Tin Thế giớii – 16/09/2016
Biển sẽ được bảo vệ tốt hơn
Steve Herman
BỘ NGOẠI GIAO MỸ —
Hơn 120 dự án bảo tồn biển, với các cam kết đóng góp gần 2 tỷ đô la vừa được loan báo tại một hội nghị lớn về đại dương do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức. Các giới chức cho hay các biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến hơn 2 triệu kilômét vuông các khu bảo tồn biển mới hoặc mở rộng trên khắp thế giới.
Phát biểu tại hội nghị Đại dương của chúng ta, Tổng thống Barack Obama công bố thành lập khu bảo tồn biển quốc gia đầu tiên ở Ðại Tây Dương, tiếp theo sau một hoạt động của ông hồi tháng trước mở rộng một khu vực tương tự quanh các đảo ở Hawaii ở Thái Bình Dương.
Tổng thống Obama nói với các bộ trưởng của chính phủ các nước và các quan khách quốc tế đến dự hội nghị rằng còn nhiều việc nữa cần phải làm vì tính chất của đại dương thay đổi và mực nước biển dâng cao, đe dọa nhấn chìm sinh kế của con người và toàn bộ cộng đồng.
Tổng thống Obama cho biết: “Tôi hiểu rằng trong bối cảnh giữa chúng ta và đại dương, đại dương sẽ thắng không cách này thì cách khác, do đó phía chúng ta phải điều chỉnh cho thích ứng. Chứ không có cách nào khác.”
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry trong phát biểu khai mạc hội nghị đã chỉ ra rằng đến nay có 500 “khu vực chết” trên các đại dương của thế giới, nói đơn giản là ở đó “sự sống không tồn tại.”
Ngoại trưởng Kerry nói: “Chúng ta đến hội nghị này là để phải làm nhiều hơn, và phải làm nhanh hơn.”
Hội nghị không chỉ tập trung vào các vấn đề môi trường thôi.
Đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không có quy định là một vấn đề quan tâm lớn khác.
Ngôi sao điện ảnh Leonardo DiCaprio đã giới thiệu một công nghệ mới miễn phí mà diễn viên này góp phần tài trợ sẽ giúp người sử dụng theo dõi hoạt động đánh bắt thủy sản trên toàn cầu.
Diễn viên DiCaprio nói: “Tôi khuyến khích mọi người thử công nghệ này.”
Đó là một thiết bị phối hợp công nghệ vệ tinh với radar trên các tàu thuyền để cho phép mọi người có kết nối Internet theo dõi được tuyến hoạt động của hàng ngàn tàu thuyền thương mại trong nỗ lực ngăn chặn đánh bắt thủy sản bất hợp pháp.
Thị trưởng London:
Người mới nhập cư ở Mỹ không cần phải hòa nhập văn hóa
Thị trưởng London Sadiq Khan, trong một chuyến công du đến thành phố Chicago ở miền bắc của Mỹ hôm 15/9, lập luận rằng những người nhập cư mới tới Mỹ không cần phải hòa nhập văn hóa Mỹ, nhưng thay vào đó chính phủ phải làm nhiều hơn nữa để giúp họ xây dựng “những cộng đồng gắn kết.”
Ông Khan, thị trưởng người Hồi giáo đầu tiên của thành phố London, không nêu đích danh ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump, nhưng chỉ trích những lập trường của ông Trump liên quan đến người nhập cư Hồi giáo.
Ông nói ông không can dự vào việc người dân Mỹ chọn ai lãnh đạo đất nước, nhưng nói: “Nếu chúng ta ngụ ý rằng người Hồi giáo không thể giữ những giá trị phương Tây thì chúng ta làm chính xác điều mà những kẻ tìm cách chia rẽ chúng ta muốn, những kẻ cực đoan và những kẻ khủng bố khắp thế giới.”
Ông nói thêm: “Điều này chỉ làm cho việc xây dựng những cộng đồng hội nhập và gắn kết khó khăn hơn và làm cho những kẻ khủng bố cực đoan hóa giới trẻ của chúng ta dễ dàng hơn, khiến chúng ta ít an toàn hơn, cho dù là ở Mỹ, Pháp, hay Anh.”
Trong quá khứ, ông Trump đã kêu gọi áp đặt một lệnh cấm người Hồi giáo vào Mỹ, nhưng kể từ đó đã nới lỏng lập trường của mình và nói rằng ông sẽ chỉ cấm những người đến từ những nước “từng được cho thấy có chủ nghĩa khủng bố.”
Thị trưởng London cho biết ông là “người rất hâm mộ” ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton, và gọi bà là “ứng cử viên có nhiều kinh nghiệm nhất tranh cử tổng thống.”
Ông Khan từng gọi ông Trump là “thiếu hiểu biết” vì những phát biểu về người Hồi giáo, không lâu sau khi ông nhậm chức thị trưởng vào tháng 5.
Ông Trump đảo ngược lập trường,
thừa nhận ông Obama sinh ra ở Mỹ
Ứng cử viên tổng thống Mỹ Đảng Cộng hòa Donald Trump – hoặc, ít ra là ban vận động của ông – hôm 15/9 thừa nhận ông Trump tin rằng Tổng thống Barack Obama thực sự sinh ra tại Mỹ, sau nhiều năm ông Trump nêu nghi vấn về quốc tịch của ông Obama.
Trong một tuyên bố, ban vận động của ông Trump nói rằng chính ông Trump đã buộc ông Obama phải công bố giấy khai sinh của mình và khép lại vấn đề mà ông Trump đã giúp thu hút sự chú ý trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama.
Phát ngôn viên Jason Miller nói: “Không có gì bàn cãi, Donald J. Trump là người đã khép lại vấn đề này. Sau khi đã có được giấy khai sinh của Tổng thống Obama trong khi những người khác không làm được như vậy, ông Trump tin rằng Tổng thống Obama sinh ra tại Mỹ.”
Trước đó trong ngày 15/9, bà Hillary Clinton, tại sự kiện vận động tranh cử đầu tiên của bà kể từ khi bà được chẩn đoán bị viêm phổi và buộc phải rời khỏi một sự kiện kỷ niệm ngày 11 tháng 9 hôm Chủ nhật tuần trước vì những vấn đề sức khỏe, đã đả kích ông Trump về sự ủng hộ của ông ta đối với phong trào “birther” đặt nghi vấn về sinh quán của ông Obama.
Bà nhắc tới một bài báo của tờ The Washington Post đăng hôm 15/9 mà trong đó ông Trump từ chối cho biết liệu ông có tin rằng ông Obama sinh ra ở Mỹ hay không, và nói rằng ông không nói về vấn đề này nữa.
Bà Clinton kêu gọi cử tri ngăn chặn “dứt điểm” ông Trump, và điều mà bà gọi là tư tưởng cố chấp của ông, trong cuộc bầu cử tháng 11.
Trong khi ông Trump đã nhiều lần đặt nghi vấn về tính hợp lệ của việc ông Obama làm tổng thống trong tám năm qua và khơi lên những thuyết âm mưu về tính xác thực của giấy khai sinh của ông, phát ngôn viên Miller quy trách bà Clinton mới là người đầu tiên nêu lên vấn đề này.
Ban vận động của ông Trump chỉ ra một thông tư hồi của ban vận động tranh cử của bà Clinton hồi năm 2007, trong đó chiến lược gia Mark Penn nói ông Obama “không có cội nguồn Mỹ” và “về cơ bản không có tính Mỹ trong tư tưởng và giá trị của mình,” như là bằng chứng về vai trò của bà Clinton trong phong trào birther.
Trước đây bà Clinton đã phủ nhận những tuyên bố nói rằng ban vận động tranh cử tổng thống của bà hồi năm 2008 khơi lên tin đồn về nơi sinh của ông Obama.
Mỹ lo ngại
Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng chính trị ở Australia
Phil Mercer
SYDNEY —
Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với chính trị bên trong nước Úc và muốn Canberra có những thay đổi để loại bỏ khả năng của Bắc Kinh dùng các khoản cho tặng tài chính để tác động các chính trị gia Australia.
Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo The Australia, Đại sứ mãn nhiệm John Berry của Mỹ nói rằng ông lo ngại về việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng đối với chính trị bên trong của Australia. Ông Berry nói rằng Hoa Kỳ phản đối khả năng của Bắc Kinh mở rộng quyền lợi của họ bằng cách cung cấp tiền bạc cho các chính trị gia Úc trong một cuộc vận động tranh cử. Ông nói Washington “ngạc nhiên” trước mức độ tác động của chính phủ Trung Quốc vào chính trị của Australia.
Đại sứ Berry nói rằng Hoa Kỳ hy vọng Canberra sẽ bảo vệ “những trách nhiệm cốt lõi của Australia trước những ảnh hưởng quá đáng từ những chính phủ không chia sẻ các giá trị của chúng ta.”
Nhận định của Đại sứ Berry được đưa ra tiếp theo sau vụ từ chức của thượng nghị sĩ Đảng Lao động đối lập, ông Sam Dastyari, người trước đó yêu cầu một công ty có quan hệ với chính phủ Trung Quốc thanh toán một phần chi phí chuyến du hành cho ông.
Vụ việc này đã gây ra bàn tán rộng khắp về mức ảnh hưởng mà các nguồn cho tặng tiền bạc từ nước ngoài tác động lên các nhà lập pháp của Úc.
Ông Peter Jennings, giám đốc điều hành của Viện Chính sách Chiến lược Australia, nói rằng ngay cả nếu không có bằng chứng trực tiếp là tiền bạc của Trung Quốc định hướng các quyết định chính trị của Australia, ông vẫn lo ngại rằng các chính sách của Australia về Trung Quốc đã được thay đổi cho hợp với Bắc Kinh.
Ông Jennings nói: “Rõ ràng là chính phủ Trung Quốc muốn dùng các cộng đồng Hoa kiều hải ngoại để vận động hậu trường cho các lợi ích của Trung Quốc. Tôi đã thấy trong thời gian rất gần đây vụ Biển Nam Trung Hoa. Họ đã vận động rất mạnh cho phía Bắc Kinh để cố làm cho các nước phản ứng hòa dịu trước phán quyết của tòa trọng tài quốc tế ở La Haye cách đây một hay hai tháng.”
Cả hai chính đảng ở Australia đã nhận hàng trăm ngàn đôla từ các bên cho tặng có những lợi ích ở nước ngoài. Các thành viên của Đảng Lao động đối lập và Đảng Xanh Australia tin rằng đã đến lúc phải cấm những cách làm như vậy.
Nhưng cựu Thủ tướng John Howard lại tin rằng cấm như vậy là không đúng:
“Tôi chắc chắn không đồng ý với đề nghị rằng chúng ta phải hạn chế hơn nữa số tiền mà các cá nhân hoặc công ty đóng góp. Trên cơ bản, cách làm đó đánh vào quyền tự do hoạt động chính trị và tự do biểu đạt.”
Đã có những nỗ lực để ra quy định kiểm soát việc cho tặng từ các nguồn nước ngoài. Chính phủ của Đảng Lao động đã đề nghị một dự luật cấm Quốc hội nhận tiền cho tặng nước ngoài vào năm 2010, nhưng đề nghị đó chưa được thông qua thành luật. Các bộ trưởng của chính phủ Đảng Bảo thủ cũng đã ngăn chặn một dự luật tương tự do Đảng Xanh đề nghị với lập luận rằng không có gì cần phải cải cách.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, và sự thịnh vượng trong tương lai của Úc sẽ phụ thuộc một phần lớn vào mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh. Tuy nhiên Australia cần phải cân đối các mối quan hệ thương mại đó với quan hệ liên minh quân sự lâu đời với Hoa Kỳ.
Mỹ chế tài
2 người hỗ trợ cung cấp tài chính cho Nhà nước Hồi giáo
Chính phủ Mỹ ngày 15/9 nêu danh tính hai người đã hỗ trợ cung cấp tài chính cho Nhà nước Hồi giáo.
Hai ông Mohamad Alsaied Alhmidan và Hussam Jamous, đều cư trú tại Thổ Nhĩ Kỳ, bị Bộ Tài chính Mỹ liệt kê vào danh sách những người tạo điều kiện yểm trợ tài chính cho Nhà nước Hồi giáo. Động thái này làm cho tài sản và lợi tức từ tài sản của họ sẽ bị đặt dưới quyền tài phán của Mỹ và họ không thể giao dịch với bất cứ ai tại Hoa Kỳ.
Bộ Tài chính nói Alhmidan tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà nước Hồi giáo tiếp nhận được hàng chục ngàn đôla cùng các chiến binh nước ngoài cũng như cung cấp hỗ trợ hậu cần cho Nhà nước Hồi giáo.
Ông Jamous cũng bị cáo buộc liên hệ đến hoạt động của các chiến binh nước ngoài, và là một trung gian tài chính cho các thành viên Nhà nước Hồi giáo.
Một thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ được công bố ngày 15/9 nói “Động thái ngày hôm nay đánh dấu bước mới nhất trong nỗ lực của Bộ Tài chính nhằm cắt đứt nguồn tài trợ cho Nhà nước Hồi giáo và nêu rõ là những người giúp tài trợ cho Nhà nước Hồi giáo không được miễn trừ trong chiến dịch đánh bại Nhà nước Hồi giáo toàn cầu.”
Hai người này lọt vào danh sách dài những thành viên của Nhà nước Hồi giáo bị chế tài vì có vai trò trong việc hỗ trợ các nguồn quỹ cho tổ chức khủng bố nà
Thủ phạm phóng hỏa đền thờ Hồi giáo ở Florida sa lưới
Cảnh sát Florida bắt giữ người bị tình nghi nổi lửa một đền thờ nơi thủ phạm giết người hàng loạt trong vụ xả súng vào hộp đêm Orlando, Omar Mateen, thường lui tới hành đạo.
Joseph Michael Schreiber, 32 tuổi, bị bắt hôm 14/9 vì dính líu tới vụ phóng hỏa tại Trung tâm Hồi giáo Fort Pierce.
Vụ án này được xử lý như một tội phạm thù ghét, nghĩa là bị cáo có thể đối mặt với bản án 30 năm tù nếu bị kết tội trong vụ tấn công đốt phá. Schreiber trước đó từng bị kết án tù vì tội trộm cắp trong hai vụ việc riêng rẽ.
Schreiber, một người Do Thái, đã đăng những tài liệu chống Hồi giáo lên phương tiện truyền thông xã hội, trong đó có một thông điệp đăng hồi tháng 7 rằng ‘tất cả Hồi giáo đều cực đoan’ và nên bị xem là ‘khủng bố và tội phạm.’ Thông điệp này được viết hoa với vài lỗi chính tả.
Lúc đền thờ bị phóng hỏa hôm thứ Hai, không có ai bên trong, nhưng đền thờ bị lửa tàn phá hầu hết.
Omar Mateen, cư dân Fort Pierce, giết chết 49 người tại một hộp đêm đồng tính hồi tháng 6 trong một cuộc tấn công kéo dài nhiều giờ trước khi cảnh sát đột kích và hạ sát hung thủ. Tin nói Mateen thường lui tới đền thờ này hành đạo. Vụ nổ súng tại hộp đêm Pulse là vụ thảm sát tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Philippines khuyến cáo Mỹ chớ lên lớp về nhân quyền
Một nhà ngoại giao hàng đầu của Philippines cảnh báo Mỹ chớ nên lên lớp chính phủ Manila về nhân quyền. Đáp lại, phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc kêu gọi tất cả các nước, đặc biệt là các nước đồng minh, hãy bảo vệ các nhân quyền phổ quát.
Phát biểu tại Washington ngày 15/9, Ngoại trưởng Perfecto Yasay kêu gọi Mỹ-Philippines nên tôn trọng lẫn nhau, nói rằng Philippines không phải là ‘những cậu em da nâu của Mỹ.’
Tuy nhiên, ông Yasay đảm bảo với các cử tọa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế rằng Manila cam kết một mối quan hệ tích cực với Hoa Kỳ.
Bài diễn thuyết của Ngoại trưởng Philipipnes được đưa ra sau một chuỗi những phát biểu gây tranh cãi của Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte.
Ông Duterte yêu cầu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama chớ có chất vấn ông về các vụ giết người mà không thông qua tòa xét xử, bằng không, ông cảnh cáo: ‘Thằng con hoang, tôi sẽ chửi vào mặt.’
Sau những lời lẽ này, ông Obama đã triệu tập các cố vấn của mình để lượng xem cuộc họp theo lịch trình với ông Duterte tại thượng đỉnh ASEAN tuần trước ở Vientiane (Lào) liệu có mang lại kết quả tốt đẹp hay không. Và Tòa Bạch Ốc đã hủy bỏ cuộc họp, mặc dù lãnh đạo Mỹ-Philippines đã trao đổi ‘vui vẻ’ trong một cuộc gặp ngắn tại gala tiệc tối ở thượng đỉnh ASEAN.
Ông Obama sau đó nói rằng phát biểu của ông Duterte không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa 2 quốc gia đồng minh.
Ngoại trưởng Philippines kêu gọi: “Tôi yêu cầu những người bạn Mỹ, các nhà lãnh đạo Mỹ, hãy hiểu nguyện vọng của chúng tôi. Chúng tôi không thể mãi mãi là những cậu em da nâu bé bỏng của Mỹ… Chúng tôi phải phát triển, chúng tôi phải vươn lên và trở thành người anh cả của dân tộc chúng tôi.”
Ngoại trưởng Yasay cũng thúc giục Washington chớ lên lớp về nhân quyền như là một điều kiện để Philippines nhận được sự giúp đỡ của Mỹ.
“Anh không thể sang Philippines và nói rằng ‘Này tớ sẽ cho cậu vài thứ, sẽ giúp cậu phát triển, nhưng cậu phải tuân thủ danh sách các điều kiện, chúng tớ sẽ giảng dạy cậu về nhân quyền,” ông Yasay nói.
Tại Tòa Bạch Ốc, phát ngôn viên Josh Earnest khẳng định: “Tổng thống đã chỉ rõ rằng nhân quyền tác động đến mối quan hệ với Philippines.”
Mỹ đã làm việc chặt chẽ với Manila trong công tác chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và bạo động có liên hệ tới nạn buôn bán ma túy, ông Earnest cho biết.
“Tuy nhiên, quan trọng là trong lúc thực hiện các hoạt động và nỗ lực ấy, nhân quyền phổ quát được bảo vệ, và tham gia vào các hoạt động thực thi pháp luật phù hợp với cam kết về nhân quyền là hết sức quan trọng,” ông nói thêm. “Và chúng tôi dĩ nhiên khuyến khích các nước trên thế giới, đặc biệt là các đồng minh của chúng tôi, thực hiện chính điều đó.”
Ông Duterte đã gây bức xúc cho Hoa Kỳ vì chiến dịch bài trừ ma túy đẫm máu, giết chết hơn 3.000 người bị tình nghi sử dụng ma túy và buôn bán ma túy kể từ khi lên nhậm chức Tổng thống hồi tháng 6.
Ngoại trưởng Philippines cũng xác nhận rằng Manila không muốn tham gia các cuộc tập trận chung với Mỹ trong vùng biển Đông có tranh chấp như từng làm trước đây.
Một phát ngôn nhân của Ngũ giác đài cho hay đã có ba cuộc tuần tra như thế. Lần đầu hồi tháng 3, lần thứ nhì hoàn thành vào đầu tháng 4. Cuộc tuần tra chung cuối cùng diễn ra hồi tháng 7.
Đức Đạt Lai Lạt Ma gặp Chủ tịch Nghị viện EU,
Trung Quốc nổi giận
Lãnh tụ tinh thần đang sống lưu vong của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma ngày 15/9 gặp Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Martin Schulz, ở Strasbourg.
Theo tờ Politico.eu, các giới chức Trung Quốc phản đối cuộc gặp bằng cách loan báo tức thì đình chỉ chuyến thăm sắp tới của phái đoàn kinh tế EU tới Trung Quốc.
Trong cuộc gặp với Ủy ban Đối ngoại Nghị viện Châu Âu, Đức Đạt Lai Lạt Ma thúc giục các giới chức châu Âu nên ‘phê bình xây dựng’ Trung Quốc nhiều hơn về chính sách của Bắc Kinh tại Tây Tạng.
Trong một thông cáo được soạn sẵn, văn phòng ông Schulz xác nhận cuộc gặp trực tiếp giữa ông Shulz với lãnh tụ Tây Tạng lưu vong tại Dharamsala, qua đó, đôi bên thảo luận ‘các vấn đề toàn cầu và tình hình nhân quyền trên thế giới
Phúc trình về Libya chỉ trích mạnh mẽ Anh và Pháp
Một nhóm các nhà lập pháp Anh đã chỉ trích mạnh mẽ sự can thiệp của Anh và Pháp trong năm 2011 dẫn tới việc lật đổ nhà lãnh đạo Libya, Moammar Gadhafi.
Phúc trình của Uỷ ban các Vấn đề Ngoại giao thuộc Quốc hội Anh nói thiếu kế hoạch sau vụ lật đổ đã khiến cho Libya nhanh chóng lâm vào tình trạng xáo trộn, các dân quân đối nghịch nhau tranh giành quyền lực, và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo càng ngày càng dành được nhiều chỗ đứng tại nước này.
Tại Washington, Bộ Ngoại giao cũng lên tiếng nói rằng khoảng trống quyền lực đã gây ra tình trạng mất trật tự sau khi Gadhafi bị lật đổ.
Cáo buộc này xảy ra đúng 5 năm ngày Thủ tướng Anh lúc đó là ông David Cameron và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đứng ăn mừng chiến thắng tại Quảng trường Tự do Benghazi vào tháng 9 năm 2011 trước đám đông cổ võ reo mừng. Chiến dịch chung phối hợp không kích và tấn công bằng phi đạn đã nhanh chóng lật đổ Gadhafi.
Nhà lãnh đạo Libya từng dọa tấn công thành phố Benghazi do phe nổi dậy chiếm đóng.
Tuy nhiên phúc trình kết luận là Anh và Pháp đã không xác định được rằng mối đe dọa đối với thường dân đã được thổi phồng.
Phúc trình của Uỷ ban Các Vấn đề Ngoại giao về Libya cho biết mục tiêu sơ khởi là nhằm bảo vệ thường dân đã bị buông xuôi trong khi chế độ thay đổi. Theo nhà phân tích Riccardo Fabiani thuộc Tập đoàn Eurasia thì đây là một trong những sai lầm sơ khởi nhất mà Liên minh Anh-Pháp phạm phải.
“Một trong những sai lầm lớn nhất Pháp và Anh phạm phải trong việc can thiệp vào Libya trước tiên là từ chối thiết lập bất cứ cuộc đối thoại nào, bất cứ khả năng thỏa hiệp nào với chế độ Gadhafi. Do đó họ thay đổi luật can dự từ việc bảo vệ thường dân sang lật đổ chế độ Gadhafi.”
Chính phủ Anh cũng bị chỉ trích vì không hiểu được bản chất của cuộc nổi dậy.
Ông David Cameron từ đó đã bênh vực hành động của ông và chính phủ Anh nói rằng hoạt động quân sự được Liên đoàn Ả Rập yêu cầu và được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chấp thuận.
Tòa án EU giữ nguyên chế tài đối với cựu tổng thống Ukraine
Tòa án cao thứ hai của Liên minh Châu Âu hôm thứ Năm phán quyết giữ nguyên những chế tài đối với tổng thống bị lật đổ của Ukraine Viktor Yanukovich, người đã rời khỏi nước này sang Nga vào năm 2014 sau một cuộc nổi dậy của dân chúng.
Ông Yanukovich đã khiếu nại những chế tài của EU về cáo buộc biển thủ công quỹ và hành vi sai trái về tài chính. Phán quyết này có nghĩa là ông ta sẽ không thể tiếp cận được ngân quỹ của ông ta trong những ngân hàng ở Châu Âu và ngân quỹ của một trong những người con trai của ông ta.
Liên minh Châu Âu đã triển hạn những chế tài này cho đến tháng 3 năm 2017. Ông Yanukovich cũng đã khiếu nại quyết định này và vụ kiện tụng vẫn đang tiếp diễn.
Tuy nhiên, ông Yanukovich cũng từng thắng một khiếu nại của ông về những chế tài được áp đặt từ tháng 3 năm 2014 đến tháng 3 năm 2015 vì các chính phủ EU đã không cung cấp đủ chứng cứ mà chỉ căn cứ vào một lá thư từ công tố viên của Ukraine để quyết định áp đặt chế tài.
Interpol đã đưa ông Yanukovich vào danh sách truy nã quốc tế theo yêu cầu của chính quyền Kiev, song Moscow có phần chắc sẽ không dẫn độ ông ta. Ông Yanukovich đã phủ nhận mọi sự dính líu tới tham nhũng. Ông ta có thể yêu cầu phúc thẩm lên tới tòa án hàng đầu của EU trong vòng hai tháng tới.
Thỏa thuận ngưng bắn Syria bấp bênh,
kế hoạch cứu trợ Aleppo bị đình trệ
Lực lượng chính phủ và phiến quân Syria hôm thứ Năm vẫn chưa rút khỏi một con đường cần dùng để giao hàng cứu trợ cho thành phố Aleppo, đe dọa nỗ lực kiến tạo hòa bình quốc tế nghiêm túc nhất trong nhiều tháng qua trong khi hai bên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Việc giao hàng cứu trợ cho mạn đông thành phố Aleppo do phiến quân kiểm soát, nhưng bị lực lượng chính phủ phong tỏa, là phép thử quan trọng đối với một thỏa thuận của Mỹ và Nga đã giúp giảm thiểu đáng kể bạo lực kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực vào ngày thứ Hai.
Đặc sứ Syria của Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura nói rằng Mỹ và Nga lẽ ra sẽ lo liệu việc triệt thoái các lực lượng khỏi con đường này, nhưng cũng chỉ trích Damascus không cung cấp những giấy phép cần thiết để hàng cứu trợ đến được những khu vực khác.
Pháp, nước ủng hộ phe đối lập, trở thành nước đồng minh đầu tiên của Mỹ công khai đặt nghi vấn về thỏa thuận với Moscow, thúc giục Washington chia sẻ chi tiết của thỏa thuận này và nói rằng nếu không có viện trợ cho Aleppo thì thỏa thuận này không đáng tin cậy.
Chính phủ và phiến quân tranh giành kiểm soát Đường Castello, một tiền tuyến chính yếu trong cuộc chiến.
Nga, nước đã sử dụng không quân để giúp chính phủ Syria phong tỏa khu vực thành phố Aleppo do phe đối lập nắm giữ trong mùa hè này, hôm thứ Tư nói rằng họ đang chuẩn bị cho quân đội Syria và những chiến binh của phiến quân bắt đầu rút lực lượng khỏi con đường này.
Nhưng vào sáng thứ Năm, cả chính phủ và phiến quân vẫn giữ nguyên lực lượng tại vị trí của mình. Một quan chức thuộc một nhóm phiến quân Syria ở Aleppo cho biết hàng cứu trợ sẽ tới vào ngày thứ Sáu.
Không có phát biểu nào từ truyền thông nhà nước hoặc quân đội về đề xuất rút lực lượng.
Trong khi đó, cố vấn nhân đạo của Liên Hiệp Quốc Jan Egeland nói cả các phiến quân và chính phủ đều chịu trách nhiệm về việc trì hoãn đưa hàng cứu trợ vào Aleppo.
Ở những nơi khác, ông de Mistura thẳng thừng quy trách chính phủ Syria, nói rằng họ vẫn chưa cung cấp giấy phép thích hợp. Chính phủ Syria đã nói rằng tất cả những hoạt động giao hàng cứu trợ phải được phối hợp với họ.
Khoảng 300.000 người được cho là đang sống ở phía đông Aleppo, trong khi hơn một triệu người sống ở mạn tây của thành phố do chính phủ kiểm soát.
Aleppo, thành phố lớn nhất của Syria trước chiến tranh, là tâm điểm của cuộc xung đột trong năm nay. Lực lượng chính phủ được lực lượng dân quân từ Iran, Iraq và Lebanon yểm trợ gần đây đã đạt được mục tiêu lâu nay của họ là bao quanh mạn đông của thành phố do phiến quân kiểm soát.
Bà Clinton hứa ‘sẽ không bao giờ bỏ cuộc’
Ứng viên Hillary Clinton tuyên bố bà sẽ không bao giờ bỏ cuộc khi nối lại chiến dịch tranh cử sau ba ngày nghỉ ngơi do bị chẩn đoán viêm phổi.
Phát biểu tại cuộc vận động ở Greensboro, North Carolina, ứng viên đảng Dân chủ nói ra quãng thời gian nghỉ ngơi là một món quà, giúp bà ngẫm nghĩ về chiến dịch của mình.
Bà bước lên sân khấu trong giai điệu của ca khúc ‘I Feel Good’ và bài phát biểu về kinh tế.
Cuộc đua vào Nhà Trắng đang trong giai đoạn nước rút, chỉ còn 54 ngày là đến hôm bầu cử.
Bà Clinton quay lại công việc một ngày sau khi bác sĩ cho biết bà “đủ khỏe mạnh để làm tổng thống”.
Bà nói trước đám đông hôm 15/9: “Chưa đầy hai tháng nữa là đến ngày bầu cử, do vậy tôi ngồi ở nhà mà không yên.”
“Người ta cáo buộc tôi đủ mọi thứ,” bà nói thêm, “có thể quý vị đã thấy đó, nhưng không ai có thể buộc tội tôi về việc bỏ cuộc và tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc, cho dù gặp khó khăn đến mấy.”
Tại cuộc họp báo sau đó, bà Clinton được hỏi về việc có chia sẻ chi tiết việc chẩn đoán viêm phổi với người cùng tranh cử, Tim Kaine.
Bà cân nhắc ngôn từ và đáp rằng “nhiều nhân viên cấp cao biết và thông tin đã được cung cấp cho một số người trong đảng”.
Sau đó bà lên máy bay để dự tại một sự kiện ở Washington DC.
Cuộc đua vào Nhà Trắng đang tập trung vào tình trạng sức khỏe và hồ sơ y tế của cả hai ứng viên trong những ngày gần đây.
‘Khiêm tốn’
Anthony Zurcher, phóng viên BBC News, Washington phân tích: “Khi bà Hillary Clinton nối lại hoạt động tranh cử, người ta để ý xem bà ấy có thật sự khỏe mạnh và chất giọng vẫn mạnh mẽ như trước?
Ngoài chuyện giọng bà hơi khàn, bà Clinton cho thấy hình ảnh tương phản với khi được đỡ vào xe hôm 11/9. Nếu bà cứ tiếp tục chứng tỏ thế này, mối quan ngại về sức khỏe của bà sẽ không còn được lưu ý nữa.
Điều đáng chú ý khác là bà biểu thị sự khiêm tốn.
Bà thừa nhận lỗi lầm của mình, nhưng cho biết một trong những điểm mạnh của bản thân là không bao giờ bỏ cuộc.
Thoạt đầu, bà chuyển đề tài từ bệnh tật của mình sang cuộc đấu tranh của những người Mỹ không thể đủ khả năng được chăm sóc y tế đúng chất lượng.
Bà chỉ gọi Donald Trump là “đối thủ của tôi”.
Chiến dịch của bà không ngừng công kích ông Trump trong những tháng qua, nhưng bà dường như hiểu rằng nếu chỉ làm thế thì không đủ để bà trở thành tổng thống”.
Hôm 15/9, ông Donald Trump công bố bức thư của bác sĩ chứng nhận ông có “thể lực tuyệt vời”, dù thừa cân.
Lãnh đạo EU nhóm họp mà không có nước Anh
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk kêu gọi các nhà lãnh đạo EU có cái nhìn “tỉnh táo và trung thực” trước các vấn đề của khối sau cú sốc Anh quốc bỏ phiếu rời EU.
Khi các nhà lãnh đạo châu Âu nhóm họp ở Bratislava mà không có đại diện Anh quốc, họ sẽ thảo luận cách lấy lại lòng tin vào EU.
Hội nghị thượng đỉnh lần này không phải để thảo luận về các cuộc đàm phán với nước Anh, nhưng sẽ xem xét tương lai như một khối 27 quốc gia.
Các quan chức nói rằng ông Tusk xem di dân là vấn đề chính cần giải quyết.
Dù kết quả cuộc trưng cầu dân ý của Anh không nằm trong chương trình nghị sự và Thủ tướng Anh Theresa May không tham dự sự kiện, rất có thể Brexit sẽ phủ bóng lên hội nghị.
Trong thông cáo phát đi vào đêm trước khi hội nghị khai mạc, ông Tusk cho biết sự thật là châu Âu đã bị lung lay “bởi các cuộc khủng hoảng” gần đây, và không thể tiếp tục như thể chẳng có gì sai.
‘Chia rẽ sâu sắc’
Ông đề xuất, EU nên xem xét “những nguyên nhân thực tế của Brexit”.
Nhà lãnh đạo Hội đồng châu Âu kêu gọi các nhà lãnh đạo EU nên trấn an người dân rằng họ đã “học được những bài học từ Brexit”, và rằng họ có thể “mang lại sự ổn định và cảm giác an toàn”.
Nhưng các nước EU đang chia rẽ sâu sắc hơn trong việc làm thế nào thúc đẩy nền kinh tế và Eurozone, bảo vệ an ninh châu Âu và hành xử trước dòng người nhập cư.
Đại diện nước chủ nhà, Thủ tướng Slovakia Robert Fico, là một trong nhóm lãnh đạo Trung và Đông Âu, phản đối việc phân bổ người di cư trên toàn EU.
Ông tuyên bố Slovakia sẽ không nhận “dù chỉ một di dân Hồi giáo” và đặt ra thách thức pháp lý cho kế hoạch này.
Hôm 13/9, Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg, Jean Asselborn, kêu gọi đình chỉ hoặc thậm chí trục xuất Hungary khỏi Liên minh châu Âu vì “vi phạm nặng nề” các giá trị cơ bản của EU.
Ông đưa ra dẫn chứng cách đối xử của chính phủ Budapest với người tỵ nạn, sự độc lập của ngành tư pháp và tự do báo chí.
Với Pháp, ưu tiên hàng đầu là an ninh biên giới sau các vụ tấn công của chiến binh Hồi giáo cực đoan tại nước này.
Pháp và Đức vạch ra kế hoạch thắt chặt hợp tác quân sự châu Âu mà trước đó Chủ tịch Ủy hội châu Âu Jean-Claude Juncker kêu gọi EU cần có lực lượng quân đội chung.
Việc Anh rời EU loại bỏ một trong những trở ngại lớn nhất cho mục tiêu quốc phòng EU mạnh hơn bên cạnh với Nato.
Nathan Law: ‘Hong Kong cần tự trị cao hơn’
Trả lời chương trình HardTalk của BBC News, Nathan Law, dân biểu Viện Lập pháp Hong Kong nói nhu cầu tăng quyền tự trị cho Hong Kong đến từ chỗ Bắc Kinh không coi trọng tình trạng hiện hữu như đã thỏa thuận.Bác bỏ ý kiến rằng đòi hỏi tăng quyền tự trị cho Hong Kong là điều “phá vỡ tình trạng hiện hữu’, Nathan Law, 23 tuổi, nói chính Bắc Kinh đã áp đặt ngày càng nhiều các biện pháp hạn chế dân quyền và tự do của người Hong Kong.
Anh nói “tự do truyền thông, ngôn luận bị hạn chế, và an ninh cá nhân của chúng tôi cũng không còn được đảm bảo”.
“Nếu không có tự trị cao hơn, nếu không hệ thống của chúng tôi ở Hong Kong sẽ bị phá vỡ, bị suy đồi.”
“Bản chất của ‘một quốc gia hai chế độ’ sẽ không còn và tính đặc thù của Hong Kong sẽ không còn.”
“Chúng tôi không phải là phía phá vỡ tình trạng hiện hữu mà chính Bắc Kinh đang làm chuyện đó.”
Là một lãnh tụ của phong trào Demosisto hình thành từ cuộc vận động Dù Vàng năm 2014 chống lại chính sách của Bắc Kinh, Nathan Law (La Quan Thông) đã cùng một số nhỏ nhân vật dân chủ thắng cử vào Viện Lập pháp.
Trang web Demosisto nói phong trào của họ nhằm kêu gọi người dân Hong Kong vận động quyền “dân chủ tự quyết” và hoạt động đối kháng phi bạo lực.
Bên cạnh họ còn có phong trào đòi độc lập cho Hong Kong.
Nhưng đa số các đảng phái thân Bắc Kinh thì cho đây là chuyện không tưởng.
Đạt quá bán phiếu cử tri
Trong cuộc bầu cử vừa qua, theo trang Nikkei Review, phe dân chủ trẻ Hong Kong đã thu hút 55% phiếu ở cả 35 hạt cử tri hôm đầu tháng 9.
Đây là dấu hiệu ‘lòng dân’ đã thay đổi sau các chuyển biến chính trị từ 2014.
Nhưng hệ thống bầu cử Hong Kong chỉ cho phép họ phái dân chủ được 4 ghế dân biểu.
Trong 70 ghế ở Viện Lập pháp, 35 ghế đã được dành riêng cho các hội đoàn, tổ chức nghề nghiệp được chính quyền do Bắc Kinh chỉ đạo.
Chỉ có 35 ghế dân biểu là được đem ra bầu chọn trực tiếp qua phiếu cử tri.
Được biết dù không đòi độc lập, Demosisto vận động cho việc đảm bảo các quy chế để Hong Kong không bị nuốt vào Trung Quốc toàn bộ sau năm 2047.
Sherif Elgebeily, một nhà nghiên cứu từ Anh giảng dạy môn luật tại Hong Kong, việc thực hiện Bộ Luật Cơ bản, do Anh Quốc và Trung Quốc thỏa thuận cho Hong Kong sau cuộc trao trả năm 1997, có thể sẽ không tiến triển gì trên thực tế.
Luật Cơ bản tức hiến pháp riêng cho Hong Kong và đảm bảo ‘một quốc gia hai chế độ’ thậm chí có thể bị biến thành vô hiệu lực sau 2047, theo Sherif Elgebeily trong bài trên trang South China Morning Post về tương lai Hong Kong.
Bắc Hàn khẳng định nước này là cường quốc hạt nhân
Bình Nhưỡng, Bắc Hàn. (Reuters) - Bắc Hàn hôm nay tuyên bố là chương trình vũ khí hạt nhân của nước này đã bước qua cánh cửa cuối cùng và một mục tiêu cho một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu chỉ là vấn đề của sự chọn lựa.
Cảnh cáo của Bình Nhưỡng đã được đưa ra sau khi Không quân Hoa Kỳ cho bay hai máy bay ném bom siêu âm B1 qua bầu trời của Nam Hàn. Trong khi đó Tổng thống Phác Cận Huệ đã kêu gọi loại bỏ chế độ của Kim Jong Un trong trường hợp có một vụ tấn công hạt nhân. Hãng tin chính thức của Bắc Hàn KCNA đã đăng một bài viết với tựa đề cơ hội là do chúng ta định đoạt.
Bài viết nói lý do Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử hạt nhân mới nhất bởi vì Bắc Hàn không còn chịu nổi những luận điệu từ Nam Hàn và Hoa Kỳ nói về việc sụp đổ của Bắc Hàn cũng như loại trừ vai trò lãnh đạo. Bài báo viết, tại thời điểm này Bắc Hàn đã nắm bắt được tất cả những gì cần thiết để trở thành một cường quốc hạt nhân.
Bài báo đe dọa Bắc Hàn sẵn sàng để tiêu diệt các kẻ gây hấn bất kỳ lúc nào. Tờ Rodong Sinmun của Bắc Hàn cho biết các buổi lễ ăn mừng cho vụ thử hạt nhân lần thứ năm thành công đã được tổ chức ở một số thành phố của Bắc Hàn. (Lê Hoàng)
Mỹ phạt ngân hàng Đức 14 tỷ đô la vì bán tín dụng xấu
Deutsch Bank, ngân hàng tư nhân quan trọng nhất nước Đức, bị tư pháp Mỹ phạt 14 tỷ đô la, vì đã can dự vào cơn sốt đầu tư địa ốc trong những năm 2000 tại Hoa Kỳ. Trên đây là tiết lộ của báo Wall Street Journal ngày 15/09/2016. Đây là khoản tiền phạt kỷ lục đối với một ngân hàng châu Âu.
Thông tín viên Marie Bourreau tường trình từ New York,
« Tư pháp Hoa Kỳ chưa buông tha các ngân hàng có các ứng xử không thích hợp, khiến bong bóng đầu cơ tại Hoa Kỳ bị thổi bùng cơn sốt đầu cơ giữa những năm 2000 tại Mỹ. Các ngân hàng Bank of America, Godlman Sachs hay Morgan Stanley đã từng bị kết án bị các hành động tương tự. Tuy nhiên, điều đáng nói là ngân hàng Deutsch Bank có thể là ngân hàng đầu tiên của châu Âu bị phạt với khoản tiền khổng lồ gần 13 tỷ euro.
Washington cáo buộc ngân hàng Đức, thông qua chi nhánh tại Mỹ, đã tung ra thị trường nhiều khoản tín dụng xấu trong lĩnh vực địa ốc trước năm 2008. Hành động này đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tín dụng thứ cấp (subrime).
Ngân hàng Đức đã biết trước đang nằm trong tầm ngắm của bộ Tư Pháp Mỹ và đã chuẩn bị sẵn 5 tỷ euro để chủ động đối phó. Tuy nhiên, Deutsch Bank đã không dự đoán được mức tiền phạt khổng lồ này. Theo những nguồn tin gần gũi với hồ sơ này, được Wall Street Journal trích dẫn, thì hiện tại Deutsch đang bắt đầu thương thuyết để giảm mức tiền phạt, có thể khiến ngân hàng đứng thứ 8 châu Âu này phải lao đao.
Năm 2014, ngân hàng Pháp BNP cũng chịu một cơn động đất tài chính sau khi phải trả nộp phạt gần 8 tỷ euro, do vi phạm lệnh cấm vận đối với các nước như Iran và Cuba ».
Mỹ xem xét khả năng
mở điều tra tổng thống Philippines giết người
Sau lời khai của một “sát thủ hối cải” tại Thượng Viện Philippines ngày 15/09/2016 là đích thân ông Rodrigo Duterte từng hạ sát một nhân viên điều tra và ra lệnh giết khoảng một ngàn người khác thời ông còn làm thị trưởng thành phố Davao (miền Nam Philippines), tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vào hôm nay 16/09/2016 đã phải đối mặt với những lời kêu gọi từ Hoa Kỳ, yêu cầu mở điều tra về vụ việc.
Phát biểu ngay vào ngày 15/09 tại Washington, phó phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Mark Toner xác định rằng Hoa Kỳ đánh giá là những lời cáo buộc nhắm vào tổng thống Philippines rất « nghiêm trọng », được Mỹ « xem xét một cách nghiêm túc » và sẽ cho mở điều tra.
Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch còn yêu cầu Liên Hiệp Quốc đứng ra điều tra. Theo ông Brad Adams, giám đốc khu vực châu Á của tổ chức có trụ sở ở Mỹ này thì : « Không thể hy vọng là tổng thống Duterte cho mở điều tra về chính mình. Do đó, điều thiết yếu là Liên Hiệp Quốc phải đứng ra tiến hành việc đó ».
Trong cuộc điều trần vào ngày 15/09 trước một ủy ban của Thượng Viện Philippines đặc trách điều tra về cái chết của hơn 3.000 nạn nhân trong chiến dịch chống tội phạm mà ông Duterte tung ra từ ngày nhậm chức tổng thống vào cuối tháng Sáu, Edgar Matobato, 57 tuổi, một nhân chứng tự nhận là « sát thủ hối cải » đã khai rằng đích thân ông Duterte đã bắn chết một điều tra viên của bộ Tư Pháp, và ra lệnh hạ sát khoảng 1.000 người ở thành phố Davao từ năm 1988 đến năm 2013.
Nhân chứng này còn thú nhận rằng ông là thành viên một đạo quân tử thần, trong đó có cảnh sát, được giao nhiệm vụ tiến hành chiến dịch giết người đó.
Chính quyền Philippines dĩ nhiên là phủ nhận các cáo buộc. Bộ trưởng Tư Pháp Philippines Vitaliano Aguirre đã cho rằng những cáo buộc của nhân chứng nói trên hoàn toàn « dối trá »và « bịa đặt ».
Chủ tịch Thượng viện Aquilino Pimentel, một đồng minh của tổng thống Duterte, cũng tuyên bố với hãng tin Pháp AFP rằng lời khai của nhân chứng đó không liên quan gì tới nhiệm vụ của ủy ban điều tra thượng viện là xem xét những vụ giết người mới đây mà thôi.
Tuy nhiên, cũng có những tiếng nói đòi điều tra. Thượng nghị sĩ Leila de Lima, chủ tịch ủy ban điều tra của Thượng Viện Philippines thì cho rằng : « Cần phải cho cả nước Philippines biết rõ là các vụ giết người hiện nay giống với những gì đã xảy ra trước đây ở Davao ».
Một nghị sĩ khác, dân biểu Edcel Lagman vào hôm nay cũng kêu gọi tổng thống Duterte bổ nhiệm một ủy ban độc lập để « thiết lập danh sách thủ phạm cũng như nạn nhân » của các vụ giết người bị cáo buộc.
Điện hạt nhân : Anh chấp thuận dự án có vốn Trung Quốc
Chính phủ Anh Quốc vào ngày 15/09/2016, đã thông qua đề án xây dựng trung tâm điện hạt nhân ở Hinkley Point, miền tây nam Anh Quốc. Đề án trị giá 21 tỷ euro, từng bị đình hoãn một lần, sẽ là công trình chung giữa tập đoàn điện lực Pháp EDF và tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc CGN.
Thủ tướng Anh Theresa May, rốt cuộc đã bật đèn xanh vào ngày 15/09 cho việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới EPR, do EDF đảm trách ở Hinkley Point, miền tây nam nước Anh. Bà đã đích thân thông báo tin trên với tổng thống Pháp François Hollande.
Tập đoàn EDF, có mặt từ lâu ở Hinkley Point, sẽ xây dựng hai lò EPR tại đây trong giai đoạn đầu. Hai lò khác sẽ được xây dựng sau đó ở Sizewwell. Ngoài ra còn một lò phản ứng khác sẽ do tập đoàn Trung Quốc CGN, xây dựng ở Bradwell.
Chính sự hiện diện của Trung Quốc trong đề án đã làm cho tân thủ tướng Anh thoạt đầu khó chịu, và vào đầu mùa hè vừa qua, bà đã gây ngạc nghiên khi quyết định tạm đình chỉ đề án để « suy nghĩ thêm ». Nhưng cuối cùng thì Luân Đôn không thể bỏ qua sự tham gia của Trung Quốc, sẽ đóng góp 1/3 đầu tư vào đề án – EDF chịu 2/3 còn lại.
Tuy nhiên sự chấp thuận của chính phủ Anh kèm theo một số điều kiện về mặt an ninh, trong đó có việc công trình không thể đổi chủ nếu không có sự đồng ý của Luân Đôn. Về mặt tài chính, tập đoàn EDF phải luôn nắm đa số phần hùn cho đến khi công trình hoàn tất.
Một điều kiện khác là chính quyền Anh có thêm quyền giám sát các công trình hạ tầng cơ sở chiến lược trong tương lai, như lò phản ứng hạt nhân mà tập đoàn Trung Quốc CGN sẽ xây tại Bradwell.
Theo Luân Đôn, ngay từ năm 2025, trung tâm Hinkley Point sẽ cung ứng 7% nhu cầu điện của nước Anh trong vòng 60 năm sau. Dự án cũng sẽ tạo thêm 26.000 công việc làm.
Tuy nhiên công trình Hinkley Point vẫn bị dư luận chỉ trích gay gắt do chi phí quá cao của đề án, do vấn đề tiềm tàng về môi trường và do sự nghi ngờ đối với Trung Quốc.
Tàu ngầm đang trở thành lực lượng chủ lực của hải quân thế giới
Phần nào bị xem thường sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, tàu ngầm nay đang trở thành một lực lượng chủ lực của hải quân nhiều nước trên thế giới. Đó là nhận định của một chuyên gia thuộc Trung tâm Phân tích Đánh giá Chiến lược và Ngân sách Quốc phòng (Center for Strategic and Budgetary Assessments, CSBA).
Quân đội của nhiều nước châu Á, của Nga và của Mỹ đang nỗ lực đẩy nhanh phát triển, mua và triển khai các tàu ngầm, bởi vì theo lời ông Bryan Clark, thuộc CSBA, các nước này nay nhận thấy rằng những chiến hạm mặt nước hay chiến đấu cơ, dù có tối tân đến đâu cũng khó mà tránh được các tên lửa diệt hạm và tên lửa phòng không. Cho nên, hải quân nhiều nước nay tăng cường lực lượng tàu ngầm để tiến hành một số chiến dịch tấn công.
Khi xảy ra chiến sự, tàu ngầm có thể tiêu diệt cả một hạm đội, còn tàu ngầm có trang bị tên lửa hành trình có thể tấn công những mục tiêu trên đất liền. Ngoài khả năng quân sự quan trọng, tàu ngầm còn có thể thu thập tin tình báo, tổng hợp dữ liệu về các hạm đội của đối phương, thậm chí có thể giám sát những gì đang diễn ra trên đất liền.
Xu hướng phát triển đội tàu ngầm thành lực lượng chủ lực nói trên càng rõ nét ở châu Á, vì các nước trong khu vực phải đối phó với khả năng quân sự ngày càng mạnh của Trung Quốc. Trung Quốc hiện có nhiều phương tiện phòng thủ trên biển và nhiều chiến đấu cơ tối tân để ngăn chận các tàu của đối phương tiến gần bờ biển của họ. Bắc Kinh cũng đã nỗ lực xây dựng một đội tàu ngầm tấn công và nay đang có trong tay 5 chiếc tàu ngầm chạy bằng diesel và 5 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Trước tình hình đó, các nước châu Á buộc phải tăng cường lực lượng tàu ngầm. Nước Úc gần đây đã ký hợp đồng mua 12 tàu ngầm tấn công Barracuda (loại không chạy bằng năng lượng nguyên tử) của Pháp. Về phần Việt Nam, nước tranh chấp gay gắt nhất với Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông, đã mua 6 chiếc tàu ngầm của Nga và nay đã tiếp nhận 5 chiếc. Nhật Bản thì đang dự trù tăng số tàu ngầm từ 18 chiếc chạy bằng diesel lên 22 chiếc vào năm 2018. Ấn Độ, Indonesia và Malaysia cũng phát triển lực lượng tàu ngầm của họ.
Ngay cả Hoa Kỳ nay cũng phải xem xét lại thực lực của họ về tàu ngầm. Tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris gần đây đã cảnh báo về việc Trung Quốc tăng cường tiềm lực quân sự ở vùng Biển Đông và cho rằng Mỹ cần có thêm tàu ngầm tấn công ở khu vực này. Về phần tướng Philip Breedlove, nguyên tư lệnh lực lượng Mỹ ở châu Âu, cũng ra lời cảnh báo tương tự về việc Nga những năm gần đây đã phát triển trở lại đội tàu ngầm.
Trước tình hình đó, hải quân Hoa Kỳ dự trù không tiếp tục cắt giảm số tàu ngầm tấn công nguyên tử. Đội tàu ngầm này từ 100 chiếc vào thập niên 1980 nay đã giảm xuống còn 53 chiếc và cứ theo đà này thì đến năm 2029 chỉ còn 40 chiếc.
Tuy số tàu ngầm hạt nhân giảm, nhưng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục dẫn đầu thế giới về công nghệ, bảo đảm thế thượng phong cho đội tàu ngầm của họ. Hải quân Mỹ đang dự trù trang bị cho tàu ngầm lớp Virginia một module đặc biệt mới vào năm 2019 để tàu ngầm này có thể phóng và thu hồi các tàu ngầm không người lái, một phương tiện quân sự được dự báo là sẽ đóng vai trò quan trọng trong các cuộc chiến tương lai.
0 nhận xét