Tin khắp nơi – 31/08/2016
Nghi vấn về tương lai
chính sách của Mỹ tái cân bằng lực lượng sang Châu Á
Mary Alice SalinasTại các hội nghị cấp cao ASEAN và Đông Á, Tổng thống Obama sẽ tìm cách trấn an các nước thành viên về sự cam kết của Mỹ đối với chính sách tái cân bằng sang Châu Á.
TOÀ BẠCH ỐC —
Tương lai của chính sách tái cân bằng lực lượng sang Châu Á của Mỹ đang mập mờ giữa lúc Tổng thống Barack Obama chuẩn bị thực hiện chuyến công du cuối cùng của ông tới thăm khu vực trong cương vị Tổng thống Hoa Kỳ. Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc, Tổng thống Obama sẽ đối mặt với một loạt vấn đề. Kế đó ông sẽ lên đường sang Vientiane, Lào để dự hội nghị thượng đỉnh các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN,và hội nghị thượng đỉnh Đông Á.
Trong chuyến công du lần thứ 11 và cũng là chuyến đi cuối cùng của ông sang thăm Châu Á, kế hoạch của Tổng thống Obama củng cố vị trí nước Mỹ như một lãnh đạo khu vực có thành công hay không còn tuỳ thuộc vào liệu ông có thuyết phục được người dân trong nước ủng hộ Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), hay không.
Tổng thống Obama hồi gần đây phát biểu về hiệp định này như sau:
“Vâng, ngay trong lúc này, tôi là Tổng thống, và tôi ủng hộ TPP. Tôi tin rằng lập luận của tôi ủng hộ hiệp định TPP vững chắc hơn.”
Ông phải thuyết phục quốc hội Mỹ thông qua hiệp định thương mại bao gồm 12 nước, có tên là Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tổng thống Obama:
“Chúng ta không thể nào tách nước Mỹ ra riêng, xét các nền kinh tế của chúng ta hợp nhất với nhau như thế nào.”
Tuy nhiên ông Obama đang vấp phải sức kháng cự ở trong nước trong một năm có bầu cử, giữa lúc cả hai ứng cử viên Tổng thống chủ yếu của Mỹ đều lên tiếng chống đối hiệp định TPP.
Ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hoà Donald Trump nói:
“Chúng tôi sẽ rút ra khỏi thoả thuận này trước khi hiệp định có thể thành hình. Sẽ không có hiệp định này, không bao giờ có hiệp định TPP.”
Và đây là ý kiến của đối thủ của ông Trump, ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton:
“Tôi chống đối hiệp định TPP bây giờ, tôi sẽ chống đối TPP sau bầu cử, và tôi sẽ chống đối nó trong cương vị Tổng thống.”
Ngay cả với những thắng lợi trên các mặt trận ngoại giao và an ninh, nếu không có hiệp định TPP, yếu tố kinh tế của chính sách tái cân bằng lực lượng sang Châu Á sẽ tan vỡ.
Nhà phân tích Douglas Paal thuộc Tổ chức Carnegie cho Hoà bình Quốc tế nhận định:
“Uy tín của Mỹ một phần lớn sẽ tan biến nếu không có hiệp định TPP.”
Nếu tình huống này xảy ra, nhiều quốc gia Á châu sẽ tỏ ra hoài nghi. Nhà nghiên cứu Paal:
“Các nước Á châu sẽ chỉ còn một sự lựa chọn duy nhất. Đó là Trung Quốc. Hoa Kỳ sẽ mất đi tính hấp dẫn đối với họ.”
Tại các hội nghị cấp cao ASEAN và Đông Á ở Lào, Tổng thống Obama sẽ tìm cách trấn an các nước thành viên về sự cam kết của Mỹ đối với chính sách tái cân bằng sang Châu Á.
Tại hội nghị G20 ở Hàng Châu, ông sẽ trấn an Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Hoa Kỳ không chống đối sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ bàn thảo về các vấn đề nhạy cảm, chẳng hạn như lập trường hung hăng của Trung Quốc trong Biển Đông và các hoạt động của nước này trên không gian ảo.
Nhà phân tích Douglas Paal nhận định:
“Theo tôi, điều quan trọng đối với Tổng thống Obama trong cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là vạch ra những làn ranh đỏ, về những điều mà chúng ta sẽ không thể nào chấp nhận.”
Các nhà lãnh đạo G20 còn thảo luận về những phương án nhằm kích thích một nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu, và làm sao để đẩy mạnh tới phía trước các phương cách để đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu.
http://www.voatiengviet.com/a/nghi-van-ve-tuong-lai-chinh-sach-cua-my-tai-can-bang-luc-luong-sang-chau-a/3487848.html
Mỹ: Không có giải pháp quân sự ở biển Đông
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm nay, 31/8, cho biết Washington ủng hộ nỗ lực ngoại giao để giải quyết tranh chấp ở biển Đông, đồng thời kêu gọi Philippines và Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc.Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ lên tiếng như vậy trong chuyến thăm tới Ấn Độ, ít ngày trước hội nghị thượng đỉnh G20 ở Trung Quốc, mà dự kiến có thể bị phủ bóng bởi các tranh cãi về vấn đề biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ nói rằng “không có giải pháp quân sự” để giải quyết tranh chấp biển Đông, đồng thời nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không “thổi bùng xung đột” mà thay vào đó, “thuyết phục các bên giải quyết các tranh chấp thông qua tiến trình pháp lý và ngoại giao” .
Ông Kerry cũng kêu gọi Manila và Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc mà ông cho là “cuối cùng và mang tính ràng buộc về pháp lý”.
Trung Quốc từng chỉ trích Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực, như Nhật Bản và Australia, đã khuấy động, gây căng thẳng ở biển Đông.
Tuyên bố chung của Ấn Độ và Mỹ công bố hôm 30/8, sau các cuộc đàm phán về an ninh, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của tự do hàng hải và bay ngang qua vùng biển Đông.
Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra một ngày sau khi Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang cảnh báo tại Singapore rằng sẽ không có ai thắng cuộc nếu xảy ra xung đột vũ trang vì tranh chấp chủ quyền trên biển Đông.
Ông Quang nói rằng nếu “chúng ta để cho bất ổn xảy ra, đặc biệt là trong trường hợp bùng ra xung đột vũ trang, sẽ không có người thắng, kẻ thua, mà tất cả sẽ thua”.
Theo Reuters, AFP, ISEAS
http://www.voatiengviet.com/a/my-khong-co-giai-phap-quan-su-o-bien-dong/3487952.html
Ông Trump đi thăm Mexico
Ken Bredemeier , Chris HannasWASHINGTON —
Ứng cử viên Ðảng Cộng hòa Donald Trump đi thăm Mexico theo lời mời của Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto, người đã từng tuyên bố nước ông sẽ không trả tiền để xây bức tường thành ở biên giới giữa hai nước.
Trước bài diễn văn sẽ đọc trễ hơn trong ngày hôm nay, thứ Tư 31/8, về chính sách di dân, ứng cử viên tổng thống của Ðảng Cộng hòa Donald Trump sẽ đi thăm Mexico để hội đàm với Tổng thống Enrique Peña Nieto.
Trong suốt quá trình vận động tranh cử, ông Trump liên tục quảng bá cho ý kiến xây một bức tường thành dọc theo biên giới giữa Mỹ và Mexico mà theo ông, kinh phí sẽ do chính phủ Mexico chi trả. Tổng thống Nieto đã tuyên bố sẽ không bao giờ có chuyện đó.
Văn phòng Tổng thống Nieto cho hay ông đã mời cả ông Trump lẫn ứng cử viên bên Ðảng Dân chủ là bà Hillary Clinton đến thăm Mexico để nói về các mối quan hệ giữa hai nước lân bang. Ông Nieto nói ông tin rằng đối thoại sẽ thăng tiến quyền lợi của Mexico, và “chủ yếu là để bảo vệ người Mexico dù họ đang cư ngụ ở bất cứ nơi nào.”
Phía bà Clinton chưa trả lời liệu bà sẽ nhận lời mời của Tổng thống Mexico hay không. Nhưng bà Jennifer Palmieri, trưởng ban truyền thông của bà Clinton, ra thông báo chỉ trích những phát biểu của ông Trump về Mexico, trong đó có phát biểu của ông Trump hồi năm ngoái rằng Mexico đưa những kẻ tội phạm và hiếp dâm vào nước Mỹ.
Bà Palmieri nói: “Điều quan trọng hơn hết là ông Donald Trump nói gì với cử tri ở Arizona, chứ không phải ở Mexico, và liệu ông Trump có giữ tuyên bố sẽ cách ly các gia đình di dân và tống xuất hàng triệu di dân ra khỏi nước Mỹ.”
Ông Trump sẽ phát biểu tại bang Arizona ở biên giới tây nam, nơi mà nhiều năm qua là tâm điểm các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn dòng di dân bất hợp pháp đổ vào Mỹ.
Trong mấy ngày gần đây, ông Trump đã đưa ra những dấu hiệu lẫn lộn về việc liệu ông vẫn duy trì quan điểm ban đầu của ông là “cưỡng bức trục xuất” để tống xuất 11 triệu di dân bất hợp pháp đang sinh sống ở Mỹ về nước của họ hay không.
Hôm thứ Ba, ông Trump viết trên trang Twitter: “Ngay từ ngày đầu tiên, tôi đã nói rằng tôi sẽ xây một tường thành ở biên giới phía nam, và hơn như vậy nữa. Chấm dứt di dân bất hợp pháp. Hãy chờ xem vào thứ Tư này.”
Quan điểm dân tộc dứt khoát chống di dân của ông Trump đã giúp ông giành chiến thắng ở hết bang này đến bang khác trong các cuộc tranh cử sơ bộ đảng, và đưa ông vượt lên trên các chính trị gia dày dạn để giành được sự đề cử của Ðảng Cộng hòa trong cuộc trắc nghiệm đầu tiên của ông để tranh một chức vụ công cử.
Những cuộc khảo sát toàn quốc trong lúc còn chưa đầy ba tháng nữa là đến ngày tổng tuyển cử 8 tháng 11 cho thấy nhiều cử tri tại các khu vực bầu cử lớn hơn phản đối ý định trục xuất hàng loạt gia đình di dân, nhiều người trong số đó đã sinh sống ở Mỹ trong nhiều năm qua.
Trong các cuộc phỏng vấn hồi gần đây, ông Trump, một tỉ phú bất động sản nói năng không kiêng dè và từng một thời gian là người dẫn chương trình truyền hình, nói rằng ông muốn nhanh chóng trục xuất hết các di dân không giấy tờ, những kẻ tội phạm đã bị kết án, cũng giống như chính phủ Mỹ hằng mong muốn. Ông nói ông phản đối việc mở ra một con đường dẫn đến cơ hội nhập tịch cho di dân bất hợp pháp không phạm tội, và nói họ phải đóng thuế mà họ còn thiếu của chính phủ.
Nhưng ông chưa nói rõ là chính xác ông muốn giải quyết như thế nào con số di dân bất hợp pháp khổng lồ đó, trong lúc ông vẫn lớn tiếng cổ xúy cho việc xây tường thành biên giới.
Người được ông chọn để tranh chức phó tổng thống, Thống đốc Mike Pence của bang Indiana, trả lời một cuộc phỏng vấn hôm Chủ nhật rằng ông Trump giống như “một tổng giám đốc đang điều hành công việc,” một thủ lãnh điều phối tổ chức, tham khảo ý kiến công chúng và cân nhắc chọn lựa của mình.
Thống đốc Pence nói: “Quý vị thấy một người cùng làm việc chung với người dân Mỹ, lắng nghe người dân. Ông Trump lắng nghe từ mọi phía.”
Bà Clinton ủng hộ việc bảo vệ biên giới, nhưng cũng ủng hộ chính sách cải tổ di dân, trong đó có đề nghị mở ra một con đường dẫn đến cơ hội nhập tịch cho các di dân bất hợp pháp đã sinh sống ở Mỹ. Dự luật đó đã bị ách tắt ở Quốc hội. Phe Cộng hòa ở Hạ viện phản đối dự luật đã ngăn kế hoạch được Thượng viện thông qua và Tổng thống Barack Obama ủng hộ này.
Cựu ngoại trưởng Clinton, đang tìm cách trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ, dẫn trước ông Trump 5% trong kết quả tổng hợp các cuộc thăm dò dư luận toàn quốc do trang web chuyên về chính trị realclearpolitics.com thực hiện.
Hôm thứ Ba, cuộc thăm dò hàng tuần của NBC News/Survey Monkey cho thấy bà Clinton đang dẫn trước ông Trump với tỉ lệ 48% trên 42%, thấp hơn mức 8 điểm mà bà Clinton có được trước đó một tuần.
Rất nhiều nhà phân tích chính trị ở Mỹ dự đoán rằng bà Clinton sẽ trở trành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ khi ông Obama rời Tòa Bạch Ốc vào tháng Giêng năm tới. Nhưng họ cũng nói rằng những sự kiện thế giới nằm ngoài dự đoán hay những sai lầm ngớ ngẩn của các ứng cử viên trong ba cuộc tranh luận giữa ông Trump và bà Clinton theo lịch trình sẽ diễn ra trong tháng 9 và tháng 10 có thể làm thay đổi cuộc tranh cử tổng thống của mỗi bên.
http://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-di-tham-mexico/3488092.html
Thượng nghị sĩ McCain, Rubio thắng bầu cử sơ bộ cấp bang
Hai Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain và Marco Rubio đã vượt qua những trở ngại đầu tiên trên đường tiến tới đắc cử nhiệm kỳ mới với chiến thắng trong hai cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa ở bang của họ hôm 29/8.Ông McCain, 80 tuổi, đang tìm cách đoạt thêm một nhiệm kỳ thứ sáu đại diện cho bang Arizona. Ông đánh bại ứng cử viên thuộc phong trào bảo thủ Tea Party trong cuộc bầu cử sơ bộ và sẽ tiếp tục đối mặt với đại diện Đảng Dân chủ Ann Kirkpatrick trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11.
Ông Rubio, người không thành công trong nỗ lực được Đảng Cộng hòa đề cử để dự cuộc đua tranh chức tổng thống Mỹ, cũng sẽ đối đầu với một nghị sĩ Đảng Dân chủ sau khi đánh bại triệu phú địa ốc Carlos Beruff ở bang Florida. Đối thủ của ông Rubio vào tháng 11 là Dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ Patrick Murphy.
Ở Florida, Dân biểu Debbie Wasserman Schultz giành chiến thắng cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ một tháng sau khi từ chức chủ tịch Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc.
Cuộc bỏ phiếu bầu chọn những thành viên của Quốc hội Mỹ diễn ra cùng lúc với cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 8 tháng 11. Một phần ba ghế trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện và tất cả 435 ghế tại Hạ viện sẽ được bầu chọn. Phe Cộng hòa hiện đang nắm giữ thế đa số ở cả hai viện.
http://www.voatiengviet.com/a/thuong-nghi-si-mccain-rubio-thang-bau-cu-so-bo-cap-bang/3487908.html
TT Mỹ sẽ trả lời trắc nghiệm về TPP khi công du Á châu
Trong chuyến đi thăm châu Á vào tuần tới, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ tìm cách trấn an các nhà lãnh đạo của khu vực rằng ông vẫn nắm quyền để hoàn thành sự phê chuẩn của chính phủ Mỹ đối với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), cho dù hai ứng cử viên tranh quyền kế vị ông và một thủ lãnh trong quốc hội đã lên tiếng rằng không nên xúc tiến thỏa thuận thương mại 12 nước tham gia này.Hiệp ước thương mại này là cột trụ kinh tế của một kế hoạch lớn hơn mà ông Obama dự tính xoay chính sách đối ngoại của Mỹ sang châu Á để đối trọng với thế lực kinh tế và quân sự đang lớn mạnh của Trung Quốc.
Các chính trị gia trong nước tỏ ra hoài nghi về tương lai của hiệp ước thương mại này. Thủ lãnh Khối đa số Thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell hôm thứ Năm tuần trước nói rằng Thượng viện sẽ không biểu quyết cho hiệp ước này trong năm nay. Như vậy việc phê chuẩn hiệp ước này sẽ kéo sang nhiệm kỳ của tổng thống mới, người sẽ nhậm chức vào ngày 20 tháng Giêng.
Cả ứng cử viên Donald Trump của Ðảng Cộng hòa lẫn bà Hillary Clinton của Ðảng Dân chủ đều lên tiếng chống TPP, với lý do đưa ra là các hiệp ước thương mại trước đó đã làm mất đi công ăn việc làm ở Mỹ. Bà Clinton đã ủng hộ TPP khi còn làm ngoại trưởng cho ông Obama.
Tổng thống Obama nói TPP sẽ thúc đẩy các chuẩn mực về lao động và môi trường – chỉnh sửa một số vấn đề mà các hiệp định thương mại trước đó đã vấp phải, chẳng hạn như Hiệp ước Thương mại Tự do Bắc Mỹ, và để tạo cơ hội tiếp cận với thị trường có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới cho cả các doanh nghiệp lớn lẫn nhỏ của Mỹ.
Ông Ben Rhodes, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Obama hôm thứ Hai nói với các phóng viên báo chí: “Tại khu vực này của thế giới — thị trường mới nổi lớn nhất thế giới — TPP được xem như là một cuộc trắc nghiệm về vai trò lãnh đạo của Mỹ.”
Ông Rhodes nói: “Chúng ta sẽ thụt lùi khỏi vai trò lãnh đạo, chúng ta sẽ rút khỏi khu vực này để cho những nước khác tiến vào, chẳng hạn như Trung Quốc, nước không đặt ra những chuẩn mực cao cho các hiệp ước thương mại, nếu như chúng ta không tiếp tục đến cùng với TPP.”
Các ước tính về tác động kinh tế tiềm năng của TPP khác nhau, nhưng hầu hết đều cho thấy sẽ có rất ít tác động có ý nghĩa đối với kinh tế của Mỹ.
Ước tính của Viện Peterson, một viện nghiên cứu kinh tế ở Washington, gợi ý rằng TPP sẽ giúp tăng được 0,5% cho kinh tế của Mỹ sau 15 năm.
Nhưng người phát ngôn Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói rằng các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hầu hết người Mỹ ủng hộ hiệp ước, và điều đó sẽ mở đường “cho chúng ta hoàn thành việc phê chuẩn hiệp ước” trước ngày 20 tháng Giêng.
Trong một cuộc phỏng vấn, Cựu Đại diện Thương mại của Mỹ, bà Susan Schwab đoán khả năng TPP được phê chuẩn là rất thấp, nhưng không phải là không thể.
Bà Schwab, Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Cộng hòa George W. Bush, nói: “Đã có những ứng cử viên tổng thống chỉ trích các chính sách thương mại của chính quyền tiền nhiệm, và rồi họ lại tìm ra được cách chấp nhận các chính sách đó khi họ đã lên cầm quyền. Trong số đó có Tổng thống Obama và cựu Tổng thống Dân chủ Bill Clinton.”
Ông Obama sẽ đến Trung Quốc vào thứ Bảy. Tại đó ông sẽ họp với Chủ tịch Tập Cận Bình và sẽ dự hội nghị G20. Sau đó ông sẽ sang Lào để dự hai hội nghị thượng đỉnh khu vực. Ông sẽ về lại Washington vào ngày 9 tháng 9.
http://www.voatiengviet.com/a/tt-obama-se-tra-loi-trac-nghiem-ve-tpp-trong-chuyen-cong-du-a-chau/3487826.html
Quan hệ Mỹ-Ấn nồng ấm chưa từng thấy
Các Bộ trưởng chính phủ Mỹ và Ấn Độ tán dương mối quan hệ chiến lược và kinh tế được siết chặt đáng kể giữa hai nước, mà Ngoại trưởng Kerry hôm nay nói “đến vào một thời điểm quan trọng hơn bao giờ hết.”Đối thoại Chiến lược và Thương mại Ấn-Mỹ lần thứ 2 được tổ chức lần đầu tiên ở Ấn Độ, là cuộc đối thoại mới nhất trong một loạt cuộc gặp gỡ và thoả thuận quan trọng, đã đưa New Delhi từ một quốc gia phi liên kết trở thành đối tác thân thiết với Washington trong bối cảnh chính phủ cả hai nước đều quan ngại trước một nước Trung Quốc hung hăng hơn.
Bộ trưởng Ngoại vụ Ấn Độ Sushma Swaraj miêu tả mức độ gần gũi của mối quan hệ song phương là “chưa từng thấy trước đây”, khi bà khai mạc cuộc đối thoại.
Ấn Độ trong mấy năm gần đây đã huỷ bỏ nhiều rào cản thương mại. New Delhi và Washington đã đề ra mục tiêu là tăng kim ngạch mậu dịch lên gấp 5 lần tới 500 tỉ đôla hàng năm.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho hay, Ngoại trưởng Kerry hôm nay gặp cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ để thảo luận vấn đề an ninh khu vực, chống khủng bố và mối quan hệ đối tác chiến lược được đào sâu hơn giữa hai nước.
http://www.voatiengviet.com/a/quan-he-my-an-nong-am-chua-tung-thay/3486716.html
Bắc Triều Tiên hành quyết phó thủ tướng?
Hàn Quốc cho biết một quan chức chính phủ cao cấp của Bắc Triều Tiên đã bị hành quyết, và thêm hai người nữa bị đưa vào trại cải tạo, trong khi lãnh tụ Kim Jong Un tiếp tục củng cố quyền lực của mình.Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Jeong Joon Hee cho biết phó thủ tướng phụ trách công tác giáo dục Kim Yong Jin đã bị hành quyết, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết khác.
Một quan chức không nêu danh tính của bộ sau đó cho hay ông Kim Yong Jin đã bị đưa ra pháp trường xử bắn hồi tháng trước sau khi bị buộc tội bày tỏ “thái độ xấu” khi tham dự một phiên họp quốc hội vào tháng 6. Ông ta bị kết án về những hành vi “chống Đảng, chống cách mạng.”
Trong khi đó, một trong hai nhân vật cao cấp bị đưa vào trại cải tạo là ông Kim Yong Chol 71 tuổi, người được cho là đã hoạch định vụ đánh chìm một tàu chiến của Hàn Quốc hồi năm 2010.
Nếu được xác nhận, cái chết của ông Kim Yong Jin sẽ là vụ mới nhất trong một loạt những vụ trừng phạt, bao gồm cả hành quyết, theo lệnh của Kim Jong Un kể từ khi ông ta lên nắm quyền vào năm 2011.
Hồi tháng Hai, Seoul nói tổng tư lệnh quân đội của Bắc Triều Tiên đã bị hành quyết, nhưng sau đó ông ta tái xuất hiện tại một hội nghị của đảng vào tháng Năm.
http://www.voatiengviet.com/a/bac-trieu-tien-hanh-quyet-pho-thu-tuong/3487888.html
Đàm phán hòa bình khai mạc ở Myanmar
Cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến sự kéo dài gần bảy thập niên giữa chính phủ Myanmar và những nhóm nổi dậy sắc tộc đã khai mạc tại thủ đô Naypyitaw hôm 31/8.Trong những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ, đại biểu thuộc 17 nhóm sắc tộc thiểu số đứng đầy hội trường và trò chuyện với những sĩ quan quân đội và các nhà ngoại giao vào đầu hội nghị kéo dài năm ngày. Đây là một kế hoạch lớn của bà Aung San Suu Kyi trong những ngày đầu tiên trong cương vị lãnh đạo chính phủ mới được bầu cử dân chủ của Myanmar.
Trong bài diễn văn khai mạc, người được trao giải Nobel Hòa bình này phát biểu: “Chỉ khi nào chúng ta thống nhất thì đất nước chúng ta mới được yên ổn. Chỉ khi nào đất nước chúng ta được yên ổn thì chúng ta mới có thể sánh vai những nước khác trong khu vực và khắp thế giới.”
Hội nghị thượng đỉnh này được mệnh danh là “Panglong Thế kỷ 21,” gợi nhớ đến một thỏa thuận năm 1947 do người anh hùng giành độc lập Tướng Aung San, người cha quá cố của bà Aung San Suu Kyi, làm trung gian điều giải. Thỏa thuận đó trao cho những nhóm sắc tộc thiểu số quyền tự chủ khi Myanmar, còn gọi là Miến Điện, giành được độc lập từ Anh. Nhưng thỏa thuận đó đổ vỡ một năm sau, khi ông Aung San bị ám sát, khiến những nhóm ly khai ở gần biên giới của nước này với Trung Quốc và Thái Lan đối đầu quân đội. Quân đội đã cai trị Myanmar bằng bàn tay sắt suốt hơn năm thập kỷ.
Trước khi hội nghị hòa bình khai mạc, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi chính phủ mới của Myanmar trao quyền công dân cho khoảng 1 triệu người Rohingya thiểu số theo Hồi giáo, bị coi là người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh.
Tới 120.000 người Rohingya đã sống mòn mỏi trong những trại bẩn thỉu dành cho người tản cư ở bang Rakhine phía tây kể từ năm 2012, khi giao tranh nổ ra giữa những người Phật giáo mang tư tưởng dân tộc và người Hồi giáo.
Kofi Annan, người tiền nhiệm của ông Ban Ki-moon, đã được chính phủ Myanmar bổ nhiệm để đứng đầu một ban cố vấn nhằm giải quyết những vấn đề ở bang Rakhine.
http://www.voatiengviet.com/a/dam-phan-hoa-binh-khai-mac-o-myanmar/3487860.html
Đánh bom xe gần dinh Tổng thống Somalia, 20 người chết
Một vụ nổ xe gài bom xảy ra gần dinh Tổng thống Somalia hôm thứ Ba, đã giết chết hơn 20 người.Chiếc xe bom lao vào tường của khách sạn SYL, nơi gặp gỡ thường xuyên của các giới chức chính phủ Somalia.
Một nhân viên an ninh của Tổng thống xin dấu tên kể lại với ban tiếng Somalia của VOA:
“Một chiếc xe lao nhanh về phía chúng tôi. Chúng tôi bắn chỉ thiên cảnh cáo nhưng chiếc xe không chịu dừng lại, buộc chúng tôi nổ súng vào xe ngay trước khi hung thủ kích nổ chất nổ chứa đầy trên xe.”
Giám đốc dịch vụ xe cứu thương của địa phương, Bác sĩ Abdulkadir Aden cho biết là sau vụ nổ, dịch vụ của ông đã mang đi 22 thi thể và 30 người bị thương ra khỏi hiện trường. Ông cho biết thêm là có 6 phụ nữ trong số những người thiệt mạng.
Tin cho hay trong số những người bị thương trong vụ nổ có bộ trưởng giao thông, bộ trưởng đặc trách quốc phòng, một số nhà lập pháp và hai phóng viên của đài phát thanh địa phương.
Bộ trưởng Thông tin Mohamed Abdi Hayir Maraye nói với ban tiếng Somalia của VOA rằng giới hữu trách trước đó được tin là các phần tử chủ chiến dự tính triển khai ba chiếc xe gài bom chung quanh thành phố trong tuần này.
Ông cho biết hai nghi can đã bị các lực lượng chính phủ bắt giữ nhờ nhận tin báo trước của cư dân Mogadishu, nhưng họ không ngăn chặn được vụ tấn công hôm thứ Ba.
Bộ trưởng Thông tin nói ông bị thương nhẹ vì những mảnh vỡ của kính cửa sổ.
Chưa có ai lên tiếng nhận đã thực hiện vụ tấn công, nhưng mọi nghi ngờ đều tập trung vào Al-Shabab, nhóm chủ chiến đang tìm cách lật đổ chính phủ đương quyền để lập ra một nhà nước Hồi giáo hà khắc ở Somalia.
Nhóm chủ chiến này thường nhắm tấn công các khách sạn, nơi các giới chức chính phủ tạm trú hoặc hội họp. Một cuộc tấn công trước đây nhắm vào khách sạn SYL hồi tháng 2 đã giết chết ít nhất 9 người.
http://www.voatiengviet.com/a/danh-bom-xe-gan-dinh-tong-thong-somalia-20-nguoi-chet/3487160.html
Tổng thống Nga sắp thăm Nhật Bản
Ngày 30/8 Moscow và Tokyo xác nhận Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đi thăm Nhật Bản vào tháng 12 tới.Phát ngôn viên cao cấp của chính phủ Nhật Bản nói lịch trình của chuyến viếng thăm có thể được quyết định khi Thủ tướng Shinzo Abe gặp Tổng thống Putin vào cuối tuần này tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok.
Ông Yoshihide Suga, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản nói:
“Tôi tin điều quan trọng nhất trong ngoại giao là sự tin cậy lẫn nhau giữa hai nhà lãnh đạo. Về mặt này, tôi nghĩ Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin đã có điểm chung. Chúng tôi sẽ thương thuyết việc trả lại 4 hòn đảo theo hướng tiếp cận mới do ông Putin đề xuất trong cuộc gặp trước đây giữa hai nhà lãnh đạo.”
Ông Suga còn nói điều gọi là “lối tiếp cận mới” trong mối quan hệ Nhật-Nga sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế. Ông tránh trả lời một câu hỏi trực tiếp là liệu Nhật Bản có thể chấp nhận một thỏa hiệp theo đó 4 đảo không được trả lại cho Nhật Bản hay không. Ông trả lời rằng vấn đề về 4 đảo phải được “làm rõ.”
Mối quan hệ giữa Tokyo-Moscow đã gặp trở ngại vì cuộc tranh chấp về chủ quyền của các hòn đảo trong Thái Bình Dương, Nhật Bản gọi là Lãnh thổ Phía Bắc và Nga gọi là quần đảo Kurils ở miền Nam Nga. Những đảo này bị Nga chiếm đóng sau khi tuyên chiến với Nhật Bản vào ngày 8 tháng 8 năm 1945. Vụ tranh chấp này đã cản trở hai nước ký một hòa ước để chấm dứt Thế Chiến Thứ Hai.
Thêm vào đó việc Nga sát nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ Nga vào năm 2014 đã khiến Tokyo và các nước phương Tây trong đó có Hoa Kỳ, áp đặt những biện pháp chế tài đối với Moscow.
Thủ tướng Abe đã đến thăm Nga vài lần và cũng đã có dịp gặp Tổng thống Putin. Tuy nhiên kể từ năm 2005 đến nay,Tổng thống Nga chưa đến Nhật Bản lần nào.
http://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-nga-sap-tham-nhat-ban/3487096.html
Lãnh đạo chủ chốt IS bị giết ở Syria
Một trong những lãnh đạo nổi bật và hoạt động lâu đời nhất cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bị giết ở Syria, hãng truyền thông có liên quan đến IS nói.Hãng tin Amaq tường thuật Abu Muhammad al-Adnani đã chết ở thành phố Aleppo.
Nhà Trắng nói họ nhắm vào Adnani trong cuộc tấn công chính xác gần thị trấn al Bab và đến giờ vẫn đang đánh giá kết quả.
Adnani nổi tiếng với lời kêu gọi các cuộc tấn công đơn độc nhắm vào phương Tây.
Người này đã “tử vì đạo khi đang khảo sát hoạt động để đẩy lùi các chiến dịch của quân đội chống lại Aleppo”, Amaq nói.
Giao tranh leo thang trong thành phố vài tuần vừa qua, khi phiến quân phá vòng vây của phe chính phủ và các máy bay chiến đấu của Syria và Nga tiến hành không kích trong khu vực phiến quân chiếm đóng.
Trong một thông cáo, người phát ngôn Nhà Trắng Peter Cook mô tả Adnani là “kiến trúc sư trưởng của các hoạt động ở nước ngoài của Isil,” ông sử dụng một tên khác gọi tổ chức này.
Hắn đã “phối hợp với hoạt động của các chiến binh Isil, trực tiếp khuyến khích các cuộc tấn công đơn độc nhắm vào dân thường và các thành viên của quân đội, và tích cực tuyển mộ” thành viên mới, ông Cook nói.
Ông nói thêm: “Chúng tôi vẫn đang đánh giá kết quả cuộc không kích, nhưng việc loại bỏ al-Adnani khỏi cuộc chiến sẽ là cú đánh quan trọng vào tổ chức ISil.”
Phân tích của phóng viên an ninh BBC Frank Gardner
Với một tổ chức khủng bố bị cấm đã tiến hành tuyên truyền trong suốt thời gian dài từ trung tâm của nó đến chiến lược toàn cầu, cái chết của người phát ngôn chính thức của IS thực sự là một cú đánh quan trọng.
Trong hai năm vừa qua, Abu Muhammad al-Adnani đã đưa ra lời kêu gọi khắc nghiệt tấn công vào cư dân các quốc gia phương Tây và các nước khác, đáng chú ý là Pháp.
Lời kêu gọi của hắn đã gia tăng các cuộc tấn công vào kẻ thù của IS mùa hè này, dẫn đến hệ quả gây ra một trong những tháng Ramadan đẫm máu nhất gần đây.
Với tất cả các tổ chức khủng bố, người này sẽ nhanh chóng bị thay thế. Nhưng với IS, Adnani sở hữu khả năng diễn thuyết hiệu quả và kinh nghiệm chiến trường. Với những chiến binh theo IS, ông ta là một người nổi tiếng và được lắng nghe.
Cái chết của ông ta là một cú đánh xa hơn vào phong trào đang chịu nhiều áp lực của tất cả các bên.
‘Kiến trúc sư trưởng’
Adnani được cho là kiến trúc sư trưởng của các cuộc tấn công vào Châu Âu và nhiều nơi khác. Hãng tin Amaq không tường thuật ông ta bị thiệt mạng ra sao.
Tin Adnani chết sau khi tổ chức IS hứng chịu nhiều cuộc phản công cả ở Syria và Iraq.
Là một trong những người sáng lập tổ chức này , ông sinh ở Taha Sobhi Falaha ở thị trấn Banash miền bắc Syria vào năm 1977 và Hoa Kỳ đã trả 5 triệu đô la Mỹ để săn lùng ông.
Lần cuối cùng người này phát đi thông điệp qua radio là vào tháng 5, kêu gọi người Hồi giáo tiến hành tấn công ở phương Tây.
Các quan chức Hoa Kỳ nói đây là một trong những chiến binh nước ngoài đầu tiên chống lại sự hiện diện của lực lượng do Hoa Kỳ dẫn đầu trong cuộc xâm lăng Iraq năm 2003.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/08/160831_key_is_leader_killed_syria
Thủ tướng Pháp phát biểu gây tranh cãi
Thủ tướng Pháp Manuel Valls vừa gây khó chịu cho những chính trị gia đối lập và các nhà sử học với phát biểu về biểu tượng của nước Pháp, Marianne, liên quan đến tranh cãi về lệnh cấm “burkini”.“Ngực của cô ấy để trần vì cô ấy đem lại nguồn sống cho mọi người; cô ta không đeo mạng che mặt vì cô ấy có tự do,” Thủ tướng Pháp nói.Nhưng phe đối lập ngay lập tức dùng lời nói của Thủ tướng Pháp để làm nóng cuộc đua cho kỳ bầu cử Tổng thống vào năm sauMột nhà sử học nói việc Thủ tướng đề cập đến Marianne như một biểu tượng cho việc bênh vực quyền phụ nữ đã là một điều ‘ngớ ngẩn’.
Mathilde Larrere, một chuyên gia nghiên cứu về Cuộc cách mạng Pháp, nói Marianne là một biểu tượng và việc ngực cô ta để trần chỉ là “một qui tắc của nghệ thuật” và chẳng liên quan gì đến giới tính nữ.
Sự việc liên quan đến bộ quần áo bơi toàn thân, được gọi là ‘burkini’ làm lu mờ vụ tấn công khủng bố tại Nice vào hồi tháng Bảy trong chính trường Pháp. Trong lúc chiến dịch tranh cử Tổng thống vào năm sau chuẩn bị được khởi động, ứng cử viên đảng Cộng Hòa Nicolas Sarkozy kêu gọi ban hành lệnh cấm đối với bộ quần áo bơi này.
Vào tuần trước, ông Valls đã lên tiếng bênh vực thị trưởng các thị trấn ban hành lệnh cấm, dù tòa hành chính cao nhất của Pháp cho rằng lệnh cấm vi phạm những giá trị căn bản của tự do.
Và khi tham gia một buổi họp mặt của Đảng Xã hội, có sự tham dự của nhiều bộ trưởng, ông Valls nói người dân Pháp cần phải kêu gọi lòng yêu nước trước sự độc tài của Hồi giáo, vốn luôn xem thường vai trò của phụ nữ.
Nhưng khi ông đề cập đến biểu tượng Marianne, Bộ trưởng bộ Xã hội Marisol Touraine và Bộ trưởng bộ Giáo dục Najat Vallaud-Belkacem tỏ ra không đồng tình.
Chính trị gia đảng Xanh Cecile Duflot nói phát biểu của Thủ tướng là lố bịch vì trên đầu Marianne có đội mũ phrygian hình nón làm bằng vải mềm của những người nô lệ tự do ở Hy Lạp
Mathilde Larrere viết một chuỗi nhận định trên tài khoản Twitter để giải thích lý do tại sao Thủ tướng Pháp đã sai lầm khi dùng hình tượng Marianne để bảo vệ cho quan điểm của mình.
Theo bà, bức tranh của Eugene Delacroix mô tả Tự do chứ không nói về nền cộng hòa.
Phóng viên chính trị Sophie de Ravinel, của tờ Le Figaro nói nhận định của Thủ tướng Manuel Valls là khác thường và chỉ ra rằng tuy Marianne để ngực trần nhưng đầu của cô ta được phủ kín.
Theo năm tháng, rất nhiều gương mặt phụ nữ nổi tiếng của Pháp được dùng để làm biểu tượng Marianne, trong đó có Brigitte Bardot, Catherine Deneuve và Laetitia Casta.
Gần nhất, đã có nhiều tranh cãi xung quanh lời đồn thổi về việc chọn một nhà hoạt động cho phong trào để ngực trần người Ukraine làm gương mặt cho mẫu tem quốc gia của Pháp.
Inna Shevchenko là người sáng lập phong trào ủng hộ để ngực trần có tên Femen và được chấp thuận tị nạn tại Pháp vào năm 2013.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/08/160830_french_prime_minister_marianne
Mỹ hoan nghênh
Thổ Nhĩ Kỳ & lực lượng nổi dậy người Kurd ngưng bắn
Washington, DC. (Reuters) - Hoa Kỳ hoan nghênh tình trạng ngừng bắn tạm thời giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng nổi dậy người Kurd ở Syria, vì cả 2 đều là thành viên của liên minh chiến đấu chống ISIS.Tuy nhiên phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc cho biết Hoa Kỳ không rõ tình trạng ngừng bắn này sẽ kéo dài trong bao lâu. Cách đây gần một tuần, Hoa Kỳ được NATO báo động rằng đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập vào miền bắc Syria. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chiến dịch Euphrates Shield, không chỉ nhằm đẩy lùi ISIS mà còn ngăn chặn chiến binh người Kurd – được Hoa Kỳ hậu thuẫn – kiểm soát thêm phần lãnh thổ dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát ngôn viên Josh Earnest hoan nghênh và khuyến khích Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục có những hành động tương tự, nhằm ngăn chặn chiến tranh và giảm bớt sự mất mát về nhân sự. Ưu tiên hàng đầu của liên minh NATO là tiêu diệt ISIS. Điều quan trọng hiện nay là quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và chiến binh người Kurd phải tập trung chiến đấu chống ISIS. Theo một viên chức quân sự Thổ Nhĩ Kỳ, tình trạng ngừng bắn có thể kéo dài, nhưng bác bỏ chuyện 2 bên ký thỏa thuận.
Chỉ huy người Kurd ở Syria cũng khẳng định chỉ là tạm ngừng để tổ chức lại hàng ngũ, sau đó các chiến dịch sẽ nối lại trong thời gian sớm nhất. Theo Washington, nếu Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục tấn công người Kurd, cuộc chiến chống ISIS sẽ bị yếu đi. (Mai Đức)
http://www.sbtn.tv/vi/tin-hoa-ky/my-hoan-nghenh-tho-nhi-ky-luc-luong-noi-day-nguoi-kurd-ngung-ban.html
Syria : Vũ khí hóa học chia rẽ Hội Đồng Bảo An
Mai VânTại New York, Hội Đồng Bảo An đã mở phiên họp vào hôm qua, 30/08/2016 để xem xét báo cáo về việc các bên lâm chiến sử dụng ở Syria sử dụng vũ khí hóa học. Các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc khẳng định là quân đội của chính quyền Damas đã dùng chất chlore trong hai cuộc tấn công vào năm 2014 và 2015, trong lúc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech bị tố cáo sử dụng khí mù tạt vào năm 2015.
Đúng như chờ đợi, chế độ Damas cực lực bác bỏ những cáo buộc, còn Nga thì lên tiếng nghi ngờ về kết luận của các chuyên gia và cho rằng Hội Đồng Bảo An không thể sử dụng báo cáo này để trừng phạt Syria.
Thông tín viên RFI Grégoire Pourtier, tường thuật từ New York :
« Pháp và Anh đã nói đến « Tội ác chiến tranh », Hoa Kỳ thì cảnh báo là chế độ Syria « phải trả giá cho các cuộc tấn công đó ». Thế nhưng Nga, đồng minh của Bachar el-Assad, lại tỏ ý hoài nghi, cho là chưa thể chấp nhận kết luận của báo cáo.
Nga đã tán đồng việc mở điều tra cách đây một năm, nhưng đại sứ Nga lần này đánh giá là người ta đã tìm thấy « vũ khí của tội ác, nhưng trên đó không có dấu tích thủ phạm ». Đại diện Syria thì cho đấy là một hành vi thao túng với mục tiêu chính trị, thậm chí còn khẳng định là không hề có bằng chứng về việc sử dụng chất chlore trong hai cuộc tấn công mà chế độ Damas bị cáo buộc.
Bà Virginia Gamba, trưởng nhóm điều tra, cho biết là bà có đầy đủ thông tin để tố cáo trực thăng của chế độ Damas can dự vào hai cuộc tấn công hóa học, cũng như để xác nhận việc quân Daech sử dụng khí mù tạt.
Theo bà thì « Ủy ban chuyên gia Liên Hiệp Quốc đã biết rất rõ về việc vũ khí hóa học được sử dụng liên tục ở Syria. Và có cả việc đa dạng hóa loại vũ khí sử dụng và người thực hiện. Chúng ta không thể để vũ khí hóa học trở thành việc bình thường. Phải nhận diện những kẻ chịu trách nhiệm để họ phải trả giá và ngăn chận những hành động tương tự trong tương lai ».
Thế nhưng quốc tế có thể có hành động pháp lý, chính trị hay quân sự nào, khi mọi quyết định của Liên Hiệp Quốc đều sẽ vấp ngay phải quyền phủ quyết của Nga ? ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160831-vu-khi-hoa-hoc-o-syria-chia-re-hoi-dong-bao-an-lien-hiep-quoc
Hội đàm Obama-Erdogan: hồ sơ Kurdistan
Hôm qua, 29/08/2016, Nhà Trắng thông báo là nhân thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc, tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ gặp nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan.Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Syria, nhắm vào lực lượng Kurdistan, đồng minh của Hoa Kỳ, trong khi Washington cần Ankara trong cuộc chiến chống khủng bố và hai nước đều là thành viên NATO. Có thể nói ngoại giao Mỹ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourter gửi về bài tường trình :
« Vấn đề khó xử, tiến thoái lưỡng nan này, sẽ là tâm điểm cuộc trao đổi giữa tổng thống Mỹ Barack Obama và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, vào Chủ nhật, 04/09, bên lề thượng đỉnh G20, tại Trung Quốc.
Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nguyên thủ kể từ sau cuộc đảo chính hụt ngày 15/07 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thông điệp của tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ như sau : Hoa Kỳ cảm ơn Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng vai trò tích cực hơn trong việc tiêu diệt các chiến binh Hồi Giáo cực đoan, nhưng đề nghị không tấn công lực lượng Kurdistan, đồng minh của chúng tôi.
Hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng Kurdistan đừng đánh nhau nữa và tập trung nỗ lực tấn công tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Theo lãnh đạo bộ Quốc Phòng Mỹ, nếu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ở tại chỗ như hiện nay, tức là gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng du kích Kurdistan rút về phía đông sông Euphrate, như đã thỏa thuận với Hoa Kỳ, thì hai bên sẽ không giao chiến với nhau.
Một quan chức cao cấp Mỹ cho biết, dường như hiện nay, lực lượng Kurdistan đã rút về phía đông sông Euphrate. Mục đích của bộ Quốc Phòng Mỹ là cần có một sự điều phối và hợp tác tốt với tất cả các đối tác trên thực địa để có thể duy trì lâu dài các cuộc tấn công tiêu diệt tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160831-hoi-dam-obama-erdogan-ho-so-kurdistan
Brazil :
Trước Thượng viện, bà Dilma Rousseff vẫn khẳng định vô tội
Hôm qua, 29/08/2016, trong hơn 10 giờ, Thượng viện Brazil đã xem xét thủ tục phế truất tổng thống. Bà Dilma Rousseff vẫn khẳng định mình vô tội trước cáo buộc sửa đổi, che dấu các số liệu tài chính công để phục vụ mục đích tranh cử. Tuy nhiên, theo giới quan sát, lập luận của bà tổng thống bị tạm đình chỉ chức vụ khó có thể thuyết phục được các nghị sĩ và vào đêm nay, Thượng viện sẽ bỏ phiếu về việc phế truất bà Rousseff.Từ Brazilia, thông tín viên Achim Lippold gửi về bài tường trình diễn biến cuộc tranh luận hôm qua tại Thượng viện :
« Các nghị sĩ thuộc Đảng Lao Động đã vỗ tay hoan hô khi bà Dilma Rousseff tới Thượng viện, với vẻ mặt tươi cười. Khoảng hai chục cộng sự thân cận đi cùng với bà, trong đó có cựu tổng thống Lula Da Silva. Ông ngồi trên khán đài theo dõi cuộc điều trần của bà Dilma Rousseff, người được ông đỡ đầu. Bà nói : Tôi tới Thượng viện và nhìn thẳng vào các vị để nói rằng tôi không hề phạm tội gì cả. Tôi không phạm tội danh mà các vị cáo buộc tôi một cách bất công và độc đoán.
Vẫn theo hướng bào chữa từ trước tới nay, bà Rousseff lại một lần nữa tố cáo đây là một ý đồ đảo chính. Tuy nhiên, lập luận này không gây được ấn tượng đối với các nghị sĩ muốn phế truất bà.
Thượng nghị sĩ Ana Amelia đáp trả : Chúng tôi có mặt tại đây hôm nay để xem xét các việc xẩy ra khi bà làm tổng thống, đó là gian lận thuế và ký kết các đạo luật mà không có sự cho phép của nghị viện. Hai hành vi này đã được thực hiện nhằm mục đích thắng cử trong năm 2014.
Sau hơn 10 giờ phát biểu và thẩm vấn, tất cả các nghị sĩ đều cho rằng họ đã trải qua một thời điểm lịch sử. Liệu bà Dilma Rousseff có cứu vãn được nhiệm kỳ tổng thống của bà hay không ? Theo giới quan sát, chẳng có gì là chắc chắn cả, các thượng nghị sĩ dường như sẽ bỏ phiếu phế truất bà. Cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào đêm nay, rạng sáng ngày mai ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160831-brazil-truoc-thuong-vien-ba-dilma-rousseff-van-khang-dinh-vo-toi
0 nhận xét