Ấn Độ: Vụ bệnh nhân Covid chết 'do bị bác sĩ bỏ rơi' dậy sóng dư luận
- Vineet Khare
- BBC Hindi, Delhi
Ở Delhi, hồi tháng 4, sáu người đã chết trong cô độc ở một khoa trong bệnh viện do bị các bác sĩ bỏ lại đó giữa đợt dịch Covid-19 thứ hai đang tàn phá đất nước.
Video về các thi thể bị bỏ lại trong khu chăm sóc đặc biệt đã lan truyền nhanh chóng, nhưng câu chuyện đã sớm nhường chỗ cho các chủ đề khác, để lại một khoảng trống thông tin về những gì thực sự đã xảy ra đêm đó và bo mặc những người thân phải đối diện với thảm kịch.
Trong đoạn ghi hình, có thể nghe thấy một người đàn ông đang nói chuyện phía sau khi điện thoại camera quay lướt quanh phòng.
Covid-19: Các bệnh viện ở Delhi cạn kiệt nguồn cung cấp oxy
"Cả bác sĩ lẫn dược sỹ đều không ở đây. Không có ai ở quầy lễ tân," ông nói, khi những thân nhân đi từ giường này sang giường khác, cố gắng hồi sinh người thân của mình.
"Làm sao mà các bác sĩ có thể bỏ chạy để lại bệnh nhân của mình cho đến chết bất chấp cả sự hiện diện của ông?" một người đàn ông được nhìn thấy đang hỏi một cảnh sát.
"Đã chết," một người đàn ông trong một video khác nói. "Đã chết. Tất cả mọi người."
Đoạn video được quay vào đêm 30/4 tại phòng chăm sóc đặc biệt ở bệnh viện Kriti ở Gurugram, ngoại ô Delhi.
Thân nhân của những người tử vong nói rằng họ đã xông vào khu ICU sau khi không thể tìm thấy bác sĩ ở hành lang, cuối cùng chỉ thấy ICU cũng bị bỏ hoang. Họ cáo buộc các bác sĩ đã bỏ mặc bệnh nhân sau khi bệnh viện cạn nguồn oxy.
Các bác sĩ, những người đang ẩn nấp ở nơi khác trong bệnh viện, nói rằng họ bỏ trốn vì sợ bạo lực từ các gia đình nạn nhân. Các gia đình nói rằng họ chưa bao giờ đưa ra bất kỳ lời đe dọa nào.
Một tháng sau, một cuộc điều tra nội bộ vẫn chưa xác nhận nguyên nhân của những ca tử vong. Không có cáo buộc nào. Phó cảnh sát trưởng Gurugram Yash Garg không thể nói khi nào cuộc điều tra sẽ hoàn tất.
Đối với các gia đình thì họ không có mấy manh mối để tiếp tục theo đuổi vụ việc.
'Chúng tôi muốn công lý cho người thân của mình'
Tính đến tháng 4 ở Ấn Độ, tình trạng cạn kiệt oxy đã trở thành mối quan tâm trên toàn quốc, khi làn sóng Covid thứ hai quét qua đất nước khiến hệ thống y tế của Ấn Độ kiệt quệ. Bệnh nhân chết trên cáng bên ngoài bệnh viện đã quá tải trong khi các lò hỏa táng tràn ngập người chết.
Bệnh nhân tử vong ngay cả khi bệnh viện và gia đình tranh giành nhau để sắp xếp nguồn cung oxy. Các phương tiện truyền thông xã hội tràn ngập những lời cầu nguyện trong tuyệt vọng từ các bác sĩ và người thân của những người chịu đau khổ vì Covid.
Cái chết của sáu bệnh nhân không được săn sóc là một trong nhiều bi kịch, nhưng bản chất gây sốc của đoạn phim đã khiến nó được lan truyền khắp thế giới.
Sau đó, khi câu chuyện dần bị bỏ rơi khỏi các tít báo, một cảm giác hụt hẫng len vào cuộc sống của những người thân yêu bị bỏ lại phía sau.
Một nhóm WhatsApp được tạo ra sau thảm kịch, từng đầy những thông điệp về niềm hy vọng và sự ủng hộ, giờ phủ toàn sự thất vọng và tuyệt vọng.
"Chúng tôi muốn công lý cho người thân của mình," Namo Jain, một thanh niên 17 tuổi mất bố vào đêm hôm đó, mới đây viết trong nhóm.
Những thành viên trong nhóm không biết nhau trước khi họ hợp lại nhờ vào những gì đã xảy ra, và họ vẫn chỉ biết nhau qua WhatsApp.
"Chúng tôi không biết mặt nhau, nhưng chúng tôi phải ở cạnh nhau để hỗ trợ lẫn nhau," Nirupama Verma, có mẹ là Gita Sinha, một trong những người thiệt mạng đêm đó, nói.
Amandeep Chawla, người có bố nằm trong số 6 người thiệt mạng, cho biết anh không được thông báo về tình trạng thiếu oxy tại bệnh viện Kriti.
Ông nói: "Chúng tôi được các nhân viên bệnh viện đảm bảo rằng có hai chiếc xe đã ra ngoài để lấy oxy nên không cần phải lo lắng."
Chawla nhớ lại đã nhìn thấy hàng dãy bình oxy cạnh cổng chính. Nhưng đến 21h giờ địa phương, ông nói, hầu hết các bình đã biến mất, khiến gia đình bệnh nhân hoang mang sợ hãi.
Càng về đêm, các gia đình càng bất an. Ở một thời điểm nào đó, theo phiên bản mà họ nhớ về sự kiện, họ nhận ra rằng các nhân viên đã biến mất. Hoảng hốt, một số người trong số họ đã quyết định kiểm tra khu ICU.
Khi đến đó, họ nói chỉ thấy khu chăm sóc đặc biệt vắng tanh, ngoại trừ thi thể thân nhân của họ.
Chawla nói: "Không có bác sĩ, không có nhân viên bệnh viện. "Họ đã bỏ chạy."
BBC không thể xác định chính xác dòng thời gian của sự kiện đêm đó - có những phiên bản trái ngược nhau. Không rõ nhân viên bệnh viện rời khỏi khu khám bệnh khi nào và bệnh nhân có còn sống tại thời điểm đó hay không.
Chủ bệnh viện Swati Rathore nói với BBC rằng các nhân viên đã "đi trốn" một thời gian ngắn sau khi họ bị một số người nhà bệnh nhân tấn công, một cáo buộc mà các gia đình nạn nhân phủ nhận.
Bà Rathore nói: "Có sự khác biệt giữa việc ẩn trốn và bỏ rơi bệnh nhân," đồng thời nói thêm rằng bà đã yêu cầu nhân viên của mình không ra ngoài cho đến khi bà báo cảnh sát.
Bà Rathore đã gửi cho BBC một đoạn video cho thấy những người tấn công nhân viên của bà và phá hoại bệnh viện vào một tuần trước đó. Bà nói cảnh tượng tương tự đã lặp lại vào đêm các bệnh nhân chết trong ICU.
Bà Rathore nói: "Chúng tôi sẽ không chịu thêm sự đánh đập nào nữa."
Các gia đình buộc bệnh viện phải chịu trách nhiệm không chỉ vì bỏ lại khu chăm sóc đặc biệt mà còn vì không báo với họ về việc thiếu nguồn oxy.
Ông Jain nói: "Ai đó nên nói với chúng tôi rằng bệnh viện đã hết oxy". Ông có ba bình oxy ở nhà nhưng khi chị gái của ông kịp mang một bình đến bệnh viện thì bố ông đã qua đời.
Jugesh Gulati, người có bố nhập viện và vẫn còn sống, cho biết anh mang hờ thêm một bình oxy vì các nhân viên đã thông báo với anh về khả năng thiếu hụt oxy. Nhưng một số gia đình khác nói với BBC rằng họ không được cung cấp bất kỳ thông tin nào trước đó.
Trong khi đó, các cuộc trao đổi trong nhóm WhatsApp mà kết nối những người thân của tang quyến phản ánh cảm giác bất lực ngày càng tăng.
"Không có ý nghĩa gì khi ở lại trong nhóm này," một người tên là Jain chán nản viết.
Cô Verma đã cố gắng động viên ông. "Chúng tôi sẽ kề vai sát cánh chiến đấu," cô viết.
0 nhận xét