Bản tin ngày 9-6-2021
BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Zing có bài: Cuộc đối đầu tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới của Mỹ – Trung. Hải quân Mỹ đang lên kế hoạch thay thế 14 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) lớp Ohio bằng 12 tàu ngầm lớp Columbia. Các tàu ngầm lớp Ohio đòi hỏi phải được nâng cấp, bổ sung nhiên liệu hạt nhân; nhưng với lớp Columbia, các SSBN được trang bị lõi phản ứng hạt nhân, bảo đảm vận hành trọn đời mà không cần nạp nhiên liệu.
Đối với lực lượng SSBN của TQ, ông Rory Medcalf, GĐ trường An ninh Quốc gia cho biết, một trong những lý do TQ ồ ạt xây dựng và quân sự hóa các đảo ở Biển Đông là nhằm biến khu vực này trở thành một pháo đài, giúp hạm đội SSBN của TQ hoạt động an toàn trong trường hợp bị lực lượng Mỹ và đồng minh phát hiện hoặc tấn công.
Báo Thế Giới và VN đưa tin: Nhật Bản-Australia đối thoại 2+2, ra tuyên bố khiến Trung Quốc ‘nóng mặt’. Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao hai nước Nhật và Úc hội đàm trực tuyến hôm nay, bàn về cách thức tăng cường quan hệ an ninh và hợp tác trong các vấn đề khu vực.
Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi thông báo: “Chúng tôi xác nhận tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan, đồng thời nhất trí hối thúc một giải pháp hòa bình cho các vấn đề giữa hai bờ Eo biển”. Nhật và Úc cũng bày tỏ “lo ngại nghiêm trọng” về tình hình ở Tân Cương, cũng như những hành động gần đây đã làm suy yếu thể chế dân chủ ở Hồng Kông.
Zing đưa tin: Tổng thống Philippines chê võ sĩ Pacquiao không hiểu chuyện Biển Đông. Tổng thống Rodrigo Duterte tiếp tục bất đồng với một trong các cựu đồng minh của ông. Ông Duterte khuyên võ sĩ kiêm Thượng nghị sĩ Manny Pacquiao nên “cân nhắc” trước khi lên tiếng. Đáp lại, hôm nay, ông Pacquiao tuyên bố Philippines nên tiếp tục đối thoại về các tranh chấp trên Biển Đông, phải “mạnh mẽ trong việc bảo vệ các quyền chủ quyền của mình”.
VOV có bài: Vụ máy bay Trung Quốc “xâm phạm” không phận đặt ra thách thức lớn với Malaysia. Vụ TQ xâm phạm vùng trời Malaysia ngày 31/5, cho thấy thách thức mà không quân nước này đang phải đối mặt. TQ có lợi thế về số lượng khí tài, gồm số lượng máy bay quân sự. Nếu TQ tiếp tục gia tăng tần suất và số lượng máy bay trong mỗi lần xâm phạm, gánh nặng đặt ra cho không quân Malaysia. “Hơn nữa, Malaysia cần phải duy trì lực lượng phòng không trên toàn bộ lãnh thổ của nước này thay vì chỉ tập trung vào một số bang ở phía Đông, nên thách thức có thể trở nên nghiêm trọng hơn”.
VietNamNet có bài: Việt Nam cùng ASEAN và Trung Quốc đưa quan hệ trở thành hình mẫu. Trả lời báo chí chiều nay về kết quả Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – TQ, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong – Lan Thương (Lan Cang) lần thứ 6, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng thông báo, quan hệ hợp tác ASEAN-TQ ngày càng thắt chặt.
Mời đọc thêm: Quan chức Mỹ: Trung Quốc tự tạo rắc rối cho chính mình (VTC). – Chiến lược mới đối phó tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông của Mỹ (TP). – Tư lệnh quân đội Philippines thăm đảo Thị Tứ ở Biển Đông trong vòng tranh chấp (VOA). – Biển Đông: Ý đồ của Trung Quốc khi chiến cơ áp sát không phận Malaysia (VNN).
– Tìm kiếm giải pháp lâu dài cho Biển Đông (TN). – Biển Đông: ASEAN và Trung Quốc đồng ý kêu gọi các bên kìm chế, tránh khiêu khích (RFI). – Các nước đánh giá cao đóng góp tích cực và hiệu quả của Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc và Mekong-Lan Thương (TG&VN). – Hợp tác ASEAN – Trung Quốc: Khẳng định cam kết trong giải quyết các vấn đề cấp bách của khu vực (Tin Tức). – Vẻ đẹp kiên cường của quần đảo Trường Sa giữa nắng gió biển Đông (TTXVN).
Tin giáo dục
Báo Giáo Dục VN có bài: Bộ trưởng ơi, giáo án mẫu 5512 đang đẻ ra những cái chợ dối trá. Vì bệnh “thành tích” trong môn Văn, các loại “văn mẫu” hiện tràn ngập trong giáo dục VN, đến mức cả HS lớp 1 cũng phải học “văn mẫu”. Phụ huynh học sinh cũng khuyến khích con em họ làm bài theo “văn mẫu” để được điểm cao, vì môn Văn luôn là một trong các môn được tính hệ số cao nhất trong 12 cấp học cơ bản, thậm chí vượt qua cả 12 cấp học, “văn mẫu” vào đến cả các trường ĐH, cao đẳng, trở thành “mẫu luận văn”.
Các “chợ luận văn” xuất hiện tràn lan trên mạng internet, chỉ cần chi tiền là bất cứ ai cũng có thể sở hữu khóa luận tốt nghiệp ĐH, thậm chí cả luận án thạc sĩ, tiến sĩ. Chưa hết, từ thị trường “chợ luận văn” còn nảy sinh thị trường “giáo án mẫu”, tức là “văn mẫu” để các GV dạy HS, được khuyến khích bởi chính Công văn số 5512 của Bộ GD&ĐT!
Cũng liên quan đến môn Văn, VnExpress có bài về một đề thi Văn vào lớp 10 đang khiến công luận xôn xao: Đề Văn ‘nếu phải ở trong nước sôi’ gây tranh cãi. Đó là đề thi vào lớp 10 chuyên Văn của trường THPT Lê Quý Đôn, tỉnh Khánh Hòa, dựa trên câu ngạn ngữ phương Tây: “Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng”, để hỏi thí sinh: “Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng?” Một số ý kiến bình luận, đề thi có thể gây ám ảnh, bởi sự so sánh không hợp lý.
Báo Thế Giới và VN có bài về diễn biến cuộc tranh luận ‘nếu em ở trong nước sôi’: Đề thi mở không có nghĩa là ‘nhắm mắt’ chạy theo vấn đề thời sự. Người ra đề Văn đã sai ngay từ giả định, đem con người so với củ khoai hoặc quả trứng, bỏ vào nước sôi. Thực tế, nếu một người còn tỉnh táo bị bỏ vào nước sôi, thì nạn nhân sẽ tìm cách thoát khỏi tình cảnh đó ngay lập tức, chứ không ngồi yên như củ khoai hay quả trứng.
TS Trịnh Thu Tuyết phân tích, lấy lý do là xu hướng ra đề mở đang thịnh hành, một số GV đã lợi dụng tâm lý đám đông, bỏ qua những yêu cầu chuẩn mực của môi trường sư phạm để đưa vào đề thi, đề kiểm tra những phát ngôn, ca từ, hiện tượng không đúng chuẩn mực, chỉ nhằm tạo hứng thú nhất thời cho một số nhóm HS nhất định.
Báo Tiền Phong đặt câu hỏi về nghịch lý đang diễn ra ở một trong các cơ quan chuyên đào tạo nhân lực cho bộ máy tuyên truyền của chế độ, là vụ thu học phí trước, học sau: Học viện Báo chí và Tuyên truyền có làm ‘khó’ sinh viên? Học viện này vừa ra thông báo, nhằm chuẩn bị cho việc đăng ký học tín chỉ học kỳ 1, năm học 2021 – 2022, Học viện tạm thu học phí kỳ 1 năm 2021 – 2022 đối với SV các lớp chính quy của các khóa 38, 39, 40.
Phản ứng lại thông báo thu trước học phí, các SV cho rằng, học kỳ 2 năm học 2020 – 2021 hiện còn chưa kết thúc, một số môn học chưa thi hết học kỳ, nhưng nhà trường đã yêu cầu đóng trước học phí của năm học 2021 – 2022 là không hợp lý. Một số SV lo lắng, yêu cầu đóng học phí của nhà trường là quá gấp gáp, khó có thể đáp ứng kịp.
VTC có bài: Ra quyết định thu học phí gây tranh cãi, HV Báo chí và Tuyên truyền lên tiếng. PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó GĐ Học viên thừa nhận, toàn trường còn khoảng hơn 1.500 SV đang nợ học phí, số tiền nợ khoảng 8 tỉ đồng. Nếu trường tiếp tục không thu học phí trước mà cho sinh viên nợ học phí thì con số này sẽ tiếp tục tăng lũy tiến. “Đồng tiền đi liền khúc ruột”, Học viện làm căng chuyện tiền bạc như vậy liệu có bảo đảm được “lý tưởng” và lòng trung thành của thế hệ tuyên truyền viên kế cận?
Mời đọc thêm: Bộ nên cầu thị thu hồi Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, bỏ mẫu giáo án dài dòng vô bổ (GDĐT). – Trách nhiệm giải trình về chi phí đào tạo, mức thu học phí bậc Đại học (GDTĐ). – Cần đánh giá công bằng với đề thi Ngữ văn ‘nếu em ở trong nước sôi’ (VNN). – Quảng Ngãi: Một phần đề thi lớp 10 chuyên Anh giống y chang nội dung đã ôn tập (Infonet). – Từ vụ nữ sinh bị đánh, điều tra các nhóm kín trên mạng (PLTP). – Vụ học sinh lớp 7 bị đánh “hội đồng” ở Phú Yên: Điều tra động cơ của nhóm kín “Bố Già 78” (PLVN). – Căn cứ để xác định thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 (HNM).
***
Thêm một số tin: Bí thư tỉnh Bình Dương xin không làm đại biểu Quốc hội khóa XV (RFA). – Tổng Giám đốc VOV và TTXVN thôi giữ chức vụ (TP). – Carolyn Trần, người Việt đầu tiên ứng cử nghị viên New York (NV). – Joe Biden gia hạn các lệnh trừng phạt của Mỹ với Belarus thêm một năm nữa (BBC). – Mỹ mài sắc thêm vũ khí trừng phạt Trung Quốc — Thượng Viện Mỹ thông qua kế hoạch hơn 170 tỷ đầu tư cho công nghệ để đối phó với Trung Quốc — Miến Điện: Thêm 100.000 người ở miền đông phải tản cư do bạo lực (RFI).
0 nhận xét