Đọc báo Pháp – 27/05/2020
Covid-19: Hồi kết cho cuộc tranh cãi về liệu pháp dùng Chloroquine? – Trọng Nghĩa
Những diễn biến liên quan đến đại dịch Covid-19 tiếp tục được báo chí Pháp ra ngày 27/05/2020 đưa lên tựa lớn trang nhất, đặc biệt là hồ sơ Chloroquine trên báo Libération, và quan điểm thận trọng thời hậu phong tỏa trên Le Figaro. Riêng hai tờ Le Monde và Les Echos thì tập trung trên chính sách kinh tế tại Pháp, trong lúc La Croix nhìn rộng ra toàn thế giới, lo lắng về nạn đói có thể xẩy ra sau nạn dịch.Về hồ sơ thuốc chloroquine chuyên trị sốt rét được nhiều người trong thời gian gần đây cho là “thần dược” trị bệnh Covid-19, Libération đã chạy một tựa rất hóm hỉnh trên trang nhất: “Chloroquine – Viên thuốc không có hôm sau?”, nguyên văn tiếng Pháp là “la pillule sans lendemain” chơi chữ trên từ ngữ “la pillule du lendemain”, tạm dịch là “viên thuốc của hôm sau”, trước đây được dùng để chỉ thuốc ngừa thai!
Theo nhận định của Libération, thì sau một bài nghiên cứu nghiêm túc vừa được đăng trên tạp chí y học Anh Quốc nổi tiếng The Lancet và hai thông báo đề nghị dừng thử nghiệm lâm sàng đến từ Tổ Chức Y Tế Thế Giới và Hội Đồng Cấp Cao về Y Tế Công Cộng Pháp, liệu pháp trị bệnh Covid-19 được giáo sư Pháp Didier Raoult bảo vệ – từng được coi là niềm hy vọng thực thụ khi dịch bệnh mới bắt đầu – càng lúc càng gây thêm tranh cãi.
Chloroquine: Bộ phim y học – chính trị – truyền thông nhiều tập
Bài viết chính trong một hồ sơ 4 trang của tờ báo thiên tả Pháp cho rằng bộ phim nhiều tập vừa y học, vừa chính trị, vừa truyền thông về chất hydroxychloroquine đã bắt đầu tập cuối mang tựa đề “Cú chấm dứt”.
Libération trước hết nêu bật nội dung chính của bài nghiên cứu của tạp chí The Lancet, đã kết luận rằng chất chloroquine (hay chất phái sinh hydroxychloroquine, được giáo sư Didier Raoult quảng bá ở Pháp) không chỉ không hiệu nghiệm trong việc chữa trị những người đã phải nhập viện vì nhiễm virus corona, mà còn làm tăng tỷ lệ tử vong và các trường hợp bị rối loạn nhịp tim.
Theo tờ báo, do việc tạp chí Lancet nổi tiếng là rất nghiêm túc, và quy mô to lớn của công trình nghiên cứu được công bố (đã xem xét bệnh án của 96.032 bệnh nhân), bài báo khoa học đã gây được tiếng vang ngay lập tức, và các khuyến cáo dừng chữa trị hay thử nghiệm chất chloroquine càng lúc càng nhiều.
Libération dĩ nhiên đã nhắc đến phản ứng gay gắt của giáo sư Raoult, vào hôm 25/05 vừa qua, đã lớn tiếng chỉ trích bài nghiên cứu trên tạp chí The Lancet, cho đấy chỉ là những “quan sát” lộn xộn, vô giá trị.
Tuy nhiên, theo tờ báo Pháp, ông Denis Malvy, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, đã nhấn mạnh trên tính chất nghiêm túc của công trình được công bố trên tạp chí y khoa Anh Quốc mà theo ông, là “một nghiên cứu được tổ chức nghiêm ngặt từ đầu đến cuối, trong giới hạn của những gì một phương pháp quan sát có thể cung cấp.”
Giáo sư Jean-François Timsit, trưởng khoa hồi sức tại bệnh viện Bichat, Paris, cũng cho rằng không thể hoài nghi về kết luận của công trình, theo đó chất chloroquine không có hiệu quả đối với bệnh nhân Covid-19.
Tranh luận y học biến thành ấu đả chính trị
Trong bài xã luận, Libération đã tự hỏi là có thể ghi từ “kết thúc” vào câu chuyện dài nhiều tập sôi động về chất chloroquine hay chưa, để trả lời ngay rằng “chưa đâu”. Tuy nhiên nhà bình luận của tờ báo cho rằng những ai có chút suy nghĩ đều phải sẽ hoài nghi về hiệu quả thực thụ của phân tử này.
Đối với Libération, cuộc tranh cãi đang diễn ra rốt cuộc đã biến thành một cuộc ấu đả. Thay vì một cuộc tranh luận khoa học người ta đã chứng kiến một cuộc đấu đá được chính trị hóa một cách khác thường.
Một bên là phe ủng hộ giáo sư Raoult, “những người thấp cổ bé miệng” chống lại « những người ăn trên ngồi chốc”, còn bên kia là phần lớn những người đầu đàn trong lãnh vực y học mà người ta không thấy tại sao họ lại từ chối sử dụng một phương thức trị liệu tốt cho bệnh nhân nếu không có hoài nghi thực sự về hiệu quả của nó.
Libération cho là đã dến lúc chấm dứt trò hề này. Chỉ có một nghiên cứu theo đúng quy trình, với một nhóm nhân chứng mới cho phép đưa ra quyết định dứt khoát. Trong khi chờ đợi thì nên thận trọng và khiêm tốn.
Le Figaro: Liệu dịch bệnh sắp chấm dứt?
Cũng liên quan đến dịch Covid-19, nhật báo Le Figaro đã đặt thành tựa lớn trang nhất câu hỏi: “Có nên tin tưởng rằng dịch bệnh sắp chấm dứt hay không?”
Tờ báo ghi nhận là hai tuần sau khi dở bó phong tỏa, tất cả những chỉ số đều chuyển sang màu xanh cho thấy là Covid-19 đã lùi bước trên toàn lãnh thổ Pháp.
Mỗi ngày chỉ còn 300 ca nhiễm mới ghi nhận trên toàn nước Pháp, ít hơn đến gần 20 lần so với đỉnh cao tháng Tư. Và kể từ ngày bắt đầu dở bỏ phong tỏa hôm 11/05, mọi biểu đồ đều cho thấy là dịch bệnh đang lùi bước, và việc nới lỏng phong tỏa, hoạt động xã hội gia tăng trở lại có vẻ như đã không làm cho việc lây nhiễm tăng cao trở lại.
Tuy nhiên phần đông các chuyên gia dịch tễ vẫn kêu gọi thận trọng, sợ rằng tình hình có thể xấu đi trở lại, gây tắc nghẽn trong các khoa hồi sức tại các bệnh viện trước khi bắt đầu mùa hè.
Trong tình hình các sinh hoạt tại Pháp đang dần dần trở lại bình thường, Le Figaro ghi nhận là giới chức y tế đã gia tăng khả năng chẩn đoán và theo dõi các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19, và cũng đang cố ngăn chặn lây lan tại 46 ổ dịch nhỏ đã được phát hiện trên toàn quốc từ đầu tháng đến nay.
Tiến trình nới lỏng phong tỏa suôn sẻ tại Đức và Áo
Theo Le Figaro, tại Đức, chính quyền vẫn tiếp tục phương pháp đã cho phép nước này ngăn chặn dịch bệnh từ tháng 3, tiếp tục xét nghiệm dân chúng.
Trái với Pháp, Đức càng lúc càng cho thấy là họ không mấy thiên về việc sử dụng ứng dụng trên mobile để kiểm soát dịch bệnh, nhưng lại vẫn chủ trương thúc đẩy việc mọi người mang khẩu trang và giữ khoản cách an toàn.
Về tình hinh nước Áo, Le Figaro nêu bật tính chất thận trọng của quốc gia này trong việc gỡ bỏ từng bước các biện pháp phong tỏa, từ việc cho phần lớn các cửa hàng mở cửa từ trung tuần tháng 4, sau đó đến lượt các hiệu hớt tóc, các cơ sở thương mại hơn 400 m2 vào giữa tháng 5 và đến ngày 29/05 tới đây là các quán cà phê, quán rượu, nhà hàng, khách sạn.
Điều khiến tờ báo chú ý là tính kỷ luật và cảnh giác của Áo. Một ví dụ: Ở khắp nơi, từ việc đi nhà thờ cho đến đi mua sắm, mọi người đều phải mang khẩu trang.
Le Monde: Pháp chuẩn bị giảm tài trợ cho chế độ thất nghiệp bán phần
Tựa lớn trang nhất báo Le Monde được dành cho kinh tế Pháp: “Thất nghiệp bán phần : Nhà Nước khởi sự giai đoạn giảm tài trợ”. Trong bài phân tích bên trong, Le Monde giải thích là sau khi hào phóng cho áp dụng chế độ “thất nghiệp bán phần” kể từ giữa tháng Ba, nhận chi trả toàn bộ các khoản trợ cấp mà các công ty xí nghiệp phải ứng trước cho số nhân viên của họ bị buộc phải nghỉ làm – do đó không có lương – vì các biện pháp phong tỏa chống dịch Covid 19, chính phủ Pháp đã bắt đầu dần dần giảm bớt phần tài trợ của mình.
Theo nhật báo Pháp, ngay từ 01/06, doanh nghiệp nào dùng đến biện pháp này, sẽ không còn được tài trợ 100%, mà phải gánh vác 15% trên những khoản trợ cấp đã chi ra. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp trong những lãnh vực nhu du lịch hay nhà hàng, vẫn phải chịu tác hại nặng nề do các biện pháp y tế nghiêm ngặt hiện hành, các quy định mới chưa được áp dụng
Đối với Le Monde, quyết định kể trên nhằm khuyến khích các doanh nghiệp “không còn bị các biện pháp y tế ràng buộc” tái lập hoạt động, đồng thời bảo vệ các công ty xí nghiệp chưa thể hoạt động lại.
Nguy cơ thất nghiệp tăng cao
Vấn đề, theo Le Monde, là với tình trạng đình đốn kinh tế nói chung hiện nay, nguy cơ các doanh nghiệp sa thải thực thụ các nhân viên của họ rất lớn do việc họ không còn được hưởng các khoản tài trợ của chính phủ, và trong số 8 triệu người chịu cảnh thất nghiệp bán phần trong thời gian qua, sẽ có nhiều người trở thành thất nghiệp hoàn toàn.
Trong một phóng sự kèm theo bài phân tích về việc giảm chế độ thất nghiệp bán phần, Le Monde ghi nhận lời chứng của nhiều người bị công ty của mình xếp vào diện này, trên nguyên tắc không phải lao động, nhưng trong thực tế vẫn bị chủ công ty bắt phải làm việc.
Theo một nghiên cứu của hãng tham vấn Technologia, trong khoảng thời gian hai tháng Ba và Tư, có đến 24% người bị “thất nghiệp bán phần” đã bị chủ doanh nghiệp của họ bắt làm việc”. Nhiều người khẳng định rằng khi khiếu nại, họ đã bị người chủ dọa sa thải.
Les Echos: Pháp muốn đẩy mạnh sản xuất xe hơi chạy bằng điện
Liên quan đến nước Pháp, báo Les Echos chạy trên trang nhất tựa lớn “Một kế hoạch để thúc đẩy mạnh ngành sản xuất ô tô điện”
Tờ báo kinh tế Pháp ghi nhận chỉ tiêu rất cao mà chính phủ Pháp đề ra: Đó là làm sao để cho từ nay đến năm 2025, sẽ có một triệu chiếc xe hơi điện được sản xuất tại Pháp.
Để làm điều này, có hai biện pháp được chính phủ Pháp khuyến khích: Chi ra hơn một tỷ euro để tài trợ cho những người mua xe mới, và thành lập thêm nhiều quỹ đầu tư mới để giúp đỡ các doanh nghiệp.
La Croix: Sau dịch Covid-19 là nạn đói?
Sau cùng, nhật báo Công Giáo La Croix đã dành trang nhất cho một chủ đề quốc tế với hàng tựa lớn: “Nạn đói, một nguy cơ đại dịch mới”.
Theo La Croix, ở Chilê, Thái Lan, Liban, thậm chí ở Hoa Kỳ, những lời chứng về thảm trạng đang rình rập ngày càng nhiều: Nạn đói đang trở lại trong những cộng đồng cho đến nay chưa bị đe dọa.
Trong tình hình đáng báo động đó, giới chuyên gia cho rằng các chính phủ và tổ chức quốc tế nên đặt ngay trọng tâm trên vấn đề giúp các tầng lớp dân chúng được tiếp cận dễ dàng với lương thực.
http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200527-covid-19-h%C3%B4%CC%80i-k%C3%AA%CC%81t-cho-cu%C3%B4%CC%A3c-tranh-ca%CC%83i-v%C3%AA%CC%80-li%C3%AA%CC%A3u-pha%CC%81p-du%CC%80ng-chloroquine
Tin tổng hợp
( Taiwan News ) – Trung Quốc điều 2 tàu sân bay đến gần Đài Loan.
Kế hoạch này nằm trong khuôn khổ các cuộc tập trận vào tháng 8, với kịch bản là đánh chiếm quần đảo Đông Sa mà Đài Loan đang kiểm soát. Ngày 25/05/2020, trang tin News.com.au của Úc loan tin là lần đầu tiên hai tàu sân bay của Trung Quốc Liêu Ninh và Sơn Đông đã được triển khai cùng lúc tại Vịnh Bột Hải trên vùng Hoàng Hải để tiến hành thao dượt về khả năng sẳn sàng chiến đấu. Trước đó, hôm 12/05, Kyodo cho biết là Trung Quốc dự trù tập đánh chiếm đảo quần đảo Đông Sa, dùng đảo Hải Nam là nơi tập trận. Bài tập đánh chiếm Đông Sa sẽ diễn ra vào tháng 8, huy động nhiều binh lính, tàu đổ bộ, phi cơ và trực thăng.
( AFP ) – Trung Quốc sẽ giảm nhẹ hạn chế với các chuyến bay quốc tế.
Một quan chức của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc hôm nay, 27/05/2020, giải thích là do ngăn chận các ca nhiễm mới nhập vào Trung Quốc, từ đầu tháng 3 Bắc Kinh đã giảm số chuyến bay giữa Trung Quốc với thế giới xuống còn mỗi tuần một chuyến cho mỗi hãng hàng không ( Trung Quốc hay nước ngoài ) và cho mỗi nước. Kể từ ngày 01/06, số chuyến bay sẽ tăng từ 134 lên 407 mỗi tuần.
(AFP) – Canada sắp quyết định về dẫn độ lãnh đạo Hoa Vi.
Tư pháp Canada hôm nay 27/05/2020 xem xét việc cho dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính Hoa Vi (Huawei), bị bắt lúc quá cảnh Vancouver hôm 01/12/2018 vì Mỹ tố cáo đã gian lận ngân hàng và đánh cắp bí mật thương mại. Bà Mạnh Vãn Châu đang sống ở Vancouver, chỉ phải đeo vòng điện tử. Ngược lại nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor người Canada bị Trung Quốc tống giam từ hơn 500 ngày qua, thỉnh thoảng lãnh sự mới được vào thăm. Trung Quốc cũng trả đũa đối với hàng tỉ đô la hàng nông sản Canada.
(AFP) – Châu Âu và Nhật Bản hợp sức thúc đẩy kinh tế.
Hai đối tác hôm qua 26/05/2020 loan báo sẽ phối hợp để bảo vệ một chiến lược tái thúc đẩy kinh tế quy mô nhằm ra khỏi cuộc khủng hoảng dịch tễ, nhân hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức vào tháng Sáu, với Hoa Kỳ là chủ tọa luân phiên. EU và Nhật chiếm 1/3 kinh tế thế giới, ủng hộ tự do thương mại và đa phương, sẽ hợp tác để tạo điều kiện luân chuyển dược phẩm, thiết bị y tế, nguyên liệu và hàng hóa các loại xuyên biên giới.
(AFP) – Lần đầu tiên SpaceX đưa hai phi hành gia lên vũ trụ.
Vào lúc 16 giờ 33 phút (22 giờ 33 phút, giờ Paris) hôm nay 27/05/2020, một hỏa tiễn Falcon 9 của SpaceX được khai hỏa tại trung tâm Kennedy ở Florida, đưa hai phi hành gia Bob Behnken, 49 tuổi và Doug Hurley, 53 tuổi lên không gian. Phi thuyền Crew Dragon do các kỹ sư của Elon Musk chế tạo nhờ hợp đồng 3 tỉ đô la với NASA, sẽ kết nối với trạm quỹ đạo (ISS), nơi có 3 phi hành gia Nga và Mỹ đang chờ đợi.
( AFP ) – Covid-19 : Số ca nhiễm tăng cao nhất từ 7 tuần qua tại Hàn Quốc.
sau khi xuất hiện một ổ dịch mới trong một kho hàng ở ngoại ô Seoul. Nhà chức trách thông báo có 40 ca nhiễm mới được ghi nhận hôm nay, 27/05/2020, nâng tổng số ca nhiễm lên thành 11.265. Hôm nay, hôm 2 triệu trẻ em đã trở lại trường. Các viện bảo tàng và các nhà thờ đã được mở lại. Các trận bóng đá, bóng bầu dục được tổ chức lại nhưng không có khán giả.
( AFP ) – Libya : Nga điều máy bay đến hỗ trợ lính đánh thuê.
Hôm qua, 26/05/2020, quân đội Hoa Kỳ tố cáo là gần đây Matxcơva đã điều các máy bay tiêm kích đến để hỗ trợ cho lính đánh thuê người Nga đang chiến đấu bên cạnh lực lượng của thống chế Khalifa Hafta tại Libya. Cho tới nay, Nga vẫn phủ nhận mọi vai trò của nước này trong cuộc xung đột tại Lybia và bộ Quốc Phòng Nga hôm qua đã từ chối bình luận về thông tin nói trên.
( AFP ) – Mỹ : Bốn cảnh sát bị sa thải sau cái chết của một người da đen.
Bốn cảnh sát tại thành phố Minneapolis đã bị sa thải hôm qua, 26/05/2020 vì bị xem là đã dùng vũ lực trong một vụ bắt giữ gây ra cái chết của một người da đen vào tối thứ Hai. Toàn bộ cảnh này đã được một người đi đường quay và phát trực tiếp trên Facebook, cho thấy ông George Floyd, trong độ tuổi 40, bị quật ngã nằm úp dưới đất và bị một cảnh sát người da trắng dùng đầu gối chặn lên cổ trong suốt nhiều phút, rồi sau đó đã bị chết vì ngạt thở. Gia đình của nạn nhân đã lên án việc sử dụng vũ lực « quá đáng và vô nhân đạo », cáo buộc cảnh sát có thái độ kỳ thị.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200527-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 27/5:
Cố vấn Nhà Trắng nói Bắc Kinh ‘sai lầm lớn’
với luật an ninh Hồng Kông
Lục DuSáng nay, thứ Tư (27/5), mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Cố vấn Nhà Trắng nói Bắc Kinh ‘sai lầm lớn’ với luật an ninh Hồng Kông
Reuters đưa tin, hôm thứ Ba, cố vấn kinh tế của Tổng thống Donald Trump, ông Larry Kudlow, nhận định Trung Quốc đang tạo ra một “sai lầm lớn” với kế hoạch thông qua dự luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông.
Trong cuộc phỏng vấn với Fox News Channel, ông Larry Kudlow nói rằng động thái của Bắc Kinh “rất đáng lo ngại”, và “Thật lòng, Trung Quốc đang phạm một sai lầm lớn”.
Ông Kudlow cho biết thêm Washington cam kết trả phí cho các công ty Mỹ muốn chuyển hoạt động từ Hồng Kông hoặc Trung Quốc tới nơi khác.
EU yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng quyền tự trị của Hồng Kông
Liên minh châu Âu (EU) hôm 26/5 kêu gọi Trung Quốc tôn trọng quyền tự trị của Hồng Kông và cam kết gây áp lực với Bắc Kinh, theo Reuters
“Chúng tôi rất coi trọng việc bảo vệ quyền tự chủ cao độ của Hồng Kông theo các điều Luật cơ bản và các cam kết quốc tế”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trả lời phỏng vấn sau hội nghị trực tuyến với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Brussels, Bỉ, hôm 26/5.
“Chúng tôi thường xuyên đối thoại với giới chức Trung Quốc để bày tỏ quan điểm cũng như bảo vệ lợi ích của khối. Tất nhiên, chúng tôi cũng ủng hộ nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’”, ông Charles Michel nói thêm.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng khẳng định: “Chúng tôi rất rõ ràng. EU cũng không ngây thơ trước các hành vi của Trung Quốc ở cấp độ quốc tế”, ông Michel khẳng định.
Youtube xóa bình luận chỉ trích Bắc Kinh
YouTube đang tự động xóa các bình luận có chứa một số cụm từ mang ý chỉ trích chính quyền Trung Quốc. YouTube đã xác nhận việc này với The Verge và bào chữa rằng đó là do hệ thống hoạt động lỗi và công ty đang xem xét xử lý, theo bản tin hôm thứ Ba (26/5) của The Verge.
Theo The Verge, YouTube đã không giải thích rõ về cơ chế hoặc lý do tại sao lỗi này xảy ra, nhưng cho biết đó không phải là kết quả của bất kỳ thay đổi nào trong chính sách kiểm duyệt thông tin của họ.
Tuy nhiên, The Verge phát hiện “lỗi” trên của YouTube đã diễn ra trong suốt hơn nửa năm. Tờ báo này đặt nghi vấn rằng tại sao một lỗi đơn giản như vậy nhưng lại không được khắc phục sớm.
The Verge đã tìm thấy bằng chứng cho thấy các bình luận chỉ trích Bắc Kinh bị xóa kể từ đầu tháng 10/2019. Vấn đề này đã được nêu ra trên các trang trợ giúp chính thức của YouTube. Nhiều người dùng đã xác nhận việc các bình luận phơi bày sự thật về chính quyền Trung Quốc trên YouTube bị xóa.
Khoa học gia Ấn Độ xác nhận thuốc sốt rét phòng được nCoV
Các nhà nghiên cứu ở Ấn Độ phát hiện hydroxychloroquine có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự lây nhiễm của virus Vũ Hán, Epoch Times đưa tin hôm thứ Ba.
Ba nghiên cứu gần đây đã chứng minh loại thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine mà các quan chức đang khuyến nghị tất cả các nhân viên y tế sử dụng là có hiệu quả. Các quan chức cho rằng, các nhân viên y tế có đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19 hay không thì vẫn nên dùng hydroxychloroquine như một biện pháp phòng ngừa.
Theo Hội đồng Nghiên cứu Y tế Ấn Độ, các nhân viên trên tuyến đầu chống dịch Covid, bao gồm các sĩ quan cảnh sát, nên dùng thuốc, và ngay cả với những người không biểu hiện triệu chứng nhưng tiếp xúc gần với bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán cũng nên sử dụng loại thuốc này.
Ông Trump nói sẽ rút quân khỏi Afghanistan sớm nhất có thể
Tổng thống Trump hôm thứ Ba đã đề cập lại việc rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan, nhưng chưa đặt ra lịch biểu cụ thể cho việc này, theo Reuters.
“Chúng ta đã ở đó 19 năm và tôi nghĩ rằng như thế đủ rồi. Chúng ta luôn có thể trở về nếu muốn”, ông Trump nói trong một cuộc họp báo ở Nhà Trắng.
Khi được hỏi rằng liệu ngày lễ Tạ ơn 26/11 có phải là đích cuối cùng để rút quân hay không, ông Trump nói: “Không. Tôi không đặt mục tiêu. Nhưng càng sớm càng tốt là hợp lý. Mất một khoảng thời gian nhưng càng sớm càng tốt là hợp lý”.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-27-5-co-van-nha-trang-noi-bac-kinh-sai-lam-lon-voi-luat-an-ninh-hong-kong.html
Điểm tin thế giới chiều 27/5:
Trung Quốc mở rộng phạm vi dự luật an ninh;
Cảnh sát Hồng Kông bắn đạn hơi cay
vào người biểu tình
Hải LamMục Điểm tin thế giới chiều thứ Tư (27/5) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Trung Quốc mở rộng phạm vi dự luật an ninh Hồng Kông
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 27/5 đưa tin, dự luật an ninh Hồng Kông đã được sửa đổi một cách bất ngờ, mở rộng phạm vi các “hành động” bị cấm, được cho là “đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia”.
Tờ RTHK đưa tin: “Các luật sư đại lục, những người đã xử lý các trường hợp liên quan an ninh trước đây, nói rằng thay đổi này không chỉ bao gồm cá nhân, mà còn bao gồm cả các tổ chức thuộc phạm vi điều chỉnh của luật”.
Dự luật dự kiến được bỏ phiếu vào ngày 28/5, sau đó được đưa tới Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (NPC), cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc, để được soạn thảo một cách chi tiết.
Cảnh sát Hồng Kông bắn đạn hơi cay vào người biểu tình
Cảnh sát Hồng Kông hôm nay đã bắn đạn hơi cay vào người biểu tình bên ngoài trụ sở chính quyền đặc khu, họ biểu tình phản đối dự luật quốc ca và dự luật an ninh quốc gia. Cảnh sát đã bắt giữ khoảng 240 người, theo Hong Kong Free Press (HKFP).
Trưa ngày 27/5, hàng trăm người dân Hồng Kông đã xuống đường biểu tình ở khu vực Causeway Bay và khu Trung Hoàn. Họ hô vang những khẩu hiệu dân chủ: “Độc lập cho Hồng Kông là lối thoát duy nhất”, “Một quốc gia, Một Hồng Kông”.
Cảnh sát đã bắn đạn hạt tiêu trấn áp đoàn người biểu tình ở gần phố D’Aguilar.
Iran họp quốc hội
Hãng tin Reuters cho biết, Quốc hội mới của Iran ngày 27/5 đã họp trong bối cảnh nước này đang phải nỗ lực để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Đây là cuộc họp đầu tiên sau cuộc bầu cử tháng 2 vừa qua. Các nghị sĩ phải tuân thủ quy tắc giãn cách xã hội khi họp.
Nhật bắt nghi phạm đốt xưởng phim
Ngày 27/5, cảnh sát Nhật chính thức bắt Shinji Aoba, 42 tuổi, người bị nghi phóng hỏa xưởng phim hoạt hình của Kyoto Animation khiến 36 người chết năm ngoái, theo AFP.
Một phát ngôn viên cảnh sát cho biết Aoba tới xưởng phim, đổ xăng vào bên trong tòa nhà và đốt lửa khiến 22 phụ nữ và 14 nam giới bên trong thiệt mạng.
Cảnh sát đã tìm thấy Aoba ngay sau vụ hỏa hoạn với những vết bỏng nghiêm trọng. Y được chuyển tới bệnh viện điều trị và bất tỉnh trong nhiều tuần.
Aoba đã nhận tội, song động cơ phóng hỏa của y vẫn chưa sáng tỏ. Một số nguồn tin cho biết Aoba từng cáo buộc Kyoto Animation ăn cắp các tác phẩm của mình.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-27-5-trung-quoc-mo-rong-pham-vi-du-luat-an-ninh-canh-sat-hong-kong-ban-dan-hoi-cay-vao-nguoi-bieu-tinh.html
Tạp chí xã hội
Các nhà nghiên cứu
cố làm sáng tỏ liên hệ Kawasaki – Covid-19
Thanh PhươngGiữa căn bệnh của trẻ em gần giống với bệnh Kawasaki và Covid-19 có mối liên hệ gì không ? Đó là điều mà các nhà khoa học đang ráo riết tìm lời giải đáp, bởi vì nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ đang rất lo lắng, nhất là tại Pháp, nơi mà các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học đã được mở cửa trở lại.
Bệnh viêm mạch Kawasaki được đặt theo tên của bác sĩ Nhật Bản Tomisaku Kawasaki, người đầu tiên xác định bệnh này vào năm 1967. Bệnh Kawasaki là một trong các nguyên nhân dẫn đến bệnh tim ở trẻ em tại các nước công nghiệp phát triển. Ở mức độ nghiêm trọng, bệnh Kawasaki có thể làm viêm mạch máu, viêm các động mạch vành cung cấp máu cho tim, dẫn đến phình động mạch hoặc thu hẹp các động mạch. Trong trường hợp xấu nhất, bệnh nhân bị sưng cơ tim, viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim.
Đa số bệnh nhân Kawasaki là trẻ em dưới 5 tuổi, nhưng bệnh này có thể xảy ra ở lứa tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, bệnh này hiếm khi xảy ra đến mức hầu như trong chúng ta chưa ai nghe nói đến bao giờ. Cho đến khi có dịch Covid-19, chúng ta mới nghe đến chữ Kawasaki.
Theo Trung tâm châu Âu ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, nơi một số bệnh nhân, có những triệu chứng của bệnh Kawasaki pha lẫn với một triệu chứng của sốc ngộ độc. Cho nên, bộ Y tế Pháp gọi đó là bệnh « Kawasaki giả » ( pseudo-Kawasaki ), còn tiếng Anh gọi là « giống Kawasaki » ( Kawasaki like ). Đó là một dạng bệnh mà y học gọi là Triệu chứng viêm đa hệ thống trẻ em ( viết tắt theo tiếng Anh là PIMS ). Theo cơ quan Y tế Công cộng Pháp, thời gian trung bình để phát các triệu chứng của PIMS là từ 4 đến 5 tuần sau khi trẻ bị nhiễm Covid-19.
Cụ thể, dạng bệnh hiếm này có những triệu chứng như thế nào, trả lời RFI Pháp ngữ ngày 20/05/2020, giáo sư Alexandre Belot, bác sĩ nhi khoa Bệnh viện Bà mẹ – Trẻ em Lyon và cũng là chuyên gia về các bệnh viêm hiếm nơi trẻ em, cho biết :
« Đầu tiên cần phải nhắc lại cho quý vị thính giả rằng đại đa số những ca Covid-19 nơi trẻ em là những ca không có triệu chứng và nay chúng ta biết được là khả năng lây nhiễm của trẻ em không nhiều.
Dạng bệnh được mô tả hiện nay là một dạng rất đặc biệt và rất nghiêm trọng, bao gồm các triệu chứng sốt cao, mệt lả, da nổi mụn đỏ giống như bị sởi, mắt đỏ ngầu, sưng đầu ngón chân tay, thậm chí bị choáng váng, vì có thể là huyết áp hạ thấp. Nếu trẻ chỉ bị sổ mũi hoặc bị sốt thì không phải là thuộc dạng bệnh đó với những triệu chứng mà tôi nêu ở trên. Tôi nghĩ là mọi người đều có thể nhận biết những triệu chứng đó, và khi thấy như vậy thì phải đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay. »
Tại Pháp, theo thông báo của bệnh viện La Timone ở Marseille, đã có một trẻ em đầu tiên bị chết ngày 08/05/2020, sau một tuần lễ được điều trị tích cực với các triệu chứng gần giống như bệnh viêm mạch Kawasaki. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân, một bé trai 9 tuổi sống tại Marseille, đã có tiếp xúc với virus corona, nhưng không có các triệu chứng của Covid-19. Theo thống kê chính thức hiện có 149 ca bệnh PIMS được xác nhận hoặc bị nghi là có liên quan đến Covid -19.
Dạng bệnh viêm này không chỉ xuất hiện ở Pháp mà còn ở một số nước công nghiệp phát triển khác như Anh Quốc, Ý, Bỉ và đặc biệt là Hoa Kỳ, quốc gia bị dịch Covid -19 nặng nhất thế giới hiện nay. Riêng bang New York hôm 13/05 vừa qua thông báo có 102 ca bệnh PIMS, trong đó có 3 em đã chết. Ngay hôm sau, ngày 14/05, Trung tâm Phòng chống dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã phát lời cảnh báo đến giới y tế ở Hoa Kỳ về một căn bệnh viêm hiếm ở trẻ em với những triệu chứng giống bệnh Kawasaki, có thể gây tử vong và rất có thể liên quan đến Covid-19. Tại Anh Quốc, hơn 100 trẻ em cũng đã bị các triệu chứng giống bệnh Kawasaki, trong đó có một thiếu niên 14 tuổi đã chết. Đa số các em này đã bị nhiễm virus corona cách đó một tháng.
Tình hình nghiêm trọng đến mức mà Tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 15/05 cho biết tổ chức này cũng đang nghiên cứu về mối liên hệ có thể có giữa bệnh Covid-19 và bệnh Kawasaki. Ông đã kêu gọi các nhà khoa học toàn thế giới nỗ lực nghiên cứu về hai căn bệnh này.
Nhưng làm thế nào để xác định mối liên hệ giữa dạng bệnh giống Kawasaki và Covid-19, giáo sư Belot giải thích :
« Có hai cách để xác định mối liên hệ đó. Cách thứ nhất là xem xét mối liên hệ vi sinh học. Các ca bệnh đầu tiên đều có phản ứng dương tính với virus corona, dù là qua thử nghiệm PCR hay là qua thử nghiệm huyết thanh, hai kỹ thuật xét nghiệm vi sinh học.
Yếu tố thứ hai là yếu tố dịch tễ học. Chúng tôi đã thiết lập một cơ chế theo dõi, với sự tham gia của cơ quan Y tế Công cộng Pháp và các nhà khoa học, để ghi nhận số ca bệnh mỗi tuần và qua đó đã xác định được hai điểm chính cho thấy có mối liên hệ của dạng bệnh này với Covid-19 : có một đỉnh điểm xảy ra bốn tuần sau khi đợt dịch bệnh bắt đầu ở Pháp, có khi lên đến 30 ca một tuần ( tuần thứ 17 ) và các khu vực địa lý có nhiều ca bệnh này cũng là những khu vực có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất. Như vậy, cả về mặt không gian lẫn thời gian, mối liên hệ này đều được chứng minh. »
Qua các ca bệnh hiện có, hiện nay các nhà khoa học đã có thể rút ra được những nét gì chung của bệnh PIMS, giáo sư Belot cho biết :
« Chúng ta biết rằng dạng bệnh này không xảy ra đối với những trẻ có những bệnh mãn tính ngầm. Những em đó không có bệnh gì đặc biệt. Tỷ lệ trẻ em bị dạng bệnh này nơi các cộng đồng dân cư gốc châu Phi là cao hơn các cộng đồng khác, nhưng đó là những dữ liệu do các đồng nghiệp người Anh đưa ra, chứ ở Pháp chúng ta không có những dữ liệu đó ( vì Pháp không thống kê bệnh nhân theo nguồn gốc sắc tộc ).
Về mặt di truyền, có hai giả thuyết chủ yếu đang được đưa ra trong các cuộc nghiên cứu để phải thích phản ứng miễn nhiễm mạnh một cách đặc biệt của cơ thể. Một mặt, có thể là có một yếu tố về gen khiến cho cơ thể phản ứng một cách thái quá, dẫn đến những triệu chứng như ta đã thấy ở trên. Mặt khác, cần phải nghiên cứu xem virus gây ra dạng bệnh đó có giống với virus đang lan truyền hiện nay, hay là một biến dạng của virus đó, cho nên mới gây ra những triệu chứng rất đặc biệt. »
Bệnh PIMS nguy hiểm như vậy, nhưng rất may là những ca bệnh này rất hiếm và rất nhiều em đã được chữa khỏi. Trả lời RFI hôm 20/05, giáo sư Belot nêu rõ :
« Hai yếu tố quan trọng cần phải nhấn mạnh: thứ nhất, sự xuất hiện của dạng bệnh này rất hiếm so với hàng triệu trẻ em đã tiếp xúc với virus corona. Thứ hai, chỉ có hàng chục trẻ em bị bệnh này, tất cả đều được ra khỏi phòng hồi sức và việc điều trị đang theo chiều hướng tốt, và hiện nay số ca bệnh đang giảm đi ».
Giáo sư Fabrice Michel, trưởng khoa hồi sức nhi bệnh viện La Timone ở Marseille, nơi có trẻ em đầu tiên chết vì bệnh PIMS, trả lời hãng tin AFP ngày 15/05, cũng đã trấn an các bậc cha mẹ rằng có rất ít trẻ em mắc bệnh này và ở Pháp hiện chỉ mới có một ca tử vong, cho nên không phải lo lắng quá mức. Ông chỉ khuyên là nên đưa con đi khám bác sĩ ngay, nếu thấy trẻ sốt hai ngày liên tiếp.
Vấn đề là làm sao các bác sĩ có thể chẩn đoán sớm các triệu chứng của PIMS để chữa trị kịp thời, tránh để xảy ra tử vong ?
Trả lời kênh truyền hình BFMTV ngày 18/05, bố của bé trai 9 tuổi chết ở Marseille cho biết ông đã đệ đơn kiện bệnh viện La Timone, vì cho rằng cái chết của con ông lẽ ra có thể tránh được. Theo lời người bố, trước khi được đưa vào khoa hồi sức, tình trạng sức khỏe của bé trai này trước đó rất tốt. Đầu tiên, đứa bé chỉ bị sốt cao, hầu như không ăn uống gì nữa và cứ ói mữa liên tục. Bệnh nhân cũng bị tiêu chảy và nổi mụn đỏ khắp người.
Sau lần khám đầu tiên, nghĩ rằng bệnh tình không có gì là trầm trọng, bệnh viện đã gởi trả bé trai về nhà với toa thuốc, trong đó bác sĩ có kê thuốc trụ sinh. Và chính là từ lúc đó, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã suy sụp hẳn. Người bố kể tiếp : « Sau khi chúng tôi về nhà, vợ tôi định tắm cho con thì thấy đầu nó ngả ra đằng sau, mắt trợn trừng, rồi bất tỉnh ». Được đưa vào phòng hồi sức ngày 02/05, lúc đó, bệnh nhân mới được chẩn đoán mắc một dạng bệnh giống Kawasaki và kết quả xét nghiệm cho thấy đã bị nhễm virus corona từ nhiều tuần trước đó, nhưng không có triệu chứng. Sáu ngày sau, bé trai chết vì bị tổn thương não sau khi lên cơn đau tim.
Như vậy, chính vì đây là một dạng bệnh hiếm mà lại rất mới, cho nên rất khó cho các bác sĩ chẩn đoán kịp thời và khi chẩn đoán được có khi đã quá trễ, như trường hợp bé trai ở Marseille. Rõ ràng là virus corona chủng mới gây bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều điều bí ẩn mà khoa học chưa khám phá hết, khiến cho việc phòng chống bệnh rất phức tạp và không ai có thể tiên đoán được là khi nào dịch bệnh này mới chấm dứt. Đối với các bố mẹ có con nhỏ, có lẻ không ít người sẽ còn bị danh từ Kawasaki ám ảnh cho đến khi nào các nhà khoa học làm sáng tỏ được mối liên hệ giữa căn bệnh hiếm này với Covid-19.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200527-c%C3%A1c-nh%C3%A0-nghi%C3%AAn-c%E1%BB%A9u-c%E1%BB%91-l%C3%A0m-s%C3%A1ng-t%E1%BB%8F-li%C3%AAn-h%E1%BB%87-kawasaki-covid-19
0 nhận xét