Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tham vọng của Trung Quốc : Mối đe dọa lớn nhất cho hòa bình ở châu Á

Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020 14:52 // ,

RFA

Cảnh sát biển Việt Nam theo dõi tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống dàn khoan nổi HD 891 vào vùng biểnViệt Nam ngày 15/07/2014.
Cảnh sát biển Việt Nam theo dõi tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống dàn khoan nổi HD 891 vào vùng biểnViệt Nam ngày 15/07/2014. REUTERS - Martin Petty
Xung đột biên giới Ấn – Trung, lấn chiếm Biển Đông và siết chặt gọng kềm an ninh với Hồng Kông : ba dấu hiệu thể hiện Trung Quốc đang đầy tự tin, không còn « kềm chế » để sử dụng vũ lực. Đó là mối nguy lớn nhất đe dọa hòa bình và ổn định tại toàn châu Á. 
Trong bài viết Three reasons China’s increasing assertiveness is a threat to Asia’s long-standing peace and stability (Ba lý do Trung Quốc lớn mạnh là mối đe dọa lâu dài cho hòa bình và ổn định ở châu Á) đăng trên South China Morning Post ngày 07/04/2020, giáo sư Allen Carlson, đại học Mỹ Cornell chuyên nghiên cứu về quan hệ Mỹ - Trung, Trung Quốc và khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng những động thái hung hăng của Trung Quốc trên ba hồ sơ vừa nêu là « một bước ngoặt » đối với hòa bình và ổn định của châu Á. Tình hình có thể còn « tệ hơn thế nữa ».
Theo ông Allen Carlson, Covid-19 và những tác động về kinh tế, xã hội và y tế kèm theo không là yếu tố duy nhất đẩy châu Á « đến bên bờ vực thẳm ». Thay đổi trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh còn quan trọng hơn nhiều và có nguy cơ khép lại thời kỳ mà châu Á được yên ổn phát triển kể từ sau chiến tranh lạnh.
Mới chỉ cách đây vài năm những tiếng chuông báo động về một kịch bản tham vọng lấm chiếm biển đảo của Trung Quốc dẫn đến xung đột ở Biển Đông và biển Hoa Đông, được cho là « quá đáng » và chỉ là quan điểm của một số ít các nhà nghiên cứu.
Trung Quốc không còn « tự kềm chế »
Tình hình đã thay đổi hoàn toàn trong những tuần lễ gần đây. Xung đột ở biên giới Ấn -Trung dù đã được lắng dịu, viễn cảnh chiến tranh ở biên giới tạm thời được xua tan, nhưng theo giáo sư Carlson, cuộc giao tranh nói trên là một « bước ngoặt quyết định » trong quan hệ chẳng những giữa Bắc Kinh  và New Delhi mà còn ảnh hưởng cả đến toàn châu Á. Trung Quốc không còn kềm chế sử dụng vũ lực nữa.
Điểm nhạy cảm thứ nhì là Biển Đông : Trung Quốc tăng tốc thâu tóm vùng biển này. Đây là một sự chuẩn bị « từ nhiều năm qua » khi Bắc Kinh « cải thiện, mở rộng và tăng cường » đáng kể khả năng can thiệp của các lực lượng hải quân. Đó là chưa kể tới chiến lược xây dựng cơ sở trên các đảo tại những vùng có tranh chấp để đặt thế giới trước « chuyện đã rồi ».
Một lần nữa giáo sư Carlson cho rằng ngay cả trên hồ sơ Biển Đông, Tập Cận Bình cũng đã « hết kềm chế » : Bắc Kinh  không còn dè dặt mà đã « thẳng thừng bác bỏ những khẳng định chủ quyền của Việt Nam và Philippines trong các vùng biển có tranh chấp », « mạnh mẽ chống đối Hoa Kỳ thị uy trong vực ». Hậu quả kèm theo là « căng thẳng tại Đông Nam Á gia tăng ».
Dấu hiệu thứ ba cho thấy Trung Quốc thách thức cộng đồng quốc tế là việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh Hồng Kông : đạo luật vừa được ban hành báo trước « Tập Cận Bình không tuân thủ luật chơi mà những người tiền nhiệm của ông đã từng chấp nhận » và sẽ « năng động hơn những thế hệ lãnh đạo trước rất nhiều để dập tắt mọi mối đe dọa ». Trong bối cảnh đó, theo giáo sư Mỹ, Allen Carlson, « khó tránh khỏi viễn cảnh xung đột leo thang giữa Bắc Kinh với Đài Bắc » khi mà Đài Loan quyết tâm độc lập với Hoa lục .
Kịch bản tai hại cho châu Á thêm cận kề
Cả ba hồ sơ, từ biên giới Ấn - Trung đến Biển Đông hay Hồng Kông, đều cho thấy « kịch bản tai hại cho châu Á thêm cận kề ». Tình hình sẽ thực sự xấu đi thêm nữa vì ba lý do :
Thứ nhất là tranh chấp Mỹ - Trung không chỉ dừng lại ở một cuộc « đấu khẩu » nữa mà hai ông khổng lồ thế giới này đang lao vào một cuộc đọ sức quân sự ở Biển Đông.
Thứ hai là Biển Hoa Đông dậy sóng vì tranh chấp Nhật - Trung tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Thứ Ba là Trung Quốc mạnh tay dùng luật an ninh quốc gia để tiêu diệt mọi tiếng nói bất đồng ở Hồng Kông và nhất là mở thêm một mặt trận ở eo biển Đài Loan.
Trong chảo lửa chỉ chực chờ bùng lên bất cứ lúc nào như vậy, giáo sư Carlson đại học Cornell, Hoa Kỳ kết luận : với ngần ấy dấu hiệu báo trước, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu như châu Á bị đẩy xuống vực thẳm.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.