Bắt đối kháng, bao nhiêu thì đủ?
Hôm 24, công an nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã thực hiện lệnh tạm giam hàng loạt những cá nhân có dấu hiệu phạm tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Ở Hà Nội có ông Trịnh Bá Phương (35 tuổi), bà Nguyễn Thị Tâm (48 tuổi), cùng ngụ tại phường quận Hà Đông. Ở xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình có bà Cấn Thị Thêu (58 tuổi), ông Trịnh Bá Tư (36 tuổi) bị bắt (1).
Ở Khánh Hòa có bà Nguyễn Thị Cẩm Thúy (44 tuổi), ngụ tại xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa bị bắt (2). Ở Lâm Đồng có ông Vũ Tiến Chi (54 tuổi), ngụ tại thành phố Bảo Lộc bị bắt (3)…
Trong sáu người bị bắt, có hai người (bà Tâm và bà Thêu) từng bị bắt, có hai từng biết rất rõ giá phải trả nếu bị bắt (ông Tư và ông Phương – con trai của bà Thêu), có hai (bà Thúy và ông Chi) liên tục được “nhắc nhở, giáo dục”… Tuy nhiên cả sáu không sợ, họ vẫn tiếp tục nói những điều họ thấy cần nói, làm những điều họ tin là cần làm. Rõ ràng trại giam và rất nhiều phương thức “nhắc nhở, giáo dục” không đạt hiệu quả răn đe. Cuối cùng, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đành mang cả sáu đi… cất!
***
Ở xứ sở mà phát biểu, chia sẻ những thông tin, ý kiến, khác với quan điểm của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền sẽ bị xem là phạm tội nào đó trong chương về “tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia”, phản ứng của công chúng sau khi sáu nhân vật vừa kể bị chính quyền tống giam chỉ ra một nghịch lý, số người công khai bày tỏ sự khinh miệt hệ thống chính trị, hệ thống công quyền càng ngày càng… đông! Việc tổ chức bắt giữ hàng loạt trong một ngày chỉ khiến thiên hạ giận, chứ không làm họ… sợ!
Đoàn Bảo Châu nhắc lại chuyện gia đình bà Thêu từng bị cưỡng đoạt đất như bà Tâm và nhiều gia đình nông dân khác ở Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội… Họ phản kháng đầu tiên là để bảo vệ cho các quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của họ, từ đó, họ phản kháng cho người khác. Châu bảo, ông không biết hết những việc họ làm và không đủ thông tin nên không biết những cáo buộc vừa công bố có đúng hay không? Châu chỉ thắc mắc, việc bắt giữ họ có hợp với lòng người không?
Châu tin rằng, việc dân chúng đấu tranh với những sai trái là điều cần thiết đối với một xã hội muốn phát triển theo con đường văn minh. Khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền nhiều lần thú nhận bất lực trước những biểu hiện vô đạo của các thành viên trong hệ thống thì tại sao lại bắt bớ, bịt miệng những cá nhân phản biện vốn hiếm hoi như những người vừa bị bắt? Chẳng lẽ các vị định biến 90 triệu dân thành những con cừu phục tùng vô điều kiện, bị đối xử thế nào cũng ngoan ngoãn chấp nhận?
Trên mạng xã hội, không ít người trăn trở như Đoàn Bảo Châu: Tương lai quốc gia sẽ ra sao khi dân không thể mở miệng nói về điều khiến họ bức xúc. Triệt tiêu phản biện chính là giết đi sức sống nội tại của một dân tộc và là một tội ác với dân tộc, với tổ tiên. Các vị định dùng nỗi sợ để cai trị con người? Nếu một dân tộc chỉ hành động theo nỗi sợ, dân tộc ấy sẽ thoái hoá thành một dân tộc nô lệ. Chính sự hèn nhát, tuân phục ấy sẽ khiến kẻ xấu mặc sức tung hoành, mặc sức cướp phá tài nguyên của đất nước (4).
Cũng với cách nhìn ấy, Trương Nhân Tuấn cho rằng, bà Thêu và các con bà là “tiếng nói” của những người bị áp bức, những đại diện chính đáng của tầng lớp “dân oan” - tầng lớp “vô sản chân chính”. Giết ông Lê Đình Kình, bắt giam gia đình, dòng họ ông Kình, bắt bà Thêu và các con cho thấy, đảng CSVN đã trở thành một tập đoàn phản bội đồng chí, phản bội giai cấp, lộ diện là một tập đoàn vô lương, một thứ “ngụy quyền” sử dụng bạo lực và sự láo khoét để lừa bịp và trấn áp dân chúng (5).
Giống như Trương Nhân Tuấn – người tin rằng, nỗ lực nhốt hết những người chống đối là một nỗ lực vô vọng vì không thể bắt hết 100 triệu dân Việt Nam, Từ Thức nhận định, bắt giữ như chính quyền Việt Nam vừa làm rất dễ nhưng không dập tắt được bạo loạn, trái lại, chỉ làm cho sự phẫn nộ gia tăng. Có thể làn sóng bạo hành, nhằm gieo kinh hoàng trên đầu dân chúng theo kiểu Lê Nin sẽ làm giảm bớt sự chống đối trong một thời gian ngắn nhưng sẽ làm cho ngọn lửa bất mãn âm ỉ, chờ bùng nổ.
Dẫn một nhận định của Diderot từ thế kỷ 18: Dưới bất cứ chính phủ nào, thiên nhiên đã đặt những giới hạn cho cho sự bất hạnh của người dân. Đi quá giới hạn đó, sẽ là cái chết, sự chạy trốn hay sự nổi loạn – Từ Thức ngậm ngùi: Sức chịu đựng của người Việt Nam quả thực khủng khiếp nhưng hiện tượng những nông dân như bà Thêu, bà Tâm,… can đảm đứng dậy, bất chấp hiểm nguy, chứng tỏ “giới hạn” đó đã bị vượt qua. Do vậy: Hố giữa dân và tập đoàn cầm quyền sẽ không ai lấp nổi (6)!
***
Sau khi những người theo sát, liên tục cập nhật những thông tin liên quan đến cuộc tấn công sát hại cụ Lê Đình Kình và tống giam khoảng 30 người để dập tắt phản kháng tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội – đồng loạt bị bắt hôm 24 tháng 6, Le Thanh Truong – sống tại Đà Nẵng, gửi một thư ngỏ cho những người dùng mạng xã hội Việt ngữ ở thành phố ven biển này để hỏi: Bạn có từng biết chuyện đó không? Bạn nghĩ thế nào về chuyện đó?
Không rào đón, Truong thẳng tưng tới mức có thể xem là sỗ sàng: Nếu bạn không từng biết, bạn không quan tâm, tôi tôn trọng sự ngu si của bạn! Nếu bạn có biết và bạn lựa chọn im lặng để an toàn, tôi tôn trọng sự hèn hạ của bạn. Đó là những lựa chọn không ai áp đặt được. Còn nếu bạn biết và muốn làm một điều gì đó để hiệp thông với các nạn nhân, để biểu tỏ thái độ của một công dân, một con người tự do, tôi rủ bạn hãy cùng tôi tổ chức một cuộc BIỂU TÌNH.
Truong thừa nhận, tiếng nói của chính mình nhỏ nhoi, không đủ trọng lượng để thuyết phục tất cả mọi người trên khắp Việt Nam nhưng Đà Nẵng là nơi Truong có thể với tới và nắm tay những người ngụ cùng một thành phố. Truong kêu gọi: Tụi mình hãy xuống đường thử một lần để nói ý kiến của chúng ta về #Đồngtâm, về vụ bắt bớ gần như toàn gia #Cấnthịthêu và nếu có thể, về bất cứ tội ác nào mà đảng CSVN đã gieo rắc trên đất nước này.
Tại sao Le Thanh Truong quyết liệt như vậy? Facebooker này giải thích: Bởi nếu không, ngày mai liệu bạn sẽ thức dậy với ý nghĩ nào? Rằng ta đang an toàn, ta đang tự do, ta đang hạnh phúc? Hay ta đang có những lo âu sát sườn về cơm áo, về vợ chồng con cái gia đình? Tôi nói cho bạn hay một điều tối hậu: Nhìn đồng loại đang bị xẻ thịt mà vẫn “an yên” sống phần mình, đó là việc của loài vật. Con người không phải như thế (7)!
Chú thích
0 nhận xét