Shyamala Gopalan: Người phụ nữ truyền cảm hứng cho Kamala Harris
"Khi đến đây từ Ấn Độ năm 19 tuổi, có lẽ mẹ tôi không hoàn toàn hình dung ra được khoảnh khắc này", Harris nói.
"Nhưng bà tin tưởng sâu sắc vào một nước Mỹ, nơi có thể có một khoảnh khắc như thế."
Kamala Harris đã làm nên lịch sử - bà là phụ nữ đầu tiên và người Mỹ da đen gốc Nam Á đầu tiên trở thành phó tổng thống Hoa Kỳ.
Nhưng câu chuyện về sự vươn lên của bà sẽ không thể được viết nên nếu nó không phải nhờ hành trình táo bạo mà mẹ bà đã thực hiện năm 1958 khi từ Ấn Độ đến Mỹ để theo đuổi ước mơ của mình.
Là con lớn nhất trong 4 người con của một người cha là công chức và một người mẹ nội trợ, bà Gopalan muốn theo học ngành hóa sinh.
Nhưng các môn thuần khoa học không được dạy tại trường Cao đẳng Lady Irwin dành cho phụ nữ ở Delhi, được thành lập bởi các nhà cai trị thuộc địa Anh của Ấn Độ, và bà phải chọn lấy bằng đại học về khoa học gia đình, với các môn như dinh dưỡng và kỹ năng nội trợ.
"Cha tôi và tôi hay trêu chọc Gopalan về điều đó", Gopalan Balachandran, anh trai bà, nói với BBC.
"Chúng tôi sẽ hỏi Gopalan, 'Ở đó họ dạy em những gì? Cách bày bàn ăn? Đặt thìa ở đâu?" Gopalan sẽ rất tức giận với chúng tôi," ông cười.
Cuối Twitter tin, 1
Giáo sư R Rajaraman, giáo sư danh dự về lý thuyết vật lý tại Đại học Jawaharlal Nehru của Delhi và là bạn cùng lớp của Gopalan khi họ còn là thiếu niên, mô tả bà là "bất thường".
Trong lớp học gồm 40 học sinh, các cô gái và nam sinh ngồi ở hai phía riêng biệt của lớp học và có rất ít tương tác giữa các giới tính.
"Nhưng cô ấy không ngại nói chuyện với các chàng trai. Gopalan rất tự tin", ông nhớ lại.
Giáo sư Rajaraman nói rằng việc tại sao Gopalan lại chọn vào trường Cao đẳng Lady Irwin là một bí ẩn vì trong những ngày đó, trường này được biết đến là "nơi chuyên chuẩn bị cho các cô gái đi lấy chồng, trở thành những người vợ tốt".
Nhưng Gopalan có tham vọng khác.
Bà nộp đơn - và được chấp nhận - vào Đại học California tại Berkeley.
"Gopalan làm điều đó một mình. Không ai ở nhà biết", anh trai bà nói.
"Cha chúng tôi không có vấn đề gì với việc Gopalan ra nước ngoài, nhưng ông lo lắng vì chúng tôi không quen biết ai ở Mỹ. Nhưng cha tin vào tầm quan trọng của giáo dục nên đã để cô ấy đi. Gopalan nhận được một số học bổng và cha đồng ý hỗ trợ cô ấy, trong năm đầu tiên. "
Vì vậy, ở tuổi 19, Gopalan rời Ấn Độ đến một đất nước mà bà chưa bao giờ đến thăm và không quen ai, để cuối cùng theo đuổi bằng tiến sĩ về dinh dưỡng và nội tiết.
Kamala Harris viết về hành trình của mẹ trong The Truths We Hold, cuốn hồi ký năm 2019.
"Thật khó để tôi tưởng tượng song thân của mẹ đã phải khó nghĩ thế nào khi để bà ra đi", Harris viết.
"Du lịch bằng máy bay thương mại chỉ mới bắt đầu phổ biến trên toàn cầu. Giữ liên lạc sẽ không phải là vấn đề đơn giản. Tuy nhiên, khi mẹ tôi xin phép chuyển đến California, ông bà tôi đã không cản trở."
Đó là một thời gian thú vị để ở Mỹ.
Phong trào dân quyền lên đến đỉnh cao và Berkeley là trung tâm của các cuộc biểu tình chống lại phân biệt chủng tộc. Giống như nhiều sinh viên nước ngoài khác, Gopalan cũng tham gia vào cuộc chiến để biến Hoa Kỳ - và thế giới - thành một nơi tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, tham gia vào phong trào dân quyền là một điều bất thường với một sinh viên đến từ Ấn Độ trong thời đại đó.
Margot Dashiell, người lần đầu tiên gặp bà vào năm 1961 tại một quán cà phê trong khuôn viên trường, nói với BBC:
"Tôi có cảm giác Gopalan thấy cảm thông với những cuộc đấu tranh mà sinh viên người Mỹ gốc Phi đang phải đối mặt bởi vì cô ấy đến từ một xã hội khiến cô ấy hiểu được sự áp bức của chủ nghĩa thực dân.''
"Chuyện này đã xảy ra nhiều thập niên rồi, nhưng tôi nhớ cô ấy đã lắc đầu nói với tôi một lần, rằng những người da trắng - những người ngoài cuộc - đơn giản là không hiểu những cuộc đấu tranh, giành lấy những đặc quyền. Gopalan không đi vào chi tiết, và tôi hiểu rằng đó là điều mà cô ấy đã trải qua với tư cách là một người da màu. "
Bạn bè mô tả bà là "một người nhỏ nhắn" nổi bật trong bộ sari và chấm đỏ (bindi) trên trán. Họ nói bà là "một sinh viên sáng giá", người "rõ ràng, quyết đoán và có trí tuệ sắc sảo".
Bà Dashiell nhớ lại "sự thoải mái của Gopalan trong việc giao tiếp với nam giới, những người tự tin và quyết đoán về trí tuệ ... đối đầu nhau trong các cuộc thảo luận".
"Chỉ một số phụ nữ trong vòng kết nối xã hội của chúng tôi đạt mức độ dễ dàng như vậy trong môi trường do nam giới thống trị."
Dashiell nhớ Gopalan là "người da đỏ duy nhất, người Mỹ không phải gốc Phi duy nhất, trong Hiệp hội người Mỹ gốc Phi" - một nhóm nghiên cứu sinh viên da đen được thành lập năm 1962 để giáo dục sinh viên người Mỹ gốc Phi về lịch sử của họ.
Không ai đặt câu hỏi về sự hiện diện của cô trong một nhóm hầu như chỉ toàn người da đen, Aubrey LaBrie, người gặp Gopalan năm 1962 khi ông đang học luật tại Berkeley, và có một tình bạn lâu bền đến cuối đời với Gopalan, nói.
"Tất cả chúng tôi đều quan tâm đến sự phát triển của phong trào dân quyền ở nước này. Tất nhiên, chúng tôi coi đó là một phần của phong trào giải phóng Thế giới thứ Ba và tôi đoán đó là cơ sở để Gopalan tham gia vào nhóm này. Tất cả chúng tôi đều thấy mình là các anh chị em cùng suy nghĩ và tri thức ủng hộ cho những phong trào đó.
"Không ai nêu ra bất kỳ vấn đề nào về lý lịch của Gopalan, mặc dù mọi người lo ngại trong nội bộ rằng đó là một nhóm da đen và họ sẽ không chào đón một sinh viên châu Âu. Nhưng tôi không bao giờ nhớ đó là bất kỳ vấn đề nào đã được thảo luận về việc Gopalan có nên tham gia hay không."
Chính nỗ lực của Gopalan với hoạt động tích cực, sự tham gia vào phong trào dân quyền, đã thay đổi cuộc đời bà.
Harris viết rằng mẹ bà được mong đợi sẽ trở về nhà sau khi hoàn thành chương trình giáo dục và có một cuộc hôn nhân sắp đặt giống như cha mẹ cô "nhưng số phận có những kế hoạch khác".
Năm 1962, bà gặp Donald Harris, người đến từ Jamaica để học kinh tế tại Berkeley, và họ yêu nhau.
Cặp đôi gặp nhau tại một buổi tụ tập của các sinh viên da đen khi Gopalan tự giới thiệu bản thân. Donald Harris nói với New York Times gần đây Gopalan là "một người nổi bật về ngoại hình so với những người khác trong nhóm cả nam và nữ".
Như Harris nói, cha mẹ bà "đã yêu theo cách của người Mỹ khi cùng nhau diễu hành vì công lý và phong trào dân quyền".
Họ kết hôn năm 1963 và một năm sau, ở tuổi 25, bà Gopalan lấy bằng tiến sĩ và sinh ra Kamala. Hai năm sau, bà sinh Maya, đứa con thứ hai của hai vợ chồng.
Đám cưới với một người nước ngoài dường như không suôn sẻ với gia đình theo đạo Bà la môn Tamil của Gopalan.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2003, Shyamala Gopalan nói khi kết hôn với một người Mỹ, bà đã phá vỡ "dòng máu Gopalan có từ hơn 1.000 năm trước".
Ông Balachandran nói "cô ấy không nói với chúng tôi rằng sẽ kết hôn", mặc dù ông khẳng định cha mẹ họ "không có vấn đề gì nghiêm trọng và mối quan tâm duy nhất của họ là chưa gặp chú rể".
Một lần, ông nói, tình cờ nghe thấy "Kamala và Maya hỏi ông ngoại rằng liệu ông có thích cha của họ không."
"Cha tôi nói với họ: 'Mẹ các cháu thích cha và ông ấy không có thói quen xấu, vậy thì có gì mà không thích'?"
Lần đầu tiên cha mẹ Gopalan gặp con rể là năm 1966 - ba năm sau khi bà kết hôn - và tại Zambia, nơi cha bà làm việc vào thời điểm đó.
Cuộc hôn nhân không kéo dài. Cặp đôi chia tay khi Harris mới 5 tuổi, và mặc dù bà và em gái Maya đến thăm cha trong những ngày lễ, mẹ của họ chủ yếu nuôi dạy các con một mình.
Năm ngoái, khi chấp nhận đề cử làm ứng cử viên phó tổng thống, Harris nói cuộc sống của mẹ bà với tư cách là một người mẹ đơn thân không dễ dàng và bà đã làm việc suốt ngày đêm - nghiên cứu về ung thư tiên tiến trong khi chăm sóc các con gái.
Bà Gopalan qua đời tháng 2 năm 2009, ở tuổi 70, vì ung thư ruột già, được biết đến trên khắp thế giới vì đã có những khám phá quan trọng về vai trò của hormone trong bệnh ung thư vú.
Bà bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu tại Khoa Động vật học của Berkeley và Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Ung thư của trường, tiếp tục làm việc ở Pháp, Ý và Canada, trước khi trở lại Phòng thí nghiệm Lawrence Berkeley ở California trong thập niên cuối cùng làm việc.
Joe Gray, một nhà khoa học và sếp của Gopalan tại Phòng thí nghiệm Lawrence Berkley, mô tả bà là "một nhà khoa học rất nghiêm túc, sẵn sàng tham gia vào các cuộc thảo luận mang tính khoa học".
Ông nói với BBC, bà Gopalan rất cởi mở về chẩn đoán ung thư của chính mình.
"Bà ấy là một trong những người đơn giản nói 'thực tại nó là như thế và tôi sẽ phấn đấu cho đến chừng nào có thể'," ông nói.
Khi căn bệnh ung thư của bà lan rộng, ông Balachandran nói, em gái ông quyết định trở về Ấn Độ, để dành phần cuối đời trong sự an ủi của mẹ và em gái. Nhưng đó là một chuyến đi mà bà không bao giờ có thể thực hiện được.
Ông LaBrie nhớ lại cuộc trò chuyện cuối cùng của mình với người bạn tốt, khi biết Gopalan có kế hoạch trở về quê hương.
"Tôi nghĩ rằng đó giống như một khái niệm lãng mạn khi muốn tiếp xúc với di sản của mình ở giai đoạn đó của cuộc đời", ông nói.
"Trong số những điều khác, tôi đã nói với Gopalan, 'Shyamala, tôi rất vui khi biết rằng bạn sẽ trở lại Ấn Độ.' Bà ấy nói, 'Aubrey tôi sẽ không đi đâu cả.' Bà chết ngay sau đó ".
0 nhận xét