The Sympathizer : Kẻ phẫn nộ với lịch sử (II)
Nhà thơ Trịnh Y Thư : The Sympathizer của Nguyễn Thanh Việt là cuốn tiểu thuyết được viết với ngòi bút nghệ thuật hiếm có. Với tác phẩm này, tác giả đã "giải thiêng" các lý tưởng cao cả về một cuộc chiến chống Mỹ cứu nước. Nhưng " sự thật lịch sử có lẽ không giản đơn, không trắng đen rành rọt như tác giả vẽ ra trong cuốn tiểu thuyết dày gần 400 trang" này.
Trong tạp chí tuần trước, giới thiệu về cuốn tiểu thuyết The Sympathizer của Nguyễn Thanh Việt, vừa được trao tặng giải Pulitzer văn học 2016 vào tháng 4 vừa qua, RFI Việt ngữ đã mời nhà Thơ Trịnh Y Thư hiện đang sống tại Hoa Kỳ, giới thiệu qua về tác giả người Mỹ gốc Việt đầu tiên đoạt giải Pulitzer.
Vị khách mời của chúng ta đã giới thiệu qua về nội dung của một cuốn tiểu thuyết đa chiều, mà ở đó nhân vật chính là « hắn » : Một đứa con hoang, lớn lên trong sự tủi nhục và mặc cảm. Nhờ thông minh hơn người hắn được ăn học đến nơi đến chốn, sang Mỹ du học.
Về nước hắn làm việc cho cả hai phe lâm chiến : báo cáo những bí mật quân sự của miền Nam cho phe Cộng sản miền Bắc. Hai người bạn nối khố của hắn là Man và Bon, một người căm thù Cộng sản đến tột cùng và một đi theo Cách Mạng.
Lòng phẫn nộ và căm thù
Hôm nay chúng tôi hân hạnh được gặp lại nhà thơ Trịnh Y Thư và xin được cùng ông tiếp tục câu chuyện về nhân vật « hắn » trong The Sympathizer của Nguyễn Thanh Việt.
RFI : Thưa ông lần trước chúng ta đã nói đến một bộ ba Hắn-Man và Bon, ba thằng bạn xem nhau như ruột thịt nhưng rồi thời cuộc đẩy họ về những phương trời khác nhau, dù thế, định mệnh vẫn đan kết họ lại với nhau. Đằng sau những nhân vật của Nguyễn Thanh Việt trong The Sympathizer, còn có những ẩn dụ. Thông điệp chính tác giả muốn chuyển tải đến người đọc là gì ?
Trịnh Y Thư : Xây dựng các nhân vật như thế, chúng ta nhìn thấy ngay dụng ý của tác giả : Lịch sử và định mệnh khốc liệt đã đẩy anh em vào chỗ chém giết nhau. Và nguyên cho thảm kịch ấy bắt nguồn từ sự việc một quốc gia bị hiếp dâm.
Một linh mục Pháp hiếp mẹ hắn, sinh ra hắn. Tôi đồ đây là một ám dụ : Ông cha chính là nước Pháp và bà mẹ là nước Việt Nam khốn khổ. Ông cha nhân danh sứ mệnh cao cả đi rao giảng ánh sáng Thiên Chúa nhưng thực ra chỉ rắp tâm hiếp dâm một phụ nữ. Cũng như nước Pháp nhân đanh “sứ mệnh đi khai hóa các dân tộc kém văn minh” để biện minh cho hành động xâm lăng chiếm nước, như lời ông thủ tướng Pháp Jules Ferry hùng hồn tuyên bố lúc đó. Hắn thương mẹ nhưng căm thù cha và chỉ mong cha mình chết ! Đạo lý đi chỗ khác chơi. Ở đây chỉ có lòng phẫn nộ và căm thù.
Hắn theo cách mạng một phần vì hắn nhìn thấy bộ mặt thối nát của đám lãnh đạo miền Nam lúc đó mà đại diện chính là ông tướng, sếp của hắn. Ông tướng thuở trước đi lính cho Pháp, kẻ thù của dân tộc, bây giờ lại tiếp tục nghe lệnh Mỹ quay súng giết hại dân mình.
Đại diện cho quyền lực tối cao của nước Mỹ là Claude, một anh CIA và hành tung của anh ta thì bí mật khôn lường.Trong mắt hắn thì cả Pháp lẫn Mỹ đều là đế quốc. Đế quốc đi chiếm nước, chiếm bằng vũ khí bạo lực hay bằng những thủ đoạn gian manh nhưng cực kì tinh vi đều đáng ghét và đáng bị đánh đuổi như nhau.
Sau khi Sài Gòn thất thủ, quốc gia thống nhất, mặc dù muốn ở lại xây dựng đất nước thời hậu chiến, nhưng theo lệnh của Man, hắn theo gia đình ông tướng chạy sang Mỹ để tiếp tục nằm vùng ở hải ngoại. Từ đây, câu chuyện trở nên bi hài.
Hắn đều đặn gửi thông tin những hoạt động của ông tướng về cho Man, nhưng đồng thời hắn cũng lao đầu vào những cuộc phiêu lưu mới trên nước Mỹ. Hắn dính líu vào chuyện tình với cô thư kí người Mỹ gốc Nhật làm việc chung. Thậm chí hắn còn tán tỉnh cả cô con gái cưng của ông tướng.
Có dạo hắn sang Philipinnes phụ trách phần vụ hướng dẫn các diễn viên phụ người Việt tuyển từ trại tị nạn trong một cuốn phim về chiến tranh Việt Nam. Nhưng quan trọng nhất hắn vẫn theo dõi hoạt động kháng chiến phục quốc do ông tướng và thủ hạ của ông âm thầm bàn tính kế hoạch.
Ông tướng nghi có nội gián, hắn bảo ông kẻ ấy chính là gã thiếu tá say và để lấy lòng tin của ông, hắn đồng lõa với Bon đi ám sát gã thiếu tá say. Bon bắn gã thiếu tá say chết tươi ngay trước cửa căn hộ của gã. Chưa hết, sau đó hắn tự tay giết luôn một anh nhà báo tên Sonny, bạn học cũ của hắn, vì anh này viết những bài báo bất lợi cho công cuộc kháng chiến của ông tướng. Hắn giết hai mạng người vô tội và cái giá quá đắt phải trả là lương tâm hắn không ngừng cắn rứt.
Ở phần này cuốn sách được viết như một cuốn tiểu thuyết trinh thám với những tình tiết hồi hộp và lôi cuốn. Tâm lý đầy phức tạp của nhân vật, sự xâu xé trong tâm tư kẻ sát nhân, cũng được tác giả mổ xẻ với ngòi bút sắc sảo.
Cuối cùng với sự yểm trợ tài chính của Claude CIA và một chính trị gia hữu khuynh người Mỹ, ông tướng gửi người về biên giới Thái Lan để mưu đồ việc kháng chiến. Dĩ nhiên Bon là người đầu tiên xung phong. Cả vợ lẫn đứa con trai duy nhất của Bon bị đạn lạc chết tại phi trường Tân Sơn Nhất trong lúc chạy lên phi cơ di tản. Bon từ đó sống như cái máy, không thiết tha với cuộc sống nữa mà chỉ chờ đợi cơ hội phục thù, dù biết trở về là đi vào cõi chết.
Hắn gửi báo cáo về cho Man và Man ra lệnh cho hắn không được về. Nhưng hắn cãi lệnh vì cảm thấy hắn phải đi theo để bảo vệ tính mạng cho Bon. Hắn biết đây là một cuộc mạo hiểm tự sát. “Làm sao tôi có thể cùng lúc vừa phản bội vừa cứu mạng Bon đây?” Lòng hắn rên rỉ lời than thở như thế.
Bị giằng xé khủng khiếp nhưng cuối cùng hắn chọn con đường ra đi. Kết quả không tránh khỏi là cả bọn bị phục kích chết hết, ngoại trừ hắn và Bon bị bắt về giam tại trại cải tạo. Tại đây suốt một năm trời hắn phải viết lời khai thú tội và lời khai báo ấy chính là cuốn tiểu thuyết The Sympathizer. Cuốn sách được viết dưới dạng lời khai báo của một tù nhân với người chỉ huy trưởng trại tù.
Điều bất ngờ nhất cho hắn là viên Chính ủy của trại tù, người nắm toàn quyền sinh sát trong tay, lại chính là Man! Man sau khi nghe tin hắn cãi lệnh nhất định theo toán lính kháng chiến về biên giới đã tìm mọi cách xin về làm Chính ủy trại tù mà Man biết chắc hắn sẽ bị đưa về giam giữ.
Đây là phần ba của cuốn tiểu thuyết, được viết như kịch bản một cuốn phim kinh dị, đôi chỗ khiến người đọc liên tưởng đến đoạn cuối cuốn 1984 của nhà văn George Orwell, lúc nhân vật Winston bị đưa vào phòng 101 để tẩy não. Hắn bị tra tấn tàn bạo và có lúc thần trí như điên dại. Cuối cùng hắn đối mặt Man. Vào những ngày cuối của cuộc chiến, Man bị bom napalm đốt cháy khuôn mặt, mặt mũi biến dạng như quỷ sống.
Giải thưởng Pulitzer.AFP
Đáng thương vì bị phản bội
RFI : Vậy phải chăng, The Sympathizer là tiểu thuyết nói về sự phản bội ?
Trịnh Y Thư : Vâng đúng như vậy. Chính vào lúc thần trí như rơi vào cõi sa mù ấy, hắn bỗng nhận thức ra một điều là hắn và những người như hắn, những kẻ hy sinh quá nhiều cho một lý tưởng cao cả, tất cả đều bị phản bội! Chính Man cũng phải thú nhận như thế sau khi tranh luận với hắn.
Có lúc Man lạnh lùng bảo hắn : “Giờ đây chúng ta có quyền lực trong tay, chúng ta chẳng cần bọn Pháp bọn Mỹ đào mả nhà chúng ta. Chúng ta tự đào mả nhà mình cũng ra trò không kém.” Câu nói của Man có lẽ là lời thú tội đau xót nhất cho những kẻ hi sinh cả đời người cho lý tưởng cách mạng để cuối cùng nhìn ra sự thật là sự hy sinh đó của mình bị người ta ném đi như ném một món đố phế thải. Thật là trò hề, “một cuộc cách mạng đấu tranh cho độc lập và tự do lại có thể biến những thứ ấy thành cái gì vô giá trị hơn cả một con số zero.”
Cuối cùng Man sắp xếp đưa hắn và Bon về Sài Gòn và còn lo cho hai người tìm đường vượt biên. Nhưng sau những trải nghiệm bầm giập, cay đắng ê chề như thế, lý tưởng của hắn, cái lý tưởng đặt không đúng chỗ và không đúng thời, có bị sứt mẻ hay thui chột đi không ? Hoàn toàn không !
Hắn vẫn tự xem mình là người chiến sĩ cách mạng, đang đi tìm một cuộc cách mạng khác, vẫn hy vọng dù đôi lúc tự nhận là kẻ mơ mộng hão huyền, vẫn chờ đợi một cơ hội đúng lúc và một chính nghĩa sáng ngời. Hắn là kẻ không bao giờ bỏ cuộc ! Cuốn sách chấm dứt bằng câu: “Chúng tôi sẽ sống !” như một lời hứa hẹn tương lai.
Chúng tôi sẽ sống cho dù bị phản bội. The Sympathizer là cuốn tiểu thuyết nói về sự phản bội.
Nhưng phải chăng cuộc cách mạng nào cũng đưa đến chỗ phản bội. Phản bội lại chính những lý tưởng cách mạng cao cả tưởng chừng không bao giờ có thể lay chuyển. Lịch sử nhân loại chứng minh điều đó. Phản bội nối tiếp phản bội dẫn đến tình trạng con người ngày nay sống trong khoảng chân không lý tưởng.
Lý tưởng cạn kiệt trong một môi trường sống tù túng, ngột ngạt. Không có lý tưởng người ta sống như những thây ma biết đi, những zombie trong loạt phim kinh dị Walking Dead. Ngày nay chúng ta đừng nên trách các thanh thiếu niên chỉ biết suốt ngày ngồi lê la ngoài hàng quán hay chúi đầu vào những trò chơi video vô nghĩa và vô bổ.
Chúng ta cũng đừng ngạc nhiên khi thấy hàng triệu thanh thiếu niên nước Mỹ đổ xô đi ủng hộ ông Bernie Sanders trong kỳ tranh cử Tổng thống năm 2016. Họ đều là những người thiếu lý tưởng và khao khát lý tưởng. Họ là những người đáng thương, đáng thương vì bị phản bội.
Lý tưởng cao cả "chống Mỹ cứu nước đã bị giải thiêng"
RFI : The Sympathizer là một cuốn tiểu thuyết mang nặng màu sắc chính trị, vậy ẩn ý chính trị trong tác phẩm văn học này theo ông là gì ?
Trịnh Y Thư : The Sympathizer là cuốn tiểu thuyết chứa đựng nhiều chủ đề phức tạp, đa chiều kích, có tham vọng giải tỏa một số những ngột ngạt ấm ức bấy lâu trong lòng những người thuộc thế hệ hậu chiến. Họ không trực tiếp tham gia cuộc chiến, không bị những đau thương và thù hận chi phối nhận thức nên cái nhìn của họ là tương đối khách quan.
Do sự phi lý của cuộc chiến ấy, họ có cái nhìn gay gắt, có lẽ không đồng quan điểm với đa số những thành phần thủ cựu thuộc cả hai bên thắng và thua cuộc. Quan trọng hơn cả, cái nhìn của họ sẽ góp phần vào việc thẩm định đúng đắn của lịch sử sau này.
Công bằng mà nói thì không nên nhìn một tác phẩm tiểu thuyết từ góc độ chính trị, nhưng The Sympathizer là một cuốn tiểu thuyết chính trị từ đầu đến cuối, chính trị xã hội và chính trị lịch sử đan xen nhau. Khó tìm được một chương nào của cuốn sách không liên quan đến các vấn đề chính trị. Từ lịch sử chính trị của cuộc chiến Việt Nam ba mươi năm cho đến chính trị nước Mỹ. Và đấy là một quan điểm chính trị nặng phần tả khuynh. Tác giả phê phán gay gắt việc lâm chiến của nước Mỹ vào Việt Nam đã đành, mà còn tỏ ra không chút cảm tình với văn hóa và đời sống nước Mỹ.
Biểu tượng của nước Mỹ là anh Claude CIA, cực kỳ thông minh, tài năng xuất chúng nhưng cũng cực kỳ lưu manh và xảo quyệt. Còn phía miền Nam thì sao ? Đại biểu cho phe lãnh đạo miền Nam trong thời chiến là ông tướng, kẻ liếm gót thực dân và đế quốc. Tiêu biểu cho phe chống Cộng là Bon, một kẻ giết Việt Cộng vì căm thù cá nhân chứ chẳng có lý tưởng gì.
Vì là tiểu thuyết nên tác giả sử dụng các biểu tượng và ẩn dụ cho quan điểm lịch sử của mình. Trong mắt tác giả đấy là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, anh em mỗi người một chiến tuyến.
Mặc dù người Mỹ là thủ phạm chính nhưng người Việt đã chẳng những không thương xót nhau mà còn quay ra thẳng tay giết hại lẫn nhau. Quan điểm này đúng hay sai có lẽ sẽ còn được tranh nghị dài lâu và tùy vị trí cá nhân, không một quan điểm nào là chân lý.
Điểm đáng nói là cái lý tưởng cao cả cho cuộc chiến tranh ấy, cái lý tưởng chống Mỹ cứu nước, ở đây đã bị giải thiêng. Sự thật lịch sử có lẽ không giản đơn, không trắng đen rành rọt như tác giả vẽ ra trong cuốn tiểu thuyết dày gần 400 trang được viết với ngòi bút nghệ thuật hiếm có.
Lịch sử là một con voi và tất cả chúng ta đều là những thầy mù xem voi. Hơn nữa, “Tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu hạ sử gia.” Nhà văn Milan Kundera có lần nói như thế. Rất tiếc ở đây tiểu thuyết gia Nguyễn Thanh Việt đã theo hầu sử gia một cách khá tận tình. Theo tôi, đấy là nhược điểm duy nhất của cuốn sách.
0 nhận xét