Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Thế giới – 03/09/2016

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016 14:59 // , ,

Tin khắp nơi – 03/09/2016

Kỹ năng tranh luận có thể có tính quyết định

trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay

Các cuộc tranh luận luôn là một phần quan trọng của bất kỳ chiến dịch tranh cử tổng thống nào ở Mỹ, nhưng khi cả bà Hillary Clinton lẫn ông Donald Trump đều có mức ủng hộ thấp bất thường, các cuộc tranh luận năm nay có thể có ảnh hưởng lớn hơn bình thường.
Dan Schnur, Giám đốc Viện Chính trị thuộc Đại học Southern California, nói với hãng tin AP rằng: “Bởi vì các cử tri rất dễ dao động trong năm nay, cho nên chỉ một điều nhỏ cũng có thể làm cho một cử tri không kiên định thay đổi lòng trung thành của họ”.
Báo Washington Post đưa tin là một cuộc thăm dò của Washington Post-ABC News đầu tuần này cho thấy 41% người Mỹ có ấn tượng tốt về bà Clinton, trong khi 56% không ưa bà.
Tờ báo viết rằng đó là tỷ lệ thấp nhất mà Clinton nhận được trong 25 năm bà tham gia công việc nhà nước.
Tờ báo đưa tin là ông Trump còn nhận kết quả tồi tệ hơn trong cuộc thăm dò mới đây. Chỉ có 35% người Mỹ có ấn tượng tốt về ông, so với 63% không ưa.
Những người tranh cử sẽ có 4 cuộc tranh luận trước cuộc bầu cử vào tháng 11.
Cuộc đầu tiên trong ba cuộc tranh luận của các ứng viên tổng thống sẽ được tổ chức ngày 26 tháng 9 tại Đại học Hofstra ở Hempstead, New York.
Cuộc tranh luận thứ hai sẽ được tổ chức vào ngày 9 tháng 10 tại Đại học Washington ở St Louis, Missouri. Cuộc này sẽ có hình thức như một cuộc họp tòa thị chính, các câu sẽ do cử tọa nêu ra cũng như từ những người theo dõi cuộc tranh luận qua truyền thông xã hội.
Cuộc tranh luận thứ ba sẽ được tổ chức vào ngày 19 tháng 10 tại Đại học Nevada tại Las Vegas.
Cuộc tranh luận duy nhất giữa các ứng viên phó tổng thống Tim Kaine của đảng Dân chủ và Mike Pence của đảng Cộng hòa sẽ được tổ chức ngày 4 tháng 10 tại Đại học Longwood ở Farmville, Virginia.
Bà Clinton đã nói bà sẽ tham gia cả ba cuộc tranh luận.
Ông Trump cũng đã đồng ý tham gia, nhưng nói rằng ông muốn đàm phán về các điều kiện của các cuộc tranh luận.

Động đất 5,7 độ Richter làm rung chuyển Oklahoma

Một trận động đất 5,6 độ richter đã làm rung chuyển bang Oklahoma ở vùng trung tây nước Mỹ vào sáng hôm thứ Bảy, 3/9. Phần lớn miền trung nước Mỹ cũng đã cảm thấy chấn rung.
Chưa có tin tức gì về có ai bị thương tích không, nhưng báo chí địa phương đưa tin là cư dân ở Oklahoma City, thủ phủ bang, đã báo cáo có thiệt hại.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết ít có khả năng xảy ra thương vong hay thiệt hại quy mô lớn.
Tâm chấn của trận động đất cách Pawnee, Oklahoma, khoảng 14 kilomet về phía tây bắc. Có tin người ta cảm thấy chấn rung ở tận St. Louis, Missouri và Des Moines, Iowa – tất cả những nơi này đều cách xa 700 kilomet.
Trận động đất hôm thứ Bảy có cường độ gần bằng trận động đất mạnh nhất xảy ra ở Oklahoma hồi năm 2011. Theo hãng tin AP, sự gia tăng gần đây về số lượng các trận động đất 3 độ Richter trở lên ở bang có liên quan đến quá trình khai thác dầu có tên là fracking, việc này làm cho nhiều vùng của Oklahoma dễ bị động đất giống như vùng phía Bắc của California.

FBI phổ biến hồ sơ điều tra vụ Email của bà Clinton

Cục Điều tra Liên bang, tức FBI, của Mỹ vừa công bố 58 trang tài liệu của cuộc điều tra về việc sử dụng máy chủ email cá nhân gây nhiều tranh cãi của ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton của Ðảng Dân chủ khi bà còn làm bộ trưởng ngoại giao.
Thông báo của phòng báo chí FBI cho biết: “FBI hôm nay công bố tóm tắt nội dung cuộc phỏng vấn của FBI với cựu bộ trưởng ngoại giao Hillary Clinton hôm 2 tháng 7 năm 2016 liên quan đến những cáo buộc cho rằng các thông tin mật không được cất giữ đúng cách hoặc được chuyển vào một máy chủ cá nhân mà bà sử dụng trong lúc giữ chức vụ này.”
FBI cũng công bố điều họ gọi là “bản tóm tắt sự thật” của cuộc điều tra trên tinh thần minh bạch và để đáp lại nhiều yêu cầu theo Luật Tự do Thông tin (FOIA).
Các tài liệu này có nói về cách máy chủ được thiết đặt trong tầng hầm của nhà bà Clinton.
Cục Điều tra Liên Bang đã khép cuộc điều tra kéo dài cả năm lại hồi tháng trước về việc liệu bà và các trợ lý có xử lý không đúng cách các thông tin nhạy cảm được chuyển vào lưu giữ trong máy chủ đặt ở tầng hầm tại tư gia của bà ở New York hay không.
Giám đốc FBI, ông James Comey nói rằng các chuyên viên của cơ quan ông không tìm thấy bằng chứng làm sai trái và phạm tội của ứng cử viên tổng thống của Ðảng Dân chủ này. Ông nói những hành động của bà Clinton là “cực kỳ bất cẩn,” nhưng không truy tố hình sự bà.

Thổ Nhĩ Kỳ điều thêm xe tăng vào Syria

trợ giúp phiến quân chống IS

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin nước này đã đưa thêm xe tăng từ tỉnh Kilis đến làng al-Rai ở miền bắc Syria để trợ giúp phiến quân Syria chống lại Nhà nước Hồi giáo.
Ít nhất 20 xe tăng, 5 thiết vận xa, xe tải và xe bọc thép khác đã vượt qua biên giới. Đây là cuộc xâm nhập thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch có tên “Chiếc khiên Euphrates” cùng với các đơn vị Quân đội Syria Tự do vào ngày 24/8.
Tin tức cho hay kể từ đó, phiến quân đã chiếm giữ các ngôi làng dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ gần Jarablus và huyện Cobanbey ở phía tây từ tay IS.
Các đơn vị Quân đội Syria Tự do được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cũng đã tấn công các đơn vị Bảo vệ Nhân dân Kurd (YPG) được Mỹ hậu thuẫn.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm thứ Bảy, 3/9, nói rằng khủng bố là một vấn đề dài hạn để các thành viên của nhóm G-20 thảo luận tại hội nghị thưởng đỉnh năm nay ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc.
Ông Erdogan đến Hàng Châu hôm 3/9

Uzbekistan để tang ông Karimov

Hàng ngàn người đã đứng dọc theo các con phố hôm thứ Bảy, 3/9, ở Taskhent, thủ đô Uzbekistan, để tiễn đưa nhà lãnh đạo lâu năm của họ, ông Islam Karimov, khi đám tang của ông đi qua.
Ông sẽ được an táng tại Samarkand, thành phố nơi ông sinh ra.
Chính phủ đã công bố rằng nhà cai trị độc tài qua đời hôm thứ Sáu. Chính quyền Uzbekistan cho biết nhà cai trị 78 tuổi này đã bị hôn mê trong nhiều ngày.
Ông Karimov đã nắm quyền lực trong hơn 25 năm.
Ông Karimov đã là lãnh đạo duy nhất của Uzbekistan kể từ khi nước này trở thành một quốc gia độc lập sau khi Liên Xô sụp đổ. Ông dẹp tan mọi sự chống đối trong thời gian ông nắm quyền, và ông đã không sắp xếp người kế nhiệm tiếp sau ông. Các nhà phân tích cho biết họ lo ngại rằng quốc gia lớn nhất và mạnh nhất vùng Trung Á có thể phải đối mặt với cuộc đấu đá nội bộ kéo dài, và họ cũng cảnh báo rằng những kẻ Hồi giáo cực đoan có thể cố gắng khai thác sự bất ổn ở thủ đô Tashkent.
Thông báo chính thức về việc Tổng thống từ trần đã không nói rõ ai sẽ cai trị đất nước trong tương lai. Theo quy định của hiến pháp Uzbekistan, Chủ tịch Thượng viện Nigmatilla Yoldoshev là “Tổng thống lâm thời.”
Ông Alexei Pushkov, người đứng đầu ủy ban đối ngoại của quốc hội Nga, nói với báo giới rằng việc ông Karimov qua đời “có thể mở ra một giai đoạn khó lường và bất định khá nguy hiểm ở Uzbekistan”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói Mỹ tái khẳng định sự ủng hộ dành cho người dân Uzbekistan “vào thời điểm khó khăn này”.
Một quan chức cao cấp của Ân xá Quốc tế nói tổ chức nhân quyền này là không lạc quan là chế độ hà khắc của Uzbekistan sẽ sớm thay đổi chính sách của họ.

Mỹ, Trung Quốc thúc đẩy Hiệp định Paris về Khí hậu

Mỹ và Trung Quốc đều đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Paris, một bước tiến quan trọng của hai nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới nhằm giúp làm cho hiệp định về biến đổi khí hậu có hiệu lực trong năm nay.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố thỏa thuận này trong cuộc họp ở Hàng Châu, nơi đăng cai hội nghị thượng đỉnh G-20 năm nay.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố hồi đầu ngày thứ Bảy, 3/9, rằng Quốc hội nước này đã phê chuẩn quyết định vào cuối kỳ họp kéo dài một tuần.
Ông Brian Deese, cố vấn cao cấp của Tổng thống Obama, nói tuyên bố của Bắc Kinh và Washington vạch ra con đường rất rõ ràng để giúp Hiệp định Paris có hiệu lực trong năm nay.
Ông phát biểu: “Tín hiệu của hai nước phát thải lớn nhất và hai nền kinh tế lớn nhất khi họ có bước đi này cùng nhau và thực hiện sớm hơn rất nhiều so với dự đoán cách đây một năm – hẳn là sẽ tạo ra niềm tin đối với cộng đồng toàn cầu và các nước khác đang làm việc về các kế hoạch đối với biến đổi khí hậu của họ, và như vậy họ cũng có thể mau chóng hành động”.
Việc hai nước phát thải lớn nhất thế giới phê chuẩn là một bước tiến lớn đúng hướng vì Trung Quốc chiếm 25% lượng khí thải của thế giới, còn Mỹ chiếm 15%.
Hiệp định Paris đặt ra các mục tiêu đầy khát vọng cho các nước vào sau năm 2020, đặt ra mức trần của sự ấm lên toàn cầu là dưới 2 độ C và kêu gọi các bên ký kết đặt ra mức đỉnh về lượng phát thải carbon cao nhất của họ. Một khi hiệp định được phê chuẩn, các nước phải chờ tối thiểu 3 năm mới được rút ra.

14 người chết,

hàng chục người bị thương trong vụ nổ bom ở Philippines

Tổng thống Philippines hôm thứ Bảy, 3/9, đã tuyên bố “tình trạng vô luật pháp” sau khi 14 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong một vụ nổ bom, trong số những người bị thương, có những người trong tình trạng nguy kịch.
Vụ nổ hôm thứ Sáu xảy ra ở một khu chợ của Davao, thành phố quê nhà của Tổng thống Rodrigo Duterte. Tổng thống đã có mặt ở Davao khi vụ nổ xảy ra, nhưng ông không ở gần khu chợ.
Các phần tử Abu Sayyaf đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Tuyên bố về tình trạng vô luật pháp cho phép quân đội làm việc với cảnh sát để lập các trạm kiểm soát và tăng cường tuần tra. Ông Duterte nói các lực lượng vũ trang, quân đội và cảnh sát “giờ đây sẽ điều hành đất nước” phù hợp với những “chỉ đạo cụ thể” của ông.
Vụ nổ đã đánh trúng một phần của khu chợ gần khách sạn cao cấp Marco Polo nơi ông Duterte thường xuyên nghỉ lại.
Ông Duterte từng là thị trưởng thành phố Davao trong hơn 22 năm trước khi trở thành tổng thống hồi tháng 6. Ông rất nổi tiếng ở Davao.
Các chiến binh Abu Sayyaf đã tuyên bố trung thành với Nhà nước Hồi giáo. Chúng khét tiếng về các vụ đánh bom chết chóc, bắt cóc đòi tiền chuộc và chặt đầu con tin.

Thua trên các chiến trường, IS gặp khó khăn về kinh tế

Trong những tuần gần đây nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã mất các thị trấn chiến lược ở Syria và Iraq mà chúng từng sử dụng để thu lợi nhuận khổng lồ. Các nhà phân tích nói điều này đã gây ra khó khăn kinh tế ở các khu vực mà những kẻ cực đoan vẫn nắm giữ.
Khorshid Alika, một nhà nghiên cứu người Syria, nói: “Việc IS mất lãnh thổ dẫn đến suy yếu quyền lực chính trị. Hệ quả là suy giảm kinh tế nghiêm trọng”.
Phiến quân Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn gần đây đã đẩy bật quân IS ra khỏi Jarablus, cửa khẩu quan trọng trên biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. IS sử dụng thị trấn để di chuyển các chiến binh nước ngoài, vật tư, dầu thô ra vào Syria.
Hiện nay IS chỉ kiểm soát một đoạn biên giới dài 40 kilomet giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, làm hạn chế khả năng của chúng trong việc tiếp tục các hoạt động chợ đen xuyên biên giới.
Ngoài ra, các lực lượng vũ trang Iraq đã buộc quân IS phải rút khỏi thị trấn Qayyarah giàu dầu mỏ. Bewar Khansi, cố vấn kinh tế của Chính phủ Khu vực Kurdistan ở miền bắc Iraq, nói mất Qayyarah là một đòn mạnh đánh vào thu nhập của những kẻ cực đoan,.
Theo ông Khansi, IS từng đã khai thác 10.000 thùng dầu mỗi ngày từ các giếng ở Qayyarah, mất đi thị trấn cũng làm các phần tử cực đoan mất đi hàng triệu đô la.
Những thất bại trên chiến trường đang gây ra hậu quả kinh tế trên toàn vùng lãnh thổ của Nhà nước Hồi giáo.
Tại Raqqa, nơi được IS tự phong là thủ đô của chúng ở Syria, IS đang thiếu lao động trầm trọng. Một nhóm theo dõi về IS có tên là “Raqqa đang bị giết chết âm thầm” nói nhiều nhân viên chuyên môn bị buộc phải làm việc với IS đang tìm đường thoát khỏi lãnh thổ của IS. Nhóm theo dõi cho biết là điều đó dẫn đến “một cuộc khủng hoảng hành chính” đối với Nhà nước Hồi giáo.
Báo chí địa phương đưa tin rằng IS xoay sở với nguồn thu bị suy giảm một cách tuyệt vọng, gần đây chúng đã giảm 50% tiền lương công chức ở các khu vực chúng kiểm soát ở Syria. Còn lương của chiến binh cực đoan đã giảm 20%.
Tình hình các xấu hơn vì thiệt hại từ các cuộc không kích của liên minh do Mỹ dẫn đầu đánh vào các bãi khai thác dầu mà IS vẫn kiểm soát, như ở tỉnh Deir Ezzor miền đông Syria. Kinh tế gia Syria Jowan Hemo ước tính các cuộc không kích của liên minh đã làm giảm tổng sản lượng gần 90%.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng chừng nào IS vẫn kiểm soát các khu vực lớn như Mosul ở Iraq và Deir Ezzor ở Syria, rất khó dự đoán khi nào nền kinh tế IS sẽ sụp đổ.

An ninh thắt chặt ở Hàng Châu trước hội nghị G-20

Thành phố Hàng Châu, Trung Quốc, đã gần như trở thành một thành phố ma khi các cửa hàng đóng cửa và người ta tăng cường kiểm tra an ninh để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G-20.
Chính phủ Trung Quốc đang chi 10 tỷ nhân dân tệ, tương đương 1,5 tỷ đôla, chỉ riêng cho các phiếu giảm giá du lịch để khuyến khích người dân thành phố đi thăm các điểm du lịch ở những nơi khác và để giảm ùn tắc.
Các đường cao tốc xung quanh địa điểm G-20 đã hầu như trống rỗng, chỉ có vài chiếc xe.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo thế giới từ 20 quốc gia đã đặt chân đến thành phố ở miền nam Trung Quốc để tham gia hội nghị thượng đỉnh sẽ tập trung vào đổi mới và vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới
Trong số các vị khách mới đến là Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Củng cố sự phục hồi kinh tế và chống việc doanh nghiệp lách thuế là những nội dung lớn trong chương trình nghị sự của các chính trị gia tham gia hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày.

Quốc vương Thái Lan bị nhiễm trùng máu nặng

Quốc vương Bhumibol Adulyadej, 88 tuổi, của Thái Lan vừa được điều trị nhiễm trùng máu nặng. Đó là tin tức mới nhất về sức khỏe của nhà vua trị vì lâu nhất thế giới.
Thông báo hôm thứ Sáu của hoàng cung cho hay tình hình sức khỏe của nhà vua đang cải thiện dần sau khi “liên tục được lọc máu.”
Thông báo của hoàng cung nói rằng phổi nhà vua có nước và thận bị suy. Thông báo nói thêm rằng hôm thứ Tư nhà vua thở gấp và cổ có đàm, và các bác sĩ khám thấy ngài bị nhiễm trùng máu nặng.
Hoàng cung cũng cho hay chứng hạ huyết áp và sốt của nhà vua đã đỡ.
Quốc vương Bhumibol được chữa trị nhiều chứng bệnh trong năm vừa qua ở bệnh viện Siriraj của Bangkok. Lần gần đây nhất ngài xuất hiện trước công chúng là vào ngày 11 tháng Giêng, khi ấy ngài đến thăm cung điện ở thủ đô Thái Lan mấy giờ đồng hồ.
Quốc vương được nhiều thần dân Thái kính trọng, và tin tức về sức khỏe của ngài luôn được chú ý theo dõi.
Tình trạng sức khỏe không ổn định của nhà vua cộng với việc cuối cùng sẽ có người kế vị ngài càng làm tăng thêm chia rẽ chính trị ở Thái Lan trong lúc các quan chức đang cố gây ảnh hưởng. Tuy nhiên các cuộc thảo luận công khai về di sản của quốc vương bị kiểm soát chặt chẽ ở Thái Lan, nơi mà những hành động bị xem là phỉ báng nhà vua là phạm tội.

Xác nhận sai về các vụ hành quyết ở Bắc Hàn

từ những thông tin sai

Brian Padden
SEOUL —
Việc đưa tin về những diễn biến bên trong đất nước Bắc Triều Tiên đầy bí ẩn thường biến thành một trò đoán mò, mà trong đó một số hãng tin lập lại những chi tiết mô tả hình ảnh của lãnh tụ Kim Jong Un là một gã tâm thần tàn nhẫn bởi vì cả thế giới đang rất chú ý vào.
Vấn đề này, như được khuyến cáo hồi đầu tuần, là hầu hết các tin tức đều dựa vào những “nguồn tin giấu tên” không phải luôn luôn đáng tin cậy, và cũng có thể mang mưu đồ đặt ra một chiều hướng nào đó.
Nhật báo Korea Joongang Daily của Hàn Quốc, trích một nguồn tin không nêu tên, xác nhận sai sự thật rằng cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Hwang Min và ông Yong Jin, một quan chức của Bộ Giáo dục, là hai giới chức bị hành quyết. Nhật báo này còn đưa tin rằng một giới chức bị xử tử bằng súng phòng không.
Một số hãng tin phương Tây lấy tin của tờ Korea Joongang Daily đăng lại. Và như vậy đã vô tình tăng thêm độ tin cậy đối với tin tức mà nhật báo Hàn Quốc này loan tải.
Chính phủ Hàn Quốc đã nhanh chóng phản hồi về những thông tin không đúng sự thật này.
Bà Jean Lee, cựu trưởng phòng tin Bình Nhưỡng của hãng thông tấn AP và hiện là một chuyên gia toàn cầu của Trung tâm nghiên cứu chính sách Wilson ở Washington, bình luận: “Tôi cho rằng loan tải các tin tức như vậy mà chưa kiểm chứng được các chi tiết là quá tắc trách, và đã buộc chính phủ Hàn Quốc phải xác nhận một số thông tin để ít nhất có được quan điểm của chính phủ Seoul.”
Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên sau đó ra thông báo đính chính những thông tin sai mà tờ Korea Joongang Daily đã loan tải.
Người phát ngôn Jeong Joon-hee của Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên nói: “Trước tiên là tin phó thủ tướng phụ trách giáo dục, ông Kim Yong Jin, bị hành quyết và kế đến là Chủ tịch Mặt trận Thống nhất Bắc Triều Tiên, ông Kim Yong Chol bị đưa đi tái giáo dục cách mạng.”
Thông tin tưởng tượng
Khó có thể biết rõ những diễn biến bên trong giới lãnh đạo của chính phủ Bắc Triều Tiên hà khắc và đầy bí ẩn.
Giáo sư Andrei Lankov, một nhà phân tích ở Đại học Kookmin chuyên về vấn đề Bắc Triều Tiên, nhận định: “Những ai thực sự biết những thông tin gì đó sẽ không thổ lộ chuyện gì hết, bởi vì một khi họ mở miệng ra là họ sẽ bắt đầu chuốc lấy rắc rối.”
Viện an ninh chiến lược quốc gia có liên hệ với Cục tình báo quốc gia Nam Triều Tiên năm 2015 nói rằng hơn 100 giới chức Bắc Triều Tiên bị hành hình từ khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền vào tháng 12 năm 2011.
Nhưng các tin tức về các vụ hành quyết và thanh trừng ở Bắc Triều Tiên rất hiếm khi được xác nhận và một số cho thấy là thiếu chính xác.
Bình Nhưỡng không xác nhận về vụ hành quyết ông Jang Song Thaek, dượng của ông Kim năm 2013, vì tội âm mưu đảo chính quân sự. Các nhà phân tích nói vị cố vấn này của lãnh tụ trẻ Bắc Triều Tiên được xem như một thế lực đối kháng nổi mạnh lên.
Tuy nhiên các tin tức hồi tháng 2 nói rằng ông Ri Yong Gil, một giới chức trong Quân đội Nhân dân Triều Tiên, bị hành quyết vì tham nhũng đã cho thấy là không đúng sự thật khi nhân vật này sau đó đã xuất hiện ở đại hội đảng hồi tháng 5.
​Các nguồn tin giấu tên
Trong lúc các kênh liên lạc về kinh tế và ngoại giao giữa hai miền Triều Tiên đã bị cắt đứt khi Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân bất chấp các lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc, cộng đồng người Bắc Triều Tiên đào tị ở Hàn Quốc đã trở thành nguồn tin đang ngày càng được chú ý về những thông tin bên trong Bắc Hàn.
Chính phủ Hàn Quốc
Xác nhận chính thức của chính phủ ở Seoul về những diễn tiến ở Bình Nhưỡng được xem như đáng tin cậy hơn, cho dù Cục Tình báo Quốc gia cũng thu thập tin tức từ các nguồn tin nặc danh và cũng có nhiều lần đưa tin sai trong quá khứ.
Một giới chức giấu tên của Nam Triều Tiên hôm thứ Tư nói với các phóng viên báo chí rằng ông Kim Jong Jin bị bắt vì bị cho là tỏ thái độ bất kính với một tư thế ngồi xấu trong một phiên họp Quốc hội, và sau đó bị cáo buộc tội phản cách mạng và bị xử bắn.
Ông Kim Yong Chol bị đưa đi nông trường cải tạo một tháng cho đến giữa tháng 8, theo tin của hãng thông tấn Yonhap của Nam Triều Tiên.
Các nhân vật cao cấp của Bắc Triều Tiên đào tị sang Hàn Quốc hồi gần đây, trong đó có ông Thae Yong Ho, cựu phó đại sứ Bắc Triều Tiên ở London, có thể cung cấp nhiều thông tin về những gì diễn ra bên trong giới cầm quyền chóp bu của chế độ Kim Jong Un.

Dường như Trung Quốc phóng tên lửa thất bại

Báo South China Morning Post và nhiều trang web của những người đam mê vũ trụ đưa tin rằng một vụ phóng tên lửa của Trung Quốc đã thất bại vào sáng thứ Năm, 1/9, làm cho “một trong những vệ tinh quan sát trái đất tiên tiến nhất” của nước này bị phá hủy.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc vẫn chưa đưa tin về việc phóng tên lửa Trường Chinh 4C từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây.
“Trang web aihangtian.com của các chuyên gia vũ trụ chuyên nghiệp Trung Quốc nói tên lửa không đưa được vệ tinh Gaofen-10 vào quỹ đạo của nó”, theo tin của SCMP.
Tờ báo Hồng Kông cũng cho biết cảnh sát ở tỉnh Thiểm Tây cạnh tỉnh Sơn Tây đã đăng ảnh về hoạt động tìm kiếm và cứu nạn để thu nhặt các mảnh vỡ vào hôm thứ Năm.
Theo báo Wall Street Journal và Spaceflightinsider.com, các quan chức Trung Quốc thường công bố vụ phóng tên lửa vào vũ trụ trong vòng vài giờ sau khi phóng, Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ thường xác nhận sự xuất hiện của các vật thể mới trong vũ trụ. Nhưng hôm thứ Năm, điều này không xảy ra, cho thấy đã có một vụ phóng thất bại.

Tổng thống Nga thúc giục hai miền Triều Tiên giảm căng thẳng

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay, 3 tháng 9, lên tiếng thúc giục hai miền Triều Tiên giảm căng thẳng.
Kêu gọi của ông Putin được đưa ra trong thông cáo sau khi có cuộc gặp với người tương nhiệm Hàn Quốc Park Geun-hye tại Vladivostok.
Theo thông cáo của tổng thống Vladimir Putin thì cần phải hạ giảm mức độ đối đầu nhằm tạo cơ sở cho sự tin tưởng lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực.
Tổng thống Hàn Quốc, Park Geun-hye, cũng bày tỏ sự đồng ý với kêu gọi của người tương nhiệm Nga. Bà tổng thống miền nam Triều Tiên phát biểu cần tăng cường tiếp xúc chiến lược nhằm giải quyết vấn đề nguyên tử của Bắc Hàn.
Tháng trước, Bình Nhưỡng cho phóng thử một hỏa tiễn từ tàu ngầm về phía Nhật Bản. Theo giới chuyên gia vũ khí thì đây là bước rõ ràng cho thấy tham vọng thủ đắc vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.
Theo những nghị quyết hiện nay của Liên hiệp quốc thì Bình Nhưỡng không được phép sử dụng công nghệ hỏa tiễn đạn đạo; tuy nhiên Bắc Hàn vẫn tiếp tục tiến hành những vụ phóng thử tên lửa sau lần thử nghiệm nguyên tử thứ tư vào tháng giêng năm nay.
Hàn Quốc cho rằng để đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ miền bắc họ đồng ý để Hoa Kỳ bố trí hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD trên đất miền nam.
Biện pháp này khiến mối quan hệ liên Triều thêm căng thẳng, cũng như với Trung Quốc, đồng minh của Bắc Hàn. Bắc Kinh phản đối kế hoạch của Seoul và Washington cho bố trí THAAD ở nam Triều Tiên vì cho rằng với hệ thống đó Mỹ có thể theo dõi Hoa Lục và như thế gây mất ổn định trong khu vực.

Kết thúc hội nghị hòa đàm tại Miến Điện

Lãnh đạo Aung San Suu Kyi của Myanmar hôm nay (3/9) kết thúc hội nghị hòa đàm với gần 20 nhóm thiểu số nổi dậy và lên tiếng kêu gọi đây chỉ mới là bước khởi đầu cho một tiến trình tiến đến hòa bình đầy khó khăn sắp tới.
Hội nghị kéo dài trong 4 ngày qua ở thủ đô Naypyidaw là nỗ lực lớn của bà Aung San Suu Kyi trong cương vị đứng đầu thực tế chính phủ Myanmar hiện nay. Mục đích nhằm chấm dứt tình trạng nổi dậy của những nhóm sắc tộc thiểu số gây bất ổn tại những bang ở vùng biên suốt gần 70 năm qua.
Hội nghị hòa đàm kết thúc không đưa ra được nghị quyết nào. Suốt thời gian 4 ngày gặp mặt, đại diện của những nhóm sắc tộc thiểu số nổi dậy có dịp trình bày những tâm tư và nguyện vọng chính trị của nhóm họ. Thành tựu lớn nhất được nói là việc quy tụ được nhiều nhóm chính ngồi vào bàn hội nghị.
Một vụ việc liên quan hội nghị hòa đàm là nhóm vũ trang Wa, lớn và hùng mạnh, đã bỏ ra khỏi hội nghị sau hai ngày họp. Phía chính phủ cho rằng đó chỉ là lỗi về tổ chức.

Tây Ban Nha vẫn chưa có chính phủ

Tối qua, 02/09/2016, với 180 phiếu chống và 170 phiếu thuận, các dân biểu Tây Ban Nha đã không chấp nhận nội các do ông Mariano Rajoy đệ trình. Hôm thứ Tư, 31/08, Hạ viện Tây Ban Nha cũng đã bỏ phiếu bất tín nhiệm tương tự.
Sau hai cuộc bỏ phiếu bầu Hạ viện, 20/12/2015 và 26/06/2016, không một đảng phái nào ở Tây Ban có được đa số cần thiết để lập chính phủ. Từ nay, các đảng phái có hai tháng để thương lượng. Nếu không, Tây Ban Nha sẽ tổ chức bầu lại Hạ viện vào tháng 12, tức là cuộc bỏ phiếu thứ ba trong vòng một năm.
Từ Madrid, thông tín viên François Musseau gửi về bài tường trình :
«Tây Ban Nha vẫn chưa có thủ tướng. Tình trạng này đã kéo dài từ tháng 12/2015 đến nay và không ai biết là đến khi nào thì sẽ có tân chính phủ. Cộng luận, giới bình luận và nhiều chính khách đã rất tức giận về tình trạng bế tắc chính trị. Cựu thủ tướng Felipe Gonzalez đã chỉ trích mạnh mẽ ứng viên thủ tướng thuộc đảng Xã Hội, ông Pedro Sanchez và cáo buộc ông này phải chịu trách nhiệm về sự bế tắc.
Bởi vì trước đây, ông Sanchez và 68 dân biểu của đảng Xã Hội đã ủng hộ phe bảo thủ và cánh trung để lập chính phủ thì nay họ lại không. Vậy giờ đây lập luận của ông Sanchez là gì ? Chính trị gia này cho rằng ông Rajoy là biểu tượng của tham nhũng và không thể tạo thuận lợi cho ông ta tiếp tục cầm quyền. Kết quả là không phe nào thay đổi lập trường và mọi việc bế tắc.
Ông Sanchez tuyên bố sẽ tìm cách lập chính phủ với mục đích cải cách đất nước, qua việc liên minh với đảng Podemos, các chính trị gia dân tộc chủ nghĩa vùng Basque và Catalunya. Nhưng chẳng ai tin vào tuyên bố này. Nhiều khả năng là Tây Ban Nha sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu mới vào tháng 12 tới. Khoảng trống chính trị này kéo dài từ gần một năm qua và không ai biết là tình trạng này sẽ còn tiếp tục đến bao giờ ».

Mỹ xem xét khả năng giảm cấm vận Miến Điện

Các quan chức Hoa Kỳ cho riêng hãng tin Reuters biết, chính quyền Obama đang xem xét khả năng giảm bớt hoặc bãi bỏ các cấm vận đối với Miến Điện và sẽ thảo luận việc này với bà Aung San Suu Kyi nhân dịp bà tới Washington, vào trung tuần tháng Chín.
Theo bản tin Reuters ngày hôm qua, 02/09/2016, bà Aung San Suu Kyi sẽ tới Washington và trong các ngày 14 – 15/08, sẽ gặp tổng thống Barack Obama, phó tổng thống Joe Biden và nhiều nghị sĩ cũng giới lãnh đạo các doanh nghiệp.
Nhiều quan chức Mỹ, xin ẩn danh, cho biết, ông Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống, trong tuần qua, đã gặp đại diện Quốc hội lưỡng viện và thông báo là tổng thống Obama đang xem xét việc giảm nhẹ hoặc bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận đối với Miến Điện.
Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin này.
Mặc dù hai nước đã cải thiện quan hệ nhưng Mỹ vẫn duy trì nhiều biện pháp cấm vận đối với Miến Điện, có hiệu lực từ thời chính quyền quân sự. Trong thời gian qua, Washington đã nhiều lần sẵn sàng giảm nhẹ cấm vận : tháng Năm vừa qua, Hoa Kỳ rút các ngân hàng của Nhà nước Miến Điện ra khỏi danh sách đen, hủy bỏ các biện pháp phong tỏa đối với 7 doanh nghiệp của Nhà nước trong lĩnh vực khai thác gỗ và quặng mỏ.
Một trong những biện pháp giảm nhẹ cấm vận là đưa Miến Điện vào Hệ Thống Ưu Đãi Phổ Cập (GSP), cho phép nước này được hưởng các ưu đãi thuế quan đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu.
Theo nhân định của Reuters, Washington rất muốn mở rộng quan hệ với Miến Điện để kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc tại châu Á và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ thâm nhập vào một trong những thị trường quan trọng, năng động trong khu vực Đông Nam Á.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.