Trực tiếp - Thủ tướng VN: ‘Đây là thời điểm nước sôi lửa bỏng'
Thủ tướng Phạm Minh Chính: ‘Đây là thời điểm nước sôi lửa bỏng' - BBC Tiếng Việt
Tóm tắt
- Chiều 5/5, Bộ Y tế ra quyết định kéo dài thời gian cách ly lên 21 ngày, áp dụng cho người tiếp xúc gần với các ca dương tính và người nhập cảnh vào VN.
- Ông Đinh Tiến Dũng phủ nhận tin đồn lan truyền trên mạng về việc “lockdown” thủ đô Hà Nội.
- Hàng loạt địa phương ở Việt Nam tăng cường các biện pháp chống dịch quyết liệt, giữa lúc các ca lây nhiễm cộng đồng đã quay trở lại
- Đã có nhiều tỉnh thành cho học sinh trên toàn địa bàn hoặc ở một số địa phương chuyển sang học trực tuyến
- Thủ tướng Phạm Minh Chính họp khẩn cấp với các địa phương Tây Nam Bộ để chống dịch Covid-19
- Tính đến cuối ngày 8/5, số người được tiêm vaccine phòng Covid-9 trên cả nước đạt 832.000
Tường thuật trực tiếp
Các báo Việt Nam hôm 09/05 cho hay Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nơi điều trị y tế cho các lãnh đạo cấp cao "xác định mục tiêu, vừa thực hiện tốt phòng, chống dịch COVID-19 nhằm ngăn chặn, tránh dịch lây lan vào trong bệnh viện".
Hôm 08/05, bệnh viện này, tại Hà Nội, ra thông báo "ngừng tiếp nhận bệnh nhân chuyển tuyến từ các bệnh viện khu vực Hà Nội và các tỉnh" kể từ ngày có thông báo.
Lãnh đạo bệnh viện cho biết việc ngừng tiếp nhận bệnh nhân chuyển tuyến là để phòng lây nhiễm Covid-19 trong bệnh viện do tình hình dịch có chiều hướng diễn biến phức tạp, theo trang VnExpress.
Tuy thế, các báo Việt Nam không cho biết về nguy cơ có ca lây nhiễm Covid bên trong bệnh viện này là như thế nào, cũng như tiến độ tiêm chủng cho các bác sĩ, nhân viên bệnh viện đã được triển khai tới đâu.
Trang web của Bệnh viện 108 cho hay đây là bệnh viện có truyền thống 70 năm chuyên điều trị cho lực lượng vũ trang của chính quyền VNDCCH trong chiến tranh.
Sau 1975, bệnh viện có nhiệm vụ "đặc biệt chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho các cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước".
Về tình hình triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19, cổng thông tin chính thức của Bộ Y tế thông báo đã có hơn 830 ngàn người được chủng ngừa, cụ thể:
"Tính đến 16 giờ ngày 08/5/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP cho 832.635 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội."
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương giải trình tự gene virus 8 mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân Covid-19 ở Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, kết quả cho thấy nhiễm biến chủng Ấn Độ.
Trong số 8 mẫu được giải trình tự gene lần này, có 2 mẫu ở Hưng Yên, một Hà Nội, 5 Thái Bình, đều thuộc biến thể B1.617.2 của Ấn Độ.
Bộ Y tế chiều 9/5 cho biết công tác giải trình tự gene ở những bệnh nhân Covid-19 một số địa phương nhằm xác định nguồn gốc lây nhiễm, phục vụ công tác chống dịch.
Trước đó, chiều 7/5, Bộ Y tế cũng thông tin kết quả giải trình tự gene đối với mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội và Hải Dương đều mang biến thể Ấn Độ.
Bản tin tối 9/5 của Bộ Y tế cho biết tính từ 6h đến 18h ngày 09/5 có 77 ca mắc cộng đồng.
Như vậy, tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 333, ghi nhận ở 26 tỉnh thành.
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ra quyết định phong tỏa huyện Thuận Thành gồm 17 xã, 1 thị trấn, 108 thôn, khu dân cư. Tổng số 46.733 gia đình với 181.976 người.
Tất cả người dân sinh sống trên địa bàn huyện Thuận Thành thực hiện cách ly toàn xã hội và áp dụng nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị số 16, bắt đầu từ 14h chiều nay (9/5), tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh sẽ quyết định thời gian kéo dài cụ thể.
Huyện Thuận Thành trở thành ổ dịch lớn nhất tỉnh với số ca ghi nhận lên đến hàng chục ca chỉ trong vài ngày, các ca bệnh đều liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ cơ sở 2, theo Vietnamnet.
Các nước láng giềng ngay sát Ấn Độ đang chứng kiến số ca nhiễm tăng mặc dù mức độ khác nhau.
Nepal bị các ca nhiễm tăng mạnh trong tháng Tư. Hơn 40% số ca xét nghiệm Covid cho thấy kết quả dương tính, theo Hội chữ thập đỏ, dẫn dữ liệu của chính phủ.
Nepal có chung đường biên giới trên đất liền dài 1.880 km với Ấn Độ, và nhiều người thường xuyên qua đó kinh doanh, du lịch và vì lý do gia đình.
Bangladesh có các ca tăng từ đầu tháng 3 và áp dụng phong tỏa toàn quốc vào ngày 5/4 và nay được gia hạn đến ngày 16/5.
Ở Pakistan, số ca mắc và tử vong cũng tăng mạnh, dẫn đến lo ngại về quá tải cho hệ thống dịch vụ y tế.
Sri Lanka cũng đã chứng kiến sự gia tăng đột biến về số ca kể từ giữa tháng 4, khiến đóng cửa trường học ở một số khu vực, hạn chế tụ tập tôn giáo và cấm nhập cảnh từ Ấn Độ.
Ngày 8/5, cơ quan an ninh Đà Nẵng đang thụ lý hai vụ liên quan đường dây đưa người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với thủ đoạn "núp bóng" chuyên gia, nhà đầu tư do các công ty, đơn vị bảo lãnh nhưng sau khi hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày, những người nhập cảnh không làm việc tại doanh nghiệp ở các địa phương khác như đăng ký mà đến thành phố này sinh sống, làm việc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vào hôm 9/5 họp khẩn cấp với các địa phương Tây Nam Bộ để triển khai các biện pháp phòng chống dịch trong bối cảnh 10 ngày qua cả nước đã ghi nhận 257 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.
Phát biểu qua trực tuyến tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết diễn biến dịch lần này khá nhanh, đa nguồn lây, đa ổ dịch và ông đề nghị phải tiếp tục siết chặt kiểm soát biên giới trên bộ, trên biển; phát động nhân dân tố giác người nhập cảnh trái phép.
“Các địa phương biên giới Tây Nam Bộ phải xác định tinh thần luôn luôn trong trạng thái có nguy cơ, phải “coi như mình đã có dịch”; chuẩn bị cho kịch bản dịch lan trong cộng đồng,” ông Long nói.
Sáng 9/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông báo có 5 trường hợp dương tính do lây nhiễm cộng đồng. Trong đó có 4 bệnh nhân ở Gia Lâm liên quan đến điểm dịch tại xã Mão Điền, Bắc Ninh và 1 bệnh nhân liên quan Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung.
Cả 4 trường hợp đầu là học sinh học cùng lớp 12A1 Trường THPT Kinh Bắc, xã Hòa Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh.
Hà Nội đang ghi nhận số ca Covid-19 nhiều nhất trong 23 tỉnh thành trong đợt dịch này. Đến sáng 9/5, Hà Nội ghi nhận 100 ca, tập trung chủ yếu ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 61 ca, Bệnh viện K 11 ca.
Cũng sáng 9/5, Bộ Y tế thông báo có thêm 15 ca bệnh mới trên toàn quốc, nâng tổng số người bị bệnh kể từ đầu dịch lên 3.245 người, trong đó 1.826 ca mắc do lây nhiễm trong nước.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư, tính từ ngày 27/4, đã có 24 tỉnh thành có ca nhiễm trong cộng đồng: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Nam, Nam Định, TP HCM, Yên Bái, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Thanh Hóa, Điện Biên, Nghệ An, Phú Thọ, Huế, Hải Phòng và Đăk Lăk..
Sáng 8/5, Việt Nam ghi nhận thêm 15 người lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca Covid-19 trong đợt bùng phát dịch thứ tư lên 176, tại 19 tỉnh, thành.
Việt Nam cũng ghi nhận ca tử vong đầu tiên sau tiêm vaccine Covid-19, là nữ nhân viên y tế 35 tuổi, công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu, An Giang.
Hội đồng chuyên môn Sở Y tế An Giang kết luận người này tử vong do "sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid (giảm đau kháng viêm). Đây là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm chủng vaccine phòng Covid-19".
Bắc Ninh xét nghiệm phát hiện thêm 17 ca dương tính SARS-CoV-2, tất cả đều ở huyện Thuận Thành.
Như vậy, tính từ ngày 29/4 đến nay, Bắc Ninh dã ghi nhận 46 ca dương tính với SARS- CoV-2, trong đó huyện Thuận Thành 37 ca (riêng xã Mão Điền 34 ca), huyện Tiên Du 5 ca, thành phố Bắc Ninh 1 ca, huyện Lương Tài 1 ca, thị xã Từ Sơn 2 ca.
Trong sáng nay, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên trực tiếp về Bắc Ninh phối hợp chỉ đạo phòng chống dịch.
Đến thời điểm này, cơ quan chức năng truy vết được 957 trường hợp F1 và 6.026 trường hợp F2.
Toàn tỉnh đã cách ly 16 xóm/khu phố với hơn 21.000 mẫu xét nghiệm, riêng huyện Thuận THành có hơn 11.500 mẫu.
Sáng 8/5, Hà Nội ghi nhận thêm 8 trường hợp dương tính với Covid-19.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khuyến cáo tất cả người dân đã từng đến khám chữa bệnh, chăm sóc người nhà, thăm bệnh nhân, làm việc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung từ ngày 14/4 đến nay, đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều từ ngày từ ngày 16/4 đến nay và có các yếu tố dịch tễ liên quan đến những vùng dịch khác cần thực hiện khai báo y tế, liên hệ ngay với các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch, hoặc gọi điện thoại đến đường dây nóng phòng chống dịch: 0969.082.115 – 0949.396.115.
0 nhận xét