Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Đọc báo Pháp – 18/05/2020

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2020 20:58 // ,

Đọc báo Pháp – 18/05/2020

Làm sao kiện Trung Quốc vì khủng hoảng đại địch virus corona? – Anh Vũ

Đại dịch virus corona và những hậu quả nhiều mặt, vẫn là đề tài chính trên các báo Pháp ra hôm nay 18/05/2020. Các báo lớn dành nhiều sự chú ý vào sự kiện Tổ Chức Y Tế Thế Giới bắt đầu họp đại hội đồng với tâm điểm chú ý vẫn là Trung Quốc, nơi xuất phát dịch bệnh Covid-19.
Trang thế giới của nhật báo Libération có bài: “Điều tra của WHO: Trung Quốc bị chỉ mặt” cho thấy trong trận đại dịch này, Bắc Kinh đang ngày càng bị tấn công nhiều mặt. Đi đầu là Hoa Kỳ với những cáo buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm làm lây lan virus corona.  Và đây sẽ là một trong những vấn đề gây tranh cãi trong phiên họp đại hội đồng của WHO, bắt đầu từ hôm nay.
Tờ báo  ghi nhận: “Cả thế giới mong đợi một cuộc điều tra lớn về xử lý khủng hoảng dịch Covid-19. Sau nhiều tuần bị áp lực từ mọi phía, hôm 08/05 Trung Quốc cuối cùng đã chấp nhận về nguyên tắc cuộc điều tra ‘đánh giá tình hình’ dưới sự bảo trợ của Tổ Chức Y Tế Thế Giới”.  Thế nhưng Bắc Kinh vẫn cố gỡ gạc nói rằng cuộc điều tra này phải diễn ra vào thời điểm thích hợp là sau đại dịch và bước tiến hành phải được các cấp điều hành của WHO thông qua trước và thủ tục này không chỉ nhằm vào riêng Trung Quốc mà liên quan đến cả cách xử lý khủng hoảng ở mọi nước.
Tờ báo cho biết “nhiều tuần qua, chính quyền Trump, các nghị sĩ, luật sư Mỹ và nhiều chính phủ các nước khác, nhiều định chế, chuyên gia tổ chức xã hội dân sự đã lên tiếng chỉ trách nhiệm thuộc về chính quyền Trung Quốc. Người này thì muốn tìm ra thủ phạm, người khác thì hy vọng đòi được Bắc Kinh bồi thường và có những người cũng chỉ muốn rút ra những bài học từ trận đại dịch Covid-19″. Tất cả các cáo buộc đều cho rằng Bắc Kinh đã cố tình che đậy nạn dịch ngay từ đầu.
Cơ sở pháp lý nào để kiện Trung Quốc ?
Nhưng Libération đặt câu hỏi: Cấp cơ quan có thẩm quyền nào có thể tiếp nhận vụ kiện vừa mang tính pháp lý nhưng đồng thời cũng mang tính chính trị này?
“Tội ác về y tế” không tồn tại trong hệ thống pháp lý quốc tế, mà WHO cũng không có cấp pháp lý nào để phán xử. Tuy nhiên tờ báo nhận thấy trong thời gian xảy ra đại dịch, nhiều lần Tòa Hình Sự Quốc Tế La Haye (CPI) được nhắc đến như là định chế có thể tiếp nhận vụ kiện Trung Quốc này.
Trong quá khứ gần đây CPI cũng đã tiếp nhận nhiều hồ sơ kiện theo hướng đó nhưng chỉ phán xử các cá nhân về tội ác diệt chủng, chiến tranh hay chống nhân loại, CPI không có thẩm quyền và cũng không thể chứng minh được chế độ Trung Quốc có ý đồ gây hại cho thế giới trong nạn dịch này.
Có một định chế pháp lý khác cũng đóng tại La Haye là Tòa Công Lý Quốc Tế (CIJ) của Liên Hiệp Quốc, nhưng Tòa chỉ phân xử các bất đồng giữa các quốc gia. Về khả năng này, các chuyên gia luật quốc tế được Libération trích dẫn cũng đánh giá là không khả thi vì sẽ không có nước nào đối mặt với Trung Quốc đứng ra kiện vì biết đâu có ngày trận dịch khác bùng phát ở nước mình.
Mặc dù không có cấp thẩm quyền nào thì có một văn bản khung có thể làm cơ sở cho các thủ tục pháp lý trong trường hợp dịch Covid: Quy Định Y Tế Quốc Tế (RSI) của WHO.  Đó là văn bản luật ra 2005 nhằm “phòng chống các bệnh dịch lây lan trên phạm vi quốc tế, hành động tránh trở ngại cho thông thương quốc tế”.
Trong một báo cáo hồi đầu tháng Tư, liên quan đến dịch virus corona công ty tư vấn Anh Quốc Henry Jackson Society (HJS) ghi nhận: “Nếu, trong trận dịch này, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã hoàn thành nghĩa vụ theo RSI, phần lớn tai họa hiện nay đã có thể tránh được. Nhưng dường như đảng Cộng Sản Trung Quốc đã không rút ra bài học từ dịch SARS (2002-2003)”. Các luật gia đều cho rằng, trên phương diện Nhà nước, Trung Quốc thực tế đã không tuân thủ các nghĩa vụ ghi trong Quy Định Y Tế Quốc Tế.
Dù các tố cáo về trách nhiệm của Trung Quốc trong trận dịch Covid-19, vào đòi bồi thường thiệt hại đã có nhiều từ giới chính trị hay các tổ chức xã hội dân sự, đặc biệt ở Mỹ, nhưng không đơn giản để có được phán quyết pháp lý nhằm vào Trung Quốc.
Theo Libération chỉ còn lại giải pháp là một nước hay một nhóm nước đơn phương trừng phạt theo kiểu như đã làm với Nga sau vụ sáp nhập Crimée 2014. Ở khía cạnh này, tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa bắt Bắc Kinh phải trả giá bằng các đòn áp thuế vào hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.
Đài Loan đi tìm chỗ đứng trong WHO
Cũng tại đại hội đồng của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, một vấn đề gai góc  được dư luận quan tâm đó là tư cách thành viên trong WHO mà Đài Loan đấu tranh để có.
Hòn đảo ly khai từ năm 1949 và luôn bị Hoa Lục coi là 1 tỉnh này đang tìm kiếm một cơ hội để khẳng định vị thế một quốc gia thực thụ trong một định chế quốc tế, qua đại dịch Covid-19.
Với bài báo: “WHO : Đài Loan thách thức Bắc Kinh giữa lúc Trung –Mỹ đọ sức”, Le Figaro ghi nhận: “Một Đài Loan nhỏ bé, dân chủ , tấm gương ứng phó với Covid-19, đang thách thức một nước Trung Quốc chuyên chế, với việc đòi có được vị trí quan sát viên tại Tổ Chức Y Tế Thế Giới”. Đòi hỏi của Đài Loan được My ủng hộ tất nhiên khiến Bắc Kinh bực tức.
Từ đầu trận dịch này, đảo Đài Loan với 23 triệu dân, chỉ có 440 ca nhiễm và 7 trường hợp tử vong. Đây là một thành công đáng để cho nhiều nước lớn học hỏi. Nhưng Bắc Kinh thì không hề hài lòng khi họ đang mở chiến dịch tán dương thành tích xử lý khủng hoảng virus corona, nhằm che khuất các cáo buộc về trách nhiệm để dịch lây lan khắp thế giới.
Chuyên gia Mathieu Duchâtel, phụ trách khu vực châu Á Viện Montaigne của Pháp phân tích: “Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã tặng cho Đài Loan một không gian quốc tế ngoài mong đợi từ cuối thế kỷ 20. Đó là điều mà Bắc Kinh lo lắng”. Trong cuộc đấu tranh này Đài Loan có được sự ủng hộ của đồng minh Mỹ.
Tuy nhiên cuộc chiến ngoại giao của Đài Loan rất gay go, kết quả dường như đã biết trước. Tổng giám đốc của WHO không có quyền mời Đài Loan vào tổ chức mà quyền quyết định thuộc các thành viên tham gia đại hội. Mà các thành viên thì hầu hết đều bị Bắc Kinh khống chế bằng các mối quan hệ làm ăn hay ngoại giao.
Mặc dù vậy, Le Figaro ghi nhận đây là một “thách thức lịch sử” cho Đài Loan. Không có chân trong Liên Hiệp Quốc, nếu được hưởng quy chế quan sát viên của một tổ chức quốc tế như WHO thì Đài Bắc có quyền được chia sẻ thông tin về đại dịch. Từ 2009 đến 2016, Bắc Kinh đã nhượng bộ cho chính quyền Mã Anh Cửu, được cho là thân Bắc Kinh, được hưởng quy chế này, nhưng đến thời bà Thái Anh Văn, người chủ trương độc lập cho Đài Loan, thì Bắc Kinh ngay lập tức gây sức ép để đẩy Đài Loan ra khỏi WHO. Với Bắc Kinh, điều kiện duy nhất để Đài Loan gia nhập WHO là thừa nhận thỏa thuận 1992, tức là phải tôn trọng nguyên tắc 1 nước Trung Quốc, điều mà chính quyền của bà Thái Anh Văn không thể chấp nhận.
Vậy là “thách thức lịch sử đã đẩy 23 triệu dân hòn đảo ra bên lề của con đường sức khỏe giữa đại dịch”, Le Figaro kết luận.
Covid-19 : Cuộc chiến y tế – địa chính trị
Cũng liên quan đến mặt trận ngoại giao y tế, nhật báo La Croix có bài “Trận chiến chống virus corona cũng là trận chiến địa chính trị”.
Bài viết ghi nhận một thực tế đang diễn ra trong trận dịch Covid-19 này là một số nguyên thủ quốc gia như Donald Trump hay Emmanuel Macron, không còn ngại nhảy vào mặt trận các cuộc thử nghiệm lâm sàng trị Covid-19. Lý do là vì vấn đề điều trị hay vac-xin mang những thách thức được mất về địa chính trị rất lớn, không riêng với Pháp, Mỹ mà với cả nhiều nước lớn khác, trong đó phải kể đến cả Trung Quốc.
Bên ngoài, ai cũng hô hào các nhà khoa học thế giới phải phối hợp hành động để đẩy lùi virus corona. Nhìn chung thì các nhà khoa học cũng đã có chia sẻ các nghiên cứu của mình. Nhưng thực chất bên trong đang diễn ra cuộc cạnh tranh giành giật các thành tựu nghiên cứu về cho nước mình.
Tờ báo nhấn mạnh, không phải ngẫu nhiên mà một số nguyên thủ quốc gia thường hay thay vị trí của các bác sĩ hay các nhà khoa học để thông báo tiến triển từng bước liệu pháp chữa trị bệnh hay nghiên cứu vac-xin,
Đến giờ chưa thể nói thành công khoa học đẩy lùi đại dịch Covid-19 thuộc về ai, nhưng có điều chắc chắn nước nào triển khai đầu tiên sản xuất vac-xin phòng ngừa virus corona sẽ có được uy tín quốc tế rất lớn, chưa nói đến nguồn lợi về tài chính.
La Croix kết luận: “Một trận chiến để cứu mạng người. Nhưng cũng để giữ hoặc để trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, có khả năng cứu vớt phần còn lại của thế giới”.
Trở lại với trang nhất các báo Pháp
Liberation lấy chủ đề chính: “Được giảm phong tỏa cũng không dễ gì”. Tờ báo lấy ý kiến của nhiều người dân sau khi gỡ bỏ phong tỏa cho thấy, trong khi mà một phần đông dân Pháp tìm lại được niềm vui tự do đi lại, thì một số không ít lại tỏ ra khó khăn khi được giải tỏa vì nỗi lo sợ dịch bệnh bên ngoài và có phần tiếc nuối nhịp sống chậm trong phong tỏa vì Covid-19. Giờ họ đang lại phải dần dần thích ứng với cuộc sống tự do.
Le Monde chú ý đến mối liên hệ giữa nhập cư với các thầy thuốc tham gia chống đại dịch. Tờ báo dẫn các số liệu thống kê mới đây ở nhiều nước cho thấy: Hơn 1/4 các bác sĩ ở các nước thuộc Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OCDE) là người nhập cư. Những thầy thuốc nhập cư này trên tuyến đầu
chống Covid 19 là một đội ngũ cốt tử của hệ thống y tế của các nước giàu. Con số cho thấy các nước giàu có thiếu nhân sự y tế nhưng đồng thời đang làm cạn nguồn lực của các nước nghèo.
http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200518-l%C3%A0m-sao-ki%E1%BB%87n-trung-qu%E1%BB%91c-v%C3%AC-kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-%C4%91%E1%BA%A1i-%C4%91%E1%BB%8Bch-virus-corona

Tin tổng hợp
(Yonhap) – Seoul hoãn thao diễn quân sự trên biển để tránh khiêu khích Bình Nhưỡng? 
Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc ngày 18/05/2020 giải thích do thời tiết xấu nên đã phải tạm hoãn cuộc tập trận được dự trù mở ra kể từ ngày mai 19/05. Bộ Quốc Phòng cũng bác bỏ cáo buộc của một số truyền thông Hàn Quốc cho rằng chính phủ hoãn cuộc tập trận quy mô nói trên nhằm tránh chọc giận Bình Nhưỡng trong bối cảnh Bắc Triều Tiên liên tục thử tên lửa đạn đạo trong tháng 3/2020. Theo dự kiến, Hàn Quốc huy động Lục Quân, Hải Quân và Không Quân tập trận bằng đạn thật ngoài khơi Uljin, đông nam Hàn Quốc. Cuộc thao diễn dự trù huy động cả tên lửa đạn đạo, tàu chiến và chiến đấu cơ.
(Vietnamnet) – Vụ tử hình Hồ Duy Hải: Lần đầu tiên Viện Kiểm Sát Tối Cao lên tiếng, từ khi Tòa Tối Cao bác kháng cáo của Viện Kiểm Sát. 
Trong phán quyết đưa ra ngày 08/05/2020, Hội đồng thẩm phán Tòa Án Tối Cao Việt Nam đã bác bỏ tính hợp pháp của bản kháng cáo của Viện Kiểm Sát Tối Cao. Hôm nay, 18/05, trong một cuộc tiếp xúc với cử tri tại thành phố HCM, viện trưởng Viện Kiểm Sát Tối Cao, ông Lê Minh Trí, lần đầu tiên lên tiếng, khẳng định kháng cáo của Viện Kiểm Sát Tối Cao là « đúng thẩm quyền » và « có căn cứ ».
(AFP) – Khủng bố tại Ghazni, miền đông Afghanistan một ngày sau khi tổng thống Ashraf Ghani và đối thủ chính trị đồng ý chia sẻ quyền lực. 
Ít nhất bảy người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong một vụ tấn công tự sát tại thành phố Ghazni vào sáng nay 18/05/2020. Taliban nhận là thủ phạm. Sự kiện xảy ra một ngày sau khi tổng thống Afghanistan, và đối thủ Abdullah Abdullah đồng ý gạt sang những bất đồng đề cùng có chung một tiếng nói trong đàm phán với Taliban, vãn hồi hòa bình một cách lâu dài cho quốc gia Nam Á này.
(AFP) – Nhà Thờ Thánh Phêro tại Roma mở cửa trở lại đón công chúng. 
Dưới sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát Ý, sáng nay (18/05/2020) tín đồ công giáo đã được viếng thăm trở lại Nhà Thờ Thánh Phêrô tại Vatican. Đây là biểu tượng của sự hồi sinh tại Ý sau khi di tích này bị đóng cửa từ hôm 10/03/2020 vì dịch Covid-19. Khách tham quan phải đeo khẩu trang và tôn trọng khoảng cách an toàn 1,5 mét.
(Reuters) – Madrid hy vọng mở cửa biên giới cho du khách nước ngoài vào cuối tháng 6/2020. 
Bộ trưởng Du lịch Tây Ban Nha ngày 18/05/2020 bày tỏ hy vọng chóng sang trang thời kỳ dịch Covid-19 để có thể “khởi động lại các ngành du lịch kể từ cuối tháng 6 tới đây”. Tây Ban Nha là một trong những địa điểm du lịch được ưa chuộng nhất. Lĩnh vực này đang kiệt quệ kể từ khi dịch bệnh bùng phát cuối tháng 2, đầu tháng 3/2020.  Với hơn 27.000 người thiệt mạng vì virus corona, Tây Ban Nha là một trong những quốc gia phải trả giá đắt nhất trên thế giới.
(AFP) – Tình hình dịch Covid-19 tại Daguestan – vùng Kavkaz – “khó kiểm soát”. 
Bộ trưởng Y Tế Nga, Djamaloudine Gaadjiibraguimov ngày 18/05/2020 nhìn nhận khoảng 40 nhân viên y tế và “hàng trăm bệnh nhân” đã qua đời vì dịch viêm phổi cấp tính do virus corona chủng mới gây nên. Daguestan là vùng đất nghèo trong khu vực Kavkaz. Theo các số liệu chính thức, tại dây có 3.460 ca nhiễm và 29 người tử vong, nhưng theo lời bộ trưởng Y Tế Nga, thực tế có nghiêm trọng hơn nhiều. Ông đưa ra con số 12.600 ca nhiễm và 657 bệnh nhân đã qua đời.
(Yonhap) – Vac-xin chống Covid-19: Quỹ Bill Gates đóng góp 3,6 triệu đô la. 
Theo công ty dược phẩm Hàn Quốc SK Bioscience, quỹ của vợ chồng tỉ phú Mỹ Bill Gates sẽ đầu tư 4,4 tỉ won (tương đương 3,6 triệu đô la) để thúc đẩy việc bào chế một vac-xin mới chống Covid-19. Chủ tịch tập đoàn Ahn Jae-Yong tuyên bố sẽ tập trung toàn bộ nỗ lực để chế tạo được một loại vac-xin chống Covid-19, « vì lợi ích chung của nhân loại ».
(Reuters) – Covid-19: Với hơn 90.000 ca nhiễm, Ấn Độ kéo dài phong tỏa đến 31/05. 
Chính quyền New Delhi, hôm qua, 17/05/2020, thông báo kéo dài phong tỏa, hết hạn vào hôm qua. Các trường học, trung tâm thương mại, đa số các địa điểm công cộng sẽ đóng cửa trong giai đoạn này. Tính cho đến hôm qua, Ấn Độ ghi nhận có 2.872 người chết vì Covid-19. Lệnh phong tỏa được áp dụng từ ngày 25/03, và đã nhiều lần được triển hạn.
(AFP) – Nam tài tử Michel Piccoli, cây đại thụ của làng điện ảnh Pháp từ trần, thọ 94 tuổi. 
Gia đình của nghệ sĩ Pháp cho biết ông qua đời từ hôm 12/05/2020. Michel Piccoli nổi tiếng với bộ phim Le Mépris khi xuất hiện cùng với nữ diễn viên Brigitte Bardot năm 1963.  Đến nay ông để lại 150 tác phẩm, cộng tác với những đạo diễn tên tuổi của thế giới như Alfred Hitchcock, Jacques Demy, Luis Buñuel, Jean Renoir hay Claude Chabrol. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng lớn của ba liên hoan điện ảnh Quốc Tế là Cannes, Venise và Berlin. Mãi đến gần cuối đời, năm 2015, Piccoli mới tiết lộ chuyện tình ngắn ngủi giữa ông và ngôi sao màn bạc Romy Schneider. Họ đã sáu lần chia sẻ ánh sáng đèn màu của các phim trường.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200518-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới sáng 18/5:

Ông Pompeo nói nhà báo Mỹ

không phải cán bộ tuyên huấn của Bắc Kinh

Lục Du
Chào mừng quý độc giả của Đại Kỷ Nguyên đến với Mục Điểm tin thế giới. Sáng nay, thứ Hai (18/5), bản tin của chúng tôi có những tin sau:
Ông Pompeo: Nhà báo Mỹ không phải cán bộ tuyên huấn của Bắc Kinh
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm Chủ nhật nói rằng ông nhận thấy chính phủ Trung Quốc đã đe dọa can thiệp vào công việc của các nhà báo Hoa Mỹ tại Hồng Kông, và cho biết bất kỳ quyết định nào của Bắc Kinh về quyền tự trị của Hồng Kông có thể ảnh hưởng đến đánh giá của Hoa Kỳ về trạng thái của hòn đảo bán tự trị này, theo Reuters.
“Những nhà báo này là thành viên của một nền báo chí tự do, không phải là cán bộ tuyên huấn [của Bắc Kinh], các báo cáo có giá trị của họ cung cấp thông tin cho công dân Trung Quốc và thế giới”, ông Pompeo tuyên bố.
Hôm 6/5, ông Pompeo cho biết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang trì hoãn báo cáo gửi Nghị viện Mỹ về việc đánh giá tình hình của Hồng Kông, để tiếp tục theo dõi thái độ của Bắc Kinh đối với quyền tự trị của hòn đảo trong các cuộc họp quan trọng của Quốc hội Trung Quốc diễn ra vào cuối tháng này.
Triều Tiên kêu gọi người dân tin vào chủ nghĩa xã hội
Tờ Lao động Tân Văn của Triều Tiên, hôm Chủ nhật, đăng một bài viết kêu gọi người dân Bắc Hàn hãy tiếp tục đặt niềm tin mạnh mẽ vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội khi đối mặt với những thách thức, nói rằng không có chướng ngại nào là không thể vượt qua nếu như có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của chính mình, theo Yonhap.
Tờ báo là cơ quan ngôn luận của đảng Lao động cầm quyền ở Triều Tiết viết: “Niềm tin và ý chí của nhân dân ta là vững chắc và mạnh mẽ, [đây là cơ sở] mở ra con đường hướng tới một chiến thắng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, vượt qua khủng hoảng khắc nghiệt dưới sự lãnh đạo của đảng ta”.
Bài viết của Lao động Tân văn thường xuyên lặp lại những cụm từ như “khủng hoảng khắc nghiệt”, “những thách thức và áp lực khó khăn không thể chịu đựng” và “nghịch cảnh khó khăn chưa từng thấy” để mô tả các tình huống mà chế độ đang cầm quyền ở Triều Tiên phải đối mặt ở thời điểm hiện tại.
Thế giới ủng hộ Đài Loan tham gia hoạt động của WHO
Các nhà lãnh đạo trên thế giới đã ủng hộ quan điểm của Hoa Kỳ rằng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không nên để Đài Loan bên ngoài chiến dịch chống dịch viêm phổi Vũ Hán, theo bản tin hôm Chủ nhật của Fox News.
Trong một lá thư gửi WHO vào tuần trước, Hoa Kỳ đã kêu gọi các đồng minh ủng hộ quan điểm rằng Đài Loan nên được tham gia vào các hoạt động chống dịch Covid-19 của WHO.
Nhiều quốc gia đã hồi đáp tích cực đề nghị của Mỹ, họ đồng ý rằng Đài Loan cần được tham gia vào một hội nghị video được WHO tổ chức vào thứ Hai. Đại sứ quán Anh, Đức tại Đài Bắc đã ra các tuyên bố ủng hộ việc này, bên cạnh đó Đài Loan cũng nhận được sự ủng hộ của Canada, Nhật, Úc và EU.
Hiện Đài Loan được xem là một trong những vùng lãnh thổ phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán hiệu quả nhất thế giới. Tuy nhiên, do sức ép từ Bắc Kinh, hòn đảo này không được tham gia bàn thảo các biện pháp đẩy lùi dịch Covid-19 của WHO.
Đại sứ Trung Quốc tại Israel tử vong tự nhiên
Những dấu hiệu ban đầu cho thấy cái chết của ông Du Wei – Đại sứ Trung Quốc tại Israel, vào hôm Chủ nhật, là vì nguyên nhân tự nhiên, một quan chức Israel cho biết, theo Reuters.
Một phát ngôn viên của cảnh sát Israel đã xác nhận cái chết của vị Đại sứ Trung Quốc 57 tuổi tại một căn hộ ở ven biển Herzliya, ngoại ô thủ đô Tel Aviv của Israel. Vợ và con của ông Du không sống cùng ông tại Israel.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã đăng một dòng tweet bày tỏ sự “chia buồn sâu sắc nhất” đối với sự ra đi của đồng nghiệp, tuy nhiên không cung cấp thông tin chi tiết về cái chết của ông Du.
Nhân viên nhiễm nCoV, MacDonald Úc đóng cửa
Mười hai cửa hàng McDonald đã bị đóng cửa ở bang Victoria, Úc, do tài xế xe tải của chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh nổi tiếng này bị nhiễm virus Vũ Hán, theo bản tin hôm Chủ nhật của SBS News.
McDonald cho biết chưa phát hiện nhân viên nào khác bị dương tính với nCoV, trấn an rằng khách hàng của họ có thể vẫn an toàn, và cho biết thêm những nhân viên có nguy cơ nhiễm bệnh đã được cách ly.
Bộ Y tế Úc xác nhận tài xế nhiễm nCoV của McDonald bị lây nhiễm virus từ một công nhân làm việc tại Fawkner McDonald, nơi đã phát hiện 10 trường hợp mắc Covid-19 vào ngày 9/5.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-18-5-ong-pompeo-noi-nha-bao-my-khong-phai-can-bo-tuyen-huan-cua-bac-kinh.html

Điểm tin thế giới chiều 18/5:

Ông Trump nói không muốn đàm phán lại

 thỏa thuận thương mại với Trung Quốc

Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Hai (18/5) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Ông Trump nói không muốn đàm phán lại thỏa thuận thương mại với Trung Quốc
Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Sunday Morning Futures” của Fox News hôm 17/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông sẽ không đàm phán lại thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc và cũng không muốn nói chuyện với ông Tập Cận Bình.
Người dẫn chương trình Batiromo nói rằng đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã giảm nhẹ tính nghiêm trọng của bệnh dịch. Họ cho phép người dân đi du lịch quốc tế, 5 triệu người đã rời Vũ Hán. Đồng thời, ĐCSTQ thu gom vật tư y tế trên thị trường quốc tế. Tổng thống Trump trả lời ngụ ý rằng ĐCSTQ đã biết về tình hình dịch bệnh này khi ký thỏa thuận thương mại và không thông báo cho ông, vì vậy ông không hài lòng với ĐCSTQ.Tổng thống Trump nói những điều này không quan trọng. Điều quan trọng là: “Họ không nên để sự việc này phát sinh. Tôi đã đạt được một thỏa thuận thương mại tuyệt vời… nhưng thỏa thuận vừa ký xong thì bệnh dịch kéo tới”. Ông Trump một lần nữa nói rằng Hoa Kỳ sẽ không nối lại các cuộc đàm phán với ĐCSTQ về thỏa thuận 250 tỷ USD đã đạt được.
“Tôi hiện rất không hài lòng với bất cứ điều gì liên quan đến chủ đề này”, ông Trump nói.
Tổng thống Trump nói thêm rằng ông từng có mối quan hệ tốt với ông Tập. “Nhưng hiện tại, tôi không muốn nói chuyện với ông ấy”.
Đài Loan không được mời dự họp WHO
Hãng tin Reuters cho biết, Đài Loan nói không được mời dự cuộc họp của WHO “do áp lực từ Trung Quốc”, bất chấp những nỗ lực vận động hành lang của hòn đảo và sự ủng hộ của các nước trên thế giới.
“Cơ quan ngoại giao vô cùng lấy làm tiếc và rất bất mãn vì Ban Thư ký Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chịu áp lực từ Trung Quốc và coi thường 23 triệu người dân Đài Loan”, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) nói với các phóng viên ở Đài Bắc hôm nay.
Ông Ngô cho biết thêm rằng Đài Loan đã đồng ý vấn đề tham gia của họ sẽ được hoãn đến cuối năm nay, do đó cuộc họp có thể tập trung vào Covid-19.
Trung Quốc cử đoàn điều tra đại sứ đột tử tại Israel
Tờ Haaretz đưa tin, Bắc Kinh hôm nay cử một đội đặc biệt tới Israel nhằm điều tra cái chết của Đỗ Vỹ (Du Wei), 58 tuổi, người được bổ nhiệm làm Đại sứ Trung Quốc tại Israel vào tháng 2. Ông Đỗ hôm 17/5 được phát hiện chết trong căn hộ ở ngoại ô Tel Aviv.Phái đoàn được cử tới Tel Aviv sẽ mở cuộc điều tra nội bộ về cái chết của ông Đỗ, sắp xếp đưa thi thể đại sứ này về nước và điều phối hoạt động của đại sứ quán. Một đại diện của gia đình ông Đỗ sẽ cùng đi với đoàn.
Số ca nhiễm mới Covid-19 tại Nga thấp nhất trong gần 3 tuần
AFP đưa tin, Cơ quan Giám sát Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng và Nhân quyền Liên bang Nga (Rospotrebnadzor) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 8.926 người nhiễm nCoV, đánh dấu lần đầu tiên ca nhiễm mới hàng ngày ở dưới 9.000 kể từ đầu tháng 5. Hiện nước này ghi nhận tổng cộng 290.678 ca nhiễm nCoV, cao thứ hai thế giới, trong đó 2.722 người đã chết.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-18-5-ong-trump-noi-khong-muon-dam-phan-lai-thoa-thuan-thuong-mai-voi-trung-quoc.html

Tạp chí Việt Nam

Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thời Covid-19

Thu Hằng
Dịch Covid-19 tác động trực tiếp và gián tiếp đến quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là tình hình ở Biển Đông. Sau một thời gian tạm ngừng, trao đổi thương mại giữa hai nước dần được nối lại. Tuy nhiên, tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng hơn do Bắc Kinh lợi dụng việc thế giới bận chống dịch để gia tăng hành động quân sự, củng cố yêu sách chủ quyền và chèn ép các nước có tranh chấp trong khu vực.
Hà Nội đối phó như thế nào với chiến lược của Bắc Kinh ? Liệu đại dịch Covid-19 có trở thành cơ hội để Việt Nam thu hút thiện cảm của công luận quốc tế, đặc biệt là trước sự chèn ép ngày càng thô bạo của Trung Quốc ở Biển Đông ?
RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên trường Sư phạm Lyon (Ecole normale supérieure de Lyon), Pháp.
*****
RFI : Khi dịch Covid-19 xuất phát tại Trung Quốc, chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều biện pháp triệt để, trong khi nhiều nước vẫn do dự và tiếp tục cho công dân Trung Quốc nhập cảnh. Tương tự, ngay khi dịch có dấu hiệu tạm lắng, Việt Nam lại khẩn trương mở cửa biên giới, nối lại trao đổi thương mại với Trung Quốc. Phải hiểu quyết tâm này như thế nào ?
Laurent Gédéon : Trường hợp của Việt Nam rất đáng chú ý, chỉ có hơn 300 trường hợp nhiễm Covid-19 và không có ca tử vong nào. Kết quả này biến Việt Nam thành một quốc gia rất đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh. Và kết quả này gắn chặt với tinh thần cảnh giác, mau lẹ trong chiến lược chống dịch từ rất sớm của chính quyền.
Từ sự cảnh giác này, chính quyền Việt Nam đã đưa ra ba loạt biện pháp chính, trong đó có các biện pháp đóng cửa, như đóng cửa trường học, tạm ngừng các chuyến bay giữa hai nước và đóng cửa biên giới với Trung Quốc. Dĩ nhiên, quyết định này tác động nặng đến kinh tế, nhưng chính phủ Việt Nam chịu trách nhiệm về quyết định này.
Bắc Kinh từng xem những nước hạn chế nhập cảnh đối với công dân Trung Quốc là “thiếu thân thiện”. Nhưng sau đó, quan điểm của họ dần thay đổi vì ngày càng có nhiều ca nhiễm virus corona chủng mới ngoài lãnh thổ Trung Quốc nên cần phải hạn chế tình trạng lây nhiễm giữa các cá nhân. Vì thế đến lượt Trung Quốc cấm nhập cảnh đối với công dân các nước bị dịch Covid-19, trong đó có Việt Nam, sau đó là Ý và nhiều nước châu Âu khác.
Vì vậy, xét về mặt nào đó, những biện pháp được Việt Nam đưa ra không hẳn bị Bắc Kinh coi là tiêu cực mà nên hiểu ở đây là tùy vào tiến triển nhận thức về mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19, các nước phải chặn trước di chuyển của người dân từ nước này sang nước khác. Và tôi cho rằng đây là một yếu tố đặc biệt góp phần vào việc giữ gìn quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Nếu nhìn vào cán cân thương mại song phương, Trung Quốc đóng vai trò rất quan trọng, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc. Việt Nam có lợi về mặt kinh tế vì giao thương với Trung Quốc được nối lại, không bị ngắt quãng quá lâu, do trao đổi thương mại với Trung Quốc góp phần quan trọng vào GDP của Việt Nam. Như vậy, cả Trung Quốc và Việt Nam đều có lợi khi biên giới giữa hai nước được mở cửa trở lại và trao đổi thương mại phát triển trong bối cảnh dịch bệnh đã ổn định và dĩ nhiên cả hai nước chẳng có lợi gì khi phải đóng cửa biên giới quá lâu.
RFI : Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có lợi sau đại dịch Covid-19 vì một số doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc có thể chuyển sang Việt Nam. Bắc Kinh nhìn nhận khả năng này như thế nào ? Liệu giữa hai nước có xuất hiện cạnh tranh nào đó không ?
Laurent Gédéon : Đúng là giả thuyết một số doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc chuyển sản xuất sang Việt Nam được nhắc đến, nhưng thiên về khía cạnh chính trị, do muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp để tránh quá phụ thuộc vào một nước nào đó, cụ thể là Trung Quốc. Giả thuyết này cũng từng được nêu nhưng về khía cạnh kinh tế, không liên quan gì đến Covid-19, vì sản xuất tại Trung Quốc không còn lợi như trước do chi phí sản xuất cao hơn.
Nhưng theo tôi, phải nêu rõ là việc di dời doanh nghiệp sẽ cần đến sự hội tụ về lợi ích, giữa lợi ích chính trị của một nước với lợi ích riêng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, lợi ích của khối tư nhân chưa hẳn đã giống với lợi ích của chính phủ nước họ. Tương tự, không phải những lợi ích về địa chính trị được Nhà nước ưu tiên lại phù hợp với lợi ích về kinh tế của doanh nghiệp.
Người ta vẫn thường xuyên nhắc đến sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, nhưng đây chưa chắc là vấn đề đối với một doanh nghiệp vì họ thấy lợi ích tài chính khi đầu tư vào Trung Quốc. Cho nên, tôi nghĩ rằng những rủi ro về dịch tễ hoặc an ninh phải kéo dài thì mới có thể đẩy các doanh nghiệp rời Trung Quốc.
Ngoài ra, việc di chuyển một dây chuyền sản xuất không thể tiến hành trong vài ngày hay vài tuần. Quá trình này cần đến việc hoạt động sản xuất phải được phát triển dần dần ở nước tiếp nhận mới và hoạt động sản xuất giảm dần ở nước cũ. Nếu không làm được điều này, sản xuất có nguy cơ bị ngưng trệ đột ngột. Để chiến lược này có khả năng thực hiện được đối với một doanh nghiệp, thì cần phải có một quy chế tài chính và quy định rất hấp dẫn, cũng như điều kiện cuộc khủng hoảng dịch tễ phải đủ kéo dài để đáng di dời sản xuất khỏi Trung Quốc.
Có một điểm lưu ý khác mà tôi cũng cho là quan trọng, đó là dịch Covid-19 không chỉ tác động đến mỗi Trung Quốc, mà cả thế giới đang phải hứng chịu, kể cả các nước phương Tây. Nếu nhìn theo quan điểm của một doanh nghiệp, rủi ro tại Trung Quốc không hẳn đã cao hơn so với những nước khác.
Chúng ta cũng nhận thấy là tình hình giữa các nước muốn “hồi hương” hoạt động sản xuất cũng không giống nhau và các nước tìm cách đưa các doanh nghiệp của họ ra khỏi Trung Quốc là để phục vụ lợi ích quốc gia. Nhật Bản là một trường hợp điển hình. Trong khuôn khổ “Kế hoạch Tái thiết”, Tokyo dành khoản ngân sách 2 tỉ euro cho các doanh nghiệp Nhật muốn chuyển hoạt động từ Trung Quốc về nước. Dĩ nhiên Bắc Kinh không hài lòng về thông báo của Tokyo.
Việt Nam nằm trong trường hợp thứ hai. Khác với trường hợp Tokyo muốn “hồi hương” doanh nghiệp Nhật, Hà Nội tìm cách thu hút công ty nước ngoài. Và quá trình này sẽ phức tạp hơn cho Việt Nam vì hai lý do. Thứ nhất, theo quan điểm của các doanh nghiệp phương Tây, thì về mặt địa lý, Việt Nam cũng xa như Trung Quốc. Như vậy, đây không hẳn là một lợi thế về địa-chính trị liên quan đến khoảng cách quá lớn giữa nhà cung cấp và khách hàng. Ví dụ, Pháp thường xuyên nêu vấn đề di dời các doanh nghiệp Pháp từ Trung Quốc về nước, thế nhưng, khu vực Bắc Phi lại thường được nhắc đến với ưu điểm là gần với châu Âu.
Lý do thứ hai mang tính địa chính trị đối với Việt Nam và liên quan đến tình hình Biển Đông. Các nhà đầu tư có thể do dự vì chỉ cần Biển Đông bị cản trở thì hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ gần như bị tê liệt hoàn toàn. Dĩ nhiên Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng nhưng nước này có thể thoát dễ hơn.
Tóm lại là chính sách có chủ ý, tranh thủ thời dịch Covid-19 để thu hút các doanh nghiệm từ Trung Quốc sang Việt Nam, khiến Bắc Kinh không hài lòng và chắc chắn trở thành một yếu tố mới, tăng thêm trọng lượng cho sự cạnh tranh tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam. Điều này có thể sẽ bị Bắc Kinh khai thác, trong giai đoạn căng thẳng, để cố làm mất uy tín chính sách của Hà Nội.
RFI : Phải hiểu như thế nào về những hoạt động cả về hành chính lẫn quân sự được Trung Quốc tiến hành với cường độ lớn ở Biển Đông ? Việt Nam có thể làm gì để đối phó, với tư cách là nước chủ tịch luân phiên ASEAN, cũng như với tư cách là một bên bị tác động vì các hành động của Trung Quốc ?
Laurent Gédéon : Chúng ta thấy nhiều yếu tố gây hấn khác nhau, có chủ ý từ phía Trung Quốc, ở Biển Đông. Ở đây, chúng ta có thể nghĩ là Trung Quốc đã lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để thử một kiểu “đảo chính ngoại giao” ở Biển Đông và củng cố lập trường của họ.
Ngoài ra, người ta cũng có thể hoàn toàn nhận thấy là hình ảnh một đất nước Trung Hoa bị suy yếu vì đại dịch và phải tạm rút khỏi chính trường quốc tế đã bị truyền tải trong suốt nhiều tuần. Vì vậy, việc cử tầu sân bay Liêu Ninh tập trận ở Biển Đông cũng nhằm mục đích điều chỉnh lại hình ảnh này và để nhắc nhở rằng Trung Quốc là một cường quốc chủ động và vẫn đáng tin cậy cho các tác nhân khác, trong đó có các nước trong vùng, kể cả Việt Nam.
Dĩ nhiên Việt Nam có thể thử với chức chủ tịch luân phiên của ASEAN. Nhưng nội bộ khối này lại có rất nhiều bất đồng và một số nước thành viên lại có quan hệ mật thiết với Trung Quốc (như Lào và Thái Lan) và trở thành những đồng minh rất hữu hiệu cho Bắc Kinh. Vì thế, đối với Hà Nội, rất khó trực tiếp vận động được toàn khối ASEAN chống Trung Quốc. Tuy nhiên, điều mà Việt Nam có thể làm được, đó là tranh thủ chức chủ tịch ASEAN để tăng cường nỗ lực đúc kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Đó là một dự án mà có thể tập trung được một số đồng thuận nhất định trong số các nước thành viên ASEAN. Đây là một kiểu đối đầu gián tiếp và tôi cho rằng đó là đòn bẩy hành động đúng đắn nhất.
RFI : Việt Nam cũng tiến hành “ngoại giao khẩu trang”, trái ngược với chiến dịch tương tự của Trung Quốc bị xem là “kiêu ngạo”, theo kiểu “cứu tinh”. Liệu Hà Nội có thể trông đợi vào chiến lược này để nhận được ủng hộ của quốc tế về vấn đề Biển Đông không ?
Laurent Gédéon : Đúng là cuộc chiến chống Covid-19 của Hà Nội đã tạo nên một hình ảnh rất tích cực về Việt Nam và được truyền tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông thế giới. Chính sách ngoại giao khẩu trang của Hà Nội cũng góp phần củng cố sự đánh giá tích cực về Việt Nam. Điều này diễn ra trong bối cảnh thuận lợi, mà tôi xin nhắc lại là liên quan đến việc ký kết thỏa thuận tự do trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu, có rất nhiều thông cáo được công bố trong tháng Giêng và tháng Hai 2020.
Chính vì vậy, việc thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Tô Anh Dũng, ngày 07/04, đã trao tặng cho đại sứ năm nước châu Âu, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh Quốc, 550.000 chiếc khẩu trang được sản xuất tại Việt Nam cho thấy một hành động truyền thông mạnh mẽ và góp phần vào chiến lược “quyền lực mềm” của Việt Nam. Ngoài ra, Hà Nội cũng tặng khẩu trang cho các nước láng giềng.
Song song đó là chiến lược gây ảnh hưởng của Trung Quốc. Bắc Kinh cố không phạm một sai lầm nào trong việc xử lý khủng hoảng và đề cao mô hình chống dịch của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh cũng tỏ lòng hào hiệp, thể hiện khả năng huy động sản xuất công nghiệp giúp các quốc gia khác vượt qua đại dịch. Trung Quốc tìm cách phổ biến hình ảnh một quốc gia nhân từ, trong khi Trung Quốc bị cáo buộc che giấu quy mô ban đầu của dịch cũng như nguồn gốc của virus corona chủng mới.
Trong bối cảnh này, chính sách ngoại giao khẩu trang của Việt Nam không đủ mạnh, theo nghĩa truyền thông, để chống lại chiến lược tầm quốc tế của Trung Quốc. Nhưng Hà Nội có thể kỳ vọng vào công luận của các nước phương Tây, chú ý hơn đến tình hình Biển Đông vì chủ đề này được đề cập ngày càng nhiều trong chương trình thời sự. Cách Trung Quốc lợi dụng khủng hoảng dịch tễ để khẳng định lập trường thông qua các hoạt động quân sự cũng làm xấu hình ảnh của nước này.
Ngoài ra, cần phải bổ sung thêm một ý nữa, đó là những hành động trên của Trung Quốc diễn ra vào lúc, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ngày 23/03 đã kêu gọi đình chiến trên thế giới để tập trung chống dịch Covid-19. Dĩ nhiên, tình hình ở Biển Đông không phải là cuộc chiến trực diện, nhưng có thể coi đó là những hành động quân sự gây hấn và xảy ra trong bối cảnh cả thế giới tập trung sức lực chống đại dịch. Và điều này không tương thích với hình ảnh “trấn an” mà Trung Quốc cố thể hiện. Tôi nghĩ rằng đó là những yếu tố mà Việt Nam có thể tranh thủ trong cuộc chiến tái lập lập trường riêng ở Biển Đông và thu hút sự ủng hộ của công luận thế giới trong đối sách của Hà Nội.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên trường Sư phạm Lyon (Ecole normale supérieure de Lyon).
http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200518-quan-h%E1%BB%87-vi%E1%BB%87t-nam-trung-qu%E1%BB%91c-th%E1%BB%9Di-covid-19

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.