Trung Quốc đối mặt áp lực chưa từng có từ G7 - VNExpress
G7 đang thống nhất hơn bao giờ hết trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc và điều này tạo ra không ít áp lực lên Bắc Kinh.
G7 mới đây đã thể hiện lập trường mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ trước Trung Quốc về hàng loạt vấn đề, từ nhân quyền đến thương mại. Tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm diễn ra ở Anh cuối tuần qua, lãnh đạo các nước G7 đã cho thấy tinh thần nhất quán trong nỗ lực gây sức ép lên Bắc Kinh. Điều này được thể hiện rõ nét hơn cả qua tuyên bố chung ngày 13/6 với ngôn từ khá quyết liệt, giới phân tích đánh giá.
Dù thừa nhận về khả năng hợp tác với Trung Quốc trong một số lĩnh vực như biến đổi khí hậu, tuyên bố chung của G7 lại nêu lên nhiều vấn đề mà Bắc Kinh coi là nhạy cảm như Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan. Nhóm đồng thời kêu gọi tiến hành điều tra về nguồn gốc Covid-19 trong bối cảnh giả thuyết nCoV bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm Trung Quốc đang được quan tâm trở lại.
Không phải tất cả lãnh đạo G7 đều có lập trường cứng rắn như Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đang nỗ lực tái khẳng định vị thế của Mỹ trên trường quốc tế trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sự đồng thuận chưa từng có giữa họ về vấn đề Trung Quốc đang khiến Bắc Kinh không khỏi cảm thấy lo lắng.
Nó có thể khiến Trung Quốc gặp nhiều thách thức hơn trong việc "chen ngang" mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu, khi Bắc Kinh đang đối diện mối hoài nghi ngày càng lớn từ phương Tây.
Li Mingjiang, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, nhận định G7 ngày càng thống nhất hơn trước vấn đề Trung Quốc và dành nhiều nỗ lực hơn nhằm cạnh tranh với Bắc Kinh trong các lĩnh vực như cung cấp vaccine, phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại và công nghệ.
"Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử G7, tuyên bố chung này thể hiện một mặt trận thống nhất mà bạn chưa bao giờ nhìn thấy trước đây", ông nói.
Li lưu ý thêm rằng nó còn cho thấy những rạn nứt trong chiến lược của Trung Quốc khi tìm cách dùng sức mạnh kinh tế để khoét sâu chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh. Trung Quốc từng ký một thỏa thuận đầu tư lớn với Liên minh châu Âu, nhưng nó đã bị đóng băng gần đây sau các động thái cứng rắn của Bắc Kinh.
"Có lẽ đã đến lúc Bắc Kinh nên thận trọng hơn một chút với tính toán rằng sức mạnh kinh tế của họ có thể ngăn chặn tâm lý bài Trung Quốc gia tăng trong các nước phương Tây này", ông nói, đề cập đến G7.
Trong hội nghị thượng đỉnh ở Cornwall, các nước G7 cũng công bố sáng kiến phát triển mang tên "Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn" nhằm đối chọi với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Tuy nhiên, nội dung chi tiết về sáng kiến cơ sở hạ tầng của G7 chưa được hé lộ.
G7 còn cam kết hỗ trợ một tỷ liều vaccine Covid-19 cho các quốc gia đang phát triển giữa lúc Bắc Kinh đang thúc đẩy chiến lược ngoại giao vaccine của riêng mình.
Đáp lại, đại sứ quán Trung Quốc tại Anh ngày 14/6 ra tuyên bố nói rằng các lãnh đạo G7 đã "vu khống Trung Quốc" và đang tạo ra đối đầu, chia rẽ thay vì hợp tác.
Nhưng ngay cả khi thống nhất về một số vấn đề liên quan đến Trung Quốc, mức độ chia rẽ trong nội bộ G7 vẫn khá rõ ràng. Tuyên bố không mạnh mẽ như Mỹ kỳ vọng khi EU, Đức và Italy được cho là không muốn lên án Trung Quốc về cáo buộc lao động cưỡng bức ở Tân Cương, còn Canada, Pháp và Nhật Bản lại có vẻ ngả nhiều hơn về phía quan điểm của Mỹ.
Thủ tướng Anh Boris Johnson không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc trong phát biểu sau hội nghị và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau đó nói rằng G7 không phải một "câu lạc bộ" thù địch với Trung Quốc.
Dù có sự khác nhau về mức độ, theo Emilian Kavalski, giáo sư về quan hệ Trung Quốc - châu Âu tại Đại học Nottingham Ninh Ba, việc Trung Quốc là vấn đề duy nhất mà các lãnh đạo G7 dường như có thể đồng thuận nên khiến Bắc Kinh cảm thấy lo lắng. "G7 muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc", ông nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Tang Xiaoyang, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, nhận định việc Mỹ tiếp tục phối hợp với các đồng minh nhằm kiềm chế Trung Quốc chắc chắn sẽ gây áp lực lớn lên Bắc Kinh.
"Rõ ràng Biden muốn củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương nhằm chống Trung Quốc và Nga khi ông chọn gặp các đồng minh châu Âu trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình", Tang nói. "Nhiều cuộc thảo luận chính sách của họ không thể xa rời chủ đề Trung Quốc và tất cả đều là một phần trong nỗ lực tập hợp đồng minh nhằm kìm hãm Trung Quốc".
Dù vậy, theo các nhà phân tích, hội nghị thượng đỉnh G7 vẫn đưa ra được một tầm nhìn tích cực về hợp tác với Bắc Kinh trong lĩnh vực y tế toàn cầu và cơ sở hạ tầng.
Chin-Hao Huang, phó giáo sư về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đại học Yale-NUS, Singapore, cho rằng "cạnh tranh lành mạnh" là điều tốt đối với cộng đồng quốc tế và cả Bắc Kinh lẫn Washington đều cần phải điều chỉnh lại để đáp ứng những thách thức toàn cầu.
Theo ông, kết quả mà hội nghị thượng đỉnh đạt được phản ánh rõ nét nỗ lực của Mỹ trong việc thúc đẩy G7 thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc. Nó đồng thời cho thấy những khó khăn ngày càng tăng của Bắc Kinh trước áp lực quốc tế trong những vấn đề như Tân Cương, Hong Kong hay Đài Loan.
"Những vấn đề Trung Quốc coi là công việc nội bộ thực tế rất khó tránh tác động từ quốc tế", Huang đánh giá. "Khi bạn trở nên có ảnh hưởng hơn trên trường quốc tế, đây không còn là vấn đề của riêng Trung Quốc nữa mà là những vấn đề được toàn cầu quan tâm".
- Mỹ thách thức ngoại giao vaccine của Trung Quốc
- Mỹ mài sắc vũ khí thương mại với Trung Quốc
- Trung Quốc đau đầu với bài toán tái mở cửa giữa Covid-19
Vũ Hoàng (Theo SCMP)
0 nhận xét