Tranh chấp Biển Đông – 15/09/2016
Dù tập trận chung, Trung Quốc và Nga chưa tin cậy lẫn nhau
Một số chuyên gia cho rằng cuộc tập trận hải quân chung của Trung Quốc và Nga đang diễn ra chỉ có tính biểu tượng thay vì là một sự động binh.
Bình luận về việc cuộc tập trận 8 ngày được tiến hành ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, tuy thuộc Biển Đông nhưng nằm xa các điểm có tranh chấp, chuyên gia về hải quân Lý Kiệt (Li Jie) ở Bắc Kinh nói: “Bắc Kinh không muốn gây khó chịu cho Hà Nội và Manila và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đang thăm Bắc Kinh, và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có thể sẽ thăm Trung Quốc trong thời gian còn lại của năm nay. Tuy nhiên, nó vẫn là một động thái đáng kể khi Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận với đối tác Nga ở trong khu vực sau khi có phán quyết của Tòa quốc tế La Haye”.
Đây là cuộc tập trận thường niên thứ 5 giữa Trung Quốc và Nga kể từ năm 2012 sau khi hai nước thiết lập cơ chế hợp tác quốc phòng vào năm 2005.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay cuộc tập trận lần này có các nội dung về phòng thủ, cứu nạn, chống ngầm và chiếm đảo. Tham gia hoạt động này là 15 tàu, 21 máy bay, và gần 260 quân của cả hai nước. Bộ nói hai bên sẽ tập trung vào các kỹ năng tác chiến, số hóa và chuẩn hóa để thúc đẩy hợp tác hải quân, nhưng không nhắm vào bất cứ bên thứ ba nào.
Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, dẫn đến những tranh chấp căng thẳng với Việt Nam và Philippines. Các bên khác cũng có tranh chấp là Đài Loan, Malaysia và Brunei.
Nga là nước lớn duy nhất thể hiện sự ủng hộ dành cho Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông, bất chấp thực tế Việt Nam là một nước có quan hệ chặt chẽ về nhiều mặt với Nga trong hàng chục năm.
Tuy nhiên, nhà quan sát quân sự Antony Wong Dong ở Macau nói cuộc tập trận hiện nay cho thấy hai nước Nga, Trung vẫn chưa thực sự có sự tin cậy song phương.
Ông Wong chỉ ra rằng Nga đã đưa tàu chiến lớn nhất của mình từ hạm đội Thái Bình Dương tham gia trong khi Trung Quốc không triển khai các tàu khu trục tên lửa tiên tiến nhất lớp 052D của mình mà chỉ sử dụng các tàu lớp 052B và 052C kém hiện đại hơn. Ông nhận xét điều đó “cho thấy họ ‘tin’ nhau đến mức nào”.
Trong một cuộc họp báo hôm 12/9, một phát ngôn viên của Hải quân Trung Quốc cho biết trong cuộc tập trận, hai bên sẽ lần đầu tiên sử dụng hệ thống thông tin chỉ huy chung Trung-Nga. Hệ thống này có năng lực gửi, nhận và chia sẻ thông tin giữa mọi vị trí chỉ huy và các đơn vị tác chiến ở mọi cấp.
Tuy nhiên, ông Wong nói cái gọi là hệ thống thông tin chỉ huy chung bị giới hạn trong việc trao đổi dữ liệu radar và siêu âm của hai lực lượng hải quân, nó không cung cấp “đường truyền dữ liệu chiến thuật”, là hệ thống thông tin chuẩn hóa mà các đồng minh quân sự sử dụng qua sóng vô tuyến hoặc cáp.
Ông Wong bình luận: “So sánh với hệ thống kết nối dữ liệu mà Mỹ chia sẻ với các đồng minh NATO, sẽ thấy không có sự tin tưởng song phương nào giữa Trung Quốc và Nga”.
Theo Xinhua, SCMP
Vai trò của Nga trong tập trận Trung-Nga
TS. Vũ Cao PhanNhà nghiên cứu, Đại học Bình Dương
Trong tình hình thế giới và khu vực hiện nay, dưới bất kì góc độ nào, cuộc tập trận này diễn ra là đáng tiếc.
Thứ nhất, nó được thực hiện ở Biển Đông, dù nằm trên phần lãnh hải Trung Hoa và là địa bàn của Hạm đội Nam Hải (đóng tại Trạm Giang – Quảng Đông) nhưng đủ nhạy cảm vì khá gần Việt Nam, khá gần vùng tranh chấp biển giữa Trung Quốc với một số quốc gia láng giềng.
Thứ hai, cuộc tập trận diễn ra sau phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế PCA (và kế hoạch tập trận được tuyên bố từ tháng 4/2016, khi kết quả phán quyết đã có thể dự báo) rõ ràng nhằm mục đích cộng hưởng căng thẳng chiến lược.
Tuy các áp lực đã được giảm nhẹ do đạt được sự hiểu biết nhất định giữa các bên – đặc biệt là giữa ASEAN và Trung Quốc – qua Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN+ vừa kết thúc, nhưng như tờ Straits Times (Singapore) dẫn ý kiến nhiều nhà quan sát trong vùng cho thấy, cuộc tập trận sẽ có tác động tiêu cực tới mối quan hệ này.
Thứ ba, tuy là cuộc tập trận thường niên giữa lực lượng hải quân hai nước Nga – Trung nhưng theo thông báo của chính các bên tham dự, nó có quy mô chưa từng có, cả về số lượng chất lượng tàu thuyền lẫn thời gian thực hiện. Riêng Nga đã đưa đến ba tàu khu trục, một tàu kéo, một tàu dầu, hai tàu cao tốc cỡ lớn cùng nhiều thành phần khác, một lực lượng hùng hậu nhất từ trước tới nay.
Thứ tư, các nước vừa cùng tuyên bố không quân sự hóa và căng thẳng hóa Biển Đông nhưng cuộc tập trận của Nga – Trung đã lập tức kéo theo cuộc tập trận đáp lại có quy mô không kém của Mỹ trên một khu vực khác ở Thái Bình Dương( Guam – Mariana Islands) vào cùng thời điểm. Căng thẳng đương nhiên nhân đôi.
Một điều đáng quan tâm là nhân tố Nga, vị thế Nga trong cuộc tập trận này. Cơn cớ gì để Nga phải đến tận Biển Đông – cách rất xa đất nước mình – tập trận?
Cùng với việc gần đây Nga chính thức tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc trước phán quyết của Tòa Trọng tài, hình như gió muốn đổi chiều? Có thể và không hẳn. Nhưng lấp ló hình bóng một đàn em…
Mới đây, trả lời phỏng vấn về cuộc tập trận, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói rằng hai nước Trung – Nga đang duy trì đà hợp tác chiến lược vô cùng cao.
Nhiều nhà lãnh đạo hai bên gần đây từng tuyên bố: Quan hệ Nga – Trung đang ở giai đoạn “ tốt nhất trong lịch sử”.
Hy vọng như thế. Và lịch sử là lịch sử.
Thời Liên Xô (tiền thân và cũng là hậu thân của nước Nga), tại một hội nghị của Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, khi nhiều ý kiến đề xuất Phong trào này cần được định danh là “do Liên Xô và Trung Quốc dẫn đầu”, Mao Trạch Đông đã phản đối.
Ông nói, “một cơ thể có hai đầu là một quái thai” và đề nghị chỉ cần nêu một mình Liên Xô là đủ . Tuy nhiên, Trung Quốc – dù tiềm lực kinh tế và quân sự lúc đó thua xa – chưa bao giờ cảm thấy mình ở “ngôi dưới” ,đi theo sự dẫn dắt của Liên Xô.
Nga tố cáo Mỹ đưa tàu chiến vào thực hiện tuần tra FONOP làm căng thẳng Biển Đông. Thế còn họ, họ có vai trò như thế nào khi công bố cuộc diễn tập này nhấn mạnh hai nội dung chính: đối kháng chống ngầm và đánh chiểm hải đảo, với rất nhiều thao tác tinh vi phức tạp thể hiện sự “tin cậy đặc biệt ” như lời tướng về hưu Doãn Trác (Trung Quốc) tuyên bố?
Trong khi đó Đô đốc S.Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương thì cáo buộc Nga và Trung Quốc, bằng cuộc tập trận này, đã “tìm cách leo thang tình hình vốn đang phức tạp tại Biển Đông”.
Bài phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả, nhà quan sát chính trị và bang giao quốc tế, Đại học Bình Dương, nguyên Đại tá, giảng viên Học viện Quốc phòng Việt Nam.
Liệu Trung Quốc có chiêu dụ được các «đồng chí» Việt Nam ?
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã được Bắc Kinh trải thảm đỏ đón tiếp, mặc dù quan hệ Việt-Trung đang lạnh giá do vấn đề chủ quyền Biển Đông.
Tờ South China Morning Post nhận định, Trung Quốc trong tuần rồi đã trưng ra bộ mặt hữu hảo trong chuyến viếng thăm của thủ tướng Việt Nam. Đây là một phần trong nỗ lực ngoại giao để chiêu dụ nước láng giềng châu Á, nhằm làm giảm nhẹ những bất đồng đang âm ỉ, do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Nhưng các nhà phân tích cảnh báo, quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh vẫn khó khăn, mặc dù có những dấu hiệu tích cực bề ngoài trong tuần lễ vừa qua.
Các nhà quan sát nói rằng chuyến đi Trung Quốc của ông Nguyễn Xuân Phúc, kết thúc vào hôm nay 15/09/2016, cho thấy Bắc Kinh đánh giá cao tầm quan trọng về địa chính trị của Hà Nội – một đối thủ chính đang yêu sách chủ quyền Biển Đông. Bắc Kinh cũng cố gắng sử dụng chính sách ngoại giao dùng kinh tế làm mồi nhử, để cải thiện mối quan hệ giữa hai nước.
Bỏ qua một bên những bất đồng sâu sắc về tranh chấp lãnh thổ trên biển, Bắc Kinh đã trải thảm đỏ đón ông Nguyễn Xuân Phúc, quan chức cao cấp đầu tiên của Việt Nam đến thăm Trung Quốc, kể từ sau đợt thay đổi mạnh mẽ ban lãnh đạo tại Hà Nội hồi đầu năm.
Trong một động thái bất thường nhằm phô trương mối quan hệ đặc biệt với quốc gia cộng sản láng giềng, trong chuyến viếng thăm kéo dài sáu ngày, ông Nguyễn Xuân Phúc được đến năm trong số bảy ủy viên thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc tiếp, trong đó có cả chủ tịch Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường.
Ông Phúc, người mà theo tờ báo là có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc sau phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye hồi tháng Bảy, đã dịu giọng hẳn và hứa hẹn rằng mối quan hệ với Bắc Kinh sẽ là ưu tiên hàng đầu của Hà Nội.
Đổi lại, các lãnh đạo Trung Quốc cam đoan sẽ thắt chặt hơn quan hệ thương mại và tăng cường đầu tư vào Việt Nam – đang trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Nhà nghiên cứu Hứa Lợi Bình (Xu Liping) thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc nói rằng chuyến đi của ông Nguyễn Xuân Phúc đánh dấu một chương mới trong quan hệ Trung-Việt, vì « cả hai bên đã hiểu được rằng họ không thể dấn vào xung đột trên biển ». Ông nói : « Do quan hệ thương mại chưa bao giờ chặt chẽ đến thế, rõ ràng là các lợi ích chung đã vượt lên hẳn những bất đồng. Đây là lúc để hai nước nhìn xa hơn vấn đề tranh chấp Biển Đông và xây dựng lại lòng tin ».
Cố Hiểu Tùng (Gu Xiaosong, một chuyên gia về Việt Nam ở Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây nói rằng mặc dù quan hệ chính trị giữa hai nước vẫn còn bị ảnh hưởng bởi tranh chấp trên biển, và khác biệt về tư tưởng, các lãnh đạo Việt Nam cũng như Trung Quốc vẫn lưu tâm đến việc làm giảm bớt căng thẳng, và cố gắng siết chặt quan hệ kinh tế thương mại.
Ông nhận định : « Rõ ràng hòa bình, ổn định trên Biển Đông là phù hợp với lợi ích của cả đôi bên, và quan hệ Trung-Việt sẽ ổn thỏa trong một thời gian ». Theo ông, việc giảm bớt căng thẳng trong quan hệ Việt Nam và Trung Quốc cũng sẽ giúp làm nguội bớt các quan hệ khác trong khu vực, vốn đang căng như dây đàn trong hồ sơ Biển Đông.
Các nhà phân tích ghi nhận, chủ tịch Tập Cận Bình hứa hẹn sẽ xúc tiến hợp tác trên biển giữa hai quốc gia trên vùng biển tranh chấp. Trung Quốc và Việt Nam hồi tháng 12/2015 đã cùng kiểm tra thực địa và các điều kiện địa lý ở cửa Vịnh Bắc bộ.
Tuy nhiên những nhà phân tích khác cho rằng quan hệ đôi bên đã bị xói mòn nghiêm trọng do tranh chấp Biển Đông, và các nỗ lực nhằm cải thiện sẽ rất khó khăn.
Giáo sư Alexander Vuving của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương ở Honolulu nhận xét, quan hệ Việt-Trung đã đến mức « giọt nước tràn ly » vào năm 2014, với cuộc khủng hoảng xảy ra khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Hoàng Sa, kéo mối quan hệ xuống thấp chưa từng thấy.
Ông nói : « Bề ngoài có vẻ tích cực trong quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam có lợi cho cả hai, nhưng điều này không giống với thực tế. Từ đó đến nay, mặc cho những nỗ lực của cả đôi bên để tổ chức nhiều cuộc đàm phán hơn giữa các lãnh đạo, nhưng lòng tin đã xuống rất thấp. Những gì Trung Quốc hành động ở Biển Đông đã gây ngờ vực sâu sắc cho phía Việt Nam ».
Chuyên gia Alexander Vuving cũng ghi nhận, Bắc Kinh khó mà từ bỏ lập trường quyết đoán về Biển Đông, có nghĩa là căng thẳng vẫn có thể leo thang giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng như với các nước khác.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á ở trường đại học New South Wales, Úc, nói rằng thủ tướng Việt Nam nhất muốn quyết Trung Quốc cam kết tôn trọng nguyên trạng, không tiếp tục quân sự hóa Biển Đông.
Ông nói : « Tất cả những gì có thể hy vọng trong chuyến viếng thăm của ông Phúc là duy trì cấp độ những cuộc họp làm việc về tranh chấp trên biển, và tăng cường những biện pháp xây dựng lòng tin. Hà Nội mong muốn bảo đảm rằng tình hình trong khu vực thuận lợi cho phát triển kinh tế. Việt Nam coi Trung Quốc là một trong những cường quốc quan trọng trong chính sách ngoại giao của mình ».
Làm giảm nhẹ căng thẳng với Bắc Kinh, Hà Nội trong những tháng gần đây cũng nghĩ đến việc xúc tiến quan hệ với Hoa Kỳ, tăng cường mối quan hệ với các nước lớn khác như Nhật Bản, Ấn Độ và Pháp.
Ông Vuving nhận định : « Sau chuyến công du Hoa Kỳ của tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng năm 2015, và chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ Barack Obama năm nay, nhiều lãnh đạo Việt Nam hiện giờ tin tưởng vào Hoa Kỳ hơn là Trung Quốc. Đây là điều trái ngược so với chỉ vài năm trước đây ».
Philippines chủ trương « duy trì nguyên trạng » tại Biển Đông
Manila công nhận không có đủ phương tiện để đương đầu với các quốc gia cùng đòi hỏi chủ quyền trong vùng Biển Đông. Ngày 14/09/2016, điều trần trước Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện về ngân sách quốc phòng cho năm 2017, bộ trưởng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố Manila chủ trương «giữ nguyên trạng » trong vùng Biển Tây Philippines, tức Biển Đông, nơi có tranh chấp chủ quyền với một số quốc gia trong khu vực.
Trước Ủy ban Quốc phòng Hạ Viện Philippines, ông Delfin Lorenzana loại trừ khả năng Manila phô trương sức mạnh ở Biển Đông vì Philippines « không có phương tiện đối đầu với các quốc gia khác cùng đòi hỏi chủ quyền » trong vùng biển này.
Theo báo mạng Philippines Inquirer, khác hẳn với chính quyền của người tiền nhiệm, tổng thống Rodrigo Duterter chủ trương đối thoại với Bắc Kinh để cùng khai thác tài nguyên trong vùng Biển Đông, nơi nhiều quốc gia Đông Nam Á cùng đòi hỏi chủ quyền. Từ khi lên cầm quyền, tổng thống Duterte bị chỉ trích là có thái độ thân Trung Quốc.
Lên cầm quyền từ tháng 6/2016, tổng thống Rodrigo Duterte chủ trương giải quyết tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc bằng con đường đối thoại, cho dù Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo ở bên trong vùng thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines và đánh đuổi tàu cá của Philippines ở những khu mà họ được quyền đánh bắt, như gần bãi đá Scarborough.
Báo Inquirer nhắc lại Philippines đã giành thắng lợi trong vụ kiện Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông mà Manila gọi là Biển Tây Philippines. Phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye phủ nhận các đòi hỏi chủ quyền trong vùng Biển Đông của Trung Quốc căn cứ trên bản đồ đường 9 đoạn.
Philippines khai thác lá bài cạnh tranh Mỹ-Trung để hưởng lợi
Những tuyên bố trái ngược của tổng thống Philippines về Biển Đông, rạn nứt trong quan hệ giữa Manila với đồng minh truyền thống là Mỹ, gần đây nhất là thông báo về khả năng Philippines mua vũ khí của Nga hay Trung Quốc khiến giới phân tích nêu lên câu hỏi : liệu đấy chỉ là những lời tuyên bố rỗng tuếch hay thực sự là chiến lược của tân tổng thống Duterte khai thác lá bài cạnh tranh Mỹ- Trung có lợi cho Philippines.
Cách nay hai ngày, phát biểu trước các quan chức quân sự tại Manila, tổng thống Rodrigo Duterte thông báo có hai quốc gia đồng ý bán vũ khí cho Philippines nhưng không nêu đích danh hai quốc gia đó. Ông Duterte cho biết bộ trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana và các chuyên gia sẽ viếng thăm Trung Quốc và Nga trong tương lai gần, để tìm kiếm nguồn cung cấp « tốt nhất » cho Philippines.
Từ hơn nửa thế kỷ qua, Mỹ luôn là nguồn cung cấp vũ khí chính cho Philippines. Do vậy nhiều nhà quan sát cho rằng, kịch bản Philippines mua vũ khí của Trung Quốc để tăng cường khả năng phòng thủ sẽ không xảy ra. Nhưng tuyên bố vừa qua của tổng thống Duterte phản ánh dư âm phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế La Haye trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông.
Sau khi từng tuyên bố là « máu sẽ đổ », nếu như Trung Quốc dùng sức mạnh lấn chiếm biển đảo của Philippines, thì cũng chính tổng thống Rodrigo Duterte đã tỏ thái độ hòa hoãn với Bắc Kinh khi đề nghị cùng Trung Quốc khai thác các nguồn tài nguyên trong vùng biển có tranh chấp.
Trong buổi nói chuyện với các giới chức quân sự Philippines ngày 13/09/2016, không nêu đích danh một quốc gia nào, hay Hoa Kỳ, nhưng tổng thống Philippines đã nhấn mạnh : ông sẽ không cho phép quân đội tập trận chung ở Biển Đông với bất kỳ một lực lượng nước ngoài nào.
Tuần trước, Manila yêu cầu quân đội Mỹ rời khỏi miền nam Philippines. Đây là nơi từ năm 2002 nhiều cố vấn quân sự Mỹ được điều tới để hỗ trợ Philippines đối phó với quân nổi dậy Hồi giáo.
Quan hệ giữa tân chính quyền Manila với đồng minh Hoa Kỳ cũng đã trở nên đặc biệt tế nhị kể từ khi ông Duterte lên cầm quyền hồi tháng 6/2016.
Theo như phân tích của nhà nghiên cứu Oh Ei Sun, thuộc Trường Quan hệ Quốc tế Rajaratnam, tại Singapore, rất có thể trong thời gian tới ông Duterte tiếp tục tỏ thái độ thân Bắc Kinh hoặc sẽ còn có những phát biểu quá trớn và mang tính khiêu khích hơn nữa với Mỹ, bởi vì lãnh đạo Philippines thừa biết Manila là một trong những cột trụ chính trong chính sách xoay trục sang Châu Á của Hoa Kỳ. Tổng thống Duterte do vậy đánh cuộc là trong mọi trường Washington cũng sẽ nhẹ tay với Philippines, trong khi đó Bắc Kinh sẽ không dễ bỏ qua cho Manila, nếu Philippines cứ duy trì chính sách đối đầu trên hồ sơ Biển Đông.
Chỉ riêng trong lĩnh vực mua bán vũ khí thì chuyên gia Singapore này cho rằng, tổng thống Duterte đã nêu lên khả năng mua trang thiết bị quân sự của Trung Quốc chẳng qua là nhằm mặc cả và đòi nhà cung cấp Hoa Kỳ phải tính toán sao cho cả đôi bên cùng có lợi. Đây cũng là quan điểm của chủ tịch Viện nghiên cứu Nam Hải (tức Biển Đông) của Trung Quốc, Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun). Ông viện chứng : Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương giữa Hoa Kỳ với Philippines đã được Tối cao pháp viện Philippines thông qua, thì đâu dễ để một lời nói của ông Duterte xua tan. Cho dù nỗ lực giữ một thế cân bằng giữa hai ông khổng lồ là Mỹ và Trung Quốc, thì tổng thống Philippines cũng không thể nào loại bỏ hay rút lại những thỏa thuận hợp tác quốc phòng từ lâu nay giữa hai nước
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ không thể cung cấp vũ khí cho Manila. Sẽ thật là khó xử cho Bắc Kinh, nếu như Philippines sử dụng vũ khí của Trung Quốc để tự vệ ở Biển Đông, chống lại tàu thuyền Trung Quốc.
Một chuyên gia quân sự khác của Trung Quốc thì cho rằng, Philippines không đủ can đảm và nghị lực để dứt bỏ mối bang giao chiến lược với Hoa Kỳ. Do vậy theo chuyên gia này, ý định mua vũ khí của Trung Quốc được tổng thống Duterte nhắc tới, chẳng qua chỉ nhằm xoa dịu Bắc Kinh sau phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế bất lợi cho Trung Quốc về Biển Đông.
Nhà nghiên cứu Singapore Oh Ei Sun cũng gắn liền ý định trang bị vũ khí Trung Quốc của Philippines với hồ sơ Biển Đông. Theo ông, căng thẳng trong khu vực vẫn chưa lắng dịu. Trước mắt cho dù Manila không lợi dụng phán quyết của Tòa án La Haye để khuấy động thêm tình hình, nhưng không có gì bảo đảm là một số các nước trong vùng, có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc sẽ không noi gương Philippines, kiện Bắc Kinh lấn chiếm Biển Đông hay nhờ quốc tế đứng ra làm trọng tài thay vì giải quyết song phương với Trung Quốc, như Bắc Kinh mong muốn.
0 nhận xét