Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

VỤ ĐỒNG TÂM: LUẬT SƯ GỬI ĐƠN KHIẾU NẠI VỀ KẾT LUẬN ĐIỀU TRA

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020 13:13 // ,

Saturday, June 27, 2020 7:40 AM // , , ,
Theo blog Tễu 


ĐƠN KHIẾU NẠI

Hà Nội, ngày 22-6-2020

(Đối với nội dung Bản Kết luận điều tra số 210/PC01 (Đ3) ngày 5/6/2020 của Cơ quan CSĐT-Công an TP Hà Nội)

Kính gửi:

- Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội;
- Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội;
- Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an;
- Cơ quan điều tra - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Chúng tôi gồm: Luật sư Ngô Anh Tuấn, Luật sư Lê Văn Hoà, thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội, là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Dư Thị Thành, sinh năm 1950; nơi ĐKHKTT: Xóm 1, thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội - là vợ ông Lê Đình Kình (có văn bản kèm theo).

Lời đầu tiên, chúng tôi xin gửi tới các Quý Cơ quan lời chúc sức khoẻ và lời chào trân trọng!

Bằng văn bản này, chúng tôi xin trình bày nội dung sau đây:

Ngày 13/3/2020, bà Dư Thị Thành gửi đơn tố giác tội phạm tới Cơ quan CSĐT-Bộ Công an, Cơ quan điều tra-VKSND tối cao và Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng BCA liên quan tới cái chết của chồng mình là ông Lê Đình Kình vào rạng sáng ngày 09/01/2020. Đến nay, đã hơn 03 tháng, bà Thành chưa nhận được bất kỳ thông tin phản hồi nào từ các địa chỉ nêu trên. Điều 147 Bộ luật TTHS 2015 quy định về thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:

1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:

a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự;
b) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
c) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

2. Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02
tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng VKS cùng cấp hoặc Viện trưởng VKS có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.

Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc VKS có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh…”

Như vậy đối với một vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không kéo dài quá 02 tháng, trừ trường hợp có xin gia hạn kiểm tra, xác minh và được VKS chấp thuận bằng văn bản.

Như vậy, việc tất cả các cơ quan có liên quan mà bà Thành đã gửi đơn tố giác tội phạm “bặt vô âm tín” là vi phạm các quy định của pháp luật về việc tiếp nhận, xử lý đơn thư và trả lời người có đơn thư tố giác tội phạm theo Điều 147 Bộ LTTHS 2015. Hành vi này cũng đã trực tiếp xâm phạm tới quyền và lợi ích của người tố giác tội phạm theo quy định của Điều
56 Bộ LTTHS 2015.

Tuy nhiên, trong Bản KLĐT ngày 05/6/2020, Cơ quan CSĐT-Công an TP Hà Nội lại có một phần nội dung nhắc tới đơn thư của bà Thành và khẳng định rằng “…Đơn tố giác tội phạm đề ngày 13/3/2020 của Dư Thị Thành (sinh năm: 1950; Nơi ĐKHKTT: Xóm 1, thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội - vợ Lê Đình Kình) đề nghị khởi tố vụ án Giết người đối với sự việc Lê Đình Kình chết ngày 09/01/2020. Căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được, CQĐT xác định nội dung các Đơn trên là không đúng sự thật” (Hàng thứ 4 tới hàng thứ 10 từ trên xuống, Trang 45, Bản KLĐT số 210/PC01 (Đ3)).

Chúng tôi suy luận rằng, thông qua Bản KLĐT, Cơ quan CSĐT-Công an TP Hà Nội muốn gửi thông điệp cho bà Dư Thị Thành thay cho văn bản trả lời chính thức đối với đơn thư tố giác tội phạm mà bà đã gửi đi ngày 13/3/2020. Nếu điều đó là sự thật thì đấy là sự tắc trách nghiêm trọng của Cơ quan này, nó vừa thể hiện cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, tư duy pháp lý non yếu và thái độ xem thường quyền và lợi ích chính đáng của người có đơn thư tố cáo.

Kính thưa các Quý Cơ quan!

Quyền được sống là quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm với bất kỳ ai và được Hiến pháp nước Việt Nam qua các thời kỳ ghi nhận. Điều 19, Hiến pháp 2013 ghi rõ:

“Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”.

Khoản 1, Điều 20 Hiến pháp 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Mạng sống của bất kỳ ai cũng vô cùng quý giá với bản thân họ, với bạn bè, người thân yêu của họ. Do vậy, cái chết của bất kỳ ai, dù là một người được vinh danh là liệt sỹ xả thân vì đất nước hay là một tử tù cũng là một sự mất mát, đau thương với người thân, bè bạn của họ. So sánh như vậy để thấy rằng, không ai được quyền tước đoạt quyền được sống của một con người; cũng không ai được quyền tước đoạt quyền được biết là tại sao mạng sống của người thân mình bị tước đoạt. Không ai được xem là có tội trước khi có bản án có hiệu lực pháp luật của Toà án. CQĐT hay bất kỳ một cơ quan nào khác không thể thay mặt Toà án phán xét một người có tội hay không có tội và quy chụp, loại bỏ các quyền công dân cơ bản của một hoặc một số người nào đó.

Do bà Dư Thị Thành chưa nhận được bất kỳ một giấy mời, giấy triệu tập hay bất kỳ một văn bản nào khác để trao đổi các nội dung liên quan tới đơn thư tố giác tội phạm của mình, cộng với việc nhận được thông tin về Bản KLĐT của Cơ quan CSĐT-Công an TP Hà Nội nêu trên, nên chúng tôi làm đơn này, thay mặt cho thân chủ là bà Dư Thị Thành khiếu nại nội dung Bản KLĐT liên quan tới hành vi và cái chết của ông Lê Đình Kình, là chồng của bà Thành, cụ thể như sau:

Theo Bản KLĐT số 210/PC01 (Đ3) ngày 05/6/2020 của Cơ quan CSĐT-Công an TP Hà Nội:

Về hành vi của ông Lê Đình Kình, Bản KLĐT nêu: “Đối với Lê Đình Kình, quá trình điều tra xác định: Kình là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thường xuyên tổ chức xuyên tạc nguồn gốc đất Đồng Sênh, kích động, lôi kéo các đối tượng khác tham gia khiếu kiện, gây rối, đe dọa chính quyên để đòi đất Đồng Sênh. Mặc dù đã được Thanh tra TP Hà Nội thông báo kết luận thanh tra về nguồn gốc đất Đồng Sênh là đất quốc phòng nhưng Lê Đình Kình vẫn hứa hẹn nếu đòi được đất sẽ chia cho các đối tượng tham gia. Khoảng đầu tháng 12/2019, Lê Đình Kình đưa cho Lê Đình Doanh 500 nghìn đồng để mua khoảng 10 dao phóng lợn và Doanh đi làm khoảng hơn 10 tuýp sắt gắn dao phóng lợn. Tại các cuộc họp ngày 06/01/2020 và 07/01/2020, 08/01/2020, Lê Đình Kình chỉ đạo: “Chỉ cần giết được 3 thằng là chúng nó chạy hết”; “Nếu đất chưa làm rõ, kẻ nào mà nhảy vào cướp đất thì sẽ cho trắng lưng, ngửa bụng’’. Ngoài ra, rạng sáng ngày 9/01/2020, khi lực lượng thi hành nhiệm vụ tiến hành ngăn chặn, trấn áp, bắt giữ các đối tượng tấn công tại nhà Lê Đình Kình, Kình đã sử dụng tuýp sắt gắn dao phóng lợn, 01 quả lựu đạn tấn công lực lượng Công an. Hành vi của Lê Đình Kình đã cấu thành tội “Giết người”, quy định tại Khoản 1, Điều 123 - BLHS. Tuy nhiên, Lê Đình Kình đã chết nên CQĐT không đề cập xử lý đối với Lê Đình Kình” (Hàng thứ 6-22 từ dưới lên, Tr. 44, Bản KLĐT số 210/PC01 (Đ3)).

Về hành động bắn chết ông Kình, Bản KLĐT ghi:

“Khi phá khóa cửa ngách (cửa vào khu bếp), Tổ công tác phát hiện Lê Đình Kình đang cầm 1 quả lựu đạn trên tay phải đứng sát cửa ra vào phòng ngủ phía trong, lưng quay về phía Tổ công tác nên sử dụng súng nhằm hướng về phía đối tượng, cách vị trí của Kình khoảng 2 - 2,5m và nổ súng 2 lần khiến đối tượng Kình bị thương ở vùng lưng và ngã vào trong phòng, đầu hướng vào trong, chân hướng ra cửa phòng. Ngay lúc này, 01 chó nghiệp vụ lao vào phòng cắn vào đầu gối chân trái của Kình và lôi ra ngoài phòng khách tầng 1 nhà Kình. Khi lực lượng Công an tiến hành áp sát thì thấy Lê Đình Kình đã chết trong tư thế nằm ngửa, trên tay phải của Kình vẫn cầm 01 quả lựu đạn (Cơ quan CA đã thu giữ quả lựu đạn trên tay phải Lê Đình Kình)” (Hàng thứ 10-22 tr.16, Bản KLĐT số 210/PC01 (Đ3)).

Và “…Đối với việc lực lượng thi hành nhiệm vụ nổ súng tiêu diệt Lê Đình Kình và bắn bị thương Lê Đình Chức: Căn cứ quy định tại Điểm a Khoản 1, Điều 23 - Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 về các trường hợp được phép nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ, xác định là cần thiết và đúng quy định của pháp luật” (Hàng thứ 1-5 từ dưới lên, Tr. 44, Bản KLĐT số 210/PC01 (Đ3)).

Về nguyên nhân ông Kình chết, Bản kết luận nêu:

“Bản kết luận giám định pháp y tử thi số 02/20/GĐPY ngày 20/02/2020 của Viện pháp y quốc gia đối với tử thi Lê Đình Kình, ghi rõ: “Nguyên nhân tử vong do mất máu tối cấp do tổn thương phổi, thủng quai động mạch chủ hậu quả của hai vết thương do đạn thẳng” (hàng thứ 11-14 từ trên xuống, trang 29, Bản Kết luận điều tra số 210/PC01 (Đ3)).

Từ 03 dẫn chứng trên, có thể tóm tắt ngắn gọn lại KLĐT phần nội dung liên quan tới ông Kình như sau:

Ông Kình là đối tượng phạm tội “Giết người”; việc bắn ông chết mà không thông qua xét xử là cần thiết và đúng pháp luật; nguyên nhân cái chết của ông là do bị bắn 2 phát từ phía sau lưng.

Tuy nhiên, đi sâu vào nội dung của Bản KLĐT, chúng tôi nhận thấy có một số điểm còn chưa được làm rõ, cụ thể như sau:

Ông Lê Đình Kình, một người ngoài 80 tuổi, sau khi bị thương gãy chân từ sự kiện năm 2017, đi lại rất khó khăn, phương tiện di chuyển chủ yếu chính là chiếc xe lăn do chính Chủ tịch TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung tặng thì có thể đủ sức khoẻ chống cự, phóng dao chống trả lực lượng chức năng hay không? Hơn thế nữa, tại thời điểm xảy ra sự việc, phòng ngủ ông Kình không bật điện, cửa sổ có lớp kính thuỷ tinh mờ, ông có thể nhìn thấy gì xung quanh để phóng dao hay không? Và nếu phóng dao thì phóng cách nào và gây thương tích cho ai (cần phải chỉ rõ tên nạn nhân và mức độ thương tích cụ thể). Những điều này cần làm rõ để không nghiêm trọng hoá hành vi và đổ hết mọi tội trạng cho người đã chết.

Theo các clip, hình ảnh liên quan tới cái chết và quá trình tắm rửa, vệ sinh thi hài ông Lê Đình Kình khi nhận bàn giao từ cơ quan chức năng (gửi kèm theo đơn thư này) thì:

- Phía trước ngực trái có một vết thương tròn, nhỏ giống hình viên đạn bắn. Phía sau lưng phải có vết thương hở, lớn hình bình hành (có vết máu còn rỉ xuống phía góc dưới của hình bình hành) là dấu hiệu của viên đạn nổ. Điều này chứng tỏ ông Kình bị bắn từ phía trước, gần tim và xuyên chéo qua phía sau lưng, theo hướng chếch từ trên xuống dưới, trái qua phải. Đây là phát bắn trong tư thế ông Kình có thể phải quỳ hoặc chống tay không đứng lên nổi và người bắn đứng thẳng sát ngay trước mặt (không phải cách tới 1-2 m) và đây cũng là phát bắn duy nhất để hạ sát ông Kình. Tư thế bắn này có khả năng gây ra bởi một người thuận tay phải. Hình ảnh khám ngoài và quay clip của gia đình ông Kình, không hề có vết bắn của viên đạn thứ hai để lại trên cơ thể ông Kình như Kết luận điều tra; và cách bắn, vết đạn nổ cũng không phải là từ sau ra trước như KLĐT (Hình ảnh số 1 và Clip số 1);

- Phía sau gáy ông Kình có vết bầm tím, khả năng cao là do các vật tày tác động mạnh; điều này không loại trừ khả năng ông đã bị đánh đập, tra tấn trước khi bị bắn (Hình ảnh số 2);

- Chân trái ông Kình bị dập vỡ đầu gối, bắp chân từ đầu gối trở xuống gần như đứt lìa, chỉ còn dính gân và lớp da phía dưới đầu gối. Vết thương này không được đề cập trong Kết luận điều tra nhưng có thể suy luận vật gây nên vết thương này có thể là do đạn bắn hoặc do vật rất cứng đánh mạnh vào khu vực phía trên đầu gối nhiều lần. Như vậy, không loại trừ việc ông Kình bị đánh hoặc bị bắn dẫn đến gần gãy lìa chân trái. Hai dấu vết xước lớn trên lớp gạch men như dấu đạn bắn còn in dưới sàn nhà cho thấy khả năng ông bị bắn vào chân bằng đạn là thuyết phục hơn cả vì khu vực này còn loang lổ nhiều vết máu tươi. Trong KLĐT có nhắc tới việc một con chó nghiệp vụ cắn vào đầu gối và tha ông Kình từ phòng ngủ ra phòng khách sau khi ông bị bắn hai viên đạn vào lưng và nằm gục xuống theo hướng đầu quay vào trong, chân hướng ra ngoài cửa ra vào. Tuy nhiên, vết thương ở chân ông gần như có thể khẳng định được chắc chắn không phải là do chó gây nên vì không thấy bất kỳ một dấu hiệu về các vết trầy xước trên chân ông Kình do quá trình cắn, giằng xé, kéo đi để lại. Hơn thế nữa, với không gian chật hẹp của phòng ngủ này, cộng với việc lối ra vào bé, một người bị bắn từ phía sau, ngã sấp về phía trước, chó rất khó lật người lên phía trước để cắn vào đầu gối để kéo đi. Mặt khác, nếu chó có cắn được vào đầu gối đi chăng nữa thì với không gian chật hẹp này cũng không có hướng để xoay xở và kéo ông Kình ra khỏi phòng được. Chúng tôi có tìm hiểu về nghiệp vụ xử lý của chó nghiệp vụ trong tình huống này, các chuyên gia cho biết rằng khi kéo người đi, chó sẽ cắn vào vị trí chân hoặc vai (nơi có quần, áo) để kéo đi và tất nhiên, với bất kỳ vị trí nào, vết thương do chó cắn có thể để lại trên cơ thể đối tượng bị cắn. Như vậy, nguyên nhân dẫn tới cái chết của ông Kình còn là một dấu hỏi lớn mà Bản KLĐT chưa làm rõ được; hay nói đúng hơn là nó mâu thuẫn với chứng cứ vật chất, khoa học để lại hiện trường (Hình ảnh số 3, Clip số 2);

- Trên cửa tủ quần áo trong phòng ông Kình có để lại hai vết đạn xuyên qua ở hai vị trí khác nhau nằm ở khoảng cách từ 80-100cm từ mặt đất; trên bức tường phòng này cũng để lại ít nhất 3 vết đạn bắn gần nhau, khoảng cách những viên đạn này từ mặt đất lên là từ 170-200cm. Trong phòng ông Kình buổi tối hôm đó, chỉ có ông Kình vì sau khi bà Thành lấy khăn thấm cho ông thì quay lại phòng kế bên.

Những vết đạn để lại phía trên tường nhà có thể là căn cứ thuyết phục để giải thích rằng có thể đã xảy ra hành động đe doạ bằng cách bắn chỉ thiên nhằm yêu cầu ông Kình khai, nhận, hay cung cấp một điều gì đó trước khi diễn ra hành vi bắn chết ông - Đây là vết mờ trong vụ án cần phải được làm rõ (Hình ảnh số 4).

Như vậy, có thể đánh giá rằng, giữa Bản KLĐT số 210/PC01 (Đ3) của Cơ quan CSĐT-Công an TP Hà Nội và thực tế về hành vi và cái chết của ông Kình còn nhiều nội dung mâu thuẫn, cần được chứng minh làm rõ. Cần phải có các cơ sở khoa học, khách quan trước khi quy kết một người có phạm tội hay không và cách xử lý người phạm tội ấy (nếu có) như thế nào cho đúng pháp luật và phù hợp với đạo đức xã hội.

Bên cạnh các chứng cứ vật chất bằng hình ảnh, clip ghi lại thì lời khai của bà Dư Thị Thành, vợ ông Kình, người ở cùng phòng trong hầu hết thời gian tối hôm xảy ra sự kiện, chứng kiến hầu hết sự kiện đã xảy ra nhưng không được bất kỳ một cơ quan có thẩm quyền mời tới lấy lời khai về nội dung mà mình tố giác là một thiếu sót rất cơ bản về thủ tục pháp lý về giải quyết đơn thư tố cáo (như đã dẫn luật nêu ở phần trên). Việc vô tình hay cố ý có những sai sót về thủ tục sẽ dẫn đến những sai sót về nội dung khi sự việc có thể được nhìn nhận và xử lý theo cách phiến diện theo chủ đích của người điều tra. Qua nội dung mà chúng tôi có được từ lời khai của bà Thành, chúng tôi nhận thấy rằng có rất nhiều điều mâu thuẫn với nội dung KLĐT và cần phải được điều tra, xác minh thêm để làm rõ bản chất của sự việc và làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Kính thưa các Quý Cơ quan!

Hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) của bất kỳ ai xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, cần phải bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật Việt Nam. Nếu ông Lê Đình Kình vi phạm pháp luật, ông phải bị trả giá về hành vi của mình theo quy định của pháp luật chứ không phải là một cuộc “hành quyết” bất thành văn ngay tại chính nơi ở của ông. Bên cạnh đó, nếu những người thi hành công vụ ngày hôm đó đã có những hành vi vi phạm pháp luật trong qua trình xử lý, trấn áp hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) thì cũng sẽ phải bị xử lý nghiêm minh.

Cái chết của 3 chiến sỹ CA được đánh đổi bằng việc bị bắt, bị giam giữ và thời gian tù tội dài đằng đẵng phía trước của 29 người mà đa số họ vốn dĩ là những người nông dân, quanh năm quanh quẩn bên bờ tre, gốc rạ, không mấy khi bước ra khỏi cổng làng. Trong số những người đang bị giam giữ, có người thậm chí còn phải đối diện với bản án cao nhất của khung hình phạt và có thể không còn cơ hội được trở về với gia đình nữa. Còn cái chết của ông Kình, có ai phải trả giá hay không hay chỉ là những tấm huân chương của người đã “tiêu diệt” được ông và một tấm bia miệng ngàn đời để lại cho ông và gia đình? Cái chết nào cũng phải có nguyên do và phải được giải quyết theo đúng trình tự quy định của pháp luật.

Sự im lặng đáng ngờ của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền khác có liên quan trong suốt thời gian qua khiến gia đình ông Kình hoàn toàn có lý do để nghi ngờ về một cái chết được báo trước của ông như là sự “trả thù” đối với dân làng Hoành của lực lượng chức năng và là đòn đe doạ sự phản kháng của những người nông dân mất đất!

Từ những nội dung phân tích trên đây, chúng tôi đề nghị:

Đề nghị VKSND TP Hà Nội trả hồ sơ cho Cơ quan CSĐT-Công an TP Hà Nội điều tra lại vụ án vì những sự thật khách quan chưa được làm rõ như chúng tôi đã dẫn chứng ở trên, đặc biệt là những nội dung liên quan tới hành vi và nguyên nhân dẫn tới cái chết ông Lê Đình Kình, tránh trường hợp đổ tội oan cho cho người đã chết.

Trong trường hợp nhận thấy tự mình điều tra sẽ không thể có kết luận khách quan thì có thể chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT-BCA hoặc Cơ quan điều tra-VKSNDTC tiếp nhận, điều tra, làm rõ.

Trong bất kỳ tình huống nào, nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, cần có biện pháp xử lý để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, trả lại sự công bằng cho bị hại và niềm tin cho người dân.

Đối với việc giải quyết đơn thư tố giác tội phạm mà bà Dư Thị Thành đã gửi đi ngày 13/3/2020, bà Thành và các luật sư sẽ có đơn khiếu nại riêng.

Kính mong các Quý Cơ quan xem xét vô tư, khách quan và có văn bản trả lời chúng tôi trong thời gian luật định.

Trong trường hợp không nhận được câu trả lời hoặc trả lời không thoả đáng, chúng tôi sẽ tiếp tục khiếu nại, tố cáo lên cấp có thẩm quyền cao hơn để yêu cầu xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Xin chân thành cảm ơn!

NGƯỜI LÀM ĐƠN: Luật sư Ngô Anh Tuấn; Luật sư Lê Văn Hòa

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.