Cùng ngày, nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đánh giá với BBC: "Đây là hệ quả của vấn đề giáo dục, nhất là việc học lịch sử còn một chiều, phiến diện và sự ảnh hưởng bởi tuyên truyền của các cơ quan đoàn hội."

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng viên đại học tại Hà Nội chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hôm 4/5: "Đây là vụ việc đáng tiếc thể hiện sự giáo dục không đầy đủ và thiếu ý thức của một người trẻ Việt Nam, thế hệ sinh ra nhiều năm sau cuộc chiến."

Giẫm đạp cờ vàng

Trong dịp 30/4 vừa qua, một video được chia sẻ trên mạng cho thấy một nam sinh đang du học tại Úc thực hiện hành động được coi là "nhục mạ cờ vàng".

Thoạt tiên, người này leo lên cột đèn giật lá cờ vàng ba sọc đỏ, lá cờ của chính thể VNCH trước kia và hiện nay là biểu tượng của nhiều cộng đồng người Việt tại nước ngoài. Sau đó, người này vừa giẫm đạp lá cờ vừa đưa ra những lời thách thức.

"*** cầm cờ lên mà giải phóng đất nhà bố mày à?" người này nói (BBC News Tiếng Việt đã lược bỏ những từ tục tĩu).

Người này còn nói rằng mình lên tiếng "đại diện cho 90 triệu dân Việt Nam".

Trong khi du học sinh trẻ tuổi vừa vò và giẫm đạp lá cờ, một số người đi cùng đã reo hò cổ vũ. Có người kêu đốt lá cờ.

Đoạn video ngắn ngay lập tức gây sóng gió dư luận. Trong khi các trang Facebook được coi là của lực lượng dư luận viên Việt Nam lên tiếng cổ xúy cho hành động của nam sinh kia, thì cộng đồng người Việt ở Úc và nhiều nơi khác lại phẫn nộ.

Nhiều người không liên quan đến chính thể VNCH cũng như cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng đã bày tỏ sự bất bình trước hành động của nam sinh này.

Getty Images

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Cờ vàng ba sọc đỏ từng là quốc kỳ của Quốc gia Việt Nam từ 1949 đến 1955 và của Việt Nam Cộng hòa từ 1955 đến 1975.

Không lâu sau khi video được phát tán, người ta nhanh chóng dò ra lai lịch của nhân vật chính: là một học sinh tại một trường trung học ở thành phố Sydney.

Trao đổi với BBC, ông Paul Huy Nguyễn cũng nói thêm, bên cạnh làm việc với nhà trường và cảnh sát, phía ông cũng gửi thông báo đến dân biểu tiểu bang và liên bang trên toàn nước Úc để bày tỏ mong muốn lấy lại danh dự cho cộng đồng người Việt tại Úc nói riêng và mọi nơi nói chung.

Bà Hoa Nguyễn, một người Việt tại Úc viết trên Facebook về vụ việc: "Cháu bé giật cờ vàng đặt cộng đồng người Việt tự do ở Úc Châu vào thế vô cùng nhạy cảm...Cộng đồng ta cư xử văn minh, công bằng, phi bạo lực và chính danh. Việc yêu cầu cháu này phải xin lỗi công khai trên truyền thông là cần thiết. Nếu không làm, ta tiến hành lấy chữ ký gửi bộ di trú để hủy visa trả về nước theo luật định."

'Giáo dục lòng căm thù'

Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt, từ Mỹ, nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nói:

"Đầu tiên, phải đặt hành động của người này trong bối cảnh thời điểm 30/4, mà ở nước ngoài, đây không phải là dịp để ăn mừng. Tôi nghĩ đây là hành động nông nổi của một người mới ra nước ngoài và không chấp nhận được ngày 30/4 mà treo cờ vàng. Đây cũng là kết quả của việc tham gia vào những hội nhóm, các phong trào gọi là 'chống phản động' trên mạng. Tôi nghe rất kỹ những lời người này nói, rất giống lập luận, lý lẽ của dư luận viên sử dụng, tuyên truyền, xem người Việt hải ngoại là lưu vong và cờ vàng là lũ ba que."

PGS-TS Nguyễn Hoàng Ánh đánh giá: "Ở đây, chúng ta thấy có hai vấn đề. Thứ nhất, học sinh này được giáo dục một ý thức hệ hết sức căm thù phía bên kia. Thứ hai, cậu ta thiếu hiểu biết đơn giản nhất của một người khi ra nước ngoài."

"Có những thứ trong nước bất di bất dịch nhưng nước ngoài thì khác hẳn: bạn không có quyền động vào tài sản của người khác, mà còn quay phim, tung lên mạng. Đó là một hành động rất ngông nghênh, không màng đến pháp luật hay luân thường đạo lý. Có thể bạn ở nhà coi trời bằng vung nên vẫn như vậy khi ra nước ngoài," bà Ánh nói.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Ánh
Chụp lại hình ảnh,

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Ánh

Bà Ánh cho rằng đây không phải là hiện tượng cá biệt mà là của một nhóm vì trong video, có những người khác tham gia, cổ vũ, quay phim.

"Điều này đáng sợ vì người trẻ là tương lai đất nước. Nhìn rộng ra, nếu đất nước rơi vào tay những người trẻ không cần biết về luật pháp, luân thường đạo lý, thế giới quan xung quanh thì thật đáng lo ngại," PGS Ánh nói.

Bà Ánh nói thêm, trên báo chí, chính quyền Việt Nam đã có những phát ngôn nhằm xoa dịu, hướng đến hòa giải, hòa hợp nhưng về mặt giáo dục thì đúng là không có sự thay đổi nào. "Chúng ta có thể thấy các lãnh đạo ở những sự kiện nước ngoài có đầy những lời xoa dịu, nhưng thực tế chưa có phát ngôn chính thức nào. Vì vậy, chúng ta không thể hy vọng chương trình giáo dục có thể thay đổi."

Bản thân bà cũng trăn trở về điều này và nhắc lại việc sách giáo khoa cho bài tập toán học để trẻ em tính xem, một dũng sĩ giết được bao nhiêu "tên Mỹ, ác ôn".

"Nếu trong thời chiến, dạy trẻ em tính việc giết người, tuy không hay nhưng có thể chấp nhận được. Nhưng trong thời bình, dạy trẻ em coi mạng người như một con số như thế thì quá kinh khủng. Dù mạng xã hội lên tiếng khá nhiều nhưng cũng không có sự thay đổi. Chính giáo dục sai lầm đấy sinh ra những thanh niên đấy," bà Ánh nói.

Theo PGS Nguyễn Hoàng Ánh, nền giáo dục thiếu tư duy phản biện, chỉ tư duy một chiều thì sẽ tạo ra những người máy móc, không sáng tạo. "Điều này gây tác hại cho chính bản thân họ và quốc gia, không thể nào giúp đất nước đi xa trên con đường xây dựng kinh tế hay văn minh".

"Vấn đề quan trọng hơn là bốn trụ cột giáo dục mà UNESCO đề ra, có trụ cột sống chung với mọi người. Nếu chúng ta có tư duy là ta thắng - người thua thì không thể nào chung sống với người khác, sẽ rơi vào cảnh thù ghét những người trái quan điểm với mình. Dạy cho lớp trẻ một tư duy thù địch, tư duy thắng thua thì không ổn. Tư duy thế giới hiện nay là win-win (cùng thắng) chứ không phải win-lose (thắng thua)," bà phân tích.

Cũng theo PGS Nguyễn Hoàng Ánh, nếu không dạy cho người trẻ tư duy mở thì sẽ mất cơ hội hợp tác, việc làm và làm cho cá nhân, doanh nghiệp, đất nước thụt lùi đi, nhất là khi các thành tựu gần đây của Việt Nam đa phần dựa vào việc hợp tác quốc tế.

Vai trò của giáo dục phi chính thống

PGS Nguyễn Hoàng Ánh nhấn mạnh, ngoài giáo dục trên trường lớp thì còn gia đình và giáo dục phi chính thức như môi trường, bạn bè, truyền thông: "Giáo dục phi chính thức có thể giúp tẩy độc khá nhiều. Nhưng trong trường hợp của thanh niên này, giáo dục phi chính thức ấy không những không tẩy độc, mà còn đầu độc thêm."

Bà Như Quỳnh lưu ý rằng các phong trào trên mạng của dư luận viên đã góp phần làm nảy sinh những đầu óc cực đoan.

"Một lớp trẻ sinh sau năm 2000 có thể thấy, ngoài việc thiếu kiến thức về mặt lịch sử thì còn bị ảnh hưởng bởi những lời kêu gọi 'đấu tranh chống luận điệu sai trái' trên các diễn đàn thanh niên. Ví dụ như mỗi đoàn viên phải là chiến sĩ trên mặt trận thông tin, những điều này tuyên truyền một cách không giấu giếm. Điều này cho thấy mặc nhiên trong suy nghĩ của các bạn rằng, người Việt ở hải ngoại là phản động, lưu vong, như luận điệu trên trang Đơn vị tác chiến điện tử."

Trang Facebook Đơn vị tác chiến điện tử bình luận về vụ việc

NGUỒN HÌNH ẢNH,CHỤP MÀN HÌNH

Chụp lại hình ảnh,

Trang Facebook Đơn vị tác chiến điện tử bình luận về vụ việc theo hướng bênh vực bạn du học sinh

Bà Quỳnh cũng cho rằng, xét ở khía cạnh nào đó, bạn thanh niên này nói giọng Bắc và đối với định kiến của nhiều người trong cộng đồng hải ngoại, đây là đám con ông cháu cha du học. Và hành vi này như đổ dầu vào lửa ngay dịp 30/4, khoét sâu thêm sự phân cực.

Về một luồng thông tin trên mạng nói rằng sứ quán sẽ trợ giúp bạn sinh viên này, PGS Nguyễn Hoàng Ánh nhận xét rằng điều này là đương nhiên khi công dân vướng vào vòng lao lý.

"Tuy nhiên, tôi muốn nhắn nhủ với phụ huynh rằng khi cho con ra nước ngoài, cần dạy con mình tôn trọng luật pháp và thông lệ của quốc gia đó," bà Ánh nói.

Bà Ánh dẫn lại trường hợp thanh niên người Mỹ Michael Fay bị kết tội phá hoại xe hơi và tài sản công cộng hồi năm 1994 ở Singapore. Fay bị tuyên phạt sáu roi. Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi ấy đã can thiệp ngoại giao để Fay không bị đánh nhưng chính quyền Singapore vẫn nhất quyết thi hành bản án.

"Với người Mỹ, hình phạt roi công cộng như vậy rất kinh khủng. Nhưng ngay cả tổng thống Mỹ, người có quyền thế bật nhất thế giới còn không cứu được hình phạt cho công dân mình thì một nước như Việt Nam muốn đòi hỏi điều đó sẽ rất khó, nhất là khi công dân mình đã sai rõ ràng," PGS Ánh nói.

Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cũng đồng ý kiến: "Một gia đình trước khi cho con sang nước ngoài du học và hy vọng chúng được hội nhập quốc tế thì nên hướng dẫn con tuân thủ luật pháp nước sở tại."

Bà nói: "Có thể đối với nhiều người ở miền Bắc, biến cố 30/4/1975 là chiến thắng, là bên chính nghĩa nên con cái họ cũng mang theo tư tưởng như vậy, cộng thêm sự kích động của những trang hội nhóm chống phản động thì tôi nghĩ, ban đầu người này này tin rằng mình làm đúng. Nhưng tới khi có thông báo bị đình chỉ học và có thể đối mặt với án hình sự thì có lẽ người đó đã học được bài học thích đáng".

Chụp lại video,

Người Mỹ gốc Việt nghĩ gì về cờ VNCH và bạo loạn Điện Capitol?