Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Khi nền dân chủ lớn nhất thế giới thiếu ôxy

Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2021 20:04 // ,

 Blog VOA

Nguyễn Hùng

7-5-2021

Ấn Độ, nước mà vị thủ tướng có phần ngạo nghễ khi nước đông dân thứ hai trên thế giới không hề hấn như Anh và Hoa Kỳ trong đợt bùng phát Covid hồi năm ngoái, giờ đang hứng chịu hàng ngàn ca tử vong mỗi ngày.

Các nhà phân tích nói, con số thật có thể lớn hơn nhiều nếu tính các ca tử vong không được đăng ký hoặc xét nghiệm kịp thời. Số ca nhiễm mới chỉ riêng trong ngày 6 tháng 5 đã trên 400.000 và tổng số ca nhiễm cũng đã lên trên 21 triệu, ngang bằng dân số của nước Sri Lanka láng giềng.

Tôi có nhiều bạn ở Ấn Độ và gần như hàng ngày thấy các bạn đăng tin trên mạng xã hội về chuyện một ai đó họ biết đã qua đời vì Covid. Khi thì là một nhà báo đáng kính họ đã có dịp làm việc cùng nhiều năm. Lúc thì là một cây viết có tiếng của Ấn Độ.

Tôi cũng hay lên các phòng trong mạng xã hội dùng âm thanh Clubhouse để nghe những chia sẻ của người Ấn Độ ở khắp nơi trên thế giới cũng như người Ấn đang ở mảnh đất quê hương. Có người kể, một người bạn của họ mất bảy người thân quen vì Covid chỉ trong có một ngày. Những người trên mạng Clubhouse cũng lập ra thẻ #CHUnited4India với CH là chữ viết tắt của Clubhouse và United4India có nghĩa là đoàn kết vì Ấn Độ. Người ta dùng thẻ này để ngày ngày chia sẻ thông tin và kết nối những người muốn chung tay chống dịch.

Ôxy là thứ khan hiếm bậc nhất trong đợt bùng phát dịch lần hai ở Ấn Độ. Vấn đề nghiêm trọng tới mức một số trong cả thảy 28 bang khác nhau ở Ấn Độ đã kiện chính quyền ra toà tối cao vì không đảm bảo nguồn cung ôxy.

Một người bạn Ấn Độ của tôi cũng lên Facebook kêu gọi bạn bè chỉ nguồn ôxy để mua về cho bố bị nhiễm Covid. Cuối cùng bạn tôi phải thuê một giường cấp cứu tại gia vì bệnh viện chật cứng tới mức không còn chỗ kê thêm giường.

Nhà văn nổi tiếng của Ấn Độ Arundhati Roy thậm chí viết bài ‘Chúng ta đang chứng kiến tội ác chống lại nhân loại’ để nói về điều mà bà coi là sự lãnh đạo yếu kém và vô trách nhiệm của Thủ tướng Narendra Modi. Bài viết được đăng trên báo Guardian của Anh và không rõ có báo nào của Ấn Độ dám đăng lại những gì bà viết.

Bà Roy viết về đợt bùng phát dịch lần hai ở Ấn Độ: “Đây là điều được dự đoán trước dù mức độ nghiêm trọng của nó làm các nhà khoa học và những người chuyên nghiên cứu vi-rút ngạc nhiên. Vậy hạ tầng chuyên biệt cho Covid và “phong trào nhân dân” chống lại vi-rút mà ông Modi từng khoác lác trong diễn văn của ông đâu rồi?

“Giường bệnh viện đã không còn. Bác sỹ và các nhân viên y tế làm việc quá tải tới mức hết chịu nổi. Người chết [nằm] ở hành lang bệnh viện, trên đường và tại nhà. Các khu hoả táng ở Delhi đã hết chất đốt… Công viên và bãi đỗ xe nay trở thành nơi hoả táng.”

Bà cũng viết về tình trạng thiếu thốn mọi thứ, nhất là ôxy: “Ôxy là loại tiền tệ mới trên sàn chứng khoán bệnh tật mới ở Ấn Độ. Các chính trị gia cao cấp, nhà báo, luật sư – giới thượng lưu của Ấn Độ – lên Twitter van nài để có giường bệnh và các bình ôxy. Chợ đen bán bình nở rộ… Rồi cả các chợ cho những thứ khác nữa.

“Ở nấc thang cuối của chợ tự do, người ta hối lộ để được nhìn thấy người thân lần cuối khi xác đã được cho vào túi và xếp chồng lên nhau trong nhà xác. Rồi khoản phụ phí cho thầy tu đồng ý nói lời cầu nguyện cuối cùng.”

Đúng là nhiều lúc chẳng còn biết làm gì khác ngoài cầu nguyện. Tôi từng thăm Ấn Độ cách đây vài năm và chứng kiến cảnh nghèo xác xơ của người Ấn ở thôn quê. Ở đó nếu chẳng may nhiễm Covid thì quả là vô phương cứu chữa vì hạ tầng y tế yếu kém của Ấn Độ cũng như vì độ tư nhân hoá cao của ngành y tế khiến người nghèo không chịu nổi chi phí chữa bệnh.

Cũng như ở Anh và Hoa Kỳ, sự chủ quan của chính quyền Ấn Độ đã khiến họ không kịp trở tay khi Covid tấn công dồn dập. Chỉ có điều, chủ quan lúc mới có dịch là một chuyện còn khi dịch đã kéo dài hơn một năm mà vẫn chủ quan thì quả là khó lý giải.

Với dân số 1,3 tỷ người, Ấn Độ là nền dân chủ lớn nhất thế giới nhưng Thủ tướng Modi có cách cai trị khá giống với cựu Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ. Các nhà khoa học Ấn Độ cũng than phiền, họ không được coi trọng đúng mức trong việc chống Covid hiện nay.

Ông Modi cũng bị tố cáo có chính sách chia để trị và tìm cách bịt miệng báo chí. Nền dân chủ lớn nhất thế giới vừa thiếu ôxy để trị Covid và cũng vừa thiếu ôxy để thực thi dân chủ. 

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.