quốc gia ở Washington (Nixon Center cũ)
Tác giả của nhiều công trình nghiên cứu địa chính trị ở châu Á và chiến lược của TC tại Biển Đông cho rằng mọi phân tích thời sự đều suy đoán TC sẽ công khai chiếm lĩnh bãi cạn Scarborough trong những tuần lễ sau cùng trước bầu cử tổng thống Mỹ ngày 08/11.
Ván bài lật ngửa của Tập Cận Bình
TC của Tập Cận Bình đang đi vào một quỹ đạo nguy kịch. Vì những yếu tố lịch sử phức tạp, sau một thế kỷ biến động do bàn tay của Tây phương và Nhật Bản, cộng với tinh thần chủ nghĩa dân tộc đại Hán, TC không còn bằng lòng với danh hiệu cường quốc kinh tế thứ hai và đại cường quân sự thứ hai trên thế giới với những vũ khí tối tân như «tên lửa diệt hàng không mẫu hạm», như «máy bay oanh tạc siêu thanh» còn trong giai đoạn dự án.
TC cũng không thỏa mãn với chiến lược «một vành đai, một con đường», với sáng kiến Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á, dấu hiệu của một nước sắp trở thành siêu cường.
Các báo cáo gần đây đều cùng chung một kết luận: TC muốn nhiều hơn thế nữa và sẵn sàng thu tóm iển Đông để tạo thế thượng phong. Cơ hội bằng vàng để ra tay là lúc Hoa Kỳ bận tâm vào cuộc bầu cử tổng thống.
Các nhà phân tích Á châu tin rằng TC sẽ hành động liều lĩnh sau khi bị thua Philippines ở Toà Trọng Tài La Haye. Hoàn Cầu Thời Báo, trong một số tháng 7, gọi Úc là «mèo giấy» và đe dọa «sẽ đánh phủ đầu» nếu hải quân Úc tiến vào Biển Đông. Tuy nhiên, ngoài một vài tuyên bố bất cẩn, vài bài báo khiêu khích, kể cả hình «tự sướng-máy bay quân sự mới» Bắc Kinh biết ẩn nhẫn chờ qua Thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, đầu tháng 9. Ban lãnh đạo đảng Cộng sản TC biết rõ leo thang không đúng lúc là một sai lầm chiến lược.
Thời cơ đã đến: giai đoạn thích hợp nhất là từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 11, Hoa Kỳ bị «việt vị» ở Biển Đông vì cuộc bầu cử tổng thống. Vào thời điểm này, công luận Mỹ tập trung vào cuộc bầu cử được xem là sôi động chưa từng thấy.
Một viên chức trong bộ Quốc Phòng Mỹ xin ẩn danh cho là «nếu Trung Quốc ra tay thì thời điểm từ giữa tháng 9 đến tháng 11 không phải là tốt nhất».
Thế nhưng, một đồng nghiệp cùng bộ lại phân tích khác: «Giới lãnh đạo Trung Quốc tin rằng ở giữa cuộc bầu cử tổng thống, không một nhật báo Mỹ nào đưa thời sự Trung Quốc lên trang nhất trừ phi có súng nổ đạn bay. Và họ không ngu dại đâu. Cơ hội tốt đã đến»
Tham nhưng không ngu
Giới ngoại giao Đông Nam Á cũng cùng nhận định: «Trung Quốc của Tập Cận Bình sẵn sàng chơi ván bài lật ngửa. Họ không cần vỏ bọc «trổi dậy hoà bình». Họ không cần che dấu tham vọng nữa, lòng tham thống trị Biển Đông».
Cho dù tổng thống Mỹ đã cảnh cáo, nhưng TC đâu có sợ mang tai tiếng «đe dọa hoà bình, ảnh hưởng đến quan hệ song phương hay không» khi chiếm lấy Scarborough.
Một nhà ngoại giao cao cấp của ASEAN xin dấu tên giải thích bằng câu hỏi: Tại sao TC không lợi dụng thời cơ củng cố thế mạnh tại Biển Đông? Mỹ thì lo bầu cử. Tổng thống Obama không phản ứng khi Bachar al Assad dùng bom hóa học, vi phạm «làn ranh đỏ» ở Syria. Các quốc gia ASEAN biết rõ ông Obama sẽ không cứu chúng tôi vì một bãi đá ở Biển Đông, nhất là nhiệm kỳ đã hết.
Sáng ngày 03/09, truyền thông quốc tế đã «tiếp vận» thông tin của New York Times theo đó Bắc Kinh đã bố trí nhiều hải thuyền chung quanh bãi cạn Scarborough mà Philippines, Đài Loan và TC tranh giành. Sự kiện này chỉ là một bước mới trong tiến trình xâm lấn của TC từ nhiều thập niên qua. Thông tin của New York Times cho biết TC huy động tàu công binh để nạo cát, giai đoạn đầu để xây đảo nhân tạo và lập căn cứ quân sự như đã tiến hành tại nhiều nơi khác ở Biển Đông. Cùng lúc đó, sức mạnh quân sự của TC trong khu vực đang được tăng cường một cách nhanh chóng trong những năm tháng tới đây qua các tiền đồn mới trên các đảo nhân tạo.
Scarborough chỉ cách đảo Luzon, nơi Hoa Kỳ có căn cứ không quân và hải quân có 200 km.
Điều tệ hại, là chính vào thời điểm này, quan hệ giữa Mỹ và Philippines rơi vào cảnh «cơm không lành canh không ngọt» vì tổng thống Duterte có những lời tuyên bố xúc phạm tổng thống Obama, tạo cơ hội tốt cho Bắc kinh «rấn tới».
Gọng kềm Cam Ranh và Subic Bay bảo vệ «di sản thế giới»
Theo chuyên gia Harry Kazzianis, để tránh chuyện đã rồi, trước hết, tổng thống Obama phải dứt khóat cảnh cáo TC bằng những biện pháp trừng phạt cụ thể như là xem xét lại quan hệ với Bắc kinh, không cho TC tham gia cuộc tập trận RIMPAC (Vành đai Thái Bình Dương) hay đình chỉ đàm phán những thỏa thuận đầu tư.
Manila, cho dù có bất đồng với Washington về nhân quyền, cũng phải hợp tác chặt chẽ với Mỹ, không cho TC tiến hành xây dựng căn cứ ở Scarborough.
Mỹ phải xây dựng một chiến lược dài hạn không để TC triển khai lực lượng. Cụ thể là hải quân Mỹ phải năng động hơn, tuần tra thường trực tại Biển Đông với tàu ngầm tấn công ở vịnh Cam Ranh, Việt Nam, huy động hạm đội với Hàng Không Mẫu Hạm trấn đóng quân cảng Subic Bay, Philippines ở phía đông Scarborough.
Bất kỳ một kế hoạch kế đối phó nào, theo tác giả, mục tiêu quan trọng nhất vẫn là «củng cố liên minh chiến lược với các đối tác chiến lược để bảo vệ Biển Đông như là một phần di sản của thế giới, một vùng biển mà tất cả các quốc gia đều có quyền thiên liêng sử dụng».

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.