Bản tin ngày 22-8-2020
BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Nhà nghiên cứu Đặng Sơn Duân đưa tin: Trung Quốc lại tập trận lớn ở Biển Đông, Hoàng Sa. Tối 21/8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam thông báo, Hải quân TQ sẽ tiến hành tập trận quy mô lớn ở Biển Đông từ ngày 24 đến ngày 29/8. Khu vực diễn ra cuộc tập trận nối liền bởi 7 điểm, tọa độ các điểm cho thấy khu vực này nằm ở góc Đông Nam của đảo Hải Nam, khá gần lãnh hải VN. Dĩ nhiên TQ cấm tàu bè đi vào khu vực nói trên trong thời gian diễn ra tập trận.
Theo ông Duân, phạm vi cuộc tập trận này khá lớn, bao trùm một diện tích khoảng 48.850 km2. Vào ngày 20/8, Cục Hải sự tỉnh Sơn Đông cũng thông báo, sẽ tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn từ ngày 22 đến 26/8 tại một khu vực rộng lớn ở Hoàng Hải, là vùng biển nằm giữa TQ và bán đảo Triều Tiên.
ASEAN không còn “nhường” Trung Quốc trên biển Đông, theo báo Người Lao Động. Tin từ South China Morning Post cho biết, lâu nay 10 quốc gia thành viên của ASEAN dường như chấp nhận “lằn ranh đỏ mờ” bất thành văn từ Bắc Kinh. Nhưng “tình hình hiện nay bắt đầu có thay đổi. Trong bối cảnh biển Đông nổi lên trong năm nay như một đấu trường chiến lược giữa Bắc Kinh và Washington, một số học giả cho rằng các nước Đông Nam Á sắp thực hiện một chiến thuật mới”, là tiếp tục “cuộc chiến” pháp lý và ngoại giao.
Mời đọc thêm: Với ‘tàu sân bay không thể chìm’, Mỹ sẵn sàng đánh chặn Trung Quốc (TN). – Biển Đông: Manila phản đối các hành vi sách nhiễu mới của Bắc Kinh (RFI). – Trung Quốc tập trận đạn thật quy mô lớn tại Hoàng Hải (PLTP). Clip: Trung Quốc tố Philippines xâm phạm chủ quyền Biển Đông (VOA).
Lãnh đạo thành Hồ đòi đất từ Bộ Quốc phòng
Báo Người Lao Động đưa tin: TP HCM kiến nghị Bộ Quốc phòng bàn giao khu đất tại Ba Son. Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan ký văn bản gửi Bộ Quốc phòng về vấn đề bàn giao khu đất di tích lịch sử quốc gia khoảng 6.000,7 m2, là khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son, để TP HCM quản lý, đầu tư dự án và tu bổ, tôn tạo di tích.
Trước đó, trong hội nghị ngày 7/6/2019 giữa Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương và Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM, đã có nội dung đồng ý về chủ trương Bộ Quốc phòng bàn giao khu đất này, để TP HCM quản lý và đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích. Đã hơn một năm trôi qua nhưng họ vẫn chưa bàn giao, có lẽ do Bộ Quốc phòng đột nhiên “mất trí nhớ” nên lãnh đạo thành Hồ phải nhắc.
Mời đọc thêm: TP.HCM đề nghị Bộ Quốc phòng bàn giao đất tại Ba Son (Người Đô Thị). – TP. HCM kiến nghị Bộ Quốc phòng bàn giao khu đất tại Ba Son (VNF). – TP.HCM muốn nhận lại 6.000 m2 đất tại khu Ba Son (Zing). Mời đọc lại: UBND TP.HCM nói gì về khu ‘đất vàng’ Ba Son trong đại án DAB? (PLTP).
Chuyện quan chức: Người đột tử, kẻ đột ngột từ chức
Phó Giám đốc Sở Tài chính Bạc Liêu đột tử tại nhà riêng, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Chiều nay, ông Nguyễn Tấn Khương, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Bạc Liêu xác nhận, ông Phan Chí Quang, PGĐ Sở Tài chính tỉnh Bạc Liêu đã đột tử tại nhà riêng ở phường 1, TP Bạc Liêu. Nguyên nhân dẫn đến chuyện ông Quang đột tử đang được các cơ quan chức năng làm rõ.
Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Nguyễn Đức Hoàng xin thôi chức, theo trang Nhà Báo và Công Luận. Ông Nguyễn Đức Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai vừa đột ngột làm đơn gửi cấp có thẩm quyền xin thôi các chức vụ. Ông này vẫn còn đủ tuổi tái cử vào các vị trí lãnh đạo cấp cao của tỉnh Gia Lai, nhưng vẫn xin thôi chức vì “lý do cá nhân”.
Bài báo lưu ý, lúc còn làm Chủ tịch UBND huyện Đắk Đoa, ông Hoàng từng bị kỷ luật cảnh cáo vì thiếu trách nhiệm trong quản lý điều hành công việc, như “để xảy ra tình trạng dân phá rừng làm nương rẫy trái phép nghiêm trọng và để một số cá nhân tổ chức hoạt động khai thác vàng trái phép thuộc phạm vi địa bàn quản lý”.
Báo Tiền Phong có bài: Bí thư tỉnh ủy Gia Lai nói về việc Phó Chủ tịch bất ngờ xin nghỉ việc. Khi được hỏi, liệu có uẩn khúc gì đằng sau vụ đột ngột từ chức này, Bí thư tỉnh ủy Hồ Văn Niên phủ nhận. Một lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai nói: “Anh Hoàng không làm nữa thì xin nghỉ hưu trước bằng cách xin không tái cử ban chấp hành khóa mới. Đằng sau câu chuyện này, không có gì kỳ bí cả”. Người này cũng cho rằng, một số vi phạm hồi ông Hoàng còn làm ở địa phương cách nay đã 10 năm, không liên quan.
Mời đọc thêm: Phó Giám đốc Sở Tài chính Bạc Liêu đột tử tại nhà riêng (TP). – Phó Giám đốc sở Tài chính Bạc Liêu đột tử ở tuổi 41 (ĐSPL). – Một Phó Chủ tịch UBND tỉnh đột ngột viết đơn xin thôi chức (TQ). – Vì sao Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai xin nghỉ việc? (BVPL). – Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai vừa xin thôi chức vì lý do gì? (GT).
Tin nhân quyền
RFA đưa tin: Công an Phú Yên bắt giữ hai người với cáo buộc “xâm phạm an ninh quốc gia”. Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Yên xác nhận, họ đã bắt tạm giam 2 người ở tỉnh này vì các cáo buộc liên quan đến an ninh quốc gia. Đó là ông Phạm Hổ, bị cáo buộc tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Ông Hổ đã bị “Chú Phỉnh” Đào Minh Quân dụ dỗ và làm thơ, viết bài ca ngợi “nội các” của Quân.
Người thứ 2 bị bắt là bà Trần Thị Tuyết Diệu, cựu PV báo Phú Yên. Từ cuối năm 2017 đến tháng 5/2020, bà Diệu bị cáo buộc đã sử dụng nhiều tài khoản trên các trang mạng xã hội để đăng tải hàng trăm bài viết, hình ảnh, video clip có nội dung ca ngợi, cổ vũ cho những nhà bất đồng chính kiến mà an ninh CSVN cho là “các đối tượng hoạt động chống phá”. Bà Diệu cũng bị quy chụp tội danh “xúc phạm, bôi nhọ lãnh tụ; xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của đảng Cộng sản, pháp luật của nhà nước”.
Mời đọc thêm: Nạn nhân bị bạo hành vì tôn giáo, niềm tin tại Việt Nam (RFA). – Dân lái xe tông chết công an thì ‘xử nghiêm,’ ngược lại thì ‘chìm xuồng’ (NV). Báo “lề đảng”: Phú Yên bắt 2 đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia (TP). – Công an bắt 2 người hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia (PLTP).
Tin môi trường
Tạp chí Tia Sáng bàn về tình hình ô nhiễm kim loại nặng trong không khí: Khi rêu trở thành “chứng nhân”. Bài báo tóm tắt kết quả nghiên cứu của GS Lê Hồng Khiêm và các cộng sự, đăng trên tạp chí Journal radioanalytical and nuclear chemistry. GS Khiêm cho biết: “Như vậy mật độ bụi trong không khí ở Hà Nội rất cao và ô nhiễm không khí ở Hà Nội có thể chủ yếu do các hạt bụi lơ lửng trong không khí gây ra. Tình trạng ô nhiễm kim loại này đều có ở mọi điểm của thành phố”.
Ông Khiêm nói thêm về kết quả đo đạc tình trạng ô nhiễm một số kim loại nặng trong không khí: “Kết quả đạt được ngoài mong đợi. Ví dụ khi tìm hiểu về nồng độ của các nguyên tố brom, zirconi và stronti thì chúng tôi thấy nồng độ lớn nhất thu được từ mẫu rêu đặt ở huyện Đông Anh, nguồn chính có thể là từ khu công nghiệp Thăng Long ở đó”.
Biến đổi khí hậu có thể nhìn thấy khắp nơi, nhất là tình hình cháy rừng ở khu vực bờ Tây nước Mỹ nhiều năm qua. California có 560 đám cháy rừng ở California làm 6 người chết, hơn 100.000 người sơ tán, theo báo Thanh Niên. Thống đốc bang California Gavin Newsom xác nhận khoảng 119.000 người đã sơ tán, còn hơn 140.000 người khác đang trong tình trạng sẵn sàng sơ tán bất cứ lúc nào.
Bài báo cho biết: “Lực lượng cứu hỏa của bang California đang phải vất vả đối phó với khoảng hai chục đám cháy lớn phức tạp. Tổng cộng có 560 đám cháy đang hoành hành ở bang California”. Thống đốc Newsom đang hối thúc Tổng thống Donald Trump ký phê duyệt tuyên bố thảm họa tại bang California.
Báo Politico đưa tin, Trump đổ lỗi cho California về cháy rừng, nói tiểu bang ‘phải dọn dẹp lá rừng’. Ông Trump nói, rừng California bị cháy là do tiểu bang này không chịu quét lá rừng, dọn sạch cây đổ ngã… không lắng nghe ông ta nên bị cháy!
Có khoảng 33 triệu mẫu rừng ở California, tương đương 134.000 km2. Nếu nghe lời tổng thống Trump, không rõ sẽ quét rừng bằng cách nào vì nếu mỗi người chịu trách nhiệm quét 1 km2 rừng, thì California cần khoảng 134.000 người để quét. Vẫn không rõ, ông Trump có kế hoạch gì với số lá rừng này.
Mỹ hiện có tổng cộng khoảng 35.000 nhân viên và lãnh đạo Cục Kiểm lâm (US Forest Service), trong đó 28.330 người làm việc toàn thời gian, số còn lại làm theo thời vụ (seasonal). Tổng số 35.000 người đó chịu trách nhiệm bảo vệ 193 triệu mẫu rừng (khoảng 780.000 km vuông) trên toàn bộ nước Mỹ, không chỉ riêng California.
Trang Hành tinh Titanic cho biết: Các nhà khoa học từ Bắc Âu, Nga, Mỹ tham gia chuyến thám hiểm MOSAIC (Quan sát Thụ động Đa ngành dành cho Trường Nghiên cứu Khí hậu Bắc Cực) vừa gửi một số ảnh chụp về tình hình Bắc Cực. Đây là chuyến thám hiểm nhằm tìm hiểu tác động của lớp khí ô nhiễm bị biến mất do suy giảm hoạt động công nghiệp trong giai đoạn đại dịch Covid-19 đến hiện tượng tan băng rất nhanh tại Bắc Cực.
Các hình ảnh đều là tín hiệu không lành, cho thấy “có rất nhiều ao nước băng tan nằm lỗ chỗ trên mặt các mảng băng còn sót lại, và con tàu thám hiểm Polarstern dễ dàng đi xuyên qua”, xác nhận điều mà ông Nguyễn Đạt Ân và một số nhà nghiên cứu môi trường luôn lo sợ: “Biển băng ở Bắc Cực giờ đây không còn bất cứ giới hạn nào để con tàu phá băng của những nhà nghiên cứu có thể đi qua và tiến đến vùng trung tâm Bắc Cực”.
Mời đọc thêm: Xử lý hơn 1.000 vụ việc ô nhiễm môi trường trong sáu tháng đầu năm (DV). – Nộp thuế ít ỏi,1 nhà máy còn gây ô nhiễm, phớt lờ chỉ đạo của tỉnh (TN). – Lý do nào khiến nước sông Nhuệ – Đáy ô nhiễm nặng, không thể tưới tiêu? (LĐ). – Xác định nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước sông Cái Lớn (CN&TN).
– Dân bức xúc vì ô nhiễm từ Công ty TNHH Thiên Sơn Hưng Yên (TNMT). – Việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm khỏi nội đô chưa có chuyển biến (TTXVN). – Hàng chục hộ dân kêu cứu vì bụi từ nhà máy đá granite (VTV). – Loay hoay xử lý tro, xỉ nhà máy nhiệt điện (NLĐ). – Năm 2035, Bắc cực tan băng hoàn toàn (GDTĐ). – Trung Quốc xả lũ và ứng phó của Việt Nam (RFA).
0 nhận xét