Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Biển Đông – 12/02/2019

Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019 15:39 // ,

Tin Biển Đông – 12/02/2019

Thay đổi “tinh quái” trong chiến lược ở biển Đông,

TQ trở nên khó đối phó hơn bao giờ hết

Trung Quốc có thể tăng cường hiện diện của lực lượng bán quân sự nước này trên biển Đông nhằm củng cố các yêu sách chủ quyền phi lý – theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Trung Quốc tái cấu trúc Hải cảnh
SCMP cho hay, trong năm qua Bắc Kinh đã đẩy mạnh vai trò của Hải cảnh và đưa lực lượng này về dưới sự quản lý của Quân ủy trung ương.
Phát biểu trước các quan chức lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc nhân dịp Tết Âm lịch, Phó chủ tịch quân ủy Hứa Kỳ Lượng nói tất cả nhân sự cần sẵn sàng cho các tình huống khác nhau trên biển Hoa Đông và biển Đông.
Adam Ni, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Macquarie University ở Sydney, Australia, nói rằng Hải cảnh Trung Quốc “đóng vai trò then chốt trong các tranh chấp chủ quyền bằng cách tuần tra quanh những vùng nước có mâu thuẫn để củng cố yêu sách hàng hải của Trung Quốc”.
“Điều này giúp giải phóng sức mạnh cho Hải quân [Trung Quốc] để có thể đầu tư sức mạnh ngày càng hướng ra xa khỏi bờ biển Trung Quốc,” Ni nói với SCMP.
Thông điệp của tướng Hứa Kỳ Lượng với Hải cảnh thể hiện hướng đi mới của lực lượng này sau cuộc tái cấu trúc lớn vào năm ngoái, khi Cục hải dương Trung Quốc (SOA) – cơ quan đồng quản lý Hải cảnh cùng Bộ công an Trung Quốc – được sáp nhập với Bộ tài nguyên.
Hải cảnh hiện trở thành một phần của Cảnh sát vũ trang nhân dân Trung Quốc – trực thuộc Quân ủy trung ương. Cuộc cải tổ được cho là nhằm cải thiện khả năng điều phối và phối hợp của quân đội với lực lượng hành pháp trên biển – cơ chế trước đây vốn khá phức tạp khi phải thông qua nhiều ban ngành chồng chéo.
Từ lâu Trung Quốc đã kỳ vọng hạm đội Hải cảnh sẽ được đưa ra “tiền tuyến” trên các vùng nước có bất đồng ở biển Hoa Đông và biển Đông, trong khi hải quân lui lại với vai trò hỗ trợ. Nhưng việc SOA không có thẩm quyền điều động quân đội khiến việc hợp tác hải cảnh-hải quân gặp nhiều khó khăn.
Hải cảnh Trung Quốc sẽ xuất hiện ở các “tiền tuyến” tranh chấp
Vụ tái cấu trúc đã mở ra một giai đoạn kết nối mới giữa cảnh sát biển và hải quân Trung Quốc, điển hình là cuộc huấn luyện chung giữa Hải cảnh và Đại chiến khu miền Nam vào tháng 8/2018.
Hải quân Trung Quốc cũng điều động một bộ phận sĩ quan sang Hải cảnh, bao gồm chuẩn đô đốc Wang Zhongcai – người trở thành chỉ huy Hải cảnh từ tháng 12. Theo SCMP, ông Wang từng tham gia các nhiệm vụ của hải quân tại Vịnh Aden, và từng làm Phó tham mưu trưởng Hạm đội Đông Hải.
Trong đợt phối hợp mới nhất được ghi nhận bởi tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), một đội tàu của Trung Quốc lên đến 95 chiếc – gồm tàu hải quân, hải cảnh và tàu cá “dân quân trên biển” – đã áp sát khu vực đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) vào ngày 20/12 để gây sức ép, buộc Philippines ngưng hoạt động cải tạo trái phép tại đây.
Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu hàng hải tại Đại học công nghệ Nanyang, Singapore, đánh giá thông điệp trong dịp Tết Âm lịch vừa qua của ông Hứa Kỳ Lượng là dấu hiệu Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các cơ quan hành pháp dân sự như Hải cảnh ra tuyến đầu trong xử lý các tranh chấp hàng hải.
Theo ông, các đơn vị chấp pháp được xem là ít gây bất ổn hơn sự hiện diện của hải quân.
“Triển khai [cảnh sát biển] ra tuyến đầu cho thấy ít sự khiêu khích hơn, ít nhất về mặt lý thuyết, mặc dù những ngày vừa qua có nhiều câu hỏi và nghi vấn dấy lên rằng liệu điều này có thực sự đúng khi mà việc lợi dụng cảnh sát biển có thể che đậy cho những hành động gây hấn hơn tại các điểm nóng hàng hải,” ông Koh nói.
Do cảnh sát biển Trung Quốc là cơ quan hành pháp dân sự, việc lực lượng này tiến hành các hoạt động tuần tra, gây hấn ở biển Đông khiến việc xử lý họ trở nên khó khăn hơn. Điều động quân đội để đối đầu với hải cảnh Trung Quốc không phải là một lựa chọn, trong khi cảnh sát biển Trung Quốc lại được trang bị “tận răng” không thua kém bất kỳ lực lượng vũ trang nào.
Đại tá Trung Quốc về hưu Yue Gang cho rằng nước này sẽ tiếp tục nâng cấp hạm đội cảnh sát biển và tận dụng “trung tâm cứu hộ hàng hải” mới mà Bắc Kinh xây dựng (phi pháp) trên đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) để tiếp tế cho tàu bè.
Ông Yue nói thêm, hành động của Trung Quốc đã khiến Mỹ quan ngại và có giải pháp đối đầu. Hồi tuần qua, Tư lệnh hải quân Mỹ, đô đốc John Richardson kêu gọi thực thi các quy định chấp pháp cứng rắn hơn để kiềm chế lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc “hoành hành”.
Jin Yongming, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược biển thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), nhận định cơ chế kết nối mới giữa cảnh sát biển và quân đội giúp Trung Quốc xử lý tốt hơn các tình huống khẩn cấp trên biển, nhưng sự phối hợp giữa hai lực lượng vẫn chưa đầy đủ.
“Chúng tôi đã xây dựng được cấu trúc và khuôn khổ, nhưng sự phân chia nhiệm vụ [giữa hải cảnh và quân đội] vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng,” ông nói.

Tư lệnh Hải quân Mỹ

kêu gọi tránh va chạm trên Biển Đông

Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson cho rằng tàu chiến Mỹ-Trung cần phải giữ khoảng cách, tránh những hành động có thể khiến va chạm leo thang.
Sputnik đưa tin, Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson cho rằng tàu chiến Mỹ-Trung cần phải giữ khoảng cách, tránh những hành động có thể khiến va chạm leo thang.
Phát biểu tại hội nghị do đơn vị nghiên cứu có tên Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức, ông Richardson nói: “Không được cản trở, lái tàu đến trước mặt hay ném chướng ngại vật vào nhau. Hãy làm mọi việc trở nên dễ dàng hơn.”
Vị Tư lệnh hải quân này nhấn mạnh Washington nên tìm cách thức mới để thực thi các nguyên tắc ngăn chặn chạm trán hải quân vốn có, cũng như mở rộng việc áp dụng cho cảnh sát biển lẫn dân quân.
Theo Đô đốc Richardson, bối cảnh Mỹ hiện diện liên tục trong khu vực còn Trung Quốc không ngừng tăng cường sức mạnh hải quân đặt ra yêu cầu phải tạo ra nhiều phương thức giảm thiểu khả năng tàu chiến hai bên (vốn được trang bị nhiều vũ khí) gây ra sai lầm.
Hồi năm 2014, Mỹ và Trung Quốc nhất trí thực thi Bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên Biển Đông (CUES). Đây là thỏa thuận không mang tính ràng buộc với mục đích làm giảm nguy cơ đụng độ giữa tàu hải quân và máy bay quân sự, ngăn căng thẳng trở thành xung đột toàn diện.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia khu vực cáo buộc Bắc Kinh cố ý củng cố những yêu sách phi pháp trên Biển Đông bằng cảnh sát biển, dân quân thay vì hải quân.
Không những vậy, trong năm ngoái cường quốc châu Á này còn triển khai tàu chiến chặn trước trước mũi khu trục hạm Decatur của Mỹ vốn đang tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải. Đoạn phim ghi lại cảnh chạm trán cho thấy hai tàu cách nhau chỉ vài chục mét.
Đô đốc Richardson còn chia sẻ chuyến thăm Bắc Kinh tháng 1 của ông nằm trong nỗ lực tăng cường hiểu biết, giảm thiểu rủi ro xung đột. Tư lệnh Hải quân Mỹ cũng nhân dịp này có cuộc gặp quan chức quốc phòng Trung Quốc nhằm tái khẳng định chính sách mà Washington tiến hành trên Biển Đông lẫn vấn đề Đài Loan luôn nhất quán.

Anh sẽ điều tàu sân bay đến Thái Bình Dương

thách thức TQ

Bộ trưởng Quốc phòng Anh vạch ra chiến lược hậu Brexit, đề cao phô trương sức mạnh quân sự để bảo vệ lợi ích của London.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson hôm nay công bố chiến lược quân sự sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), trong đó gồm kế hoạch điều siêu tàu sân bay HMS Queen Elizabeth cùng hai phi đoàn tiêm kích tàng hình F-35 tới Thái Bình Dương để phô trương sức mạnh, Independent đưa tin.
HMS Queen Elizabeth dự kiến đi qua nhiều khu vực căng thẳng trên Thái Bình Dương, thách thức sự trỗi dậy của Moskva và Bắc Kinh. “Nước Anh và các đồng minh phương Tây cần sẵn sàng dùng sức mạnh cứng rắn để bảo vệ lợi ích. Chúng ta phải thể hiện cái giá rất đắt của những hành động gây hấn”, Bộ trưởng Williamson cho biết trước buổi phát biểu ở Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI).
Việc tập trung vào “sức mạnh cứng rắn” của Williamson đánh dấu sự thay đổi so với các chính phủ tiền nhiệm của Anh, vốn tập trung vào “sức mạnh mềm” như ngoại giao, thương mại và trao đổi văn hóa.
Cựu ngoại trưởng Anh Boris Johnson hồi năm ngoái tiết lộ kế hoạch triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tham gia tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Hoạt động này dự kiến diễn ra sau khi Queen Elizabeth hoàn tất thử nghiệm và được trang bị lực lượng đầy đủ gồm tiêm kích F-35, trực thăng, máy bay không người lái và phi cơ săn ngầm. Các chiến hạm Australia cũng sẽ hộ tống tàu sân bay Anh trong chuyến đi.
HMS Queen Elizabeth là tàu chiến lớn nhất trong lịch sử hải quân Anh, được đặt theo tên Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Con tàu có lượng giãn nước 65.000 tấn và diện tích mặt boong 16.000 mét vuông, gấp 2,5 lần sân vận động Wembley.
Lớp Queen Elizabeth được thiết kế để vận hành máy bay cất hạ cánh thẳng đứng (STOVL) với sự hỗ trợ của cầu nhảy. Ban đầu, các tàu dự kiến được trang bị hệ thống phóng và cáp hãm đà cho máy bay như lớp Nimitz và Gerald R. Ford của Mỹ, nhưng chi phí quá cao buộc hải quân Anh lựa chọn giải pháp STOVL và sử dụng tiêm kích F-35B.
HMS Queen Elizabeth có khả năng chở tối đa 36 máy bay F-35B và 4 trực thăng cảnh báo sớm Crowsnest. Nó có thể được bổ sung tới 12 trực thăng Chinook hoặc Merlin và 8 trực thăng tấn công AH-64 Apache.

Trump-Kim và Biển Đông

Trần Khải
Trong khi Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un tới họp Thượng đỉnh ở Hà Nội, sóng gió Biển Đông vẫn không ngừng căng thẳng… Nguyễn Phú Trọng sẽ có dịp đứng giữa Trump-Kim, đóng vai chủ nhà… và hài lòng vì được cả Trump-Kim nương tựa, cảm ơn. Nhưng, như thế sẽ giúp ích gì cho cuộc chiến bảo vệ Biển Đông của Việt Nam?
Có lẽ, rất gian nan… Ngay cả khi uy tín chính phủ Hà Nội có tăng trên chính trường quốc tế rằng Việt nam là nơi gỡ ngòi nổ bom nguyên tử, nói theo ý của TT Trump khi cho rằng cuộc chiến
nguyên tử vừa tránh được, thì Trung Quốc vẫn liên tục bày đủ thứ trò ở Biển Đông, bất kể các tàu chiến Mỹ liên tục lượn qua, lượn lại nơi Trường Sa và Hoàng Sa.
Cuộc thực hành quyền tự do hàng hải thứ 2 trong 5 tuần của chiến hạm Hoa Kỳ tại Biển Đông gây khó chịu Trung Cộng trong lúc đàm phán mậu dịch là 1 mặt trận đối đầu khác.
Tại Bộ ngoại giao Trung Cộng sáng Thứ Hai, phát ngôn viên Hua Chunying báo động : các khu trục hạm USS Spruance và USS Preble chớ đến gần và vi phạm chủ quyền biển/đảo vùng Trường Sa và Hoàng Sa – báo Hong Kong tường thuật : bà Hua yêu cầu “tức khắc ngưng khiêu khích để không đe dọa an ninh, ổn định và hòa bình của khu vực”.
Beijing tuyên bố chủ quyền tại hầu hết Biển Đông, tranh chấp với các lân bang.
Viên chức Hoa Kỳ ẩn danh xác nhận với Reuters : khu trục hạm trang bị phi đạn di chuyển trong phạm vi cách đảo đá ngầm Michief 12 hải lý – Trung Cộng đã xây dựng hạ tầng cơ sở quân sự tại đây. Tàu chiến Hoa Kỳ cũng áp sát 1 đảo cạn khác thuộc Trường Sa dưới quyền kiểm soát của Philippines.
Trong khi đó, bản tin CNBC cho biết Anh quốc sẽ gửi hàng không mẫu hạm mới, trên đó có 2 phi đoàn chiến đấu cơ F-35, và vùng Biển Đông.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Anh Quốc Gavin Williamson  xác nhận trong bài diễn văn sáng Thứ Hai rằng mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh quốc sẽ vào vùng biển tranh chấp giữa TQ và các nước khác.
Trong bài diễn văn đọc trước viện nghiên cứu Royal United Services Institute (RUSI) tại London, Williamson nói Anh quốc là nước đầu tư nhiều thứ nhì trong khu vực [Biển Đông] và phải chứng tỏ “quyền lực cứng” và “khả năng sát thủ” (lethality) để giúp bảo vệ quyền lợi.
CNBC nói rằng hàng không mẫu hạm này trị giá 3 tỷ bảng Anh (= 3.9 tỷ đôla Mỹ) cũng sẽ chạy vào Biển Trung Đông và Biển Địa Trung Hải và sẽ chính thức hợp tác xuất quân chung giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Hoàng gia Anh.
Williamson nói, “Các chiến đấu cơ F-35 của Mỹ và của Anh trên các hàng không mẫu hạm sẽ kết hợp, tăng tầm xa hoạt động và tăng khả năng sát thủ của quân lực chúng ta, đưa ra sự kiện rằng Mỹ vẫn là đối tác thân nhân của chúng ta.”
Bộ Trưởng Quốc Phòng Anh không đưa ra thời điểm chính xác về chiến dịch tiến vào Biển Đông…
Như thế, Việt Nam sẽ hài lòng… trong khi TQ liên tục xử ép thằng em xã hội chủ nghĩa phía Nam.
Duy có điều cũng phiền… vì Đài Loan lại gây sự anh bạn Philippines của chúng ta.
Bản tin VOA hôm Thứ Hai ghi rằng chính phủ Đài Loan ngày 11/2 thúc giục các bên liên quan ngưng có hành động có thể làm leo thang căng thẳng khu vực trong tranh chấp Biển Đông giữa lúc Philippines đang có công trình thi công trên một hòn đảo họ chiếm đóng trong vùng, theo CNA.
“Đài Loan nhắc lại chủ quyền tại các đảo ở Biển Đông và kêu gọi các bên tự chế, chớ có hành động làm leo thang căng thẳng khu vực, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Đài Loan Andrew Lee tuyên bố khi được hỏi về công trình xây dựng của Manila trên đảo Thị Tứ.
VOA ghi lời Ông Lee nói Đài Loan có chủ quyền với các hòn đảo này và vùng biển xung quanh theo luật quốc tế và phản đối các hành động đơn phương gần đây của các bên liên quan làm gia tăng căng thẳng. Ông yêu cầu ngưng ngay lập tức các hành động đó.
Trước đó, hôm thứ sáu tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana loan báo Manila sẽ tiếp tục tiến hành xây dựng trên đảo Thị Tứ bất chấp tin nói rằng lực lượng bán quân sự của Trung Quốc đang tập trung gần đó.
Với diện tích 0,37 cây số vuông, Thị Tứ là đảo lớn nhất trong số 9 thực thể mà Philippines kiểm soát ở Trường Sa.
Trong khi đó, bản tin RFI ghi nhận niềm hy vọng rằng   Thượng đỉnh Trump-Kim sẽ thành công tuyệt vời: Khác với thượng đỉnh Singapore tháng 6/2018, lần này trong hai ngày họp 27 à 28/02/2019 tại Hà Nội, mọi người chờ đợi tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ phải đi sâu vào chi tiết về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Đôi bên nhượng bộ những gì và nhượng bộ đến đâu mới vừa lòng đối phương? Theo giới quan sát, có nhiều khả năng Bình Nhưỡng giải thể cơ sở hạt nhân Yongbyon để đòi Washington xóa bỏ cấm vận kinh tế.
Chuyến công tác của đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên, Stephen Biegun trong tuần qua tại Seoul và Bình Nhưỡng, cũng như các cuộc họp được dự trù mở ra vào tuần tới, sát nút thượng đỉnh Hà Nội, đang làm dấy lên hy vọng đem lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và cả khu vực Đông Bắc Á.
Đến nay, Bình Nhưỡng đòi Washington bãi bỏ lệnh cấm vận. Còn về phía Hoa Kỳ thì chính quyền Trump đòi Kim Jong Un phải đi một bước trước, tức là từ bỏ tham vọng hạt nhân một cách “hoàn
toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược”. Câu hỏi đặt ra là để đạt đến đích, mỗi bên sẵn sàng đánh đổi những gì ?
RFI ghi rằng trước hết về phía Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã nhiều lần đánh tiếng sẽ hy sinh cơ sở hạt nhân Yongbyon, cách thủ đô Bắc Triều Tiên khoảng 100 cây số về phía bắc. Đây là nơi sản xuất uranium và plutonium, hai vật liệu chính để chế tạo bom nguyên tử.
Tháng 9/2018 sau thượng đỉnh lần thứ ba với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, chính tổng thống Hàn Quốc Moon Jae in đã cho biết, Bình Nhưỡng sẵn sàng đóng cửa nhà máy Yongbyon nếu như Hoa Kỳ đưa ra các biện pháp “tương ứng”. Seoul đã nhiều lần tán đồng giải pháp này. Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha trong một lần trả lời báo Mỹ, Washington Post đầu tháng 10/2018 từng giải thích : “Nếu Bình Nhưỡng thực hiện điều này để đổi lấy các biện pháp tương ứng từ phía Washington, như là tuyên bố kết thúc chiến tranh chẳng hạn thì đó sẽ là một bước tiến rất lớn” trong tiến trình giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên. Bản thân Hoa Kỳ cũng đã trực tiếp xác nhận tin Kim Jong Un cam kết giải thể cơ sở Yongbyon.
Dù vậy một số tiếng nói còn thận trọng trước thiện chí của Bình Nhưỡng vì chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên không tập trung hết ở Yongbyon. Đây cũng không phải là nơi duy nhất sản xuất uranium và plutonium phục vụ mục tiêu quân sự.
Chuyên gia Hàn Quốc, Nam Sung Wook, nguyên chủ tịch Viện An Ninh và Chiến Lược Quốc Gia Hàn Quốc xem cam kết giải thể cơ sở Yongbyon là một bước nhượng bộ “nửa vời” và lo ngại Bình Nhưỡng sẽ kéo dài thời gian để đòi đối phương nhượng bộ nhiều hơn nữa.
Còn phía Mỹ?
RFI ghi rằng nhiều nhà quan sát cho rằng, để Kim Jong Un chấp nhận xóa sổ cơ sở hạt nhân Yongbyon, Donald Trump cũng phải có những bước “nhượng bộ thỏa đáng”. Đấy có thể là hiệp ước kết thúc chiến tranh Triều Tiên, quyết định mở văn phòng đại diện tại Bình Nhưỡng, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Hễ Trump-Kim họp thành công, hai ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc sẽ tha hồ um xùm…
Khoan, cho hỏi: có tính mời Trump và Kim vào thăm Lăng Ông Hồ không? Trump chắc không chịu… Còn Kim có thể.
Còn phải suy nghĩ: món ăn nào nên quảng cáo đợt này: bún chả hay mì quảng, chả giò Sài Gòn hay nem Huế…
Điều nhận thấy: Trump-Kim đều muốn họp ở Hà Nội vì tại đất nước VN không hề có chuyện biểu tình gì cả…

Đài Loan phản đối Philippines

xây dựng trên đảo Thị Tứ

Đài Loan ngày 11/2 thúc giục các bên liên quan ngưng có hành động có thể làm leo thang căng thẳng khu vực trong tranh chấp Biển Đông giữa lúc Philippines đang có công trình thi công trên một hòn đảo họ chiếm đóng trong vùng, theo CNA.
“Đài Loan nhắc lại chủ quyền tại các đảo ở Biển Đông và kêu gọi các bên tự chế, chớ có hành động làm leo thang căng thẳng khu vực, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Đài Loan Andrew Lee tuyên bố khi được hỏi về công trình xây dựng của Manila trên đảo Thị Tứ.
Ông Lee nói Đài Loan có chủ quyền với các hòn đảo này và vùng biển xung quanh theo luật quốc tế và phản đối các hành động đơn phương gần đây của các bên liên quan làm gia tăng căng thẳng. Ông yêu cầu ngưng ngay lập tức các hành động đó.
Trước đó, hôm thứ sáu tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana loan báo Manila sẽ tiếp tục tiến hành xây dựng trên đảo Thị Tứ bất chấp tin nói rằng lực lượng bán quân sự của Trung Quốc đang tập trung gần đó.
Với diện tích 0,37 cây số vuông, Thị Tứ là đảo lớn nhất trong số 9 thực thể mà Philippines kiểm soát ở Trường Sa.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.