Thái Bá Tân và thế hệ “F”: Một trào lưu phản kháng mạnh mẽ
Bài viết của Nguyễn Anh Hào
2021-06-12
Thơ 5 chữ của thầy Tân…
Mùa hè này đọc lại các “khẩu thơ” 5 chữ và cuốn sách “Thế hệ F”, chúng ta cùng nhau nhớ về một trào lưu phản kháng bất diệt từ nhiều thế hệ từng kết nối thành dòng chảy mạnh mẽ, đi cùng năm tháng… Thơ Thái Bá Tân và Hợp tuyển “Thế hệ F” của Nguyễn Lương Hải Khôi, từ góc nhìn nào đó, có thể coi là “hai đặc sản” tinh thần của cuộc chiến, lúc ngấm ngầm, lúc công khai, chống lại chế độ độc tài và toàn trị ở Việt Nam.
Hai ngày chủ nhật 5/6 và 12/6 năm 2011, cùng với thời gian trước đó bốn năm (từ 2007), là giai đoạn sóng gió trong công cuộc đấu tranh cho một Việt Nam đa nguyên và dân chủ. Chúng ta không thể biết được giữa con gà và quả trứng, cái nào có trước, nhưng khi đài RFA “chạy” bài phóng sự đặc biệt về “Hiện tượng Thái Bá Tân”, thơ thầy đã thấm đẫm tinh thần “xuống đường” sôi động chống Tàu. Tuy nhiên, từ những ngày ấy đến nay, Thái Bá Tân khiến cư dân mạng nức lòng, không chỉ vì đề tài chống bành trướng, thơ thầy còn dậy sóng bởi những ẩn ức cháy bỏng của nhiều thế hệ người Việt, vì sự còn mất của đất nước. [https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/LiteratureAndArts/thai-ba-tan-phenomenon-ml-08272016093916.html].
Nhà báo Mặc Lâm đã phân tích chí lý khi nhận xét, sở dĩ Thái Bá Tân được công chúng say mê, vì thơ ông đã bám sát và xoáy vào các sự kiện nóng hổi diễn ra hàng ngày. Trong khi tầng lớp “trí ngủ” trùm chăn, thì thông điệp từ thầy Tân thực sự đã lay động nhiều giai tầng xã hội. Trước đây gần chục năm, chính xác là ngày 22/7/2012, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cũng đã giới thiệu về các sáng tác của thầy Thái Bá Tân, với những vần thơ 5 chữ thật đặc sắc [http://vietinfo.eu/thu-vien/thai-ba-tan-va-nhung-bai-tho-5-chu.html].
Đó là cách thể hiện thái độ phản kháng trước một chính quyền do ông và bao thế hệ trước đấy dựng lên, nhưng nay đã phản bội lại người dân. Thông qua đại từ nhân xưng “Mày”, ông bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với một thế hệ trẻ bất chấp hiểm nguy, bất chấp đàn áp, bất chấp những đểu cáng của công an, đã dám dấn thân. Thái Bá Tân nghiêng mình trước một Huỳnh Thục Vi “như ngọn đuốc sáng/ đang dẫn đường trong đêm/ giờ xin phép âu yếm/ đặt hoa dưới chân mày”. Thật xứng với danh hoạ Delacroix [https://www.youtube.com/watch?v=2AdxuAkjSJ8&ab_channel=NguoiYeuNuocViet].
Nhưng cũng đại từ “Mày” ấy, (lấy cớ mắng con trai), ông như hét lên bằng tất cả sự phẫn nộ. Đó là thông điệp mà thi nhân muốn chuyển tới những kẻ lớn tuổi đời nhưng non trí tuệ ấy về trách nhiệm công dân của người trí thức trước một xã hội tai ương. Bạn có thể cho Thái Bá Tân là cuồng sĩ, không thức thời, nhưng với những tấm lòng đang rực cơn yêu nước thì ngôn ngữ của thầy Tân dùng như một sức mạnh lay động cái không gian u ám hiện nay, khi đất nước bị đè nặng dưới cơn sợ hãi trước một chính thể không do dân, mà cũng chẳng vì dân.
Cũng với cung cách “khẩu thơ”, Thái Bá Tân dẫn người đọc đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Có lần ông khuyên người cháu rể có nghề nghiệp là công an: “Vứt mẹ cái khẩu hiệu / Còn đảng là còn mình/ Thế mai kia đảng chết/ Không lẽ mày quyên sinh?”. Ngôn ngữ dân dã đã làm bài thơ vượt lên trên cái phù phiếm của ngữ ngôn. Nó tươi roi rói và hừng hực tính thời sự. Thái Bá Tân hớp hồn người nghe, người đọc trong bốn câu ngắn và bén như dao này.
Ông quan sát người cháu với đôi mắt vừa soi mói vừa bao dung. Ngôn ngữ ông dùng trong bài thơ có khi cay chát pha chút nóng giận lại có khi tự trách mình quá khắc khe với cháu. Bài thơ sống động lạ lùng, bởi ngôn ngữ mà Thái Bá Tân dùng không phải là ngôn ngữ thơ của những diễm lệ cao vời mà là một chất liệu mới kết nối thơ và người đọc qua diễn ngôn đời thường nhưng không thiếu sự thâm trầm vốn cần thiết trong thi ca.
“Thế hệ F” của Nguyễn Lương Hải Khôi
“Thế hệ F” – Cuốn sách như một tập “nhật ký” lưu lại những ngày sôi động trước trong và sau các cuộc biểu tình chống xâm lăng – của những người Việt Nam yêu nước trước hiểm họa bá quyền phương Bắc vào những ngày chủ nhật 5 tháng 6 và 12 tháng 6 năm 2011, đồng thời diễn ra ở Hà Nội lẫn Sài Gòn [https://en.calameo.com/read/000439441bb2c906430dc]. Đây là một tuyển tập hết sức đặc biệt, bởi vì nó ghi lại những tâm tư, tình cảm của các bloggers Việt Nam trong những cuộc “lên mạng” và “xuống đường” kéo dài suốt từ năm 2007 đến năm 2011, theo cùng những biến cố căng thẳng của đất nước trong quan hệ với bá quyền phương Bắc: Bắc Kinh lập thành phố Tam Sa, mưu toan sáp nhập Trường Sa và Hoàng Sa vào lãnh thổ Trung Quốc, bắn giết ngư dân Việt Nam, cắt cáp tàu Bình Minh II và tàu Viking II của Việt Nam…
Ngoài những tác giả trong độ tuổi 7x, 8x, như Lan Phương, Tiểu Anh, Đặng Thiều Quang, Mít Tờ Đỗ… còn có những tác giả mà xét về tuổi tác thì họ có thể xếp trước vài thế hệ như: Đỗ Trung Quân, Nguyễn Thị Hậu, Huy Đức, Đào Hiếu, Hồ Cương Quyết… Không còn là sự phân định dựa vào tuổi đời, họ được xếp chung một thế hệ, sinh ra và hoà cùng dòng chảy mạnh mẽ trên internet, các mạng xã hội, mà Facebook chỉ là một cái tên điển hình.
Đúng như nhận xét của tác giả Hồng Lanh, đây thực sự là một yếu tố quan trọng [http://www.procontra.asia/?p=520]. Với những người lớn tuổi, từng trải qua bão táp trong tăm tối thầm lặng của vận mệnh nước Việt Nam, giờ đây, có thể nói không quá rằng, họ được tái sinh trong hình hài một công dân mạng, hoàn toàn bình đẳng với lớp con cháu. Họ không còn đơn độc, cùng quẫn như nhân vật Winston trong tiểu thuyết nổi tiếng “1984” của nhà văn George Orwell. Với những người trẻ, từ 7x trở về sau, tiếng nói của họ giờ đây được cất lên trong tư thế vượt thoát toàn bộ những “định kiến,” sự “nhào nặn” của những người đi trước, tự giác lãnh nhận trách nhiệm cho cuộc đời mình.
Hồi bấy giờ, cứ mỗi một lần tập đoàn bá quyền Bắc Kinh gây hấn với Việt Nam, là một lần “Biển Đông nổi sóng”, cộng đồng mạng Việt Nam sôi sục và những cuộc biểu tình lại nổ ra bất chấp sự o ép, trấn áp, đe dọa và bưng bít của những thế lực lãnh đạo vốn ưa sử dụng tấm màn không minh bạch làm công cụ che đỡ cho sự “hèn với giặc, ác với dân” của chế độ. Và với mỗi cuộc biểu tình như thế, hàng trăm cây bút chuyên và không chuyên lại lên mạng và xuống đường. Họ viết, chia sẻ, kể lại những câu chuyện đấu tranh. Họ “bút chiến”, tấn công không khoan nhượng vào sự bưng bít thông tin. Họ chống độc tài và bá quyền.
Nhưng trên tất cả, những gì họ viết là sự thể hiện khát vọng của nhiều thế hệ, cái khát vọng được cất lên tiếng nói của mình, có ý kiến về những quyết định lớn lao của đất nước, tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ một nước Việt Nam dân chủ, tự do. Họ đã mơ ước và đã đấu tranh như thế, bất chấp sự trấn áp của những thế lực bảo thủ, thái độ vô cảm đôi lúc đến tàn nhẫn của số đông nào đó, tuy họ cũng là nạn nhân của sự bưng bít, mà chưa bao giờ được hưởng vị ngọt của tự do.
Và cứ như thế, “Thế hệ F” thực chất ghi lại một chặng đường lịch sử của Việt Nam. Không gian là hai đầu đất nước, thời gian chỉ có bốn năm thôi, nhưng đó đã là cả một không – thời gian rất đáng ghi nhớ. Bạn đọc có thể thấy, trong “Thế hệ F”, có cả những bài viết theo một hướng khác, một giọng khác, trái ngược hẳn đa số còn lại. Như chúng ta biết ngoài đời, thơ Thái Bá Tân không chỉ có lời xưng tụng. Nhưng tất cả đều phản ánh các góc nhìn khác nhau mà người đọc cần ghi nhận để có thể xây dựng “văn hoá tranh luận”, vì thế chúng được đưa vào tuyển tập, với sự tôn trọng tinh thần đa nguyên.
Thơ Thái Bá Tân và các “Thế hệ F” đúng như đúc kết tại bản tự vấn của Hứa Y Định [https://www.luatkhoa.org/2021/06/the-he-f-khi-quyen-luc-duoc-chuyen-tu-facebook-xuong-duong/amp/]. Thực sự đấy là dòng hợp lưu của nhiều chữ F đan kết. Họ gồm các thế hệ chuyển quyền lực từ Facebook xuống đường phố. Những con người này phân biệt được đâu là bạn (friend) đâu là thù (foe), cái gì là thật (fact) cái gì là giả (fake), không để nỗi sợ hãi (fear) dập tắt ngọn lửa lòng (fire). Đó là những chiến binh sẵn sàng lâm trận (fight) bất kể việc đó bị chính quyền cấm cản (forbidden) hay việc đó có thể tạm thời lắng xuống, có thể thất bại (fail). Họ chiến đấu cho tự do (freedom), công bằng (fairness) và cho đức tin (faith) của chính mình.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
0 nhận xét