Dấu ấn kinh tế An Giang 2018
- Năm thứ 3 triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), tỉnh đặt nhiều kỳ vọng vào mục tiêu phát triển năm 2018. Kết quả, có 12/13 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt so với Nghị quyết của HĐND tỉnh. An Giang còn thu hút đầu tư ấn tượng, tạo tiền đề tăng tốc những năm tiếp theo.
Thủ tướng khen ngợi
Năm 2018 không phải là một năm dễ dàng đối với An Giang, khi thời tiết diễn biến bất thường, nước lũ dâng cao đột ngột, sạt lở bờ sông phức tạp, giá cả ngành chăn nuôi thiếu ổn định… Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh có những chuyển biến tích cực, đạt mức tăng trưởng khá và cao hơn so năm 2017. Các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội, cải cách hành chính có nhiều tiến bộ; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được đảm bảo.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP, theo giá so sánh 2010) tăng 6,52% so năm 2017. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,04% (năm 2017 tăng 0,55%), khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,88% (cùng kỳ tăng 6,38%), khu vực dịch vụ tăng 8,64% (năm 2017 tăng 6,5%), thuế sản phẩm trừ trợ giá sản phẩm tăng 5,28% (năm 2017 tăng 4,61%).
Năm 2018, An Giang thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư
So 13 chỉ tiêu theo Nghị quyết số 14/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, có 12 chỉ tiêu đã thực hiện đạt và vượt (chiếm 92,31%), 1 chỉ tiêu không đạt (giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân năm 2018 đạt 170 triệu đồng/ha, chỉ tiêu là 183 triệu đồng/ha). Trong đó, có những chỉ tiêu hoàn thành ấn tượng như: GRDP tăng 6,52%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, kim ngạch xuất khẩu 840 triệu USD, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 28.837 tỷ đồng, thu ngân sách từ kinh tế địa bàn 5.866 tỷ đồng, 60% lao động được đào tạo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,55%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ dân tham gia bảo hiểm y tế 81,5%, đạt 21,95 giường bệnh/10.000 dân, tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán 22,4%, có 46/119 xã nông thôn mới (vượt 3 xã). Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khen ngợi, biểu dương những nỗ lực của An Giang trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là GRDP tăng cao nhất trong 3 năm qua, xuất khẩu tốt, tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn bình quân cả nước...
Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, du khách
Năm 2018, An Giang tiếp tục chứng tỏ là thị trường rộng lớn khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 102.701 tỷ đồng, tăng 11,17% so năm 2017. Du khách đến An Giang tăng đột biến, khoảng 8,5 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng 16,44% so năm 2017. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 100.000 lượt (tăng 33,3%); doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 4.800 tỷ đồng (tăng 29,73%). Có được kết quả này là nhờ ngành du lịch và địa phương các cấp quan tâm chấn chỉnh các hoạt động yếu kém tại các khu, điểm tham quan, du lịch. Đồng thời, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng ở các khu du lịch trọng điểm như: núi Cấm, núi Sam, rừng tràm Trà Sư...
Doanh nghiệp yên tâm làm ăn ở An Giang
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng cho biết, sau thời gian triển khai quyết liệt các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, An Giang đang trở thành vùng “đất lành” thu hút doanh nghiệp làm ăn. Tính đến cuối tháng 11-2018, trên địa bàn tỉnh có 664 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng vốn đăng ký 5.193 tỷ đồng, tăng đến 51,1% (tương đương 1.845 tỷ đồng) so năm 2017. Tính bình quân, vốn đăng ký mỗi doanh nghiệp thành lập mới đạt 7,82 tỷ đồng, tăng 63,25% (3,03 tỷ đồng) so cùng kỳ. Trong khi đó, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 112, giảm 13,17% (17 doanh nghiệp). Đối với thu hút đầu tư, có 82 dự án (2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và 80 dự án đầu tư trong nước) với tổng vốn 25.052 tỷ đồng đăng ký đầu tư vào An Giang. So cùng kỳ năm 2017, tăng 2 dự án nhưng tổng vốn đăng ký tăng 64,78%. Chỉ tính riêng số vốn thu hút đầu tư năm 2018 đã cao hơn nhiều so với cả giai đoạn 2010 - 2015.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang diễn ra ngày 15-12-2018, có thêm tổng nguồn vốn hơn 135.000 tỷ đồng đã được Chủ tịch UBND tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư và cam kết đầu tư. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư, nếu các dự án này được triển khai sớm, hiệu quả, sẽ tạo động lực tăng trưởng không chỉ cho giai đoạn đến năm 2020, mà còn cho các giai đoạn tiếp theo. Đó là kỳ vọng cho một An Giang bứt phá phát triển, tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Năm 2018 là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết HĐND tỉnh về kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2015-2020), UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành bằng các chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể. UBND tỉnh đã tổ chức và tham dự 457 cuộc họp, làm việc với các đơn vị liên quan; ban hành 3.943 văn bản chỉ đạo điều hành. Văn phòng UBND tỉnh đã ban hành 5.679 văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo tỉnh, nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân đã góp phần vào thắng lợi chung của năm 2018
|
NGÔ CHUẨN
0 nhận xét