Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 15/09/2016

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016 17:51 // , ,

No sub-categories
Tin Việt Nam – 15/09/2016

Yên Bái có tân Bí thư Đảng

Hôm 14/9 Đảng bộ tỉnh Yên Bái bầu Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà làm Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015- 2020 với 100% phiếu thuận.
Đây là lần đầu tiên Yên Bái có Bí thư Tỉnh ủy là nữ, theo truyền thông trong nước.
Bà Phạm Thị Thanh Trà, từng giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy, được truyền thông trong nước dẫn lời nói đây là “vinh dự lớn” và “trách nhiệm nặng nề”.
“Tôi xin hứa với các đồng chí sẽ đem hết khả năng và tâm huyết của mình,… vượt qua mọi khó khăn, thách thức phía trước để đưa tỉnh Yên Bái ổn định, phát triển,” bà Trà nói.
Yên Bái bầu bí thư Đảng sau khi Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường bị bắn chết tại nơi làm việc hồi tháng Tám.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố ”vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng” trong đó có ba người thiệt mạng, gồm cả nghi phạm được cho là đã gây ra vụ án mạng.
Dư luận và truyền thông vào tuần này quan tâm tới quyết định bổ nhiệm chức Giám đốc Sở Tài nguyên – Mội trường cho ông Phạm Sỹ Quý, em bà Phạm Thị Thanh Trà.
Quyết định này được ký hôm 9/9, khi bà Trà là Chủ tịch UBND tỉnh.
Một số báo tại Việt Nam đăng thông tin này nhưng gỡ bài sau vài giờ.
Chiều 14/9 giờ Hà Nội, bà Trà được báo Người Lao Động dẫn lời giải thích rằng việc bổ nhiệm cán bộ “là quyết định của tập thể Thường trực Tỉnh uỷ và Thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh Yên bái, theo quy trình cực kỳ chặt chẽ”.
“Từ việc lấy phiếu tín nhiệm của cán bộ công chức trong cơ quan, kể cả người lao động cũng được bỏ phiếu để giới thiệu, rồi ra đến thường trực, tập thể thường vụ đều đảm bảo các bước trong quy trình bổ nhiệm cán bộ.
“Còn việc tôi ký bổ nhiệm là thừa hành theo luật định ở vị trí Chủ tịch UBND tỉnh chứ không phải là quyết định cá nhân…Quy trình bổ nhiệm là cực kỳ chặt chẽ, không có gì để gọi là ưu ái trong trường hợp này”.
Bà Phạm Thị Thanh Trà (52 tuổi) sinh tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Bà Trà từng giữ các vị trí Phó chủ tịch UBND huyện Trấn Yên; Bí thư Tỉnh Đoàn; Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bí thư Thành uỷ TP Yên Bái; Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.

Người Việt lưu giữ hương vị Trung thu ở Mỹ

Tết Trung thu được tổ chức vào ngày rằm tháng tám âm lịch hàng năm. Đây là một ngày lễ truyền thống của một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Mỗi năm vào dịp này, trẻ em sẽ trông trăng và phá cỗ. Ngoài ra, các em còn được người thân mua tặng những món quà như đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân… Và một phần không thể thiếu đó là bánh Trung thu.
Tháng 7 vừa qua, theo tin của Đài tiếng nói Việt Nam, công ty Kinh Đô (TP Hồ Chí Minh) đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ những lô hàng bánh Trung thu đầu tiên để phục vụ cộng đồng gốc Á tại Mỹ. Ngày 13/9, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đã cùng các trẻ em nhỏ bị nhiễm chất độc da cam làm bánh Trung thu trong chuyến thăm Làng Hữu Nghị Việt Nam. Có thể thấy, ngoài tính thương mại, việc làm bánh Trung thu còn là một nét văn hóa.
Ở hải ngoại, không chỉ mang hương vị bánh đơn thuần, bánh Trung thu còn mang tới cho mỗi người con xa xứ mùi vị của quê hương trong dịp tết còn được gọi với cái tên rất đặc biệt: Tết Đoàn viên.
Cô Huỳnh Thị Tuyết Mai, một vị khách mua bánh Trung thu ở thương xá Eden, bang Virginia (Hoa Kỳ), tâm sự cô đã mua hơn 300 đôla tiền bánh và năm nào cũng mua để “ăn dài dài cho tới qua mùa Trung thu luôn.”
Ngoài những cơ sở kinh doanh mua bánh từ các công ty sản xuất theo dây chuyền lớn để bán lại, đâu đó vẫn còn những xưởng bánh thủ công của người Việt tại Mỹ. Anh Trần Hán Vinh, một chủ xưởng bánh lâu năm ở thương xá Eden, cho biết:
“Thật ra thì ở khu Eden này chỉ có tôi là tiệm duy nhất làm bánh trung thu kiểu truyền thống, vẫn theo phong tục như ngày xưa làm nhân từ hạt mà ra. Thí dụ như đậu xanh thì lấy từ hạt đậu để nấu chứ không phải mua từ trong thùng nhập cảng rồi về gói lại để làm bánh. Tôi sẽ làm từ đầu, từ hạt cho tới nhân và trở thành bánh.”
Bánh Trung thu thường có hai loại: bánh nướng và bánh dẻo. Ngoài hình dạng vuông và tròn, bánh Trung thu còn có nhiều kiểu dáng nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là cá chép, lợn mẹ và đàn con. Nhân bánh gồm đậu xanh, trứng muối, lạp sườn, hạt sen, hạt dưa… Sau khi nặn bột đã ngào quanh nhân bánh, người thợ sẽ cho bánh vào khuôn ép rồi sau đó nướng chín. Đối với bánh dẻo, vì vỏ và nhân đều đã được làm chín từ trước nên sau khi tháo khuôn, bánh có thể sử dụng được ngay mà không cần phải chế biến thêm.
Để duy trì một xưởng bánh có thể sẽ không có nhiều lợi nhuận bằng việc nhập về rồi bán lại, nhưng anh Vinh nói:
“Tôi vẫn duy trì vì khách hàng từ mấy chục năm nay dù ở xa hay ở đâu, có chuyển đi đâu vẫn về đặt bánh ở đây. Bánh của tôi đã quen từ hồi nào tới giờ rồi nên tôi vẫn làm. Tuy rằng tôi biết là nó không bằng những cái mua sẵn về bán, nhưng ngược lại bánh của tôi vẫn thơm, vẫn ngon, vẫn tươi, đó là cái điều tôi vẫn duy trì tới ngày hôm nay.”
Tết Trung thu còn là một trong những dịp để kết nối cộng đồng và duy trì truyền thống văn hóa Việt ở hải ngoại.
Theo anh Vinh, hàng năm vào các dịp lễ, Tết, cộng đồng người Việt ở vùng Washington DC, Virginia và Maryland quy tụ lại rất đông và đây là cơ hội tốt để thế hệ trẻ sau này được biết và tiếp tục duy trì phong tục truyền thống của người Việt ở Mỹ.

Khi nào bỏ đảng mới trở thành phong trào?

Khách quan mà nói, đảng cầm quyền ở Việt Nam đã thành công còn nước còn tát trong việc níu chân đảng viên bất mãn chế độ cho tới thời điểm này, ngoại trừ vụ Trịnh Xuân Thanh chủ động ra đảng vì “không còn tin cậy đồng chí Tổng bí thư” như một trường hợp ngoại lệ.
Thành công còn nước còn tát
Nếu lấy mốc thời gian từ đầu năm 2013 là lúc bùng nổ phong trào Kiến nghị 72 với khá nhiều nhân sĩ, trí thức xuất thân từ lòng đảng đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp để chuyển sang đa đảng, một số ít người dám công khai từ bỏ đảng đã chỉ làm nên một bức tranh ly khai phơn phớt. Con số từ bỏ quá ít ỏi so với gần 4 triệu đảng viên đăng ký trên sổ sách của đảng đã phản ánh tâm thế e ngại và e sợ vẫn bao phủ trong tâm não tuyệt đại đa số đảng viên, mặc dù nhiều người còn giữ thẻ đảng thừa nhận đã quá chán ngán chế độ chính trị và hầu như mất hẳn niềm tin vào đảng.
Đợt từ bỏ đảng đồng loạt và ấn tượng nhất đã chỉ diễn ra vào cuối năm 2013 với 3 đảng viên, sau đó là rời rạc từng người. Rất nhiều văn bản chỉ thị và công văn lẻ chỉ đạo lẫn “vận động” của các cấp ủy đảng từ trung ương xuống địa phương đã bó chân những đảng viên chỉ chực chờ thoát khỏi vòng kim cô.
Thậm chí còn xuất hiện một hiện tượng khó tưởng tượng nếu xảy ra cách đây mười năm: bất chấp một quy định của Điều lệ đảng về việc đảng viên sẽ bị khai trừ nếu không đóng đảng phí trong 3 tháng liên tiếp, một số chi bộ địa phương sẵn sàng “tạm ứng” hoặc đóng luôn đảng phí của đảng viên, chỉ với điều kiện là đảng viên không đòi rút tên khỏi danh sách sinh hoạt đảng nơi cư trú.
Cho tới nay, công tác “vận động” vẫn tỏ ra hiệu quả tương đối với một số đảng viên “không biết nên ra hay nên ở”. Cứ thấy đảng viên nào có biểu hiện “dao động tư tưởng” cấp ủy cơ quan hoặc cấp ủy địa phương lại tổ chức một đoàn đại biểu, có thể cả với thành phần “ủy viên” là công an, đến “làm việc” theo phương châm “vừa đấm vừa xoa”. Thể loại răn đe vừa kín đáo vừa lộ liễu luôn theo cách “Ông rút tên thì không sao, nhưng cũng phải biết nghĩ cho tương lai con cái mình chứ!”.
Có những đảng viên chẳng mấy quan tâm đến sổ hưu (vì trong thực tế chẳng có quy định nào tước sổ hưu của những người bỏ đảng, và cũng bởi những đảng viên này đã có cuộc sống đủ sung túc sau thời làm quan), nhưng cứ nghe đến chuyện “con cái chúng ta” là lập tức từ bỏ ngay ý định từ bỏ đảng.
Hiển nhiên, một trong những lý do chính mà nhiều đảng viên không dám công khai, kể cả âm thầm từ bỏ đảng là lo sợ bị chính quyền gây áp lực hoặc trả thù. Khi thấy kết quả thuyết phục và “giáo dục tư tưởng” không ăn thua, cấp ủy đảng và cơ quan chính quyền liền gây áp lực bằng cách đe dọa cắt bớt chế độ hưu trí, gây khó khăn về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chế độ hộ khẩu… Nhưng thường nhất là chính quyền và công an gây khó khăn đối với người thân của người bỏ đảng, đặc biệt về công ăn việc làm. Đó là nguyên do chủ yếu để những người muốn bỏ đảng phải chấp nhận bỏ đảng trong âm thầm, bị khai trừ hoặc chưa dám ra đảng.
Cũng bởi thế, từ đầu năm 2016 đến nay mới có hai trường hợp công khai bỏ đảng là giáo sư Nguyễn Đình Cống ở Hà Nội và cựu giám đốc Sở Tư pháp TP HCM là ông Võ Văn Thôn.
Trong khi đó, “Nhóm 61” – một nhóm đa phần là đảng viên đã một số lần gửi kiến nghị về “chỉnh đảng” cho Bộ Chính trị và yêu cầu được gặp để đối thoại, nhưng lại chưa hề được các nhân vật tai to mặt lớn như Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng (thời còn là thủ tướng), Trương Tấn Sang (thời còn là chủ tịch nước)… hồi âm lần nào – vẫn chưa thể hiện thái độ dứt khoát rời xa bến cũ dù đã có vài lần dự tính “làm một cuộc ra đảng tập thể”.
Đủ cách thoái đảng và bất lực của chính quyền
Khá tương đồng với hiện tình đảng viên cộng sản Trung Quốc, tình trạng xa rời đảng ở Việt Nam không phải chủ yếu là công khai tuyên bố bỏ đảng, mà nằm ở dạng “thoái đảng”. Phần lớn những người thoái đảng thuộc về lớp cán bộ, công chức hưu trí khi âm thầm không nộp hồ sơ đảng từ nơi làm việc trước đó về chi bộ nơi cư trú, và nếu sau một thời gian mà không thấy được “nhắc nhở” thì coi như không sinh hoạt đảng và tự nhiên “ra đảng”.
Cũng có những đảng viên thoái đảng theo những cách khác như cố ý không sinh hoạt đảng dù có tên trong chi bộ địa phương, cố ý không đóng đảng phí, cố ý gây ra mâu thuẫn nội bộ để chi bộ bắt buộc phải khai trừ mình. Một số đảng viên khác, vì nguyện vọng đi định cư ở nước ngoài cùng gia đình, đã tha thiết và nằng nặc xin đảng xóa tên mình…
Năm 2013, con số thống kê chính thức của một cơ quan đảng đã cho thấy có đến 40% đảng viên nằm trong những dạng thoái đảng khác nhau tại các địa phương. Cho tới nay, hẳn tỷ lệ này còn phải cao hơn trong bối cảnh chính trị và xã hội nhiễu nhương hơn trước đây nhiều và còn chưa tới đáy.
Tỷ lệ trên cũng khá tương đồng với hiện tình Trung Quốc. Vào năm 2013, một phụ trương của tờ Nhân Dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc – đã báo động về thực trạng có đến 30 triệu trong tổng số hơn 80 triệu đảng viên nước này “suy thoái tư tưởng” và cảnh cáo “sẽ không giữ”.
Tuy nhiên, những câu chuyện truyền miệng của nhiều đảng viên hưu trí và cả đảng viên đương chức cho biết càng về sau này, hậu quả đến với những người bỏ đảng hoặc muốn bỏ đảng càng nhỏ. Nếu trước đây chỉ mới manh nha ý tưởng ra đảng thì đã bị cấp ủy hoặc thi hành khiển trách hoặc cảnh cáo đảng, gần đây áp lực tấn công người bỏ đảng đã giảm đi khá nhiều.
Tổng hợp tình trạng của những người công khai bỏ đảng trước đây, chẳng hạn như nhà báo Kha Lương Ngãi ở TP HCM – nguyên Phó tổng biên tập tờ báo đảng Sài Gòn Giải Phóng – có thể thấy áp lực của chính quyền và công an chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn, nếu người bỏ đảng tỏ ra cương quyết và không sợ sệt. Khi đó, những thủ đoạn gây khó khăn đối với người thân của người bỏ đảng cũng giảm dần và sau đó mất hẳn, theo đúng phương châm “mềm nắn rắn buông”.
Cũng gần đây, phản ánh của một số trường hợp bỏ đảng cho thấy áp lực và thủ đoạn gây khó khăn của chính quyền và công an đối với họ và những người thân đã giảm hẳn. Thậm chí đã xuất hiện một số trường hợp cán bộ hưu trí xuất thân từ lực lượng vũ trang như quân đội và công an cũng muốn công khai bỏ đảng. Còn với nhiều người thoái đảng, chính quyền gần như bất lực.
Một trong những phương cách hữu hiệu cuối cùng của đảng để răn đe đảng viên chỉ còn dựa vào một thứ luật bất thành văn của đảng: không có đảng viên ra đảng, chỉ có đảng viên bị khai trừ.
Theo đó, những trường hợp đảng viên tỏ ý kiên quyết ra đảng, và nếu đảng không “giáo dục” được thì sẽ được đối xử bằng một quyết định khai trừ đảng.
Khi nào bỏ đảng trở thành phong trào?
Căn cứ vào thực tế tâm lý đảng viên ở Việt Nam, một làn sóng bỏ đảng có thể phát triển thành tính phong trào có thể chỉ diễn ra trong hai trường hợp chủ yếu:
Hoặc nền kinh tế rơi vào khủng hoảng và kéo theo sự sụp đổ của các quỹ an sinh xã hội như Quỹ hưu trí, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế. Khi đó, chẳng cần ai phải vận động, hàng triệu đảng viên về hưu cũng sẽ “xuống đường”. Cho tới nay, khả năng vỡ các quỹ này đang lớn dần khi trong những năm qua Chính phủ đã phải vay mượn tiền từ các quỹ an sinh để “bù đắp khó khăn ngân sách”, mà thực chất là để trám vào lỗ hổng bội chi toang hoác do tham nhũng và lãng phí gây ra. Nếu trong tương lai vài ba năm tới mà Chính phủ không có đủ tiền, hoặc không in đủ tiền, để trả nợ cho các quỹ an sinh xã hội, hậu quả sẽ hiện thực hóa: nhiều cán bộ hưu trí bước vào phòng phát lương hưu ở ủy ban nhân dân phường xã và tận mắt chứng kiến két sắt trống rỗng. Do vậy, không quá quắt để dân gian chuyển vè từ “còn đảng còn tiền” thành “còn tiền còn đảng”.
Hoặc diễn ra một cuộc tự tách đảng Cộng sản, có thể trở về tên gọi cũ là đảng Lao động hoặc thậm chí lấy lại hai cái tên từng bị đảng Cộng sản kỳ thị là đảng Dân chủ và đảng Xã hội. Khi đó, nhiều đảng viên sẽ “nhân cơ hội” để tự nhiên ra khỏi đảng Cộng sản, trong khi một số khác, có lẽ không nhiều, sẽ “xin nghỉ” sinh hoạt trong đảng Cộng sản để chuyển sang đầu quân cho đảng mới hoặc những đảng mới. Cho tới nay, khả năng này đã bắt đầu mang mầm mống và không loại trừ đang kết tụ bằng một lực lượng nào đó trong nội bộ đảng cầm quyền.
Vụ Trịnh Xuân Thanh “trở cờ” ra đảng vào năm 2016 và thậm chí còn có hơi hướng nhảy sang “dân chủ nhân quyền” có thể được xem như một chỉ dấu đặc biệt cho xu hướng “tách đảng” – có thể bất ngờ phát ra trong năm 2017.
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Dự án thép Cà Ná và những câu hỏi

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Sau thảm họa Formosa người dân trở nên dị ứng với tất cả các dự án mà môi trường bị de dọa, trong đó dự án nhà máy thép tại Cà Ná đang được Tôn Hoa Sen vận động thực hiện khiến cả nước rúng động vì ám ảnh bởi những gì mà Formosa đang để lại. Chuyên gia các lĩnh vực kinh tế, tài chánh, môi trường lẫn luật pháp đều nhập cuộc với các câu hỏi đặt ra cho chính phủ về dự án này.
Tại sao đưa Tôn Hoa Sen vào quy hoạch?
Đó là câu hỏi mới nhất mà dư luận lẫn các chuyên gia đưa ra sau khi ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng thuộc Bộ Công Thương cho biết việc sản xuất thép tại Cà Ná vốn được phê duyệt từ trước và ngay cả khi Ninh Thuận không đề xuất Hoa Sen làm, dự án vẫn sẽ được đưa trở lại quy hoạch.
Một trong những phản ứng đến từ TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ông Kiêm đưa ra câu hỏi tại sao Bộ Công Thương lại ra quyết đưa dự án thép của Hoa Sen vào quy hoạch trong khi trên thế giới tình hình sản xuất thép đang ứ đọng.
Tiếp đến, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho biết nhận xét của bà vể quy hoạch “trái mùa” này:
Quy hoạch mà vẫn bám vào quy hoạch đã đưa ra cách đây 10 năm thì đã là một điều hoàn toàn không hơp lý bởi vì quy hoạch đưa ra cách đây 10 năm đó là áp dụng kinh tế vào lúc đó chứ còn vào lúc này khi má thị trường thép cả thế giới đã có sự dư thừa. 
-Phạm Chi Lan
“Quy hoạch mà vẫn bám vào quy hoạch đã đưa ra cách đây 10 năm thì đã là một điều hoàn toàn không hơp lý bởi vì quy hoạch đưa ra cách đây 10 năm đó là áp dụng kinh tế vào lúc đó chứ còn vào lúc này khi má thị trường thép cả thế giới đã có sự dư thừa công suất cực kỳ lớn, đặc biệt sự dư thừa đó đang xuất hiện khắp Việt Nam và hôm nay thép Trung Quốc đã tràn sang Việt Nam như thế nào, gây điêu đứng như thế nào cho các công ty thép đã có tại Việt Nam thì điều đó ai cũng biết rõ.”
Năng lực tài chánh của Hoa Sen?
Khi ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hoa Sen tuyên bố rằng sẽ đầu tư vào dự án nhà máy thép Cà Ná gần 11 tỷ đô la, giới hoạt động tài chánh ngay lập tức đặt câu hỏi ông ấy sẽ lấy tiền từ đâu khi mà số vốn của Hoa Sen chỉ vỏn vẹn chưa tới 3.000 tỷ và ngân hàng Công thương là nơi duy nhất hứa cho vay 500 triệu đô la, tức chỉ bằng 1 phần 20 số vốn cần thiết cho dự án.
Ông Nguyễn Trần Bạt, Giám đốc công ty tư vấn tài chính Invest Consult nhận xét:
“Chắc chắn năng lực tài chính của Tôn Hoa Sen không đủ để làm một dự án như thế này. Thậm chí huy động vốn trên thị trường Việt Nam thôi cũng không đủ để triển khai dự án cỡ như Cà Ná, cho nên vấn đề tài chính của Tôn Hoa Sen phải nói rằng là vấn đề lớn đòi hỏi phải nghiên cứu rất kỹ chiến lược hay cách thức của tập đoàn Tôn Hoa Sen cho dự án này.
Nghiên cứu tài chính của dự án này tức là nghiên cứu triển vọng thành công của dự án. Không có tiền thật đã khó, có tiền thật chăng nữa cũng rất khó bởi vì nó đưa ra trong một thời kỳ không thuận lợi và trong giai đoạn mà xã hội Việt Nam đòi hỏi rất khắc khe bảo vệ môi trường. Cho nên gọi vốn cho dự án này là việc không hề dễ.”
Theo cách nói của ông Lê Phước Vũ thì người ta đoán rằng số tiền này sẽ đến từ Trung Quốc song song với trang thiết bị mà ông Vũ khẳng định chỉ có thể mua của Trung Quốc mới có lời.
Máy móc lạc hậu vào Việt Nam bằng cách nào?
Về câu hỏi tại sao Tôn Hoa Sen nhập máy móc của Trung Quốc liệu ai là người sẽ kiểm soát các thiết bị này cho phù hợp với quy định của Bộ Công thương. GS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghệ và Khoa học cho biết kinh nghiệm của ông về việc này:
“Trong quy trình duyệt dự án trong lúc tôi còn làm việc thì Bộ Công nghệ là một trong các bộ phải có chữ ký về máy móc công nghiệp. Có chữ ký thì nghiệm thu mới bắt đầu. Khi tôi làm có luôn phần môi trường nữa bây giờ nó đã tách ra cho Bộ Tài nguyên Môi trường. Có một điều là quy định của pháp lý về vấn đề này khá là chặt chẽ, tiêu chuẩn nói chung cũng chặt chẽ, khá đầy đủ tuy nhiên nó cũng không hoàn chỉnh và khâu kiểm tra thực hiện lại rất lỏng lẻo.”
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia về Trung Quốc lý giải việc thiết bị lạc hậu lỗi thời được đưa vào Việt Nam bởi sự thiếu trình độ của người trách nhiệm và không loại trừ khả năng tham ô để các máy móc ấy lọt sổ:
“Ở đây có thể có hai lý do chính. Một là không đủ trình độ về người, về trang thiết bị để nhìn nhận và đánh giá thiết bị đó có đủ mức hiện đại hay không hay mức độ lạc hậu đến như thế nào vào vùng cấm mà Việt Nam không cho phép nhập khẩu hay không. Không phải cơ quan khoa học công nghệ có đủ trình độ đánh giá tất cả các mặt được.
Một mặt khác nữa cũng về phía nhà cung cấp có thể đi đêm với các nhà thẩm định của Việt Nam bằng cách đút lót hay nhiểu cách khác để che giấu vì hối lộ thì người Trung Quốc họ quá rành trong chuyện làm ăn với Việt Nam theo cách nào đó có lợi cho họ.”
Nhóm lợi ích trong các ban tham mưu chính phủ?
Câu hỏi đặt ra liệu các ban tham mưu của chính phủ có dính gì tới việc chấp thuận cho dự án này, ngay cả ban tư vấn cho Thủ tướng liệu có đủ khả năng và trung thực để đưa ra những lời khuyên hữu ích cho chính phủ hay không.
Chuyên gia tài chánh Bùi Kiến Thành, cố vấn cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, được thủ tướng Võ Văn Kiệt mời về tư vấn đưa ra nhận xét:
“Tình hình Việt Nam bây giờ nó cũng dễ mua chuộc các cơ quan nhà nước. Đảng với nhà nước cũng rất nhức nhối đã đưa ra bao quyết định phòng chống tham nhũng này nọ nhưng mà có giải quyết được đâu? Vẫn tham nhũng vẫn bị mua chuộc, do đó cái khả năng các nhóm lợi ích nó đem tiền ra ảnh hưởng quyết định của các cơ quan là điều mà có nguy cơ xảy ra.
Việt Nam mình không phải mấy ông tư vấn bị mua chuộc. Chính các người tư vấn có thật sự người ta có đủ tài năng để mà có ý kiến hay không nữa cơ. Tư vấn đó là tư vấn gì, tư vấn ở đâu ra, những người tư vấn đó khả năng của người ta tới đâu để nghiên cứu vấn đề thì chúng ta cũng chưa thấy.
Trong các bộ các ngành, trong các tổ chức gọi là tư vấn hay tham mưu cho các bộ nó có nhiều vấn đề lắm. Có nhiều khi tổ chức tham mưu cho chính phủ nói một đường nhưng chính phủ làm một nẻo. Chúng ta đã biết các nhà máy điện của Việt Nam bây giờ ngay các nhà máy đang xây dựng lên thì 100% do Trung Quốc thầu và trúng thầu. Công nghệ của Trung Quốc thì lạc hậu làm nhà máy điện chưa xong thì đã lạc hậu rồi thì tại sao nhà nước, tập đoàn điện lực Việt Nam lại chấp nhận cho công ty Trung Quốc thầu hết các nhà máy điện lớn của Việt Nam thì đó là cả vấn đề mà chúng ta phải suy nghĩ, tại làm sao như thế?
Vấn đề này nó sẽ áp dụng vào các dự án lớn khác ở Việt Nam với số tiền to. Tiền to chừng nào thì dự án bị mua chuộc càng lớn chừng ấy.”
Vậy nên hay không nên?
Ông Nguyễn Trần Bạt, Giám đốc công ty tư vấn tài chánh Invest Consult người viết nhiều cuốn sách phân tích tình hình chính trị, kinh tế tài chánh Việt Nam chia sẻ về việc chính phủ không nên chấp nhận cho dự án Cà Ná vì thời điểm và lòng người dân hiện nay:
“Tôi không thấy có biểu hiện rõ rệt nào về sự ủng hộ một cách tích cực của chính phủ. Dự án cụ thể này thì có những thông tin rất khác nhau. Ngày hôm qua thì UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết không có gì vội vàng, không có phê chuẩn nào mà mới chỉ là ý đồ chứ chưa phải là sự phê chuẩn nghiêm túc nào cả.
Riêng cá nhân tôi thì tôi cho rằng phải rất thận trọng trong việc ủng hộ một dự án như thế này, kề cả sự thận trọng ấy từ phía chính phủ. Thái độ của chính phủ đối với dự án Formosa thì nó cũng rõ rồi vì thế cho nên từ dự án này sang dự án khác có cùng quy mô có cùng chất lượng, có cùng công việc thì bắt buộc phải thận trọng chả có cách nào khác.
Tôi nghĩ chính phủ dù có ủng hộ mấy thì cũng phải thận trọng. Cái sự phân công một cách rõ ràng, sự khẳng định một cách rõ ràng, hay sự phê chuẩn một cách rõ ràng đều chưa có thành ra tôi không có phát biểu gì về thai độ của chính phủ. Nếu có lời tư vấn nào. Một lời khuyên nào cho chính phủ thì tôi cho là chính phủ phải rất thận trọng đối với loại dự án như thế này.”
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Ban quản trị tập đoàn Tôn Hoa Sen khẳng định rằng sẽ mời ban tư vấn môi trường từ Hoa kỳ hay Âu châu kiểm tra các thiết bị nhà máy thép tại Cà Ná và ông đảm bảo rằng sẽ không xảy ra một Formosa thứ hai tại Ninh Thuận.
Tuy nhiên câu hỏi dư luận đặt ra cho ông Vũ và cho chính phủ ngày một nhiều hơn trong vấn đề môi trường, liệu một ban tư vấn cho dù kinh nghiệm đến từ Mỹ hay bất cứ nước nào, thế nhưng khi họ ra về ai là người trực tiếp trách nhiệm với những tư vấn mà họ đưa ra nhưng chủ doanh nghiệp không tuân thủ vì tốn kém và vượt khả năng tài chánh?
Báo chí dẫn lời ông Heyno Michael Smith đại diện của Công ty GMC nơi được Hoa Sen chọn làm nhà tư vấn cho siêu dự án Cà Ná nói rằng tất cả các khu liên hợp cán thép đều có hại cho môi trường bất kể máy móc của họ như thế nào.
Xác định này không mới nhưng đối với UBND Tỉnh Ninh Thuận câu hỏi đặt ra sẽ là có cần thiết phải đầu tư thép với bất cứ giá nào khi mà bài học Formosa vẫn còn đó?
Chất thải rắn, đổ đi đâu?
Nhà máy thép sẽ thải ra chất thải rắn từ xỉ than, quặng cùng các chất vô cơ khác. Các chất này không thể tái chế để dùng và biện pháp duy nhất là chôn lấp như Formosa đã làm và bị phát hiện lúc gần đây. Đó cũng chính là lý do khiến ông Phạm Văn Chi nguyên  chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa không chấp nhận cho Tập đoàn Posco của Hàn Quốc được mở nhà máy thép tại vịnh Vân Phong vào năm 2007 do lo sợ ô nhiễm môi trường khi chôn lấp chúng.
Phương pháp chôn lấp thường áp dụng để chôn lấp chất thải nguy hại, chất thải phóng xạ ở các bãi chôn lấp có thiết kế đặc biệt cho rác thải nguy hại.
Tỉnh Ninh Thuận với những khó khăn không kém Hà Tĩnh tuy cơ sở hạ tầng chưa có gì chắc chắn trong việc kiểm tra môi trường từ xả thải lẫn chất thải rắn nhưng trong niềm khao khát đầu tư, tỉnh đã đưa ra các ưu tiên cho Hoa Sen từ chính sách thuế cho tới giải tỏa mặt bằng, cũng như nhanh chóng xây dựng nhà máy cung cấp nước ngọt cho Hoa Sen trong khi người dân sống trong khô hạn.
Chất thải rắn một khi chôn lấp không đúng quy trình kỹ thuật sẽ gây hại vô bờ cho người dân. Ai là người trách nhiệm? Tôn Hoa Sen hay UBND tỉnh Ninh Thuận?
Ngay đối với Formosa báo chí cho biết dù đã trải qua 20 bộ, ngành thẩm định nhưng vẫn xảy ra sự cố môi trường vậy Ninh Thuận sẽ rút kinh nghiệm gì về kiểm tra chất lượng môi trường của Tôn Hoa Sen khi nó đi vào vận hành?
Trình độ, năng lực của cán bộ môi trường, một câu hỏi lớn
Bà Phạm Chi Lan chuyên gia kinh tế và từng là Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận xét về năng lực của các cán bộ môi trường như sau:
“Trong 63 tỉnh thành của Việt Nam tôi nghĩ chỉ vài địa phương là còn có thể có được đội ngũ hoặc là những người có thể làm được công tác kiểm định môi trường thôi chứ tôi không tin họ có trình độ thật sự, tôi không tin họ có trình độ để hiểu nỗi các công ty đầu tư nước ngoài ai là ai”
Trong khi đó GSTS Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ Môi trường cho rằng máy móc kiểm tra môi trường có thể tương đối nhưng ý thức tôn trọng môi trường của các nhà đầu tư mới là vấn đề, trong đó Trung Quốc vẫn là nước hàng đầu có hệ thống xử lý môi trường tồi tệ nhất, ai đảm bảo Tôn Hoa Sen không theo cách mà Trung Quốc đang làm để hạ thấp nhất giá thành sản phẩm?
“Ở Việt Nam về mặt công nghệ kiểm soát ô nhiễm thì các trang thiết bị nói chung là được, tốt. Có nhiều cơ quan thực hiện quan trắc chất lượng môi trường. Có thể nói tổng thể là như thế này, những doanh nghiệp đặc biệt là Trung Quốc hay Đài Loan thì tính tuân thủ của họ thấp hơn. Còn Nhật hay Mỹ hay các nước Tây Âu thì cao hơn. Doanh nghiệp như Trung Quốc và một số các nước Đông Nam Á tính tuân thủ thấp hơn nhiều. Đây là vấn đề nóng và nan giải trong điều kiện của ta hiện nay.
Bộ Tài nguyên Môi trường đang dốc sức rất nhiều trong vụ Formosa cũng như một số các vụ khác. Về chất thải rắn thì hiện nay như vụ Nghi Sơn thì chúng ta phải trả giá. Chúng ta phải kiểm soát cách nào và phải xử phạt cho nó nghiêm minh và thứ hai nữa phải động viên các đơn vị cho người ta tuân thủ”
Có nên tin vào lời hứa?
Tuy môi trường là yếu tố hàng đầu nhưng các tỉnh nghèo như Hà Tĩnh trước đây và Ninh Thuận hiện nay vẫn khát khao nhà máy thép. Có lẽ những thuyết phục của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn Hoa Sen Group phần nào làm siêu ý chí của tỉnh Ninh Thuận qua các nhận định mà ông Vũ đưa ra trên hệ thống truyền thông đại chúng khi nói:
“Chúng ta phải hiểu như thế này: Bây giờ chúng ta trồng một cây ổi chẳng hạn, thấy người khác leo lên hái ổi bị té mà chúng ta không dám leo. Cái cơ hội vàng để chúng ta có thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chỉ còn 20 năm nữa và chưa bao giờ chúng ta có cơ hội vàng như hiện nay. Chúng ta không thể tăng trưởng chỉ bằng nông nghiệp bằng thủy hải sản mà chính là công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Đây là giai đoạn vàng và chúng ta phải thấy Formosa là một bài học để từ cơ quan nhà nước cho đến doanh nghiệp phải thấy được đây là trách nhiệm hàng đầu.”
Trách nhiệm hàng đầu mà ông Lê Phước Vũ tuyên bố thuộc về ông thì ít mà thuộc về UBND tỉnh Ninh Thuận thì nhiều hơn gấp trăm lần. Bởi khi có sự cố xảy ra người dân Ninh Thuận sẽ tìm tới chính quyền địa phương, nơi ký giấy cho ông Vũ hoạt động. Giống như Formosa người dân 4 tỉnh miền Trung không cách gì có thể đổ lên đầu Formosa mọi trách nhiệm mặc dù đơn vị này đã bồi thường một số tiền chiếu lệ.
Trả lời báo chí về biện pháp chế tài nếu đơn vị doanh nghiệp nào vi phạm môi trường Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết sẽ xử lý nghiêm, kể cả việc dừng hoạt động hoặc đóng cửa các nhà máy thép không đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Tuyên bố này không làm vơi đi nỗi sợ hãi của dân chúng sinh sống trong các khu vực có nhà máy thép hoạt động bởi qua kinh nghiệm của Formosa cho thấy biện pháp mà Phó Thủ tướng nói dù có thực hiện đi chăng nữa thì mọi tai họa cũng đã đổ ập lên đầu dân chúng rồi.
Cam kết, liệu có giá trị pháp lý?
Cái quan trọng nhất đối với Việt Nam là vấn đề môi trường. Một nhà máy thép thì nó sẽ tác động môi trường rất lớn nếu làm gần biển thì xả chất thải thì độc hại như vừa rồi Formosa nó đã tác hại như thế nào thì chúng ta cũng đã biết.
-Bùi Kiến Thành
Ông Lê Phước Vũ, chủ tịch Ban quản trị tập đoàn Tôn Hoa Sen từng  cam kết rằng “nếu dự án thép Hoa Sen Cà Ná gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi sẽ đóng cửa nhà máy và giao toàn bộ tài sản cho Nhà nước; không xả thải một giọt nào ra biển”
Báo chí đặt rất nhiều câu hỏi về tính chất khà tín của lời cam kết này và đưa ra ví dụ các cam kết tương tự của các doanh nghiệp khác trong vấn đề giữ lời hứa với chính phủ. Thế nhưng đối với cái nhìn của các chuyên gia kinh tế thì lời hứa của ông Lê Phước Vũ không có giá trị gì bởi ông hoàn toàn không có khả năng giữ lời khi tập đoàn mà ông quản trị có hàng ngàn cổ đông và những cổ đông ấy không ai dại gì tuân theo một lời hứa để mất những số tiền riêng của mình. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế là người có nhận xét như thế:
“Lời hứa của ông Chủ tịch tập đoàn nhưng mà tập đoàn là của các cổ đông đến lúc cổ đông không đồng ý thì làm thế nào được? Đó là chưa kể về sau này ổng huy động vốn từ các nơi khác ví dụ như ngân hàng cho ông ấy vay vốn thì ngân hàng họ có chịu toàn bộ tài sản giao cho nhà nước thì họ mất luôn phần vốn của họ hay không? Đấy là những việc hoàn toàn có thể xảy ra. Lời hứa như vậy chỉ để trấn an vào lúc đó thôi chứ đừng nghĩ là mọi người có thể tin dễ dàng vào lời hứa của ông ấy.”
Ông Bùi Kiến Thành chuyên gia tài chánh từ Hoa kỳ về  làm việc tại Việt Nam nhận xét về giá trị số vốn mà ông Vũ có để bảo kê cho cam kết của mình:
“Cái quan trọng nhất đối với Việt Nam là vấn đề môi trường. Một nhà máy thép thì nó sẽ tác động môi trường rất lớn nếu làm gần biển thì xả chất thải thì độc hại như vừa rồi Formosa nó đã tác hại như thế nào thì chúng ta cũng đã biết. Ông Hoa Sen ổng nói rằng sẽ đảm bảo với chính phủ rằng sẽ không tác hại môi trường, ổng lên TV nói là nếu tác hại môi trường thì ổng hiến dâng cả nhà máy thép cho chính phủ luôn. Nói là như thế nhưng cái vốn của ổng có bao nhiêu trong số cả chục tỷ đô la mà hiến dâng cho chính phủ?”
Về mặt pháp lý cam kết của ông Lê Phước Vũ hoàn toàn không có chút giá trị gì để nhà nước có biện pháp chế tài. PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Giảng viên Luật và chính sách công, quản trị nhà nước Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho biết:
“Một cá nhân anh tuyên bố như thế nhưng sau này gây thiệt hại rất là lớn và lâu dài thì cá nhân ấy làm sao chịu trách nhiệm được vì không có năng lực chịu trách nhiệm. Một cá nhân tuyên bố như thế thì chịu trách nhiệm cách nào? Thành ra những tuyên bố như vậy rất ít giá trị về mặt pháp lý.”
Do đâu Formosa thoát hiểm?
Thảm họa quốc gia về ô nhiễm môi trường đã hiển hiện qua sự kiện cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung. Giới khoa học cho rằng đây là hậu quả của nhiều thập niên phát triển kinh tế bằng mọi giá và xem nhẹ việc hủy hoại môi trường.
Để chế tài một cá nhân vi phạm Bộ luật hình sự có thể bị truy tố trước pháp luật nếu cá nhân có hành vi vi phạm các điều luật về môi trường tuy nhiên đối với việc chế tài cả một công ty hay một doanh nghiệp thì Bộ Luật hình sự mới đã bị quốc hội đình chỉ bắt đầu vào ngày 1 tháng 7 năm 2016, đây là lý do Formosa thoát hiểm trong khi hàng chục tổ chức xã hội dân sự đang nỗ lực kiện doanh nghiệp này ra tòa.
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa giải thích thêm về chi tiết này:
“Bộ luật hình sự mới sửa đã đưa vào trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Trước đây cũng có thể khởi tố cá nhân các vị lãnh đạo tức là con người cụ thể, tức là ông Giám đốc hay Chủ tịch Hội đồng quản trị nếu đã bị xử lý hành chính rồi đã được nhắc nhở nhưng vẫn tái phạm thì cá nhân cụ thể vẫn có thể bị truy tố. Thế còn mới đây Bộ luật hình sự có thể truy cứu trách nhiệm của một công ty với tư cách như một thực thể pháp lý chỉ có điều khởi tố công ty do Bộ luật hình sự mới nó lại bị dừng thi hành từ 1 tháng 7 năm nay thành ra toàn bộ các công ty phải chờ Bộ luật hình sự mới bao giờ nó tiếp tục thi hành thì mới khởi tố được.”
Nếu sự cố môi trường mà công ty Tôn Hoa Sen gây ra cho người dân như Formosa từng làm thì nhân dân Ninh Thuận cũng khó mà khởi kiện cá nhân ông Lê Phước Vũ mà chỉ có công an là có chức năng khởi tố ông ta trong một vụ kiện dân sự mà thôi. PGS.TS Phạm Duy Nghĩa giải thích:
“Cá nhân người dân làm sao mà khởi kiện? Nếu muốn khởi tố thì phải làm đơn tố cáo lên công an rồi công an họ điều tra. Nếu là hình sự thì cá nhân chỉ có thể gây sức ép lên cơ quan điều tra. Khởi kiện dân sự thì hay hơn, tức là công ty gây thiệt hại theo luật Việt Nam có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trường hợp này đã xảy ra với công ty Vedan sản xuất bột ngọt ở sông Thị Vải tỉnh Đồng Nai, khoảng 9 nghìn hộ dân họ đã khởi kiện công ty Vedan dẫn đến vụ dàn xếp khá lớn cách đây 4-5 năm.”
Ông Lê Phước Vũ chấp nhận chính phủ tịch thu toàn bộ tài sản của Tôn Hoa Sen nếu tập đoàn này vi phạm môi trường. Đây cũng là một lời cam kết không giá trị bởi lẽ trang thiết bị của nhà máy thép Hoa Sen vận hành tại Cà Ná đều mua từ Trung Quốc thì giá trị tài sản cố định không đáng là bao so với thiệt hại môi trường mà nó gây ra. Chuyên gia Phạm Chi Lan đưa ra nhận xét:
“Nhà nước không dễ dàng lấy lại cái thiết bị bỏ đi đó làm gì cả kể cả bán sắt vụn. Mà bán đi thì được bao nhiêu, ai mua cái đống sắt vụn ấy còn mắc công đem đi đâu đấy để tiêu hủy. Vả lại cho dù nhà máy còn chút giá trị thì làm sao nhà nước lấy mà vận hành tiếp được? Và chi phí bán được có đủ để bồi thường cho môi trường bị ô nhiễm hay không?”
Giải pháp nào cho môi trường và phát triển?
Trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay biện pháp ngăn chặn vi phạm hay nhất là kiểm tra hệ thống xả thải cũng như chôn lấp chất thải rắn song song với việc xây dựng nhà máy như các nước phát triển đang làm. Không thể vì lo sợ mất đầu tư mà địa phương làm ngơ cho doanh nghiệp tự do trong khi thiết kế, thi công. Nếu địa phương không đủ kinh nghiệm, khả năng lẫn thiết bị theo dõi thì Bộ chủ quản phải trực tiếp phân công chịu trách nhiệm trong viêc giám sát cũng như quan trắc môi trường.
Không thể chạy theo đầu tư mà mất môi trường cũng không thể lo sợ môi trường mà chậm đường phát triển. Vì vậy giải pháp theo dõi và kiểm soát từ những ngày đầu có lẽ là biện pháp hữu hiệu nhất để vừa không mất môi trường mà vẫn giữ được các nhà đầu tư chân chính và có khả năng thật sự.

Ân xá Quốc Tế kêu gọi Việt Nam thả 82 tù nhân lương tâm

Tổ chức Ân xá Quốc tế mới đây lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho 82 tù nhân lương tâm và đảm bảo tôn trọng quyền tự do của những bloggers và các nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam.
Bức thư do Tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế Salil Shetty ký đề ngày 9 tháng 9, được gửi đến Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm.
Tổ chức Ân xá Quốc tế ghi nhận nhân ngày quốc khánh 2 tháng 9 vừa qua, Việt Nam đã thả 2.000 tù nhân  trước hạn và giảm án tù cho 22.600 người khác. Tuy nhiên không một tù nhân lương tâm nào trong danh sách 82 người được Ân xá Quốc tế đính kèm được giảm án hay trả tự do.  Những người này bao gồm các bloggers, các nhà hoạt động chính trị, xã hội và quyền của người lao động, những người hoạt động tôn giáo và nhân quyền.

‘Sẽ bán rừng cao su cho Trung Quốc’

Nợ nần lớn, công ty Hoàng Anh Gia Lai nói đang cân nhắc bán hàng chục nghìn ha rừng cao su bên Lào cho Trung Quốc.
Điều đáng nói là con số 10.000-20.000 ha rừng cao su này là đất thuê của nước sở tại, nằm trong khu vực mang tầm quan trọng đặc biệt về an ninh quốc phòng gần biên giới hai bên với Campuchia.
Thông tin nói trên được đưa ra trong Đại hội Cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – Mã chứng khoán HNG) sáng thứ Năm 15/9.
Tại đó, công ty này cho hay tới thời điểm 30/6/2016, HAGL Agrico có số dư các khoản vay và trái phiếu phải trả trên 14 nghìn tỷ đồng, trong đó 4.749 tỷ đồng sẽ đến hạn thanh toán trong vòng 12 tháng kể từ cuối quý II/2016.
HAGL Agrico đã gửi thư cho các tổ chức tín dụng, đề nghị tái cơ cấu nợ bao gồm điều chỉnh lãi vay về mức hợp lý, giãn nợ và bơm thêm vốn để cho công ty được tiếp tục hoạt động.
Công ty này cũng nói đã kêu gọi chính phủ trợ giúp.
Tuy nhiên trong trường hợp xấu nhất là không được hỗ trợ về tái cơ cấu các khoản nợ vay, HAGL sẽ phải cân nhắc việc bán 10.000-20.000 ha rừng cao su mà công ty này thuê đất bên Lào.
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HAGL Agrico, được Báo Đấu thầu dẫn lời nói: “Các đối tác Trung Quốc tỏ ra rất quan tâm đến tài sản này”.
Ông Đức cũng nói chủ trương của công ty cho tới cuối năm nay là tập trung giãn nợ với trông đợi sang 2017 sẽ giảm nợ về cơ bản.
HAGL Agrico cũng dự kiến phát hành thêm 110 triệu cổ phần theo hình thức phát hành riêng lẻ với giá chào bán tối thiểu 6.400 đồng/cổ phần để tái cơ cấu nguồn vốn của công ty.
Vài năm trở lại đây một số tổ chức phi chính phủ cáo buộc các khu rừng cao su của HAGL tại Campuchia và Lào đã gây những thiệt hại to lớn về xã hội và môi trường xung quanh, trong đó có tình trạng lấy đất của các cộng đồng địa phương và tàn phá các vùng rừng rộng lớn.

Học chữ Hán trong nhà trường phổ thông?

Có nhất thiết dạy và học chữ Hán trong nhà trường phổ thông ở Việt Nam hiện nay hay không là đề tài của cuộc tọa đàm bàn tròn trực tuyến tuần này của BBC Việt ngữ.
Chương trình theo kế hoạch được phát vào lúc 19h30-20h00 giờ Việt Nam ngày thứ Năm, 15/9/2016, trên kênh YouTube của chúng tôi. Tuy nhiên vi ̀lý do kỹ thuật chương trình đã không thể thực hiện được.
Chúng tôi xin chân thành xin lỗi quý vị.
Trước đó, hôm 14/9, một chuyên gia về ngôn ngữ học của Việt Nam từ Hà Nội nêu quan điểm về chủ đề này:
Chữ Hán là phức tạp, chữ Nôm còn phức tạp hơn rất nhiều, mà học sinh học xong, chỉ vài tháng là quên hết, thì mình dạy làm gì? Và chương trình hiện nay ở phổ thông cũng khá nặngGS. TS. Nguyễn Minh Thuyết
“Dĩ nhiên là một người Việt Nam mà biết chữ Hán, chữ Nôm thì rất quý,” Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam nói với BBC.
“Thế nhưng nếu chúng ta đặt vấn đề là để cho học sinh Việt Nam sử dụng từ Việt Nam đúng thì họ chỉ cần hiểu nghĩa của từ, trong đó có từ Hán – Việt thôi, chứ không nhất thiết phải dạy chữ Hán và chữ Nôm.
“Thứ hai, tôi cũng phải nói là chữ Hán là phức tạp, chữ Nôm còn phức tạp hơn rất nhiều, mà học sinh học xong, chỉ vài tháng là quên hết, thì mình dạy làm gì?
“Và chương trình hiện nay ở phổ thông cũng khá nặng.
“Tôi cho rằng yêu cầu dạy chữ Hán, chữ Nôm cho học sinh là không cần thiết và nó không có tính khả thi,” Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói với BBC.
Dạy – học thế nào?
Trước đó, hôm 4/9, PGS. TS. Đoàn Lê Giang trong bài viết trên Vietnamnet với tựa đề “ PGS Đoàn Lê Giang tạm kết tranh luận dạy chữ Hán trong trường phổ thông“, nêu quan điểm về việc dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông thế nào, ông viết:
“Có nhiều cấp độ khác nhau. Học sinh Trung học Cơ sở học 1 tiết/ tuần trong môn Ngữ văn theo kiểu “Vui học chữ Hán” – chữ Hán bằng hình ảnh. Dạy thế này rất dễ, thầy cô có một chút vốn Hán Nôm đều dạy được.
“Nếu trường không có thầy cô biết Hán Nôm thì bài ấy là tự chọn, thích thì tự học, không thì thôi. Lên Trung học Phổ thông thì học sinh chuyên ban Khoa học Xã hội có thể tự chọn học sách chữ Hán cơ sở trong môn Ngữ văn, sách này có thể tự học vì nhìn chung môn chữ Hán đều có thể dễ dàng tự học.
“Nếu học sinh có hứng thú thì có thể học tiếp lên chuyên ngành ở Đại học. Có thể hình dung môn chữ Hán như môn tiếng Latin ở các trường tinh hoa ở Mỹ và châu Âu.
Về việc dạy chữ Hán, rất nhiều người đã làm tôi mệt mỏi, họ dọa nạt, chửi rủa tôi – trong đó có khá nhiều người từ nước ngoàiPGS. TS. Đoàn Lê Giang
“Ghi chú thêm: học chữ Hán không ảnh hưởng gì đến tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc hay các ngoại ngữ khác: Pháp, Nhật, Trung. Mỗi môn này theo tôi phải học từ 8-12 tiết/ tuần.”
Hôm 14/9, trong một thư điện tử gửi cho BBC, PGS. Đoàn Lê Giang chia sẻ ông đã chịu một số áp lực trong lúc nêu quan điểm của mình về chủ đề trên, ông viết:
Trước đó, cũng trên VietnamNet, chuyên gia này viết:
“Nói cho công bằng, đề nghị đưa chữ Hán giảng dạy trong nhà trường thì tôi không phải là người đầu tiên hay duy nhất. Nếu không kể các thời trước thì chừng hơn 10 năm nay đã có nhiều người đề nghị, như GS Cao Xuân Hạo (nhà ngữ học hàng đầu VN thế kỷ XX) đề nghị học chữ Hán xuất phát từ tính ưu việt của nó; GS Nguyễn Đình Chú (nhà ngữ văn hàng đầu) đề nghị học chữ Hán vì tính quan trọng của nó đối với môn ngữ văn; GS Nguyễn Cảnh Toàn (GS toán học, thứ trưởng Bộ GD trước đây) đề nghị học chữ Hán vì chữ Hán giúp hình thành các thuật ngữ khoa học dễ dàng, chặt chẽ và giúp hiểu rõ văn hóa VN…
“Tôi thì đứng từ điểm nhìn các nước văn hóa chữ Hán: Nhật, Hàn, Đài Loan (không phải TQ) – những nước vừa phát triển hiện đại vừa giữ gìn ngôn ngữ và bản sắc dân tộc của họ mà để đề nghị học chữ Hán (Hán Việt), nhằm làm sao giữ gìn, phát triển tiếng Việt và văn hóa VN. Tôi thuộc những người đánh giá rất cao vai trò của ngôn ngữ và văn hóa đối với sự trường tồn của dân tộc mà đề nghị như thế. Tôi tin rằng: Tiếng Việt còn thì văn hóa ta còn, văn hóa ta còn thì nước ta còn.”
Mời quý vị bấm vào đường dẫn sau đây để theo dõi Bàn tròn Thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ về chủ đề dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông.

Phi trường Tân Sơn Nhất có nguy cơ đóng cửa sau mỗi cơn mưa

Các quan chức thành phố Sài Gòn vào cuối tuần này sẽ họp để tìm những biện pháp cấp tốc nhằm chống ngập cho phi trường Tân Sơn Nhất. Trong khi đó, lãnh đạo của phi trường bận rộn nhất Việt Nam thú nhận có thể phải đóng cửa phi trường nếu nước tràn vào làm nổ biến thế trong trạm điện.
Truyền thông trong nước cho hay phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất bị ngập thường xuyên trong mùa mưa này. Nhiều trận mưa lớn đã nhấn chìm bãi đậu máy bay của Tân Sơn Nhất dưới 30 cm nước, bắt buộc hàng loạt chuyến bay phải tìm đến những phi trường khác để hạ cánh, thậm chí có chuyến bay đã phải bay sang Phnom Penh, thủ đô của Cambodia.
Được biết tình trạng ngập lụt tại phi trường này đã xảy ra liên tục trong hai năm qua, nhưng giới chức phi trường cũng như các cơ quan hữu trách của thành phố đều không có giải pháp để ngăn ngừa. Hiện nay, nhân viên phi trường chỉ dùng những biện pháp tạm bợ như cho chạy máy bơm, đặt bao cát gần trạm điện. Ban điều hành phi trường thậm chí đã giao cho một lực lượng gồm hàng chục nhân viên nhiệm vụ “giải cứu” Tân Sơn Nhất mỗi khi trời mưa.
Mới đây, một cơn mưa kéo dài hai giờ trong ngày 26 tháng 8 đã khiến cho gần 70 chuyến bay đến Tân Sơn Nhất bị ảnh hưởng, trong đó có 2 chuyến bị hủy, 14 chuyến phải hạ cánh xuống các phi trường lân cận như phi trường Cam Ranh và phi trường Liên Khương ở Lâm Đồng. Đặc biệt 4 chuyến bay quốc tế trong ngày này đã phải đáp xuống các phi trường của Cambodia và Thái Lan.
Huy Lam / SBTN

Quốc hội C.S.V.N. yêu cầu

chính phủ ‘không né tránh’ các vấn đề Formosa và Biển Đông

Hàng loạt đại biểu quốc hội yêu cầu chính phủ Cộng Sản Việt Nam “không né tránh” các vấn đề Formosa và tình hình Biển Đông.
Trong khi Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho đây là những vấn đề “ảnh hưởng sinh mệnh đất nước”, có vị đại biểu xác định rằng né tránh những vấn đề “nhạy cảm” tức là “hạ thấp vị thế của quốc hội”.
Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội CSVN hôm Thứ Năm 15/09 có phiên chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai của Quốc Hội khóa 14, dự trù khai mạc vào ngày 20 tháng 10 tới đây. Hầu hết các thành viên đề nghị chính phủ có các báo cáo riêng trước quốc hội về tình hình Biển Đông, và về việc khắc phục thảm họa ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra. Chủ tịch Hội Đồng Dân Tộc Hà Ngọc Chiến nói đây là các vấn đề dư luận và cử tri rất quan tâm.
Chủ nhiệm Ủy Ban Tài Chính Và Ngân Sách Nguyễn Đức Hải nhìn nhận tình trạng chính phủ bưng bít khiến cho các đại biểu quốc hội lâu nay lâm cảnh “dân hỏi thì lại lúng túng”. Chung quy các đại biểu cho rằng chính phủ cần phải báo cáo chi tiết về việc khắc phục thảm họa môi trường trong vụ Formosa, và việc phân bổ tiền bồi thường tới tay người dân.
Về vấn đề Biển Đông, các đại biểu muốn nghe báo cáo về tình hình sau phán quyết của Toà Trọng Tài Thường Trực, phản ứng của các nước và giải pháp của Việt Nam.
Huy Lam / SBTN

Đường ống sông Đà tiếp tục bị vỡ lần thứ 19

Vào khoảng 20 giờ tối 14 tháng 9 năm 2016, đường ống Sông Đà dẫn nước sạch lại bị vỡ đường ống đoạn thuộc Km21+600 trên Đại lộ Thăng Long, khiến cho hàng ngàn nhà dân ở Hà Nội bị thiếu mước trầm trọng.
Dự kiến đến rạng sáng 15/9/2016 hư hỏng này mới được sửa chữa xong. Tuy nhiên, như những lần trước, phải mất từ 1 – 2 ngày áp lực nước trên đường ống mới có thể phục hồi trở lại.
Điệp khúc về hư hỏng đường ống nước sạch sông Đà làm cho cuộc sống của hàng vạn người dân thủ đô Hà Nội bị điêu đứng vì mất nước, khiến dư luận vô cùng tức giận.
Đường ống Sông Đà do công ty Viwasupco làm chủ đầu tư. Trong quá trình thi công, “Nhà thầu Trung Cộng thắng thầu đã khiến cho người dân khốn khổ. Công ty Viwasupco đã lựa chọn nhà thầu là Công ty TNHH Sản xuất Ống gang dẻo Xinxing (Trung Cộng), với giá trúng thầu thấp hơn khoảng 11,8% so với giá gói thầu được phê duyệt. Sau đó, nhà thầu này thực hiện dự án chậm trễ, với hàng loạt trục trặc kỹ thuật. Kể từ khi đưa vào vận hành, đường ống dẫn nước Sông Đà đã vỡ đến nay là lần thứ 19. Lần vỡ gần đây nhất vào ngày 11/7/2016, đường ống bị vỡ tại Km 27+ 600 trên Đại lộ Thăng Long (đoạn qua huyện Thạch Thất, Hà Nội) khiến hàng chục nghìn nhà dân Hà Nội bị mất nước nhiều giờ.
Nguyên Nguyễn/SBTN

Tỉnh ủy Hậu Giang thông báo ông Trịnh Xuân Thanh mất tích

Tỉnh ủy Hậu Giang hôm Thứ Tư 14/09 thông báo ông Trịnh Xuân Thanh đã “mất tích” và chuẩn bị báo cáo sự việc này với Hà Nội.
Trong khi đó, trên mạng internet lan truyền tin tức nói ông Thanh đã trốn ra nước ngoài, và để lại một bức thư “kêu oan” gửi cho Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, chỉ trích Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng một cách nặng nề. Bức thư của ông Thanh được công bố trên trang blog của blogger Người Buôn Gió, nơi đã cung cấp nhiều tài liệu và tin tức trong vụ Trịnh Xuân Thanh.Theo thông tin trên trang blog này, ông Trịnh Xuân Thanh hôm nay đã cùng vợ và hai con nuôi còn nhỏ đã đến một quốc gia dân chủ.
Trong bức thư “kêu oan”, ông Thanh bào chữa cho việc lái xe riêng gắn bảng số xe công là nhằm giúp tiết kiệm ngân sách tỉnh. Ông cũng giải thích rằng việc Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam PVC bị lỗ nặng là do các quyết định có từ trước của các công ty con thuộc PVC và những công ty thành viên của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam, đầu tư vào bất động sản và không có biện pháp bảo tồn vốn.
Ông Trịnh Xuân Thanh đả kích cuộc điều tra do Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đang nhắm vào ông là một nỗ lực dựng lên câu chuyện. Theo đó, ông Trọng đã làm sai nguyên tắc và coi thường pháp luật, khi ra lệnh cho các cơ quan của đảng cộng sản và bộ máy tuyên truyền xuyên tạc về ông trước khi kiểm tra.
Bức thư của ông Trịnh Xuân Thanh cũng tố cáo rằng, dưới áp lực của ông Trọng, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương của đảng cộng sản đã làm việc thiếu nguyên tắc, cho thấy một đội ngũ viên chức “vô cảm, lười biếng, vô học, không có trình độ, lập một bản báo cáo như trò hề”. Gần cuối thư, ông Trịnh Xuân Thanh cho biết ông đang ở nước ngoài, một nơi được mô tả “không cho phép ai và tổ chức nào làm việc trái với pháp luật”.
Nguồn: FB Người Buôn Gió
Huy Lam / SBTN

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.