Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Thế giới - 17/09/2016

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016 18:31 // , ,

No sub-categories
Tin khắp nơi -17/09/2016

Tổng thống Obama huy động hậu thuẫn cho TPP

Tổng thống Mỹ ngày 16/9 mở một cuộc họp lưỡng đảng tại Tòa Bạch Ốc trong nỗ lực gầy dựng hậu thuẫn cho thỏa thuận Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Đón tiếp phái đoàn trong đó có Thống đốc Ohio kiêm cựu ứng viên Tổng thống bên Đảng Cộng hòa, John Kasich, và cựu thị trưởng New York, Michael Bloomberg, Tổng thống Obama nói TPP rất quan trọng cho vị thế của Mỹ trên thị trường toàn cầu.
Ông Obama nhấn mạnh: ‘Phái đoàn lưỡng đảng này gồm các lãnh đạo doanh nghiệp, các thị trưởng, thống đốc, các đảng viên Cộng hòa lẫn Dân chủ, các lãnh đạo an ninh quốc gia và các tướng lĩnh quân đội. Sở dĩ họ hiện diện tại đây là vì họ biết TPP rất quan trọng cho kinh tế quốc gia và họ hiểu TPP quan trọng cho an ninh quốc gia và vị thế của Mỹ trên thế giới.’
Vẫn theo lời Tổng thống Obama, Hoa Kỳ cần thiết phải đi đầu và đề ra luật lệ cho kinh tế toàn cầu và ông tin rằng TPP sẽ giúp đạt được điều đó.
Ông Obama nói TPP là thỏa thuận tiêu chuẩn cao khiến các nước khác phải giảm bớt các rào cản thương mại và nâng cao các tiêu chuẩn của họ về lao động và môi trường.
Tổng thống Mỹ gọi TPP là thỏa thuận thương mại hữu hiệu và tiến bộ nhất từng thấy trước nay.
Ông Obama hy vọng Quốc hội sẽ cân nhắc TPP trong khoảng thời gian tới, sau cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11.
Tuy nhiên, TPP đang gây tranh cãi tại Quốc hội Mỹ. Lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện, Mitch McConnell, từng tuyên bố rằng TPP sẽ không được Thượng viện biểu quyết trong năm nay. Chủ tịch Hạ viện, Paul Ryan, thì nhận xét rằng chưa thấy đủ phiếu để thông qua TPP.

Mỹ lên án Nga tổ chức bầu cử ở bán đảo Crimea

Chính phủ Hoa Kỳ nói họ sẽ không công nhận kết quả các cuộc bầu cử hội đồng lập pháp do Nga tổ chức vào Chủ nhật (18/07) này cho bán đảo Crimea mà Nga đang chiếm đóng.
Người phát ngôn John Kirby của Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một tuyên bố rằng “quan điểm của chúng tôi về Crimea là rõ ràng: bán đảo Crimea vẫn là lãnh thổ không tách rời của Ukraine. Các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến Crimea sẽ tiếp tục cho đến khi nào Nga trả Crimea lại cho Ukraine.”
Ông Kirby nói thêm: “Chúng tôi tiếp tục lo ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo ở Crimea, trong đó có tình trạng của cộng đồng sắc tộc Tatar và tin tức xảy ra rộng khắp về những vụ người mất tích và vi phạm nhân quyền.”
Bộ trưởng Ngoại giao Pavlo Klimkin của Ukraine gọi các cuộc bầu cử này là “hoàn toàn bất hợp pháp” và ông nêu lên lo ngại về “con số nhiều quá mức” binh sĩ Nga đóng trên bán đảo Crimea.
Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3 năm 2014 từ kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý trên bán đảo này mà Ðại hội đồng Liên hiệp quốc hầu như nhất trí xem là bất hợp pháp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận quân đội nước ông đã di chuyển đến bán đảo chiến lược ở Hắc Hải này trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, nhưng ông liên tục bác bỏ cáo buộc rằng Moscow hậu thuẫn phong trào nổi dậy ở Đông Ukraine vốn đã làm cho gần 10.000 người thiệt mạng kể từ lúc khởi sự vào tháng 4 năm 2014.

Hàng chục ngàn người nhập quốc tịch Mỹ tuần này

Nhiều ngàn người sẽ được nhập quốc tịch Mỹ trong tuần này nhân đánh dấu Ngày Hiến pháp và Công dân Hoa Kỳ hôm nay, thứ Bảy 17/9.
Cơ quan Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) cho hay hơn 38.000 người trên cả nước sẽ trở thành công dân Mỹ tại 240 lễ nhập tịch được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 16 đến 23 tháng này. Đây là đợt nhập tịch cho nhiều người nhất trong năm nay.
Các buổi lễ nhập tịch lớn hơn thường lệ đã bắt đầu diễn ra hôm thứ Sáu 16/9 nhân dịp Mỹ đánh dấu 100 năm thành lập Cục Công viên Quốc gia. Nhiều buổi lễ nhập tịch được tổ chức tại các công viên quốc gia.
Hàng trăm người làm lễ tuyên thệ trở thành công dân mới của Mỹ hôm thứ Sáu trên Đảo Ellis, bang New York và tại các Đài tưởng niệm Lincoln và Jefferson ở thủ đô Washington. Cuối buổi lễ, các thẩm phán liên bang hướng dẫn những người xin nhập tịch đọc lời Tuyên thệ Trung thành để chính thức trở thành công dân Hoa Kỳ.
Những người mong muốn trở thành công dân Mỹ phải trải qua một hành trình pháp lý và thủ tục hành chánh rất dài mà kết quả nhiều khi không có gì bảo đảm chắc chắn.
Người xin nhập tịch còn phải chứng minh kiến thức cơ bản của họ về lịch sử Mỹ và tổ chức và cơ cấu hoạt động của chính phủ và hiến pháp Hoa Kỳ, và phải đạt cuộc kiểm tra 100 câu hỏi về kiến thức công dân.
Thứ Bảy 17/9 (hôm nay) là Ngày Hiến pháp và Công dân Hoa Kỳ, đánh dấu 229 năm ngày ký Hiến pháp Hoa Kỳ tại Philadelphia năm 1787.

Hoa Kỳ khiếu nại Trung Quốc lên WTO

Washington cáo buộc Bắc Kinh thay đổi không công bằng giá bắp, lúa mì và gạo theo chiều hướng làm tổn hại cho hàng xuất khẩu và nông gia Mỹ. Tổng thống Obama ngày 13/9 cho hay chính quyền ông đã khiếu nại với Tổ chức Thương mại Thế giới và sẽ thúc đẩy một cách mạnh mẽ để cho các nông dân Mỹ có cơ hội công bằng bán sản phẩm ra thị trường thế giới.
Các giới chức thương mại nói xuất khẩu gạo, lúa mì và bắp có vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế Mỹ, trị giá khoảng 20 tỉ đôla mỗi năm và hỗ trợ 200.000 việc làm.
Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman nói Bắc Kinh gây tổn hại cho nông sản xuất khẩu của Mỹ bằng cách trả cao hơn giá trị thị trường cho các mặt hàng thông dụng chủ chốt.
Ông Froman nói:
“Điều này làm tổn hại trực tiếp đến các nông gia Mỹ hiện không được trợ cấp vì các cam kết của Mỹ với Tổ chức Thương mại Thế giới, và nông dân Mỹ phải đối mặt với những cơ hội xuất khẩu bị hạn chế một cách không công bằng.”
Bằng cách nâng cao giá tối thiểu trả cho các nông dân Trung Quốc đối với các mặt hàng thông dụng, Bắc Kinh khuyến khích việc sản xuất dư thừa, làm cho nông dân Mỹ khó bán những sản phẩm của họ.
Ông Froman cáo buộc Trung Quốc vi phạm những lời hứa đối với Tổ chức Thương mại Thế giới. Ông nói:
“Việc hỗ trợ quá mức của Trung Quốc đối với những nhà trồng trọt này vượt quá những cam kết khi Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001.”
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ, Tom Vilsack, nói Trung Quốc sẽ sớm trở thành thị trường lớn nhất của hàng nông sản Mỹ, hiện trị giá 20 tỉ đôla một năm.
Tuy nhiên ông Vilsack nói Trung Quốc nên tạo thêm nhiều cơ hội cho nông dân Mỹ.
Ông nhấn mạnh:
“Chúng ta có thể làm tốt hơn nhiều, đặc biệt nếu việc xuất khẩu ngũ cốc của chúng ta có thể cạnh tranh tại Trung Quốc trên căn bản công bằng.”
Kể từ năm 2009, Washington đã khiếu nại Trung Quốc 14 lần tại Tổ chức Thương mại Thế giới và cho tới nay thắng tất cả các đơn khiếu nại.
Thương mại là một vấn đề chính trị nhạy cảm tại Mỹ vì Bắc Kinh bán cho khách hàng Mỹ hơn 365 tỉ đôla một năm so với Mỹ bán cho người tiêu dùng Trung Quốc.
Thêm vào đó, thương mại đang bị chú ý trong chiến dịch tranh cử tổng thống tại Mỹ vì những chỉ trích về các thỏa thuận thương mại quan trọng mà nhiều cử tri e là đã cướp mất công ăn việc làm của người Mỹ.
Các giới chức thương mại Mỹ nói những hành động tăng cường thực thi như khiếu nại với WTO chống lại Trung Quốc có thể giúp thuyết phục người dân Mỹ giữa lúc có nghi ngờ là Washington không làm việc hiệu quả để bảo vệ quyền lợi của họ.

Phim tài liệu cáo buộc người đào tị Bắc Triều Tiên bị ngược đãi

Ở Hàn Quốc một bộ phim tài liệu mới đang cố gắng lập luận rằng Cơ quan Tình báo Quốc gia của nước này đang sử dụng những kỹ thuật mang tính ngược đãi và cưỡng chế để vạch trần những người bị cho là gián điệp Bắc Triều Tiên giả dạng làm người đào tị. Đối với đạo diễn Choi Seung-ho, bộ phim ‘Spy Nation’ là một công trình báo chí độc lập nhằm buộc những quan chức chính phủ chịu trách nhiệm về những vụ lạm quyền.
Phim Spy Nation tập trung vào một trường hợp cá biệt liên quan đến một người đào tị Bắc Triều Tiên tên là Yu Woo-sung, bị bắt vào năm 2014 về tội làm gián điệp, nhưng được tha bổng một năm sau đó sau khi người ta phát hiện ra rằng những tài liệu khép tội trong vụ này là ngụy tạo, được cho là do Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) làm ra.
Vụ việc của Yu đã trở thành vụ bê bối được báo chí đưa tin rộng rãi khiến giám đốc NIS Nam Jae-joon phải lên tiếng xin lỗi và một quan chức cao cấp của cơ quan tình báo này phải từ chức.
Đạo diễn của Spy Nation, Choi Seung-ho, sử dụng vụ việc của Yu và những người khác được ghi lại trong phim để lập luận rằng việc NIS ráo riết truy lùng gián điệp là triệu chứng của một cơ quan đầy quyền lực và bí mật chỉ nhận lệnh từ tổng thống, hoạt động với ít sự giám sát và kiểm soát từ bên ngoài.
Ông Choi nói: “Chúng ta cần phải thay đổi hệ thống pháp lý để ngăn NIS can dự vào tất cả những điều mang tính chính trị này cho phép Quốc hội toàn quyền kiểm soát NIS.”
Cưỡng ép
Một phần vụ việc của Yu cũng liên quan đến những cáo buộc cưỡng ép về thể chất và tâm lý trong quá trình thẩm vấn của NIS.
Trước khi bị bắt, ông Yu làm việc cho chính quyền thành phố Seoul hỗ trợ những người đào tị mới đến.
NIS nghi ngờ ông ta khi đó đang gửi trở về Bắc Triều Tiên những danh sách chứa tên và những thông tin nhạy cảm khác về những người đào tị.
Khi em gái của ông Yu, Yu Garyeo, đến Hàn Quốc để xin tị nạn, cô bị NIS thẩm vấn về những hoạt động của anh trai.
Trong cuộc phỏng vấn mà đạo diễn Choi thực hiện, Yu Garyeo nói cô bị NIS biệt giam liên tục mấy tuần, chỉ có người thẩm vấn nói chuyện với cô. Người thẩm vấn đánh, đe dọa và quấy nhiễu cô cho đến khi cô đồng ý đưa ra lời thú tội không đúng sự thật, khép tội cô và anh trai cô làm gián điệp cho Bắc Triều Tiên.
Yu Garyeo bị trục xuất và mặc dù anh trai của cô được tha bổng về tội làm gián điệp, ông ta bị mất tất cả trợ cấp của chính phủ dành cho người đào tị Bắc Triều Tiên, sau khi ông ta bị phát hiện đã sống ở Trung Quốc và đã trở thành công dân Trung Quốc trước khi tìm cách đào tị.
Hơn 1.000 người Bắc Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc mỗi năm. Tất cả họ đều phải trải qua thẩm vấn tại những cơ sở của NIS để loại trừ những gián điệp tiềm năng và thu thập thông tin về tình hình bên trong chính quyền bí mật và độc đoán của Kim Jong Un.
Người đào tị và nhà phân tích Bắc Triều Tiên Ahn Chan-il, thuộc Viện Thế giới Nghiên cứu Bắc Triều Tiên, cho biết quá trình thẩm vấn đôi khi có thể khắc nghiệt nhưng sẽ là sự cường điệu nếu ngụ ý rằng tình trạng ngược đãi xảy ra trên diện rộng và là một phương thức được nhiều người chấp nhận.
Ông Ahn nói:
“Đúng là những quan chức NIS có thể nói chuyện to tiếng trong quá trình kiểm tra thân thế người đào tị, và họ có thể sử dụng một số hành động cưỡng chế nếu người đào tị có vẻ đáng ngờ, nhưng điều này chỉ áp dụng cho một số người đào tị cụ thể.”
Mối đe dọa có thật
Mối đe dọa gián điệp đã trở nên thậm chí còn nguy hiểm hơn đối với an ninh quốc gia trong thời đại khủng bố trên mạng.
Trước đó trong năm nay, đơn vị cảnh sát điều tra không gian mạng của Hàn Quốc báo cáo Bắc Triều Tiên đã xâm nhập hàng ngàn máy tính tại những công ty và những cơ quan chính phủ của Hàn Quốc.
Đã có những trường hợp gián điệp Bắc Triều Tiên giả dạng làm người đào tị. Cơ quan tình báo của Hàn Quốc được cho là thường đe dọa trừng phạt và bỏ tù gia đình của những người đào tị để buộc họ phải tuân thủ.
Báo chí độc lập
Ông Choi, đạo diễn bộ phim, cũng có liên hệ với Trung tâm Báo chí Điều tra Hàn Quốc, một tổ chức phi lợi nhuận được tài trợ bằng những khoản đóng góp nhỏ từ 350.000 người.
Tổ chức này này nhấn mạnh sự độc lập của báo chí chống lại áp lực chính trị, đối lập với những hãng tin có vị thế mà ông nói là vẫn không buộc những quan chức chính phủ chịu trách nhiệm về những vụ lạm quyền.
Đạo diễn Spy Nation cũng xuất hiện trong phim khi ông phỏng vấn những người đào tị và khi ông truy vấn tới tấp những quan chức chính phủ trên đường phố và có lúc tại một sân bay đông đúc.
Ông Choi nói NIS đã không thành công trong việc tìm cách gán hai tội phỉ báng hình sự và dân sự nhắm vào ông về việc ông trường trình về vụ việc này.
Ông Choi hy vọng Spy Nation sẽ được phát hành tại một số rạp chiếu phim của Hàn Quốc vào tháng 9.

Những khuôn mặt đằng sau chiến trường Syria

Cuộc xung đột kéo dài 5 năm ở Syria biến chuyển từ một cuộc biểu tình chống lại chính quyền Assad thành một cuộc nội chiến phức tạp. Bây giờ, nó là một cuộc chiến tranh có sự can dự của các bên hậu thuẫn quốc tế, có tình nghi về việc sử dụng vũ khí hóa học, và có chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, cốt lõi của vấn đề vẫn là người dân Syria. Một cuộc triển lãm tại trụ sở Quốc hội Mỹ cố gắng truyền tải điều đó.
Mái vòm của tòa nhà văn phòng thượng viện là một nơi yên tĩnh.
Giờ đây nơi này đang âm vang những câu chuyện của người dân Syria – từng hình ảnh một.
Ban tổ chức muốn tạo dựng một sự liên kết.
Chủ đề của những bức ảnh này là những con người cũng giống như tôi và bạn, chỉ khác là họ đang sống trong chiến tranh.
Tiến sĩ Lina Murad, thuộc Hội Y tế người Mỹ gốc Syria, cho biết:
“Họ có tinh thần kiên cường đáng nể, như bạn nhìn thấy trong những tấm ảnh này. Họ muốn bước tiếp, họ muốn tiếp tục cuộc sống.”
Trong những khuôn mặt này, bạn thấy một em nhỏ 6 tuổi đi bộ 4km để lấy thực phẩm cho bữa tối. Và một người đàn ông dạy cháu của mình đánh xe ngựa vì nhiên liệu bị hạn chế.
Một sự tương phản rõ rệt từ những hình ảnh chúng ta thường thấy trong cuộc xung đột này.
Cuộc chiến tranh kéo dài 5 năm đã leo thang và biến chuyển, gây ra cái chết cho khoảng 400 ngàn người. Một số người cho rằng cộng đồng quốc tế phải chịu trách nhiệm. Những năm tháng thống kê và sự giằng co trên chính trường quốc tế đã khiến người ta chết lặng.
Một số người cho rằng lẽ ra Hoa Kỳ nên can thiệp sớm và việc không hành động này đã cho phép Nga củng cố chính quyền Assad. Thượng nghị sĩ Bob Corker là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện – một người lâu nay chỉ trích chính sách Hoa Kỳ tại Syria.
Ông Corker nói:
“Chúng ta là nước lẽ ra đã có thể thay đổi đường hướng của cuộc chiến này và mọi người biết điều đó. Đây là một tai họa đối với xã hội của chúng ta. Đó là một tai họa đối với đất nước chúng ta.”
Bà Lina tiếp lời:
“Người dân Syria, nếu bạn nói chuyện với họ, họ cảm thấy họ bị bỏ rơi.”
Một dự luật của Hạ viện sẽ quy trách nhiệm đối với các vi phạm nhân quyền và xét tới các khu vực cấm bay. Những người chỉ trích cho rằng làm như vậy là ủng hộ chiến tranh và sẽ dẫn đến sự can thiệp của Hoa Kỳ.
Những khuôn mặt đằng sau chiến trường hiện hữu ở mái vòm tòa nhà Quốc hội Mỹ sẽ dõi xem liệu có gì thay đổi hay không

UNGA 71 xoay quanh Syria và cuộc khủng hoảng người tị nạn

Lãnh đạo thế giới đầu tuần tới sẽ tề tựu về New York để giải quyết hai trong số những thách thức lớn nhất của toàn cầu: cuộc chiến ở Syria và cuộc khủng hoảng người tị nạn.
Lãnh đạo các nước sẽ gặp nhau tại kỳ họp thường niên của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA). Đây sẽ là cuộc họp UNGA lần cuối của Tổng thống Barack Obama trong tư cách lãnh đạo Mỹ và cũng là cuộc họp UNGA cuối của ông Ban Ki-moon trong vị trí Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Ông Ban sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 31 tháng 12.
Trên khắp hành tinh có 65 triệu đàn ông, phụ nữ, và trẻ em trở thành người tị nạn và bị thất tán. Họ phải dời cư vì xung đột, thiên tai, hay tình trạng nghèo đói cùng cực.
Thứ hai tới đây, người đứng đầu Liên Hiệp Quốc sẽ triệu tập một thượng đỉnh đặc biệt bàn về hoàn cảnh của người tị nạn, với mục đích giải quyết các nguyên nhân gốc rễ và nhất trí các thỏa thuận toàn cầu trong hai năm tới về vấn đề người tị nạn và di dân.
Lãnh đạo các nước nhận ra rằng các cuộc tản cư từ Syria sẽ không chấm dứt cho tới khi nào hòa bình và ổn định được phục hồi.
Thỏa thuận gần tuần nay giữa Nga, Mỹ hầu giảm bớt bạo lực và đưa hàng viện trợ vào Syria vẫn trong giai đoạn tiến triển, chưa hoàn tất. Thành hay bại có phần chắc sẽ chiếm phần lớn của các cuộc thảo luận ở New York tuần tới.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thứ Tư 21/9 sẽ mở cuộc họp cấp cao bàn về Syria, sau đó có thể sẽ ra tuyên bố hoặc thông qua nghị quyết ủng hộ thỏa thuận vừa kể.

Lãnh đạo EU họp thượng đỉnh

Lisa Bryant
PARIS —
Các lãnh đạo Liên hiệp châu Âu gặp nhau tại thủ đô Bratislava của Slovakia để đề ra một lộ đồ mới sau khi Anh biểu quyết rời khỏi EU. Đức nói EU đang trong tình hình ‘nguy kịch’. Đạt được sự đoàn kết sẽ là một thách thức lớn trong một liên hiệp chia rẽ.
Các nhà lãnh đạo Châu Âu muốn đưa ra một chiến lược hậu Brexit trước cuối tháng 3 năm sau, dù chưa rõ Anh sẽ phải mất bao lâu để thật sự thoát ra khỏi EU. Dự kiến Thủ tướng Anh, Theresa May, người không tham dự hội nghị thượng đỉnh này, sẽ không kích hoạt quá trình này cho đến đầu năm sau.
Trước cuộc họp ở Bratislava, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk, kêu gọi 27 thành viên còn lại trong EU hãy thành thật nhìn vào các vấn đề của khối và những lý do đằng sau cuộc bỏ phiếu ra đi của Anh.
Thông điệp đó đã được Thủ tướng Robert Fico của Slovakia, nước đang giữ vai trò chủ tịch EU, nhắc lại:
“Tôi tin rằng 27 Thủ tướng và Tổng thống ở đây, chúng ta sẽ có các cuộc thảo luận hết sức thành thật về tình trạng của Liên hiệp châu Âu. Một điểm nữa, chúng ta đều muốn thể hiện sự đoàn kết, và chứng tỏ rằng đây là một công cuộc duy nhất mà chúng ta muốn tiếp tục công cuộc ấy.”
Nhưng các thành viên EU đang chia rẽ sâu sắc về nhiều vấn đề quan trọng, từ vấn đề nhập cư và tị nạn cho tới nền kinh tế, những chia rẽ vốn có thể sẽ bị hạ thấp tầm quan trọng trong các cuộc đàm phán hôm nay 16/9.
Tổng thống Pháp Francois Hollande nói các thành viên EU nên tập trung vào ba chủ đề: an ninh, chuẩn bị cho tương lai xét về khía cạnh kinh tế và việc làm, và mang lại hy vọng cho giới trẻ châu Âu.
Các nước thành viên hàng đầu như Pháp và Đức cũng đang thúc đẩy tăng cường hợp tác an ninh – quốc phòng chặt chẽ hơn giữa EU. Đây là đề tài mà các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận hôm nay. Cũng như rất nhiều các vấn đề khác, đề tài này đã khơi dậy rất nhiều quan điểm khác nha

Ngũ giác đài: Bộ trưởng Thông tin của IS bị hạ sát

Ngũ Giác Đài loan báo các lực lượng liên minh vừa hạ sát một trong những thủ lĩnh cao cấp nhất của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo trong một cuộc không kích chính xác trước đây trong tháng.
Wa’il Adil Salman al-Fayad, nhân vật được gọi là Bộ trưởng Thông tin của Nhà nước Hồi giáo còn có tên là Dr. Wa’il bị nhắm mục tiêu và hạ sát trong đợt không kích ngày 7/9, theo phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Peter Cook.
Fayad bị nhắm mục tiêu tại Raqqa, khu vực được mệnh danh là thủ đô của IS tại Syria. Một giới chức quốc phòng đã xem các hình ảnh cuộc không kích cho đài VOA biết Fayad bị không kích trong lúc đang ngồi trên một chiếc xe gắn máy gần một ngôi nhà.
Fayad là một thành viên chủ chốt trong Hội đồng Shura Cao cấp quản trị Nhà nước Hồi giáo, chuyên đưa lệnh xuống và bảo đảm sự tuân thủ. Al-Fayad trông coi việc sản xuất các video tuyên truyền của Nhà nước Hồi giáo vốn quảng bá các cuộc hành quyết và tra tấn.
Theo Ngũ Giác Đài, al-Fayad là một cộng sự thân cận của Abu Muhammad al-Adnani, phát ngôn nhân và là người vạch chiến lược hàng đầu của Nhà nước Hồi giáo. Adnani bị một cuộc không kích của liên quân đánh trúng hôm 30/8, cái chết của nhân vật này được các lực lượng Hoa Kỳ xác nhận hôm 12/9.
Một giới chức quốc phòng nói với đài VOA rằng các cuộc không kích nhắm vào Adnani và Fayad càng cô lập hóa thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi.
Một quan chức quốc phòng Hoa Kỳ cho biết Adnani đã trực tiếp tham gia vào công tác tuyển dụng các tay súng từ nước ngoài và cũng chỉ đạo các cuộc tấn công lớn của Nhà nước Hồi giáo bên ngoài cứ địa của nhóm ở Syria và Iraq.

Syria: Viện trợ nhân đạo chưa vào được Aleppo

Chính quyền Mỹ khuyến cáo Nga rằng hợp tác quân sự của họ tại Syria sẽ không tiến tới trừ phi viện trợ nhân đạo bắt đầu tiếp cận được tới Aleppo và các khu vực khác bị vây hãm.
Trong thông cáo do Bộ Ngoại giao công bố, Ngoại trưởng John Kerry nói với Ngoại trưởng Sergei Lavrov của Nga rằng Mỹ ‘quan ngại về sự trì hoãn hàng viện trợ đang tiếp diễn và không thể chấp nhận được, đồng thời nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ muốn Nga dùng ảnh hưởng của họ với chế độ Assad’ để mở đường xúc tiến phân phối hàng viện trợ.
Máy bay chiến đấu của Nga hôm 16/9 mở các đợt không kích vào một căn cứ của phe nổi dậy ở Aleppo.
Các giới chức Nga cho biết nguyên nhân vì phe nổi dậy không chịu rút lui khỏi một con lộ chính dẫn vào miền Đông Aleppo. Theo thỏa thuận ngưng bắn, cả phe nổi dậy lẫn lực lượng của chế độ Assad phải rút ra khỏi quốc lộ Castello (đường tiếp tế chính của phe nổi dậy), giao quyền kiểm soát an ninh cho Nga. Phe nổi dậy nói làm vậy chẳng khác nào giao cho chế độ Assad.
Tới ngày 16/9, những đoàn xe tải của Liên Hiệp Quốc chở đầy hàng viện trợ cho thường dân trong thành phố bị vây hãm Aleppo vẫn đang nằm kẹt tại biên giới Syria.
Các giới chức đang chờ xác nhận rằng binh sĩ Syria và phe nổi dậy tuân thủ thỏa thuận ngưng bắn nhất trí hồi tuần trước.

Đức: Biểu tình

chống thỏa thuận mậu dịch xuyên Đại tây dương (TTIP)

Hiệp định Đối tác Đầu Tư và Mậu Dịch Xuyên Đại tây dương – TTIP
Nhiều người dân Đức tại một số thành phố trong đó có Berlin và Munich vào ngày hôm qua (17/9) tràn xuống đường phố biểu tình chống lại thỏa thuận mậu dịch xuyên Đại tây dương giữa khối các nước Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ.
Dự kiến tổng cộng có chừng 250.000 người tham dự mang theo những biểu ngữ chống đối của các nhóm chống toàn cầu hóa và những liên đoàn cũng như các nhóm chính trị phản đối.
Liên minh Châu Âu EU và Hoa Kỳ bắt đầu thương thảo về hiệp định Đối tác Đầu Tư và Mậu Dịch Xuyên Đại tây dương – TTIP vào năm 2013. Mục đích hình thành khối mậu dịch tự do lớn nhất thế giới với 850 triệu người tiêu dùng.
Theo kế hoạch vòng đàm phán TTIP mới sẽ diễn ra vào tháng tới và tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama mong muốn đúc kết hiệp định trước khi ông rời Nhà Trắng vào tháng giêng sang năm.
Một phiên bản nhỏ hơn của TTIP là CETA với Canada dự kiến sẽ được ký kết vào tháng 10 tới đây.
Những người chống đối TTIP, CETA hay cả Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP đều nêu ra quan ngại những thỏa thuận mậu dịch tự do như thế sẽ có tác hai cho thị trường lao động dẫn đến chuyển thêm công ăn việc làm nội địa ra nước ngoài; cũng như những chuẩn mực môi trường bị phá vỡ.
Bên cạnh đó là quan ngại về luật lệ an toàn lương thực, qui định về ngân hàng, cũng như gây hại cho chủ quyền quốc gia.
Hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương – TPP
Liên quan việc triển khai các thỏa ước mậu dịch tự do với nước ngoài, thông tin đưa ra trong tuần cho biết tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 14 của Việt Nam sẽ khai mạc vào ngày 20 tháng 10 tới đây, vấn đề phê chuẩn thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương – TPP giữa Việt Nam và 11 quốc gia khác, trong đó có Hoa Kỳ đứng đầu, không được đưa vào chương trình nghị sự.
Việt Nam được đánh giá là nước sẽ được thụ hưởng nhiều nhất khi TPP có hiệu lực; thế nhưng khả năng phê chuẩn thông qua hiệp định mậu dịch này còn nhiều trở ngại ngay từ phía Hoa Kỳ, quốc gia chủ xướng hiệp định.

Hội nghị quốc tế huy động 13 tỷ đô la

nhằm xóa bỏ bệnh AIDS, lao và sốt rét năm 2030

Một hội nghị các nhà tài trợ quốc tế diễn ra từ hôm qua (16/9) và kết thúc chiều tối nay ở Montreal, Canada được tiến hành với mục tiêu huy động thêm 13 tỷ đô la cho công cuộc xóa bỏ các căn bệnh AIDS, lao và sốt rét trên toàn thế giới vào năm 2030.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon và thủ tướng nước chủ nhà Justin Trudeau chủ trì hội nghị lần thứ năm Quỹ Toàn Cầu chống ba căn bệnh vừa nêu. Ngoài ra còn có một số nguyên thủ quốc gia đến tham dự.
Thống kê cho thấy Global Fund tính đến nay đã chi ra 30 tỷ đô la vào các chương trình chống ba căn bệnh gây chết người: AIDS, lao và sốt rét trên khắp thế giới. Tổng số các quốc gia được hưởng lợi từ khoản kinh phí của Global Fund là  hơn 100 nước, trong số này có đến 70% là quốc gia tại lục địa đen Châu Phi.
Có hơn 22 triệu người được cứu sống và ngăn ngừa bệnh cho 300 triệu người khác không phải nhiễm bệnh trong thập niên qua.
Từ năm 2005 đến nay số người chết vì AIDS giảm chừng 1/3 với 9 triệu người được điều trị chống virus.

Tổng thống Philippines:

Abu Sayyaf khao khát thành lập vương quốc Hồi giáo

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm nay (17/9) lên tiếng cho rằng những tay súng Hồi giáo Abu Sayyaf tại miền nam nước ông đang khao khát thành lập một vương quốc Hồi giáo.
Nhận định của tổng thống Philippines được đưa ra khi ông đang cho áp dụng biện pháp mạnh tay đối với nhóm chuyên bắt cóc – tống tiền Abu Sayyaf sau khi xảy ra vụ tấn công đẫm máu ở thành phố Davao vừa qua khiến 15 người thiệt mạng.
Theo người đứng đầu chính phủ Philippines thì nhóm các tay súng Hồi giáo Abu Sayyaf không chỉ kiếm tiền qua những hoạt động tội phạm mà tham vọng của chúng là một vương quốc đạo Hồi.
Tuy nhiên nhận định của tổng thống Rodrigo Duterte cũng như tuyên bố của một số đơn vị Abu Sayyaf trung thành với tổ chức thánh chiến Nhà nước IS, không được một số nhà phân tích đồng ý. Giới quan sát thời cuộc thiên về ý kiến là Abu Sayyaf muốn có tiền hơn là quan tâm đến ý thức hệ.
Abu Sayyaf là một nhóm Hồi giáo cực đoan tại khu vực miền nam Philippines nơi mà phong trào Hồi giáo nổi dậy đòi ly khai kể từ những năm 70 của thế kỷ trước đến nay đã khiến cho hơn 120.000 người thiệt mạng.

Trung Quốc: Sáu viên chức địa phương bị trừng phạt

Trung Quốc trừng phạt sáu viên chức địa phương về tội đã không quan tâm sâu sát một gia đình nghèo khổ cùng cực đến mức người mẹ phải giết hết bốn đứa con rồi tự sát. Vụ việc gây bão trong công luận Hoa Lục về tình cảnh khốn cùng của dân nghèo tại đất nước chiếm vị trí thứ hai thế giới về kinh tế hiện nay.
Hãng thông tấn AP loan tin chính quyền tỉnh Cam Túc vào chiều tối hôm qua (16/9) thông báo cho hay có ba viên chức có thể bị đuổi việc và 3 người khác đã bị khiển trách về vụ việc liên quan.
Tin cho biết trường hợp của gia đình một phụ nữ 28 tuổi có tên Giới Lan tại tỉnh Cam Túc ở vùng tây bắc Hoa Lục. Bà này dùng rìu chém chết cả 4 đứa con nhỏ và rồi tự sát vì quá nghèo khổ không thể kiếm ra tiền để nuôi con. Chồng của bà Giới Lan cũng tự tử chết một tuần sau đó.
Vụ việc gây xôn xao cộng đồng mạng cũng như được báo chí Hoa Lục loan tải; nhất là sau khi tình cảnh khốn cùng của họ được nêu ra.
Thống kê cho thấy tại Hoa Lục, cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, hiện có chừng 200 triệu người đang sống trong cảnh khó nghèo.

Trump đề xuất giải giáp vệ sĩ của bà Clinton

Ứng viên Donald Trump tiếp tục đối mặt với chỉ trích sau khi dường như nói bóng gió về việc ám sát đối thủ Hillary Clinton lần thứ hai.
Ông Trump đề nghị các vệ sĩ của bà Clinton nên thử buông súng và “xem những gì xảy ra với bà ấy”.
Ông nói với những người ủng hộ rằng đối thủ của ông muốn “xóa sổ Tu chính án thứ hai của quý vị” trong lúc đề cập đến quyền sở hữu súng.
Nhóm vận động của bà Clinton cáo buộc ông Trump “kích động bạo lực”.
Phát biểu tại cuộc vận động ở Miami hôm 16/9, ứng viên đảng Cộng hòa cho biết: “Các vệ sĩ hãy buông súng đi, bà ấy không muốn súng đạn mà. Rất nguy hiểm.”
Robby Mook, phát ngôn viên của bà Clinton, nói: “Dù phát ngôn đó là để kích động người ta tại cuộc vận động hay chỉ là lời nói đùa thì cũng không thể chấp nhận được đối với một người muốn tìm kiếm vị trí Tổng Tư lệnh.”
“Phát ngôn này nên đặt ngoài giới hạn với một ứng viên tổng thống.”
Bà Clinton kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn việc sở hữu súng nhưng cũng nhấn mạnh bà ủng hộ Tu chính án thứ hai, trong lời phát biểu trước các nghị Đảng Dân chủ vào tháng 7/2016: “Tôi không ở đây để tước đi khẩu súng của quý vị”.
Phát ngôn của ông Trump gợi lại bài phát biểu gây tranh cãi hồi tháng trước mà nhiều đảng viên Dân chủ lên án là lời kêu gọi ám sát bà Clinton.
‘Tố cáo sai’
Phát biểu tại North Carolina, ông tuyên bố rằng bà Clinton muốn bãi bỏ Tu chính án thứ hai và nói thêm: “Nếu bà ấy bổ nhiệm các thẩm phán làm suy yếu quyền sở hữu súng thì quý vị sẽ không thể làm gì được.”
Nhóm vận động của Trump sau đó giải thích ông không có ý kích động bạo lực.
Image copyrightGETTYImage captionBà Clinton kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn việc sở hữu súng
Bình luận mới nhất được đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông Trump buộc phải thừa nhận rằng Tổng thống Barack Obama được sinh ở Mỹ.
Nhưng ông Trump cũng tố cáo sai rằng nhóm của bà Hillary Clinton đã khởi xướng phong trào nghi vấn nơi sinh của ông Obama.
Tuyên bố ở Washington, ông Trump nói: “Tổng thống Barack Obama sinh tại Mỹ, chấm hết.”
“Hillary Clinton và nhóm tranh cử bà ta năm 2008 đã khởi xướng phong trào nghi vấn. Tôi chấm dứt nó.”
Không có bằng chứng bà Clinton liên quan phong trào này.
Trước đó, chiến dịch vận động tranh cử của ông Donald Trump thừa nhận trong một tuyên bố rằng Tổng thống Obama được sinh ra ở Mỹ.
Ứng viên Cộng hòa từng dẫn đầu trong phong trào “birther” – đặt nghi vấn về vấn đề quốc tịch của ông Obama, người chào đời tại Hawaii.

EU ‘cùng nhau đối mặt với vấn đề di dân’

Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức tuyên bố rằng EU nhất trí ưu tiên về việc tiếp thêm sức mạnh cho khối dù “tình hình nghiêm trọng” sau vụ Brexit.
Họ cho thấy sự đoàn kết mang tính biểu tượng bằng cách tổ chức một cuộc họp báo chung sau Hội nghị Thượng đỉnh ở Bratislava, thủ đô Slovakia.
Đây là cuộc họp quan trọng đầu tiên của 27 thành viên EU mà không có sự hiện diện của Anh quốc.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande nhận định cuộc khủng hoảng di dân là vấn đề then chốt.
“Chúng tôi không né tránh bất cứ điều gì”, ông Hollande nói. “Chúng tôi quyết định cùng nhau đối mặt với vấn đề di dân, đồng thời tôn trọng quyền tỵ nạn.”
Có rạn nứt sâu sắc về dòng người di cư – gồm đa số người tỵ nạn đến từ Syria trong lúc Slovakia, Hungary, Czech và Ba Lan từ chối chấp nhận hạn ngạch EU phân bổ về những người xin tỵ nạn.
‘Thỏa hiệp’
Những nước này đang chịu áp lực chấp nhận hạn ngạch để 160.000 người tỵ nạn tại các trại ở Hy Lạp và Ý có thể được tái định cư.
“Chúng tôi nói chuyện rất cụ thể về những gì sẽ làm gì để giải quyết rốt ráo những vấn đề như dân nhập cư”, bà Merkel cho hay.
Image copyrightAFPImage captionBà Merkel đề cập về “tinh thần Bratislava”
Bà đề cập về “tinh thần Bratislava” trong việc hợp tác giải quyết các vấn đề khó khăn nhất mà châu Âu đang phải đối mặt.
“Tất cả chúng tôi cần phải thỏa hiệp,” bà thừa nhận.
“Chúng tôi nhất trí rằng châu Âu đang trong tình trạng nguy cấp sau vụ Brexit nhưng còn có những vấn đề khác mà chúng tôi cần phải giải quyết với nhau.”
Họ không nhấn mạnh vào vấn đề Brexit, trong lúc chờ đợi chính phủ Anh xúc tiến quá trình rút khỏi EU.
Các nhà lãnh đạo EU nhất trí đẩy mạnh nỗ lực chung nhằm tăng cường kiểm soát biên giới bên ngoài, đẩy mạnh quốc phòng châu Âu, chống khủng bố và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hội nghị Bratislava diễn ra trong một ngày với các cuộc họp nhằm xây dựng lòng tin và xác định “lộ trình” của EU mới.
Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ lại nhóm họp Hội nghị Thượng đỉnh Rome tháng 3/2017, nhân kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Rome.

Những Ngày Di Sản Châu Âu tại Pháp

Thu Hằng, Thùy Dương
Năm nay, Những Ngày Di Sản Châu Âu diễn ra vào hai ngày 17 và 18 tháng 09. Đây là cơ hội để dân chúng và khách du lịch được thăm quan miễn phí các công trình kiến trúc, di tích lịch sử, văn hóa của các nước châu Âu.
Trên thực tế, tổ chức Ngày Di Sản là ý tưởng của người Pháp. Và đây là năm thứ 33 liên tiếp Pháp tổ chức Ngày Di Sản. Năm 1984, theo sáng kiến của bộ Văn Hóa Pháp, Ngày Di Sản được tổ chức vào ngày Chủ Nhật tuần thứ ba của tháng Chín. Từ năm 1985, học theo kinh nghiệm của Pháp, nhiều nước châu Âu bắt đầu tổ chức các sự kiện tương tự vào cùng thời điểm trong năm. Vào năm 1991, trước thành công rực rỡ của Ngày Di Sản tại các nước, Hội Đồng Châu Âu đã chính thức cho ra đời Những Ngày Di Sản Châu Âu. Ngày nay, trên toàn châu Âu, có 50 nước tham gia tổ chức sự kiện văn hóa thường niên này.
Mỗi năm, Những Ngày Di Sản Châu Âu xoay quanh một chủ đề và được gọi tên dựa theo chủ đề đó, chẳng hạn chủ đề năm 2012 là « Những di sản tiềm ẩn », chủ đề năm 2015 là « Di sản của thế kỷ 21, một câu chuyện tương lại ». Năm nay, Ngày Di Sản Châu Âu có chủ đề : « Di sản và toàn thể công dân ».
Tại Pháp, hàng chục ngàn công trình của nhà nước và tư nhân mở cửa đón khách trong dịp này. Bên cạnh những công trình kiến trúc, lịch sử nổi tiếng, như cung điện Versailles, Nhà Thờ Đức Bà Paris, bảo tàng Louvre, du khách còn được thăm quan trụ sở của chính quyền, các cơ quan hành chính, bộ, ngành, chẳng hạn như phủ tổng thống, dinh thủ tướng, trụ sở Thượng Viện, Hạ Viện, trụ sở Bộ Văn hóa, trụ sở của ngành cảnh sát điều tra, ngân hàng quốc gia Pháp, Tòa thị chính Paris, … Đây là những công trình không mở cửa cho du khách thăm quan vào những ngày khác trong năm. Chính vì thế, du khách thường phải xếp hàng rất lâu mới tới lượt vào. Chẳng hạn, Bộ Văn Hóa và Truyền Thông Pháp cho biết du khách phải xếp hàng 4-5 tiếng mới có thể được vào dinh thủ tướng.
Ngoài ra, mỗi năm, ban tổ chức còn khuyến khích du khách đến thăm những công trình ít được chú ý nhưng lại có thể tạo cho du khách những trải nghiệm lý thú, chẳng hạn như các đài truyền hình, phát thanh, hệ thống lọc nước, các hang động, hầm mộ, hậu trường các nhà hát, rạp phim …
Theo số liệu của bộ Văn Hóa và Truyền Thông Pháp, năm 2015, tổng cộng 17.000 công trình mở cửa đón 12 triệu lượt khách trong hai ngày Di Sản.
Trả lời câu hỏi của RFI, một du khách đang xếp hàng vào thăm trụ sở Hạ Viện Pháp giải thích :
« Đây là lần đầu tiên tôi tham dự ngày Di Sản, nhân dịp này tôi muốn thăm quan những nơi tôi không có cơ hội đến vào những ngày thường, trong đó có Hạ Viện. Vào các ngày khác trong năm, tôi không thể vào Hạ Viện vì Hạ Viện không mở cửa cho khách thăm quan. Đây là dịp để thăm Hạ Viện, dù trời mưa và tôi phải xếp hàng. Đây là dịp để thăm một nơi đại diện cho dân chủ, tôi muốn thăm nơi các quyết định được thông qua. Chúng ta thường có cảm giác ít có quyền được tham gia vào các quyết định này. Đây là dịp để tôi cảm nhận được nhiều hơn về quyền công dân của mình ».

Nhật-Mỹ sẽ huấn luyện tuần tra hàng hải ở Biển Đông

Nhật sẽ tăng cường hoạt động của mình ở Biển Đông thông qua các cuộc tuần tra huấn luyện chung với Mỹ cùng các cuộc diễn tập song phương-đa phương với các lực lượng hải quân trong khu vực, theo tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, Tomomi Inada.
Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ngày 15/9, Bộ trưởng Inada cho biết nỗ lực tăng cường giao tiếp của Nhật trong khu vực mà cả Tokyo lẫn Washington đều quan ngại trước các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc sẽ bao gồm xây dựng khả năng cho các nước ven biển trong vùng.
Bà Inada nói nếu thế giới cho phép ‘bẻ cong luật lệ’ thì ‘hậu quả sẽ mang tính toàn cầu.’
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật nhấn mạnh: ‘Tôi mạnh mẽ ủng hộ các hoạt động tự do hàng hải của hải quân Mỹ giúp giữ gìn trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật lệ.’
Thông cáo của Hải quân Mỹ cho biết: ‘Hoa Kỳ hoan nghênh việc Nhật muốn mở rộng các hoạt động hàng hải của họ tại Biển Đông. Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm cách thức củng cố các nỗ lực hợp tác Mỹ-Nhật để đóng góp cho an ninh, ổn định khu vực.’
Trong tháng này, Nhật tuyên bố sẵn sàng cấp cho Việt Nam các tàu tuần tra mới.
Nhật cũng đồng ý cấp cho Philippines 2 tàu tuần tra lớn và cho mượn 5 máy bay tuần tra để hoạt động ở Biển Đông.
Việt Nam, Philippines có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông và Nhật Bản có tranh cãi chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.