Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Quanh việc VN cho bác sĩ Trung Quốc hành nghề

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2019 06:30 // ,

BBC
7 tháng 3 2019

phòng khám Bản quyền hình ảnh InfoNet
Image caption Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra một phòng khám Trung Quốc tại TP.Hồ Chí Minh
Một bác sĩ đặt câu hỏi rằng liệu việc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh tập huấn cho bác sĩ Trung Quốc đang hành nghề có phải "là hình thức hợp thức hóa việc họ đang hành nghề".
Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh thông báo sẽ tổ chức thí điểm khóa đào tạo liên tục để cập nhật các quy định pháp luật và quy trình chuyên môn kỹ thuật trong hành nghề khám, chữa bệnh cho các bác sĩ nước ngoài đã được cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam, theo báo Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh.
Khóa đầu tiên dành cho các bác sĩ Trung Quốc đang hành nghề tại các phòng khám đa khoa trên địa bàn thành phố.
"Thông qua hoạt động thanh, kiểm tra, hoạt động đánh giá chất lượng phòng khám đa khoa, Sở Y tế nhận thấy các bác sĩ nước ngoài, nhất là các bác sĩ Trung Quốc, gần như không nắm vững các quy định pháp luật và quy định chuyên môn khi hành nghề," tờ báo viết.

'Hợp thức hóa' chuyện hành nghề?

Trả lời BBC hôm 6/3, Tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Sơn, Phòng khám Quốc tế EXSON ở TP.Hồ Chí Minh, nói:
"Nếu nhìn trên góc độ do các bác sĩ Trung Quốc không hiểu biết về pháp luật Việt Nam dẫn đến vi phạm, thì việc tập huấn, cập nhật kiến thức về pháp luật cho các bác sĩ người Trung Quốc là rất hợp lý và đáng hoan nghênh."
"Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao các bác sĩ Trung Quốc không hiểu biết về pháp luật của Việt Nam, dẫn đến vi phạm, gây hại cho người bệnh, khi đã được cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam? Như vậy, khâu chấn chỉnh phải nằm ở chỗ tập huấn, kiểm tra trước khi cấp chứng chỉ hành nghề, và cấp phép làm việc cho họ."
"Không thể cho rằng những sai phạm của các bác sĩ Trung Quốc là do chuyên môn kém, để phải tập huấn chuyên môn theo cách dạy nghề lại cho họ. Một bác sĩ nước ngoài, nếu đã có đủ điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề, hoặc cấp phép hành nghề tại Việt Nam, thì đương nhiên phải có đủ khả năng chuyên môn."
"Còn nếu một người không có đủ khả năng chuyên môn mà vẫn được cấp phép làm việc tại Việt Nam, thì phải xem lại công tác cấp chứng chỉ hành nghề, cấp phép. Còn nếu muốn đúng quy trình, theo tôi, trước tiên phải đình chỉ, không cho họ hành nghề, để không làm hại cho người bệnh, sau đó mới đến việc giúp Trung Quốc đào tạo lại các bác sĩ."
"Trong trường hợp Sở Y tế định tập huấn cho các bác sĩ chưa được cấp phép làm việc tại Việt Nam, thì đó sẽ là hình thức để hợp thức hóa việc họ đang hành nghề tại các phòng khám ở Việt Nam."
Bảo hiếm y tế

'Vấn đề kéo dài và nhức nhối'

Đề cập về thực trạng của các bác sĩ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Sơn nói thêm: "Theo như tôi biết, từ bệnh nhân, từ báo chí, và từ cả những người đã từng làm việc trong các phòng khám có bác sĩ Trung Nam hành nghề, những vi phạm của họ không phải do thiếu hiểu biết về pháp luật."
"Họ thực hiện những trò lừa đảo, và tiến hành những thủ thuật y khoa rất cẩu thả, bất chấp mối nguy hại cho người bệnh. Đó là vấn đề đạo đức, đó là những sai phạm về y đức."
"Vấn đề các phòng khám Trung Quốc bị tố lừa đảo bệnh nhân được dư luận nói rất nhiều, báo chí cũng đăng tải, nhưng tình hình có vẻ không thay đổi. Các phòng khám đó vẫn ngang nhiên hoạt động và liên tiếp sai phạm."
"Có lẽ chỉ có các nhà quản lý y tế mới có thể giải đáp thắc mắc này. Tuy nhiên, việc các bác sĩ Trung Quốc không "hề hấn" gì sau các scandal đã làm cho họ ngày càng ngang nhiên xâm phạm các tiêu chuẩn đạo đức khác. Một trong các việc họ làm là việc giả mạo các cơ sở y tế có uy tín của Việt Nam."
bệnh viện Bản quyền hình ảnh HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images
Image caption Ý kiến nói "nền tảng dịch vụ của hệ thống y tế công ở Việt Nam quá kém, trong khi y tế tư nhân còn quá manh mún"
"Đơn cử là phòng khám của tôi vừa bị một phòng khám Trung Quốc mạo danh. Trên thực tế, có vẻ như chính quyền không có khả năng khống chế các hành động phi pháp, vô đạo đức của các phòng khám Trung Quốc. Hoặc là bộ máy chính quyền quá yếu kém, hoặc là nó đã bị chính những kẻ bao che cho các phòng khám Trung Quốc thao túng."
Về việc tại sao các phòng khám Trung Quốc "nở rộ" tại TP.Hồ Chí Minh dù liên tục bị tố cáo lừa đảo, Bác sĩ Sơn lý giải:
"Một trong những lý do là ngành y tế Việt Nam, cùng các bác sĩ Việt Nam vẫn chưa đạt được tầm chuẩn mực. Nhất là nền tảng dịch vụ của hệ thống y tế công quá kém, trong khi y tế tư nhân còn quá manh mún."
"Những phòng khám Trung Quốc nắm bắt được điều ấy và họ đeo bám, hứa hẹn… và dễ dàng đưa người bệnh Việt Nam vào tròng."
"Đó là chưa kể vẫn có những bác sĩ Việt Nam đạo đức kém, không coi quyền lợi của bệnh nhân là quan trọng. Điều đó làm cho người bệnh bị mất phương hướng, và dễ bị các phòng khám Trung Quốc lừa đảo."
"Theo tôi, vấn đề phòng khám Trung Quốc là một vấn đề kéo dài và nhức nhối đối với xã hội Việt Nam, dù rằng trên thực tế, không nhiều người có hiểu biết lại tìm đến các phòng khám Trung Quốc khi họ mắc bệnh."
"Nói đi cũng phải nói lại, nền y tế Trung Quốc là một nền y tế khá tiên tiến, đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, các phòng khám Trung Quốc ở Việt Nam thì chưa có cái nào thuộc nhóm các cơ sở y tế có uy tín của Trung Quốc. Tôi cũng chưa thấy bác sĩ nào có vẻ thuộc nhóm bác sĩ chất lượng cao của Trung Quốc sang đây làm việc," bác sĩ Sơn nói với BBC.
Hôm 6 và 7/3 BBC liên hệ với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhiều lần nhưng người trực tổng đài báo rằng ban giám đốc "bận họp cả ngày".
Hồi tháng 12/2018, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh được báo InfoNet dẫn lời:
"Một số bác sĩ Việt Nam tiếp tay cho các phòng khám Trung Quốc. Khi đăng ký mở phòng khám, bác sĩ Việt Nam là người đứng tên và chịu trách nhiệm chuyên môn. Tuy nhiên khi đoàn của Sở Y tế tới kiểm tra thì phát hiện ở phòng khám chỉ có bác sĩ người Trung Quốc."
Tờ báo cũng cho biết hiện TP Hồ Chí Minh có 12 phòng khám Trung Quốc. Trong năm 2018, các đoàn kiểm tra của Sở Y tế đã kiểm tra 24 lần và phát hiện nhiều sai phạm như bác sĩ Việt Nam đăng ký tên mở phòng khám nhưng không có mặt mà chỉ có bác sĩ Trung Quốc. Sở Y tế chỉ phê duyệt cho phòng khám 5 danh mục khám chữa bệnh thì họ tự ý phát sinh thêm hia danh mục để chữa "chui"; Không có sổ, bệnh án khám chữa bệnh...
Đáng lưu ý, mỗi khi bị rút giấy phép hoạt động, phòng khám có bác sĩ Trung Quốc lại nhờ người khác đứng tên đăng ký kinh doanh để tiếp tục mở phòng khám khác để hoạt động.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.