Diệt nội thù, chống ngoại xâm
22-8-2020
Sau nhiều thập niên làm đàn em trung thành và vô cùng dễ dạy của đảng CSTQ, đột nhiên vào thượng tuần tháng 8 vừa qua, CSVN cho chiếu trên đài truyền hình VTV1 bộ phim “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh – Biên niên sử truyền hình: Năm 1979”. Phim do Báo Nhân dân sản xuất hoàn thành năm 2020. Bộ phim được Ban Tuyên Giáo Trung Ương chỉ đạo.
Bộ phim này nêu thẳng tên CSTQ xâm lược và lên án họ vô cùng gay gắt nặng nề.
Sự kiện này tuy có bất ngờ và tạo ra nhiều dư luận trong lẫn ngoài nước, nhưng không gây quá nhiều ngạc nhiên. Lý do là vì hầu như toàn dân đã quá quen thuộc với tính phi đạo đức, tráo trở và sớm đánh tối đầu của đảng CSVN.
Một trong những bằng chứng hiển nhiên nhất là lúc phong trào vượt biên tỵ nạn lên cao sau 1975 thì đảng miệt thị, lên án và trừng phạt nặng nề người tỵ nạn. Tuy nhiên sau đó, vì nhu cầu kiều hối, thì đảng vuốt mặt, trịnh trọng gọi họ là “Việt Kiều Yêu Nước”, “khúc ruột xa xôi ngàn dặm của mẹ Việt Nam”, bất chấp sỉ diện.
Ngay từ khởi thủy, khi đảng CSVN được thành lập 3 tháng 2 năm 1930 thì tập thể này đã lệ thuộc vào đảng CSTQ (ra đời trước đó ngày 23 tháng 7, năm 1921) từ ý thức hệ, tổ chức hạ tầng, nhân sự đến viện trợ vũ khí, hầu thanh toán các lực lượng quốc gia kháng Pháp dành độc lập.
Làm sao chúng ta có thể giải thích sự thay đổi lập trường quan trọng này của đảng CSVN? Dĩ nhiên có nhiều giả thuyết chúng ta có thể nêu ra:
1. Sự căm thù Trung Quốc đã nằm trong máu huyết của người Việt Nam và những hành động bán nước của CSVN từ Ải Nam Quan, Hoàng Sa, Trường Sa, Thác Bản Giốc đến Hiệp Ước Thành Đô đầy bí ẩn 1990, đã tạo ra phản cảm chống đảng mạnh mẽ trong nhân dân. Đảng cảm thấy sự sống còn của mình bị đe dọa và thay đổi lập trường hầu xoa dịu nhân tâm là một nhu cầu cấp bách.
2. Đại dịch Vũ Hán hầu như thay đổi cục diện thế giới. CSTQ đang đứng trên bờ vực thẳm. Sau khi cơn đại dịch này được giải quyết bằng y khoa tại các cường quốc Tây phương khoảng năm 2021, thì tương lai của CSTQ sẽ vô cùng bất định. Đây là lúc đảng CSVN tung một quả bóng thăm dò dư luận, hầu chuẩn bị nghiêng về Tây phương hơn trong thế đu dây giữa Đông và Tây của họ.
3. Nội bộ của đảng CSVN đang xảy ra chia rẽ trầm trọng giữa phe thân TQ (gồm có công an) và phe chống TQ (gồm có Quân Đội). Những nhượng bộ quá đáng của đảng CSVN cho TQ, từ việc Lê Đức Anh ra lệnh cho quân đội VN không được kháng cự lệnh nổ súng của quân đội TQ tại Gạc Ma, đến thái độ sỉ nhục của đảng đối với cựu chiến binh VN tham chiến chống TQ tại biên giới Việt Trung năm 1979, đã gây căm phẫn trong hàng ngũ quân đội. Bây giờ đảng cần lấy lòng quân đội để ổn định nội bộ.
4. Cuối cùng, sau nhiều thập niên cai trị độc tài làm dân tộc tụt hậu và nhục nhã so với các dân tộc trong vùng Đông Á như Nam Hàn, Đài Loan, Nhật Bản, lòng căm phẫn của người dân lên cao. Đảng CSVN nhận ra một nhu cầu chiến lược quan trọng. Đó là chuyển mục tiêu căm thù của nhân dân từ đảng CSVN sang đảng CSTQ.
Dĩ nhiên nhân dân Việt Nam không thể mắc lừa một lần nữa.
Dù bất cứ lý do gì và trong bất cứ tình huống nào, đảng CSVN vẫn là một định chế, tuy lỗi thời, nhưng vô cùng bảo thủ và luôn chủ trương độc tài đảng trị.
Cuốn phim nêu trên chỉ là một thủ thuật duy trì sự sống còn của đảng, hầu tiếp tục bóc lột nhân dân tận xương tủy mà thôi.
Nhân dân Việt Nam và những thành phần khác trong xã hội dân sự sẽ không bao giờ chấp nhận cùng đứng dưới một ngọn cờ với đảng CSVN bại hoại này, dù là ngọn cờ chống CSTQ xâm lược.
Một chân lý bất di bất dịch trong lịch sử các quốc gia Đông Á là muốn sinh tồn bên cạnh TQ thì phải vượt lên trên TQ về mọi phương diện, từ xã hội, kinh tế, đến quân sự như dân tộc VN đã làm trong các triều đại Lê, Lý, Trần.
Bao lâu mà đảng CSVN còn là một định chế độc tài đảng trị, tôn sùng chủ nghĩa Mác – Lê thì ngày đó, trách nhiệm của con dân Việt, bất kể tôn giáo, quan điểm chính trị, thành phần xã hội và sắc tộc, vẫn là phải dứt khoát “diệt nội thù CSVN trước và chống ngoại xâm CSTQ sau”.
Với sự cáo chung của độc tài đảng trị, toàn dân sẽ chung sức xây dựng một nước Việt Nam văn hiến và một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính cho các thế hệ mai sau.
0 nhận xét