Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Đọc báo Pháp – 17/11/2020

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2020 14:05 // ,

 Đọc báo Pháp – 17/11/2020

Kinh tế tiếp tục là nạn nhân của Covid-19:

Tiểu thương Pháp phẫn nộ

Mai Vân

Dịch Covid-19 và các hậu quả tiếp tục là chủ đề được đa số các tờ báo Pháp ra ngày hôm nay 17/11/2020 chú ý và nêu bật trên trang nhất, đặc biệt là các tác hại kinh tế của biện pháp phong tỏa mà chính quyền Pháp buộc phải áp dụng để chống dịch. Đề tài quốc tế được quan tâm nhiều nhất là hành động của hai nước Ba Lan và Hungary, đã chung tay ngăn chặn kế hoạch cứu nguy kinh tế của cả Liên Hiệp Châu Âu, vì mục tiêu chính trị.

Về hậu quả của dịch Covid-19 trên kinh tế, Le Figaro, ngay trên trang nhất đã lên tiếng tỏ lòng thương cảm cho giới tiểu thương Pháp. Tựa lớn nhất của tờ báo cánh hữu nêu bật hai hình ảnh tương phản: “Nỗi tuyệt vọng to lớn của các thương nhân nhỏ bé”. Theo tờ báo cánh hữu, là nạn nhân trực tiếp của đợt phong tỏa toàn quốc thứ hai, họ đã gióng lên hồi chuông báo động, xin chính quyền cho mở lại các cửa hàng càng sớm càng tốt.

Như để cho thấy rõ nỗi bất bình đang dâng cao trong giới tiểu thương, với những phong trào phản đối xuất hiện tại rất nhiều thành phố, nhằm chống lại quyết định đóng cửa các cơ sở thương mại và dịch vụ bị cho là “không thiết yếu”, Le Figaro đã đăng kèm theo ảnh chụp một cửa hiệu ở thành phố Lyon. Trong tủ kính chủ cửa hàng treo trên tấm biển “Cần Bán – A vendre” bên dưới ghi số điện thoại liên lạc… nhưng đó lại là số điện của điện Elysée, tức phủ tổng thống Pháp !

Phải nói là tổng thống Pháp Macron bị cho là người đã quyết định đóng cửa các cửa hàng để chống dịch.

Covid-19: Giầu nhất và nghèo nhất thoát nạn, tầng lớp trung gian “lãnh đủ”

Tựa lớn trang nhất báo Le Monde cũng dành cho biện pháp chống dịch khắc nghiệt qua hàng tựa lớn “Thu nhập, ngân sách: Tác động của biện pháp phong tỏa”.

Le Monde phân tích một công trình nghiên cứu độc lập, công bố ngày 16/11/2020, đo lường hệ quả của đợt dịch đối với các hộ gia đình, cũng như kế hoạch vực dậy kinh tế của chính phủ

Trên bình diện cá thể, nếu giới có thu nhập cao nhất đã có thể bảo vệ được mức sống nhờ làm việc từ xa và những người có thu nhập thấp nhất cầm cự được nhờ trợ cấp, thì tầng lớp có thu nhập trung bình là giới bị hậu quả nặng nề nhất.

Còn trên bình diện quốc gia, khi xem lại ngân sách 2021 và kế hoạch vực dậy kinh tế, bản báo cáo tự hỏi về hiệu quả của chủ trương giảm thuế cho các doanh nghiệp, được cho là sẽ không hỗ trợ những công ty bị tác động nặng nhất.

Một hệ quả khác được Le Monde nêu bật là trong giới kinh doanh nhà ăn tập thể, phương thức làm việc từ xa sẽ làm mất đi 4000 công ăn việc làm.

Hy vọng vươn lên từ vac-xin Covid

Trang nhất La Croix và Les Echos đều có chung một chủ đề, nói về virus corona gây nên dịch Covid-19, nhưng mỗi tờ một khía cạnh.

Trang nhất La Croix không tránh khỏi bi quan khi chạy tựa “Con virus đó vẫn gây ngạc nhiên”, hàm ý là khoa học vẫn chưa hiểu hết về con virus để có cách đối phó hữu hiệu.

Trên một phông nền màu xanh đậm, người ta thấy nổi bật hình dáng con virus màu cam, kèm theo lời chú thích: Nguồn gốc, cách truyền nhiễm, các triệu chứng, một năm sau ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận, con virus vẫn là một câu hỏi đối với giới bác sĩ và nghiên cứu. Bài viết bên trong đã liệt kê những gì người ta đã biết và chưa được biết về tác nhân gây dịch Covid-19 này.

Tờ báo Công Giáo tuy nhiên vẫn để lộ một tâm lý lạc quan khi đề cập đến cuộc chạy đua tìm vac-xin chống dịch. Tờ báo nhìn thấy tầm vóc vô cùng to lớn, xem như một thách đố chưa từng thấy về mặt công nghệ cũng như hậu cần, vì phải sản xuất hàng trăm triệu liều trong vài tháng.

La Croix đặc biệt ghi nhận sự kiện các tập đoàn dược phẩm Mỹ Moderna và Pfizer/BioNTech đã thông báo kết quả đáng lạc quan.

Trang nhất của Les Echos thì rõ ràng hô vang niềm hy vọng khi chạy một hàng tựa cực lớn: “Cuộc chạy đua vac-xin tăng tốc”. Tờ báo nhấn mạnh sự kiện là hãng Mỹ Moderna đã loan báo thuốc chủng của họ hiệu nghiệm đến 94,%, hơn một chút so với hiệu quả cũng đã rất tốt là 90% được Pfizer/BioNTech công bố trước đó.

Đối với nhật báo kinh tế Pháp, hy vọng đã hồi sinh.

Bridgestone: Logic thuần kinh tế

Riêng nhật báo cảnh tả Libération thì chú ý nhiều hơn đến khía cạnh xã hội, nêu bật thái độ bực tức trước sự kiên hãng lốp xe hơi Bridgestone của Nhật Bản đóng cửa cơ sở ở thành phố Béthune, tỉnh Pas-de-Calais miền bắc nước Pháp.

Tờ báo chạy hàng tựa lớn “Bridgestone đã hy sinh Béthune như thế nào”, và giải thích là những tài liệu mà tờ báo tham khảo được cho thấy rõ ràng là tập đoàn này đóng cửa cơ sở ở miền bắc nước Pháp chỉ vì lý do thuần túy tài chính, và xóa bỏ đi 863 việc làm.

Ba Lan và Hung bắt bí Liên Hiệp Châu Âu

Về thời sự châu Âu, các báo rất quan tâm đến hành động của hai chính quyền dân túy trong Liên Hiệp Châu Âu là Ba Lan và Hungary, đã không ngần ngại bắt bí toàn khối để đạt được mục tiêu chính trị  là “chống Nhà nước pháp quyền”.

Dưới hàng tựa “Nhà nước pháp quyền, Ba Lan và Hungary cản bước”, nhật báo La Croix cho biết là Budapest và Vacxava đã phủ quyết ngân sách châu Âu và kế hoạch phục hồi sau Covid vào hôm qua, 16 tháng 11, mà việc phân bổ đang sắp được châu Âu gắn liền với việc tôn trọng Nhà nước pháp quyền.

La Croix nhắc lại là trong thư gửi các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu ngày 12/11, thủ tướng Mateusz Morawiecki, người đứng đầu chính phủ Ba Lan, cho biết cơ chế đang được thông qua dựa trên các tiêu chí “tùy tiện” và “có động cơ chính trị”. Cùng quan điểm, người đồng cấp Hungary, Viktor Orban, tin rằng Liên Âu đang tìm cách trả thù Budapest vì đã từ chối đón những người xin tị nạn và cáo buộc châu Âu muốn Ba Lan và Hungary phải trả giá cho “cuộc cách mạng bảo thủ”  của họ.

Theo La Croix, Budapest và Vacxava – bị Ủy Ban Châu Âu vạch mặt chỉ tên về những vi phạm pháp quyền được mô tả là “có tính hệ thống” – trong thời gian qua đã liên kết với nhau để chống lại toàn khối, thông qua những tuyên bố hỗ trợ lẫn nhau. “Ba Lan và Hungary sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo rằng không quốc gia nào bị bắt bí trong việc sử dụng các quỹ của EU”.

Phe bảo thủ của Hungary và Ba Lan hiện đang cùng nhau cố gắng lật lại các cáo buộc của Liên Âu: đó là chế độ pháp quyền trong Liên Hiệp Châu Âu, theo họ, đang bị đe dọa bởi tính tùy tiện của cơ chế mới. Theo ý kiến của họ, Liên Hiệp Châu Âu sẽ tạo ra một “tình trạng nhất bên trọng nhất bên khinh “.

RCEP thách thức Biden

Một hồ sơ khác được báo Pháp chú ý là việc 15 nước châu Á – Thái Bình Dương vừa ký kết hiệp định thương mại RCEP. Trong bài xã luận dưới tựa đề “RCEP, thách thức đầu tiên của Trung Quốc đối với Biden”, Le Monde lược lại quá trình hình thành của RCEP và  nhìn thấy đây là thách thức đầu tiên không nhỏ đối với chính quyền Biden.

Donald Trump vẫn chưa thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử, nhưng trên sân khấu thế giới, bánh xe đang quay và theo hướng ngược lại với động lực mà ông muốn khởi động.

Hiệp định thương mại tự do quan trọng được 15 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả Trung Quốc, ký hôm Chủ Nhật 15/11, là một đối trọng hoàn hảo với một hiệp định khu vực khác, Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), thoạt đầu bao gồm cả Hoa Kỳ, nhưng sau đó đã bị ông Trump tẩy chay ngay lập tức vào năm 2017, khi ông bước vào Nhà Trắng.

Bắc Kinh ca ngợi thỏa thuận mới này, được coi là một “chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do”.

Tờ báo có trách nhiệm chuyển tải tư tưởng chính thức của giới lãnh đạo Trung Quốc ra bên ngoài là Hoàn Cầu Thời Báo, đã liên tục tung ra nhiều bài báo nói về sự bối rối không thể tránh khỏi của Hoa Kỳ, bị vướng vào “chủ nghĩa đơn phương” của mình. Những bình luận này phản ánh rõ ràng sự hài lòng của Bắc Kinh đối với bước đột phá trong hội nhập kinh tế khu vực ở châu Á.

Và đối với Le Monde, đó quả thực là một bước tiến. Với 15 quốc gia ký kết – mười thành viên ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand – thỏa thuận bao gồm khoảng một phần ba dân số hành tinh và một phần ba sản lượng toàn cầu. Nó làm cho khu vực mậu dịch tự do châu Á này trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới, sánh ngang với các khu vực ở Bắc Mỹ hoặc Liên Hiệp Châu Âu.

Điều đáng chú ý ở một khía cạnh khác: đây là hiệp định thương mại đầu tiên liên kết ba nền kinh tế nặng ký của khu vực là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201117-kinh-t%E1%BA%BF-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-l%C3%A0-n%E1%BA%A1n-nh%C3%A2n-c%E1%BB%A7a-covid-19-ti%E1%BB%83u-th%C6%B0%C6%A1ng-ph%C3%A1p-ph%E1%BA%ABn-n%E1%BB%99

Tin tổng hợp

(AFP & Reuters) – Gặp khó khăn vì Mỹ trừng phạt, Hoa Vi bán lại Honor. 

Tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei) hôm nay 17/11/2020 thông báo đã bán lại nhãn hiệu điện thoại Honor, nhằm cứu vãn nhãn hiệu này trước tình trạng căng thẳng do lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra. Dòng điện thoại Honor giá rẻ chủ yếu dành cho giới trẻ và người ít tiền, bán được khoảng 70 triệu chiếc mỗi năm theo Hoa Vi, đã được một tổ hợp gồm 40 nhà phân phối và công ty mua lại. Hoa Vi cho biết việc sản xuất dòng điện thoại phổ thông đang « chịu áp lực khủng khiếp » vì trừng phạt của Mỹ, và hy vọng thương vụ này sẽ giúp những người bán hàng và nhà cung cấp của Honor vượt qua khó khăn, vì một khi không còn nằm trong tập đoàn, Honor sẽ mua được các thiết bị cần thiết.

(Reuters) – Pakistan : Kêu gọi ngưng biểu tình sau khi đã tẩy chay hàng Pháp. 

Phong trào Hồi giáo Pakistan Tehrik-i-Labaik hôm nay 17/11/2020 đưa ra lời kêu gọi ngưng các cuộc biểu tình chống lại việc đăng các biếm họa Mahomet tại Pháp, sau khi chính quyền đã bật đèn xanh cho việc tẩy chay hàng Pháp. Theo một thỏa thuận giữa phong trào này với chính quyền Pakistan mà hãng tin Anh có được bản sao, tất cả các thành viên của phong trào bị bắt khi biểu tình sẽ được trả tự do, ngoài ra còn dự kiến việc Quốc Hội yêu cầu trục xuất đại sứ Pháp trong ba tháng tới. Tuần báo Charlie Hebdo hồi tháng Chín đã đăng lại các biếm họa về Mahomet nhân dịp khai mạc phiên tòa xử vụ khủng bố tại tòa soạn tháng Giêng năm 2015 làm 12 người thiệt mạng.

(AFP) – NATO : Rút quân vội vã khỏi Afghanistan có lẽ phải trả một « giá đắt ». 

Tổng thư ký khối NATO Stoltenberg ngày hôm nay còn cảnh báo rằng « Afghanistan rồi sẽ lại trở thành một cứ địa cho quân khủng bố quốc tế. » Tuyên bố này của lãnh đạo NATO được đưa ra sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết thúc đẩy nhanh hơn nữa việc triệt thoái quân được triển khai tại Afghanistan.

(AFP) – Thái Lan: Cải cách hay đàn áp? 

Quốc hội Thái lan, ngày 17/11/2020,  thảo luận về khả năng cải cách Hiến pháp. Để gây áp lực, hàng ngàn người dân tập họp bên ngoài trụ sở được bảo vệ bằng kẽm gai, rào cản bê tông và cảnh sát chống bạo động. Một số người biểu tình còn tìm cách vượt hàng rào an ninh. Cảnh sát sử dụng hơi cay, xe vòi rồng xịt nước pha hóa chất đàn áp. Phong trào dân chủ hy vọng Nghị viện, với 250 thượng nghị sĩ cho chính phủ chỉ định, sẽ chấp nhận “thỏa hiệp” như quốc vương tuyên bố “Thái lan là đất nước của thỏa hiệp”.

(Reuters) – Donald Trumpthăm dò các cố vấn để oanh kích Iran trước khi mãn nhiệm.

Theo tiết lộ của một dân biểu xin dấu tên, cuộc họp diễn ra tại Nhà Trắng hôm thứ Năm, ngoài tổng thống còn có phó tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Pompeo, quyền bộ trưởng Quốc Phòng Christpher Miller và Tổng tham mưu trưởng liên quân Mark Milley. Cuối cùng, Donald Trump bỏ qua ý định oanh kích trung tâm hạt nhân số một của Iran sau khi được phân tích về hậu quả chiến tranh lan rộng.

(AFP) – Chủ nhân Twitter và Facebook lại bị Thượng viện Mỹ triệu tập.

Jack Dorsey, người sáng lập Twitter và Mark Zuckerberg, ông chủ Facebook hôm nay 17/11/2020 lại bị Thượng Viện Hoa Kỳ triệu tập trong vòng chưa đầy một tháng, vì vai trò của các mạng xã hội trong cuộc tranh cãi về bầu cử tổng thống Mỹ. Ủy ban Tư Pháp Thượng Viện muốn được giải thích về việc « kiểm duyệt » mà tổng thống Donald Trump và các đồng minh cho mình là nạn nhân. Đặc biệt là quyết định giới hạn phổ biến các bài viết của báo New York Post khẳng định ứng cử viên Dân Chủ Joe Biden có liên quan đến các vụ tham nhũng, khoảng hai tuần trước ngày bầu cử.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201117-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới 17/11:

Bắc Kinh rất vui nếu ông Trump không tái cử;

Nhóm pháp lý của Tổng thống Trump họp gấp

Lục Du

Mục Điểm tin thế giới ngày thứ Ba (17/11) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Bắc Kinh rất vui nếu Tổng thống Trump không tái cử. Đó là nhận định của nhà sử học Victor Davis Hanson. Theo vị chuyên gia của Viện nghiên cứu Hoover, nếu Biden thắng cử Trung Quốc sẽ gia tăng sức ép với các đồng minh của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, đơn giản vì ứng viên Dân chủ có thể hòa hợp với Đảng Cộng sản Trung Quốc và có “dấu hiệu của sự yếu kém cần được lợi dụng”, Epoch Times đưa tin.

20.000 phiếu bầu được chuyển từ Trump sang Biden. Tiến sĩ Shiva cho hay, việc này xảy ra ở hạt Kent của bang chiến địa Michigan. Theo The Gatewaypundit, các phiếu bầu được chuyển từ Tổng thống Trump sang Biden một cách có hệ thống, theo một tỷ lệ thống nhất trong cuộc bầu cử lần này. Tiến sĩ Shiva cho rằng, người ta có thể phân phối lại phiếu giữa các ứng viên nhờ những lỗ hổng trong việc sử dụng máy tính để kiểm phiếu.

Truyền thông Hồng Kông yêu cầu gặp bà Carrie Lam. 8 hiệp hội báo chí và nghiệp đoàn báo chí của hòn đảo đã gửi thư ngỏ cho trưởng đặc khu Lam vào ngày 16/11 yêu cầu một cuộc họp với bà để bày tỏ

những lo ngại của họ về quyền tự do báo chí. Trong thư viết “Các nhà báo lo sợ họ có thể bị bỏ tù vì chỉ làm công việc báo chí điều tra”, theo Epoch Times.

Nhóm pháp lý của Tổng thống Trump họp gấp. Newsmax cho hay, cuộc họp diễn ra vào 2 giờ chiều ngày 16/11 tại Nhà Trắng. Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến pháp lý của chiến dịch Trump chống lại gian lận bầu cử đang nóng dần lên. Nhiều chuyên gia dự đoán cuộc bầu cử tổng thống đang diễn ra có thể phải chờ sự phán quyết của Tối cao Pháp viện hoặc thậm chí phải đi tới một cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện theo Tu chính án 12.

Chính quyền Trump đang đẩy nhanh việc tách rời Mỹ khỏi nền kinh tế Trung Quốc. Theo các chuyên gia, lệnh hành pháp được ký hôm 12/11 của Tổng thống Trump cấm các khoản đầu tư của các thực thể thuộc Hoa Kỳ vào các công ty có quan hệ với quân đội Trung Quốc đánh dấu một bước quan trọng để thực hiện điều này. Chuyên gia Roger Robinson đánh giá, hành động ngày của chính phủ Mỹ là động thái “đầu tiên có tính lịch sử” trong việc áp đặt các hình phạt đối với Bắc Kinh thông qua thị trường vốn, theo Epoch Times.

Hàng chục nhân viên tại WHO nhiễm virus Vũ Hán. Hôm thứ Hai (16/11) WHO cho biết 65 nhân viên của họ đã bị nhiễm loại virus chết người này kể từ khi đại dịch bùng phát. Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO, thông tin rằng các ca nhiễm bệnh chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tổng giám đốc WHO hôm thứ Hai cũng đã xuất hiện trở lại sau khi phải cách ly do tiếp xúc với người nhiễm viêm phổi Vũ Hán, theo Reuters.

Huawei mơ mộng ‘khởi sắc’ dưới thời Biden. Hôm thứ Hai (16/11), Huawei cho biết họ hy vọng nếu Biden trở thành tổng thống thì mối quan hệ Mỹ – Trung sẽ được thiết lập lại và đem đến sự khởi đầu mới cho họ. Ông Paul Scanlan, giám đốc công nghệ tại Huawei Carrier Business Group, nói rằng “Tất nhiên, dưới thời chính quyền trước đây, chúng tôi đã gặp rất nhiều thách thức”, theo Breitbart.

Tổng thống Trump thông báo sắp kiện lớn. Thông báo trên Twitter ông Trump cho biết chiến dịch của ông sắp khởi động vụ kiện lớn về gian lận bầu cử. “Nhiều vụ kiện đang được thực hiện trên khắp đất nước không phải của chúng tôi, mà là của những người từng chứng kiến những vụ lạm dụng khủng khiếp. Các vụ kiện lớn của chúng tôi cho thấy sự vi hiến của Cuộc bầu cử năm 2020 và sự phẫn nộ về những điều đã được thực hiện để thay đổi kết quả, sẽ sớm thực hiện!”, ông Trump viết trên Twitter.

Luật sư của Tổng thống Trump kêu gọi sa thải giám đốc CIA. Newsweek đưa tin, Sidney Powell, luật sư của ông Trump, nói rằng giám đốc CIA nên bị cách chức vì không phản đối dùng phần mềm bỏ phiếu gặp sự cố ở bang Michigan. “Tôi không thể hiểu tại sao Gina Haspel vẫn làm việc ở Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Bà ấy đáng bị sa thải ngay lập tức”, bà Powell nói hôm 15/11, và cho biết thêm rằng bà Haspel còn phớt lờ cảnh báo rủi ro đối với việc sử dụng phần mềm bỏ phiếu Dominion tại các bang chiến trường.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-17-11-bac-kinh-rat-vui-neu-ong-trump-khong-tai-cu-nhom-phap-ly-cua-tong-thong-trump-hop-gap.html

Tạp chí kinh tế

RCEP, Việt Nam cần thận trọng với Trung Quốc

Thanh Hà

Thêm một hiệp định tự do mậu dịch cho Việt Nam. Ngày 15/11/2020 Việt Nam đã ký kết Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Khu Vực –RCEP. Làm thế nào để thỏa thuận này là bàn đạp cho kinh tế phát triển hơn, để thúc đẩy xuất khẩu mà không quá lệ thuộc vào một thị trường lớn là Trung Quốc ? Đó là những thách thức RCEP đặt ra cho phía Việt Nam theo phân tích của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Nếu như dịch Covid-19 không đe dọa một phần lớn nhân loại, chắc hẳn lãnh đạo 15 nước tham gia RCEP đã tề tựu về Việt Nam chứng kiến lễ ký kết một hiệp định tự do mậu dịch toàn diện với quy mô lớn hơn cả USMCA bao gồm ba nước Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada và Mêhicô) và hiệp định của Liên Âu cộng lại. Nhưng rốt cuộc sự kiện hằng mong đợi đó, sau tám năm đàm phán, đã chỉ có thể diễn ra qua cầu truyền hình.

RCEP là một sáng kiến được Bắc Kinh đề xuất từ năm 2012 và đã được 10 thành viên Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, New Zealand hưởng ứng. Hiệp ước liên quan đến 2,2 tỷ dân toàn cầu, gần 1/3 tổng sản lượng của thế giới.

Một trong những mục tiêu hiệp định là xóa bỏ đến 90 % các hàng rào quan thuế giữa 15 nước, liên quan đến 29 % tổng trao đổi mậu dịch toàn cầu.

Các bên tham gia đang trông thấy viễn cảnh khu vực xuất khẩu sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ một khi các hàng rào quan thuế gần như không còn nữa. Đây là điểm thu hút các quốc gia lấy xuất khẩu làm chủ đạo – đứng đầu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và kể cả đối với hầu hết các thành viên ASEAN.

Riêng trong trường hợp của Việt Nam, vừa thâm hụt mậu dịch với các đối tác ASEAN và vừa với Trung Quốc thì Hà Nội có thể chờ đợi gì từ Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Khu Vực ? RFI đặt câu hỏi với kinh tế gia Phạm Chi Lan từ Hà Nội, nguyên phó chủ tịch, tổng thư ký Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam :

Chuyên gia Phạm Chi Lan-Hà Nội

Phạm Chi Lan :  « Lợi ích chính đối với Việt Nam là thị trường Trung Quốc, chứ còn với những nước khác Việt Nam đã có sẵn với họ những hiệp định mậu dịch, như với Nhật Bản hay Hàn Quốc… Thậm chí, quy mô của những hiệp định đó còn lớn hơn nhiều so với RCEP. Riêng với nội bộ ASEAN thì các hàng rào quan thuế đã được xóa bỏ. Cái chính ở đây là đối với Trung Quốc : Việt Nam muốn tăng cường xuất khẩu và cải thiện cách thức quan hệ với Trung Quốc về đầu tư, về nhập khẩu … theo hướng cho phép Việt Nam tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị. Tới nay Việt Nam chỉ tham gia ở mức rất thấp, chỉ làm gia công thôi. Đó là kỳ vọng của Việt Nam ở hiệp định này. Có đạt được mục tiêu đó hay không thì tôi cũng còn ngần ngại, chưa biết thực sự phía Trung Quốc và Việt Nam làm thế nào để đạt được kỳ vọng đó ».

RFI : Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Việt Nam từ nhiều năm qua và theo thống kê của Tổng Cục Hài Quan Việt Nam trong hai năm 2018 và 2019 tổng trao đổi mậu dịch hai chiều vượt ngưỡng 100 tỷ đô la. Nhưng Việt Nam bị thâm hụt so với Trung Quốc. Có nghĩa là nhập nhiều hàng của Trung Quốc hơn là khả năng xuất khẩu sang thị trường rộng lớn này vây thi hiệp định RCEP có giúp thu hẹp được khoảng cách bất lợi cho các nhà sản xuất Việt Nam hay không ? 

Phạm Chi Lan : « Xuất khẩu sang Trung Quốc : Việt Nam đã cố gắng xuất khẩu nhiều và bây giờ chủ yếu trông chờ vào sự tăng trưởng của xuất khẩu nông sản. Trong lĩnh vực này lâu nay Việt Nam thường bị những vấn đề do phía Trung Quốc tạo ra. Đó là những hàng rào cả về thủ tục lẫn cung cách buôn bán không sòng phẳng của các thương gia Trung Quốc. Điều này gây khó khăn cho nông dân Việt Nam. Bây giờ Việt Nam kỳ vọng với RCEP làm ăn sẽ dễ hơn và đi theo con đường chính ngạch hơn. Mặt khác, hiệp định cũng có thể giúp cho doanh nghiệp Việt Nam hiểu là tham gia RCEP thì cũng phải cố gắng tận dụng để củng cố và xây dựng cách làm ăn mới với Trung Quốc cho đàng hoàng hơn, tránh gây thua thiệt cho nông dân Việt Nam, cho doanh nghiệp Việt Nam. Phía Việt Nam cũng phải tự mình thay đổi cung cách làm ăn ».

RFI : Cụ thể hơn thì « thay đổi cung cách làm ăn đó » gồm những gì ?

Phạm Chi Lan : « Nâng cấp hàng hóa, tổ chức tốt hơn, đáp ứng yêu cầu kể cả việc truy xét nguồn gốc sản phẩm, chú trọng vào chuẩn mực vệ sinh an toàn thực phẩm … Có như vậy Việt Nam mới chinh phục được các thị trường rộng lớn hơn để nếu như phía Trung Quốc có vấn đề gì thì còn có những đối tác thương mại khác mua hàng của Việt Nam. Trong trường hợp phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc cho đầu ra của một số nông sản Việt Nam, ngay cả khi có hiệp định mới, đây cũng là một rủi ro đối với Việt Nam. Tôi cho rằng ưu tiên vẫn phải là nâng cấp hàng hóa của mình và cố gắng đáp ứng yêu cầu mới tại các thị trường của các nước khác hơn là trông đợi ở RCEP để xuất khẩu sang Trung Quốc và lại vẫn buôn bán, vẫn lệ thuộc vào các thương lái Trung Quốc. Số này họ vào tận Việt Nam dụ dỗ các nhà sản xuất Việt Nam, họ mua hàng cho được một vài bận rồi họ bỏ. Nông dân Việt Nam lại kêu gọi nhau giải cứu. Đừng vì RCEP mà lại quay lại cách làm ăn như cũ ».

RFI : Thực ra Việt Nam đã tham gia khá nhiều hiệp định tự do mậu dịch mà gần đây nhất là EVFTA với Liên Hiệp Châu Âu, hay Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương với một chục quốc gia trong vùng. Vậy đấy có là những ngõ thoát tránh để quá phụ thuộc vào một thị trường là Trung Quốc hay không ?

Phạm Chi Lan : « RCEP không quá khó như các hiệp định tự do mậu dịch khác, chẳng hạn như với Liên Âu hay CPTPP nhưng Việt Nam vẫn phải cố gắng để vươn lên, phải cải thiện về mặt cơ bản để tận dụng cơ hội ở thị trường Liên Âu hay của các nước thành viên trong hiệp định tự do xuyên Thái Bình Dương hơn là ham thị trường dễ tính là Trung Quốc qua RCEP. Lâu nay Việt Nam xuất siêu nhưng lại luôn bị nhập siêu so với Trung Quốc. Điều đó rất bất lợi cho kinh tế Việt Nam vì như vậy các doanh nghiệp Việt Nam không vươn lên được. Thí dụ như Việt Nam chỉ làm gia công (dệt may, da giầy) cho Trung Quốc mà không tham gia được chuỗi cung ứng ở cấp cao hơn, không sản xuất được những sản phẩm trung gian do Việt Nam ỉ lại nhập khẩu từ Trung Quốc quá nhiều và quá dễ. Chính sách của Việt Nam cũng không khuyến khích doanh nghiệp phát triển và không tạo động lực phát triển cho ngành công nghiệp Việt Nam. Đấy là cái bất lợi lớn nhất. Nhập khẩu quá nhiều từ Trung Quốc kềm hãm kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp. Tôi cho rằng đó là mặt tệ nhất trong quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc từ lâu nay »

Đành rằng RCEP là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới đồng thời như chính tên gọi của nó, đây là một Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện không chỉ liên quan đến các luồng trao đổi mậu dịch mà còn bao gồm cả các dịch vụ từ ngân hàng tới viễn thông hay chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Vào lúc Hoa Kỳ đánh động công luận thế giới về việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ, đe dọa an ninh quốc gia của nhiều nước trên toàn cầu, đó cũng là những vấn đề mà tất cả các thành viên tham gia RCEP, trong đó có Việt Nam, cần quan tâm. 

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-kinh-t%E1%BA%BF/20201117-rcep-vi%E1%BB%87t-nam-c%E1%BA%A7n-th%E1%BA%ADn-tr%E1%BB%8Dng-v%E1%BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.