Tin Biển Đông – 29/06/2020
Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020
18:57
//
Biển Đông
,
Slider
Trung Quốc thông báo diễn tập quân sự ở Hoàng Sa ngay sau hội nghị ASEAN
Quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa) từ ngày 1 đến ngày 5/7, trang tin của Bộ Quốc phòng Trung Quốc dẫn thông báo từ Cơ quan An toàn Hàng hải và Cục Hải sự tỉnh Hải Nam cho biết hôm 29/6.
Thông báo tập trận được đưa ra ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 nói rằng “Việt Nam cùng ASEAN hợp tác với các bên liên quan kiềm chế các hành động làm phức tạp tình hình trên biển” và “tái khẳng định quyết tâm của ASEAN đóng góp xây dựng Biển Đông thành khu vực biển hợp tác, phát triển, an ninh và an toàn”.
Thông báo của Trung Quốc nêu rõ địa điểm chi tiết sẽ tiến hành tập trận và nói thêm rằng “trong thời gian này, không có tàu nào được phép di chuyển trong các tuyến trên và tất cả các tàu phải tuân theo hướng dẫn của tàu chỉ huy tại chỗ”.
Trung Quốc thường tổ chức diễn tập quân sự ở Hoàng Sa gần như mỗi năm nhằm tăng cường kiểm soát và khẳng định chủ quyền trong khu vực mà Việt Nam vẫn tuyên bố thuộc lãnh thổ của mình.
Động thái mới tiếp theo hàng loạt các hoạt động mà báo chí trong nước coi là khiêu khích và lấn át của Bắc Kinh trên Biển Đông gần đây đối với các quốc gia láng giềng, giữa bối cảnh thế giới đang nỗ lực đối phó với đại dịch Covid-19.
Cũng tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, hồi đầu tháng 4, Trung Quốc đã cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá và bắt các ngư dân Việt Nam. Sự việc đã khiến Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phải ra tuyên bố lên án hành vi gây “mất ổn định khu vực” và “làm chệch nướng nỗ lực của toàn cầu trong việc tập trung đối phó với đại dịch”.
Sau đó, cũng ngay trong tháng 4, Trung Quốc tiếp tục tuyên bố thành lập các khu vực hành chính mới là “quận Tây Sa” để quản lý khu vực Hoàng Sa và “quận Nam Sa” để quản lý khu vực Trường Sa, khiến Việt Nam lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.
Mới đây, hôm 26/6, Benarnews dẫn hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc tái tục việc nạo vét tại một vịnh ở đảo Phú Lâm, dường như để mở rộng đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng trước đó.
Cho đến cuối ngày 29/6, Việt Nam chưa đưa ra bình luận hay phản ứng gì về thông báo tập trận mới của Trung Quốc.
Biển Đông : Trung Quốc
cấm tầu thuyền ở Hoàng Sa để tập trận
Thu Hằng
Chỉ hai ngày sau khi ASEAN bày tỏ quan ngại về tình hình phức tạp trên Biển Đông trong cuộc họp trực tuyến do thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc thông báo thao dượt quân sự quanh quần đảo Hoàng Sa từ ngày 01 đến 05/07/2020.
Thông tin được nêu trong một bài phân tích đăng trên Hoàn Cầu Thời Báo tối ngày 28/06/2020. Như vậy, trong vòng năm ngày, Trung Quốc đơn phương cấm mọi tầu thuyền hoạt động trong khu vực này. Theo trang Nikkei Asia Review, quyết định của Trung Quốc sẽ khiến Hà Nội phản ứng mạnh, vì quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng và kiểm soát từ năm 1974.
Hàng năm, Trung Quốc vẫn tổ chức một cuộc thao dượt quân sự quanh quần đảo Hoàng Sa nhằm củng cố và khẳng định quyền kiểm soát khu vực này. Vẫn theo trang Nikkei Asia Review, Trung Quốc vẫn khẳng định Biển Đông là một « lợi ích cơ bản » thiết yếu để duy trì quyền kiểm soát chính trị của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Hai hàng không mẫu hạm Mỹ tập trận chung ở Biển Đông
Cùng lúc với việc ngoại trưởng Mỹ tán đồng lập trường của ASEAN và lên án ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, hai hàng không mẫu hạm của Mỹ, USS Nimitz và USS Ronald Reagan đã tập trận chung ở khu vực biển Philippines ngày 28/06.
Theo thông cáo của Chuẩn đô đốc George Wikoff, chỉ huy Nhóm tác chiến tầu sân bay số 5 Hải Quân Mỹ, cuộc tập trận nhằm tăng cường những « cam kết tích cực, linh hoạt và bền vững » của Hoa Kỳ trong các thỏa thuận quốc phòng với các đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, cũng như củng cố năng lực tiến hành « các chiến dịch trong mọi lĩnh vực » của Hải Quân Mỹ.
Trước đó chỉ một tuần, hai tầu sân bay USS Nimitz và tầu USS Theodore Roosevelt cũng tiến hành diễn tập phối hợp có quy mô tương tự. Theo trang Japan Times ngày 29/06, rất hiếm khi cả ba tầu sân bay Mỹ gần như cùng lúc thực hiện các cuộc diễn tập phối hợp và càng hiếm hơn khi có đến hai tầu sân bay cùng tham gia trong khoảng thời gian ngắn đến như vậy.
Hai tàu sân bay Mỹ
tập trận phối hợp tại biển Philippines
Hai tàu sân bay Mỹ tiến hành cuộc tập trận chung tại biển Philippines trong bối cảnh Trung Quốc bị chỉ trích vì những yêu sách hàng hải phi lý tại Biển Đông.
Theo thông báo của Hải quân Mỹ ngày 28/6, 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan của Mỹ bắt đầu triển khai các hoạt động tại biển Philippines.
Thông báo cho biết các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tiến hành các cuộc tập trận và chiến dịch phối hợp nhằm duy trì các cam kết sẵn sàng ứng phó, linh hoạt và kiên trì theo các thỏa thuận phòng vệ với các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Cuộc tập trận của 2 tàu sân bay trên diễn ra đúng một tuần sau khi tàu sân bay Nimitz và một tàu sân bay khác, USS Theodore Roosevelt, tiến hành các hoạt động chung trong khu vực.
Đây cũng là lần hiếm hoi cả 3 tàu sân bay Mỹ hoạt động cùng một lúc tại Tây Thái Bình Dương, thậm chí còn bất thường hơn khi có hai cuộc tập trận tàu sân bay riêng biệt nối tiếp nhau trong khoảng thời gian ngắn như vậy.
“Chúng tôi tích cực tìm kiếm mọi cơ hội để thúc đẩy và củng cố năng lực cũng như sự thuần thục trong việc tiến hành các chiến dịch chiến đấu ở mọi địa hình. Hải quân Mỹ vẫn luôn sẵn sàng triển khai các chiến dịch trên phạm vi toàn cầu”, Đô đốc George Wikoff, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay số 5, cho biết.
Theo Đô đốc Wikoff, “các chiến dịch tàu sân bay song song nhằm thể hiện cam kết (của Mỹ) với các đồng minh trong khu vực, khả năng tác chiến nhanh trên quy mô lớn ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và khả năng sẵn sàng đối đầu với bất cứ lực lượng nào thách thức các chuẩn mực quốc tế làm nền tảng cho sự ổn định khu vực”.
Các tàu sân bay Mỹ vẫn tiến hành các hoạt động chung tại khu vực Tây Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông và biển Philippines, từ nhiều năm nay.
“Chỉ Hải quân Mỹ mới có thể phối hợp lực lượng tác chiến tàu sân bay ở quy mô này và kiên định thể hiện sức mạnh bảo vệ tự do trên biển. Với hơn 10.000 thủy thủ Hải quân Mỹ trên toàn thế giới đang phối hợp với nhau thành một nhóm gắn kết, các chiến dịch này giúp chúng tôi sẵn sàng ứng phó với bất kỳ tình huống bất ngờ nào”, Đô đốc James Kirk, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay số 11, nhận định.
Theo thông báo của Hải quân Mỹ, lực lượng này thường xuyên tiến hành các chiến dịch của các nhóm tác chiến tàu sân bay để ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cởi mở và tự do, đồng thời thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Năm 2018, hai tàu sân bay Reagan và John C. Stennis của Mỹ đã triển khai hoạt động chung tại biển Philippines. Trước đó, tháng 9/2014, hai tàu sân bay USS George Washington và USS Carl Vinson cũng hoạt động tại Biển Đông và Hoa Đông.
Cuộc tập trận mới nhất của hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tại biển Philippines diễn ra chỉ một ngày sau khi các lãnh đạo ASEAN ra tuyên bố chung, khẳng định Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 là cơ sở của các tuyên bố chủ quyền tại khu vực Biển Đông.
Khu vực Biển Đông đang chứng kiến các hoạt động quân sự gia tăng trong những ngày gần đây.
Sáng kiến Đánh giá Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI), viện nghiên cứu thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết 3 máy bay quân sự của Mỹ gồm máy bay trinh sát EP-3, máy bay chống ngầm P-8A và máy bay tiếp liệu KC-135 ngày 26/6 đã di chuyển nhanh vào khu vực phía tây nam của vùng nhận diện phòng không (ADIZ) Đài Loan về phía eo biển Bashi, sau đó tiến vào Biển Đông. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp Không quân Mỹ đưa máy bay quân sự tới khu vực này để thực hiện sứ mệnh theo dõi tàu ngầm Trung Quốc.
Trung Quốc lại nạo vét,
bồi đắp ở quần đảo Hoàng Sa?
Hình ảnh chụp từ vệ tinh mới đây cho thấy Trung Quốc đang nạo vét phi pháp tại bãi đá trong đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, có thể nhằm mở rộng góc tây bắc của đảo này, theo trang tin BenarNews.
Cụ thể, những hình ảnh chụp vệ tinh từ ngày 17.4-25.6 cho thấy một bãi đá ngầm cạn ven bờ ở phía tây bắc đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa bị nạo vét một khoảng lớn ở giữa. Hình ảnh còn cho thấy có một số dãy đất mới có thể làm nền móng cho việc bồi đắp đất thêm để mở rộng đảo Phú Lâm, theo BenarNews.
Ngoài ra, hình ảnh chụp ngày 8.5 có thể cho thấy cần cẩu và máy móc hạng nặng đang làm việc tại cùng địa điểm nói trên và cát có thể đã bị nạo vét khỏi những khu vực cạn của đảo Phú Lâm để tạo ra cấu trúc mới.
Đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và biến thành trung tâm hành chính
Trung Quốc đã ngang nhiên tiến hành chiến dịch nạo vét, bồi đắp đất quy mô lớn từ năm 2014 nhằm tạo ra những đảo nhân tạo mới ở Biển Đông, phá hủy môi trường tự nhiên và quân sự hóa những thực thể nước này chiếm đóng phi pháp. Chiến dịch này đã hoàn tất vào năm 2017, nhưng những hoạt động nạo vét quy mô nhỏ như trên vẫn tiếp diễn.
Thông tin trên được ra sau khi Trung Quốc tiếp tục có nhiều hoạt động gây quan ngại ở Biển Đông, trong đó có vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa hôm 2.4 và Bắc Kinh ngày 18.4 ngang ngược lập cái gọi là “quận Tây Sa” và quận Nam Sa” để quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngoại trưởng Mỹ hoan nghênh tuyên bố chung
về Biển Đông của các lãnh đạo ASEAN
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chia sẻ trên trang Twitter cá nhân rằng Mỹ hoan nghênh tuyên bố chung ASEAN về việc khẳng định quan điểm giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.
Ngày 28/6 ngoại trưởng Mỹ đã viết trên Twitter cá nhân của mình sau khi các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và mong muốn sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 được tổ chức theo hình thức trực tuyến do Việt Nam là nước Chủ tịch ASEAN 2020, chủ trì tổ chức.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc thực hiện mọi hoạt động của các bên yêu sách và tất cả các quốc gia khác có thể làm phức tạp thêm tình hình và leo thang căng thẳng ở khu vực Biển Đông.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng khẳng định cần phải tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, tự kiềm chế trong các hoạt động, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982
Trong các tháng qua, Trung Quốc đã có một loạt các hành động nhằm gia tăng các đòi hỏi về chủ quyền ở Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra ở Biển Đông, đòi chủ quyền lịch sử với vùng nước lịch sử vốn đã bị Toà Trọng tài Quốc tế bác bỏ trong một phán quyết vào năm 2016.
TQ nói tìm thấy nước ngọt
ở đá Chữ Thập chiếm của Việt Nam
Các nhà nghiên cứu thuộc ‘Viện hải dương học Nam Hải’ cho rằng quá trình bồi đắp và cải tạo (trái phép) đá Chữ Thập đã làm xuất hiện mạch nước ngọt bên dưới. Giới quan sát lo lắng Bắc Kinh sẽ sử dụng các nghiên cứu thuần khoa học cho chính trị.
Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng và kiểm soát. Năm 2014, Bắc Kinh bắt đầu việc bồi đắp và cải tạo thực thể này thành đảo nhân tạo lớn thứ hai trong khu vực, chỉ sau đá Vành Khăn.
Nhóm nghiên cứu, do nhà địa chất hải dương Xu Hehua dẫn đầu, lập luận nếu quá trình bồi đắp giúp hình thành nước ngọt bên dưới Chữ Thập thì nước ngọt cũng có thể được tìm thấy ở các thực thể nhân tạo được cải tạo (trái phép) khác ở Biển Đông.
Theo báo South China Morning ngày 28-6, công trình nghiên cứu trên đã được đăng trên tạp chí Thủy văn, một tạp chí học thuật yêu cầu quá trình bình duyệt trước khi đăng bài, hồi tháng trước.
Nhóm của ông Xu tính toán mực nước ngầm bên dưới đá Chữ Thập đang tăng lên với tốc độ khoảng 1m/năm, cao gấp 2 lần so với các đảo tự nhiên. Mực nước hiện tại đo được khoảng 7m và có thể lên 15m vào năm 2035.
Lượng mưa trung bình mỗi năm ở Chữ Thập nhiều gấp 5 lần Trung Quốc đại lục cũng góp phần làm tăng nhanh mực nước ngầm bên dưới.
“Mạch nước ngầm này sẽ đóng vai trò quan trọng cho dân cư sinh sống và hệ sinh thái”, các nhà nghiên cứu thuộc “Viện hải dương học Nam Hải” ở Quảng Châu khẳng định. Nam Hải là cách Trung Quốc gọi Biển Đông.
Giới quan sát tỏ ra quan ngại trước phát hiện của Trung Quốc tại đá Chữ Thập. Mặc dù có thể xem đây là một nghiên cứu thuần khoa học, việc Bắc Kinh sử dụng những điều này như thế nào lại là một chuyện khác.
Trung Quốc đã đầu tư một cách nghiêm túc và có hệ thống cho các nghiên cứu liên quan đến Biển Đông trong thời gian qua để phục vụ cho yêu sách chủ quyền vô lý. Nhiều viện nghiên cứu về Biển Đông đã ra đời, xem xét mọi khía cạnh từ pháp lý đến môi trường.
Có ý kiến lo ngại Trung Quốc sẽ sử dụng nghiên cứu của ông Xu trong nỗ lực thay đổi Chữ Thập từ “đá” sang “đảo” để hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh. Và sau Chữ Thập, rất có thể sẽ là các thực thể nhân tạo mà Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép ở Trường Sa của Việt Nam.
Trong phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, không thực thể địa lý nổi nào ở Trường Sa đủ điều kiện trở thành đảo. Một trong những lý do là không thể đảm bảo điều kiện cho người sinh sống.
Bắc Kinh không tham gia phiên tòa và từ chối thực thi phán quyết cho đến nay, bất chấp sự kêu gọi và chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử cho chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã liên tục phản đối các hành động đơn phương của Trung Quốc tại khu vực, bao gồm cải tạo và quân sự hóa đảo nhân tạo, biến các thực thể này thành những tiền đồn trong các đơn vị hành chính mà Bắc Kinh tự tiện đặt ra.
0 nhận xét