Bản tin ngày 12-11-2020
BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan đã khai mạc hôm nay, dưới sự chủ trì của Việt Nam, là nước đang làm chủ tịch luân phiên ASEAN, dự kiến sẽ diễn ra đến ngày 15/11. Báo Thanh Niên có bài: ASEAN giữa thách thức Trung Quốc leo thang quân sự ở Biển Đông. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhất trí, Biển Đông tiếp tục là “vấn đề nổi lên”, lưu ý vấn đề quân sự hóa.
Thời gian qua, TQ liên tục tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông. Đài CGTN của nước này đăng clip có nội dung “khoe” rằng, máy bay tiêm kích của họ vừa bay liên tục 10 tiếng ở Biển Đông, phá “kỷ lục” trước đó của không quân nước họ là là 8 tiếng 30 phút. “Bắc Kinh cũng nhiều lần tiến hành tập trận bắn tên lửa đạn đạo, triển khai máy bay ném bom tầm xa H-6 tập trận ở Biển Đông”.
Mặc dù tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng, nhưng một trong “tam trụ” ở VN vẫn có phát ngôn như người ở trên mây. Báo Lao Động dẫn lời Thủ tướng: Quyết tâm xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định. Trong Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, Thủ tướng Phúc hứa hẹn, “quyết tâm xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và phát triển”.
Biển Đông ngày càng căng thẳng là do các hoạt động quân sự dồn dập, ngày càng leo thang của Bắc Kinh, đe dọa chủ quyền lãnh hải của một số nước ASEAN. Giờ muốn Biển Đông hòa bình trở lại, lãnh đạo CSVN phải có chiến lược để VN có thể cùng các nước ASEAN ngăn các hoạt động quân sự của TQ, ngăn chặn làn sóng tàu “dân quân biển” của họ đang tràn ra Biển Đông. Chuyện Biển Đông không phải như mấy vấn đề cứu trợ trong nước, không phải ông Phúc nổ vài câu là xong.
Báo Thanh Niên dẫn lời Tổng thống Duterte: không thể phớt lờ phán quyết về Biển Đông của Tòa trọng tài quốc tế. Thông điệp của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đưa ra trong Hội nghị ASEAN hôm nay: Yêu sách “đường lưỡi bò” của TQ ở Biển Đông “không thể bị phớt lờ bởi bất kỳ nước nào, dù nước đó có mạnh đến mức nào đi nữa”. Lãnh đạo Philippines mang tiếng là người mưa nắng thất thường, nhưng hóa ra vẫn còn tỉnh táo hơn Thủ tướng “ma-dze in Việt Nam”.
USA Military News có clip: Lý do Mỹ triển khai máy bay ném bom B-52 tới Biển Đông.
Lực lượng biên phòng phát hiện bồn, phao có chữ Trung Quốc dạt vào bờ biển Quảng Ngãi, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, họ vừa phát hiện hai bồn kim loại kích cỡ lớn trôi dạt vào bờ biển thuộc xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn và xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ. “Hai bồn này màu xám tro, giống bồn chứa hoá chất, chiều dài khoảng 5 m, trên bồn có in chữ Trung Quốc. Dòng chữ này tạm dịch là khí dầu mỏ hoá chất lỏng”.
Mời đọc thêm: Thượng đỉnh ASEAN: Biển Đông và đối đầu Mỹ-Trung trong chương trình nghị sự (RFI). – ASEAN đang phải đối mặt với tình trạng quân sự hóa Biển Đông (TĐ). – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại cam kết mạnh mẽ của ASEAN ở Biển Đông (TT). – Thủ tướng tái khẳng định lập trường ASEAN về Biển Đông tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc (VnEconomy). – Bồn kim loại in chữ Trung Quốc liên tục trôi dạt vào bờ biển tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam (PLVN). – Nhiều bồn kim loại bí ẩn, in chữ Trung Quốc trôi vào bờ biển Quảng Ngãi (TP). – Mỹ đưa máy bay ném bom tới Biển Đông (PT).
Tin chính trường
Sau khi tiến hành bỏ phiếu kín, sáng nay Quốc hội đã thông qua nghị quyết với đa số phiếu tán thành, phê chuẩn 3 thành viên mới của Chính phủ, Việt Nam chính thức có nữ thống đốc Ngân hàng Nhà nước đầu tiên là bà Nguyễn Thị Hồng, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Theo kết quả bỏ phiếu kín được công bố sau đó, bà Hồng nhận được 467 phiếu tán thành của ĐBQH, tức 97,08%.
Cũng liên quan đến sự kiện nói trên, ông Nguyễn Thanh Long chính thức được bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế, theo báo Thanh Niên. Ông Long được phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Y tế với tỷ lệ phiếu đồng ý 459/472 phiếu, chiếm 95,42% tổng số ĐBQH. Diễn biến ở Bộ Y tế chỉ là hình thức, vì ông Thanh Long đã trải qua hơn 4 tháng giữ quyền Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế.
Hồi tháng 11/2019, QH đã tiến hành miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến với lý do “bà Tiến đến tuổi nghỉ hưu”. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam được giao kiêm nhiệm chức Bí thư Ban cán sự Đảng bộ Y tế, chịu trách nhiệm toàn diện các hoạt động của Bộ, đến khi ông Nguyễn Thanh Long được giao quyền Bộ trưởng Bộ này vào tháng 7/2020.
Còn bà Kim Tiến, dù bị cho thôi chức Bộ trưởng Bộ Y tế với lý do “tuổi nghỉ hưu”, nhưng bà Tiến chưa được cho nghỉ, mà chuyển sang làm Trưởng Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ TƯ. Lần gần đây nhất, bà Tiến xuất hiện trên báo “lề đảng” là khi Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ TƯ ủng hộ người dân Hà Tĩnh bị thiệt hại do lũ lụt.
Bà Tiến đã dẫn đoàn từ thiện của Ban này về trao tặng một số vật tư y tế và nhu yếu phẩm cho 6 trạm y tế bị thiệt hại nặng nề của tỉnh này. Như vậy là Tiến chỉ thôi chức Bộ trưởng Bộ Y tế vì lý do khác, chứ không phải rời cái ghế này là vì “đến tuổi nghỉ hưu”.
Thành viên mới thứ 3 của Chính phủ là ông Huỳnh Thành Đạt, giữ chức Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, VnExpress đưa tin. QH phê chuẩn ông Đạt làm Bộ trưởng Bộ KH&CN với tỷ lệ phiếu tán thành là 92,09%, thay thế vị trí bỏ trống sau khi ông Chu Ngọc Anh về làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thay Chung “con” đang bị “nhập kho”. Vì thế nên hôm qua, Quốc hội tiến hành miễn nhiệm chức vụ với bộ trưởng Chu Ngọc Anh, dọn đường cho sự kiện hôm nay, ghế chuyển qua chuyển lại.
Cũng trong sáng nay, Thủ tướng phê duyệt đầu tư sân bay Long Thành, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 109.111 tỉ đồng, tương đương hơn 4.664 tỉ Mỹ kim. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ nay đến năm 2025. Có mỗi dự án đường sắt nội đô Hà Nội mà làm 10 năm không xong, giờ với dự án làm sân bay 109 ngàn tỉ đồng thì không rõ bao giờ xong và sẽ tạo gánh nặng lên nền kinh tế như thế nào.
Mời đọc thêm: Sáng nay 12/11, Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm ba thành viên Chính phủ và Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Tin Tức). – Quốc hội phê chuẩn ba thành viên mới của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có nữ thống đốc đầu tiên (ĐT). – Chân dung tân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (TP). – PGS.TS Huỳnh Thành Đạt được phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (VTV). – Chính phủ phê duyệt dự án sân bay Long Thành (VNE).
Các vụ “ăn” đất
Báo Giao Thông có bài về vụ thu hồi đất bến xe Đức Trọng: Hiệp hội vận tải kiến nghị lên Thủ tướng. Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Lâm Đồng cùng các doanh nghiệp vận tải, hợp tác xã… đã ký và gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ liên quan đến vụ thu hồi đất ở Bến xe Đức Trọng. Các doanh nghiệp vận tải muốn lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng huỷ Quyết định thu hồi đất số 2009/QĐ-UBND ngày 16/09/2020.
Năm 2008, Công ty Trường Sơn Xanh đã tham gia đầu tư vào bến xe tại huyện Đức Trọng và được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận cho thuê 4.345m2 đất trên Quốc lộ 20 với thời hạn cho thuê 50 năm. Nghĩa là tới ngày 10/08/2058 mới hết hạn để làm bến xe. Mới 12 sau hợp đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng đã trở cờ, đòi thu hồi lại, trong khi “bến xe huyện Đức Trọng được đánh giá là hoạt động hiệu quả”.
Bến xe Đức Trọng vẫn đang hoạt động liên tục suốt hơn 10 năm qua. Ảnh: GT
Trước đó, 31 tiểu thương Bến xe Đức Trọng phản đối quyết định thu hồi đất của tỉnh Lâm Đồng, theo Biz Live. Họ là các tiểu thương đang sinh sống, kinh doanh tại các ki ốt ở bến xe Đức Trọng, rất bất ngờ và hoang mang trước quyết định thu hồi đất dự án của UBND tỉnh Lâm Đồng. Ông Phan Điền, GĐ Nhà xe Điền Linh cho biết, hoạt động vận tải hành khách tại bến xe diễn ra bình thường, yên ổn trong suốt 10 năm qua: “Giờ nhà nước có quyết định thu hồi thì doanh nghiệp biết đi đâu về đâu?”
Cô Nguyễn Thị Cúc, một trong số các tiểu thương chia sẻ, ki ốt mà gia đình cô đang sinh sống, kinh doanh tại bến xe được Công ty Trường Sơn Xanh ký hợp đồng chuyển nhượng 10 năm trước: “Mỗi ki ốt hiện có giá trung bình 4 tỷ đồng, 31 hộ dân là hàng trăm tỷ đồng thiệt hại”. Phía chính quyền Lâm Đồng dẫn ra lý do thu hồi đất: Công ty Trường Sơn Xanh ký hợp đồng với các hộ dân để họ xây dựng 24 công trình không đúng giấy phép.
Các tiểu thương phản đối quyết định thu hồi đất bến xe Đức Trọng. Ảnh: Huyền Trâm/Biz Live
Báo Đầu Tư bàn về vụ sai phạm đất công ở Khánh Hòa: “Trảm” loạt dự án, kiến nghị xử lý nghiêm minh. Thanh tra Chính phủ chỉ ra các sai phạm trong 35 dự án “đất vàng” ở tỉnh Khánh Hòa: “Chọn chủ đầu tư không qua đấu thầu; bán tài sản nhà nước không qua đấu giá; vi phạm quy hoạch sử dụng đất, trật tự xây dựng; thực hiện dự án trên đất quốc phòng chưa được bàn giao; giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án khi không có kế hoạch sử dụng đất; sử dụng đất trái mục đích”.
Chẳng hạn như, dự án CLB du thuyền và khu nghỉ dưỡng Cam Ranh do Công ty Mefrimex làm chủ đầu tư, sau 13 năm, từ khi được đồng ý cho liên doanh đầu tư và 8 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nay vẫn chưa hoàn thành, chủ dự án vẫn chưa thực hiện xong nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Báo Tiền Phong có bài: ‘Đất vàng’ cộng đồng ở Bắc Giang thành nơi thờ cúng tư gia, nhà hàng đắt đỏ. TTCP đã điểm mặt một khu “đất vàng” tại trung tâm TP Bắc Giang, là khu đất vốn đã được phê duyệt làm trung tâm văn hóa truyền thống dân tộc, phục vụ cộng đồng nhưng “đang được biến thành nơi thờ cúng tư gia. Tại đây cũng mọc lên một nhà hàng không giấy phép xây dựng“.
Toàn cảnh khu đất được tỉnh Bắc Giang chấp thuận trái với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và mục tiêu đầu tư ban đầu. Ảnh: TP
Theo TTCP, “tổng cộng có 4,08 héc ta đất quy hoạch tại Công viên Hoàng Hoa Thám được tỉnh này cho chuyển đổi từ đất vui chơi tổng hợp thuộc công viên sang đất kinh doanh thương mại dịch vụ ngoài công viên”.
Mời đọc thêm: Bị thu hồi bến xe, doanh nghiệp kiện UBND tỉnh Lâm Đồng (TP). – Vụ thu hồi đất bến xe Đức Trọng: Doanh nghiệp sợ “chỉ có nước đứng đường” (GT). – Bộ công an vào cuộc vụ mua bán khu đất 3.000m2 bằng hợp đồng giả cách (CafeF). – Thanh Hóa: Chủ tịch xã Hà Vinh biến đất công ích thành đất ở (Thanh Tra). – Loại 7 khu đất công ở Côn Đảo khỏi danh mục bán đấu giá (PLTP). – Vụ người chết ký xác nhận đất: Cấp sổ đỏ, 2 lần giấy phép xây dựng đều sai (TT). – Thủ tục đất đai vẫn tắc (KTĐT).
Tin giáo dục
Thêm gánh nặng cho những phụ huynh: Bộ GD-ĐT dự kiến tăng học phí ở tất cả các cấp học từ năm 2021-2022, báo Người Lao Động đưa tin. Theo đó, “căn cứ vào kịch bản tăng trưởng kinh tế của Tổng cục Thống kê thông báo giai đoạn 2021-2025 là 7,5%, Bộ GD-ĐT đề xuất mức tăng học phí năm học 2021-2022 là 12,5% so với năm học 2020-2021”. Nghĩa là những người có con em phải chịu vạ lây từ kịch bản tăng trưởng ảo do thuộc cấp của Thủ tướng Phúc “vẽ” ra.
Bộ GD&ĐT dự định, “nghị định này sẽ thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021”.
Liên quan đến vấn đề “đổi mới” SGK càng đổi càng sai, báo Giáo Dục VN có bài: Giáo viên chưa thấy văn bản cho phép thay dữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1. Một GV ở Hà Nội chia sẻ: “Theo tôi nếu giáo viên linh hoạt và hội đồng chuyên môn của trường làm việc tốt thì tôi nghĩ không có vấn đề gì. Còn nếu nói có hay không văn bản pháp lý, văn bản hành chính nào chỉ đạo trực tiếp tại thời điểm này cho phép giáo viên có quyền thay đổi ngữ liệu trong sách giáo khoa lớp 1 mới bị ‘sạn’ thì hiện nay chúng tôi chưa nhận được”.
Mời đọc thêm: Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất tăng học phí mọi cấp học (TĐ). – Bộ Giáo dục đề xuất tăng học phí bậc mầm non, phổ thông lên 7,5% (VNN). – Thực nghiệm sách giáo khoa lớp 1 chưa rõ thời lượng và quy mô (GDVN). – Tiếng Việt: Cả lớp 40 học sinh tả con mèo… giống nhau, lỗi do ai? (TG&VN). – Trẻ mầm non 15 tháng tuổi bị giáo viên bạo hành trong nhà vệ sinh (NLĐ). – Giáo viên bị tố bạo hành, dọa cho trẻ 15 tháng tuổi uống nước bồn cầu (TP).
***
Thêm một số tin: Thực tế mạng xã hội của Việt Nam so với tuyên bố của Bộ trưởng Thông tin- Truyền thông (RFA). – Phạm Chí Dũng đối mặt án tù 10-20 năm, khẳng định ‘không vi phạm pháp luật’ (VOA). – 80 ngàn tỉ đang ở đâu? Rồi để làm gì? (LĐ). – Ngân hàng xoay xở ra sao trong vòng xoáy nợ xấu? (VNF). – CDC Hà Nội giải thích về chênh lệch giá xét nghiệm Covid-19 giữa cơ sở công lập và tư nhân (PLVN).
0 nhận xét