Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Bản tin ngày 18-6-2021

Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2021 13:40 // ,

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Sau tranh cãi về căn cứ quân sự phía nam Biển Đông, Mỹ ‘trừng phạt’ Campuchia? Chưa đầy một tuần sau khi bị Campuchia từ chối đề nghị tìm hiểu đầy đủ căn cứ hải quân Ream nằm ở phía nam Biển Đông, Mỹ thông báo sẽ sớm ngưng chương trình tài trợ trị giá 21 triệu Mỹ kim cho Campuchia trong dự án bảo vệ rừng mang tên Greening Prey Lang, theo nguồn tin từ Nikkei Asia.

Phía Mỹ đưa ra lý do: Campuchia không hành động đủ để ngăn chặn nạn phá rừng. Đại sứ quán Mỹ ở Campuchia cho biết: “Việc khai thác gỗ bất hợp pháp vẫn tiếp tục diễn ra trong và xung quanh Khu bảo tồn động vật hoang dã Prey Lang, và chính quyền Campuchia đã không truy tố đầy đủ các tội phạm về động vật hoang dã hoặc ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp này”.

Hai ngày sau khi TQ triển khai đợt xâm phạm không phận Đài Loan với quy mô chưa từng có, ngày 17/6, TQ tiếp tục điều động máy bay đến vùng trời của hòn đảo này. Đài Loan xuất kích máy bay chặn chiến đấu cơ Trung Quốc đi vào ADIZ, VTC đưa tin. Phía Đài Loan cho biết, nhóm 7 máy bay TQ trong đợt xâm phạm mới nhất, có 2 chiến đấu cơ J-16 mẫu mới, 4 chiến đấu cơ J-7 và một máy bay tác chiến điện tử Y-8.

Cơ quan phòng vệ Đài Loan đã nhanh chóng điều máy bay ngăn chặn, đồng thời phát cảnh báo vô tuyến và triển khai các hệ thống tên lửa phòng không để giám sát hoạt động của các máy bay TQ. Cơ quan phòng vệ Đài Loan lưu ý, đây đã là lần thứ 6 Quân đội TQ cho máy bay vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan, chỉ trong tháng 6/2021.

VnExpress có bài: Tướng Mỹ nói Trung Quốc chưa đủ sức tấn công đảo Đài Loan. Khi được hỏi về khả năng TQ thu hồi đảo Đài Loan bằng vũ lực trong tương lai gần, tại cuộc điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 17/6, Đại tướng Mark Milley, Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, bình luận: “Trung Quốc còn lâu mới phát triển được năng lực thực sự để tiến hành chiến dịch quân sự chiếm toàn bộ đảo Đài Loan… Tôi nghĩ hiện giờ họ không có ý định hoặc động lực làm điều đó. Khả năng Bắc Kinh thu hồi đảo Đài Loan bằng biện pháp quân sự trong tương lai gần, là rất thấp”.

Trong cuộc hội đàm tối qua với Chủ tịch Nhân đại TQ Lật Chiến Thư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Trung Quốc tăng nhập hàng hóa Việt Nam, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Ông Vương Đình Huệ không đề cập đến các tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông, mà chỉ “trao đổi nhiều nội dung thiết thực nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước trên các lĩnh vực chính trị, hợp tác về kinh tế – thương mại và đầu tư, quản lý biên giới trên đất liền và duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.

Khi hội đàm với họ Lật, ông Huệ chỉ đề nghị 2 bên cùng nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, xử lý thỏa đáng vấn đề trên Biển Đông, tôn trọng lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau theo tinh thần nhận thức chung cấp cao, nhất là “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”.     

Mời đọc thêm: Xem nhóm tàu sân bay Mỹ diễn tập tác chiến trên Biển Đông (VNN). – Truyền thông quốc tế: Mỹ, Nhật chỉ trích kịch liệt Trung Quốc tại Hội nghị Quốc phòng ASEAN mở rộng (VietTimes). – G7 kích hoạt ‘liên minh’ ngăn chặn Trung Quốc chiếm Biển Đông? (TĐ). – Trung Quốc liên tục điều máy bay đến Đài Loan sau hợp đồng vũ khí Mỹ – Đài (PLTP). – Máy bay Trung Quốc xâm nhập ADIZ, Đài Loan lập tức triển khai phòng không (NLĐ). – Dự án cáp biển Thái Bình Dương bế tắc vì một công ty Trung Quốc (VTC). 

Cập nhật vụ bà Nguyễn Phương Hằng đấu với VOV

Cuộc “thư hùng” giữa phu nhân của ông chủ khu du lịch Đại Nam với VOV và các báo “lề phải” đã xuất hiện diễn biến mới. VietNamNet dẫn lời Trung tướng Tô Ân Xô: “Đã xác định danh tính nhóm đối tượng tấn công báo điện tử VOV”. Chánh Văn phòng Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô thông báo, qua điều tra, xác minh, các Cục nghiệp vụ, công an các địa phương đã xác định được danh tính nhóm đối tượng trên và có những xử lý bước đầu: “Vụ việc vẫn đang trong quá trình mở rộng điều tra nên chưa công bố cụ thể , trước mắt chúng tôi xác định nhóm đối tượng ở trong nước

Tuy nhiên, chỉ một ngày trước, Trung tướng Tô Ân Xô nói về vụ hacker tấn công Báo điện tử VOV, nói rằng nhóm hacker ở nước ngoài, VOV đưa tin. Ông Tô Ân Xô nói, đây là loại tội phạm công nghệ cao tấn công từ nước ngoài, rất phức tạp, khó xử lý, những người tấn công VOV hoạt động có tổ chức, sử dụng chiến thuật DdoS, huy động hàng trăm ngàn máy tính tấn công cùng lúc để làm tràn băng thông: “Các đối tượng huy động cả ‘đạo quân’ làm tăng băng thông dẫn đến nghẽn mạng, khiến người đọc không truy cập được. Các đối tượng tấn công liên tục, mình không nâng cấp sẽ bị thua”.

Nhưng sau một ngày “điều tra”, ông Tô Ân Xô đã thay đổi, “kéo” đám hacker vô lễ với VOV từ “nước ngoài” về “trong nước”. Cơ quan A05 có tài điều tra thần tốc, hay đây là thủ thuật “gắp tội bỏ tay người”? Đã có ý kiến cho rằng, bà Phương Hằng không hề huy động “hacker” nào cả, mà chỉ đơn giản là “đội quân” lên tới hàng trăm ngàn người ủng hộ bà đã kéo nhau vào VOV đọc bài, dẫn đến tràn băng thông.  

Cũng trong ngày 17/6, Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị điều tra, xử lý nghiêm hành vi tấn công Báo Điện tử VOV, theo báo Tiền Phong. Hội Nhà báo VN đã có văn bản gửi cơ quan A05, thuộc Bộ Công an và Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị điều tra, xử lý hành vi tấn công các nền tảng kỹ thuật của Đài Tiếng nói VN – VOV. Phản ứng mạnh của cả bộ máy tuyên truyền và bộ máy an ninh của chế độ cho thấy, đây thật sự là “cái tát” giáng vào hệ thống báo “lề phải”.

Về phần bà Nguyễn Phương Hằng, bất chấp sự dọa nạt liên tục từ cả bộ máy tuyên truyền và an ninh, bà Hằng vẫn tiếp tục livestream, phê phán các “ngôi sao” trong showbiz VN. Video livestream ngày 18/6 của bà Phương Hằng trên Facebook, đã được trang Nhà Đất Bình Phước đưa lên Youtube:

Trước đó, vào ngày 17/6, bà Hằng cũng livestream, nội dung phê phán “nghệ sĩ” Hoài Linh, người đã ôm 15 tỉ tiền từ thiện cứu trợ miền Trung mùa bão lụt 2020. 

Mời đọc thêm: Trung tướng Tô Ân Xô: Đã xác định nhóm nghi phạm tấn công mạng Báo Điện tử VOV (VOV). – Nhóm tấn công báo điện tử VOV bị phát hiện (VNE). – ‘Sờ gáy’ nhóm hacker tấn công Báo điện tử VOV (TP). – Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị điều tra, xử lý nghiêm hành vi tấn công mạng (HNM). 

Tin Miến Điện

VnExpress đưa tin: Myanmar xét xử nhà báo Mỹ. Đó là nhà báo Mỹ Danny Fenster, biên tập viên trang tin Frontier Myanmar, bị bắt tại Miến Điện hồi tháng 5/2021. Hôm nay, ông Fenster đã ra trình diện trong một tòa án đặc biệt, với cáo buộc đưa tin chống lại chính quyền quân phiệt Miến “theo điều 505-A Bộ Luật hình sự”, với mức án tối đa 3 năm tù, theo thông báo của Frontier Myanmar.

Trước đó, ông Fenster được chuyển tới nhà tù Insein ở TP Yangon và dự kiến tiếp tục hầu tòa vào ngày 1/7. Phía Frontier Myanmar thông báo: “Họ không đưa ra bằng chứng cáo buộc anh ấy”. Ned Price, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Chúng tôi kêu gọi Myanmar cho phép tiếp xúc lãnh sự theo yêu cầu của Công ước Vienne về Quan hệ Lãnh sự và đảm bảo đối xử thích đáng với Danny trong thời gian giam giữ”.

Nhà báo Mỹ Danny Fenster, biên tập viên trang tin Frontier Myanmar. Ảnh: AFP/VNE

BBC đưa tin: Một làng ở miền trung Myanmar bị thiêu trụi sau cuộc đụng độ. Đó là làng Kin Ma ở miền Trung Miến Điện, người dân địa phương nói với BBC rằng, 200 trong số 240 ngôi nhà ở làng này đã bị quân đội Miến san bằng trong cuộc bố ráp ngày 15/6. Ông Dan Chugg, Đại sứ Vương quốc Anh tại Miến Điện cho biết: “Tin đưa về việc chính quyền đã thiêu rụi toàn bộ một ngôi làng ở Magway, giết chết người dân cao tuổi, một lần nữa cho thấy rằng quân đội tiếp tục gây những tội ác kinh hoàng và không đếm xỉa gì đến người dân Myanmar”.

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Liên Hợp Quốc lên tiếng sau phát hiện mộ tập thể ở Myanmar. Nguồn tin của Tạp chí Newsweek hôm nay cho biết, 25 thường dân đã bị Tổ chức Phòng vệ Quốc gia Karen sát hại, sau vụ lực lượng an ninh của chính quyền quân sự thiêu rụi một ngôi làng.

LHQ kêu gọi “tất cả tác nhân trong cuộc khủng hoảng hiện nay đảm bảo rằng các quy tắc và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế được tôn trọng… Điều này bao gồm việc duy trì nghĩa vụ giảm thiểu thiệt hại ngoài dự kiến đối với dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự, đồng thời cấm áp dụng các hình phạt tập thể đối với cộng đồng, gia đình hoặc cá nhân”.

Mời đọc thêm: Cư dân tố quân đội Myanmar đốt làng sau khi giao tranh (Zing). – Mỹ bị Myanmar từ chối cho tiếp cận lãnh sự với công dân bị bắt (TG&VN). – World Cup 2022: Thủ môn tuyển Myanmar không muốn về nước, xin tị nạn ở Nhật (TN). – Một tuyển thủ Myanmar ở lại Nhật, vì về nhà sợ bị giết (PLTP). – Hé lộ khoản tiền hỗ trợ của Triều Tiên cho Myanmar (NLĐ). – Triều Tiên viện trợ 300.000 USD cho Myanmar (TP).  

***

Thêm một số tin: Không có tự do thì liệu thu phí có giúp báo chí chuyên nghiệp hơn? (RFA). – Nam sinh đặt camera trong nhà vệ sinh quay lén cô giáo rồi tống tiền (NV). – Hai sếp của báo Apple Daily ở Hong Kong bị buộc tội thông đồng với nước ngoài (VOA). – Hồng Kông: Apple Daily tăng gấp 6 số lượng báo phát hành, sau cuộc bố ráp của cảnh sát  (RFI).

 Bắc Triều Tiên: Tình trạng sức khỏe của Kim Jong Un lại gây nhiều đồn đoán  Kim Jong Un : Bắc Triều Tiên phải chuẩn bị cho đối thoại lẫn đối đầu với Mỹ  — Iran bầu tổng thống: Ứng viên bảo thủ nhiều khả năng đắc cử, tỉ lệ vắng mặt có thể phá kỷ lục  Mỹ-Trung Quốc: Nhà Trắng có thể tổ chức thượng đỉnh Biden-Tập Cận Bình (RFI). – Dự án cáp biển Thái Bình Dương ‘chìm xuồng’ sau khi Mỹ cảnh báo các nhà thầu Trung Quốc (VOA). 

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.