Xã hội Việt Nam sẽ khó có cách mạng ngoại trừ một vài ẩn số kinh tế?
- TS Nguyễn Hữu Liêm
- Gửi tới Diễn đàn BBC từ California, Hoa Kỳ
Nhân tưởng niệm biến cố Thiên An Môn 04/06/1989-2021, TS Nguyễn Hữu Liêm phân tích sử Việt và tình hình hiện nay để kết luận rằng sẽ khó mà có một cuộc cách mạng chính trị cho Việt Nam trong tương lai gần."
Nói về hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) hiện nay ở Việt Nam, ta cần tìm về trường hợp Hồ Chí Minh.
Không ai có thể phủ nhận rằng Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng lớn của lịch sử Việt Nam cận đại. Câu hỏi mà nhiều người đã nêu lên là, tại sao ông chọn chủ nghĩa Cộng sản?
Câu trả lời ngắn gọn có thể tóm tắt như sau: Vì ông đã mất hết kiên nhẫn với Sử tính nước nhà.
Ta nên biết rằng, Hồ Chí Minh từ gốc gác là một nhà Nho cổ truyền, như bao nhiêu trí thức ở miền Trung thời ấy.
Từ một văn hóa chính trị và xã hội - khi quan hệ đến ý chí cá thể - mà trong đó, mệnh lệnh cao cả nhất cho kẻ sĩ Nho học là hãy kiên nhẫn. Chữ Nhẫn trở thành chân lý và luân thường cho cái ta Việt Nam thời đó. Nó là một nội dung đạo lý nhân danh trí tuệ siêu việt để cho cá nhân khi nhìn vào thế cuộc trần gian không phải bị khổ đau và nôn nóng vì cái Thời nó chưa đến.
Ông muốn phủ định chân lý của chữ Nhẫn - và ông đã gặp được Marx trong một hệ ý thức phủ định giá trị chữ Nhẫn toàn triệt.
Ta hãy nhìn lại lịch sử Việt để thấy rằng tốc độ di chuyển của các triều đại đi theo quá trình địa chất - geographic time - vốn rất chậm.
Đã cần đến 10 thế kỷ, tới khi Ngô Quyền thành hình quốc gia Đại Cồ Việt năm 935, thì nước Việt mới hoàn tất tiến trình khai sinh. Theo đó là nhà Lý kéo dài đến 216 năm, Trần 171 năm, Lê 110 năm, và Nguyễn gần 150 năm. Duy chỉ nội chiến giữa Mạc và Trịnh, Trịnh Nguyễn cũng đã kéo dài gần thế kỷ. Không ai nhìn vào một lịch sử với tốc độ của con rùa như thế mà không mất kiên nhẫn cả.
Bây giờ nhìn lại triều đại Hồ Chí Minh, sau khi thống nhất đất nước từ 1975, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ mới cầm quyền chưa tới 50 năm. Dư lực của tinh thần độc lập quốc gia và niềm hãnh diện chiến thắng của chế độ còn khá mạnh. Đó là chưa nói đến truyền thống kỷ luật và nghệ thuật tổ chức, nề nếp phong hóa thẩm quyền đẳng cấp của Đảng. Hơn nữa, sau khi đi theo con đường Đổi mới và cải cách kinh tế, hệ thống này đã thành công lớn trong việc hội nhập vào kinh tế thế giới, mở cánh cửa cơ hội vật chất, nâng cao đời sống cho đại đa số nhân dân. Quá trình thành đạt kinh tế và phát triền nầy đã tạo nên một nền tảng biện minh chính trị mới, khá vững chắc cho sự tồn tại của chế độ.
Rất có thể rằng mô hình hiện nay ở Việt Nam sẽ còn tồn tại cho đến hết thế kỷ 21.
Nhưng câu hỏi là Tại sao sử Việt hiện đại lại đi theo hướng đó và có ẩn số gì trên tuyến đường này không?
Tấc đất máu xương đến tấc đất tấc vàng
Năm 1965, Chế Lan Viên, trong bài thơ "Tổ quốc chưa bao giờ đẹp thế" viết:
"Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời.
Cửa vẫn đóng và Đời im ỉm khóa.
Những pho tượng chùa Tây phương không biết cách trả lời.
Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ."
Đọc Chế Lan Viên - nhà thơ biểu trưng của thời Hồ Chí Minh - như thế để thấy cái hồn của thời đại nằm trong con người Việt Nam ở tiền bán thế kỷ XX là như thế nào. Hình ảnh đói nghèo trong rơm rạ với nỗi nhục mất nước dưới ách Thực dân Pháp đã đưa con người Việt Nam thuở ấy trở thành những thang thuốc nổ chỉ chờ ngòi lửa châm vào.
Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông đã nhìn thấy khung chính trị quốc gia của nhà Nguyễn đã mất hết giá trị biện minh cho quốc gia và dân tộc. Việt Nam đi vào một khủng hoảng lịch sử lớn lao. Ông bước vào khoảng trống lịch sử đó, nắm lấy cơ hội, châm lửa vào lò thuốc súng cách mạng đang chờ. Phần còn lại là lịch sử Việt Nam cận đại.
Ngày hôm nay, nếu có một khủng hoảng nào có thể xẩy ra thì nó sẽ là một sự biến động mang bản chất kinh tế - hơn là chính trị. Cả nước đang đổ xô đi làm giàu - và buôn đất. Ngày xưa, trong cuộc chiến Bắc-Nam vừa qua, cả hai bên đều đem xương máu để đổi lấy từng tấc đất. Nay cũng chừng tấc đất đó, hậu duệ của các chiến sĩ từng hy sinh đó, nay họ đang đổi tấc đất ra tấc vàng.
Từ Bảo Lộc đến Lao Bảo, từ Điện Biên đến Mũi Né, cơn sốt bất động sản đang làm cho cả một thế hệ đem hoàn toàn năng lực hiện hữu vào cuộc chơi đổi chác đất ruộng. Những nông dân vùng sâu, mới hôm qua là áo vải sờn vai, tay làm, hàm nhai, nay nhờ bán đất mà trở thành tỷ phú tiền đồng, tậu xe hơi, xây nhà lầu, đi du lịch nước ngoài, gởi con du học.
Cách mạng ư? Không. Chế độ Hồ Chí Minh đã cho họ một câu trả lời mà các "pho tượng chùa Tây phương" vốn từng thất bại.
Trí thức thành thị bất mãn
Cách mạng chỉ có thể xảy ra khi phần đông dân chúng bị chế độ đẩy vào đường cùng. Nhân dân tham gia vào cuộc nổi loạn khi họ không còn gì để mất. Nay phần đông dân chúng có nhiều cái để mất - dù so với các quốc gia tiên tiến thì những gì họ có thật là khiêm tốn.
Hãy nhìn vào lịch sử. Riêng dưới triều Nguyễn, từ 1820 đến 1860, theo sử gia Lê Thành Khôi, thì đã hơn một triệu người chết vì dịch bệnh. Riêng thời Minh Mạng, đã có hơn 400 vụ nổi dậy bởi hầu hết các thành phần xã hội, từ nông dân đến thương gia, cùng với nạn quan quân tham quyền, thối nát tận cùng. Một giai thời đầy khủng hoảng như thế mà không có một cuộc cách mạng nào thành công - cho đến khi Hồ Chí Minh xuất hiện gần 100 năm sau.
Trở về hiện tại. Hình như con số không nhỏ dân Việt Nam đang hài lòng với đời sống đang có - ít nhất là trên bình diện kinh tế, vật chất, so với các thập niên trước. Ai cũng thở ra hú hồn vì thấy đời sống đã dễ thở hơn nhiều. Những bức xúc, bất mãn hầu hết đều ở giới trí thức, thành thị và có nguồn gốc từ tư tưởng chính trị trừu tượng - hơn là sự phẫn chí trong tuyệt vọng bởi hoàn cảnh sống cá nhân.
Ngay chính hầu hết những nhà bất đồng chính kiến, những người hoạt động dân chủ, nhân quyền trong nước đều có đời sống kinh tế cá nhân tương đối ổn định. Hãy nhìn vào giới trí thức, văn nghệ sĩ, báo chí ở các đô thị. Họ là nơi tập trung của bất mãn chính trị nhiều nhất. Nhưng họ vẫn thưởng thức lối sống ăn nhậu, du lịch giao lưu gần như liên tục.
Trong các bàn tiệc, và nay là các diễn đàn mạng xã hội, họ thể hiện chính kiến bất mãn như là một bài ca giải tỏa bức xúc - hơn là một thể dạng lập ngôn thôi thúc hành động, dấn thân. Tức là - theo Chế Lan Viên - thì cửa sống đã mở và "đời không còn im ỉm khóa" đối với họ.
Hải ngoại im lắng
Ở các thập niên 1980 - 2000, ở các cộng đồng người Việt hải ngoại đã rộ lên các phong trào cách mạng, kháng chiến chống chế độ Cộng sản Việt Nam. Nhưng nay thì ngọn lửa đấu tranh chống Cộng đã gần như tắt hẳn. Giới chức còn lại của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) nay hầu hết đã ở tuổi xế chiều và dần đi vào quên lãng. Nhưng trên hết, khuyết điểm của các phong trào chống cộng hải ngoại nằm ở nơi bản sắc thuần phủ định. Họ thiếu đoàn kết - và ngay cả trên bình diện lòng người, họ cũng không có được một bản hùng ca cho thời đại mới; mà trái lại, họ chỉ lập lại những khuôn thức, ngôn ngữ đã mòn từ miền Nam trước 1975.
Nay thì thế hệ mới người Việt hải ngoại phần lớn không màng đến chuyện Việt Nam. Doanh gia nước ngoài bắt đầu về nước, tham gia cơ hội kinh tế của một quốc gia đang phát triển. Thế hệ già muốn về quê hương cũ để nghỉ hưu. Niềm căm hận nay không còn như xưa khi mà vết thương còn đang rỉ máu. Cái gì của miền Nam trước 1975 đang trở thành những khối hoài niệm và huyền thoại - hơn là một biểu trưng cho lý tưởng quốc gia. Chế độ hiện nay là không những họ đã chiến thắng quân sự năm 1975 một cách ngoạn mục - mà gần đây còn chinh phục được phần nào tư duy của người Việt hải ngoại. Cựu VNCH lần nữa đã đầu hàng vô điều kiện.
Chỉ có Đối lập trung thành
Sau vụ án xử "Nhóm nghiên cứu Chấn" của Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung… năm 2010, cho đến nay, ở Việt Nam chưa thấy xuất hiện hay nhen nhúm một tổ chức chính trị cách mạng nào mang tính tổ chức. Phần lớn những vụ bắt bớ, xử án là đối với những cá nhân bất mãn với chế độ bằng những hoạt động đơn lẻ, thiếu hệ thống, không tổ chức, không có cương lĩnh hay tuyên ngôn chính trị cách mạng rõ rệt. Phần lớn các tù nhân chính trị và lương tâm chỉ là những tảng băng nhỏ - nhưng tầng tảng băng ngầm hình như không có.
Nói theo ngôn ngữ của Lý Đông A thì "Làn Sóng đáy" của một cuộc cách mạng mới cho Việt Nam hoàn toàn chưa được kết tụ. Các giới bất đồng chính trị vẫn là những hình thái "đối lập trung thành" với chế độ - và hầu hết bao gồm các nhân vật uy tín từ trong thể chế đó . Họ chỉ muốn cải cách, điều chỉnh, sửa sai khung thức chế độ và đường lối vận hành quốc gia, chứ không mang tham vọng cách mạng toàn diện.
Tức là giới đối lập trung thành chưa kiến lập một khung thức chính trị mới - a new political paradigm - nhằm thay thế hệ thức cũ của thể chế hiện nay. Phần lớn, giới này vẫn còn mang món nợ nơi chế độ - vì từ đó mà họ xuất thân và được thành danh. Một số lớn vẫn tồn tại chính trị, không bị bắt giam, truy tố là vì họ vẫn là những đứa con trung thành - nhưng bất mãn - của chế độ.
Giới chính trị bất mãn nầy đóng vai như một tấm gương soi cho thể chế chính trị hiện tại, một phần nguồn mạch lương tâm cho nhân dân. Họ chỉ muốn hoàn chỉnh hóa, hoàn tất hóa để đưa cuộc cách mạng Cộng sản đến một kết luận tốt đẹp cho tiền đồ quốc gia. Họ là cái đuôi yếu ớt cho cuộc cách mạng cũ - mà nay đang trở thành một "ancien régime" khác, như triều đại nhà Nguyễn mà Hồ Chí Minh đã từng phủ định.
Văn hóa như là định mệnh lịch sử mới
Cho một cuộc cách mạng nổ ra, mỗi thời quán lịch sử phải xuất hiện những con người như Washington, như Lenin, như HCM. Họ là những thiên tài chính trị, là hiện thân của tinh thần thời đại. Họ là những thần lửa Prometheus trong huyền thoại Hy Lạp, dám lấy lửa Trời về đốt cháy thế gian và thắp sáng dân quần.
Vì nấc thang văn hóa là hiện thân của trình độ tiến hóa cho mỗi quốc gia. Và văn hóa là định mệnh tàn nhẫn cho lịch sử chính trị. Hồ Chí Minh - dù tốt đẹp hay tai họa - là biểu trưng của tầng mức văn hóa Việt cho thế kỷ 20. Ông là hiện thân của cái tốt nhất và xấu nhất của một dũng sĩ cách mạng mang tâm chất nhà Nho. Dù ông đã từng chê Truyện Kiều, phủ nhận giáo điều Nho giáo, khai mở văn hóa cách mạng triệt để cho dân Việt. Cùng lúc, ông vẫn là một nhà Nho cổ điển, mang nặng tinh thần phong kiến cổ đại - dù đã được rửa tội bằng ý chí và ngôn ngữ cách mạng mới lạ. Thực ra, ông là một tông đồ khai lập một tôn giáo mới cho Việt Nam. Vì thế nên Hồ Chí Minh vẫn còn nằm trên thánh giá cho sử lý Việt. Hồ Chí Minh chưa thể bước xuống mặt đất từ định mệnh đó cho đến khi con người và văn hóa Việt Nam đã chuyển hóa.
Vài ẩn số chính trị - kinh tế
Trở lại câu hỏi về Cách mạng nhân biến cố thất bại Thiên An Môn 32 năm trước.
Trước hết, ta phải tự hỏi: Con người Việt Nam đã được chuyển hóa chưa? Sẽ có một cuộc cách mạng toàn diện hay không - nhằm thay thế "the ancien régime" hiện nay cho Việt Nam?
Chế độ XHCN ở Việt Nam hiện nay dù biết rất chắc chắn về sự trường tồn của "Đảng Ta", mà sao họ vẫn rất bất an trước những tin tức, thí dụ, về những phong trào dân chủ ở Myanmar, Hongkong, Belarus? Phải chăng, tầng lãnh đạo không tự tin vào sức mạnh thuần cưỡng chế, một chiều - cùng lúc với sự trưởng thành nhanh chóng về ý thức chính trị của nhân dân. Rất có thể đồng hồ tiến hóa của nhân loại - và con người Việt Nam - đang chạy nhanh hơn thời gian cũ - như tốc độ của khoa học công nghệ toàn cầu hiện nay.
Trong lý thuyết chính trị học, để dự báo tương lai, các học giả thường đưa vào biến số ẩn X, tức là yếu tố không biết tới, không lường được, bất ngờ, chưa bao giờ xuất hiện. Ta phải hỏi: Biến số ẩn X của chính trị Việt Nam là gì?
Thưa, đó là biến số kinh tế - một tập đoàn âm binh mà phù thủy Đảng Ta đang kiến lập và bồi đắp. Hãy nhìn rõ. Trong vòng một thập kỷ tới, ẩn số kinh tế từ nền tư bản thân hữu sẽ là một khối quyền lực chi phối luôn quyền năng của vị phù thủy Đảng Ta. Và khi đó, tất cả mọi quy luật chính trị xưa nay sẽ thay đổi, từ tốc độ đến bản chất.
Vì vậy, Đảng Ta hãy đừng lo lắng các thế lực thù địch ngoại thân để mà tiếp tục bắt bớ những cá nhân bất mãn lẻ loi; trái lại Đảng hãy biết sợ chính mình và kẻ thân cận mình. Chỉ kẻ gần ta nhất sẽ là kẻ thù nguy hiểm nhất. Đó cũng là một quy luật chính trị tàn nhẫn từ lịch sử thế giới.
Hãy đọc tiếp hai câu thơ của Chế Lan Viên:
"An Dương Vương hãy đứng dậy cùng ta xây sắt thép.
Loa thành này có đẹp mắt người không?"
Có lẽ thơ họ Chế nay đang thành lời tiên tri cho vận nước. Nhưng thi sĩ họ Chế quên rằng, đứa con gái yêu quý của nhà vua, công chúa Mỵ Châu, nàng đã vì tình yêu cho khách lạ, mà vô tình phản vua cha, đem đến sự sụp đổ của cả triều đại và cái chết cho cả hai.
Vâng, Loa thành hôm nay đang trở nên hoành tráng và đẹp mắt.
Nhưng còn tương lai? Chúng ta hãy kiên nhẫn chờ.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của luật sư, tiến sĩ triết học Nguyễn Hữu Liêm từ San Jose, California. Trong số các sách của ông đã có cuốn 'Thời tính, Hữu thể và Ý chí: Một luận đề siêu hình học” được xuất bản ở Việt Nam năm 2018.
Xem thêm:
0 nhận xét