Tin khắp nơi – 12/02/2019
Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019
15:35
//
Tin khắp nơi
Liên tục chỉ ra các mối đe dọa từ người nhập cư bất hợp pháp, Tổng thống Trump đã biến việc xây dựng một bức tường ở biên giới Hoa Kỳ-Mexico trở thành vấn đề ưu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Nhưng đảng Dân chủ đang tìm cách cản trở việc này, nói rằng điều đó là không cần thiết và lãng phí tiền bạc.
https://www.voatiengviet.com/a/california-rut-binh-si-khoi-bien-gioi-voi-mexico/4781943.html
Cựu phi hành gia Mark Kelly
ứng cử vào Thượng viện Hoa Kỳ
Ông Mark Kelly, phi hành gia đã nghỉ hưu và là chồng của cựu nữ dân biểu Gabby Giffords, tuyên bố sẽ tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ, vị trí của cố Thượng nghị sĩ John McCain trước đây.Hãng tin Reuters dẫn lời ông Kelly trong một video đăng hôm 12/2, nói rằng việc tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ đại diện bang Arizona là “nhiệm vụ tiếp theo” của ông.
Ông Kelly không chỉ từng là một phi hành gia của NASA, mà còn từng là một phi công lái máy bay chiến đấu và là một kỹ sư của Hải quân Hoa Kỳ.
Vợ của ông, cựu dân biểu Gabby Giffords, thành viên đảng Dân chủ, đã rời khỏi Quốc hội Hoa Kỳ sau khi bị đạn bắn vào đầu trong vụ xả bằng súng làm 6 người chết tại một cuộc tiếp xúc với cử tri của bà ở thành phố Tucson năm 2011. Rồi cũng từ đó, bà trở thành nhà vận động cho phong trào kiểm soát súng ở Hoa Kỳ.
Sau khi vợ ông bị thương, ông Kelly cũng đã trở thành người ủng hộ mạnh mẽ cho việc kiểm soát súng tuy chưa từng giữ các chức vụ dân cử.
Ông Kelly sẽ đối đầu với Thượng nghị đảng Cộng hòa Martha McSally, cũng là một cựu phi công chiến đấu của Không quân Hoa Kỳ, người được bổ nhiệm vào vị trí của cố Thượng nghị sĩ John McCain. Một cuộc bầu cử đặc biệt sẽ được tổ chức vào năm 2020 để quyết định ai sẽ được chọn vào chức vụ này.
https://www.voatiengviet.com/a/cuu-phi-hanh-gia-mark-kelly-ung-cu-vao-thuong-vien-hoa-ky/4783408.html
Ngoại trưởng Nga – Mỹ
sắp điện đàm về vấn đề Venezuela
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo sẽ thảo luận về tình hình ở Venezuela vào cuối ngày 12/2, hãng tin Reuters trích lời ông Lavrov cho biết.Nga và Hoa Kỳ ủng hộ các phe đối kháng nhau trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela. Trong khi Washington công nhận ông Juan Guaido là tổng thống lâm thời, thì Moscow tiếp tục ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro, một đồng minh trung thành của Nga.
Hãng Thông tấn Nga TASS dẫn lời Giám đốc Vụ Châu Mỹ La tinh của Bộ Ngoại giao Nga Alexander Shchetinin hôm 11/2 nói việc Washington thuyết phục quân đội Venezuela tuyên thệ trung thành với phe đối lập là một sự can thiệp trắng trợn vào các vấn đề của Venezuela.
Hãng thông tấn Reuters trước đó trích dẫn một phát ngôn viên của Nhà Trắng nói rằng Washington đang duy trì liên lạc với một số sĩ quan quân đội Venezuela để lật đổ chính quyền đương nhiệm ở Caracas và chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới đối với Venezuela.
https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-nga-my-sap-dien-dam-ve-van-de-venezuela/4783066.html
Mỹ cảnh báo đồng minh
không lắp thiết bị của Huawei
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 11/2 khuyến cáo các đồng minh của Hoa Kỳ không lắp đặt trên lãnh thổ của mình các thiết bị của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei.Reuters dẫn lời ông Pompeo nói rằng nếu họ không làm vậy, nó sẽ làm phức tạp mối quan hệ với Mỹ.
Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây tin rằng Huawei có thể được sử dụng cho mục đích do thám và cho rằng việc tập đoàn của Trung Quốc mở rộng hoạt động vào Trung Âu là cách để chiếm một vị trí trên thị trường châu Âu.
Washington lo ngại nhất chuyện Huawei, tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, tăng cường hoạt động ở Hungary và Ba Lan.
XEM THÊM:
Giám đốc Huawei ‘chống dẫn độ’, tố cáo Mỹ ‘có động cơ chính trị’
“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi xác định cho họ các cơ hội và các rủi ro khi sử dụng thiết bị đó”, ông Pompeo nói với các phóng viên trong khi tới thăm thủ đô của Hungary là Budapest.
Hungary là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm còn đưa ông Pompeo tới Slovakia và Ba Lan.
Theo Reuters, chuyến công du này còn là một phần của nỗ lực nhằm bù đắp cho sự thiếu cam kết của Mỹ ở khu vực và đã để mở cửa cho sự ảnh hưởng nhiều hơn của Trung Quốc và Nga.
Huawei đã bác bỏ chuyện do thám cho bất kỳ chính phủ nào, đồng thời cho hay rằng công nghệ của họ hiện phục vụ 70% người dân Hungary.
Tập đoàn này cũng cho biết đã hợp tác với phần lớn các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông ở Hungary, trong đó có các công ty nhà nước.
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-c%E1%BA%A3nh-b%C3%A1o-%C4%91%E1%BB%93ng-minh-kh%C3%B4ng-l%E1%BA%AFp-thi%E1%BA%BFt-b%E1%BB%8B-c%E1%BB%A7a-huawei/4782847.html
Yếu tố TQ trong sự “đoản mệnh” của INF
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc rút khỏi INF bổ sung thêm lựa chọn quân sự cho Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc.Lý do Mỹ rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (Intermediate-range Nuclear Forces – INF), theo một số nhà phân tích, có thể xuất phát từ việc Washington đã không còn muốn bị ràng buộc bởi các điều khoản trong hiệp ước được ký kết năm 1987 này.
Theo nhận định, Mỹ có một số lý do để rút khỏi INF, dù Nga có thực sự vi phạm các điều khoản của Hiệp ước hay không.
Nhiều chuyên gia tin rằng việc Mỹ kiên quyết rút khỏi INF xuất phát từ việc Washington muốn xây dựng lại một kho vũ khí mới, đối trọng với kho vũ khí tầm trung mà Trung Quốc đang phát triển trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.
Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế và khả năng quân sự cũng như vai trò ngày càng quan trọng của Trung Quốc trong trật tự thế giới mới buộc phương Tây phải cân nhắc nghiêm túc và có bước đi cụ thể nhằm kiềm chế sự ảnh hưởng đang ngày một tăng của Bắc Kinh.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Bolton – một người ủng hộ Mỹ rút khỏi INF, cho rằng, mối đe dọa từ Bắc Kinh đang ngày càng rõ và hiệp ước tên lửa đạn đạo song phương Nga và Mỹ trên thực tế đã không còn phù hợp trong thế giới đa cực (là thỏa thuận đã lỗi thời do nó không bao gồm các nước như Iran, Triều Tiên và đặc biệt là Trung Quốc).
Không bị kiểm soát bởi INF, khả năng quân sự của Trung Quốc đang ngày càng được tăng cường và phát triển, nhất là việc mở rộng các lực lượng tên lửa tầm trung. Sức mạnh quân sự của Bắc Kinh không chỉ ảnh hưởng đến các đồng minh của Mỹ trong khu vực mà còn đe dọa trực tiếp các căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc, Nhật Bản và trên lãnh thổ Mỹ.
Chính quyền Mỹ cho rằng, INF đang đặt Mỹ ở thế bất lợi hơn vì Trung Quốc không tham gia vào cam kết cắt giảm tên lửa hạt nhân tầm trung ở Thái Bình Dương, trong khi các điều khoản của INF cấm Mỹ phát triển vũ khí mới.
Tờ SCMP dẫn nhận định của một số chuyên gia quân sự cho rằng, việc rút khỏi INF bổ sung thêm lựa chọn quân sự cho Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc.
Theo tờ báo này, Bắc Kinh đã đưa vào hoạt động những tên lửa mới, có tính sát thương cao hơn, bao gồm tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26, có tầm bắn tối đa 4.000km, có thể nhắm bắn hiệu quả các căn cứ không quân và hải quân ở Guam cũng như các tàu sân bay của Mỹ.
Cho đến nay, Mỹ chỉ có thể dựa vào những khả năng khác để đối trọng với Trung Quốc, như tên lửa bắn từ tàu hoặc máy bay của Mỹ.
Theo nhận định của tờ New York Times, nếu rút khỏi INF, Washington sẽ rảnh tay để phát triển các loại vũ khí hạt nhân tầm ngắn và tầm trung và triển khai chúng tại các căn cứ quân sự của mình trên khắp thế giới.
Sputnik dẫn lời cựu Thư ký Hội đồng An ninh Nga Kokoshin cho rằng nguyên nhân sâu xa của việc Mỹ rút khỏi INF là do Trung Quốc đã triển khai hơn 1.000 tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở biển Đông và Hoa Đông ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ. Còn theo cựu Tổng tham mưu trưởng Nga Baluevsky, Mỹ có thể bắt đầu với việc triển khai tên lửa ở Nhật và Hàn Quốc để nhắm vào Trung Quốc nếu rút khỏi INF.
Trung Quốc có thể làm gì?
Trong trường hợp Mỹ chính thức rút khỏi INF, dù không phải một nước thành viên hiệp ước này, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với hai khả năng: hoặc phải ký một hiệp ước kiểm soát vũ trang mới với Mỹ và Nga; hoặc là, Mỹ sẽ triển khai tên lửa tầm trung mới tại khu vực Thái Bình Dương, trong đó có đảo Guam – tạo mối đe dọa trực tiếp đối với các lực lượng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương một khi xảy ra xung đột.
Nếu buộc phải tham gia các hiệp ước có liên quan dưới sức ép của nước ngoài, Trung Quốc phải minh bạch về các vấn đề liên quan như thiết bị phóng, tham số đầu đạn và tầm bắn của tên lửa…
Trung Quốc có thể tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống răn đe chiến lược kiểu mới. Về khả năng răn đe hạt nhân, Trung Quốc sẽ nâng cao và cải thiện khả năng sống sót và thâm nhập của các loại vũ khí hạt nhân, cải thiện chất lượng thay vì tăng số lượng, trong khi tăng cường khả năng răn đe hạt nhân, cố gắng tránh một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân vũ trang với Mỹ và Nga.
Liên quan đến năng lực quy mô thông thường, nước này có thể tìm cách nghiên cứu chế tạo máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới hoặc tên lửa hành trình tầm xa, hệ thống vệ tinh giám sát tên lửa đạn đạo và năng lực chống vệ tinh, tăng cường sức mạnh răn đe về tổng thể…
Tổng thư ký NATO Stoltenberg cũng từng đưa ra cảnh báo về việc Trung Quốc phát triển tên lửa mà không bị ràng buộc và đề nghị mở rộng INF thành một hiệp ước quốc tế, trong đó sự tham gia của Bắc Kinh.
Theo ông Stoltenberg, khoảng một nửa số tên lửa hiện nay của Trung Quốc vi phạm INF. Điều này giải thích vì sao Trung Quốc không muốn Mỹ rút khỏi INF và cũng không muốn thực hiện đa phương hóa hiệp ước. Nếu tham gia hiệp ước, họ sẽ từ bỏ một trong những công cụ chủ đạo nhằm giữ cho Mỹ tránh xa họ ở khu vực Thái Bình Dương, bài báo trên New York Times nhận định.
Theo The Hill, việc ông Trump tuyên bố rút khỏi hiệp ước INF cũng có thể là một sách lược, ông chủ Nhà Trắng muốn đàm phán lại về một hiệp ước phù hợp với yêu cầu của Mỹ. INF quy định, bất cứ bên nào muốn rút khỏi cũng phải thông báo với đối tác việc chấm dứt hiệp ước trước 6 tháng.
Điều này khiến Washington có thời gian để đàm phán với Moscow và Bắc Kinh, có thể đạt được một hiệp ước bao gồm cả 3 bên. Tuy nhiên, việc thẳng thừng bác bỏ về một hiệp ước đa phương của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 2/2/2019 cho thấy, ý định này của Trump nếu có thật cũng khó có thể trở thành hiện thực.
http://biendong.net/diem-tin/26167-yeu-to-tq-trong-su-doan-menh-cua-inf.html
Thượng đỉnh Trump – Kim tại Hà Nội
dự kiến thông qua hiệp ước hòa bình
Tuyên bố chấm dứt chiến tranh và báo cáo về các cơ sở hạt nhân Yongbyon chắc chắn sẽ được đưa vào Tuyên bố Hà Nội, Dong-A Ilbo dẫn nguồn quan chức Hàn Quốc cho hay.Báo Dong-A Ilbo (Hàn Quốc) đưa tin: Mỹ và triều Tiên được cho là đã giải quyết được nhiều bất đồng trong chuỗi các cuộc họp kéo dài 3 ngày tại Bình Nhưỡng. Hai bên đã nhất trí đưa tuyên bố chấm dứt chiến tranh và báo cáo cục bộ về cơ sở hạt nhân Yongbyon vào Tuyên bố Hà Nội, dự kiến sẽ được công bố trong hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim lần thứ hai.
Hai nước đang lên kế hoạch để thảo luận về thỏa thuận lộ trình phi hạt nhân hóa trong các cuộc họp dự kiến sẽ tiếp diễn vào tuần tới tại các nước châu Á thứ ba như Việt Nam.
“Đặc phái viên Mỹ tới Triều Tiên Stephen Biegun cho biết các cuộc đàm phán thảo luận ở Bình Nhưỡng đã góp phần xây dựng hội nghị thượng đỉnh lần hai”, nguồn tin ngoại giao tiết lộ với Dong-A Ilbo, “Tuyên bố chấm dứt chiến tranh và báo cáo cục bộ về các cơ sở hạt nhân Yongbyon chắc chắn sẽ được đưa vào thỏa thuận tại thượng đỉnh ở Hà Nội”.
Theo Dong-A Ilbo, điều này có nghĩa là hai nước đã đạt được một thỏa thuận về các biện pháp mà Bình Nhưỡng cần thực hiện trong giai đoạn ban đầu của phi hạt nhân hóa.
Ông Biegun đã có các cuộc đàm phán với Kim Hyok Chol, người đồng cấp mới được phía Triều Tiên bổ nhiệm từ 6-8/2 tại Bình Nhưỡng và thông tin cho Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha cùng Giám đốc cơ quan An ninh Quốc gia Chung Eui-yong về kết quả đàm phán hôm 9/2 trước khi quay trở lại Mỹ.
“Biegun cho biết, ông đã trình bày với Triều Tiên về cách để hoàn thành quá trình phi hạt nhân hóa”, Dong-A Ilbo dẫn nguồn tin chính phủ Hàn Quốc cho hay, “Đại sứ Mỹ cho biết ông và ông Kim đã thảo luận về các chi tiết vốn chưa từng được bàn thảo công khai trước đây”.
Trong cuộc gặp với các lãnh đạo Hàn Quốc, ông Biegun nhận định: Triều Tiên nhiệt tình hơn trước rất nhiều. Một số học giả cho rằng có thể Triều tiên đã đề xuất đóng cửa các cơ sở hạt nhân uranium ngoài cơ sở hạt nhân Yongbyon để đổi lấy nới lỏng cấm vận Triều Tiên.
http://biendong.net/doc-bao-viet/26157-thuong-dinh-trump-kim-tai-ha-noi-du-kien-thong-qua-hiep-uoc-hoa-binh.html
Mỹ quay lại Trung Âu, cạnh tranh với Nga và TQ
Nỗi e ngại của Mỹ về tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc ở Trung Âu sẽ là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi ông đến khu vực này.Từ trái qua: Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Tổng thống Donald Trump ở Nhà Trắng hôm 7-2. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Pompeo đã lên đường hôm 10-2 thực hiện chuyến viếng thăm 5 nước châu Âu, bắt đầu ở Hungary và Slovakia.
Ở Budapest và Bratislava hôm 11 và 12-2, ông Pompeo sẽ chỉ ra các vấn đề liên quan đến sự phụ thuộc của Trung Âu vào năng lượng Nga và sự hiện dện của Công ty công nghệ cao Trung Quốc Huawei, đặc biệt là ở Hungary.
Một quan chức ngoại giao Mỹ cho biết ông Pompeo sẽ nêu lên mối quan ngại như kể trên cũng như tầm quan trọng của việc thúc đẩy dân chủ và quy định pháp luật nhằm đương đầu với nỗ lực của Bắc Kinh và Moscow để lôi kéo các quốc gia này xa rời phương Tây và gieo rắc sự chia rẽ trong Liên minh châu Âu và NATO.
Trọng tâm của chuyến đi sẽ là hội nghị về tương lai Trung Đông ở Ba Lan hôm 13 và 14-2. Hội nghị này dự kiến tập trung vào Iran và có sự tham dự của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và đội ngũ về hòa bình Trung Đông của Tổng thống Donald Trump do cố vấn cấp cao Jared Kushner dẫn đầu, cùng với đặc phái viên về thương thuyết quốc tế Jason Greenblatt.
Giới chức Mỹ cho biết Ngoại trưởng Pompeo hy vọng sẽ đảo ngược điều họ gọi là một thập kỷ Mỹ “từ hôn” ở Trung Âu, tạo ra khoảng trống khiến Nga và Trung Quốc lợi dụng.
Sau hội nghị ở Warsaw, ông Pompeo sẽ kết thúc chuyến đi với các chặng dừng chân ở Brussels – Bỉ và Rekjaivik – Iceland hôm 15-2.
http://biendong.net/bi-n-nong/26160-my-quay-lai-trung-au-canh-tranh-voi-nga-va-tq.html
Mỹ nói sẽ không để Nga chia rẽ phương Tây
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo Hungary rằng Nga đang tìm cách chia rẽ phương Tây và nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ không để cho Tổng thống Nga Vladimir Putin ‘thọc gậy bánh xe’ giữa các bạn bè của Mỹ và NATO.Phát biểu hôm 11/2 tại thủ đô Budapest của Hungary, Ngoại trưởng Pompeo nói Hoa Kỳ chưa nỗ lực đủ để giao tiếp với trung Âu và từ nay mong muốn sẽ nỗ lực hơn nữa.
Ngoại trưởng Hungary, Peter Szijjarto, nói chỉ trích của Washington về quan hệ ngoại giao giữa nước ông với Nga là sai lạc vì các nước Châu Âu khác cũng liên quan tới các hợp đồng năng lượng với Nga. Hungary nhấn mạnh họ làm tròn nghĩa vụ với các nước Tây phương trong tư cách thành viên của liên minh quân sự NATO.
Giới chức Hoa Kỳ cho hay chuyến công du của Ngoại trưởng Pompeo tới trung Âu lần này còn bao gồm các chặng dừng ở Slovakia và Ba Lan, trong nỗ lực tái giao tiếp với khu vực mà Nga và Trung Quốc đang tăng cường giao tiếp.
Ngoại trưởng Pompeo khuyến cáo các đồng minh của Mỹ chớ cho phép đại công ty công nghệ Trung Quốc, Huawei, xây cơ sở hạ tầng trên lãnh thổ của họ. Huawei gần đây gia tăng hoạt động ở Hungary và Ba Lan và Mỹ lo rằng thiết bị của công ty này có thể sử dụng cho hoạt động gián điệp.
Huawei bác tố cáo có liên quan tới hoạt động thu thập tình báo cho chính phủ Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/my-noi-khong-de-nga-chia-re-phuong-tay-/4782377.html
Ngoại trưởng Mỹ cảnh giác Hungary
về ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc
Trọng NghĩaNhân chuyến công du Hungary, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 11/02/2019 cảnh báo Budapest về ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc tại quốc gia Đông Âu này. Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Hungary đã ấm hẳn lên từ sau khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban từng cho rằng tổng thống Mỹ là một biểu tượng cho những người theo chủ nghĩa « chủ quyền quốc gia tối thượng ». Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, Viktor Orban đã không ngừng chủ trương là đất nước Hungary phải « mở cửa về phía Đông », và ngày càng thắt chặt quan hệ với Nga và Trung Quốc.
Thông tín viên Florence La Bruyère tại Budapest tường trình :
“Mike Pompeo không ngại dùng lời lẽ cứng rắn: Nga và Trung Quốc rốt cuộc đã có được nhiều ảnh hưởng hơn tại đây. Thế nhưng, họ lại không chia sẻ những lý tưởng Mỹ mà chúng ta rất quan tâm. Ngoại trưởng đã tuyên bố như trên với các phóng viên ở Budapest.
Washington đang báo động trước sự thâm nhập của Trung Quốc vào Hungary. Một ví dụ : Thỏa thuận gần đây giữa Budapest và tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi để phát triển mạng 5G ở Hungary. Chính quyền Mỹ nghi ngờ Hoa Vi làm gián điệp cho chính quyền Trung Quốc.
Washington cũng lo lắng về sự xích lại gần nhau giữa thủ tướng Hungary Viktor Orban và tổng thống Nga Vladimir Putin. Hai người thường xuyên gặp nhau và ông Orban là người ủng hộ mạnh mẽ cho hai dự án đường ống dẫn khí đốt của Nga là Nordstream và Turkstream.
Đối với Mỹ, Nga là một con bạch tuộc năng lượng có thể tung vòi hút hết thị trường châu Âu, gây bất lợi cho các nhà sản xuất khí đốt Hoa Kỳ.
Mike Pompeo kết thúc chuyến thăm Hungary bằng một bữa ăn tối với Viktor Orban. Nội dung bàn luận giữa hai bên không được tiết lộ, nhưng theo một nhà ngoại giao Mỹ, Hungary đang trở thành một đồng minh ngày càng khó lường.”
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190212-ngoai-truong-my-canh-giac-hungary-ve-nga-va-trung-quoc
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ:
Không có lệnh rút quân khỏi Afghanistan
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Patrick Shanahan cho biết ông chưa nhận được lệnh từ Tổng thống Donald Trump về việc rút quân Mỹ ra khỏi Afghanistan.“Tôi không được chỉ đạo phải giảm lực lượng của chúng tôi ở Afghanistan”, ông Shanahan nói với các phóng viên trước chuyến thăm không báo trước hôm 11/2 tới Kabul. “Chỉ đạo… trong việc hợp tác chặt chẽ với Ngoại trưởng Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia Bolton, là hỗ trợ Đại sứ Khalilzad trong các cuộc đàm phán hòa bình”.
Tuần trước, trong Thông điệp Liên bang, ông Trump một lần nữa chỉ trích các cuộc xung đột kéo dài từ Syria đến Afghanistan, nói rằng “các quốc gia vĩ đại không tham gia các cuộc chiến bất tận”. Ông nói với công chúng rằng khi các nhà ngoại giao Mỹ đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Afghanistan, “chúng ta sẽ có thể giảm sự hiện diện của quân đội và tập trung vào việc chống khủng bố”.
Hôm 11/2, ông Shanahan cho biết quy mô của quân đội Mỹ ở Afghanistan sẽ được xác định theo một cách thức “có thể kiểm soát và điều phối”.
“Tôi nghĩ rằng sự hiện diện mà chúng tôi muốn ở Afghanistan là những gì đảm bảo cho quốc phòng của chúng tôi và hỗ trợ sự ổn định khu vực”, ông nói.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng đã gặp Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, lãnh đạo chính phủ Afghanistan Abdullah Abdullah, và Bộ trưởng Quốc phòng Asadullah Khalid trong thời gian ở Kabul.
Ông cũng đến thăm một căn cứ bên ngoài Kabul, nơi các lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ huấn luyện các đối tác Afghanistan của họ và nói chuyện với Tướng quân đội Hoa Kỳ Austin “Scott” Miler, người chỉ huy các lực lượng quốc tế ở Afghanistan.
Chuyến đi diễn ra trong lúc Hoa Kỳ đang nỗ lực đàm phán một thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ Afghanistan và Taliban. Ông Shanahan cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự tham gia của chính phủ Afghanistan trong các cuộc đàm phán hòa bình.
“Hoa Kỳ có đầu tư đáng kể trong việc đảm bảo an ninh, nhưng người Afghanistan sẽ quyết định tương lai của họ”, ông nói.
Chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani đã không tham gia vào các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa đặc phái viên Hoa Kỳ Zalmay Khalilzad và Taliban.
Tuần trước, ông Khalilzad nói ông tin rằng một thỏa thuận hòa bình có thể đạt được trước khi cuộc bầu cử tổng thống của Afghanistan diễn ra vào tháng Bảy. Ông và nhóm của ông sẽ gặp lại Taliban vào ngày 25/2 tại Qatar.
https://www.voatiengviet.com/a/quyen-bo-truong-quoc-phong-my-khong-co-lenh-rut-quan-khoi-afghanistan/4782019.html
Mỹ-Trung khởi động vòng đàm phán
thương mại mới tại Bắc Kinh
Mỹ và Trung Quốc đang khởi động một vòng đàm phán khác trong nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột thương mại giữa hai nước.Đứng trước thời hạn chót ngày 1/3 để Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận giúp chấm dứt chiến tranh thương mại, hiện mọi chú ý đều đổ dồn vào việc liệu Bắc Kinh có sẵn sàng nhượng bộ trong vấn đề quyền sở hữu trí tuệ cũng như một số vấn đề khác liên quan đến Washington.
Các quan chức thương mại hàng đầu của cả hai nước sẽ bắt đầu các cuộc thảo luận tại Bắc Kinh trong ngày hôm nay (11/02), tiếp nối cuộc họp cấp bộ diễn ra hồi cuối tháng 1/2019. Một vòng đàm phán cấp bộ khác cũng dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 14 và 15/2 tới.
Cho đến nay, Trung Quốc đã đưa đề xuất sẽ mua một lượng lớn nông sản từ Mỹ, như một cách để giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước.
Tuy nhiên, phía Mỹ có vẻ như vẫn tỏ ra thất vọng trước những cáo buộc rằng Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc.
Hiện các bên vẫn còn lập trường cách biệt trong vấn đề quan trọng này và chưa đi đến thống nhất được một giải pháp cuối cùng.
Trong bài phát biểu tại liên bang mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi Trung Quốc “thay đổi cấu trúc, thực sự” để chấm dứt các hoạt động thương mại không công bằng. Nhà lãnh đạo Mỹ đồng thời khẳng định ông không có kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay thời điểm này, mặc dù trước đó nhiều lần ông từng thể hiện sự “nóng lòng” muốn gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Mỹ đã hoãn việc áp mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm của Trung Quốc trước hạn chót 1/3/2019. Với thời hạn sắp hết này, mọi con mắt đều đang tập trung vào những nhượng bộ mà Trung Quốc có khả năng sẽ thực hiện.
http://biendong.net/doc-bao-viet/26163-my-trung-khoi-dong-vong-dam-phan-thuong-mai-moi-tai-bac-kinh.html
Hàn Quốc đồng ý chi thêm để giữ chân binh sĩ Mỹ
Hàn Quốc phải tốn thêm tiền để giữ chân binh sĩ Mỹ trên thực địa.Seoul hôm 10/2 vừa ký thỏa thuận ngắn hạn với Washington tăng phần đóng góp của Hàn Quốc để tiếp tục duy trì sự hiện diện của binh sĩ Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.
Ngoại trưởng Hàn Quốc, Kang Kyung-Wha nói: “Tại thời điểm này, chúng tôi sẽ có thể thu hẹp cách biệt về con số tổng cộng.”
Kể từ sau cuộc họp thượng đỉnh lần đầu với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hồi tháng Sáu năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng áp lực bắt Seoul phải chi trả thêm cho lính Mỹ.
Sau thượng đỉnh, ông Trump thậm chí còn loan báo sẽ ngưng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc vì quá tốn kém, khơi mào căng thẳng giữa Seoul với Washington.
Kể từ thỏa thuận trước đây bất thành, Hàn Quốc và Hoa Kỳ chật vật đạt được bước đột phá về khoảng tiền mà Seoul phải chi trả và từ tháng Ba năm ngoái tới nay đã diễn ra 10 vòng đàm phán.
Tháng trước, một giới chức cao cấp của Hàn Quốc loan báo các cuộc thương lượng bị bế tắc sau khi Hoa Kỳ đột ngột đòi Seoul phải chi trả hơn 1 tỷ đô la mỗi năm.
Từ đó, giới làm luật và giới phân tích lo rằng ông Trump có thể sẽ rút bớt quân từ Hàn Quốc về, tương tự như ông đang làm ở các nước khác, như Syria chẳng hạn.
Thỏa thuận mới cần được Quốc Hội chuẩn thuận nhưng Hàn Quốc chung cuộc sẽ phải chi trả thêm hàng chục triệu đô la so với năm 2018.
Khác với các thỏa thuận trước đây có thời hạn 5 năm, thỏa thuận mới sẽ hết hạn vào năm 2020. Vì vậy trong vài tháng tới, đôi bên sẽ phải quay trở lại bàn thương lượng.
https://www.voatiengviet.com/a/han-quoc-dong-y-chi-them-de-giu-chan-binh-si-my-/4782381.html
TT Trump không muốn nuôi chó trong Nhà Trắng
Trong cuộc vận động cho bức tường trên biên giới ở El Paso, Texas, Tổng thống Donald Trump bỗng nhiên nói tới chuyện nuôi chó tại Nhà Trắng.Theo AP, ông Trump nói rằng ông ấn tượng với những chú chó săn Đức vì khả năng đánh hơi tìm ma túy trái phép.
Tuy nhiên, ông không nghĩ tới viễn cảnh nuôi chó tại Nhà Trắng.
Ông Trump nói rằng ông không ngại có chó, nhưng ông không có thời gian để chăm sóc chúng.
XEM THÊM:
TT Trump không ‘hướng’ con trai út chơi bóng bầu dục
Tổng thống Mỹ hỏi đám đông: “Tôi trông sẽ như thế nào khi dắt chó đi dạo trên thảm cỏ tại Nhà trắng?”
Đám đông sau đó hò hét, hưởng ứng câu hỏi của ông.
Sau đó, ông loại bỏ khả năng này, nói rằng ông cảm thấy chuyện đó “hơi giả tạo”.
Tổng thống Trump cho biết, một số người nói với ông rằng sẽ đúng đắn về mặt chính trị hơn nếu ông nuôi chó, nhưng rốt cuộc, ông không làm vậy.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-kh%C3%B4ng-mu%E1%BB%91n-nu%C3%B4i-ch%C3%B3-trong-nh%C3%A0-tr%E1%BA%AFng/4782875.html
Maduro gọi chính phủ Donald Trump
là ‘băng đảng cực đoan’
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro gọi chính phủ Donald Trump là “băng đảng cực đoan” trong phỏng vấn với BBC.Ông Maduro nói ông không cho phép viện trợ nhân đạo vào Venezuela vì đây là cách giúp Mỹ biện hộ cho can thiệp sau này.
Hoa Kỳ và đa số chính phủ phương Tây đã công nhận lãnh đạo đối lập Juan Guaidó là tổng thống lâm thời.
Trả lời nhà báo BBC Orla Guerin ở thủ đô Caracas, ông Maduro nói ông hy vọng “nhóm cực đoan trong Nhà Trắng sẽ bị dư luận thế giới mạnh mẽ đánh bại”.
Ông Maduro nói Mỹ dự tính “tạo khủng hoảng nhân đạo để lấy cớ can thiệp quân sự”.
“Vì thế, với lòng tự trọng, chúng tôi nói chúng tôi không muốn đồ thừa, đồ ăn độc hại của họ.”
Ông Maduro, cầm quyền từ 2013, tái đắc cử nhiệm kỳ hai năm 2018.
Nhưng nhiều ứng viên đối lập khi đó bị cấm tranh cử, bị tù, và cáo buộc gian lận.
Ông Maduro tuyên bố ông không thấy cần tổ chức bầu cử sớm.
Ông nói “chỉ có 10″ chính phủ ủng hộ ông Guaidó, mặc dù thực tế hơn 30 nước đã tuyên bố ủng hộ lãnh đạo đối lập.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Maduro nói “khoảng 80 tấn vàng của Venezuela” đang bị phong tỏa trong Ngân hàng Trung ương Anh quốc.
Ông Maduro khẳng định quân đội “trung thành với hiến pháp”, và trung thành với tổng tư lệnh là ông.
BBC hỏi cố tổng thống Hugo Chavez sẽ nghĩ gì nếu chứng kiến Venezuela hôm nay.
Ông Maduro trả lời rằng ông Chavez sẽ “quyết tâm chiến đấu vì đất nước”.
“Tôi luôn nghĩ Chavez sẽ làm gì trong hoàn cảnh này? Điều đó giúp tôi nhiều để tìm ra cách giải quyết.”
Ông Juan Guaidó tự tuyên bố mình là tổng thống tháng trước và ngay lập tức được Mỹ và vài nước Mỹ-Latinh công nhận.
Nga và Trung Quốc ủng hộ Tổng thống Maduro.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47217424
Phe đối lập ở Venezuela
biểu tình đòi mở cửa cho viện trợ vào
Những người ủng hộ phe đối lập ở Venezuela sẽ xuống đường trên toàn quốc vào ngày 12/2 để tiếp tục dồn Tổng thống Nicolas Maduro vào thế bị bủa vây và kêu gọi ông hãy để cho viện trợ nhân đạo đi vào quốc gia vốn đang thiếu lương thực và thuốc men.Theo Reuters, các cuộc biểu tình sẽ diễn ra trong khoảng gần ba tuần cho đến ngày lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido viện dẫn một điều khoản trong Hiến pháp để tuyên bố mình là tổng thống hợp pháp của Venezuela, với lập luận rằng việc ông Maduro tái đắc cử vào năm ngoái là gian dối.
Hầu hết các quốc gia phương Tây, bao gồm Hoa Kỳ, đều đã công nhận ông Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela, nhưng ông Maduro vẫn giữ được sự ủng hộ của các cường quốc như Nga và Trung Quốc cũng như kiểm soát được các thể chế nhà nước, bao gồm cả quân đội.
Hai bên hiện đang đối đầu về vấn đề viện trợ nhân đạo. Phe đối lập cho rằng đây là nhu cầu cần thiết do xử lý kém của ông Maduro đối với nền kinh tế của quốc gia dầu mỏ nổi tiếng một thời trong khối OPEC.
Ông Guaido, 35 tuổi, hiện đang phối hợp các nỗ lực cứu trợ của phương Tây. Trong khi đó, ông Maduro, người vẫn luôn phủ nhận nước ông bị khủng hoảng, tố cáo viện trợ là một chương trình do Hoa Kỳ dàn dựng và hiện đang chặn nguồn viện trợ này đi vào Venezuela.
“Chúng tôi sẽ quay xuống đường trở lại… để đòi hỏi mở cửa cho viện trợ nhân đạo vào, cứu sống hơn 300.000 người Venezuela mà hôm nay đang có nguy cơ tử vong”, Reuters dẫn lời ông Guaido nói với 1,25 triệu người theo dõi trang Twitter của ông vào cuối ngày 12/2. “Đây là lúc đoàn kết và chiến đấu!”
Ông Guaido thề rằng phe đối lập sẽ tiếp tục phản đối để giữ áp lực buộc ông Maduro phải từ chức để một cuộc bầu cử tổng thống mới có thể được tổ chức.
Những người chỉ trích ông Maduro đã tổ chức hai đợt biểu tình lớn trước đó để chống lại “chế độ độc tài”, lần gần nhất là vào năm 2017 và đã lắng xuống sau một cuộc đàn áp của chính phủ.
Làn sóng biểu tình hiện nay đã bắt đầu vào ngày 23/1, với một cuộc biểu tình rầm rộ ở Caracas, trong đó ông Guaido đã tự tuyên thệ nhậm chức tổng thống trước hàng ngàn người ủng hộ.
Những người theo chủ nghĩa xã hội, đã cầm quyền trong hai thập niên, cho biết họ cũng sẽ tổ chức một cuộc mít tinh ở Caracas vào ngày 12/2 để yêu cầu “tôn trọng chủ quyền tổ quốc”.
Hôm 11/2, ông Guaido công bố đã phân phối đợt đầu hàng viện trợ nhân đạo, bao gồm chất bổ sung vitamin và dinh dưỡng cho trẻ em và phụ nữ mang thai, cho một mạng lưới trung tâm y tế, mà không giải thích làm thế nào có thể đưa hàng vào Venezuela.
Ông Guaido cho biết đây là một khoản quyên góp nhỏ, mặc dù chính phủ cho đến nay vẫn ngăn chặn việc phân phối hàng viện trợ từ một địa điểm tập hợp hàng viện trợ ở thị trấn biên giới Cucuta của Colombia.
Ông Guaido đã kêu gọi quân đội bất tuân mệnh lệnh và cho phép viện trợ đi vào, sau khi đưa ra lời hứa trước đó là sẽ miễn tội cho họ. Điều đó sẽ đánh dấu tiến trình bắt đầu sự kết thúc của ông Maduro, Reuters dẫn lời các nhà phân tích nói, mặc dù không có dấu hiệu nào cho đến ngày điều đó xảy ra.
Đối thủ của ông Maduro nói rằng ông đã chà đạp các thể chế dân chủ và tàn phá nền kinh tế quốc gia thông qua việc quốc hữu hóa và một hệ thống kiểm soát thương mại đầy tham nhũng.
https://www.voatiengviet.com/a/phe-doi-lap-o-venezuela-bieu-tinh-doi-mo-cua-cho-vien-tro-vao/4783237.html
Phe đối lập Venezuela chuyển giao hàng cứu trợ
Lãnh tụ đối lập Venezuela Juan Guaido hôm 11/2 nói rằng nhóm của ông đã chuyển giao hàng cứu trợ nhân đạo đầu tiên, nhưng không cho biết đã nhận số hàng này bằng cách nào.Nhà lãnh đạo được hầu hết các quốc gia phương Tây hậu thuẫn là tổng thống lâm thời của Venezuela đăng trên Twitter hình ảnh ông đứng cạnh nhiều lọ thuốc vitamin và thuốc bổ sung dinh dưỡng.
Theo Reuters, ông Guaido không cho biết ai đã chuyển số hàng này và từ đâu.
Lãnh tụ đối lập 35 tuổi nói trong bài phát biểu được truyền hình rằng hôm nay “chúng tôi đã chuyển giao chuyến hàng cứu trợ nhân đạo đầu tiên với quy mô nhỏ” vì biên giới hiện bị chặn.
XEM THÊM:
TT Maduro: Venezuela không thể là ‘Việt Nam mới’
Trong khi đó, Tổng thống bị nhiều nước quay lưng, ông Nicolas Maduro, nói rằng hàng cứu trợ là một phần của chiến lược có tổ chức của Mỹ nhằm gây tổn hại và rốt cuộc lật đổ ông.
Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo này nói rằng ông sẽ không để chuyện này xảy ra.
Các quan chức cấp cao Mỹ tuần trước thông báo nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm đưa viện trợ tới tận cửa của Venezuela, sau khi hàng cứu trợ nằm trong số được đưa tới một điểm thu thập ở thị trấn Cucuta của Colombia.
Sau khi kêu gọi quân đội mở đường cho hàng cứu trợ, ông Guaido nói rằng chúng sẽ được thu thập tại các điểm ở Brazil, và một nước Caribbe cũng như Cucuta.
https://www.voatiengviet.com/a/phe-%C4%91%E1%BB%91i-l%E1%BA%ADp-venezuela-chuy%E1%BB%83n-giao-h%C3%A0ng-c%E1%BB%A9u-tr%E1%BB%A3-/4782869.html
Brazil sẽ đưa hàng viện trợ tới biên giới Venezuela
Đặc sứ Maria Teresa Belandria của phe đối lập Venezuela ngày 11/2, người được chấp nhận như đại sứ chính thức của Venezuela tại Brazil, cho biết chính phủ Brazil sẽ cung cấp tất cả sự hỗ trợ có thể để đưa hàngviện trợ tới biên giới Venezuela.Bà Belandria nói với báo giới rằng một số cơ quan chính phủ của Brazilsẽ tham gia vào chiến dịch viện trợ này, mà qua đó hy vọng mở ra mộtcon đường thứ hai để thực phẩm và thuốc men vào lãnh thổ Venezuela sau tuyến đường chính từ Colombia vốn bị chính phủ Venezuela ngănchặn.
Vị nữ luật sư và cũng là một chuyên gia về luật quốc tế được bổ nhiệmlàm đại sứ Venezuela tại Brazil bởi lãnh đạo đối lập Juan Guaido, ngườiđược hàng chục nước công nhận là lãnh đạo chính đáng của chính phủVenezuela thay vì Tổng thống cánh tả Nicolas Maduro.
Đại sứ Belandria không được tiếp cận các cơ sở của tòa đại sứVenezuela tại Brasilia.
“Tôi giờ đây là đại diện ngoại giao của Venezuela. Chúng tôi không cầnmột tòa nhà để làm tòa đại sứ,” bà tuyên bố tại cuộc họp báo ở BộNgoại giao Brazil.
Bà Belandria đã gặp Ngoại trưởng Ernesto Araujo để thảo luận các vấnđề trong đó có việc tìm cách gửi thực phẩm, thuốc men để xoa dịu nỗithống khổ của người dân Venezuela đang nằm dưới sự cai trị của ôngMaduro.
Bà cho biết viện trợ gửi tới bang Roraima của Brazil giáp ranh vớiVenezuela không chỉ là hàng viện trợ từ Mỹ mà còn từ chính phủ Brazil, các công ty tư nhân và các nước khác.
Chính phủ Venezuela đã ngăn chặn viện trợ của Mỹ gửi sang biên giớiVenezuela-Colombia.
https://www.voatiengviet.com/a/brazil-se-dua-hang-vien-tro-toi-bien-gioi-venezuela/4782383.html
Anh hối thúc phương Tây tăng cường
sức mạnh quân sự ở Thái Bình Dương
Bộ trưởng Quốc phòng Anh, ông Gavin Williamson phát biểu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute) ở London hôm 11/2/2019 rằng, các đồng minh phương Tây phải sẵn sàng sử dụng sức mạnh cứng để củng cố lợi ích, như nước Anh đang chuẩn bị đưa tàu sân bay mới tới Thái Bình Dương.Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng loan tin trong cùng này, theo đó ông Williamson nhấn mạnh rằng “nếu các quốc gia phương tây không can thiệp để chống lại sự khiêu khích từ nước ngoài thì quốc gia mình sẽ gặp nguy cơ bị xem không hơn gì con hổ giấy.”
Bộ Trưởng Quốc Phòng Gavin Williamson xác nhận kế hoạch điều siêu tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh tới Thái Bình Dương – nơi Trung Quốc đang gây bất bình vì những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth là tàu chiến lớn nhất trong lịch sử Hải quân Anh sẽ tham gia chiến dịch cùng các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 từ cả Anh và Mỹ. Anh cũng nhiều lần khẳng định ý định tăng cường các hoạt động ở Thái Bình Dương và mới tiến hành một chiến dịch chung với Mỹ.
Thông điệp cứng rắn của ông Williamson được đưa ra giữa lúc Hải quân Mỹ đang thúc đẩy các hoạt động ở biển Đông. Hôm 11/2/2019, các tàu khu trục USS Spruance và USS Preble của Mỹ đã đi vào vùng 12 hải lý quanh đá Vành Khăn tại quần đảo Trường Sa, thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.
Hồi tháng 1, tàu khu trục HMS Argyll của Anh đã gia nhập với tàu khu trục USS McCampbell của Mỹ trong một đợt diễn tập 6 ngày ở biển Đông. Động thái này diễn ra ngay sau khi tàu USS McCampbell hoàn thành một chiến dịch tự do hàng hải khác gần quần đảo Hoàng Sa vốn bị Trung Quốc chiến đóng trái phép ở biển Đông.
Hồi năm 2017, Ngoại trưởng Anh lúc bấy giờ là ông Boris Johnson, đã nói rằng siêu tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ tuần tra Biển Đông ngay khi tàu được đưa vào hoạt động.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/britain-urges-the-west-to-be-ready-to-flex-military-muscle-in-the-pacific-as-us-navy-steps-up-activities-in-scs-02122019082010.html
Pháp trong thế lưỡng nan
trước túi tham của Trung Quốc
Tú AnhWashington, Paris, cũng như các thủ đô châu Âu đều lo ngại lòng tham của các tập đoàn doanh nghiệp Trung Quốc muốn thống lĩnh thị trường. Nước Mỹ của Donald Trump thừa sức vừa đánh vừa đàm với Bắc Kinh, trái lại, Pháp không có kế sách vẹn toàn.
Tại Hoa Kỳ cũng như ở Đức, sức mạnh tiền bạc và tham vọng của các tập đoàn Trung Quốc tạo ra tình trạng căng thẳng trong thương mại thế giới. Áp lực của Mỹ qua chiến tranh áp thuế cũng như thái độ của Berlin sau khi mắc mưu Trung Quốc, bán tháo công ty « rô-bô » Kuka năm 2016 cho thấy Tây phương thức tỉnh. Thứ Năm tới đây, Nghị Viện Châu Âu sẽ thông qua đạo luật mới về đầu tư, kiểm soát chặt chẽ hơn vốn đầu tư nước ngoài mà đối tượng là Trung Quốc.
Nước Pháp : con mồi ngon của các tỷ phú đỏ
Đất canh tác, khách sạn, phi trường, lâu đài sản xuất rượu… từ 15 năm nay, hàng loạt cơ sở kinh tế, thương mại của Pháp bị doanh nghiệp Trung Quốc từ từ gậm nhấm. Từ khi Hoa Kỳ tăng cường kiểm soát đầu tư nước ngoài để bảo vệ công nghệ quốc gia, Pháp trở thành hấp dẫn hơn. Chỉ trong một năm 2018, Trung Quốc chi ra 1,8 tỷ đôla để mua lại các doanh nghiệp tại Pháp, tăng 86%, trong khi ở Mỹ, vốn đầu tư của Trung Quốc từ 30 tỷ trong năm trước giảm xuống còn 4,8 tỷ.
Vấn đề là doanh nhân Trung Quốc đầu tư không hẳn vì mục đích « đôi bên cùng có lợi » như khẩu hiệu quảng cáo mà là để « chiếm đoạt công nghệ và kiến thức khoa học ». Trong khi đó, phía Pháp bị thua lỗ nặng. Cụ thể là phi trường Blagnac, Toulouse, chỉ sau ba năm chuyển nhượng, chủ đầu tư Trung Quốc bán lại cổ phần. Vì sao, không ai rõ. Vụ thứ hai là tập đoàn xe hơi Peugeot-Citroen cho công ty Đông Phương (Dongfeng) góp vốn từ bốn năm nay, nhưng buôn bán chưa bao giờ ế ẩm như thế tại Trung Quốc.
Sở hữu trí tuệ
Ngoài chuyển nhượng doanh nghiệp, Pháp còn mối lo thứ hai là bảo vệ bí mật công nghệ trong bối cảnh các đại tập đoàn Trung Quốc tung tiền vào các lãnh vực chiến lược, đe dọa an ninh quốc gia.
Vụ Hoa Vi, theo giới phân tích, chỉ là một trường hợp điển hình. Tố cáo Hoa Vi đánh cắp bí mật công nghệ và làm gián điệp cho công an Trung Quốc, Hoa Kỳ tuyên chiến với tập đoàn điện thoại và trang thiết bị viễn thông, đứng đầu thế giới với mạng nối kết tương lai thế hệ 5. Nhưng khác với Mỹ, Úc, New Zealand cấm hẳn Hoa Vi, Pháp chọn giải pháp dung hoà hơn : chỉ nhận diện và loại trừ những trang thiết bị có thể được khai thác trong mục tiêu gián điệp.
Vấn nạn của chính phủ Pháp là không có phương án vẹn toàn. Loại trừ Hoa Vi thì Pháp sẽ bị chậm trễ trong việc phát triển hệ thống liên lạc viễn thông 5G tác hại đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Pháp trên thị trường quốc tế. Loại Hoa Vi chắc chắn sẽ làm phật lòng Bắc Kinh, điều mà Paris không muốn.
Còn mở rộng cửa hợp tác với Hoa Vi thì cũng chắc chắn sẽ có vấn đề với Mỹ. Theo Le Monde, trong những ngày qua, Washington gia tăng áp lực hành lang. Đại sứ Mỹ tại Bruxelles Gordon Sondland một lần nữa kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu gạt Hoa Vi ra rìa, nếu không sẽ bị mất ưu thế trên thị trường Hoa Kỳ.
Áp lực này đã có tiếng vang tại Thượng viện Pháp. Hôm nay, trong cuộc biểu quyết long trọng dự luật Pacte (Chương trình hành động và chuyển đổi công nghệ ) do chính phủ đề xướng, Thượng viện Pháp bác bỏ dự án tư hữu hóa phi trường Paris, công ty sổ số quốc gia và nhất là gác qua một bên điều khoản quy định về 5G, với lý do « cần thảo luận sâu rộng ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190212-phap-trong-the-luong-nan-truoc-tui-tham-cua-trung-quoc
Nga định thử cách ly với Internet
Nga đang xem xét liệu có nên ngắt kết nối với internet hay không. Dự định này của Moscow nằm kế hoạch thử nghiệm để chuẩn bị cho dự luật an ninh mạng quốc phòng, theo BBC.Dự thảo luật, được gọi là Chương trình Quốc gia về Kinh tế Kỹ thuật số, yêu cầu các nhà cung cấp mạng Internet (ISP) của Nga phải đảm bảo rằng họ có thể hoạt động độc lập trong trường hợp bị các cường quốc nước ngoài cô lập mạng Internet của Nga (còn gọi là mạng Runet).
Dự luật được Nga đưa ra sau khi Nhà Trắng công bố Chiến lược an ninh quốc gia năm 2018, trong đó cáo buộc Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên đã tấn công mạng Internet của Hoa Kỳ, theo trang NPR.
Mục đích của cuộc thử nghiệm ngắn này là nhằm thu thập các dữ liệu để hoàn thiện dự thảo luật Chương trình Quốc gia về Kinh tế Kỹ thuật số, đã được lên Quốc hội Nga hồi tháng 12/ 2018.
Cơ quan quản lý viễn thông của Nga sẽ giám sát Runet để ngăn chặn các nội dung bị cấm và đảm bảo rằng các dữ liệu được truyền tải giữa những người dùng Internet ở Nga sẽ chỉ lưu chuyển trong nước Nga, chứ không bị điều hướng đến các máy chủ ở nước ngoài, nơi chúng có thể bị can thiệp.
Việc cắt Internet để thử nghiệm dự kiến sẽ diễn ra trước ngày 1/4, theo hãng thông tấn Nga RBK.
Ngoài ra, dự luật còn xây dựng một bản sao lưu dự phòng Hệ thống phân giải tên miền (DNS) để giúp hệ thống mạng của Nga vận hành một khi đường truyền kết nối với các máy chủ quốc tế bị cắt.
NATO và các đồng minh đã đe dọa sẽ trừng phạt Nga về các hành động tấn công mạng và can thiệp trực tuyến khác.
Ông Dmitry Peskov, Phát ngôn viên của điện Kremlin, nói với hãng thông tấn Interfax: “Tất nhiên là không có có chuyện Nga cắt kết nối với mạng Internet toàn cầu.”
Mục tiêu của chính phủ Nga là muốn tất cả các dữ liệu truyền tải trong nước phải đi qua các điểm trung chuyển đã được phê chuẩn và được quản lý. Đây được cho là một phần trong nỗ lực thiết lập một hệ thống kiểm duyệt internet hàng loạt giống như ở Trung Quốc.
Tờ The Guardian trích lời các nhà quan sát cho biết việc Nga thiết lập một hệ thống lọc Internet tương tự như Vạn lý Hỏa thành (Great Firewall) của Trung Quốc có thể hạn chế sự tiếp cận của người dùng trong nước với các trang mạng mà chính quyền cho là có nội dung độc hại.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-dinh-cach-ly-voi-internet/4783204.html
Đọc báo ‘bí mật’ ở Ba Lan
sau 30 năm chuyển đổi dân chủ
Nguyễn Giangbbcvietnamese.comTháng 2/2019 là dịp kỷ niệm 30 năm Hội nghị Bàn tròn giải thể hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Ba Lan, mở đường cho phong trào dân chủ hóa Đông Âu 1989-90.
Sang năm 1991, Liên Xô tan rã, chấm dứt ‘chủ nghĩa xã hội hiện thực’ ở châu Âu và đưa châu lục này sang một thời đại mới.
Vì sao người Việt Nam vẫn sang Ba Lan?
Tranh cãi về trận Liên Xô đánh Ba Lan
Nguồn gốc Ba Lan giúp gì cho Angela Merkel?
Nhưng sau 30 năm, nhiều lý tưởng của thời kỳ tự do hóa và dân chủ hóa tưởng như đã bám rễ chắc chắn lại bị thách thức, ở ngay tại Ba Lan, như câu chuyện nhà báo Nguyễn Giang kể lại:
Chạy trốn lên vùng Baltic
Sống ở châu Âu đã lâu, với tôi, đi nghỉ hè là dịp quên mấy chuyện chính trị, sắc tộc nhức đầu ở đô thị ồn ào, nhiều vấn đề như London chẳng hạn.
Nơi chúng tôi thường đến nghỉ, làng Pustkowo (Trống Vắng), nằm ở vùng bờ biển Pomorze của Ba Lan, gần như đảm bảo sự yên tĩnh.
Nhiệt độ vào tháng 8 ở đây cũng lên trên 25 độ C, không quá lạnh so với các vùng biển Nam Âu.
Nhưng tắm biển, đạp xe đi loanh quanh vài hôm cũng cần ‘giải ngố’ bằng vài tờ báo quen.
Nhưng chuyện tưởng như đùa đã xảy ra ở thời dân chủ Ba Lan, năm Anno Domini 2018.
Ra tiệm báo ở góc phố Baltycka, ‘đại lộ’ duy nhất trong làng, tôi lật đi lật lại cả mớ sách báo mà không tìm ra hai tạp chí Polityka và Newsweek.
Vốn không thích hỏi nhiều, tôi bỏ đi để hôm sau quay lại.
Cũng lại không có.
Tôi đi vòng thêm đến một tiệm thực phẩm có bán báo ở cuối làng, nơi thường có mấy thanh niên Ba Lan tụ quanh bàn chơi game để tìm.
Cạnh một tủ rượu to tôi thấy có quầy báo nhỏ.
Cái tủ báo đầy ắp tạp chí khiêu dâm ở giá trên cùng, với nhiều hình nữ không bọc giấy bóng kính đen cho ‘kín đáo’ như ở nước khác.
Phía dưới là nhiều báo thiên hữu in bìa đỏ và đen, lẫn vào vài chục đầu tạp chí làm vườn, nhà đẹp, mỹ phẩm, nấu ăn và chăm sóc sức khoẻ.
Mấy tuần báo về thời sự và chính luận tuyệt nhiên không thấy đâu.
Đi ra trong thất vọng, tôi va phải ông Wojtek, doanh nhân đang nổi lên chiếm dần các cơ sở làm ăn trong làng.
Khách sạn chúng tôi thuê phòng cũng là của ông, tiệm bán bánh ngọt góc phố, và sân tennis trong làng cũng của ông.
Tôi phàn nàn về chuyện tờ Newsweek bản tiếng Ba Lan và tờ Polityka không được phân phối đến nơi hẻo lánh này.
Ông Wojtek nhìn quanh, kéo tôi sang một bên rồi hạ giọng:
“Nếu ông muốn mua hai tờ báo đó, để tôi nhắn tin người ta sẽ mang đến riêng cho hai số vào trưa mai nhé.”
Rồi ông giải thích: “chính quyền và các vị giám mục ghét hai tờ đó, cho là ‘chống dân tộc Ba Lan’, nên người ta không phân phối đến đây nữa”.
“Tức là báo bị cho vào sổ đen, hệt như trước 1989?”
“Không hẳn vậy, chỉ là lệnh miệng thôi, báo cứ in ra nhưng người ta bảo không nên bán. Một số trạm xăng cũng làm theo rồi, còn ở các thành phố lớn thì vẫn bình thường.”
Rồi ông cho biết thêm là một tạp chí biếm họa có tranh vẽ về linh mục, cũng bị Giáo hội nhắn là không nên bán, nên các sạp báo không nhận nữa.
Mọi thứ có thể tan biến?
Đi dạo thêm một vòng quanh làng cho khỏi hết ngỡ ngàng vì phải ‘đặt báo chui’, tôi nhớ chuyện ‘vật đổi sao dời’ không lạ với vùng đất này.
Xin kể cho các bạn cùng biết.
Vùng biển Baltic phía Tây Ba Lan trước 1945 thuộc về Đức.
Ngay gần Pustkowo là một thị trấn nhỏ và đẹp: Pobierowo, mà người Đức gọi là Poberow.
Tại đó, trong cánh rừng thông ra biển có một ‘di tích’ không ai muốn nhắc đến: căn nhà nghỉ hè của Eva Braun, vợ Adolf Hitler, nay để cho đổ nát.
Đến vùng này tôi tìm hiểu thêm về tộc người Balt, mà cái tên được đặt cho biển Baltic.
Họ sống ở một dải đất từ vùng nay thuộc Mecklenburg-Vorpommern của Đức, qua tới Gdansk của Ba Lan (Danzig cũ) lên Lithuania, Latvia và Estonia về phía Đông.
Sau bị các vua Ba Lan và dòng tu Thánh chiến Teutonic chiếm đất, người Balt dần dần bị đồng hóa thành người Phổ (Preussen/Prusacy) hoặc người Ba Lan.
Chỉ còn Lithuania là giữ được nhiều nhất nét văn hóa và ngôn ngữ Balt.
Cảnh ‘bãi bể nương dâu’ đã làm biến mất cả một tộc người.
Những ngày cuối của Thế Chiến 2, quân Liên Xô và Ba Lan ‘dân chủ nhân dân’ tiến từ Belarus qua vùng này để đánh sang Rostock và vào Berlin.
Hàng vạn dân Đức lên tàu thủy chạy khỏi Vịnh Gdansk trốn về phía Tây.
Nhiều tàu thuyền bị Liên Xô bắn chìm.
Sau 1945, biên giới ở đây được hoạch định lại và dân bản địa gốc Đức bị trục xuất gần hết luôn.
So với những diễn biến long trời lở đất đó thì chuyện vài tờ báo Ba Lan phải ‘chui vào bí mật’ quả là không đáng kể.
Điều làm tôi hơi lo ngại là sức khoẻ tâm lý của một xã hội ngày càng trù phú gần 40 triệu dân giữa EU.
Ba Lan đang đi về đâu?
Ở Ba Lan, đảng cầm quyền Công lý và Pháp luật (PiS) do ông Jaroslaw Kaczynski lãnh đạo đang viết lại lịch sử.
Họ chọn một góc nhìn hẹp, dân tộc chủ nghĩa, bài xích Nga, EU và phát hiện ra nhiều ‘kẻ thù’ bên trong và bên ngoài.
Về cuộc chuyển đổi 1989-90, họ coi quá trình giải thể hệ thống XHCN một cách ôn hòa để chuyển sang dân chủ là một cú lừa đảo.
Thỏa hiệp giữa Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (cộng sản), và Công đoàn Đoàn kết ở Hội nghị Bàn tròn 1989, nay bị báo chí của PiS cho là một âm mưu.
Lần lượt, các nhân vật có tên tuổi của Công đoàn Đoàn kết và phong trào dân chủ giai đoạn 1970-80 bị cho là “đặc tình của cộng sản”.
Với những người cộng sản trong bộ máy an ninh, quân đội XHCN từng cởi mở chấp nhận chia sẻ quyền lực với Công đoàn Đoàn kết, PiS tìm cách hồi tố, hạ và tước quân hàm quân tịch kể cả khi đương sự đã qua đời.
Thực lòng mà nói, chế độ XHCN ở Ba Lan và Liên Xô khi đó phải tan rã vì người dân quá mệt mỏi, cả về thể xác lẫn tinh thần, và chỉ mong có gì đó tốt hơn.
Hoa Kỳ, EU đã dang rộng vòng tay cho Ba Lan, Hungary, Tiệp Khắc…nhận viện trợ, tái cấu trúc kinh tế và mở thị trường tiêu thụ.
Vào thời gian tôi sang Ba Lan mùa Thu năm 1989, con người mới XHCN kiểu Đông Âu (Homo Sovieticus) không còn muốn đóng vai trò lịch sử khó nhọc đó.
Một thế hệ trí thức mới đã hình thành, có đầu óc thoáng đãng hơn, khép lại cả quá khứ cộng sản và đấu tranh, không ai là ‘công thần’.
Tôi đã có vinh dự được học từ các giáo sư như thế: Leszek Balcerowicz, Marek Safjan, Jadwiga Koralewicz, Daniel Grinberg…và nhiều người khác.
Trong ba thập niên, người ta có thể sống bình thường, không phải theo một khuôn mẫu, mô hình gì cả.
Sự đa dạng đầy màu sắc làm xã hội đẹp hơn, sáng tạo, năng động hơn.
Nhưng ngày nay, Đảng PiS có tham vọng tạo ra một thế hệ người Ba Lan mới, mà thực ra là rất cũ.
‘Dobry Polak’ (Người Ba Lan Tốt) nay là người nặng đầu óc dân tộc chủ nghĩa, bài xích, ân oán, theo Công giáo dòng nông thôn vị kỷ, mê tín.
Họ cũng muốn Ba Lan ‘vĩ đại trở lại’ bằng số dân, bất kể trình độ dân trí đó thế nào.
Để khuyến khích sinh đẻ và mua chuộc cử tri bình dân, PiS ra một chiêu rất đơn giản: trợ cấp tiền, gọi là 500 plus.
Người Ba Lan, và cả người Việt sống ở đó, cứ sinh con thứ nhì thì được ngay 500 zloty/tháng.
Khoản tiền bằng 140 USD một tháng sẽ được nhân đôi nếu nhà có thêm một em bé.
Đột nhiên, hàng chục vạn gia đình Ba Lan không cần làm gì nhiều, chỉ cần đẻ ba con là đủ sống.
Ba Lan như đang quay lại những năm 1918-35, khi vừa giành lại độc lập sau 123 năm mất nước nên người ta cố đề cao bản sắc dân tộc một cách ít bao dung.
Nhìn rộng ra, đây còn là một trào lưu trên toàn châu Âu.
Chủ nghĩa dân tộc quay lại cả ở Nga, Czech, Hungary, Đức và gần đây nhất là Thụy Điển, Hà Lan và Anh Quốc.
Nhưng điều mang tính đặc thù Ba Lan là hiện tượng kiểm duyệt truyền thông khá thô thiển mà cứ nhân danh các giá trị rất tốt đẹp.
Ba Lan trừ lương hưu cựu công an XHCN
Ba Lan: Nhiều người Việt đến làm giấy tờ EU
Ba Lan: ‘Băng đảng Việt chuyển hàng triệu euro’
Ba Lan: Người VN gặp phải nạn kỳ thị chủng tộc
Sách báo, truyền hình, truyền thanh bỗng nhiên bị thanh lọc để phù hợp với nhãn quan mới.
Một số nhà báo hàng đầu bị đuổi việc bằng thủ thuật mang tính hợp đồng.
Cùng lúc, thanh thiếu niên được khuyến khích dùng các biểu tượng nhắc lại cuộc chiến chống phát-xít Đức, chống Liên Xô và chống Hồi giáo.
Trên làn da trắng muốt của không ít cô gái Ba Lan nay là các hình xăm thánh giá, đại bàng, gươm Chrobry bảo vệ Ki Tô giáo, mỏ neo ‘Ba Lan chiến đấu’ – Polska Walczaca.
Thông điệp ngầm là chống lại sự xâm lăng Hồi giáo dù Ba Lan không nhận bao nhiêu số tỵ nạn từ Trung Đông.
Trên thực tế có một nhóm nhỏ người Syria chính phủ Ba Lan miễn cưỡng nhận vào thì sau đó đã bỏ sang Đức.
Vẫn không tránh khỏi toàn cầu hóa
Ba thập niên sau chuyển đổi chế độ thành công trong ôn hòa, Ba Lan trở thành nền kinh tế 550 tỷ USD, và mức sống cao hơn nhiều so với trước.
Chính tăng trưởng kinh tế rất tốt – Ba Lan được cho là ‘động lực tăng trưởng châu Âu – 4,2% năm 2018 – làm cho thị trường lao động phức tạp hơn.
Cả triệu người Ba Lan di cư sang Tây Âu định cư, làm ăn, tạo lỗ hổng trên thị trường lao động mà dân Ukraine, và cả người châu Á dần lấp vào.
Ba Lan cũng nhận thêm lao động Ấn Độ, Nepal, Trung Quốc, Philippines, và Việt Nam.
Hàng vạn người từ bên ngoài châu Âu bỗng xuất hiện ở cả tỉnh xa của Ba Lan, nơi hàng chục năm qua dân chúng đa số là thuần chủng.
Khác với các khu xóm nghèo ngoại ô Paris, London thường phức tạp về sắc tộc, chủng tộc và dễ có va chạm ‘đen – trắng’, ‘Hồi giáo -Thiên Chúa giáo’, Ba Lan chưa hề có những khu vực toàn người nhập cư sống với nhau.
Vấn đề kinh tế thuần tuý: lao động nhập cư vì thị trường thiếu nhân công, đang biến thành vấn đề chính trị.
Dù thái độ thù nghịch bị cánh hữu thổi lên, người Việt Nam có vẻ như chưa phải là mục tiêu hàng đầu cho các nhóm bài ngoại.
Tuy thế, tôi thấy có dân biểu Quốc hội Piotr Krzysztof Liroy-Marzec, người sùng bái Putin, đã công khai phản đối sự có mặt của người Việt.
Điều này có nghĩa rằng người Việt Nam, nhất là hàng nghìn người nhập cư theo đủ cách vài năm gần đây, vốn rất thiếu hiểu biết ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử Ba Lan, qua hành xử vô ý thức sẽ dễ dàng gây bức xúc cho dân bản xứ.
Trở lại chuyện tìm mua báo ở làng quê vùng biển.
Cuối cùng thì ông Wojtech cũng chuyển cho tôi tờ Newsweek và Polityka.
Ông nháy mắt: “Tôi sống qua thời đại tướng (Jaruzelski) thì sẽ qua được cả thời ngài chủ tịch (prezes Kaczynski).”
Nghe vậy tôi cũng yên tâm hơn.
Nhưng trên đường đi về nhà nghỉ, không hiểu sao tôi đã cuộn cả hai tờ báo lại cầm cho kín đáo.
Thôi thì cứ ‘cẩn tắc vô áy náy’ trước con mắt những người dân địa phương mà tôi không rõ là đang ủng hộ phe phái nào.
Nhà báo Nguyễn Giang từng du học và làm việc ở Ba Lan từ cuối 1989 đến 1999 trước khi sang định cư tại Anh Quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-45475967
Hơn 200 đại diện xã hội dân sự Hàn Quốc
thăm Bắc Triều Tiên
Trọng ThànhHôm nay 12/02/2019, hơn 200 đại diện xã hội dân sự, tôn giáo Hàn Quốc viếng thăm Bắc Triều Tiên. Phái đoàn Hàn Quốc gặp gỡ các đối tác miền Bắc tại núi Kim Cương, ngọn núi thiêng của người Triều Tiên. Đây là hoạt động hợp tác dân sự Liên Triều đầu tiên trong năm mới 2019.
Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, phái đoàn Hàn Quốc gồm 251 người. Trong số này có đại diện nhiều tổ chức tôn giáo, hiệp hội dân sự, nhiều tổ chức của phụ nữ, của giới trẻ và của người làm nghề nông, cùng một số dân biểu và phóng viên. Trong vòng hai ngày, các đại diện xã hội dân sự Hàn Quốc sẽ có nhiều cuộc họp chung với các đối tác Bắc Triều Tiên. Trong chương trình hoạt động phối hợp, có các trao đổi giữa giảng viên, sinh viên, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật và thể thao.
Sáng ngày làm việc thứ hai, trước khi viếng thăm một ngôi đền, các đại diện Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên sẽ cùng nhau ngắm mặt trời mọc từ núi Kim Cương.
Chuyến đi của phái đoàn Hàn Quốc sang miền Bắc diễn ra ba tháng sau khi các đại diện Ủy Ban Hòa Giải và Hợp Tác Liên Triều (KCRC) của Hàn Quốc đến miền Bắc, để chuẩn bị cho các hoạt động phối hợp Liên Triều, nhằm thực thi các thỏa thuận song phương được lãnh đạo hai nước ký kết hồi năm ngoái.
Vẫn về quan hệ Liên Triều, Yonhap dẫn kết quả một điều tra của bộ Giáo Dục và bộ Thống Nhất Hàn Quốc, thực hiện cuối năm ngoái, theo đó hơn 50% học sinh miền Nam muốn tăng cường hợp tác với miền Bắc, hơn 60% học sinh ủng hộ thống nhất hai miền. Đây là một cuộc điều tra quy mô lớn, gần 83.000 học sinh thuộc 597 trường học trên khắp cả nước đã tham gia trả lời câu hỏi. Trong số những người trả lời, chỉ có 5,2% coi Bắc Triều Tiên là một quốc gia thù địch.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190212-lien-trieu-xa-hoi-dan-su
Bình Nhưỡng tiếp tục chế tạo bom hạt nhân
Tú AnhĐàm phán với Mỹ giải trừ vũ khí hạt nhân nhưng Bình Nhưỡng tiếp tục sản xuất chất phóng xạ để làm bom nguyên tử. Trên đây là báo cáo của một viện nghiên cứu Mỹ mới được công bố.
Bản báo cáo của Trung Tâm An Ninh và Hợp Tác Quốc Tế thuộc đại học Stanford Hoa Kỳ cho biết, trong năm 2018, Bình Nhưỡng sản xuất một số lượng plutonium từ 5 đến 8 kg, đủ để chế tạo thêm 7 quả bom hạt nhân. Trái lại, việc tuân thủ lời hứa tạm ngưng thử nghiệm bom và tên lửa từ năm 2017 cho phép suy đoán khả năng đe dọa của Bắc Triều Tiên trong năm vừa qua thấp hơn năm 2017.
Được Reuters đặt câu hỏi kiểm chứng, Siegfried Hecker, một trong các tác giả bản nghiên cứu cho biết thêm là thông tin về việc chế độ Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục sản xuất plutonium được xác minh qua hình ảnh vệ tinh gián điệp.
Trong năm 2017, nhóm nghiên cứu của Siegfried Hecker ước lượng Bắc Triều Tiên đã tích trữ được khoảng 30 quả bom hạt nhân.
Liên Triều : Seoul không lập bộ tư lệnh chống chiến tranh hạt nhân
Quân đội Hàn Quốc thông báo hủy kế hoạch thành lập bộ tư lệnh đặc nhiệm chống mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, trong khuôn khổ sáng kiến xây dựng hòa bình tại bán đảo, theo tin của Yonhap ngày 12/02/2019.
Kế hoạch thành lập đơn vị này là một trong những lời hứa lúc tranh cử của tổng thống Moon Jae In.
Kế hoạch phản công được đặt trên ba trục : trừng phạt ồ ạt , vô hiệu hóa ban lãnh đạo Bình Nhưỡng và phản công phủ đầu với hệ thống “sát thủ” phòng không và diệt tên lửa gọi chung là KAMD.
Theo một số nhà quan sát, Seoul đình chỉ kế hoạch này với mục đích làm giảm căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên và tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán hồ sơ hạt nhân của Bắc Triều Tiên .
Tuy nhiên, theo lý giải của Viện Phân Tích Quốc Phòng, phương án KAMD không thật sự hiệu nghiệm vì vừa chồng chéo vừa cản trở hoạt động của nhiều đơn vị khác có cùng nhiệm vụ.
Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc đã tổ chức lại hệ thống phòng thủ – phản công với tên mới là AMD, hệ thống đối đầu với đe dọa hạt nhân và vũ khí khác.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190212-binh-nhuong-tiep-tuc-che-tao-bom-hat-nhan
‘One Second’ về kẻ trốn tù
bị TQ rút khỏi liên hoan Berlin
Bộ phim ‘One Second’ (Một Giây) của Trương Nghệ Mưu bị rút đột ngột khỏi lịch chiếu để tranh giải Gấu Vàng tại Liên hoan phim Berlin, gây sốc cho dân mạng Trung Quốc.Trang chính thức của bộ phim chỉ thông báo ngắn trên mạng Weibo của Trung Quốc rằng “One Second không thể được trình chiếu tại Liên hoan điện ảnh quốc tế Berlin vì lý do kỹ thuật. Chúng tôi thành thật xin lỗi.”
Phạm Băng Băng chỉ đạt 0% ‘điểm tư cách’
Vì sao TQ ngừng chiếu Diên Hy Công Lược?
Chưởng Kim Dung chỉ thu hút người Hoa và Việt
Hàng trăm người dùng Weibo đã đăng tải các bình luận và đặt câu hỏi về vụ việc.
Họ cho rằng phim đã bị Trung Quốc kiểm duyệt vì nội dung nói về Cách mạng Văn hóa Vô sản, chủ đề vẫn còn cấm kỵ với văn nghệ sỹ Trung Quốc.
Dù chính thức bị cho là giai đoạn ‘động loạn’ và có sai lầm, Cách mạng Văn hóa (1966-76) được cho là gắn liền với Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Người trốn tù và em gái mồ côi
Phim của Trương Nghệ Mưu dựng lại cảnh một người trốn khỏi nhà tù trong thời Cách mạng Văn hóa và gặp một em bé gái mồ côi.
Cô bé đánh cắp được một đoạn phim tuyên truyền trong đó có đúng một giây đồng hồ ghi lại cảnh mà người trốn tù rất muốn xem.
Trương Nghệ Mưu nói đây là câu chuyện ca ngợi sức mạnh của điện ảnh.
Theo Patrick Frater trên trang Variety, nhiều khả năng sự kiểm duyệt của Trung Quốc với phim ảnh tăng lên từ 2018 là lý do phim của Trương Nghệ Mưu bị rút khỏi liên hoan Berlin vào phút chót.
Theo tác giả này, năm ngoái công tác kiểm duyệt được chuyển từ chính phủ sang cho Ban tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản.
“Điều này có nghĩa là việc kiểm soát về ý thức hệ trở nên chặt chẽ hơn.”
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-47210911
TQ bẫy nợ và bòn rút Ecuador
bằng đập thủy điện khổng lồ
Cuộc điều tra của báo New York Times kết luận: đập thủy điện khổng lồ Coca Codo Sinclair do Trung Quốc tài trợ và xây, chính là một cách buộc chặt Ecuador thành con nợ lớn của Trung Quốc, và Trung Quốc “vét gần sạch” nguồn tài nguyên dầu khí của đất nước Nam Mỹ này.Cuộc điều tra của báo New York Times kết luận: đập thủy điện khổng lồ Coca Codo Sinclair do Trung Quốc tài trợ và xây, chính là một cách buộc chặt Ecuador thành con nợ lớn của Trung Quốc, và Trung Quốc “vét gần sạch” nguồn tài nguyên dầu khí của đất nước Nam Mỹ này.
Con đập là một tham vọng lớn của Ecuador, nhằm giải quyết nhu cầu sử dụng điện, và nhằm giúp nước này thoát nghèo. Nhưng con đập cũng đẩy Ecuador vào cảnh nợ Trung Quốc ngập đầu, và tương lai sẽ hoàn toàn bị trói chặt với Trung Quốc.
“Ecuador vớ phải hàng hớ” và “nghiện vay tiền Trung Quốc”
Ecuador đã vay 19 tỉ USD của Trung Quốc, không chỉ để xây con đập, mà còn để xây các chiếc cầu, đường cao tốc, hệ thống tưới tiêu, trường học, bệnh viện cùng một số đập thủy điện khác.
Đổi lại, Trung Quốc có quyền thụ hưởng 80% mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất của Ecuador: dầu thô, vì nhiều hợp đồng được hoàn trả bằng “vàng đen” thay vì bằng đồng USD. Thực tế là Trung Quốc có được nguồn dầu giá rẻ rồi bán lại để kiếm thêm lãi.
Ecuador đành phải chấp nhận tình cảnh phải bơm đủ dầu để trả nợ vay cho Trung Quốc, nên nước này đang phải khoan dầu sâu hơn trong vùng rừng Amazon, đe dọa tàn phá rừng nặng nề.
Nhưng vì nợ nặng, Tổng thống Lenin Moreno đã phải giảm chi an sinh xã hội, giảm trợ giá xăng, giải thể nhiều cơ quan chính quyền và giảm hơn 1.000 công chức.
Khi cho thế giới đang phát triển vay hàng tỉ USD, Trung Quốc không bao giờ phải đối mặt với một một nguy cơ tài chính nào. Ecuador thua to trong canh bạc này, nay đang phải tìm nguồn tiền vay mới để bù lấp, gồm vay thêm tiền của Trung Quốc. Cuối năm 2018, Tổng thống Moreno bay qua Trung Quốc để tái thương lượng khoản nợ của Ecuador, và vay thêm 900 triệu USD nữa.
Nhiều nhà kinh tế học cho rằng Ecuador sẽ bị lọt sâu vào suy thoái, và nhà kinh tế học Steve Hanke của Đại học Johns Hopkins nói tóm gọn: “Trung Quốc giăng lưỡi câu và cuối cùng, các nước này được gì? Họ mua phải hàng hớ”.
Bộ trưởng Năng lượng Ecuador, ông Carlos Perez nói: “Trung Quốc lợi dụng Ecuador. Chiến lược của họ rất rõ ràng: Nắm quyền kiểm soát kinh tế của các quốc gia”.
Ông Perez cũng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không trả nợ vay”, nhưng việc thoát khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ rất khó.
Theo bà Risa Grais-Targow, một nhà phân tích của công ty tư vấn Eurasia Group: “Họ biết họ không có quá nhiều nguồn tài chính, nên họ sẽ lại phải gõ cửa Trung Quốc”.
Các nhà phân tích nói chính phủ Tổng thống Moreno vẫn cần 11,7 tỉ USD để lo trả nợ. Và chính phủ này đã quay lại với các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (W.B) hoặc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Tiến hành xây đập bất chấp các cảnh báo
Con đập Coca Codo Sinclair được xây đã kéo Ecuador trở thành đồng minh của Trung Quốc, vào lúc hai nước này muốn “bật” Mỹ khỏi quyền lực tối thượng tại Nam Mỹ.
Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ năm 2008, Trung Quốc lôi kéo các chính phủ Nam Mỹ bằng các lời hứa giúp đỡ vực dậy nền kinh tế và “đối xử bình đẳng với nhau” nhằm phá đổ sự thống trị của Mỹ.
Kế hoạch đạt hiệu quả, hiện Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Nam Mỹ, thực hiện nhiều dự án cơ sở hạ tầng cũng như cho các nước trong khu vực vay nhiều tiền. Bắc Kinh cũng đạt được những thắng lợi chính trị, khi thúc ép các nước Nam Mỹ hủy quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Nhưng thực chất thì Trung Quốc và Ecuador không là các “đối tác bình đẳng”. Hai bên đều sẵn sàng phớt lờ các sai sót trong khâu thiết kế con đập khổng lồ, và gạt phắt các cảnh báo độc lập về hiệu quả kinh tế rằng các nghiên cứu kỹ thuật con đập đã bị lạc hậu hàng chục năm.
Ông Fernando Santos, một Bộ trưởng Năng lượng Ecuador vào những năm 1980, nói thẳng: “Chúng tôi bị nghiện vay tiền Trung Quốc mất rồi”.
Ông Santos còn kể hồi đó, chính quyền bác bỏ một phiên bản nhỏ hơn của dự án đập Coca Codo Sinclair chỉ vì gần đó có ngọn núi lửa Reventador. Và năm 1987, một trận động đất lớn đã đánh
sập một cơ sở khai thác dầu thô tại khu vực. Ông nói: “Núi lửa đã phun trào từ thuở người Tây Ban Nha đến Ecuador hồi thế kỷ 16. Đầu tư quá nhiều tiền vào khu vực này là điều quá vô lý”.
Ngoài việc ngọn núi vẫn có thể tái hoạt động, còn có những hồi chuông báo động khác: năm 2010, một nghiên cứu độc lập về đập Coca Codo Sinclair (do một cơ quan chính quyền Mexico thực hiện) đã cảnh báo rằng trong gần 30 năm đã không hề có nghiên cứu nào về nguồn nước trong khu vực để con đập có thể phát điện. Sau đó, Ecuador trải qua nhiều cơn hạn hán nặng nề, và còn những lo ngại lớp băng đá ở Ecuador đang bị tan chảy do tình trạng thay đổi thời tiết.
Ngay cả một nhà ngoại giao Trung Quốc ở Ecuador (đề nghị báo Times giấu tên) nói ông cũng nghi ngờ về dự án xây đập: “Chúng tôi đã không chú ý nhiều về nghiên cứu tác động môi trường”.
Nhưng bất chấp các cảnh báo, cựu tổng giám đốc của dự án đập Coca Codo Sinclair, ông Luciano Cepeda nói các quan chức cấp cao trong chính quyền đã thúc ép phải xây con đập này, vì “một nghiên cứu mới đã được tiến hành nhiều năm qua”.
Dự án này còn liên quan vấn đề – địa chính trị. Tổng thống Ecuador lúc đó là ông Rafael Correa đã hứa hiện đại hóa đất nước và thoát khỏi quỹ đạo của Mỹ. Chính khách cánh tả này trúng cử tổng thống năm 2006, trùng thời điểm nhiều nhân vật cánh tả giành được quyền lực ở các nước Nam Mỹ.
Ông Correa luôn thể hiện thái độ chống đế quốc Mỹ, và năm 2008, ông từ chối không gia hạn giấy phép cho lực lượng bài trừ ma túy Mỹ bay tuần tra sau khi cất cánh từ một căn cứ không quân Ecuador.
Sau đó, ông Correa ngưng hợp tác với các ngân hàng và các tổ chức tài chính phương Tây như WB và IMF. Ông chỉ đạo Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Diego Borja vay tiền của Trung Quốc. Nhưng ông Borja và các quan chức bị choáng trước các điều khoản cho vay:
1- Phải vay phần lớn tiền của Ngân hàng Xuất – nhập khẩu Trung Quốc (thuộc nhà nước Trung Quốc) với lãi suất cao.
2- Ecuador phải để các công ty Trung Quốc xây dựng con đập khổng lồ, điều này loại bỏ bất kỳ sự cạnh tranh nào của các công ty phương Tây.
Xem ra Trung Quốc “soi” kỹ nguồn dầu thô của Ecuador, nước thành viên nhỏ nhất trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC). Năm 2009, Trung Quốc cho Ecuador vay 1 tỉ USD và nước này phải trả bằng dầu thô cho Tập đoàn dầu khí nhà nước PetroChina (Trung Quốc).
Ecuador hiện vẫn chưa thể trả hết nợ. Khoản vay 1,7 tỉ USD từ Exim Bank rất bở đối với Trung Quốc: lãi suất 7% trong 15 năm. Nếu tính riêng khoản lãi thì Ecuador mỗi năm nợ Trung Quốc125 triệu USD.
Con đập “đắp chiếu” sau chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc
Tổng thống Correa có tiền, nhưng một cuộc khủng hoảng mới lại nổ ra: Ecuador bị mất điện, vì một trận hạn hán nặng làm kiệt cạn nguồn nước dự trữ, làm tê liệt các trạm thủy điện.
Nhưng thay vì tìm nguồn điện khác, ông Correa quyết tăng gấp đôi sản lượng thủy điện. Các quan chức nói Bộ trưởng Điện lực Aleksey Mosquera (dưới quyền ông Correa) chính là người đầu tiên đề xuất xây siêu dự án Coca Codo Sinclair, để cung cấp 1/3 sản lượng điện cho Ecuador, và đó sẽ là cuộc đầu tư lớn nhất trong lịch sử Ecuador.
Vậy là chính quyền Correa quyết giao việc xây con đập ngay dưới chân ngọn núi lửa cho tập đoàn xây dựng nhà nước Sinohydro (Trung Quốc). Cuối năm 2016, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc bay đến Ecuador dự lễ khánh thành công trình.
Nhưng chỉ 2 ngày sau chuyến thăm của ông Tập, con đập khổng lồ rơi vào tình trạng hỗn loạn: các kỹ sư cố gắng sản xuất đủ 1.000 megawatt của con đập, nhưng cả cơ sở này lẫn lưới điện quốc gia lại không đủ sức truyền tải nguồn điện đó. Các thiết bị rung sòng sọc rất nguy hiểm, khiến toàn quốc bị cúp điện, theo các quan chức cho biết. Nhưng toàn thể dân Ecuador không bao giờ được cho biết về sự thất bại của con đập, và kể từ đó không hề có lần vận hành con đập nào nữa.
Cuối năm 2018, tức 2 năm sau khi khánh thành, trên thành đập xuất hiện 7.648 vết nứt. Hồ chứa nước đầy bùn, cát và cây khô. Hiện con đập chỉ vận hành một nửa công suất. Các chuyên gia nói do bản thiết kế – cùng với chu kỳ hai mùa khô – mưa của Ecuador – nên con đập chỉ có thể sản xuất đủ sản lượng điện trong chỉ vài giờ/ngày và trong chỉ 6 tháng.
Trước đó vào năm 2014, các kỹ thuật viên phát hiện những vết nứt trên các thiết bị thép không rỉ “made in China”. Đến tháng 12 năm đó, 13 công nhân Trung Quốc chết khi một đường hầm bị ngập nước và sập. Một kỹ sư cao cấp gởi báo cáo đến Tổng thống Correa và xin ý kiến chỉ đạo. Vài ngày sau, viên kỹ sư bị đuổi việc, theo các cựu quan chức cho Times biết.
Hiện cư dân thị trấn Cuyuja rất sợ đập sẽ sập xuống đầu họ, nếu như xảy ra tình trạng chuồi lở đất thường xuyên.
Người Trung Quốc “thi đua đút lót” với đối thủ Brazil?
Con đập cũng trở thành một vụ tai tiếng tham nhũng tầm cỡ quốc gia, với hầu hết quan chức cấp cao (thời Tổng thống Correa) liên quan dự án xây đập đều bị tù, bị tuyên án nhận hối lộ.
Các tội phạm này gồm:
+ Cựu phó tổng thống Jorge Glas Espinel (viết tắt là Glas) bị kết án 6 năm tù vì nhận tiền hối lộ của Odebrecht, tập đoàn xây dựng của Brazil và là đối thủ chính của Trung Quốc ở mảng xây dựng cơ sở hạ tầng khắp Nam Mỹ.
Các công tố viên Mỹ nói Odebrecht đã chi 33,5 triệu USD để hối lộ ở Ecuador nhằm trúng thầu, và hiện các quan chức nước này đang điều tra khả năng Trung Quốc cũng đút lót cho ông Glas cùng tay chân của ông.
+ Ricardo Rivera, một cộng sự thân cận của ông Glas cũng bị buộc tội nhận tiền của người Brazil.
+ Cựu Bộ trưởng Điện lực Aleksey Mosquera đang thụ án 5 năm tù vì nhận 1 triệu USD tiền hối lộ của Odebrecht.
+ Carlos Polit, một cựu quan chức cơ quan bài trừ tham nhũng phụ trách giám sát dự án đập Coca Codo Sinclair, bị buộc tội nhận hối lộ hàng triệu USD từ Odebrecht.
Cũng có chứng cứ gợi ý các quan chức trên cũng nhận tiền hối lộ của người Trung Quốc. Ví dụ một quan chức Odebrecht đã lén ghi âm cuộc nói chuyện tại nhà của Polit. Lúc đó, quan chức đó nói Phó Tổng thống Glas “đòi nhiều tiền” rồi ông giải thích rằng ông ta đã được dạy rằng “đó là điều phải làm vì người Trung Quốc đã đút lót rồi”.
Đoạn ghi âm đã được nộp cho ngành công tố Brazil rồi bị xì cho giới truyền thông nước này. Ecuador cũng mở cuộc điều tra, đặc biệt chú ý Rivera, người tự nhận là đại diện của Phó Tổng thống Glas trong nhiều chuyến thăm Trung Quốc.
Các quan chức bảo vệ pháp luật Ecuador nói họ đang điều tra 13 lần chuyển khoản trị giá 17,4 triệu USD do Rivera thực hiện, đến một tài khoản ngân hàng HSBC ở Hồng Kông.
Gần đây nhất, Bộ trưởng Tư pháp Ecuador, ông Paul Perez chỉ huy cuộc điều tra nghi án người Trung Quốc đưa hối lộ, và hồi tháng 11.2018, ông đến Trung Quốc nhờ hỗ trợ điều tra. Nhưng ông Perez lại từ chức ngày 13.11, ngay sau khi từ Trung Quốc trở về. Ông từ chối bình luận với Times.
Cựu Tổng thống Correa hiện sống lưu vong ở Bỉ, bị chính quyền Ecuador truy nã vì tội tổ chức bắt cóc một đối thủ chính trị. Nhiều trợ lý của ông cũng bị kết án vì tội tham nhũng, hoặc đang trốn tránh pháp luật.
http://biendong.net/diem-tin/26161-tq-bay-no-va-bon-rut-ecuador-bang-dap-thuy-dien-khong-lo.html
Hé lộ “quân át chủ bài bóng tối” của ông Tập
trong cuộc chiến thương mại Mỹ-TQ
Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc được cho là đứng vị trí hàng đầu trong bộ máy gián điệp rộng lớn, bao gồm các cơ quan tình báo quân đội, cảnh sát và cả các cơ quan nhà nước khác.Theo Bloomberg, Bộ An ninh Nhà nước (MSS), cơ quan tình báo chuyên trách của Trung Quốc, đã bị đưa vào tầm ngắm toàn cầu khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung bùng phát.
Hai trong số các tài sản bị cáo buộc của cơ quan này đã bị công khai và nằm trong bản cáo trạng của Mỹ liên quan tới các hoạt động gián điệp của Trung Quốc trên quy mô toàn cầu.
Sau khi CFO của Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt tại Canada theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ, chính các đặc vụ MSS đã bất ngờ bắt giữ hai người Canada ở Trung Quốc, gây ra tình trạng căng thẳng ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc.
(Công ty Huawei từ lâu đã bị nghi ngờ xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông nhằm thu thập thông tin, dữ liệu ở Mỹ và cung cấp cho cơ quan tình báo Trung Quốc).
Phạm vi tiếp cận của MSS càng được mở rộng dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khi ông này thúc đẩy các bộ luật an ninh, trong khi giới hạn về quyền lực của cơ quan này còn rất mơ hồ.
1. MSS là cơ quan nào?
Nếu so với cơ quan tình báo Mỹ, thì MSS là một cơ quan đa chức năng. Nó tiến hành các hoạt động tình báo ở nước ngoài như CIA và hoạt động ở trong nước như FBI, đồng thời cũng tổ chức các hoạt động theo dõi như NSA.Được thành lập vào năm 1983, số lượng nhân viên và trụ sở cơ quan không được công bố, có thông tin cho rằng trụ sở cơ quan này nằm ở phía Tây thủ đô Bắc Kinh. MSS không có trang web và văn phòng báo chí.
2. Ai là người điều hành?
Trần Văn Thanh, nguyên là một cảnh sát trưởng, từng tham gia chỉ đạo chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã tiếp nhận vị trí Bộ trưởng MSS vào năm 2016.
Trần Văn Thanh từng là Phó trưởng ban Ủy ban An ninh Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan được ông Tập thành lập vào năm 2013 nhằm đưa các cơ quan an ninh đặt trực tiếp dưới quyền kiểm soát của Đảng.
MSS được giám sát bởi Hội đồng Nhà nước, nội các Trung Quốc do Thủ tướng Lý Khắc Cường điều hành, mặc dù ông Tập đã có vai trò lớn hơn trong việc hoạch định chính sách so với các đời chủ tịch trước đó.
3. Chức năng của MSS là gì?
Luật An ninh Quốc gia năm 2015 đã mở rộng phạm vi hoạt động của MSS, từ lĩnh vực vũ trụ đến đại dương hay trong môi trường internet. Cơ quan này cũng có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước khác hợp tác.
Không có thông tin cho thấy MSS có chức năng bán quân sự hoặc tiến hành các hoạt động can thiệp như CIA.Tuy nhiên, cơ quan này được cho là cũng điều hành các cơ sở giam giữ bí mật khét tiếng ở Trung Quốc.
Trên không gian mạng, MSS được hưởng lợi từ mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà nước và các công ty công nghệ Trung Quốc lớn như Baidu, Alibaba và Tencent, theo ông Richard McGregor, một nhà nghiên cứu tại Viện Lowy, Sydney.
4. MSS “nổi tiếng” đến mức nào?
Các tù nhân Trung Quốc và nước ngoài đã cáo buộc cơ quan này vi phạm các quyền của họ. Một số người cho biết họ bị thẩm vấn 6 tiếng mỗi ngày, không được tiếp cận với luật sư và bị giam trong các phòng giam sáng đèn 24/7.
Michael Kovrig, một trong hai người Canada bị bắt giữ sau khi CFO Huawei bị bắt tại Canada ngày 1/12, cũng đã cáo buộc phía Trung Quốc về tình trạng tương tự.
5. Kỷ lục được và mất?
Tờ thời báo New York mới đây đã đưa tin Tổng thống Donald Trump cảnh báo về vấn đề an ninh khi sử dụng các thiết bị di động từ Trung Quốc (và Nga). Peter Mattis, nguyên là chuyên gia phân tích Trung Quốc của CIA, cảnh báo mối nguy hại an ninh đến từ Trung Quốc là đáng lo ngại nhất.
Năm 2017, tờ Times đưa tin chính quyền Trung Quốc đã triệt phá các cơ sở và thủ tiêu hơn một chục gián điệp của CIA tại nước này trong nhiều năm qua, vụ việc mà các quan chức Mỹ đánh giá là thất bại tồi tệ nhất của CIA trong những thập kỷ qua.
Các cơ quan thông tấn của Úc Fairfax Media/ Nine News đưa tin rằng MSS chịu trách nhiệm cho hàng loạt các vụ tấn công mạng nhằm vào các công ty Úc trong năm 2018, bất chấp hai nước đã có những thỏa thuận không đánh cắp các bí mật thương mại của nhau.
Bên cạnh đó, một sĩ quan cao cấp của MSS, Hứa Ngạn Quân, đã bị bắt ở Bỉ và dẫn độ về Mỹ hồi tháng 10/2018 với cáo buộc âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ các tập đoàn hàng không hàng đầu – lần đầu tiên một điệp viên của Trung Quốc bị bắt và đưa đến Mỹ với cáo buộc gián điệp kinh tế.
6. MSS có hoạt động đơn lẻ?
Bộ này được cho là đứng vị trí hàng đầu trong bộ máy gián điệp rộng lớn bao gồm các cơ quan tình báo quân đội, cảnh sát và cả các cơ quan nhà nước khác, tất cả các kênh thông tin đều được báo cáo lên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Các cơ sở khu vực và địa phương của nó đều có địa bàn hoạt động và nhiệm vụ cụ thể. Chi nhánh của cơ quan này ở Bắc Kinh đang có trách nhiệm xử lý vụ Kovrig.
Chi nhánh MSS ở Thượng Hải nổi danh từ các vụ bắt bớ gián điệp Mỹ, trong đó bao gồm cả việc tuyển mộ Kevin Mallory – nguyên là nhà thầu quốc phòng Mỹ và nhân viên của CIA – đã bán những tài liệu mật cho các nhân viên tình báo Trung Quốc.
http://biendong.net/doc-bao-viet/26148-he-lo-quan-at-chu-bai-bong-toi-cua-ong-tap-trong-cuoc-chien-thuong-mai-my-tq.html
TQ hoãn sự kiện du lịch New Zealand
giữa lo ngại rạn nứt ngoại giao
Trung Quốc vừa hoãn một chiến dịch quảng bá du lịch lớn ở New Zealand vài ngày trước khi chương trình ra mắt, và chuyến thăm của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tới Bắc Kinh tiếp tục bị hoãn lại giữa lúc quan hệ giữa hai nước đang trở nên căng thẳng vì ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, theo Reuters.Bà Ardern hôm 12/2 thừa nhận có “sự phức tạp” trong quan hệ với Trung Quốc, nhưng bác bỏ những quan ngại về sự rạn nứt quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand.
“Mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc là một mối quan hệ phức tạp và đôi khi có những thách thức”, Reuters dẫn lại lời Thủ tướng Ardern nói với TVNZ trong một cuộc phỏng vấn.
New Zealand hôm 12/2 cho biết một sự kiện nhằm khởi động “Năm Du lịch Trung Quốc-New Zealand 2019” tại Wellington vào tuần tới đã bị Trung Quốc hoãn lại và bà Ardern nói với các phóng viên rằng thời điểm chuyến đi của bà đến Trung Quốc, đã được lên kế hoạch vào cuối năm 2018, hiện vẫn chưa được chốt lại.
“Tôi đã được mời đến thăm Trung Quốc, điều đó không thay đổi. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm ra thời điểm thích hợp”, bà Ardern nói.
Mối quan hệ của New Zealand với Trung Quốc trở nên căng thẳng dưới thời chính phủ của bà Ardern, vốn công khai nêu lên những lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Nam Thái Bình Dương, và từ chối công ty viễn thông khổng lồ của Trung Quốc Huawei ngay trong đợt đấu thầu đầu tiên để xây dựng mạng di động 5G.
Lãnh đạo đảng đối lập Simon Bridges đổ lỗi cho bà Ardern và Phó Thủ tướng Winston Peters đã làm cho “mối quan hệ liên tục xấu đi” với Trung Quốc, và nói rằng mối quan hệ giữa hai bên đang ở mức tồi tệ nhất.
Những người phản đối và truyền thông địa phương đặt câu hỏi liệu việc một chuyến bay của Air New Zealand gần đây đã bị từ chối nhập cảnh Trung Quốc có thể là một phần nguyên nhân của mối quan hệ xấu đi hay không, mặc dù hãng hàng không, chính phủ New Zealnd và chính quyền Trung Quốc đều nói rằng đó là do vấn đề về hành chính.
Bà Ardern cũng bác bỏ lập luận cho rằng lệnh cấm Huawei có tác động lên quan hệ ngoại giao, và khẳng định rằng New Zealand không bị các nước khác thúc đẩy trong việc đưa ra quyết định.
“Một số vấn đề của Huawei đã được nêu ra một vài lần. Nhưng thực tế, quyết định liên quan đến mạng 5G và việc thực hiện như thế nào được điều chỉnh bởi một quy định, một quy trình kiểm tra bất kỳ quyết định nào mà chúng tôi đưa ra là vì lợi ích tốt nhất về dữ liệu và bảo mật của người New Zealand”, Reuters dẫn lời bà Ardern nói.
Huawei đã phải đối mặt với sự giám sát của quốc tế về mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc và mối nghi ngờ về việc Bắc Kinh có thể sử dụng công nghệ để làm gián điệp.
Không có bằng chứng nào được đưa ra công khai và công ty này nhiều lần phủ nhận các tuyên bố, nhưng các cáo buộc đã khiến một số nước phương Tây hạn chế quyền tiếp cận của Huawei vào thị trường của họ.
Năm ngoái, New Zealand đã ban hành một tuyên bố về chính sách quốc phòng, trong đó nói rằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương có thể làm suy yếu sự ổn định của khu vực, đồng thời đề cập đến những căng thẳng ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp, khiến cho Trung Quốc lên tiếng phản đối.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-hoan-su-kien-du-lich-new-zealand-giua-lo-ngai-ran-nut-ngoai-giao/4783433.html
Thái Lan đình chỉ kênh truyền hình
do gia đình cựu TT Thaksin điều hành
Cơ quan quản lý truyền thông Thái Lan hôm 12/2 đã đình chỉ hoạt động một kênh truyền hình do gia đình cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra điều hành, với lý do vi phạm an ninh quốc gia.Hãng tin Reuters dẫn lời của Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Thái Lan (NBTC) cho biết hai chương trình trên kênh Voice TV là Tonight Thái Lan và Wake Up News đã truyền bá thông tin gây hoang mang và chia rẽ công chúng.
NBTC công bố lệnh đình chỉ này chỉ vài tuần trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào ngày 24/3.
Ông Perapong Manakit, một thành viên của Uỷ ban, nói: “NBTC đã yêu cầu Đài Voice TV phải tự cải thiện bằng việc đình chỉ giấy phép hoạt động trong 15 ngày.”
Cuộc bầu cử ngày 24/3, cuộc đọ sức giữa thủ tướng thân quân đội và hoàng gia Prayuth Chan-ocha và phong trào dân túy do ông Thaksin và những người ủng hộ ông lãnh đạo, sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ cuộc đảo chính quân sự vào năm 2014 và xuất hiện những lo ngại về nỗ lực trấn áp của chính phủ quân đội đối với phe thân ông Thaksin.
Đài Voice TV do hai người con của ông Thaksin sở hữu. Ông Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006 và sống lưu vong ở nước ngoài từ năm 2008 để tránh các cáo buộc tham nhũng mà ông cho là do động cơ chính trị.
Ông Takorn Tantasith, tổng thư ký ủy ban NBTC, nói rằng đài Voice TV vi phạm luật phát sóng truyền hình, cụ thể có một phần phát sóng liên quan đến an ninh quốc gia, hòa bình và trật tự.
Theo NBTC, một số phóng sự của Voice TV có nêu các cuộc phỏng vấn với hai ứng cử viên thủ tướng của đảng Pheu Thai do ông Thaksin sáng lập.
https://www.voatiengviet.com/a/thai-lan-dinh-chi-kenh-truyen-hinh-do-gia-dinh-cuu-tt-thaksin-dieu-hanh/4783230.html
Thái Lan : Ván cờ chính trị đáng ngờ của hoàng gia
Minh AnhLe Monde (12/02/2019) tìm cách giải mã diễn biến chính trị Thái Lan trong cuối tuần qua. Tờ báo nhận định « Tại Thái Lan, nhập nhằng chính trị, trò chơi đáng ngờ của phe quân chủ ».
Chính trường Thái Lan cuối tuần qua chẳng khác gì một màn kịch 3 hồi. Hồi thứ I được bắt đầu với thông báo gây sốc cho hay người chị cả của quốc vương, công chúa Ubolratana, được một đảng thù nghịch với chế độ quân sự, đảng Thai Raksa Chart, đề cử tranh chức thủ tướng chính phủ.
Người dân Thái chưa hết bàng hoàng thì hồi II diễn ra ngay trong chiều tối cùng ngày khi hoàng cung ra thông cáo khẳng định vị trí ứng viên của công chúa là vô giá trị. Hồi III xảy ra vào sáng sớm hôm sau, thứ Bảy 09/02. Đảng Thai Raksa Chart cho biết rút đề cử công chúa.
Chuyện gì xảy ra ? Vụ việc này có ý nghĩa gì ? Theo nhiều nhà phân tích được Le Monde trích dẫn, khó có thể nghĩ là công chúa đã không báo trước quốc vương ý định tham gia chính trường hay quốc vương không biết đến một quyết định như thế. Le Monde nhìn nhận mức độ mù mờ của chính trường Thái đến mức người ta khó có thể biết được chuyện gì đang diễn ra trong hậu trường.
Tuy nhiên, có một điều mà giới chuyên gia biết được đó là quốc vương Vajiralongkorn, khi còn là hoàng thái tử từng quen biết với gia đình Shinawatra. Người ta còn biết được rằng từ khi bước lên ngai vàng, ông không ngừng tìm cách mở rộng không gian chính trị.
Quốc vương đã yêu cầu viết lại ba điều khoản trong Hiến Pháp, để mở rộng tầm ảnh hưởng và kiểm soát quân đội, như đặt một người thân tín vào vị trí lãnh đạo quân đội, đồng thời lấy lại quyền kiểm soát tài sản của hoàng gia, ước tính trị giá khoảng 30 tỷ euro. Và chính sách này đã được quốc vương âm thầm tiến hành trong hai năm đầu trị vì như nhận xét của chuyên gia Paul Chambers, trong một bài đăng trên trang mạng New Mandala, được Le Monde trích dẫn.
Điều này đã gây chia rẽ quân đội và làm xuất hiện nhiều tin đồn đảo chính lan truyền trong ngày Chủ Nhật 10/02 cho rằng lãnh đạo quân đội tướng Apirat Kongsompong đã bị phe quân đội bãi chức. Tin đồn này đã bị chính lãnh đạo quân đội bác bỏ ngày thứ Hai 11/02.
Trong bối cảnh này, những người ủng hộ nền dân chủ không khỏi tự hỏi trong giai đoạn bầu cử này lẽ ra sẽ phải đánh dấu chấm hết cho thời kỳ « chuyên chế » của phe quân đội, thì chẳng phải con đường mà hoàng gia đang đi là gần giống với con đường đi tới hướng một nền quân chủ tuyệt đối trá hình ?
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190212-thai-lan-van-co-chinh-tri-dang-ngo-cua-hoang-gia
Tương lai Thái Lan vẫn trong tay quân đội
Thanh HàNgày 24/03/2019 Thái Lan bầu lại Quốc Hội. Đây là cuộc tuyển cử đầu tiên từ sau cuộc đảo chính do quân đội tiến hành năm 2014. Cử tri Thái sẽ bầu ra 500 đại biểu Quốc Hội.
Trong bài “Thái Lan đi về đâu ?” đăng trên trang mạng của Viện Quan hệ Quốc Tế Pháp, IFRI ngày 04/02/2019, Charuwan Lowira-Lulin trở lại với những thủ đoạn của bên quân đội để nắm giữ quyền lực một cách lâu dài tại Thái Lan.
Chưa đầy hai tháng trước bầu cử Quốc Hội Thái Lan, chị của quốc vương Thái bất ngờ tuyên bố đại diện cho đảng Thai Raksa Chart, thân với thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra, ra tranh cử để trở thành thủ tướng. Nhưng giấc mơ ấy của công chúa Ubolratana chóng tàn. Chưa đầy 24 giờ sau, đảng Thai Raksa Chart, phải rút tên ứng viên ngoại hạng này. Thậm chí đảng này còn bị đe dọa cấm hoạt động.
Tính đến năm 2014 Thái Lan đã trải qua 18 cuộc đảo chính, kể từ khi chấm dứt chế độ quân chủ tuyệt đối năm 1932. Từ thập niên 1970, năm năm vừa qua là giai đoạn dài nhất quyền lực trong tay tập đoàn quân sự xứ Xiêm La. Theo nhà nghiên cứu về Thái Lan Charuwan Lowira-Lulin, tập đoàn quân sự sẽ còn tiếp tục điều hành đất nước trong một thời gian dài, vì quân đội đã làm chuẩn bị tất cả cho mục đích ấy.
Bóng dáng Thaksin
Để hiểu được bối cảnh chính trị Thái Lan hiện nay, tác giả đã trở lại thời điểm 2001 khi đảng Thai Rak Thai do nhà tài phiệt Thaksin Shinawatra lập ra và đảng này đã đắc cử, làm đảo lộn toàn cảnh chính trị Bangkok. Đảng Người Thái Thương Người Thái dùng lá bài xã hội để thu hút lá phiếu cử tri. Đắc cử vẻ vang, Thaksin tự tin vào hào quang của mình, mở rộng mạng lưới ảnh hưởng của gia đình Shinawatra và của đảng Thai Rak Thai. Nạn tham nhũng bùng lên trở lại.
Trong một chu kỳ 5 năm với Thaksin ở chức vụ thủ tướng, một phong trào đối lập bắt đầu hình thành và thường được biết đến dưới cái tên phong trào Áo Vàng. Để đối phó với Áo Vàng, phe ủng hộ đảng Thai Rak Thai khoác lên mình những chiếc áo sơ mi đỏ, gọi là phe Áo Đỏ.
Tình hình chính trị bấp bênh. Năm 2006 tướng Sonthi Bunyaratakatin đảo chính. Thủ tướng Thaksin bị truy tố về một loạt các tội danh, từ lạm quyền đến tham nhũng. Ông đã phải trốn ra nước ngoài. Nhưng quân đội lùi về hậu trường.
Chuyên gia về tình hình Thái Lan thuộc viện IFRI của Pháp nhắc lại, “cái bóng của Thaksin”vẫn bao phủ lên sân khấu chính trị Thái Lan và từ xa, ông này vẫn gián tiếp can thiệp vào các hoạt động chính trị của đất nước qua trung gian ba đời thủ tướng : Samak Sundaravej (2006-2008), Somchai Wongsawat (2008-2011) và nhất là nữ thủ tướng Yingluck Shinawatra (2011-2014), em gái Thaksin.
Bà Yingkuck bị chỉ trích là con rối trong tay người anh. Dưới nhiệm kỳ của bà, nhiều vụ tai tiếng tham nhũng tiếp tục gây công phẫn trong dư luận, dẫn tới nhiều đợt biểu tình rầm rộ gây rối loạn một phần các hoạt động kinh tế. Năm 2013 Yingluck Shinawatra ban hành một đạo luật ân xá mở đường cho người anh trở về. Đó là giọt nước làm tràn ly.
Bà bị truất phế vào tháng 5/ 2014. Hai tuần sau quân đội lên cầm quyền. Tổng tư lệnh Lục Quân, tướng Prayuth Chan Ocha đứng đầu tập đoàn quân sự mang tên Khor Sor Chor – Ủy Ban Quốc Gia vì Hòa Bình và Trật Tự thâu tóm quyền lực. Với sự đồng thuận của hoàng gia, tướng Prayuth Chan Ocha được chỉ định vào chức vụ thủ tướng.
Tập đoàn quân sự Thái từng bước củng cố quyền lực
Sau nhiều tháng bất ổn, việc tướng Prayuth Chan Ocha lên thay thế bà Yingluck được công luận Thái Lan tán đồng, với hy vọng mọi người được yên ổn làm ăn. 2014 cũng là thời điểm sức khỏe của nhà vua Rama IX sa sút, quân đội được coi là một phao cứu hộ. Tướng Chan Ocha hứa hẹn cải tổ đất nước, hòa giải giữa hai phe Áo Đỏ và Áo Vàng. Quan trọng hơn nữa là quân đội cam kết cho bầu lại Quốc Hội.
Trên thực tế, theo chuyên gia của viện IFRI, “tập đoàn quân sự đã tìm mọi cách để nắm giữ quyền lực“. Một trong những phương tiện đó là khai thác tinh thần bài Thaksin để chinh phục cảm tình của công luận.
Tác giả bài tham luận được đăng trên trang mạng của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, Charuwan Lowira-Lulin không khoan nhượng khi điểm lại tình hình Thái Lan từ khi tập đoàn quân sự lên cầm quyền tới nay : từ kinh tế, chính trị đến xã hội, không có gì thay đổi trong hơn 4 năm qua. Thay đổi duy nhất là quyền lợi của bên quân đội thì đã được tăng lên đáng kể.
Trò hề dân chủ
Cụ thể hơn, năm qua, tập đoàn quân sự đã làm những gì để kiểm soát đất nước ? Tác giả bài viết nhắc lại, quân đội Thái đã lập ra một số các ủy ban để gọi là giám sát tiến trình cải tổ nhưng về thực chất các ủy ban đó đều trong tay các tướng lĩnh ở Bangkok.
Thế rồi cuộc chiến chống tham nhũng chỉ là khẩu hiệu bề ngoài để làm vừa lòng công luận. Từ 2014 tới nay, các quyền tự do báo chí và ngôn luận tại Thái Lan từng bước bị thu hẹp. Quyền tự do hội họp không còn tồn tại. Mọi chỉ trích nhắm vào chế độ, mọi bình luận về toàn cảnh chính trị Thái Lan trên các mạng xã hội đều bị nghiêm cấm và có thể dẫn đến những bản án tù.
Nhưng công cụ rõ rệt nhất để tập đoàn quân sự Thái Lan củng cố quyền lực là bản Hiến Pháp được thông qua năm 2017. Hai điều khoản quan trọng nhất trong văn bản này bao gồm : thứ nhất luật bầu cử và thứ hai là điều khoản 65 trong bản Hiến Pháp mới cho phép một Ủy Ban Chiến Lược Quốc Gia điều khiển gần như toàn bộ những lĩnh vực nhậy cảm – từ năng lượng đến an ninh, từ môi trường đến giáo dục – trong vòng 20 năm. Chủ tịch Ủy ban này không ai khác ngoài tướng Prayuth Chan Ocha.
Về luật bầu cử, Hiến Pháp Thái Lan chính thức có hiệu lực từ tháng 04/2017 quy định : lập pháp trong tay Quốc Hội và Thượng Viện. Thượng Viện bao gồm 200 thượng nghị sĩ, nhưng riêng trong khóa đầu tiên, quân đội đã chỉ định 250 thượng nghị sĩ. Thượng Viện có thẩm quyền đề cử thủ tướng chính phủ.
Về phía Quốc Hội, luật chơi lại càng phức tạp hơn.
Hạ Viện có 500 dân biểu, 350 trong số này đại diện cho 350 đơn vị bầu cử, và được bầu ra theo thể thức đơn danh đa số. 150 ghế còn lại được bầu theo tỷ lệ. Hai hình thức bầu bán này như ghi nhận của tác giả bài tham luận “Thái Lan đi về đâu ?” khiến các đảng nhỏ thiệt thòi, giúp cho phe quân đội tránh được mọi bất ngờ như kịch bản từng xảy ra hồi năm 2001 khi đảng Thai Rak Thai của nhà tài phiệt Thaksin bất ngờ chiếm đa số ở Quốc Hội
Vậy có những đảng nào ra tranh cử tại Thái Lan lần này ? Đối lập Áo Vàng, Áo Đỏ năm xưa nay đã được thay thế bằng một bên là tập đoàn quân sự Thái và bên kia là đảng Phuea Thai, do gia đình Thaksin Shinawatra “điều khiển từ xa“.
Bên quân đội lập ra đảng mang tên Phalang Pracharat có nghĩa là “quyền lực thuộc về dân“. Các thành viên của đảng này chủ yếu là bên quân đội Thái và các quan chức trong chính quyền.
Bên cạnh hai đảng lớn vừa nêu, thì còn phải kể tới Đảng Dân Chủ đã hoạt động từ 70 năm qua, nhưng gần như chưa bao giờ có sức thu hút đông đảo cử tri.
Mới đây, vừa xuất hiện phong trào mang tên Anakot Mai có nghĩa là “Tương lai mới“. Đại đa số thành viên là những người trẻ tuổi, chưa bao giờ tham gia các hoạt động chính trị. Anakot Mai có sức hấp dẫn trong mắt giới trẻ Thái Lan trong độ tuổi từ 18 đến 25, nhưng lại bị phần lớn công luận chỉ trích là có lập trường quá khích.
Qua việc công chúa Thái Lan tuyên bố ra tranh cử, công luận mới vừa biết thêm về đảng Thai Raksa Chart.
Nhưng đặc trưng của chính trị Thái Lan là luôn đem lại những bất ngờ. Ngần ấy những thủ đoạn của tập đoàn quân sự Thái để bám trụ quyền lực nhưng tới nay, các thăm dò về ý định bỏ phiếu cho thấy đảng Phalang Pracharat của bên quân đội hiện thời chỉ được từ 4 đến 5 % cử tri ủng hộ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190212-tuong-lai-thai-lan-van-trong-tay-quan-doi
Lãnh đạo Malaysia kêu gọi các nước Đông Nam Á
bảo vệ lãnh thổ trước Trung Quốc
Ông Anwar Ibrahim, người được cho là sẽ kế nhiệm Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, mới đây lên tiếng kêu gọi các nước Đông Nam Á phải bảo vệ lãnh thổ của mình trước những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.Phát biểu tại một diễn đàn ở Viện Quốc tế về Tư tưởng Hồi giáo ở Virngina, Mỹ, hôm 10/2, ông Anwar nói rằng Malaysia đã lấy lập trường bảo vệ lãnh thổ trong vấn đề Biển Đông.
“Lựa chọn tốt nhất là làm việc cùng các quốc gia nhỏ khác ở ASEAN để bảo vệ lập trường an ninh của mình, đặc biệt là bởi vì chúng tôi không thể trông đợi Hoa Kỳ trong tình hình hiện tại có thể tích cực hơn trong khu vực”, ông Anwar phát biểu tại diễn đàn.
Malaysia là một trong những nước ở khu vực Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Brunei và Philippines hiện đang có tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc, nước đòi chủ quyền đến 90% diện tích vùng nước qua đường đứt khúc 9 đoạn.
Malaysia là nước từ trước đến nay hiếm khi lên tiếng hay có hành động mạnh để phản đối những hành động xây lấp đơn phương các đảo nhân tạo và triển khai vũ khí ở Biển Đông do Trung Quốc tiến hành.
Tuy nhiên, nước này trong các năm qua cũng phải đối đầu với việc tàu chiến của Trung Quốc đi vào bãi Luconia do Malaysia kiểm soát.
Kể từ khi lên nắm quyền hồi năm ngoái, chính phủ mới của Thủ tướng Mahathir Mohamad đã tỏ rõ lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc, nhất là trong việc cho ngưng các dự án hạ tầng cơ sở lên đến hàng chục tỷ đô la do Trung Quốc đầu tư vì quan ngại các dự án không thực sự hiệu quả trong khi lại khiến Malaysia mắc nợ quá nhiều.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/anwar-tells-southeast-asian-to-defend-territory-against-china-02122019084528.html
0 nhận xét