Núi Trà Sơn
- Trong dịp tình cờ, chúng tôi được người bạn dẫn đi chinh phục đỉnh núi Trà Sư. Ngọn núi cao chưa đầy 150m nằm bên cạnh thị trấn Nhà Bàng (Tịnh Biên) này có những nét đẹp riêng và tiếp đón khá đông khách hành hương đến cúng viếng.
Việc thăm đỉnh Trà Sư là mong muốn của chúng tôi từ lâu nhưng chuyến đi núi vừa qua thực sự nằm ngoài kế hoạch. Do đó, tôi leo núi với chiếc ba lô lỉnh kỉnh đồ đạc và đôi giày vốn không phù hợp cho những chuyến dã ngoại mướt mồ hôi như thế này.
Theo lời người bạn, đỉnh Trà Sư không quá cao nhưng đường lên đó chủ yếu là thang dốc men theo triền núi dựng đứng. Bởi thế, việc lên tới độ cao gần 150m thực sự là một thử thách “rất đã” với những ai quanh năm chỉ quen sống ở đồng bằng.
Một góc thị trấn Nhà Bàng nhìn từ đỉnh Trà Sư
Sau đoạn đường ngoằn ngoèo được tráng xi-măng với độ thử thách “vừa phải”, chúng tôi gửi xe ở một quán nước và bắt đầu hành trình leo dốc “bở hơi tai”. Anh bạn đi cùng là dân xứ núi nhưng cũng “mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày” và chốc chốc phải đứng lại thở hồng hộc.
Dù có diện tích cũng như độ cao không lớn nhưng núi Trà Sư vẫn giữ được vẻ hoang sơ với rừng cây um tùm. Đường lên núi là những bậc thang chạy luồn dưới những tán cây cổ thụ lâu năm. Thỉnh thoảng, chúng tôi bắt gặp một ngôi điện thờ được khách hành hương thường xuyên nhang khói.
Có lẽ, điểm thu hút đông đảo khách hành hương ở núi Trà Sư là ngôi mộ của ông Đạo Xom (sư ông Lê Nhựt Long) và điện Huỳnh Long, một di tích gắn liền với Đức Huỳnh Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo.
Theo lời những hộ dân sống dưới chân núi, điện Huỳnh Long là nơi ông đạo Xom bốc thuốc trị bệnh cứu dân đầu thế kỷ 20. Vốn là một thầy thuốc hay có thể trị được nhiều bệnh nan y đương thời nên người dân kéo đến nhờ ông đạo Xom rất đông, trong đó có Đức Huỳnh Giáo chủ. Hiện nay, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo vẫn thường tới lui cúng viếng tại điện Huỳnh Long và xem đây là di tích quan trọng gắn liền với giáo chủ của mình.
Qua khỏi điện Huỳnh Long, chúng tôi hướng thẳng lên đỉnh núi. Càng lên cao mồ hôi đổ càng nhiều. Chiếc ba lô là vật bất ly thân bây giờ chúng tôi chỉ muốn vứt đi. Đôi giày trở nên nặng trịch, vướng víu một cách kỳ lạ. Tuy nhiên, phần thưởng xứng đáng cho chúng tôi là cảm giác thư thái khi lên đến đỉnh núi. Một không gian thoáng đãng mở ra. Phía dưới chân núi là thị trấn Nhà Bàng đang phát triển nằm xen lẫn với những vườn cây xanh mát.
Lên đến đỉnh núi, chúng tôi khá bất ngờ bởi không như các núi khác thờ Ngọc Hoàng hay Thánh Mẫu, người dân lập miếu thờ Chánh Soái Đại Càng ở nơi cao nhất. Thực tế, đây là một vị thánh xếp vào hàng “binh gia” trong tín ngưỡng dân gian.
Ông Lư Ngọc Hùng (thủ từ miếu Chánh Soái) cho hay: “Có lẽ núi Trà Sư là núi duy nhất thờ ông Chánh Soái. Hàng tháng, khách hành hương từ các tỉnh hay lên đây cúng viếng rất đông vào ngày 16 (âm lịch). Họ đi thành từng đoàn hàng chục, thậm chí hàng trăm người. Chủ yếu người ta cầu mong sức khỏe và bình an cho gia đạo”.
Ngoài miếu Chánh Soái Đại Càng, trên đỉnh núi còn thờ trăm quan, trăm họ và Quốc tổ Hùng Vương. Đó là cách để người dân tưởng nhớ đến công lao của những bậc khai quốc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước.
Là người có hơn 15 năm sống trên đỉnh Trà Sư, ông Hùng hiểu rất rõ về ngọn núi này. Ông Hùng cho biết, dù núi Trà Sư không lớn nhưng gắn liền với những huyền thoại về loài cọp của vùng Bảy Núi. Đặc biệt, núi có hang Ông Hổ với những dấu vết rất ly kỳ, trở thành câu chuyện níu chân du khách phương xa.
“Các loài vật hoang dã khác thì tôi không thấy nhưng thỉnh thoảng có tiếng gà rừng gáy te te. Ở đây không khí trong lành, phù hợp với những ai muốn xa lánh sự ồn ào, náo nhiệt. Với những ai yêu thích chụp ảnh, thì việc lên núi làm vài bức ảnh là rất lý tưởng, nhất là những tháng nước tràn đồng thì khung cảnh còn thơ mộng hơn”- ông Hùng chia sẻ.
Sau những câu chuyện hào liên quan đến núi Trà Sư, chúng tôi xuống thị trấn với những ấn tượng đặc biệt. Nếu có dịp, chúng tôi sẽ lại trở lại ngọn núi này để ngắm bình minh vừa ló dạng phía chân trời và lắng nghe tiếng gà rừng gáy te te ở một góc rừng nào đó.
THANH TIẾN
0 nhận xét