The Sympathizer : Kẻ phẫn nộ với lịch sử (I)
Với tác phẩm đầu tay The Sympathizer, nhà văn Nguyễn Thanh Việt đã đạt được một thành tựu to lớn của một tác giả di dân da màu : đi thẳng vào “dòng chính” của văn học nghệ thuật Bắc Mỹ. Đã có nhiều sách vở viết về chiến tranh Việt Nam, nhưng “từ lâu có sự khô hạn trầm trọng những tác phẩm (...) mà tiếng nói chính là người Việt”. Nguyễn Thanh Việt khắc phục được thiếu sót đó. Trên đây là nhận định của nhà thơ Trịnh Y Thư về cuốn Cảm Tình Viên - The Sympathizer, giải Pulitzer 2016.
Tháng 04/2016, giải Pulitzer, một trong những phần thưởng cao quý nhất của văn học Hoa Kỳ, đã được trao tặng cho một cây bút Mỹ gốc Việt : Nguyễn Thanh Việt với cuốn tiểu thuyết đầu tay The Sympathizer (Cảm tình Viên), Nhà xuất bản Grove Press, 2015. Trước đó, The Sympathizer được báo New York Times bình chọn là một trong số 100 cuốn sách độc đáo của năm 2015.
Trong khuôn khổ chương trình hôm nay, nhà thơ Trịnh Y Thư từ Hoa Kỳ phân tích về tác phẩm được ca ngợi như “là một cuốn tiểu thuyết sâu sắc, có chiều kích lịch sử và chính trị cao rộng”, và ông giới thiệu qua về tác giả Nguyễn Thanh Việt, người đã chen chân vào câu lạc bộ khép kín của những văn sĩ bậc thầy trong dòng văn học phương Tây.
"Tiểu thuyết bắt người ta phải đánh giá lại chiến tranh Việt Nam"
RFI : Xin kính chào nhà thơ Trịnh Y Thư. Nhà văn Mỹ gốc Việt, Nguyễn Thanh Việt, trước khi nhận được giải thưởng Pulitzer ngày 18/04/2016, đã được giới phê bình xem là hiện tượng mới trong làng văn học Hoa Kỳ. Thưa ông đánh giá thế nào về những lời khen tặng đó và vì sao công luận lại chú ý nhiều như vậy đến tác phẩm đầu tay của một nhà văn Mỹ gốc Việt ?
Trịnh Y Thư : “Con người mắc kẹt trong lịch sử và lịch sử mắc kẹt trong con người”. Nhà văn Mỹ James Balwin nói vậy trong tập tiểu luận Những ghi chú của đứa con bản xứ (Notes of a Native Son) xuất bản năm 1955. Lịch sử không mắc kẹt trong Nguyễn Thanh Việt, tác giả cuốn tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên), Kẻ hai mặt, Kẻ nằm vùng, xuất bản năm 2015, nó bùng nổ dữ dội với nỗi phẫn nộ rát bỏng hiếm thấy trên một trang viết văn học nào.
Năm 2016, cuốn The Sympathizer đi vào lịch sử với giải thưởng Pulitzer bộ môn văn học, giải thưởng cao quý nhất của quốc gia Mỹ, trao tặng hằng năm cho những tác giả xuất sắc thuộc các ngành văn chương, báo chí.
Trước đó, cuốn sách đã được văn giới Bắc Mỹ không tiếc lời ca ngợi như một tác phẩm tiểu thuyết sâu sắc, có chiều kích lịch sử và chính trị cao rộng ; là tiếng nói mới đầy khích động trong văn học Mỹ ; là cuốn tiểu thuyết bắt người ta phải đánh giá lại chẳng những chiến tranh Việt Nam mà cả cặp phạm trù chính trị - văn hóa Mỹ ; là một tác phẩm văn học đúng nghĩa nhất bởi nó “mở rộng ý thức con người ra khỏi giới hạn của thân xác và những cảnh huống cá nhân”.
Đâu đó người ta còn so sánh Nguyễn Thanh Việt với Joseph Conrad, Graham Greene, Denis Johnson và George Orwell, những tác giả thuộc loại kinh điển của văn học phương Tây.
Tôi xin mượn câu nói của nhà văn Robert Olen Butler tuyên bố về tác phẩm này như sau : “Nguyễn Thanh Việt chẳng những đã đem lại tiếng nói hiếm hoi và trung thực cho khối tác phẩm văn học Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam, với cuốn sách, anh còn vượt qua những đường biên lịch sử, chính trị, quốc gia và nói lên được chủ đề muôn thuở trong văn học : cuộc kiếm tìm bản ngã và bản nguyên ở tầm mức phổ quát. The Sympathizer là một tác phẩm đầu tay sáng chói của một nhà văn có chiều sâu và tài năng”.
Giải thưởng Pulitzer.AFP
Nguyễn Thanh Việt "viết về chiến tranh Việt Nam mà tiếng nói chính là người Việt"
RFI : Nhưng không dễ để gây tiếng vang lớn trong giới phê bình, chinh phục được cả văn đàn Mỹ cũng lẫn độc giả một tác giả, ngay tác phẩm đầu tay. Đặc biệt hơn nữa là Nguyễn Thanh Việt đã viết về chiến tranh Việt Nam, một đề tài còn nhạy cảm đối với một phần công luận ?
Trịnh Y Thư : Vâng, đúng vậy. Đây quả là một thành tựu to tát của một tác giả di dân da màu, với tác phẩm đầu tay, đã có khả năng và tài năng đi thẳng vào “dòng chính” của văn học nghệ thuật Bắc Mỹ, vốn là một môi trường đa dạng và cực kỳ khó chen chân vào. Nếu không có thực tâm và thực tài, cộng thêm chút may mắn, chuyện đó chẳng bao giờ có thể xảy ra.
Mỹ là quốc gia yêu chuộng sách vở và quan tâm nhiều đến lịch sử. Có một số lượng khổng lồ sách vở viết về chiến tranh Việt Nam, cả hư cấu lẫn phi hư cấu, nhưng từ lâu có sự khô hạn trầm trọng những tác phẩm tiểu thuyết viết về chiến tranh Việt Nam mà tiếng nói chính là người Việt.
Những tiểu thuyết gia lừng lẫy có chỗ đứng vững vàng trên văn đàn hiện nay như Tim O’Brien, Philip Caputo, Larry Heinemann viết nhiều về chiến tranh Việt Nam, nhưng họ viết dưới con mắt một chiến binh Mỹ. Đọc tác phẩm của họ, chúng ta thấy hình ảnh người Việt chỉ là những bóng mờ, những bóng ma chập chờn ẩn hiện thì đúng hơn. Họ không có tiếng nói nào trong đó, hoặc nếu có thì cũng chẳng ai thèm nghe họ nói gì.
Cuốn Bửu Sơn Kì Hương (A Good Scent from a Strange Mountain) của Robert Olen Butler có lẽ là trường hợp ngoại lệ hiếm hoi.
Bản dịch cuốn Nỗi buồn chiến tranh (The Sorrow of War) của Bảo Ninh và nhiều tác phẩm khác của các tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Việt, tuy có gây một vài tiếng vang, nhưng phần lớn chỉ được nhắc đến trong phạm vi đại học và các buổi hội thảo chuyên ngành. Bởi thế sự ra đời của một tác phẩm như cuốn The Sympathizer là cần thiết và quan hệ, nó lấp được lỗ hổng to tướng này trong văn học Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam.
"Sự phẫn nộ tràn ứ trên mỗi trang viết"
RFI : Nội dung và cảm nghĩ của ông sau khi đọc xong The Sympathizer ?
Trịnh Y Thư : Đọc The Sympathizer tôi có cảm giác sự phẫn nộ của nhân vật chủ thể ngôi thứ nhất, và ở chừng mực nào đó là của chính tác giả, tràn ứ trên mỗi trang viết. Với nhiều dụng ý có tính ám dụ, Nguyễn Thanh Việt đã xây dựng một nhân vật hư cấu không điển hình - nếu không muốn nói là phản anh hùng sử thi - một nhân vật vừa chính diện vừa phản diện, đen trắng không rạch ròi, phân minh, một kẻ hai mặt, hai mang, chính tà lẫn lộn.
Hắn (nếu tôi có thể gọi nhân vật không tên tuổi ấy như thế) là một đứa con đẻ hoang. Mẹ hắn là người giúp việc cho một linh mục người Pháp và có lẽ trong một cảnh huống nào đó bà bị ông cha hiếp dâm, đẻ ra hắn. Hắn thương mẹ nhưng thù ghét cha mình khôn tả và chỉ mong cha mình chết. Tuổi thơ hắn sống trong tủi nhục và mặc cảm, mặc cảm của đứa con vô thừa nhận.
Nhưng lớn lên nhờ thông minh hắn được ăn học đàng hoàng, thậm chí còn sang Mỹ du học, và khi về nước hắn trở thành người làm việc cho cả hai phe lâm chiến. Hắn đeo lon đại úy, làm sĩ quan tùy viên cho một ông tướng, Tổng giám đốc Cảnh Sát Quốc gia, nhưng đồng thời là một gián điệp được cục R cài vào. Hắn đều đặn báo cáo mọi bí mật quân sự của phe miền Nam cho tổ trưởng Man (Mân hay Mẫn?) trong tổ gián điệp phe Cộng sản.
Thực ra, hắn, Man và Bon (Bôn hay Bốn?) là ba người bạn chí thiết từ thuở nhỏ. Ba cậu bé “cắt máu ăn thề” xem nhau như ruột thịt và quyết chí bảo vệ lẫn nhau trong mọi trường hợp. Câu chuyện “Tam Quốc Chí thời đại” này lại chính là xung lực đối nghịch giữa các nhân vật trong cuốn sách. Man theo cách mạng, hành tung bí mật và tuyệt đối trung thành với cách mạng. Bon, ngược lại, đi lính quốc gia thứ dữ, từng là sát thủ trong chiến dịch Phượng Hoàng chuyên ám sát Việt Cộng. Cha của Bon bị Cộng sản giết hại nên hắn đi lính để giết Việt Cộng trả thù cho cha chứ chẳng có lí tưởng gì.
Trong bộ ba, Bon là người mờ nhạt nhất.
RFI : Do chương trình có hạn, xin phép được tạm dừng buổi nói chuyện với nhà thơ Trịnh Y Thư tại đây. Xin hẹn lại ông và quý vị vào tuần tới. Trong phần hai giới thiệu về cuốn tiểu thuyết The Sympathizer chúng ta cũng sẽ cùng đề cập đến cách Nguyễn Thanh Việt đã xây dựng các nhân vật trong truyện, những ẩn dụ trong tác phẩm văn học có "chiều kích lịch sử và chính trị này", đến cay đắng ê chề của những kẻ đã hy sinh cả cuộc đời cho một lý tưởng để rồi nhận ra rằng họ đã bị phản bội.
Mời quý thính giả nhớ đón nghe phần hai cuộc phỏng vấn nhà thờ Trịnh Y Thư và những chia sẻ của ông về một cuốn tiểu thuyết gần 400 trang, được viết như một cuốn truyện trinh thám mà Nguyễn Thanh Việt đã "viết với ngòi bút nghệ thuật hiếm có".
0 nhận xét