Tin Việt Nam – 03/09/2016
Ấn Độ cấp cho CSVN 500 triệu đôla tín dụng quốc phòng
Thủ tướng Ấn Độ hôm nay, 3/9, thông báo cấp cho CSVN khoản tín dụng mới trị giá nửa tỉ đôla để “tăng cường hợp tác quốc phòng”.
Thông tin này được ông Narendra Modi thông báo trong buổi họp báo chung với Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc ở Hà Nội.
Thủ tướng Ấn Độ nói thêm rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ “đóng góp vào ổn định, an ninh và thịnh vượng của khu vực”.
Các nhà quan sát cho rằng khoản tín dụng này sẽ giúp Việt Nam tăng cường quốc phòng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở biển Đông.
Gói tín dụng 500 triệu đôla là một trong nhiều thỏa thuận mà nhà lãnh đạo Ấn Độ ký trong chuyến thăm ngắn ngày tới Việt Nam.
Ông Modi cũng cho biết thêm rằng đôi bên đã ký thỏa thuận về đóng tàu tuần tra cho Cảnh sát biển và chuyển giao công nghệ đóng mới cho Việt Nam.
Tuy nhiên, đôi bên không đề cập công khai tới loại tên lửa BrahMos mà các nhà quan sát nhận định rằng New Delhi muốn bán cho Việt Nam, trong lúc Việt Nam đang phải đối phó với các hành động lấn lướt của TC ở biển Đông.
“Đối tác Chiến lược Toàn diện”
Tuyên bố chung giữa hai nước, đăng tải trên trang web của chính phủ Việt Nam, có đoạn: ” Phía Việt Nam tái khẳng định sự ủng hộ nhất quán đối với Ấn Độ trong việc triển khai chính sách “Hành động hướng Đông” và đóng vai trò lớn hơn ở khu vực và trên thế giới. Thủ tướng Modi khẳng định Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ”.
Ngoài ra, Việt Nam và Ấn Độ “nhất trí nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược hiện nay lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện”.
Ngoài việc gặp gỡ các lãnh đạo cao cấp của nước chủ nhà, người đứng đầu nội các Ấn Độ còn tới thăm một số địa danh ở Hà Nội, trong chuyến công đầu tiên của một vị thủ tướng Ấn Độ trong hơn một thập kỷ.
Trên trang Twitter của ông Modi có các đoạn tweet bằng tiếng Việt: ” Xin cám ơn Nhân dân và Chính phủ Việt Nam về sự đón tiếp trọng thị trong chuyến thăm của tôi. Tôi sẽ luôn nhớ tới chuyến thăm đáng nhớ và hiệu quả này, chuyến thăm đặt nền tảng cho mối quan hệ Ấn Độ Việt Nam ngày càng tốt hơn”.
Sau Việt Nam, ông Modi tới TC ngày 3/9 để dự hội nghị thượng đỉnh G20, rồi tới Lào tham gia các hội nghị của ASEAN.
Theo http://www.voatiengviet.com/a/an-do-cap-cho-viet-nam-nua-ty-do-la-tin-dung-quoc-phong/3492366.html
Malaysia bắt giữ 8 công dân Việt buôn bán bộ phận cơ thể động vật hoang dã
Tám công dân Việt Nam bị Malaysia bắt giữ vì tham gia buôn bán bộ phận cơ thể của động vật hoang dã.
Mạng Vietnam Plus trích dẫn nguồn tin của Cục Bảo vệ Động vật Hoang dã và Công viên Quốc gia Malaysia, nêu rõ trong chiến dịch có tên ‘Ops Chameleon’, cơ quan chức năng nước này bắt giữ số lượng cơ phận động vật hoang dã trị giá chừng nửa triệu đô la Mỹ và 12 người, trong đó có 8 người Việt Nam.
Tin cho biết thêm số vật phẩm thu giữ được gồm ngà voi, vảy tê tê, da hổ, răng và móng vuốt gấu, sọ của những động vật hoang dã có vú cũng như các bộ phận cơ thể khác nhau của chim mỏ sừng.
Chiếu theo luật pháp của Malaysia về bảo tồn động vật hoang dã những người bị bắt có thể bị kết án và đối diện với án phạt tù không quá hai năm hay khoản tiền phạt tối đa lên đến 500 ngàn ringgit, hoặc cả hai hình phạt.
Chiến dịch Ops Chameleon được cơ quan chức năng Malaysia bắt đầu tiến hành từ cuối tháng 8 vừa qua.
Từ thành phố Qui Nhơn đến bán đảo Nhơn Lý
Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Tình trạng các công trình phục vụ du lịch của các tập đoàn kinh tế, đặc biệt là FLC ngày càng lấn lướt đời sống người dân thành phố Qui Nhơn và bán đảo Nhơn Lý, Bình Định, đẩy người dân vào chỗ khó xử bởi kiểu mặc cho sức khỏe người dân, ém nhẹm quyền lợi của người dân ở Qui Nhơn hoặc rào chắn đường đi lối lại trên bán đảo Nhơn Lý. Và không ít đất đai của người dân Qui Nhơn hoặc Nhơn Lý, Nhơn Hội bị các tập đoàn lấn chiếm một cách bất minh bởi họ không liên lạc đền bù trực tiếp với người dân mà chỉ thông qua chính quyền địa phương. Những tiếng kêu, sự bất mãn của người dân Qui Nhơn và Nhơn Lý ngày càng nhiều. Thành phố Qui Nhơn và bán đảo Nhơn Lý vốn dĩ bình yên trên đất Bình Định giờ trở nên ồn ào và bất an!
Không còn bình yên
Một người dân thành phố Qui Nhơn tên Hải, chia sẻ: “Cái nhà máy xử lý nước thải ở đây được ngân hàng thế giới và nhà nước Việt Nam cam kết đền bù cho dân nhưng chính quyền Bình Định thì không đền bù. Đã hoạt động 3, 4 năm nay rồi, kinh tế làm không ra tiền, rồi sống trong môi trường ô nhiễm. Mấy năm nay dân vẫn phải ở đây, giờ dân đã nộp đơn lên bên môi trường và những cơ quan liên quan về việc lừa đảo chiếm đoạt đất đai của dân, nhưng không nghe phía trên nói gì, họ vẫn im hơi, không trả lời gì cả. Vừa rồi phó chủ tịch tỉnh đưa quyết định cưỡng chế, đó là lệnh trái pháp luật.”
Cái nhà máy xử lý nước thải ở đây được ngân hàng thế giới và nhà nước Việt Nam cam kết đền bù cho dân nhưng chính quyền Bình Định thì không đền bù.
- Anh Hải, Quy Nhơn
Ông Hải cho biết thêm, cách đây vài hôm, chính quyền và công an thành phố Quy Nhơn đã đến nhà ông Lê Văn Vui cha ruột của ông Hải gửi quyết định cưỡng chế. Trong khi đó, gia đình ông Hải có bốn gia đình nhỏ, và bốn gia đình này có đất trong diện di dời, thuộc nhóm 97 gia đình sắp bị nhà nước cưỡng chế lấy đất do nằm trong vùng đệm của dự án xây dựng nhà máy nước thải thuộc tiểu dự án CEPT của thành phố Quy Nhơn. Nói cách khác là 97 gia đình này thuộc diện di dời tái định cư.
Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải thành phố Quy Nhơn thuộc nguồn vốn ODA vay không hoàn lại giữa Ngân Hàng Thế Giới ký Với chính phủ Việt Nam và giao cho tỉnh Bình Định thực hiện. Quá trình thực hiện dự án nghe ra đã có quá nhiều vấn đều khuất tất.
Ông Hải tỏ ra bức xúc vì theo bản kế hoạch tái định cư và khung chính sách đền bù của ngân hàng thế giới và chính phủ Việt Nam đã ký kết được thực hiện vào tháng tư năm 2008, dựa trên cơ sở đất đổi đất và tiêu chí tất cả các gia đình bị ảnh hưởng đều được đền bù và hỗ trợ đời sống. Nhưng trên thực tế thì các gia đình bị cắt mất phần hỗ trợ, thậm chí không được đền bù cho diện tích đã mất. Và chính quyền đã lấy đất tái định cư để chia lô bán cho các doanh nghiệp và các tư nhân khác.
Mặc dù 97 gia đình bị mất trắng đất tái định cư và tiền đền bù đã nhiều lần viết đơn khiếu kiện nhưng không được giải quyết. Mãi đến năm 2012, nhóm 97 gia đình viết đơn khiếu kiện vượt cấp ra tận trung ương Hà Nội với hi vọng được giải quyết nhưng vẫn không được giải quyết. Bây giờ thêm chuyện thông báo cưỡng chế từ ủy ban nhân dân thành phố Qui Nhơn, do Phó Chủ tịch thành phố này ký mặc dù mọi chuyện vẫn chưa được ngã ngũ.
Cùng cảnh ngộ với 97 gia đình ở thành phố Qui Nhơn, các gia đình trên bán đảo Nhơn Lý cũng gặp rất nhiều khó khăn, chật vật bởi chính quyền đã ký quyết định giao vùng đất và vùng biển Nhơn Lý cho tập đoàn FLC xây dựng khai thác du lịch, dịch vụ…
Và tập đoàn FLC đã ngang nhiên thiết lập rào chắn bằng kẽm gai từ bờ ra tới biển và một số con đường dân sinh. Cuộc sống ngư dân vốn khó khăn nơi đây càng thêm chật vật khi đường ra âu thuyền bị chắn ngang. Đường kiếm cơm của ngư dân Nhơn Lý hoàn toàn bị cắt đứt bằng kẽm gai và các bảo vệ FLC. Trong khi đó, người dân hoàn toàn bị bất ngờ bởi không có thông tin gì về rào chắn bãi biển từ phía chính quyền và cũng không có thông tin giao đất, giao biển từ đâu đến đâu. Đường đi lối lại trên bán đảo Nhơn Lý bỗng chốc trở thành một biệt khu mà trong đó kẽm gai và những đội bảo vệ của FLC phong tỏa kín mít chẳng khác nào giới nghiêm và khoanh vùng thời chiến tranh.
Vị trí chiến lược đã không còn bí mật
Ông Lũy, cư dân Nhơn Lý, là một cựu sĩ quan quân đội, chia sẻ: “Nói chung người dân rất bất xúc con đường, trước đây người dân rất vui khi tỉnh làm con đường này. Nhưng giờ FLC nó rào đường đi, nó cho một đường khác đi nhưng đường mới quá dốc và ôm cua nghẹt. Nó rào bờ biển lại, dân đã lên phản đối vào ngày khai trương, lãnh đạo địa phương cam kết là trong mười mấy ngày sẽ trả lại đường, nhưng thời gian qua rồi cũng chẳng gì. Nếu cứ tiếp tục thế này, hôm khánh thành dân sẽ bùng lên mạnh hơn nữa.”
Ông Lũy cho biết thêm rằng ông đã từng theo dõi rất kĩ các hoạt động của tập đoàn FLC và kết quả theo dõi của ông thật đáng e ngại khi mà tập đoàn FLC đi đến đâu thì người dân nơi đó phải rên xiết, kêu than vì những quyền lợi tối thiểu bị cưỡng đoạt. Từ biển Sầm Sơn, Thanh Hóa đến biển Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, rồi giờ đến Nhơn Lý, Bình Định. Nơi nào có FLC, nơi đó có tiếng kêu ai oán của người dân.
Nói về làm biển thì hai năm nay mất mùa, công trình FLC đến làm thì người dân nơi đây rất lo sợ… – Ông Lũy, cư dân Nhơn Lý
Và ông Lũy cũng đặt nghi vấn là tại sao FLC thường chọn những vùng biển chiến lược, vùng biển và đất có tính nhạy cảm viề mặt quân sự để xây dựng du lịch? Từ Sầm Sơn, Thanh Hóa cho đến Hải Ninh, Quảng Bình và Nhơn Lý, Bình Định đều là những vùng biển đóng vai trò chiến lược quan trọng trong vấn đề quân sự. Bởi với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu địa chính trị, làm chính trị viên cho quân đội Việt Nam, ông Lũy có điều kiện để kết luận những nơi FLC có dự án đều là vùng chiến lược quân sự.
Đầm Thị Nại đóng ngay trước bán đảo Nhơn Lý từng là nơi xảy ra trận chiến ác liệt giữa Quân Tây Sơn và quân nhà Nguyễn trong thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Trong thời chiến tranh trước 1975, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa xếp eo biển Qui Nhơn, bán đảo Nhơn Lý và đầm Thị Nại vào vị trí tối yếu quân sự. Nếu mất những nơi này thì có thể mất cả khu vực Nam miền Trung Việt Nam.
Ông Lũy cho biết thêm rằng:“Nói về làm biển thì hai năm nay mất mùa, công trình FLC đến làm thì người dân nơi đây rất lo sợ…”
Một người dân khác ở Nhơn Lý, tên Viện, nói rằng hiện nay, bà con ngư dân trên bán đảo Nhơn Lý vẫn tiếp tục đấu tranh để chống với bất công, chống nhà cầm quyền đã thỏa hiệp với FLC phong tỏa đường đi ngõ lại của Nhơn Lý. Và đáng sợ nhất là người dân đã sống nhiều đời trên bán đảo này bỗng chốc trở thành những người khách nghèo nàn của bán đảo, đời sống bị chèn ép đủ điều bởi rào chắn và bảo vệ của kẻ khác. Thậm chí, ngay trên mảnh đất nhiều đời khai phá và xây dựng, làm tổ ấm của nhiều gia đình, dòng tộc, bỗng chốc người dân bị FLC xây dựng và xua đuổi điu nơi khác.
Dường như tiếng kêu oan ức của người dân thành phố Qui Nhơn và người dân Nhơn Lý, Nhơn Hội vẫn lọt thỏm giữa sóng biển, bão bùng. Lòng người ngày càng trở nên khô khốc, trơ cạn bởi luôn phải đấu tranh và chịu đựng cay đắng, bất an, chịu sự vô cảm của nhà cầm quyền.
Thành phố Moritzburg của Đức quyết định không xây tượng đài Hồ Chí Minh
Một dự án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh vừa bị chính quyền một thành phố ở Đức bác bỏ, sau khi chính giới Đức có ý kiến nhằm làm sáng tỏ về bản chất của nhà lãnh tụ độc tài cộng sản.
Trang tin Diễn Đàn Việt Nam 21 đưa tin, trong cuộc họp tại thành phố Moritzburg, bang Saxony hôm 23 tháng 8 vừa qua, các giới chức của thành phố này xác định không xây khu tưởng niệm Hồ Chí Minh. Trước đó, hồi tháng 5, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh Hồ Chí Minh, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam loan tin sẽ có khu tưởng niệm Hồ Chí Minh trên một mảnh đất thuộc Giáo Hội Tin Lành Diakonenhaus tại thành phố này. Ngay sau đó một số nhà hoạt động gốc Việt tại Đức đã lên tiếng phản đối với chính quyền địa phương. Tại cuộc họp mới đây, thị trưởng Moritzburg là ông Jorg Hanisch loan báo thành phố đã từ chối đơn xây cất của phía chủ trương lập khu tưởng niệm. Ông Jens Knechtel, giám đốc hành chánh của Giáo Hội Tin Lành Diakonenhaus, cho biết sẽ duyệt xét lại hợp đồng cho thuê đất.
Phái đoàn của Diễn Đàn Việt Nam 21 có mặt tại cuộc họp trích thuật bản tuyên bố của chi bộ đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo Đức tại Moritzburg, đưa ra lập trường rất rõ ràng là không chấp nhận việc xây dựng tượng đài cho một cá nhân độc tài cộng sản. Được biết bản tuyên bố của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo mô tả Hồ Chí Minh là nhà độc tài đã giam giữ 200,000 tù chính trị trong các trại cải tạo, người đã ra lệnh cho quân lính tàn sát khoảng 3,000 thường dân trong vòng 3 tuần ở Huế vào năm Mậu Thân 1968. Hồ Chí Minh là người đã thực hiện cuộc cải cách ruộng đất đã đấu tố, tra tấn và tàn sát những người chủ đất. Các chính khách của đảng này cũng nêu câu hỏi rằng: Có nên tưởng niệm lãnh tụ cộng sản ngay trên đất của cơ sở Tin Lành, trong lúc tại Việt Nam, khoảng 6.5 triệu tín đồ Cơ Đốc Giáo phải có giấy phép của nhà cầm quyền mới được cử hành nghi lễ tôn giáo của mình?
Huy Lam / SBTN
Thủ tướng Phúc có dám thanh trừng bộ máy tham mưu?
T6, 09/02/2016 – 21:56
Ba tuần sau “biến cố Hội An” mà đã làm mất mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi để đoàn xe công tràn vào phố đi bộ, Phúc vừa có một động thái đáng chú ý về chấn chỉnh tác phong làm việc đối với giới quan chức các bộ ngành và tỉnh thành.
Trong một văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo “về việc tham gia đoàn công tác địa phương của lãnh đạo Chính phủ”,Thủ tướng Phúc yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố không tổ chức đón đoàn trên đường đi, chỉ tổ chức đón tại địa điểm đến công tác, trừ lực lượng công an dẫn đường. Thành phần tham gia đoàn của tỉnh, thành phố không quá 3 xe hơi (bao gồm xe chung của bí thư, chủ tịch và xe chung của các sở, cơ quan khác theo yêu cầu); Thứ trưởng trở xuống, các thành phần khác tham gia đoàn công tác đi xe chung do văn phòng chính phủ bố trí (bộ trưởng được đi xe riêng).
Cần nhắc lại, ngày 9/8/2016, một đoàn xe hơi sang trọng đến 30 chiếc của Thủ tướng Phúc lừ lừ tiến và chiếm lĩnh con đường chỉ dành tiêng cho người đi bộ tại Phố cổ Hội An. Lâu lắm rồi, không gian văn hóa dân tộc tĩnh mịch được UNESCO công nhận này mới bị phá vỡ bởi tiếng còi hụ dẹp đường của lớp cảnh sát giao thông kiêu binh. Cũng lâu lắm rồi, người dân Phố cổ mới ngơ ngác và kinh ngạc trước đoàn xe bất chấp biển hiệu đường cấm xe hơi. Ngay lập tức, những hình ảnh của đoàn xe Thủ tướng Phúc cùng ý kiến bày tỏ sự bất bình của nhiều du khách nước ngoài xuất hiện lên trên mạng xã hội, gây nên một làn sóng công phẫn và phản đối dữ dội. Hành vi phạm luật đã quá rõ: Nguyễn Xuân Phúc bị điểm âm trong vai trò thủ tướng.
Sau đó, vài tờ báo nhà nước đã mau mắn viết bài thanh minh cho Phúc. Nhưng không hiểu do nhiệt tình đáng nghi ngờ hay ấu trĩ kiến thức mà càng viết, những tờ báo này lại càng khiến cho người đọc có cảm giác rõ rệt là thủ tướng csvn là một nhân vật rất đặc quyền, muốn đi như thế nào thì đi và luật sinh ra là để phục vụ cho cái chuyện đi đứng ấy.
Để sau đó, Nguyễn Xuân Phúc đã phải công khai xin lỗi người dân về hành vi xe công vào đường cấm và cho rằng ông “không biết chuyện này”. Dù sao, hành động xin lỗi của Phúc cũng được nhiều người, kể cả giới trí thức bất đồng ở Việt Nam, đánh giá là “chưa có tiền lệ”, và đương nhiên vượt hơn hẳn mặt bằng công khai ém nhẹm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đây.
Vấn đề còn lại là sau lời xin lỗi, Thủ tướng Phúc sẽ làm gì để chấn chỉnh bộ máy tham mưu - một dàn quan chức quen cậy thần thế và xu nịnh, chưa tính đến việc có thể có thuộc cấp nào đó muốn “gài” tân thủ tướng?
Thói nhơ nhớp, ăn bẩn và thủ đoạn phe phái đã từ lâu được giới quan chức các cấp ở Việt Nam “thấm nhuần”. Ngay cả với Nguyễn Xuân Phúc – người đã có thâm niên làm quen với cơ quan Văn phòng chính phủ một số năm trước khi trở thành thủ tướng, cũng chỉ nắm được một bộ phận nhân sự thuộc loại “trung thành”, trong lúc còn quá nhiều nhân sự khác mà Phúc “chỉ hở ra là bị gài”.
Bởi thế, muốn tồn tại đủ lâu trên cái ghế thủ tướng, Phúc bắt buộc phải có những động tác quyết liệt và quyết liệt hơn hẳn để không chỉ chấn chỉnh mà còn thanh trừng một số trong giới tham mưu chuyên tác oai tác quái.
Cho tới nay, chủ trương giảm thiểu “giấy phép con” để hỗ trợ doanh nghiệp của Thủ tướng Phúc, dù được dư luận đánh giá là đúng, vẫn ậm ạch trên cung đường quá nhiều lực cản ở nhiều tỉnh thành, và đặc biệt là một cơ quan tham mưu sát sườn Phúc – Bộ Công Thương.
Lê Dung / SBTN
Thời Báo Houston tiếp tục thắng kiện vụ phỉ báng cựu nghị viên Hoàng Duy Hùng là Việt cộng
Toà kháng án ở Texas vừa phán quyết rằng, ông Nguyễn Đạt Thịnh- chủ bút của Thời Báo Houston- không phạm tội phỉ báng một viên chức chính phủ, khi gọi ông ta là cộng sản Việt Nam trong một bài báo, và cho đó chỉ là một sự ngộ nhận.
Luật sư Hoàng Duy Hùng tháng Mười năm 2014 đã kiện tuần báo Thời Báo Houston và chủ bút là ông Nguyễn Đạ Thịnh. Đơn kiện được đệ nạp tại toà đúng vào lúc ông Hoàng của đảng Cộng Hoà ứng cử Hạ viện tại quận hạt 149.
Quận Harris nơi Hùng ra ứng cử được coi là một trong những quận có nhiều thành phần đa dạng nhất ở Texas, với khoảng 20% dân số là người Việt Nam. Hùng đã bị thua trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra 3 tuần lễ sau vụ kiện trước một nhân vật gốc Việt khác có nhiều kinh nghiệm hoạt động lâu năm là ông Hubert Võ.
Hoàng Duy Hùng, 54 tuổi là người Mỹ gốc Việt đầu tiên làm việc cho Hội đồng Thành phố Houston kể từ tháng Giêng năm 2010.
Hùng từng là chủ tịch Cộng đồng người Việt Quốc gia tại Houston, tuy nhiên sau khi đắc cử, ông bắt đầu bày tỏ lập trường mà nhiều người cho là “trở cờ”, và trở nên thân thiện với nhà nước CSVN.
Hùng đã từng cùng với Thị trưởng Houston thu xếp cuộc nói chuyện với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao CSVN Nguyễn Thanh Sơn và tìm cách dàn xếp một cuộc đối thoại giữa Sơn với cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.
Vào tháng 3 năm 2013, Hoàng Duy Hùng về Việt Nam theo lời mời của Nguyễn Thanh Sơn dấy lên một làn sóng chống đối trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.
Hùng đổ thừa nguyên nhân khiến ông mất ghế vào năm 2013 là vì Tuần báo Thời Báo Houston đã cho đăng bài của ông Nguyễn Đạt Thịnh, nói xấu và gọi Hùng là thành viên của đảng CSVN, hoặc ít nhất cũng là gián điệp nằm vùng của cộng sản.
Tuy nhiên, ông Thịnh và Thời Báo Houston không bị khép tội phỉ báng, vì Texas Citizens Participation Act bảo vệ các công dân trong các vụ kiện liên quan đến lợi ích công cộng. Hùng còn bị buộc trong vòng 30 ngày phải bồi thường cho ông Nguyễn Đạt Thịnh số tiền $5,000 để trang trải tiền luật sư, và tiền thông dịch.
Hoàng Duy Hùng đã kháng cáo lên toà án Texas tại Houston, và toà kháng cáo đã đứng về phía ông Thịnh tại phiên toà diễn ra hôm 30 tháng Tám, 2016 vừa qua.
Theo chánh án John Donovan, Hùng không nêu được chứng cứ về sự phỉ báng.
Theo Song Châu / SBTN
Biên Hòa cho thành lập câu lạc bộ ‘Hiệp Sỹ’ vì công an bất lực trước tội phạm?
Tình trạng tội phạm gia tăng, tình hình an ninh trật tự không thể kiểm soát trước sự bất lực của lực lượng công an, khiến cho đời sống người dân Biền Hòa rất bất an. Chính quyền Biên Hòa đã cho thành lập câu lạc bộ “Hiệp Sỹ”, dùng người dân không được đào tạo bài bản tham gia vào công việc mà công an phải làm.
Ngày 3/9/2016, đại tá công an CSVN Trần Tiến Đạt- Trưởng công an thành phố Biên Hòa cho biết, thành phố Biên Hòa đã chấp thuận việc thành lập “câu lạc bộ phòng chống tội phạm phường Long Bình” mà người dân quen gọi là câu lạc bộ “Hiệp Sỹ”.
Đạt đã không thừa nhận lực lượng công an, cảnh sát làm việc dưới quyền của mình là yếu kém, mà đổ thừa cho tình hình đội phạm ở hai phường Long Bình và Trảng Dài phức tạp. Do đó, việc thành lập câu lạc bộ “Hiệp Sỹ” là nhằm tuần tra giám sát để giảm tình trạng tội phạm tại các phường này.
Bắt chước theo mô hình câu lạc bộ “Hiệp Sỹ” của tỉnh Bình Dương, nhưng công an Đồng Nai cho phép mở rộng các thành phần tham gia hơn. Ngay cả với những thanh niên ở trong phường, nếu “nhiệt tình” cũng có thể trở thành thành viên. Đến nay, câu lạc bộ “hiệp sỹ” của phường Long Bình có tất cả 29 thành viên.
Theo tờ Pháp Luật thành phố cho biết, phường Long Bình là địa bàn rộng lớn với hơn 120 ngàn dân, hơn một nửa trong số đó là dân tạm trú. Nơi đây thường xuyên xảy ra những vụ phạm pháp hình sự.
Việc cho thành lập những câu lạc bộ “hiệp sỹ” làm cho dư luận không khỏi thắc mắc. Những người dân không được đào tạo bài bản, hiểu biết giới hạn về luật pháp. Một khi trao cho họ quyền lực, rất dễ để cho họ vi phạm luật pháp, coi thường người dân. Đây chính là điều mà người dân thường thấy ở chính lực lượng công an CSVN, vốn bất lực trước tội phạm, nhưng lại giỏi trong việc đàn áp dân thương.
Ngọc Quân/SBTN
Nhiều trẻ em Việt bị đưa sang Anh làm nô lệ trong trại cần sa
Hàng chục trẻ em bị đưa từ Việt Nam đang Anh để làm nô lệ, sau khi trốn trong trại tị nạn ở Calais, Pháp.
Các thiện nguyện viên của Hiệp Hội Quốc Gia Ngăn Ngừa Tàn Ác Với Trẻ Em (NSPCC), một tổ chức của người Anh, cảnh cáo rằng có một số đông trẻ em đang bị giấu ngoài tầm theo dõi của các giới chức Pháp, trong một số khu vực của trại tị nạn và di dân mang tên “Jungle” (rừng rậm) ở thành phố cảng Calais. Các trẻ em này sẽ được đưa qua eo biển giữa Anh với Pháp để vào làm việc trong những trại cần sa ở Anh.
Báo Daily Mail của Anh dẫn lời các thiện nguyện viên của NSPCC đã tiến hành cuộc thanh tra đầu tiên tại trại tị nạn vừa kể. Họ lo ngại các băng đảng tội phạm đang sử dụng trại này để làm trạm cuối cùng tập trung trẻ em lại để đưa vào Anh. NSPCC lo ngại rằng sau khi vào Anh, các trẻ em này sẽ bị lợi dụng tính dục, biến thành lao nô, bị bán làm vợ hoặc có những hoạt động tội phạm.
Theo Trung Tâm Khuyến Cáo Nạn Buôn Trẻ Em của NSCPCC, trẻ em Việt Nam đặc biệt chiếm số đông trong trại tị nạn. Các băng đảng Việt Nam đã dần dần thống trị thị trường cần sa nội địa của Anh, tăng từ 15% vào năm 2005 lên tới 90% hồi năm ngoái. Ông Peter Wanless, tổng giám đốc NSPCC, còn cảnh cáo rằng có những tên tội phạm bắt cóc trẻ em du lịch tới vùng này của Pháp cùng với gia đình. NSPCC cho hay họ đang điều tra 72 vụ trẻ em mất tích khỏi trại.
Huy Lam / SBTN
0 nhận xét