Bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư vững mạnh ứng đối trước tòa
Án tù 16 năm mà Tòa tỉnh Hòa Bình tuyên phạt đối với hai mẹ con nông dân đấu tranh giữ đất, Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư, không làm cả hai nao núng mà ngược lại trước tòa họ vẫn khẳng khái ứng đối, bác bỏ những cáo buộc của tòa. Bản án cũng bị các tổ chức nhân quyền và những người quan tâm mạnh mẽ lên án.
Giang Nguyễn
2021-05-07
“Em thật sự rất là là bức xúc, bức xúc vô cùng. Thật sự trong người em từ hôm qua đến giờ vẫn là cơn giận dữ rất lớn”.
Đó là tâm trạng của cô Trịnh Thị Thảo, con gái của bà Cấn Thị Thêu, một ngày sau khi mẹ cô và em trại, anh Trịnh Bá Tư, bị Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình xét xử về cáo buộc phát tán tài liệu chống nhà nước.
Cô Thảo cùng với người chị dâu là cô Đỗ Thị Thu là những người thân duy nhất được Tòa cho phép tham dự vụ xét xử hôm 5 tháng 5.
Ông Trịnh Bá Khiêm, chồng bà Thêu, lại bị ngăn cản không cho tham dự. Ông cùng với vài chục bà con Dương Nội đã phải đứng ngoài để theo dõi. Ông Khiêm chia sẻ qua livestream rằng, ông chỉ thấy được vợ và con trai trong một vài giây chớp nhoáng khi hai người bị chở đi sau khi phiên tòa kết thúc và ông được biết vợ và con trai bị tuyên phạt mỗi người 8 năm tù giam và 3 năm quản chế:
“Khi mà hai xe chở vợ tôi và con trai tôi ra ngoài cổng, tôi và dân Dương Nội đã vẫy tay và vợ tôi và con trai tôi cũng vẫy tay trở lại và có nhìn thấy tôi”.
Phiên tòa sơ thẩm kết án 16 năm tù chỉ diễn ra trong một ngày.
Cô Trịnh Thị Thảo nói đây là lần đầu tiên sau 10 tháng cô gặp lại mẹ, em trai từ khi hai người bị bắt giam.
“Khi bước vào phiên tòa thì lúc đấy mẹ em và Tư đã ở trong phiên tòa rồi. Cái cảm xúc của em lúc đấy nhìn mẹ, em không kìm được nước mắt. Em bật khóc ngay ở trong cái phiên tòa đấy. Em thấy mẹ với Tư nhìn thấy em và chị Thu, mẹ với Tư mừng lắm. Mẹ với Tư thì rất mạnh mẽ, vững vàng.”
Trong lúc bà Thêu và anh Tư đang đối mặt với các quan tòa và phía cáo buộc họ phạm tội, cô Thảo cho hay, họ lại là nguồn động viên cho người thân có mặt trong phiên tòa. Bà Thêu và anh Tư đưa tay cái lên ra dấu như muốn nói với cô Thảo và cô Thu rằng hãy “cố gắng lên nhé con, nhé chị”!
Cô Đỗ Thị Thu đã trao đổi được ngắn ngủi với mẹ chồng, bà Thêu.
“Chị Thu nói là cu con, đứa bé sau rất là ngoan, thì mẹ em có nói là con vừa đẻ xong được vài hôm thì mẹ bị bắt, mẹ không thể chăm được con thì mẹ thương con lắm. Con hãy cố gắng.”
“Tên tôi là nạn nhân cộng sản"
Xót xa vì tình cảnh gia đình, nhưng trước Hội đồng xét xử, cả hai mẹ con đã thể hiện tinh thần kiên quyết khẳng định họ vô tội ngay từ những phút đầu của phiên xử.
“Đầu tiên chủ tọa phiên tòa hướng dẫn mẹ em cách xưng hô với Hội đồng xét xử. Họ nói là mẹ em và Tư phải xưng hô là ‘bị cáo’ với Hội đồng xét xử. Thì mẹ em và Tư nói tôi không có tội, tôi sẽ xưng ‘tôi' với Hội đồng xét xử chứ tôi sẽ không bao giờ tôi xưng ‘bị cáo’. Và suốt phiên tòa đó thì mẹ và Tư đều xưng ‘tôi’ với họ. Tiếp theo nữa là Hội đồng xét xử hỏi mẹ em với Tư tên gì thì mẹ em với Tư đều trả lời ‘Tên tôi là nạn nhân của Cộng sản”.
Bà Cấn Thị Thêu, anh Trịnh Bá Tư, cùng với anh Trịnh Bá Phương và một người dân oan khác là bà Nguyễn Thị Tâm bị bắt giữ ngày 24/6/2020. Trước đó những người này đã tích cực đưa tin về vụ cưỡng chế đất đai ở xã Đồng Tâm, khi lực lượng chức năng tấn công vào xã này hồi đầu năm ngoái, làm chết bốn người, trong đó có người thủ lĩnh tinh thần của làng là cụ Lê Đình Kình.
Cô Trịnh Thị Thảo thuật lại: “Trong phiên tòa đấy thì họ xoay quanh tám cái video nói về tội ác Đồng Tâm. Mẹ em và Tư đã đăng tải thông tin này một cách trung thực, khách quan nhất. Họ nói là mẹ và Tư chống phá chính quyền nhân dân, thì mẹ em với Tư nói là chính quyền này là chính quyền của các quan chức cộng sản chứ không phải là chính quyền của nhân dân. Các ông không đại diện cho chúng tôi. Các ông đè đầu cưỡi cổ cướp bóc từ Bắc vào Nam thì chúng tôi không công nhận chính quyền của các ông là chính quyền của nhân dân.
Tiếp theo họ nói là đất nước này bình yên thế, tại sao lại chống phá? Thì mẹ em nói là, ‘Bình yên? Bình yên tại sao lại trong một làng Đồng Tâm đang đêm ngủ lại đem vài nghìn quân đến bắng giết cụ Lê Đình Kình gần 90 tuổi, mà ông theo đảng đến lúc chết vẫn còn tin đảng’?”.
Trong khi đó báo chí Nhà nước khi đưa tin về phiên tòa nói rằng bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật. Mạng báo Quân đội Nhân dân viết:
“Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật” và “Bị cáo Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư cũng đã tỏ rõ thái độ ăn năn, thành khẩn khai báo, nhận thức rõ hành vi phạm tội của bản thân.”
Phiên xét xử hai nhà hoạt động trong chỉ một ngày đã bị các tổ chức nhân quyền mạnh mẽ lên án. Ân xá Quốc tế (Amnesty International) nhận định những cáo buộc của Tòa án tỉnh Hòa Bình đối với hai mẹ con là “ngụy tạo” và nhằm trừng phạt, trả thù đối với hoạt động ôn hòa phơi bày bất công và những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Hai tổ chức nhân quyền là Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền nhận thấy rằng “việc bắt giữ bà Thêu cùng hai con trai của bà là độc đoán chỉ vì các hoạt động nhân quyền ôn hoà của họ. Họ bị biệt giam trong giai đoạn điều tra, không có sự chứng kiến của luật sư trong các cuộc hỏi cung và bị đối xử vô nhân đạo, thậm chí đe dọa bởi cán bộ của cơ quan tố tụng, như anh Tư khẳng định trong phiên toà”.
Ông Matthew Bugher, giám đốc chương trình Chấu Á của Article 19, tổ chức bảo vệ quyền tự do ngôn luận có trụ sở tại Anh, kêu gọi Việt Nam ngưng ngay hành vi quấy rối bằng tư pháp đối với bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư, chấm dứt đàn áp các tiếng nối độc lập, và hơn nữa, chính Bộ luật Hình sự của Việt Nam phải được sửa đổi phù hợp với luật nhân quyền quốc tế.
Những thiếu sót trong quá trình tố tụng và... những cái không nên có!
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng lẽ ra Điều luật 117 (làm, tàng trữ, phát tán và tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước) không nên có trong Bộ luật Hình sự vì nó đi ngược với Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam về quyền tự do ngôn luận, vì vậy bản án 16 năm tù là một oan sai. Luật sư Mạnh là một trong bốn luật sư bào chữa cho gia đình hôm đó. Ông chia sẻ:
“Chúng tôi có sự phân công với nhau. Như tôi thì chuyên về xem xét về thủ tục một vụ án. Các luật sư mới cử tôi là người bào chữa đầu tiên và tôi trình bày vấn đề thuần túy về phương diện thủ tục. Có nhiều cái không đúng, không bảo đảm nguyên tắc bình đẳng tại tòa. Ví dụ như bà Cấn Thị Thêu, chúng tôi có hướng dẫn để bà yêu cầu phải có các điều tra viên và giám định viên phải có mặt ở tòa. Nhưng mà tòa không chấp thuận. Và qua bao nhiêu bản mà các công an điều tra viên họ lập và những văn bản kết luận, họ coi đây mặc nhiên nó đúng rồi, nó là chân lý rồi, là chứng cứ để buộc tội.
Chúng tôi đã phản bác điều đó. Chúng tôi nói lẽ ra phải có những người này để chúng tôi hỏi rằng là từ cơ sở pháp lý nào mà họ hình thành lên những văn bản đó”?
Luật sư Mạnh nói các luật sư đã không có được cơ hội đối chất với công an điều tra về những điều như thế. Thay vào đó, lại có một đối tượng mà ông nói lẽ ra không nên có trong một tòa án pháp luật:
“Giám định thì nó có nhiều loại giám định. Thật ra giám định là một định chế rất tốt. Nó giúp cho những người khi tham gia một vụ án và không có những kiến thức chuyên môn, thì những giám định viên này giúp. Ví dụ như một người bị chết đột ngột chẳng hạn thì giám định viên về pháp y có thể chỉ ra là người đó chết do bệnh tật, ngẫu nhiên hay vì tai nạn hay bị ám sát… Thể thì những giám định viên thật ra đều rất tốt, giúp cho vụ án hình sự. Nhưng ở Việt Nam, trong những vụ án loại này lại có một cái giám định viên gọi là giám định viên tư pháp, về tư tưởng, về nhận thức, về quan điểm chính trị. Thì họ sẽ chỉ ra ‘Lời đó mang ý nghĩa phỉ báng chính quyền. Mà nếu phỉ báng chính quyền thì nó sẽ thuộc tội danh của Điều luật 117’. Thì đây là loại giám định viên mà thế giới không có. Chỉ có Việt Nam mới có”.
Tiếng vang từ phiên toà
Luật sư Mạnh cho biết, khi ông gặp thân chủ trong buổi làm một hôm trước phiên tòa, thì bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư đều khẳng định khi bị buộc có tội thì họ sẽ kháng cáo, và hai người đã lập lại ý định này với đoàn luật sư trong phiên tòa.
Ông Mạnh nói, phiên tòa đã để lại nhiều dấu ấn đối với cá nhân ông:
“Tôi tham dự nhiều tòa án, nhiều phiên tòa mà xử những người có tội liên quan đến chính trị. Hôm qua phải nói là tôi dự một phiên tòa hết sức ấn tượng. Họ được xem như là những người nông dân, họ là nông dân. Nhưng mà thái độ họ thể hiện trước tòa, bản lĩnh của họ, sự bất khuất, kiên cường của họ, cách ứng xử của họ làm tôi hết sức bất ngờ. Chúng tôi hết sức khâm phục với những người phải mang tội danh như vậy”.
Cô Trịnh Thị Thảo nói, khi kết thúc phiên tòa và Hội đồng xét xử tuyên án 16 năm tù đối với bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư, cả hai người đã hô to: “Đả đảo cộng sản! Đả đảo cộng sản”!
0 nhận xét