Tin Biển Đông – 25/06/2020
Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020
19:07
//
Biển Đông
,
Slider
Thách thức ở Biển Đông, từ không trung tới đáy biển
GS James Borton (ĐH Tufts, Mỹ), người đang viết cuốn sách mới về Biển Đông “Dispatches from the South China Sea”, ngày 21/6 gửi cho Tiền Phong bài phân tích kế hoạch Trung Quốc áp đặt vùng nhận diện phòng không, phát triển “con đường tơ lụa thông tin”, thách thức nhiều nước trên thế giới.
Hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc lên kế hoạch áp đặt vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Giờ đây, lợi dụng đại dịch toàn cầu COVID-19, biểu tình chống kì thị chủng tộc lan khắp nước Mỹ và vai trò lãnh đạo của Nhà Trắng suy giảm, Bắc Kinh đang thách thức Washington và các nước láng giềng ở châu Á bằng các tuyên bố, kế hoạch về không phận và cáp quang dưới biển. Tháng trước, cơ quan quốc phòng Đài Loan cảnh báo một nguy cơ ngày càng tăng là Trung Quốc sẽ áp đặt ADIZ ở Biển Đông.
Năm 2013, Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên Biển Hoa Đông chồng lấn với không phận và các đảo mà Nhật Bản cũng như Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Việc Trung Quốc áp đặt ADIZ dẫn tới căng thẳng với Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan, nhưng các chuyến bay thương mại vẫn hoạt động bình thường. Thời điểm đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc giục các chuyến bay dân sự tuân thủ nguyên tắc nhận dạng của Trung Quốc. Nhưng giờ đây, cách phản ứng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khác, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh. Gần đây nhất, Nhà Trắng cấm tất cả các chuyến bay thương mại chở khách của Trung Quốc bay tới Mỹ.
Vì một ADIZ trên Biển Đông sẽ liên quan vùng trời phía trên các quần đảo Pratas, Hoàng Sa và Trường Sa nên Mỹ tái khẳng định rằng, yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông cũng đe dọa nghiêm trọng quyền tự do đi lại trên các vùng biển. Mỹ vẫn đang duy trì các tiêu chuẩn tự do hàng hải. Trong một tháng qua, Mỹ đã gia tăng hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Có thêm tàu hải quân Mỹ và máy bay ném bom B-1 của Không quân Mỹ đi qua khu vực Biển Đông. Mỹ muốn sự hiện diện của mình trong khu vực được các đồng minh, đối tác và Trung Quốc cảm nhận một cách rõ ràng. Gần đây, Trung Quốc liên tục quấy rối một số nước láng giềng có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, như Việt Nam, Philippines, Malaysia. Phía Trung Quốc đâm va tàu cá, quấy nhiễu tàu cảnh sát biển, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước Đông Nam Á này.
Các động thái của Trung Quốc bắt nguồn từ mưu đồ và kế hoạch có hệ thống của họ. Trung Quốc ngang nhiên cải tạo các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa, biến chúng thành các tiền đồn để triển khai máy bay, hệ thống tên lửa phòng không, radar, khí tài chống tàu nổi, tàu ngầm. Trung Quốc cũng tìm cách gia tăng kiểm soát các mạng lưới toàn cầu và hệ thống cáp dưới biển dùng để truyền thông tin, dữ liệu. “Hầu hết những người theo dõi Biển Đông sát sao nhất đều thấy rằng, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc biến thành tiền đồn là nhân tố chính thay đổi cuộc chơi nếu có bất kỳ xung đột Mỹ-Trung nào xảy ra trong tương lai”, ông Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch hàng hải của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), nhận định.
“Con đường tơ lụa thông tin”
Không chỉ sử dụng ADIZ và các đảo nhân tạo ở Trường Sa để giám sát bầu trời, coi đây là hệ thống cảnh báo sớm, Trung Quốc còn đang phát triển “con đường tơ lụa thông tin”. Đó là hệ thống cáp dưới biển phục vụ cả mục đích dân sự và quân sự. Chúng được dùng để thu thập thông tin giám sát quân sự và khoa học, truyền dữ liệu về Trung Quốc. Việc này tạo ra một nguy cơ an ninh tiềm tàng. Các nhà phân tích cảnh báo rằng, Hải quân Trung Quốc tìm cách gia tăng kiểm soát eo biển Luzon và Biển Đông để nước này tạo ra một khu vực liên kết rộng lớn, có thể kết nối với đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn thuộc Trường Sa (của Việt Nam) thông qua mạng cáp quang dưới biển. Các nước cần tìm hiểu sâu về các kênh liên lạc nhạy cảm đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập thông tin tình báo và bảo đảm năng lực quân sự.
“Trong khi xem xét các thách thức mà Trung Quốc tạo ra trên bề mặt Biển Đông, chúng ta cũng cần nhìn sâu xuống đáy biển u tối để xem họ làm gì dưới đó”, đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu James Stavridis nói. Hiện có khoảng 400 tuyến cáp quang dưới biển truyền dữ liệu với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng. Khối dữ liệu này bao gồm email, văn bản và các giao dịch tài chính của thế giới trị giá 15.000 tỷ USD.
TQ ‘cãi chày cãi cối’ về tư cách pháp lý ở biển Đông
Toà Trọng tài, được thành lập dựa trên UNCLOS 1982, đã đưa ra phán quyết rõ ràng liên quan đến yêu sách ‘đường 9 đoạn’ của Trung Quốc, rằng một nhà nước không thể yêu cầu đòi chủ quyền các khu vực hàng hải vượt quá quy định của UNCLOS. Vì vậy, đường 9 đoạn là bất hợp pháp.
Indonesia luôn từ chối đàm phán song phương với Trung Quốc về “quyền và lợi ích biển” ở biển Đông. Trong ảnh: Ngư dân Indonesia
“Khởi đầu là các trao đổi của Malaysia với LHQ một bản đệ trình liên quan đến bản đồ giới hạn thềm lục địa mở rộng vượt quá 200 hải lý, và kể từ đó, một số thông điệp quan trọng đã được nhiều bên liên quan truyền đi”, Ahmad Almaududy Amri, người lấy bằng tiến sỹ từ Trung tâm Tài nguyên và An ninh Đại dương Quốc gia Úc (ANCORS), Đại học Wollongong, Úc viết trên Modern Diplomacy.
Theo ông Amri, hầu hết các thông điệp là sự nhắc lại lập trường của các bên, nhưng chúng trở nên đúng lúc không chỉ bởi được đưa ra sau bản đệ trình của Malaysia, mà đặc biệt là chúng được đưa ra sau sự kiện Tòa Trọng tài năm 2016 về tranh chấp biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. “Thật thú vị, các cuộc tranh luận truyền tải thông qua các cuộc họp báo hay tuyên bố (như trước đây), bây giờ chúng được chính thức đệ trình và được LHQ ghi nhận”, ông Amri viết.
Toà Trọng tài, được thành lập dựa trên UNCLOS 1982, đã đưa ra phán quyết rõ ràng liên quan đến yêu sách ‘đường 9 đoạn’ của Trung Quốc, rằng một nhà nước không thể yêu cầu đòi chủ quyền các khu vực hàng hải vượt quá quy định của UNCLOS. Vì vậy, đường 9 đoạn là bất hợp pháp.
Đáp lại bước đi của Malaysia, Trung Quốc một lần nữa nhắc lại lập trường của mình, đặc biệt về cái gọi là ‘quyền lịch sử’ của họ ở biển Đông. Trung Quốc cũng coi phán quyết của Toà Trọng tài là bất công và bất hợp pháp. Hơn nữa, họ cho rằng Trung Quốc không chấp nhận hay tham gia Tòa Trọng tài và không chấp nhận cũng không công nhận phán quyết của nó.
Mặt khác, Indonesia lại một lần nữa bày tỏ sự phản đối. Không chỉ các lập luận được đưa ra dựa trên và phù hợp với các liên lạc trước đây với LHQ mà còn liên quan đến phán quyết của Toà Trọng tài.
Indonesia tái khẳng định họ không phải là một bên trong tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông. Họ cũng nhấn mạnh rằng quan điểm của Indonesia về quyền lợi hàng hải đối với các thực thể hàng hải ở biển Đông đã được xác nhận bởi phán quyết của tòa.
Ngoài ra, họ cho rằng cái gọi là đường 9 đoạn thiếu cơ sở pháp lý quốc tế, và đã được xác nhận bởi phán quyết của Toà Trọng tài. Ngoài Indonesia, một số quốc gia cũng đã chính thức phản đối về mặt pháp lý đối với các yêu sách hàng hải của Trung Quốc tại LHQ.
Trong phản bác của mình, Trung Quốc phản đối lập trường của Indonesia ngoại trừ việc họ chấp nhận thực tế là không có tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông giữa Indonesia và Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố rằng hai nước có các yêu sách chồng chéo về “quyền và lợi ích biển” ở một số phần của biển Đông.
“Có một lập luận thú vị được Trung Quốc đưa ra và đặc biệt nhắm tới Indonesia là một ‘đề nghị’ đàm phán về các “quyền và lợi ích biển chồng lấn”. Điều cần xem xét về mặt pháp lý, là có phải Trung Quốc viện dẫn Điều 283 của UNCLOS liên quan đến “nghĩa vụ phải trao đổi quan điểm”, tiến sỹ Amri đặt câu hỏi.
Ông diễn giải: Điều 283 (1) của UNCLOS quy định rõ ràng rằng “khi xảy ra tranh chấp giữa các quốc gia thành viên liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng công ước này, các bên tranh chấp sẽ tiến hành nhanh chóng trao đổi quan điểm về việc giải quyết bằng đàm phán hoặc các biện pháp hòa bình khác”. Nếu đây là ý định của Trung Quốc, thì cần phải xem xét thêm câu hỏi pháp lý khác, đặc biệt nếu quá trình đàm phán thất bại, liệu Trung Quốc có trực tiếp viện dẫn Điều 297 liên quan đến “Lựa chọn thủ tục” như một bước đi tiếp theo, như Tòa Trọng tài chẳng hạn?
“Tuy nhiên, Indonesia rõ ràng đã từ chối bất kỳ cuộc đàm phán song phương nào với Trung Quốc. Không có lý do pháp lý nào có thể giải thích tại sao Indonesia phải tiến hành đàm phán. Indonesia không có bất kỳ yêu sách hàng hải chồng chéo nào với Trung Quốc, do đó tổ chức đàm phán phân định hàng hải là vô căn cứ”, ông Amri nhận định.
Đề xuất đàm phán song phương không phải là mới và sẽ luôn bị Indonesia từ chối. Để xem xét trong tương lai, Trung Quốc cần giải thích rõ ràng cơ sở pháp lý của việc đàm phán đó là gì, dựa trên Điều 76 và Điều 83 về thềm lục địa, hay Điều 56 liên quan đến việc khai thác vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), hoặc bất kỳ cơ sở pháp lý nào khác?
Sự phản đối từ các quốc gia khác trước yêu sách hàng hải của Trung Quốc, đặc biệt liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài, có thể đã làm suy yếu yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông, bao gồm cả về mặt pháp lý.
Mặc dù các quốc gia phản đối yêu sách của Trung Quốc dựa trên phán quyết được thiết lập hợp pháp theo Điều 297 của UNCLOS, Trung Quốc vẫn kiên quyết với yêu sách lịch sử đơn phương của họ đã bị các diễn giải phán quyết của Tòa Trọng tài bác bỏ.
“Về mặt chính trị, việc thực thi Tuyên bố của ASEAN về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và chuyện ra đời sớm Bộ quy tắc ứng xử (COC) vẫn là nền tảng tốt nhất để đối thoại và tham vấn giữa ASEAN và Trung Quốc về tranh chấp biển Đông, nhưng tất nhiên điều này là vì sự ổn định khu vực, hơn là giải quyết các yêu sách hàng hải. Tuy nhiên, bất kỳ cách nào được chọn cần phải được bắt nguồn từ một lý do chính đáng”, ông Amri viết.
*Theo điều 76 của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), nếu một nước cho rằng thềm lục địa của mình vượt ra ngoài 200 hải lý, nước đó phải đệ trình lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa, cùng các dữ liệu kỹ thuật và khoa học, để ủy ban này xem xét.*
Việt Nam và Nhật Bản
lên tiếng quan ngại về tình hình Biển Đông
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây tại Biển Đông.
Phát biểu về vấn đề Biển Đông như vừa nêu của ông Phạm Bình Minh được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến Hội nghị Cộng đồng Chính trị- An ninh ASEAN lần thứ 21 diễn ra vào ngày 24 tháng 6. Cuộc họp có sự tham dự của bộ trưởng ngoại giao 10 nước ASEAN và Tổng thư ký ASEAN.
Tại cuộc họp, ông Phạm Bình Minh cho rằng các nước cần phát huy tinh thần trách nhiệm, đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
Cũng tin liên quan tình hình Biển Đông, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản, ông Taro Kono, cho rằng hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông hiện nay là ‘đáng báo động’.
Vào ngày 23 tháng 6 vừa qua, hai tàu huấn luyện của Nhật Bản là JS Kashima và JS Shimayuki đã có cuộc diễn tập với tàu tác chiến cận bờ của Hải quân Hoa Kỳ, USS Gabrirlle Giffords, tại Biển Đông.
Động thái này chứng tỏ quan ngại của Nhật Bản về tình hình tại Biển Đông mà căng thẳng được nói do Trung Quốc gây nên.
Hải quân Mỹ sẵn sàng ‘gây khó’ cho TQ ở Biển Đông
Báo chí quốc tế cho rằng mặc dù không chỉ đích danh Trung Quốc song rõ ràng những hành động gần đây của Hải quân Mỹ là thể hiện sự không yên tâm về các hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Lần đầu tiên kể từ năm 2017, Hải quân Mỹ đã triển khai 3 trong số các tàu sân bay của mình tại cửa ngõ Biển Đông tranh chấp trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục gia tăng. Các nhà phân tích nhận định việc Mỹ điều động 3 tàu sân bay đến Tây Thái Bình Dương có khả năng là để gửi thông điệp tới Trung Quốc rằng bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quân đội Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện mạnh mẽ của mình trong khu vực.
Ngày 21/6, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ cho biết nhóm tàu sân bay tấn công USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz đã bắt đầu tiến hành các hoạt động chung tại Biển Philippines. Theo một tuyên bố, hai nhóm tàu sân bay tấn công này đã được lên kế hoạch tiến hành các cuộc diễn tập phòng không, giám sát trên biển, huấn luyện chiến đấu phòng không, diễn tập tấn công tầm xa, điều động phối hợp và các khoa mục khác.
Đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy Nhóm tàu sân bay tấn công số 9, nói: “Đây là một cơ hội tuyệt vời để chúng tôi cùng nhau huấn luyện trong một kịch bản phức tạp. Bằng cách làm việc cùng nhau trong môi trường như vậy, chúng tôi có thể cải thiện các kỹ năng chiến thuật cũng như tính sẵn sàng trong bối cảnh khu vực đối mặt với áp lực ngày càng tăng và dịch bệnh Covid-19”.
Các cuộc diễn tập trên không nhằm lên kế hoạch cho bất kỳ cuộc tấn công nào hoặc động thái chiến tranh cụ thể nào mà là nhằm đảm bảo tàu sân bay Mỹ sẵn sàng và có khả năng hoạt động ở khơi xa khi cần tiến hành các chiến dịch chiến đấu phối hợp trong khu vực.
Chuẩn Đô đốc James Kirk, tư lệnh Nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz (Group 11), nói rằng các chiến dịch phối hợp này “thể hiện sự kiên cường và sẵn sàng chiến đấu của lực lượng hải quân và là một thông điệp mạnh mẽ thể hiện cam kết đối với an ninh và ổn định khu vực, nhằm bảo vệ các quyền quan trọng, gồm quyền tự do và sử dụng biển một cách hợp pháp vì lợi ích của tất cả các quốc gia”.
Chiến dịch tấn công bằng tàu sân bay chỉ thành công nhờ những nỗ lực kết nối mạng lưới tinh vi, những nỗ lực chỉ huy và kiểm soát và xung đột trên không, song nếu thành công sẽ tạo ra lợi thế to lớn cho các lựa chọn tấn công trên biển, như tăng gấp đôi sức mạnh hỏa lực, năng lực vũ khí và khả năng do thám. Động thái trên của Hải quân Mỹ diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông căng thẳng trong thời gian qua khi Trung Quốc ngày càng hung hăng và có những hành động vi phạm luật pháp quốc tế.
Năm 2017, ba nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đã được phái đến châu Á để phô trương uy lực răn đe Triều Tiên.
TQ nói gì về chuyện lập ADIZ ở Biển Đông?
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tỏ dấu hiệu cho thấy nước này không xem nhẹ khả năng lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, ngang ngược nói rằng việc này tùy thuộc vào mối đe dọa Trung Quốc đối diện ở khu vực.
Cụ thể, tại cuộc họp báo hôm 22.6, khi phóng viên báo Nihon Keizai Shimbun (Nhật Bản) yêu cầu xác nhận thông tin từ tờ The Economist rằng Trung Quốc ngày càng có khả năng lập ADIZ ở Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh mỗi quốc gia có quyền thiết lập ADIZ và quyết định liệu có nên lập ADIZ hay không dựa trên mức độ của những mối đe dọa nước đó đối mặt trong an ninh phòng không.
“Vì những mối đe dọa an ninh trên không Trung Quốc đối mặt trên các vùng biển liên quan ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông), Trung Quốc sẽ nghiên cứu kỹ vấn đề liên quan bằng cách xem xét tất cả các yếu tố”, ông Triệu ngang ngược nói.
Thực tế, trong thời gian gần gây, Trung Quốc đã có nhiều hành động gây quan ngại ở Biển Đông, trong đó có việc lập cái gọi là quận “Tây Sa” và “Nam Sa” để quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc còn ngang nhiên điều máy bay quân sự đến đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Hôm 31.5, tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin quân đội Trung Quốc cho hay nước này đã lên kế hoạch lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông từ năm 2010. Theo đó, ADIZ được đề xuất bao trùm cả quần đảo Đông Sa (Pratas) ở phía bắc Biển Đông, và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, và cơ quan chức năng Trung Quốc đang chờ thời điểm công bố.
0 nhận xét