NQD: Đi hay ở: Bi kịch của một quốc gia
Thứ Hai, ngày 29 tháng 8 năm 2016
Đi hay ở là một câu hỏi đã ám ảnh nhiều người Việt, ít nhất hai thế hệ, như một bi kịch của quốc gia, với nhiều hệ quả khôn lường. Phải rời bỏ quê hương đất nước “di cư” tới một xứ sở khác là điều bất đắc dĩ. Các cuộc di cư lớn thường do chiến tranh hay thay đổi chế độ chính trị. Nhưng câu chuyện đáng nói ở đây không phải là về chuyện di cư thông thường đã từng xảy ra trong lịch sử (như sau năm 1975), mà về hiện tượng ra đi bất thường đang diễn ra hiện nay tại một số nước chuyên quyền (như Trung Quốc và Việt Nam).
Có một cuốn sách nhỏ mà mỗi khi đọc lại người ta không khỏi liên tưởng đến thực trạng đang diễn ra tại quốc gia, công ty, hay cơ quan của mình. Đó là cuốn “Ra đi, Lên tiếng, và Trung thành” (Exit, Voice, and Loyalty, Albert Hirschman, Harvard University Press, 1970). Một cuốn sách hay nhưng dường như ít người đọc.
Trong bài này, chúng ta thử nhìn lại làn sóng di cư diễn ra tại Trung Quốc và Việt Nam, như một hệ quả tất yếu của những bất ổn trong nước (như phần nổi của tảng băng chìm). Dòng người và dòng tiền ra đi không chỉ là bi kịch mà còn là thảm họa.
Bi kịch của Việt Nam
Thay đổi là bản chất của tạo hóa và xã hội. Không ai thoát được quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”. Nếu không thay đổi thì không thể phát triển, dẫn đến diệt vong. Nhưng thay đổi cũng làm người ta lo sợ, nhất là khi đụng chạm đến lợi ích và thói quen. Thái độ ứng xử của nhiều người trước biến đổi của thời cuộc cũng khác nhau. Thường có 3 sự lựa chọn. Một là ra đi (exit); Hai là lên tiếng (voice); và ba là trung thành (loyalty).
Trong ba sự lựa chọn đó, có lẽ trung thành để giữ nguyên trạng là dễ nhất (vì an toàn hơn cả); Lên tiếng để thay đổi là khó nhất (vì phải chấp nhận rủi ro); Ra đi tuy không khó bằng lên tiếng nhưng cũng phải trả giá. Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ là chuyện ra đi, mà là ra đi như thế nào, và ra đi vì lý do gì (chính đáng hay bất minh).
Hầu hết người Việt Nam ra đi lặng lẽ như một làn sóng ngầm (còn gọi là “bỏ phiếu bằng chân”). Họ gồm ba nhóm đối tượng chính: Một là giới trí thức (và sinh viên), hai là các doanh nhân (giàu có), ba là gia đình các quan chức (thường là tham nhũng). Họ ra đi do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính thường do cảm giác bất an.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa bức xúc, “Tại sao trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân giỏi muốn bỏ nước ra đi? Tại sao cán bộ về hưu hay đương chức tìm cách cho con cháu mình ra định cư ở nước ngoài?” Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bình luận, “Ai cũng định cư ở nước ngoài cả thì đất nước này lấy ai xây dựng đây? Tôi cho rằng nhân tố cảm thấy kém an toàn là nhân tố chính khiến người Việt rời khỏi Việt Nam”. Bà Lan lý giải, “Khi họ có khoản thu nhập không đàng hoàng thì họ có tâm lý nơm nớp sợ bị lộ nên phải tranh thủ khi còn cơ hội, còn quyền lực thì cho con ra nước ngoài…”
Ví dụ, Nguyễn Thị Nguyệt Hường là một đại gia có tham vọng chính trị. Vấn đề không phải vì bà Hường có tài sản và quốc tịch Malta (tương tự như Panama hay Virgin Islands) vi phạm quy định của Quốc Hội nên bị bãi miễn ĐBQH, mà còn vì mâu thuẫn lợi ích nhóm nên bị thanh trừng. Trường hợp của chị Hường cũng giống trường hợp của doanh nhân Đặng Hoàng Yến và Đặng Thành Tâm (Tập đoàn Tân Tạo). Đó là những đại gia gắn với nhóm lợi ích, nên khi thất thế dễ bị thanh trừng, phải ra đi (như bên Trung Quốc).
Trương Đình Anh (đã từng là CEO của FPT) là một doanh nhân thành đạt, có tài và có tiền, có thể đóng góp nhiều cho đất nước. Anh không bất đồng chính kiến hay khó khăn gì về kinh tế. Những người như Anh ra đi là tổn thất cho đất nước, như một chỉ dấu (indicator) về tình trạng “chảy máu chất xám” (brain drain) và “thất thoát tài sản” “wealth drain”. Nhiều người lo ngại sau Trương Đình Anh sẽ có nhiều người khác tương tự ra đi.
Theo số liệu của UN DESA, từ 1990 đến 2015 có 2.558.678 người Việt di cư ra nước ngoài. Trung bình mỗi năm có 100 nghìn người di cư. Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia di cư nhiều nhất khu vực Đông Á – Thái Bình Dương (tính đến 2013). Hầu hết người Việt di cư đến các nước phát triển, trong đó đông nhất là Mỹ (1,3 triệu), Úc (227,3 nghìn), Canada (182,8 nghìn), Pháp (125,7 nghìn), Hàn Quốc (114 nghìn), Đức (113 nghìn). Tại Đông Âu và một số nước châu Á (như Lào, Campuchia, Malaysia) mỗi nước có khoảng 10.000 người. Trong năm 2015, có 2,67% công dân Viêt Nam sinh sống tại nước ngoài.
Theo Kim Hạnh (cựu Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ và Sài Gòn Tiếp thị), người Việt đang ra đi ngày càng nhiều (cùng với dòng vốn), trong đó có nguồn nhân lực di cư theo loại visa EB-3 (có bằng cử nhân trở lên) và loại visa EB-5 (doanh nhân có vốn đầu tư đáng kể). Mỗi năm chính phủ Mỹ cấp hơn một trăm nghìn visa nhập cư, trong đó có khoảng 40 nghìn visa thuộc loại EB-3. Đối với loại visa EB-5, năm 2014 chỉ có 6,418 trường hợp định cư, đến năm 2015 con số này đã đã tăng vọt lên tới 17,662 trường hợp. Khoảng một năm lại đây, số người xin visa định cư tại các nước phát triển đã tăng lên khoảng 30%.
Việt Nam có khoảng hơn 100 ngàn du học sinh ở 49 quốc gia, trong đó có 90% du học tự túc. Riêng tại Mỹ có 28.883 sinh viên, tại Úc có 28.524 (tính đến 10/2015). Việt Nam có khoảng 600 ngàn lao động làm ở nước ngoài (gọi là “xuất khẩu lao động”). Hàng trăm ngàn phụ nữ Việt lấy chồng ngoại quốc (gọi là “Cô dâu Việt”). Nhiều công ty khởi nghiệp của giới trẻ có học thức trong lĩnh vực IT và kinh doanh về Internet đang chạy qua Singapore. Trong khi đó một số nghệ sĩ Việt di cư hợp pháp sang Mỹ qua kết hôn với Việt kiều có quốc tịch Mỹ (như Thu Phương, Trần Thu Hà, Lam Trường, Bằng Kiều, Quang Dũng, v.v.).
Cách thức di cư của người Việt ngày càng đa dạng và phức tạp, quy mô di cư ngày càng lớn. Người dân ra đi chủ yếu vì khủng hoảng lòng tin và môi trường sống không an toàn (thực phẩm, môi trường, giáo dục, an ninh bất ổn). Trí thức cảm thấy thiếu tự do dân chủ, tuyệt vọng và bất lực vì đất nước chậm đổi mới và phát triển. Doanh nhân ra đi để “phân tán rủi ro” (chân trong chân ngoài). Quan chức (tham nhũng) ra đi để bảo vệ tài sản…
Một số doanh nghiệp lớn đang thoái vốn để tháo chạy. Năm 2015, tập đoàn Kinh Đô đã bán 80% cổ phần cho Mondele’s International (Hoa Kỳ), tương lai có thể thoái vốn tới 97%. Ông chủ Kinh Đô nói, “Khi Kinh Đô đã bán cho nước ngoài, thì khó có doanh nghiệp Việt Nam nào có thể trụ lại được.” Đợt thoái vốn tới sẽ là Vinamilk và FPT Telecom. Vinamilk được khuyến cáo là sẵn sàng bán cho nước ngoài 100% cổ phần.
Theo số liệu của viện VEPR (quý I/2015), lượng tiền của người Việt gửi ra nước ngoài đã tăng đột biến lên 7,3 tỷ USD. Trong vòng 5 năm (2008-2013), số tiền từ Việt Nam đã chuyển ra nước ngoài là 33 tỷ USD (Vũ Quang Việt). Theo hồ sơ Panama, 92 tỷ USD đã được chuyển phi pháp ra khỏi Việt Nam (năm 2015 là hơn 9 tỷ). Đó là những con số thất thoát quá lớn, trong bối cảnh ngân sách nhà nước thâm hụt quá nhiều do bội chi ngân sách.
Bi kịch của Trung Quốc
Ngày càng nhiều người Trung Quốc “bỏ phiếu bằng chân”. Họ di cư khỏi Trung Quốc với tài sản để định cư ở nước khác. Từ năm 1990 đến 2000, trung bình mỗi năm có 143 nghìn người di cư. Từ năm 2000 đến 2010 con số này tăng lên đến 418 nghìn người/năm. Từ 1993 đến 2015, tổng số dân di cư đã tăng từ 4,1 triệu người lên 10 triệu người, trong đó có 2,02 triệu người định cư tại Mỹ, 896 nghìn người tại Canada, 657 nghìn người tại Hàn quốc, 655 nghìn người tại Nhật, 547 nghìn người tại Úc, và 457 nghìn người tại Singapore.
Từ năm 1978 đến 2003 có 4.000 quan chức tham nhũng chạy trốn khỏi Trung Quốc, đem theo hơn 50 tỷ USD. Từ giữa thập niên 1990 đến nay, có 18.000 quan chức tham nhũng chạy ra nước ngoài, đem theo 123 tỷ USD. Hầu hết họ chạy sang các nước Phương Tây (như Mỹ, Canada, Úc, Hà Lan). Cơ quan an ninh Trung Quốc cho biết có 150 tội phạm kinh tế đang sống tại Mỹ để trốn tránh cáo buộc tham nhũng tại Trung Quốc.
Theo Hurun Report, có 64% số người giàu (có 1,6 triệu USD trở lên) đã hoặc có ý định di cư khỏi Trung Quốc. Hiện nay có 1,2 triệu người sẵn sàng ra đi. Người ta xác định có 149 người Trung Quốc siêu giàu, với tài sản trên 1,6 tỷ USD. Danh sách siêu giàu này còn tăng thêm 150 người nữa nếu tính cả “tài sản ngầm” của họ. Theo GFI Report, Trung Quốc đã thất thoát mất 3,79 ngàn tỷ USD trong thời gian từ năm 2000 đến 2011.
Theo Bloomberg Intelligence, 1,4 nghìn tỷ USD đã chạy khỏi Trung Quốc trong 10 năm qua (trung bình 140 tỷ/năm). Năm 2015, 1.000 tỷ USD đã chạy khỏi Trung Quốc, tăng gấp 7 lần so với năm 2014 (là 134,3 tỷ). Đây là do khủng hoảng lòng tin, khó lòng ngăn chặn nổi, dù Trung Quốc có xây vạn lý trường thành xung quanh đất nước.
Năm 2004, chỉ có 16 người Trung Quốc nhận được visa loại EB-5 (13% tổng số); Năm 2008 con số này tăng lên tới 360 người. Đến 2013, con số này đã tăng vọt lên 6.895 người (chiếm 80% tổng số). Năm 2014, có 9.128 người Trung Quốc nhận được visa EB-5 (chiếm 85% tổng số 10.692 visas EB-5 được cấp). Người Trung Quốc chiếm 85% tổng số người xin visa EB-5 để đầu tư vào Mỹ, chiếm 76% tổng số 59.000 người xin visa đầu tư vào Canada; chiếm 91% của 1.679 người xin visa đầu tư vào Úc (từ 2012 đến 2015).
Năm 2014, số sinh viên Trung Quốc đi học ở nước ngoài là 459.800 người, trong đó 274.000 người học tại Mỹ. Tuy chính phủ Trung Quốc có chủ trương khuyến khích vật chất như trả lương cao để họ trở về nước làm việc, nhưng xu hướng “chảy máu chất xám” vẫn gia tăng. Trung Quốc vẫn tiếp tục mất đi một tỷ lệ khá cao những sinh viên đi học nước ngoài nhưng không về nước (tỷ lệ cao hơn hầu hết các nước khác).
Người giàu Trung Quốc không ủng hộ mà cũng không thách thức chế độ. Họ chỉ muốn chuyển phần lớn tài sản ra nước ngoài rồi ra đi. Họ không giống những người bất đồng chính kiến hay tị nạn chính trị. Thái độ ứng xử của họ có thể thay đổi với lòng yêu nước hay chủ nghĩa dân tộc. Khi ra đi dễ dàng thì họ lựa chọn ra đi, chứ không chọn lên tiếng. Họ sẽ lên tiếng mạnh hơn nếu chính quyền cởi mở hơn cho phản biện và cải cách
Những người giàu có ở Trung Quốc được hưởng lợi lộc nhiều nhất từ sự tăng trưởng kinh tế, nhưng họ lại bỏ đất nước ra đi, thay vì lên tiếng phản biện và góp sức đổi mới đất nước. Một thập kỷ qua, việc họ ra đi đã làm Trung Quốc thất thoát hàng nghìn tỷ USD và chảy máu chất xám nghiêm trọng. Giới nhà giàu đã chuyển 458,3 tỷ USD ra khỏi Trung Quốc, trong tổng số 5,45 ngàn tỷ USD tài sản của họ. Con số thất thoát này bằng 3% GDP. Đây là một vấn nạn kinh tế, vừa “chảy máu chất xám” vừa “thất thoát tài sản”.
Chính phủ Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng ngân sách nghiêm trọng do hệ quả của sự ra đi ồ ạt của tầng lớp giàu có nhất, và tiếng nói phản biện của tầng lớp trung lưu và lao động. Sức ép từ cả hai phía có thể buộc Chính phủ phải cải cách thể chế một cách có ý nghĩa như là sự lựa chọn duy nhất để tránh nguy cơ sụp đổ.
Theo các học giả, Trung Quốc đã hết lợi thế phát triển và đã “kịch đường” (Paul Krugman). Kinh tế đang nguy khốn (in big trouble), tài chính có thể phân rã (meltdown). Lợi thế dân số không còn (Gordon Chang). Chủ nghĩa chuyên chế có sức sống đã hết thời (David Shambaugh). Tỷ phú George Soros dự báo kinh tế Trung quốc sẽ “hạ cánh cứng” (hard landing) có thể khủng hoảng như Nga (năm 2014). Trước đây Mỹ lo Trung Quốc vượt mặt, nay lo Trung Quốc sụp đổ, gây sốc lớn cho kinh tế toàn cầu, trong khi họ chưa sẵn sàng đối phó. (“When China Stumbles”, Paul Krugman, New York Times, January 8, 2016).
Nghịch lý của “Mô hình Trung Quốc”
Sau khi Tập Cận Bình tập trung quyền lực tuyệt đối vào tay mình, ông ta đã phục hồi những ý tưởng cực đoan của Mao Trạch Đông, như độc tài và sùng bái cá nhân, tuyệt đối tuân thủ hệ tư tưởng, hành xử độc đoán. Đó là sự kết hợp đầy nghịch lý giữa độc tài kiểu Mao với hiện đại hóa kiểu Đặng. Tập nắm nhiều quyền lực còn hơn cả Mao và Đặng (nhưng không bắt chước Đặng). Tập đề cao chủ nghĩa dân tộc cực đoan, tăng cường kỷ luật đảng, để duy trì ổn định chính trị (là ưu tiên hàng đầu), và để thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”.
Vì vậy, Tập Cận Bình đòi hỏi tất cả phải trung thành tuyệt đối với Đảng, với chế độ, và với cá nhân ông ta. Tập tăng cường đàn áp mọi sự chống đối, kể cả xã hội dân sự, giám sát chặt chẽ giới trí thức, kiểm soát khắt khe giới báo chí truyền thông, và chống lại mọi giá trị phổ quát của phương Tây. Kể từ sau sự kiện Thiên An Môn, chưa bao giờ xã hội Trung Quốc lại hà khắc như hiện nay, làm giới cải cách và dân chúng rất bất bình.
Tập thậm chí không tin các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác, mà chỉ tin vào một nhóm trợ lý thân cận nhất như Vương Kỳ Sơn (trưởng ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương – CCDI, phụ trách chống tham nhũng), Lật Chiến Thư (chánh Văn phòng Trung ương – CCP, phụ trách nhân sự), Mạnh Kiến Trụ (phụ trách Ủy Ban An ninh Quốc gia), Lý Thành (học giả, phụ trách lý luận), và Vương Thiếu Quân (phụ trách an ninh riêng).
Ván cờ của Tập Cận bình phải dùng đến ý thức hệ để cai trị thực ra không dựa trên sức mạnh đang lên mà bộc lộ thế yếu đang xuống (breaking down, rather than building up). Chế độ Trung Cộng rất dễ đổ vỡ vì kinh tế Trung Quốc đang suy thoái một cách đáng lo ngại, làm cho những người cải cách bất bình và dân chúng nổi giận. Nói cách khác, những mưu toan của Tập có thể tạo ra chính sự khủng hoảng mà Tập đang muốn tránh.
Tập đã phát động một cuộc vận động ý thức hệ rộng lớn, lợi dụng chủ nghĩa dân tộc để che đậy những lỗ hổng của chế độ. Nhưng chủ nghĩa dân tộc cực đoan cũng là con dao hai lưỡi, và chơi với ý thức hệ cũng nguy hiểm như đùa với lửa. Xét cho cùng, Tập có thể bắt chước Mao, nhưng không thể hóa thành Mao. Sự đàn áp dựa trên ý thức hệ không mang lại lời giải nào cho các vấn đề của Trung Quốc, và không thể kéo dài mãi. Nước cờ của Tập không phản ánh sức mạnh mà bộc lộ sự lúng túng, và thú nhận sự mỏng manh của chế độ.
Theo Suisheng Zhao (“Xi Jinping’s Maoist Revival” Suisheng Zhao, Journal of Democracy, July 2016), ngày 17/3/2013, Tập đề xướng chủ trương “ba tin tưởng”: (1) lý luận về “Chủ nghĩa Xã hội mang màu sắc Trung Quốc,” (2) con đường mà Trung Quốc theo đuổi, và (3) hệ thống chính trị mà Trung Quốc” lựa chọn. Đây là câu trả lời của Tập cho “ba cuộc khủng hoảng niềm tin” (chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Marx, và Đảng). Quan điểm Maoist của Tập ngày càng cứng rắn, đe dọa sử dụng “chuyên chính vô sản”, và tiến hành “đấu tranh giai cấp”. Tập đã vay mượn “cẩm nang của Mao”, sử dụng những khẩu hiệu sặc mùi Maoist như “bảy điều đừng nói” để tránh “các sai lầm lịch sử không thể sửa chữa được”, và kêu gọi cán bộ đảng viên phải “tự thanh lọc, tự cải thiện, tự đổi mới…”
Về giáo dục, Tập kêu gọi phát huy “năng lượng tích cực” với một “thái độ tươi sáng” đối với Đảng và nhà nước, biến các trường đại học thành “các lò nghiên cứu Maxist”. Theo chủ trương đó, tháng 1/2015, Bộ trưởng giáo dục Yuan Guiren (Viên Quý Nhân) đã đề xuất “hai củng cố”, nhằm hạn chế việc sử dụng các nguồn học liệu của phương Tây trong nội dung giảng dậy, để cảnh giác đối phó với “các rủi ro tư tưởng”.
Về truyền thông báo chí, Tập Cận Bình ép buộc các nhà báo phải ngừng phê phán Đảng CSTQ, và kêu gọi họ “nói bằng một giọng” và “tường thuật tích cực” để ủng hộ các chính sách của đảng. Trong bài phát biểu tại hội nghị tuyên truyền (8/2013), Tập nói huỵch toẹt ra rằng các chính trị gia phải “vận hành các báo”, và nhà báo phải trở thành “cái họng và cái mồm” (the throat and the mouth) của Đảng.
Bắc Kinh nhấn mạnh khái niệm “chủ quyền không gian mạng” và cho rằng các công nghệ truyền thông mới đang phá vỡ các ràng buộc không gian và thời gian, làm mờ nhạt sự phân biệt giữa tác giả, nhà xuất bản, và công chúng của thị trường tin tức. Khái niệm này hình dung ra một thế giới mạng trong đó các nhà chức trách sẽ “tuần tra” các cuộc nói chuyện online giống như tuần tra kiểm soát biên phòng.
Tháng 7/2015, Chính phủ đã thông qua dự luật an ninh mạng, theo đó sẽ lập ra “các đồn cảnh sát an ninh mạng” để kiểm soát các website và các hãng cung cấp dịch vụ Internet, nhằm “tóm cổ các hành vi phạm tội online” càng sớm càng tốt. Một blogger Trung Quốc đã cảnh báo, “các tường rào trong nhà tù thông tin Trung Quốc nơi sự ngu dốt nuôi dưỡng các tư tưởng hận thù và đối kháng. Nếu bức tường lửa tồn tại vô hạn định, Trung Quốc sẽ quay lại cái thời mà nó bị cô lập, thiển cận, hung hăng, và bất ổn”.
Nhà sử học Xiao Gongqing gọi chính thể của Tập là “Neo-Authoritarianism 2.0”. Theo ông, “Chủ nghĩa Độc đoán Mới 2.0” là cần thiết nếu Trung Quốc muốn tránh tai họa trong cuộc “trường chinh” tiến đến trật tự dân chủ hóa. Xét cho cùng, Đảng là nạn nhân của thành công cũng như thất bại của chính họ. Không có nước nào lại hiện đại hóa nhanh như Trung Quốc mà không phải chịu các hệ quả xã hội to lớn như vậy.
Sự ổn định chính trị và sự sống còn của chế độ là mối quan tâm chủ yếu của Tập Cận Bình, “Sự ổn định cao hơn mọi thứ”. Vì vậy, Tập quyết tâm phải “bóp chết mọi yếu tố chống đối từ trong trứng nước”. Tập đã bị chỉ trích không những bởi những người ủng hộ cải cách, mà còn bởi những người cánh tả cấp tiến. Chế độ kiểm duyệt tăng lên cùng với mối lo về khả năng quản lý sự bất mãn của dân chúng. Trong thời đại Internet, việc khóa miệng sự bất mãn là hầu như không thể. Cái gậy hạn chế quyền tự do trực tuyến có thể “đập lại lưng ông”, bằng việc gây thêm oán hận và mất lòng tin. Đồng thời nó cũng kìm hãm sự phát triển của đất nước vì các nhà khoa học và doanh nhân khó tiếp cận với các nguồn lực trực tuyến vốn đã làm cho Internet trở thành tác nhân đổi mới và phát triển.
Sự lẫn lộn về lý luận được minh họa rõ ràng qua các giá trị XHCN cốt lõi mà ban lãnh đạo của Tập đưa ra từ năm 2013 và được đăng tải khắp nơi ở Trung Quốc. Nó bao gồm “sự thịnh vượng, dân chủ, văn minh, hài hòa, tự do, bình đẳng, công lý, pháp quyền, chủ nghĩa yêu nước, cống hiến, chính trực, hữu nghị…” Tóm lại đó là một danh sách gồm đủ các từ ngữ chắp vá lộn xộn, chứ không bắt nguồn từ một tầm nhìn chính trị mạch lạc. Vì vậy, “Chủ nghĩa Độc đoán Mới 2.0” có thể là sự kéo dài vô hạn chủ nghĩa độc đoán, chứ không phải là sự chuẩn bị quá độ tiến đến cải cách dân chủ cho quản trị quốc gia.
Theo Cheng Xiaonong (Chủ nghĩa Tư bản với Bản sắc Trung Quốc, Epoch Times, 19/8/2016), Đảng CSTQ đã sử dụng kinh tế tư bản để tăng cường chế độ độc tài. Đây là một điểm mấu chốt của “Mô hình Trung Quốc”. Chế độ Trung Cộng đã bắt tay với hệ thống kinh tế Tư bản (từ thời Đặng Tiểu Bình kêu gọi “mèo trắng, mèo đen, miễn là bắt được chuột”). Không những Đảng CSTQ chấp nhận CNTB, mà hàng ngũ lãnh đạo Đảng còn tự mình trở thành những nhà “tư bản đỏ” giàu có đầy quyền lực. Mô hình “Kinh tế Thị trường theo Định hướng Xã hội Chủ nghĩa” của Việt Nam chỉ là bản sao của “Mô hình Trung Quốc”.
Về cơ bản, giới “tư bản đỏ” đã thâu tóm tài sản thông qua tham ô, biển thủ, chiếm đoạt bất hợp pháp các tài sản nhà nước, duy trì sự độc quyền của các ngành quan trọng, và thao túng các chính sách để đạt được lợi ích và duy trì chế độ độc tài của mình. Họ đã trở thành các doanh nhân, chủ bất động sản và chủ sở hữu tài chính lớn. Quá trình tích lũy của họ đầy đen tối và tội lỗi. Vì vậy, họ cần chế độ bảo vệ tài sản và cuộc sống của mình. Họ cũng cần sự độc quyền của nhà nước để tiếp tục tích lũy của cải nhiều hơn nữa.
Nhiều học giả phương Tây đã tưởng bở rằng sau quá trình tự do hóa kinh tế, giới “tư bản đỏ” Trung Quốc sẽ tự nhiên chuyển đổi theo khuynh hướng dân chủ và tự do. Thực tế quá trình chuyển đổi của Trung Quốc đã chứng minh rằng suy nghĩ này không những rất ngây thơ mà còn sai lầm nghiêm trọng. Giới “tư bản đỏ” có một vị thế chính trị tuyệt vời (không có cạnh tranh) nên họ dễ dàng ngăn chặn quá trình dân chủ hóa, có thể dẫn đến sự phá sản kinh tế và chính trị. Đây chính là bản chất của “Mô hình Trung Quốc”.
Thay vì lên tiếng góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa tại Trung Quốc, giới “tư bản đỏ” lại chuyển tài sản cá nhân của họ đến các nước phương Tây, trong khi thu xếp cho các thành viên trong gia đình của mình nhập cư vào các nước đó. Đây là một nghịch lý. Chính điều này chỉ ra rằng tương lai của “Mô hình Trung Quốc” thực sự mỏng manh. “Mô hình Trung Quốc” vừa mâu thuẫn với chủ nghĩa Mác, vừa trái ngược với nền dân chủ. Trong tương lai gần, Đảng CSTQ không thể tránh khỏi một cuộc khủng hoảng ý thức hệ. Bộ máy chuyên chính tuy có thể ngăn chặn được sự bùng nổ (explosion) nhưng không ngăn ngừa được sự suy sụp (implosion). Tập Cận Bình muốn tránh vết xe đổ của Liên Xô, nhưng không thoát được quy luật lịch sử.
Lối thoát duy nhất là phải cải cách thể chế chính trị đã lỗi thời. Thượng Tướng Lưu Á Châu (con rể cựu phó thủ tướng Lý Tiên Niệm, có nhiều phát biểu gây tranh cãi) đã cả quyết, “Trong vòng 10 năm nữa, một cuộc chuyển hình thái từ nền chính trị uy quyền sang nền chính trị dân chủ chắc chắn sẽ phải xảy ra, Trung Quốc sẽ có một sự biến đổi to lớn. Cải cách thể chế chính trị là sứ mệnh lịch sử trao cho, chúng ta không còn có đường lùi”.
La Vũ (con trai của cố đại tướng La Thụy Khanh, là bạn thân của Tập Cận Bình) đã đăng một loạt 10 bài viết công khai khuyến nghị với Tập Cận Bình rằng lối thoát duy nhất của Trung Quốc là từng bước dân chủ hóa. Ngày 19/6/2016, La Vũ đã cho đăng bài thứ 10 trong loạt bài với nhan đề “Bàn bạc với chú em Tập”, trong đó La Vũ thẳng thắn vạch ra rằng chính quyền Trung Quốc từ lâu không được lòng dân, “đến hôm nay, đã không còn được lòng dân nữa“. La Vũ khuyên Tập, “Người dân sẽ không cho chú nhiều thời gian nữa đâu“. Trong lá thư viết cho Tập, La Vũ đề xuất 5 điểm: “xóa bỏ lệnh cấm báo chí; xóa bỏ các lệnh cấm của Đảng; có hệ thống tư pháp độc lập; tuyển cử; quốc gia hóa quân đội”.
Dư luận Trung Quốc và thế giới đang quan tâm đến Hội nghị cơ mật Bắc Đới Hà (8/2016). Trang mạng Weixin lan truyền tin Tập Cận Bình đề xướng “20 chính sách cải cách chính trị-xã hội”. Không biết thực hư ra sao, nhưng người dân Trung Quốc đang háo hức chờ mong. Ngày 18/7/2016, trang mạng Mingjingnews.com đăng bài xã luận nhận xét: “Hội nghị Bắc Đới Hà lần này sẽ là hội nghị căng thẳng nhất từ trước đến nay…”. Trang Weixinqz.com cũng đưa tin: “Tập Cận Bình sắp tới sẽ có những tuyên bố về chính sách cải cách to lớn, khiến cho cả thế giới phải kinh ngạc…” Đó là Trung Quốc, còn Việt Nam?
Thay lời kết
Đáng lẽ phải “xoay trục” để thoát dần cái bóng Trung Quốc, thì Việt Nam vẫn núp bóng ý thức hệ đã lỗi thời và bắt chước “Mô hình Trung Quốc, mà không có tiềm lực kinh tế và quốc phòng đủ mạnh làm đối trọng để thoát Trung. Ý thức hệ là cái bẫy làm Việt Nam bị mắc kẹt tại ngã ba đường, nên bảo hoàng hơn cả vua, làm mất dần độc lập kinh tế và chủ quyền quốc gia. Khái niệm trung với nước bị đánh tráo, trở thành trung với Đảng và chế độ. Vì vậy, tiếng nói phản biện vì tương lai của dân tộc thường bị coi là “phản động”.
Đã đến lúc người Việt phải thức tỉnh để đổi mới tư duy và thể chế, nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Trước xu hướng người Việt đang đổ xô di cư, cần có cách khuyến khích họ ở lại để chung tay chấn hưng đất nước, khôi phục các giá trị cốt lõi của dân tộc. Tại sao người Miến Điện và người Mông Cổ làm được mà người Việt Nam lại không? Aung San Suu Kyu và Tsakhiagiin Elbegdorj đâu phải là siêu nhân từ trên trời rơi xuống. Nhưng họ không bỏ nước ra đi vì lợi ích riêng, và cũng không chấp nhận thực trạng độc tài của đất nước, mà kiên trì đấu tranh (bất bạo động) để thay đổi vận mệnh của dân tộc họ.
Quyền tự do cư trú và di cư là quyền chính đáng của mọi công dân, là chuyện bình thường của mọi xã hội. Nhưng hiện tượng nhiều người bỏ đất nước ra đi ồ ạt như hiện nay tại Trung Quốc và Việt Nam là chuyện bất bình thường. Nó phản ánh não trạng bất an của cộng đồng và thực trạng bất ổn của đất nước. Tại sao người ta không ở lại để lên tiếng phản biện và góp phần đổi mới thể chế và phát triển đất nước? Câu chuyện đi hay ở không chỉ là bi kịch, mà còn là thảm họa quốc gia. Phải đổi mới thể chế trước khi quá muộn.
Tham khảo
1. “Exit, Voice and Loyalty: Responses to Decline in firms, Organization, and States”, Albert Hirschman, Harvard University Press, 1970
2. “The Flight of the Affluent in Contemporary China: Exit, Voice, Loyalty, and the Problem of Wealth Drain”, Steve Hess, Asian Survey, July/August 2016
3. “When China Stumbles”, Paul Krugman, New York Times, January 8, 2016
4. “Xi Jinping’s Maoist Revival” Suisheng Zhao, Journal of Democracy, July 2016
5. “Chủ nghĩa tư bản với bản sắc Trung Quốc”, Trình Hiểu Nông (Cheng Xiaonong), Epoch Times, 19/8/2016
6. “Ôm tiền ra ngoại quốc: cuộc tháo chạy mới ở Việt Nam”, Người Việt, 31/7/2016
7. “Mỗi năm gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài”, Hồ Mai, VNF, 24/7/2016
NQD. 26/8/2016
0 nhận xét