Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Bản tin ngày 14-6-2021

Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021 08:26 // ,

 BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

VietNamNet có bài: Châu Á trong cuộc chiến quyền lực Trung Quốc – phương Tây. Trải qua ba thập niên sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, thế giới sắp chứng kiến một “bức màn sắt” mới được dựng lên ở châu Á. Khu vực này đã trở thành “chiến trường” trong cuộc cạnh tranh chính trị – kinh tế giữa Mỹ và TQ. Sau lưng TQ có Nga và một số chế độ độc tài còn sót lại trong khu vực và trên thế giới; con sau lưng Mỹ là các đồng minh châu Âu, Á, Úc. 

TQ đang tận dụng cả “quyền lực cứng” lẫn “quyền lực mềm” để dần thay thế vị trí của Mỹ ở Đông Nam Á. “Chậm rãi nhưng chắc chắn, một sự chia rẽ đang mở ra ở châu Á. Đáng buồn thay, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi súng bắt đầu khai hỏa và khu vực phải trải qua một loạt các cuộc xung đột khác mà họ không có phần nhưng phải trả giá bằng máu”.

VTC có clip: Trung Quốc ngang nhiên điều thêm tàu, máy bay ra Trường Sa

Báo Thanh Niên có bài: Thủ tướng Nhật kêu gọi G7 đối phó hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Nguồn tin từ đài NHK của Nhật cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G7, nhiều vấn đề liên quan TQ, như hành động đơn phương của nước này ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, cùng các chương trình kinh tế không công bằng, không phù hợp với các giá trị của G7. 

Trước đó, trong hội nghị trực tuyến ngày 27/5, Thủ tướng Suga cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, bày tỏ sự phản đối trước những ý đồ đơn phương của Bắc Kinh, nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông.  

RFI đưa tin: Nhật Bản hoan nghênh Đức và Pháp quyết tâm can dự vào Ấn Độ-Thái Bình Dương. Nguồn tin từ hãng thông tấn Kyodo cho biết, bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Anh, thủ tướng Suga tranh thủ cuộc họp song phương với người đồng cấp Đức, Angela Merkel và Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, để bày tỏ sự tán thành chủ trương của Berlin và Paris dấn thân mạnh mẽ hơn vào khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, gồm kế hoạch tăng cường hiện diện hải quân của hai nước đến khu vực này.

Đài France 24 có clip: Tổng thống Joe Biden tập hợp đồng minh để củng cố lập trường trước TQ.

Kết quả hội nghị thượng đỉnh G7 ở Anh từ ngày 11 đến 13/6: Tuyên bố chung G7 bày tỏ quan ngại tình hình Biển Đông, báo Tiền Phong đưa tin. Trong tuyên bố chung của G7 có đoạn: “Chúng tôi vẫn quan ngại nghiêm trọng về tình hình Biển Đông và Hoa Đông, và phản đối mạnh mẽ những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng”. Các nước G7 cũng khẳng định tầm quan trọng của hòa bình ở khu vực eo biển Đài Loan, kêu gọi giải quyết căng thẳng ở đây trong hòa bình.

Báo Người Lao Động đưa tin: Tổng thư ký NATO “nắn gân” Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn với đài CBC trước thềm hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Brussels, Tổng thư ký Jens Stoltenberg lưu ý, TQ có ngân sách quốc phòng lớn thứ nhì thế giới, lực lượng hải quân đông nhất và đang đầu tư ồ ạt vào các loại vũ khí quân sự mới, trong khi liên tục khiến tình hình phức tạp hơn ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, ảnh hưởng đến an ninh của NATO.

VnExpress có bài: Trung Quốc phủ bóng thượng đỉnh NATO. NATO đang đứng trước thách thức phải đối phó với “sự trỗi dậy về kinh tế, chính trị và quân sự của Trung Quốc”, trong tình hình Bắc Kinh vừa mở rộng tầm kiểm soát trên Biển Đông, vừa tăng tầm ảnh hưởng của “quyền lực mềm” trên thế giới, qua các chương trình phân phát vaccine chống Covid-19, đầu tư kinh tế ở châu Phi và Đông Âu.

Hải quân TQ lần đầu xuất hiện ở Địa Trung Hải, vùng biển “sát sườn” châu Âu, trong các cuộc diễn tập chung với Nga vào năm 2015. Từ đó, TQ triển khai tham vọng xây dựng hạm đội hải quân lớn nhất thế giới và đầu tư vào nhiều hạ tầng quan trọng tại châu Âu, bao gồm cảng biển cùng các mạng viễn thông. Dựa vào vaccine và các chương trình đầu tư, TQ đã lôi kéo được Hungary, một thành viên NATO.

Mời đọc thêm: Thượng đỉnh G7: Tuyên bố chung nói gì về Biển Đông? (TG&VN). – Các lãnh đạo G7 bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông (TĐ). – Bị chỉ trích tại G7, Trung Quốc tung biếm hoạ “Hội nghị G7 cuối cùng” (GT). – Tổng thư ký NATO kêu gọi cứng rắn hơn với Trung Quốc (Zing). – Chỉ huy quân đội Mỹ khẳng định có thể dùng quân lực ngăn cản Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan (VietTimes). – Phủ tổng thống Philippines trấn an về tình hình sức khỏe của ông Duterte (PLTP). 

Tin chính trường

Sắp có thêm màn kịch “bầu cử” mới: Quốc hội sẽ bầu lãnh đạo cấp cao tại kỳ họp tháng 7, VnExpress đưa tin. Trong cuộc họp QH chiều nay, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ thông báo, kỳ họp tới đây sẽ tiến hành bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao, gồm Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng; các phó Chủ tịch QH, Phó chủ tịch nước, Phó thủ tướng, thành viên Chính phủ, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm các Ủy ban.

Coi như các nhân vật này được “bầu” ba lần. Lầu đầu là đại hội đảng 13, (cuối tháng 1, đầu tháng 2); lần thứ hai diễn ra trong kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14; lần thứ ba sẽ diễn ra trong kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15 vào tháng 7 tới. Dù bầu tới 3 lần, nhưng mọi người đều biết kết quả, rằng chỉ các nhân vật đó “trúng cử”. Dẫu biết đây là show diễn, nhưng đạo diễn quá tệ, chỉ phí tiền của dân, thay vì để số tiền này mua vaccine, chích ngừa dân, sẽ có ý nghĩa hơn.

Báo Tiền Phong có bài: Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp tháng 7. Tin cho biết, QH sẽ họp phiên trù bị của kỳ họp về nhân sự cấp cao vào chiều ngày 19/7, chính thức khai mạc vào ngày 20/7 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 3/8. Trong tổng thời gian kỳ họp là 11 ngày rưỡi làm việc, công tác nhân sự dự kiến kéo dài 5 ngày.

Tổng Thư ký QH, “tiến sĩ chân vịt” Bùi Văn Cường thông báo, đây là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ nên sẽ bố trí để Thủ tướng trình bày báo cáo kinh tế – xã hội tại phiên khai mạc. Nhưng vào thời điểm khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khóa XV chưa được bầu để trình bày báo cáo thẩm tra kinh tế – xã hội, nên đề nghị phân công Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH khóa XIV là ông Vũ Hồng Thanh trình bày thay.

VOA có bài: Quốc hội Việt Nam sẽ bầu các chức danh lãnh đạo chủ chốt vào tháng 7. Facebooker Phạm Lê Vương Các chỉ ra: “Các cuộc bầu cử này mang tính giả hiệu vì điều này người ta đã biết trước. Điều này cho thấy đây là một sự sắp xếp để chia ghế, chia quyền, chứ không phải là bầu cử đúng nghĩa”.

RFA đặt câu hỏi: Kết quả bầu cử với những con số cao ngất ngưởng có ý nghĩa gì? Một cử tri ở TP Hà Nội bình luận về kết quả trúng cử với tỷ lệ phiếu đều trên 90% của các thành viên “tứ trụ”: “Họ có thể đưa ra rất nhiều con số, nhưng đối với tôi những con số đó không có ý nghĩa gì. Bởi vì bàn cờ nằm trong tay họ. Họ có thể làm nhiều việc. Khu nhà tôi có nhiều lắm, một người cầm năm, sáu phiếu đi bầu thay cho cả nhà được. Đến thì cứ cầm đủ thẻ cử tri, đọc tên và có thẻ cử tri thì cứ thế ngồi gạch vậy thôi”.

Mời đọc thêm: Dự kiến Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 20/7 (Tin Tức). – Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội trong tháng 7 (VNN). – Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội tại kỳ họp tháng 7 (NLĐ). – Chính phủ lại hoãn trình dự án sửa đổi Luật đất đai (VnEconomy). 

Tin nhân quyền

Báo Người Việt đưa tin: Dân oan Nguyễn Thị Huệ ra tù sẽ ‘tiếp tục lên Facebook’. Tù nhân lương tâm Nguyễn Thị Huệ vừa ra tù, cho biết, sẽ “sử dụng lại Facebook, kết nối kể chuyện cho bạn bè cùng mọi người nghe”. Bà Huệ vừa mãn hạn bản án 2 năm 6 tháng tù vì bị cáo buộc tội “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ…” trong một phiên tòa ở tỉnh Gia Lai vào năm 2019.

Facebooker Nguyễn Thị Huệ bị kết án 2 năm rưỡi tù vì bị vu cho tội “Lợi dụng tự do, dân chủ…” vào ngày 17/10/2019. Ảnh: TTXVN/NV

Bà Lê Thị Thập, vợ của TNLT Lưu Văn Vịnh, kể lại lời của bà Huệ: “Ở trại giam, họ cho rằng chị bị thần kinh, bởi chị không sợ gì cả, chị chửi hết tất cả quan chức. Họ nói chị là phản động, chị nói, ờ tao phản động nhưng tao không phản quốc như lũ chúng mày. Chị bảo rằng, tao bị chúng mày tước quyền công dân. Nhưng tao vẫn có quyền con người nghe chưa, nên chúng mày đừng hòng bịt miệng tao”.

Mời đọc thêm: Hiếu PC kêu gọi báo cáo  Youtuber “nói xấu Bác Hồ” (RFA).  – Hồng Kông: Ít nhất 3 người bị bắt trong ngày kỷ niệm 2 năm cuộc biểu tình dân chủ 2019 — Nga : « Lằn ranh đỏ » của chính quyền Putin và cuộc tấn công nhắm vào truyền thông độc lập — Miến Điện: Phiên xử đầu tiên nhắm vào bà Aung San Suu Kyi (RFI).

***

Thêm một số tin: Cam Bốt giải tỏa khu nhà nổi có đông người Việt sinh sống trên sông Tonle Sap (RFI). – Làm hòa với NATO và EU, nhiệm vụ không dễ với ông Biden (PLTP). – G7 lên án Trung Quốc, đòi mở điều tra mới về nguồn gốc Covid-19 (VNN). – Rò rỉ nhà máy điện hạt nhân ở Quảng Đông? (TP).  – Có nguy cơ vận tải biển quốc tế còn tắc nghẽn tới Giáng Sinh năm nay (BBC).

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.