Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 02/02/2020

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2020 18:01 // ,

Tin khắp nơi – 02/02/2020

Luận tội TT Trump: Thượng viện bác triệu tập nhân chứng,

dọn đường cho tha bổng

Thượng viện Hoa Kỳ vào cuối ngày thứ Sáu (31/1) đã bỏ phiếu bác bỏ yêu cầu triệu tập nhân chứng và thu thập thêm bằng chứng cho phiên xử luận tội Tổng thống Donald Trump, dọn đường cho ông Trump hầu như sẽ được tha bổng vào tuần tới.
Với tỉ lệ biểu quyết 51/49, Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã chặn nỗ lực của đảng Dân chủ muốn lấy lời khai từ các nhân chứng như cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, người được cho là trực tiếp hiểu rõ các nỗ lực của Trump gây áp lực đòi Ukraine điều tra đối thủ chính trị của ông là cựu phó tổng thống Joe Biden.
Cuộc tranh luận kết thúc sẽ bắt đầu lúc 11 giờ sáng, giờ Washington, vào thứ Hai (3/2) trong bốn giờ đồng hồ, giữa bên công tố và bên biện hộ. Lịch biểu này cho phép bốn thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đang tranh làm ứng cử viên tổng thống của đảng họ đủ thời gian để bay về Iowa dự cuộc tranh cử trong nội bộ đảng tại tiểu bang đầu tiên này.
Tổng thống Trump sẽ đọc thông điệp liên bang trước lưỡng viện Quốc hội vào tối thứ Ba (4/2).
Thượng viện gần như chắc chắn sẽ tha bổng cho Tổng thống Trump, vì phải cần phiếu thuận của đa số hai phần ba Thượng viện 100 ghế thì mới kết tội tổng thống được, trong khi 53 Thượng nghị sĩ Cộng hòa đã tuyên bố sẽ không bỏ phiếu kết án tổng thống.
https://www.voatiengviet.com/a/luan-toi-tt-trump-thuong-vien-bac-bo-trieu-tap-nhan-chung/5269727.html

Hoa Kỳ bắt giữ người bị tình nghi

là lãnh đạo nhóm Al Qaeda của Iraq tại Arizona

Tin từ Arizona – Vào hôm thứ Sáu (31 tháng 01), các viên chức liên bang cho biết một người đàn ông bị cáo buộc sát hại hai cảnh sát trong khi giữ vai trò là thủ lĩnh của một nhóm al Qaeda tại thành phố Fallujah, Iraq. Ông ta vừa bị bắt tại Phoenix, Arizona.
Theo một tuyên bố của Văn phòng biện lý Hoa Kỳ tại Arizona, Ali Yousif Ahmed Al-Nouri, 42 tuổi, bị truy nã ở Iraq với cáo buộc giết hại cảnh sát Iraq vào năm 2006. Một quan tòa ở Iraq đã ban hành lệnh bắt giữ Al-Nouri, và chính phủ địa phương cũng đưa ra yêu cầu dẫn độ tới Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.
Trước đó, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã nỗ lực tìm kiếm lệnh bắt giữ Al-Nouri và ông ta bị bắt giam vào hôm thứ Năm tại Phoenix. Tuyên bố của Văn phòng biện lý Hoa Kỳ tại Arizona cho biết, Al-Nouri trình diện
trước một quan tòa liên bang ở Phoenix vào hôm thứ Sáu, liên quan đến các thủ tục dẫn độ ông ta về Iraq.
Theo chính phủ Iraq, al-Nouri là thủ lĩnh của một nhóm al Qaeda ở Fallujah, nơi có kế hoạch hoạt động nhắm vào cảnh sát Iraq. Tuyên bố cũng lưu ý rằng các chi tiết trong đơn kiện của Iraq là những cáo buộc chưa được chứng minh trước tòa.
Văn phòng biện lý Hoa Kỳ cho biết tuyên bố dẫn độ Al-Nouri sẽ phải được chứng nhận bởi tòa án Hoa Kỳ và sau đó Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ mới đưa ra quyết định có nên dẫn độ ông ta đến Iraq hay không. Thông báo của văn phòng biện lý cũng không cung cấp thông tin về thời điểm Al-Nouri nhập cảnh vào Hoa Kỳ, hoặc ông ta đã sống ở Phoenix trong bao lâu. (BBT)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-bat-giu-nguoi-bi-tinh-nghi-la-lanh-dao-nhom-al-qaeda-cua-iraq-tai-arizona/

Bay biểu diễn quá lố,

một trung tá phi đoàn trưởng TQLC Hoa Kỳ mất chức

SAN DIEGO, California (NV) – Một trung tá phi đoàn trưởng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ vừa bị giải nhiệm, do cáo buộc là bay biểu diễn quá thấp, quá nhanh, trong buổi lễ đánh dấu việc chuyển đổi từ loại chiến đấu cơ F/A-18D sang F-35C Lightning II.
Theo bản tin của tờ báo địa phương San Diego Union Tribune, hôm Thứ Năm, 30 Tháng Giêng, 2020, Không Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ loan báo rằng Trung Tá Ralph Featherstone, chỉ huy trưởng phi đoàn chiến đấu cơ số 225, đóng tại căn cứ Miramar ở San Diego, đã bị giải nhiệm ngay hôm sau chuyến bay “từ giã,” với lý do là cấp chỉ huy nhưng lại có phán đoán sai lầm.
Trung Tá Featherstone ngồi ở ghế phía sau của một chiến đấu cơ, khi chiếc phi cơ này bay thấp và nhanh hơn mức được chấp thuận trong kế hoạch phi hành hôm đó.
Đây là chuyến bay cuối cùng của các chiến đấu cơ F/A-18D của phi đoàn để từ giã, trước khi các phi công được đưa đi huấn luyện sử dụng chiến đấu cơ mới F-35C.
Quyết định giải nhiệm này được Thiếu Tướng Kevin Liams, tư lệnh Không Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, ký ban hành.
Hôm Thứ Sáu, khi trả lời cuộc phỏng vấn, Trung Tá Featherstone nói dù rằng chiếc phi cơ bay thấp hơn và nhanh hơn mức chấp thuận, ông không nhận được than phiền gì từ đài kiểm soát không lưu hay cơ quan điều hành hàng không liên bang FAA.
Theo Trung Tá Featherstone, ông lúc đó đang ngồi ghế phía sau và không lái chiếc phi cơ.
Ông nói ông không vui vẻ gì với sự việc này nhưng là chỉ huy trưởng, ông là người có trách nhiệm.
Trung Tá Featherstone cũng cho biết ông sẽ được điều động đi đâu, nhưng nghĩ rằng ông nhiều phần sẽ không được thăng cấp sau vụ này và đời binh nghiệp của ông coi như chấm dứt. (V.Giang)
https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/bay-bieu-dien-qua-lo-mot-trung-ta-phi-doan-truong-tqlc-hoa-ky-mat-chuc/

Hãng hàng không Delta bị phạt 50,000 Mỹ kim

vì hành vi phân biệt đối xử với hành khách người Hồi Giáo

Tin từ New York – Theo lệnh của bộ Giao Thông Liên Bang, hãng hàng không Delta Air Lines đã phải nộp phạt 50,000 Mỹ kim sau khi phát hiện hãng phân biệt đối xử với ba hành khách Hồi giáo, mặc dù họ thông qua hệ thống kiểm soát an ninh, nhưng lại bị cấm bay. Các hành khách đã nộp đơn khiếu nại Delta với Bộ Giao thông vận tải.
Tiền phạt giải quyết hai trường hợp xãy rà vào tháng 7 năm 2016 và liên quan đến các chuyến bay từ Paris đến Cincinnati và từ Amsterdam đến New York. Trong cả hai trường hợp, phi công  của chuyến bay đã bác bỏ các quyết định của các viên chức an ninh Delta, dù hành khách đã thông qua kiểm tra lý lịch. Trong cả hai trường hợp, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, việc nhân viên phi hành Delta không tuân theo quy tắc an ninh, và quyết định cấm hành khách bay là phân biệt đối xử. Bà Sana Hassan, luật
sư của cặp vợ chồng đã nộp đơn khiếu nại, cho biết khách hàng của bà, Nazia và Faisal Ali đang trở về sau chuyến đi kỷ niệm 10 năm ngày cưới ở Paris thì họ bị yêu cầu rời khỏi chuyến bay của Delta. Cả hai đều là công dân Hoa Kỳ, được yêu cầu rời khỏi máy bay rồi được phỏng vấn và sau đó được an ninh cho phép quay trở lại, nhưng phi công từ chối họ quay trở lại.
Trong trường hợp thứ hai, một người đàn ông Hồi giáo đi từ phi trường Schiphol ở Amsterdam đến phi trường quốc tế Kennedy vào ngày 31/07/2016, thì bị các hành khách khác nói với các tiếp viên rằng ông ấy đã nhận một gói hàng nhỏ từ một người Hồi giáo khác và đổi chỗ ngồi. Sau khi an ninh Delta thông báo không có báo động đỏ, người đàn ông đã lên lại máy bay và chuyến bay rời khỏi cổng. Phi công sau đó quay trở lại cổng và nói với nhân viên hàng không đặt lại vé chuyến bay khác cho người đàn ông này.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/hang-hang-khong-delta-bi-phat-50000-my-kim-vi-hanh-vi-phan-biet-doi-xu-voi-hanh-khach-nguoi-hoi-giao/

Ca virus Corona đầu tiên ở Hoa Kỳ

từ triệu chứng sơ sài sang sưng phổi trong 9 ngày

WASHINGTON, D.C. (NV) – Các bác sĩ Hoa Kỳ trong một bản báo cáo đăng trên tạp chí y khoa New England Journal of Medicine hôm Thứ Sáu, 31 Tháng Giêng, 2020, cho biết các chi tiết mới về diễn tiến phát bệnh của ca bệnh virus Corona đầu tiên ở Hoa Kỳ.
Trong bản báo cáo này, các bác sĩ mô tả việc một nam bệnh nhân đi từ các triệu chứng sơ sài, không có gì rõ ràng, đến lúc bị sưng phổi, trong thời gian chín ngày.
Bệnh nhân là một người đàn ông, 35 tuổi, cư dân Snohomish County, tiểu bang Washington, không có tiền sử bệnh gì đáng kể, vừa trở về nơi đây hôm 15 Tháng Giêng, sau khi viếng thăm gia đình tại thành phố Vũ Hán.
Trong thời gian ở Vũ Hán, ông này không đến khu chợ hải sản, nơi có nhiều bệnh nhân được coi là nhiễm virus Corona lúc đầu tiên, ông cũng không gặp gỡ người bệnh nào trong thời gian thăm viếng.
Dù vậy, ông này có đọc thấy một thông cáo báo động của Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC), và quyết định đến một phòng khám bệnh khẩn cấp hôm 19 Tháng Giêng. Vào lúc đó, ông đã bị ho trong bốn ngày.
Các bác sĩ thoạt đầu không thấy có gì bất thường trong phim chụp hình phổi của ông. Tuy nhiên họ cũng lấy mẫu để gửi tới CDC vì ông có đến Vũ Hán trước đó.
Sang ngày hôm sau, 20 Tháng Giêng, CDC xác nhận ông này bị nhiễm virus Corona.
Ngay sau đó, bệnh nhân này được đưa vào bệnh viện Providence Regional Medical Center ở Everett, Washington, và đưa vào phòng biệt lập.
Trong suốt thời gian bệnh, bệnh nhân gặp các triệu chứng như sốt, ho, mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và sổ mũi.
Nhưng mãi tới ngày thứ năm tại bệnh viện, tức là ngày thứ chín kể từ khi ông có triệu chứng ho, các bác sĩ mới nhìn thấy chỉ dấu của việc sưng phổi trên phim quang tuyến X, ở phổi bên trái. Sang ngày hôm sau, hình chụp cho thấy các mảng mờ đục ở phổi của ông này.
Sang ngày thứ tám ở bệnh viện, bệnh tình của người này có chỉ dấu thuyên giảm. Sang đến ngày 30 Tháng Giêng, ông hết sốt và các triệu chứng bệnh hầu như không còn, ngoại trừ vẫn bị ho, nhưng không nhiều.
Các bác sĩ nói rằng trường hợp bệnh này cho thấy sự quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ giữa bác sĩ, các giới chức y tế địa phương và liên bang, cùng là sự nhanh chóng thông báo tin tức khắp cộng đồng y khoa về cách làm sao chữa trị các bệnh nhân như người này.
Tuy nhiên, ca bệnh này cũng cho thấy có những điều mà giới chức y khoa chưa biết. Đó là virus lan nhanh chóng và dễ dàng như thế nào. Và các hình thức bệnh mà virus Corona có thể gây ra. (V.Giang)
https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/ca-virus-corona-dau-tien-o-hoa-ky-tu-trieu-chung-so-sai-sang-sung-phoi-trong-9-ngay/

Ngũ Giác Đài chuẩn bị chỗ

có thể biệt lập 1,000 người nghi nhiễm virus Corona

WASHINGTON, D.C. (NV) – Ngũ Giác Đài hôm Thứ Bảy, 1 Tháng Hai, cho biết Bộ Trưởng Quốc Phòng Mark Esper đã chấp thuận một yêu cầu cung cấp nơi có thể dùng làm chỗ biệt lập tới 1,000 người tình nghi nhiễm virus Corona khi họ từ các quốc gia khác được di tản về Hoa Kỳ, do lo ngại về mức độ lây lan hiện nay.
Ngũ Giác Đài nói Bộ Y Tế và Xã Hội yêu cầu Bộ Quốc Phòng cung cấp một số cơ sở, mỗi nơi có thể chứa tới 250 người trong các căn phòng riêng, cho tới ngày 29 Tháng Hai.
Ngũ Giác Đài nói các địa điểm được chọn để trợ giúp, nếu cần, gồm Trung Đoàn số 168, Trung Tâm Huấn Luyện Vùng ở Fort Carson, Colorado; căn cứ Không Quân Travis ở Californa; căn cứ Không Quân Lackland ở Texas; và căn cứ Miranmar của Thủy Quân Lục Chiến ở California.
Bản thông cáo của Ngũ Giác Đài cho hay theo yêu cầu của Bộ Y Tế và Xã Hội, Bộ Quốc Phòng chỉ cung cấp nơi ở, trong khi Bộ Y Tế sẽ chịu trách nhiệm việc chăm sóc, di chuyển và an ninh của những người được di tản.
Các nhân viên Bộ Quốc Phòng cũng sẽ không tiếp xúc trực tiếp với người di tản. Người di tản cũng sẽ không được đến nơi nào khác trong căn cứ, ngoài nơi ở của họ.
Bản thông cáo cũng cho biết theo hướng dẫn của Trung Tâm Kiểm Soát Phòng Ngừa Dịch Bệnh Mỹ (CDC), tất cả người di tản sẽ được theo dõi tình trạng sức khỏe trong suốt thời gian 14 ngày. Và nếu có ai bị phát giác là nhiễm bệnh, Bộ Y Tế đã có sẵn các chuẩn bị để đưa họ đến bệnh viện địa phương. (V.Giang)
https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/ngu-giac-dai-chuan-bi-cho-co-the-biet-lap-1000-nguoi-nghi-nhiem-virus-corona/

Hoa Kỳ phát hiện đường lây bệnh mới của virus Corona

Bảo Thư
Báo cáo y tế tại Hoa Kỳ đã tiết lộ thông tin quan trọng: “phân” đã trở thành vật trung gian có thể truyền nhiễm virus Corona, có nghĩa là virus Corona không chỉ lây nhiễm bệnh qua đường hô hấp hay nhiễm trùng giọt, mà còn qua đường tiêu hóa.
Các chuyên gia thuộc Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Sức khỏe Cộng đồng Washington đã công bố nghiên cứu lâm sàng đầu tiên về ca nhiễm virus Corona mới ở Hoa Kỳ trên Tạp chí Y học New England (The New England Journal of Medicine, NEJM) vào thứ Sáu, về việc phát hiện virus corona dương tính trong phân của một người đàn ông 35 tuổi.
Phát hiện mới này đã thu hút sự chú ý của cộng đồng y tế. Cho đến nay, báo cáo nghiên cứu của các chuyên gia Trung Quốc về bệnh viêm phổi Vũ Hán vẫn chưa đề cập đến những vật thể bài tiết của bệnh nhân.
Nghiên cứu này đã cung cấp cho các nhà khoa học những manh mối mới về đường truyền lây bệnh của loại virus Corona mới này, khả năng nguồn lây truyền bị xem nhẹ nhất đó là: tiêu chảy.
Scott Lindquist, nhà dịch tễ học tại Bộ Y tế Tiểu bang Washington cho biết, việc phát hiện virus corona 2019-nCoV trong phân của người đàn ông 35 tuổi là “việc rất có ý nghĩa”.
“Điều này làm tăng sự hiểu biết của mọi người về nó”, ông nói với các phóng viên trong cuộc gọi hội nghị vào thứ Sáu, “Nó không chỉ lây lan trong dịch tiết đường hô hấp, mà còn trong phân”.
Tuy nhiên, kết quả này đối với các nhà khoa học trường kỳ nghiên cứu virus corona hay các bác sĩ đã từng điều trị bệnh nhân nhiễm SARS, không có gì đáng ngạc nhiên.
Khoảng 10% đến 20% bệnh nhân SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng virus corona) xuất hiện triệu chứng bị tiêu chảy.
Phùng Tử Kiện (Zijian Feng), Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, cùng các đồng nghiệp đã công bố một báo cáo về 425 ca nhiễm bệnh ở Vũ Hán thời kỳ đầu trên Tạp chí NEJM ngày 29/1 cho biết, những bệnh nhân nhiễm bệnh ban đầu không có triệu chứng viêm phổi điển hình như sốt, “hiện tại chúng tôi biết rằng một số bệnh nhân gặp phải các triệu chứng tiêu hóa”.
John Nicholls, Giáo sư lâm sàng bệnh lý tại Đại học Hồng Kông cho biết, nếu virus corona lây truyền qua đường tiêu hoá, thì đeo khẩu trang vẫn chưa đủ phòng bệnh, Trung Quốc có rất  nhiều nhà vệ sinh
ngồi xổm không có nắp đậy, và mọi người chưa có thói quen rửa tay kỹ bằng xà phòng với nước sau khi đi vệ sinh, nhà vệ sinh có khả năng trở thành nguồn lây bệnh.
“Nếu virus corona liên kết với cùng một thụ thể với SARS trong cơ thể người, thì nó có thể xuất hiện trong ruột người”, ông Nichols nói, “Tôi nghĩ ở Vũ Hán, phân trong nhà vệ sinh có khả năng là nguồn lây bệnh”.
https://www.dkn.tv/the-gioi/hoa-ky-phat-hien-duong-lay-benh-moi-cua-virus-corona.html

Đại sứ Hoa Kỳ khuyến cáo việc Palestine phản đối

kế hoạch hòa bình của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc

Tin từ Liên Hiệp Quốc – Vào hôm thứ Sáu (31 tháng 01), Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Kelly Craft khuyến cáo Palestine rằng việc họ phản đối kế hoạch hòa bình của Hoa Kỳ sẽ chỉ lặp lại mô hình thất bại trong suốt bảy thập niên qua.
Hôm thứ Tư (29 tháng 01), đại sứ Palestine tại Liên Hiệp Quốc, Riyad Mansour, cho biết tổng thống Palestine Mahmoud Abbas sẽ phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong vòng hai tuần tới. Tổng thống Mansour cũng bày tỏ hy vọng hội đồng 15 thành viên cũng sẽ bỏ phiếu cho dự thảo nghị quyết về vấn đề này. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao nhận định Hoa Kỳ chắc chắn sẽ phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào như vậy. Điều đó sẽ cho phép Palestine đưa văn bản dự thảo lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc gồm 193 thành viên, nơi cuộc bỏ phiếu công khai sẽ cho thấy phản ứng của quốc tế đối kế hoạch hòa bình của chính quyền tổng thống Trump như thế nào.
Bà Craft cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán diễn ra, và bà hân hạnh khi được đóng bất kỳ vai trò nào trong việc hỗ trợ kế hoạch hòa bình giữa Israel và Palestine, kế hoạch vừa được Tổng thống Donald Trump công bố hôm thứ ba vừa qua.
Hôm thứ Năm, tổng thống Mansour cho hay hiện tại không có viên chức Palestine nào đồng ý gặp các viên chức Hoa Kỳ, sau khi Mỹ tạo ra một cơn chấn động, mà bản chất là phá hủy khát vọng quốc gia của người dân Palestine. Điều này là không thể chấp nhận được. (BBT)
https://www.sbtn.tv/dai-su-hoa-ky-khuyen-cao-viec-palestine-phan-doi-ke-hoach-hoa-binh-cua-my-tai-lien-hiep-quoc/

Ngoại trưởng Mỹ : Quốc tế cần giúp

người Duy Ngô Nhĩ trước sự áp bức của Trung Quốc

Minh Anh
Ngày 02/02/2020, từ Kazakhstan, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, kêu gọi cộng đồng quốc tế nên nỗ lực nhiều hơn chống lại chính sách trấn áp của Trung Quốc tại Tân Cương.
Ngoại trưởng Mỹ trong buổi họp báo ngắn với đồng nhiệm Kazakhstan, Moukhtar Tleuberdi tuyên bố : « Hoa Kỳ đề nghị tất cả các nước cùng nhau hợp tác nhằm yêu cầu Trung Quốc chấm dứt tình trạng này. Chúng tôi đề nghị nên cấp quy chế tị nạn cho những ai muốn tìm nơi nương náu và trốn khỏi Trung Quốc. Hãy bảo vệ phẩm cách con người. Hãy làm những gì là chính đáng ».
Nghị Viện Hoa Kỳ hồi tháng Giêng năm 2020 đã cáo buộc Bắc Kinh vi phạm « tội ác chống nhân loại » tại Tân Cương. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền tố cáo Trung Quốc giam giữ trái phép ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung. Những lời cáo buộc cho đến giờ Bắc Kinh vẫn luôn bác bỏ.
Theo AFP, phát biểu trên được đưa ra trong khuôn khổ vòng công du Trung Á của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, bắt đầu từ Belarus hôm 01/02, nhằm thắt chặt mối quan hệ giữa Mỹ với các nước Trung Á, nhất là với hai nước Kazakhstan và Ouzbékistan, mà Nga xem là thuộc vùng ảnh hưởng của Matxcơva và còn với Trung Quốc, đây là những đối tác kinh tế quan trọng.
Trước chuyến công du, ngoại trưởng Mỹ khẳng định Washington sẵn sàng trợ giúp những nước Trung Á nào « muốn củng cố nền độc lập và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ». Mike Pompeo ghi nhận « sự hiện diện quan trọng của Nga và Trung Quốc » tại Trung Á, quy tụ năm nước, phần lớn là theo chế độ chuyên chế và ít tôn trọng nhân quyền.
Đây là chuyến thăm Trung Á đầu tiên của ngoại trưởng Mỹ kể từ sau chuyến đi của ông John Kerry năm 2015. Theo nhận định của AFP, Washington khó duy trì ảnh hưởng tại khu vực này bất chấp việc khối NATO có một cơ sở hậu cần khá lớn cho cuộc chiến tại Afghanistan.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200202-ngo%E1%BA%A1i-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-m%E1%BB%B9-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF-c%E1%BA%A7n-gi%C3%BAp-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-duy-ng%C3%B4-nh%C4%A9-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-s%E1%BB%B1-%C3%A1p-b%E1%BB%A9c-c%E1%BB%A7a-trung-qu%E1%BB%91c

Brexit : Làng bóng đá Anh đau đầu với chuyển nhượng

Anh Vũ
Nước Anh đã chính thức rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu từ 01/02/2020. Một thời kỳ mới mở ra với rất nhiều thay đổi về các quy chế trong mối quan hệ tương lai của nước Anh trên mọi lĩnh vực. Bóng đá Anh cũng đang đứng trước những thách thức lớn với nguồn nhân lực bị đảo lộn.
Với việc Vương Quốc Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, giải vô địch quốc gia bóng đá Anh, Premier League đứng giữa ngã ba đường. Premier League là giải đấu sinh lợi nhất châu Âu, vượt ra ngoài phạm vi thể thao và trở thành một ngành giải trí được theo dõi nhiều nhất thế giới, trước hết là nhờ sự đóng góp cầu thủ đến từ khắp nơi trên thế giới.
2 /3 cầu thủ nội binh thành ngoại binh
Hơn 330 cầu thủ nước ngoài hiện đang chơi cho 20 câu lạc bộ của giải Ngoại hạng Anh, tức là chiếm đến 65% quân số của Premier League. Đa số các cầu thủ ngoại nói trên đến từ các nước trong Liên Âu, được hưởng quy chế cộng đồng chung. Khi mà nước Anh còn là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, họ chơi bóng ở Anh mà không cần phải xin giấy phép lao động trên cơ sở các quy định chung về tự do lưu thông tài sản cũng như con người.
Nhưng từ giờ trở đi khi Brexit đã thành hiện thực, ván bài sẽ thay đổi. Các cầu thủ không phải người Anh sẽ phải xin giấy phép lao động. Các thủ tục pháp lý cũng như tiêu chí để có giấy phép được chơi bóng ở Anh rất khắt khe, phức tạp. Các cầu thủ muốn chơi bóng ở Anh phải chứng minh họ không chiếm chỗ trên thị trường lao động của các cầu thủ Anh và họ phải là cầu thủ từng có một số lần nhất định khoác áo đội tuyển quốc gia của nước mình hoặc họ phải đạt được một giá trị ở mức nào đó trên thị trường chuyển nhượng.
Bên cạnh đó thì Liên đoàn Bóng đá Châu Âu UEFA cũng có quy định trong một trận đấu chỉ 5 cầu thủ bên ngoài Liên Hiệp Châu Âu được đăng ký thi đấu. Trước đây, các cầu thủ thuộc Liên Hiệp đến Anh chơi bóng đều được coi là các cầu thủ nội. Quy chế này từng cho phép các câu lạc bộ Arsenal, hay Manchester City có lần tung ra sân đội hình xuất phát không có cầu thủ Anh nào. Tình trạng này giờ đây chấm dứt, các cầu thủ của EU giờ bị xếp vào cầu thủ ngoại như các nước khác và phải tuân theo quy định hạn ngạch 5 cầu thủ cho một trận.
Những thay đổi như vậy sẽ làm đảo lộn nhân sự của các câu lạc bộ và ảnh hưởng không ít tới chất lượng của Premier League, giải đấu bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh và kiếm tiền nhiều nhất thế giới. Giải vô địch quốc gia bóng đá Anh là giải đấu được truyền hình rộng rãi nhất trên thế giới với những khoảntiền bản quyền truyền hình khổng lồ.
Làm sao có thể thích nghi được với vấn đề hạn chế tự do di chuyển của người lao động nảy sinh cùng với Brexit mà vẫn không làm ảnh hưởng đến chất lượng thi đấu của các câu lạc bộ ? Thật khó có câu trả lời.
Các định chế quản lý bóng đá Anh vẫn chưa thể tìm được giải pháp chừng nào mà chính quyền Anh chưa ấn định được quy định mới về chế độ di dân.
Các nhà quan sát bóng đá Anh đều cho rằng, thương hiệu Premier League được xây dựng từ cơ sở tự do lưu thông và đặc tính hội nhập tứ xứ các nguồn lực. Phải có quy chế đặc biệt để các cầu thủ bóng đá tiếp tục được tự do đến Anh chơi bóng nếu không các giải đấu ở Anh sẽ suy sụp.
Cần phải biết là doanh thu của Premier League là 5,4 tỷ euro trong năm 2018, bỏ xa tất cả các giải đấu khác ở châu Âu và cũng thu hút hầu hết các cầu thủ tài năng nhất của các làng bóng lớn châu Âu. Bị thiếu đi một phần lực lượng các cầu thủ giỏi nhất châu Âu, Premier League chắc chắn sẽ gặp khó khăn thương lượng các hợp đồng tài trợ béo bở và bản quyền truyền hình. Khoản tiền này chiếm tới 40% thu nhập của 30 câu lạc bộ chuyên nghiệp của Anh.
Trong bối cảnh Brexit, khả năng giới hạn tuyển dụng cầu thủ quốc tế sẽ buộc nhiều câu lạc bộ ở Premier League phải xem xét lại chiến lược mua sắm lực lượng. Những ràng buộc mới sẽ khiến các đội bóng nhắm tới thế hệ cầu thủ trẻ của Anh. Liên Đoàn Bóng Đá Anh muốn nhân cơ hội rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu để hạn chế các câu lạc bộ tuyển dụng quá nhiều cầu thủ nước ngoài bỏ rơi bóng đá trong nước phát triển. Một mong muốn chính đáng nhưng từ nhiều năm qua vẫn bị lợi ích tài chính của giải ngoại hạng đè bẹp.
Một vấn đề khác cũng sẽ có tác động khá nhanh chóng đến làng bóng Anh đó là chuyện chuyển nhượng các cầu thủ trẻ nước ngoài. Trước đây khi còn trong Liên Hiệp Châu Âu, các câu lạc bộ Anh vẫn né được điều 19 trong các quy định của FIFA về bảo hộ các cầu thủ vị thành niên, theo đó cấm chuyển nhượng quốc tế các cầu thủ từ 16 đến 18 tuổi, trừ trường hợp với các nước trong Liên Hiệp Châu Âu. Các câu lạc bộ Anh vốn là nổi tiếng hay mua « lúa non », tức lôi kéo tài năng chớm nở ở nước ngoài cho đỡ công đào tạo giảm đầu tư và khi họ thành tài thì bán đi với giá cao ngất. Giờ đây khi rời khỏi Liên Âu, ngoại lệ trên không còn được áp dụng nữa trừ khi FIFA thay đổi luật lệ hay cho phép bóng đá Anh được hưởng ngoại lệ trong thời gian chuyển tiếp Brexit (tối thiểu một năm). Nhưng FIFA không có ích lợi và cũng không bắt buộc làm việc đó.
Ở một đất nước bóng đá đã trở thành một ngành kinh tế, là cỗ máy in tiền với giải vô địch quốc gia hấp dẫn nhất hành tinh, với các sân vận động luôn chật kín khán giả, hàng loạt lĩnh vực kinh tế, tài chính ăn theo bóng đá, có điều chắc chắn là ở Anh không ai muốn phá vỡ sức năng động của làng bóng tròn. Quy chế ngoại lệ cho làng bóng tròn xứ sở sương mù liệu có được đưa vào trong chương trình thương lượng hậu Brexit giữa Luân Đôn và Bruxelles hay không ?
Nước Mỹ mất đi huyền thoại bóng rổ Bryant Kobe
Trong tuần, làng bóng rổ thế giới bàng hoàng xúc động với tin huyền thoại làng bóng chuyên nghiệp Mỹ NBA, Bryant Kobe bị tử nạn cùng với 8 người trong đó có cô con gái của Bryant Kobe, 13 tuổi, trong chiếc trực thăng rơi tại Los Angeles, ngày 26 tháng Giêng.
Bryant Kobe, 41 tuổi là một trong những cầu thủ huyền thoại của bóng rổ Mỹ. Anh đã chơi 20 mùa bóng cho Los Angeles Lakers và mang về cho câu lạc bộ này 5 danh hiệu vô địch. Bryant Kobe cũng dành 2 huy chương vàng Olympic với đội tuyển Mỹ (2008 và 2012). Năm 2016 anh giải nghệ thể thao làm kinh doanh và làm sản xuất điện ảnh và từng đoạt giải Oscar 2018 với phim hoạt hình ngắn « Dear Basketball ». Thông tin Bryant Kobe tử nạn đã gây một làn sóng xúc động khắp thế giới từ trong làng bóng rổ đến người hâm mộ qua tới các nhà chính trị và giới nghệ thuật giải trí.
Thông tín viên Eric De Salve từ Los Angeles ghi lại cảm xúc ở California trước tin huyền thoại Bryant Kobe ra đi:
California thức dậy với hình ảnh đầy xúc động, nữ ca sĩ Alicia Keys mở màn buổi lễ trao giải thưởng Grammy bằng phát biểu tưởng nhớ đến Kobe Bryant : « Tất cả chúng ta vô cùng buồn bởi vì Los Angeles, nước Mỹ và thế giới đã mất đi một người anh hùng », diva âm nhạc Mỹ đã bày tỏ như vậy trước khi cất tiếng hát tưởng niệm huyền thoại Kobe. Những hình ảnh ấn tượng còn thấy ở cả những tượng đài lớn khác trong làng bóng rổ Mỹ NBA. Đó là hình ảnh vô cùng xúc động của Lebron James, một ngôi sao khác trong đội bóng rổ Lakers đang lau nước mắt khi vừa bước xuống máy bay tại sân bay Los Angeles thì được tin người bạn lớn của mình bị tử nạn trong vụ trực thăng rớt.
Sân bay thành phố Los Angeles hôm Chủ Nhật được phủ màu ánh sáng tím, màu biểu tượng của Lakers, câu lạc bộ mà danh thủ Bryant Kobe, 41 tuổi đã cống hiến 15 danh hiệu vô địch trong 20 mùa bóng. Nỗi buồn tràn ngập làng bóng rổ chuyên nghiệp Mỹ, các trận đấu của NBA đều bắt đầu bằng một phút mặc niệm, hay đúng hơn là 24 giây im lặng.
24 là số áo của Bryant Kobe, một con số nổi tiếng nhất NBA. Rất nhiều cầu thủ đã khóc. Nhất là trận tranh chức vô địch giữa câu lạc bộ Toronto Raptors và Spurs de San Antonio, một số cầu thủ còn ghi trên giày « Hãy yên nghỉ Kobe ». « Huyền thoại của Lakers là một tài năng không sánh được », tờ báo Los Angeles Times chạy tựa với tấm hình nhà vô địch phủ kín trang nhất và hầu như trang nhất các báo khác ở Mỹ ra ngày đầu tuần cũng đều làm như vậy.
http://www.rfi.fr/vi/th%E1%BB%83-thao/20200202-brexit-l%C3%A0ng-b%C3%B3ng-%C4%91%C3%A1-anh-%C4%91au-%C4%91%E1%BA%A7u-v%E1%BB%9Bi-chuy%E1%BB%83n-nh%C6%B0%E1%BB%A3ng

Cộng đồng Châu Á tại Pháp phẫn nộ

trước sự kỳ thị của người dân địa phương lo sợ Coronavirus

Tin từ Paris, Pháp – Ở một khu vực phía đông nam Paris, nơi được gọi là địa điểm dành cho ẩm thực châu Á, việc kinh doanh tại nhà hàng Việt Nam của ông Pascal Corlier đang bị ảnh hưởng trầm trọng vì sự sợ hãi của người Pháp đối với coronavirus đã gây ra sự hoảng loạn và các trường hợp kỳ thị đang ngày càng gia tăng.
Theo ông Corlier, khách hàng của ông đã bắt đầu thắc mắc liệu  người phục vụ họ có phải là người Trung Cộng hay không, trong khi những người khác tránh xa khỏi nhà hàng. Ông Corlier cho biết thêm rằng doanh thu của nhà hàng đã giảm đến 40% trong vài tuần đầu năm 2020 so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Sự bùng phát coronavirus bắt đầu ở thành phố Vũ Hán miền trung Trung Cộng đã lây nhiễm hơn 9,800 người – chủ yếu ở Trung Cộng, nhưng trong đó có khoảng 130 trường hợp mắc bệnh ở 24 quốc gia và khu vực bên ngoài nước, trong đó có sáu trường hợp ở Pháp. Căn bệnh đã giết chết ít nhất 213 người ở Trung Cộng và làm dấy lên những nỗ lực khác nhằm ngăn chặn sự lây lan, cả bên trong Trung Cộng và ngoại quốc. Bên cạnh người Trung Cộng, cộng đồng châu Á đông đảo tại Pháp còn bao gồm người Cambodia, người Laos và Việt Nam.
Vào tuần nay, người châu Á ở Pháp đã tạo ra một hashtag #Jenesuispasunvirus trên Twitter (mang nghĩa “Tôi không phải là virus”) để bày tỏ sự bất bình.
Theo bà Laetitia Chhiv, người điều hành một hiệp hội dành cho những người trẻ gốc Trung Cộng, cho biết các trường hợp kỳ thị chủng tộc đang ngày càng tăng từ trường học đến siêu thị. Những lo lắng về chủng virus mới cũng gây ảnh hưởng trên khắp Paris theo những cách khác, với các cửa hàng cao cấp dựa vào các nhóm du lịch từ Trung Cộng chịu tác động rất lớn do nguồn du khách cạn kiệt. Các nhân viên tại một số cửa hàng bán lẻ cho biết khách hàng Pháp cũng tránh lui tới cửa hàng do sợ gặp phải người châu Á. (BBT)
https://www.sbtn.tv/cong-dong-chau-a-tai-phap-phan-no-truoc-su-ky-thi-cua-nguoi-dan-dia-phuong-lo-so-coronavirus/

Nhạc viện Ý tại Rome cấm cửa sinh viên Đông Á.

Nhà hàng Việt Nam không tiếp khách Trung Cộng

vì lo sợ Coronavirus

Hiện nay, dịch viêm phổi cấp này đã lây lan sang 25 quốc gia, Anh và Nga đều đã xác nhận các ca nhiễm đầu tiên ở các nước này. Trên thế giới đã có tới 9,898 người bị nhiễm bệnh. Ở Ý đã báo cáo 2 trường hợp dương tính với virus corona của 2 khách du lịch từ Trung Cộng và ở Việt Nam có 4 trường hợp.
Theo tờ Daily Mail đưa tin, một người đã chia sẻ trên Twitter về nỗi sợ hãi vượt tầm kiểm soát của mọi người về bệnh dịch với hình ảnh một nhà hàng ở Việt Nam cấm cửa khách Trung Cộng. Một quán bar ở trung tâm Rome cũng có hành động tương tự. Nhạc viện Santa Cecilia ở Rome đã từ chối công dân của tất cả 81 quốc gia Đông Á. Quyết định của trường đã gây ra một sự phản đối kịch liệt từ các sinh viên. Một email được của giám đốc nhạc viện Robert Guiliano được đưa tin trên của tờ báo La Reppublica của Ý rằng trường đình chỉ họ vì dịch bệnh và sẽ cử bác sĩ của trường kiểm tra họ vào chiều ngày 5/2. Một nhân viên của trường bày tỏ sự bất ngờ khi cho biết nhạc viện này chưa từng có bác sĩ. Hai sinh viên Nam Hàn tuyên bố với tạp chí The Local của Ý rằng họ yêu cầu gặp các giám đốco để thảo luận về quyết định này nhưng đã bị phớt lờ. Các sinh viên bày tỏ sự bất bình và cho đây là một hành động phân biệt chủng tộc. Nhạc viện Como ở Rome cũng yêu cầu tất cả các sinh viên trở về từ Trung Cộng không được đến trường trong 14 ngày sau khi họ trở về.
Một sinh viên Trung Cộng tại Nhạc viện Franco Vittadini ở Pavia, người vừa trở lại từ quê nhà gần Vũ Hán, đã bị cấm đến trường trong 14 ngày mặc dù các xét nghiệm y tế cho thấy sinh viên này âm tính với virus. Vào 30/1, hơn 6,000 hành khách bị kẹt lại trên tàu du lịch tại Civitavecchia, phía tây bắc Rome, sau khi kết luận hai hành khách Trung Cộng trên tàu bị nhiễm bệnh.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/nhac-vien-y-tai-rome-cam-cua-sinh-vien-dong-a-nha-hang-viet-nam-khong-tiep-khach-trung-cong-vi-lo-so-coronavirus/

Nga : Ngày hoạt động vì các “tù nhân chính trị”

Thanh Hà
Tại Matxcơva, hôm 01/02/2020 nhiều hiệp hội thuộc xã hội dân sự tổ chức một đợt quyên góp nhằm hỗ trợ các “tù chính trị” tại trụ sở của hội Open Rusia, do nhà tỷ phú Mikhaïl Khodorkovski, cựu lãnh đạo tập đoàn Ioukos lập ra.
Theo ban tổ chức, những người trẻ bị tư pháp Nga kết án nặng nề trong những vụ xử không minh bạch cần được giúp đỡ trong bối cảnh, năm 2019, chính quyền đã có dấu hiệu nới lỏng gọng kềm nhắm vào các nhà bất đồng chính kiến. Thông tín viên đài RFI Etienne Bouche tường thuật :
“Những người tham gia đã mang nào là sách vở, quần áo và những vật dụng trong nhà không còn được dùng nữa đến đây bán. Khoản tiền thu góp được là để trang trải các phí tổn cho luật sư hay giúp đỡ gia đình những người bị bắt. Nhà đấu tranh Alla Frodova, tất cả những vụ án này phải được phơi bày rộng rãi với công chúng. Alla Frodova nói : “Khi đã nghe qua một lần, người ta sẽ vào internet tìm kiếm thêm thông tin và sẽ khám phá ra rằng, còn có nhiều trường hợp khác nữa. Đây là ý nghĩa của ngày hành động như thế này. Chúng tôi muốn truyền tải thông tin tương tự như các vận động viên chạy tiếp sức vậy. Nói chuyện với bác tài xế tắc xi chẳng hạn cũng là cách để đánh động công luận”.
Còn Egor Joukov, suýt nữa anh đã phải vào tù. Nhờ được công luận ủng hộ mà cuối cùng ông chỉ lãnh án treo. Năm ngoái sinh viên 21 tuổi này là gương mặt tiêu biểu của nhật báo Vedomosti. Egor Joukov muốn tham gia vào các hoạt động chính trị tại Nga và đã hiểu được rằng đây là một con đường đầy chông gai. Anh nói : “Có điều kiện tôi sẽ đi khắp miền đất nước để nói chuyện với dân tình. Matxcơva là một ốc đảo trong nước Nga. Muốn có tiếng nói đại diện cho nước Nga, muốn bảo vệ quyền lợi của nước Nga, chúng ta phải hiểu rõ tình hình, phải hiểu được băn khoan của người Nga. Thu mình ở Matxcơva chẳng giúp ích được gì, chẳng đem lại được một thay đổi nào”. Trong số gần 60.000 hồ sơ được trình lên Tòa Án Nhân Quyền Châu Âu, có tới 25 % là sáng kiến của các công dân Nga.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200202-nga-ng%C3%A0y-ho%E1%BA%A1t-%C4%91%E1%BB%99ng-v%C3%AC-c%C3%A1c-t%C3%B9-nh%C3%A2n-ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B

Ba Lan ký hợp đồng trị giá 4.6 tỷ Mỹ kim

mua chiến đấu cơ Hoa Kỳ

Tin từ Warsaw, Ba Lan – Vào hôm thứ Sáu (31 tháng 01), Ba Lan ký một thỏa thuận trị giá 4.6 tỷ Mỹ Kim để mua 32 chiến đấu cơ F-35 tối tân của Hoa Kỳ nhằm tăng cường khả năng phòng không trên sườn phía đông của NATO tại thời điểm Nga tăng cường hoạt động quân sự.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết đây là một ngày đặc biệt quan trọng đối với lực lượng không quân Ba Lan và đối với an ninh của Ba Lan và một phần khu vực châu Âu. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak đã ký thỏa thuận và trao hợp đồng cho Đại sứ Hoa Kỳ tại Ba Lan, Georgette Mosbacher, trong một buổi lễ diễn ra tại học viện không quân ở thị trấn trung tâm Deblin. Ông Duda cho biết đây là một trong những thỏa thuận lớn nhất trong lịch sử quân đội của Ba Lan, và là dấu hiệu cho thấy sức mạnh của mối quan hệ với Hoa Kỳ. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng ca ngợi cam kết của Ba Lan trong việc tối tân hóa quân đội, đồng thời cho biết phản lực cơ F35 sẽ giúp Ba Lan cải thiện khả năng trong việc hợp tác quân sự và tự vệ. Ba Lan dự kiến sẽ nhận máy bay F-35 A Lightning II trong khoảng thời gian từ 2024 đến 2030, trở thành quốc gia thành viên NATO thứ 10 sử dụng chiến đấu cơ F-35. Trước Ba Lan, không quân Hoa Kỳ, Israel và Anh Quốc đã sử dụng F35.
Thỏa thuận với Ba Lan bao gồm việc huấn luyện, và bảo trì. Các máy bay phản lực này sẽ thay thế một số chiến đấu cơ MiG-29 do Liên Xô sản xuất mà không quân Ba Lan hiện vẫn sử dụng. Các chính trị gia đối lập của Ba Lan đã chỉ trích hợp đồng với Hoa Kỳ là quá tốn kém, và cho rằng số tiền này có thể được sử dụng để tối tân hóa không quân Ba Lan theo những cách khác.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/ba-lan-ky-hop-dong-tri-gia-4-6-ty-my-kim-mua-chien-dau-co-hoa-ky/

Cận Đông : Palestine tuyên bố

đoạn tuyệt bang giao với Mỹ và Israel

Minh Anh
Tại phiên họp bất thường cấp bộ trưởng của Liên đoàn Ả Rập ngày 01/02/2020, lãnh đạo Nhà nước Palestine, ông Mahmoud Abbas tuyên bố cắt đứt quan hệ với Mỹ và Israel. Cuộc họp được tổ chức theo đề nghị của Palestine sau khi tổng thống Donald Trump công bố « Kế Hoạch Hòa Bình » cho Cận Đông gây tranh cãi.
Từ Cairo, thông tín viên đài RFI, Alexandre Buccianti tường thuật :
« Đối với Mahmoud Abbas, sáng kiến của Mỹ làm cho các thỏa thuận được ký kết trước đây trở nên vô hiệu lực. Nhắm thẳng Hoa Kỳ và Israel, ông tuyên bố : ʺChúng tôi không muốn giữ quan hệ với các ngài nữa kể cả ở cấp độ an ninhʺ.
Với Israel, kể từ giờ ông xem nước này như là một thế lực xâm chiếm. Lãnh đạo Palestine nói thêm rằng người dân Palestine vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh một cách ôn hòa để chống hành động chiếm đóng của Israel và cho độc lập.
Với các bộ trưởng của những nước Ả Rập, ông nói rằng ʺTôi không đòi hỏi quý vị phải chống đối Hoa Kỳ mà chỉ cần quý vị ủng hộ người dân Palestineʺ. Và ông đã có được sự ủng hộ bằng lời từ tất cả các bộ trưởng. Bản thông cáo chung còn bác bỏ sáng kiến của Mỹ.
Chỉ có điều hiếm có ai tuyên bố công khai. Thậm chí một vài nước như Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập, Oman, Koweit và Maroc còn nhận thấy sáng kiến này là tích cực. Theo họ, ʺsáng kiến này rất có thể dùng như là điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán mớiʺ ».
Phát biểu này của lãnh đạo Nhà Nước Palestine ngay lập tức đã bị thủ tướng Israel, Benyamin Netanyahu chỉ trích mạnh mẽ. Benny Gantz, đối thủ chính trị của ông Netanyahu, cho rằng Mahmoud Abbas tìm cớ chối bỏ hòa bình.
Trong khi đó, ngoài đường phố tại Israel, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra, xem sáng kiến của Mỹ không phải là một kế hoạch hòa bình mà Washington « bật đèn xanh » cho phép tiếp tục hành động chiếm đóng. Cuộc họp hội đồng bộ trưởng dự kiến tổ chức ngày 02/02 tại Jerusalem cho tiến trình sáp nhập thung lũng Jourdain đã bị hủy.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200202-c%E1%BA%ADn-%C4%91%C3%B4ng-palestine-tuy%C3%AAn-b%E1%BB%91-%C4%91o%E1%BA%A1n-tuy%E1%BB%87t-bang-giao-v%E1%BB%9Bi-m%E1%BB%B9-v%C3%A0-israel

Nhật Bản gần như trở thành thành viên thứ sáu

khi Five Eyes tăng cường theo dõi

quân đội Trung Cộng và Bắc Hàn

Một nguồn tin chính phủ Hoa Kỳ cho biết Tokyo gần như trở thành một thành viên thứ sáu của Liên minh tình báo Five Eyes chuyên chia sẻ thông tin về các vụ phóng hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Hàn, khi nhóm dọ thám này bắt tay với ba đối tác mới hồi tuần trước.
Các nguồn chính phủ từ Nhật Bản và Hoa Kỳ cho biết, theo khuôn khổ mở rộng “Five Eyes plus”, nhóm này – bao gồm Úc, Anh Quốc, Canada, New Zealand và Hoa Kỳ – sẽ hợp tác với Nhật Bản, Pháp và Nam Hàn để tăng cường các hoạt động tình báo về Bắc Hàn. Các nguồn tin cho biết khuôn khổ này, không yêu cầu tư cách thành viên đầy đủ, cũng sẽ giúp tám đối tác trao đổi thông tin về sức mạnh quân sự đang phát triển của Trung Cộng và về các lĩnh vực mới phát triển như không gian ngoài thiên thể và an ninh mạng. Một nguồn tin chính phủ Hoa Kỳ cho biết địa thế lân cận của Nhật Bản đối với Trung Cộng và Bắc Hàn, cùng khả năng thu thập dữ kiện liên quan của họ thông qua các vệ tinh và tín hiệu tình báo, khiến họ gần như là một “con mắt thứ sáu”.
Nhật Bản từ lâu đã muốn trở thành một thành viên toàn diện của Five Eyes, là nhóm phát triển từ một thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo giữa Anh Quốc và Hoa Kỳ trong những năm ngay sau Đệ Nhị Thế chiến. Nhưng ông Garren Mulloy, một chuyên gia quốc phòng có trụ sở tại Nhật Bản, cho biết các quốc gia cốt lõi khó có thể chia sẻ tất cả dữ kiện họ có được với các đối tác mới.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/nhat-ban-gan-nhu-tro-thanh-thanh-vien-thu-sau-khi-five-eyes-tang-cuong-theo-doi-quan-doi-trung-cong-va-bac-han/

TQ có kế mới để “làm mềm” hình ảnh lực lượng hải cảnh

Để xoa dịu hình ảnh vốn là lực lượng được dùng để cưỡng ép, Trung Quốc được cho sẽ điều động tàu hải cảnh tới thăm các nước láng giềng thường xuyên hơn.
Các nhà phân tích nhận định, Trung Quốc dường như sẽ điều động thêm tàu hải cảnh tới thăm cảng các nước láng giềng nhằm làm mềm hình ảnh của lực lượng này. Bởi lâu nay, hải cảnh Trung Quốc vốn là lực lượng được chính quyền Bắc Kinh sử dụng để hiện thực hóa những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Đánh giá của giới chuyên gia được đưa ra sau khi tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu số hiệu 5204 ghé thăm Philippines vào ngày 14/1.
“Chuyến thăm cảng là một phần trong nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Tôi muốn nói rằng, đây là mục đích của Trung Quốc nhằm đối thoại và đàm phán với lực lượng hải cảnh Philippines”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời Đô đốc Joel Garcia, Chỉ huy Lực lượng Hải cảnh Philippines nhận định.
“Chúng tôi tin chuyến thăm sẽ là cơ hội tốt đẹp cho cả hai bên để thể hiện thiện chí, sự hiểu biết đôi bên sâu sắc và sự tin tưởng cũng như tăng cường tình hữu nghị và hợp tác”, tuyên bố từ đại sứ quán Trung Quốc nhấn mạnh.
Ngoài ra, tàu hải cảnh 5204 của Trung Quốc còn chở theo lô hàng cứu trợ cho hàng ngàn người dân Philippines phải đi sơ tán sau khi núi lửa Taal ở Batangas phun trào dữ dội.
Đáng nói, chuyến thăm kéo dài từ ngày 14 – 17/1 của tàu 5204 diễn ra trong bối cảnh, dư luận Philippines ngày càng tức giận trước việc Trung Quốc nhiều lần tiến vào vùng đặc quyền kinh tế mà Manila tuyên bố trên Biển Đông. Do đó, các quan chức Trung Quốc – Philippines đã tiến hành thảo luận về những quy định hàng hải và các mối quan tâm giữa hai nước.
Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore cho rằng, việc Bắc Kinh điều động tàu 5204 tới thăm Manila là nhằm làm dịu hình ảnh của hải cảnh Trung Quốc, lực lượng lâu nay được xem chuyên đi cưỡng ép.
“Bắc Kinh hy vọng sử dụng chuyến thăm này như một hình mẫu cho thấy các lực lượng hải cảnh có thể hợp tác dù tồn tại bất đồng, cùng hy vọng các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong khu vực Đông Nam Á có thể tiến hành những trao đổi tương tự”, ông Koh nhận định.
Cũng theo ông Koh, chuyến thăm của tàu hải cảnh Trung Quốc đến Manila dường như chưa đủ để có thể thay đổi cái nhìn tiêu cực ở Philippines về lực lượng này, dù con tàu tiến hành vận chuyển viện trợ cho các nạn nhân bị ảnh hưởng từ núi lửa Taal phun trào.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Tuy nhiên, Mỹ cùng các đối tác và đồng minh gồm Australia, Nhật Bản, Anh, Pháp và Ấn Độ thường xuyên có những hành động nhằm thách thức việc Trung Quốc đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý và mở rộng quân sự hóa ở Biển Đông .
Ông Zhou Chenming, một nhà bình luận quân sự tại Bắc Kinh biện minh rằng, Trung Quốc hy vọng việc tăng cường các chuyến thăm thân thiện của lực lượng hải cảnh sẽ giúp tránh tình trạng hiểu nhầm giữa các nước láng giềng.
“Hành động này giúp các nước hiểu chúng tôi hơn cũng như tránh được những hiểu nhầm, từ đó giúp giảm thiểu khả năng bùng phát đối đầu trên Biển Đông ”, ông Zhou nói.
Tuy nhiên, nghị sĩ Rufus Rodriguez, Chủ tịch Ủy ban sửa đổi hiến pháp tại Hạ viện Philippines lại cho rằng, Philippines không nên chào đón tàu hải cảnh và thủy thủ đoàn Trung Quốc. Nguyên nhân là do họ chính là công cụ được chính quyền Bắc Kinh dùng để quấy rối và dọa dẫm ngư dân Philippines hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mà Philippines tuyên bố trên Biển Đông.
Hồi tháng 9/2019, một bản báo cáo của Viện Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế của Mỹ cho hay, 70% tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc được dùng để tuần tra trên Biển Đông trong năm.
Ngoài Biển Đông, các tàu hải cảnh Trung Quốc còn tiến hành tuần tra gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Đây là nhóm đảo đang xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc nhưng hiện nằm dưới sự kiểm soát của Tokyo.
http://biendong.net/bi-n-nong/32722-tq-co-ke-moi-de-lam-mem-hinh-anh-luc-luong-hai-canh.html

Kiếm tiền bất chấp “quốc nạn” ở TQ

mùa dịch virus Vũ Hán:

Đội giá chưa đủ, còn làm giả… khẩu trang

Truyền thông Trung Quốc ghi nhận một loạt vụ xử lý liên quan đến các mặt hàng thiết yếu, trong giai đoạn tăng cường phòng chống dịch viêm phổi cấp do virus corona mới (nCov) gây ra.
Tờ Beijing Daily ngày 29/1 đưa tin, cơ quan quản lý thị trường thành phố Bắc Kinh đã thông báo trường hợp đầu tiên bị xử lý nặng kể từ khi chiến dịch phòng chống dịch virus nCov được đẩy mạnh hồi tuần qua.
Theo đó, ngày 23/1, đơn vị quản lý thị trường quận Phong Đài, Bắc Kinh đã kiểm tra một chi nhánh tại địa phương của chuỗi nhà thuốc Jimintai, liên quan đến khiếu nại cơ sở này tăng mạnh giá bán khẩu trang.
Kết quả điều tra cho thấy, những người vi phạm đã tranh thủ thời điểm nhu cầu của người dân tăng cao đối với mặt hàng khẩu trang, qua đó nâng giá sản phẩm khẩu trang 3M mẫu 8511CN từ 200 nhân dân tệ/hộp 10 chiếc lên 850 tệ/hộp. Sản phẩm này được rao bán trên mạng Internet ở Trung Quốc với giá 143 tệ/hộp.
Hiệu thuốc kể trên đã phải nhận án phạt nặng là 3.000.000 tệ (hơn 10 tỉ VNĐ) vì hành vi của mình.
Người phụ trách cơ quan quản lý thị trường Bắc Kinh tuyên bố thành phố này sẽ kiểm tra nghiêm ngặt những hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để gây rối loạn giá cả thị trường bằng cách đầu cơ tích trữ, lan truyền thông tin giả mạo, cố ý “thổi” giá sản phẩm,…
Từ ngày 23/1 đến nay, giới chức Bắc Kinh đã ghi nhận và lập án điều tra 31 vụ sai phạm liên quan đến giá cả, trong đó có 15 vụ được lập trong ngày 28/1, hé lộ hiện tượng lợi dụng dịch bệnh và sự hoang mang của người dân để trục lợi đang gia tăng trong những ngày gần đây.
Khẩu trang – sản phẩm quan trọng nhất để bảo vệ cá nhân trong mùa dịch – còn xuất hiện tình trạng làm giả quy mô lớn tại Trung Quốc.
Tối ngày 25/1, công an thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, đã phối hợp cùng Cục quản lý thị trường Nghĩa Ô để hành động, sau khi có đầu mối về một vụ làm giả khẩu trang. Trước đó, các thông tin do người dùng chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc cáo buộc một cơ sở sản xuất khẩu trang ở Nghĩa Ô không đáp ứng yêu cầu không gia vô trùng, công nhân không đeo khẩu trang và găng tay hợp tiêu chuẩn khi làm việc, điều kiện vệ sinh công xưởng tồi tệ. Thông tin tố cáo còn kêu gọi nhà chức trách vào cuộc khi có rủi ro 7 triệu chiếc khẩu trang giả được tuồn ra thị trường.
Ngày 27/1, công an Nghĩa Ô thông báo trên Weibo, cho biết đã tạm giữ hình sự 5 người liên quan đến vụ làm giả khẩu trang nhãn hiệu 3M.
Trong cuộc đột kích vào cơ sở sản xuất khẩu trang, nhà chức trách Nghĩa Ô thu được khoảng 100.000 khẩu trang nhãn hiệu Qingqing, 50.000 khẩu trang không nhãn mác, nhưng chưa thu phát hiện khẩu trang 3M bị làm giả. Công an địa phương cũng cam kết đẩy mạnh xử lý vụ án nhằm trấn áp toàn bộ đường dây buôn bán khẩu trang giả.
Theo Beijing Daily, tình trạng “thổi” giá cũng xuất hiện ở nhiều sản phẩm khác trên thị trường. Ngày 26/1, hai siêu thị ở thành phố Trịnh Châu bị phát hiện niêm yết giá bán bắp cải lên đến 63 tệ/chiếc (hơn 200.000VNĐ). Chính quyền Trịnh Châu đã điều tra vụ việc và đưa ra mức phạt 500.000 tệ (hơn 1.6 tỉ VNĐ) đối với đơn vị vi phạm.
Tuần trước, một nhà thuốc ở thủ phủ Hohhot, khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc cũng hứng chỉ trích vì tìm cách hốt bạc từ “quốc nạn” khi tăng giá khẩu trang gấp 2.5 lần giá bình thường.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho hay, tính đến 18h ngày 29/1, tại Trung Quốc Đại lục đã xác nhận có tổng cộng 6.078 trường hợp lây nhiễm virus nCov, 115 người được ra viện, 132 người tử vong.
Trong cuộc họp báo chiều nay của Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc về tình hình dịch viêm phổi cấp, Phó chủ nhiệm Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc Phùng Tử Kiện cho biết các ban ngành và cơ quan chuyên môn các địa phương ở nước này đã ráo riết chuẩn bị sẵn sàng để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm virus khi người dân di chuyển trở lại các thành phố sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch.
http://biendong.net/doc-bao-viet/32734-kiem-tien-bat-chap-quoc-nan-o-tq-mua-dich-virus-vu-han-doi-gia-chua-du-con-lam-gia-khau-trang.html

Chuyên gia TQ: Nga sẽ bị hủy diệt

trong vòng 3 giờ đồng hồnếu chiến tranh với Mỹ

Trước nhận định của giới phân tích Trung Quốc, các chuyên gia Nga đã phản bác mạnh mẽ.
Mặc dù lực lượng hàng không quân sự Nga là một trong những lực lượng mạnh nhất trên thế giới nhưng các nhà phân tích Trung Quốc lại cho rằng, trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự, các quốc gia phương Tây có thể hủy diệt Nga chỉ trong 3 giờ đồng hồ. Lý do là bởi không quân Nga hoàn toàn không đủ khả năng ứng phó và thiếu nhiều vũ khí mới.
“Các nhà phân tích Trung Quốc nhận định, trong trường hợp nổ ra chiến tranh giữa Mỹ và Nga thì Nga sẽ bị đánh bại chỉ trong 3 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng có cách để tránh được kết quả này.
Cụ thể, theo giới phân tích Trung Quốc, hiện Nga vẫn đang tiếp tục công tác khôi phục, nâng cấp các loại tên lửa, tàu ngầm và lực lượng không gian vũ trụ. Họ chỉ đầu tư phát triển một số ít loại vũ khí mới. Do đó, trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự trực diện, Nga sẽ thất bại trước Mỹ.
Để ngăn chặn kết quả này, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng Nga nên củng cố các hệ thống phòng thủ tên lửa, phát triển nhiều nguyên mẫu ném bom chiến lược mới và tăng cường năng lực trả đũa” – Kênh truyền hình Tsargrad của Nga dẫn nguồn từ truyền thông Trung Quốc cho hay.
Hiện chưa rõ các nhà phân tích Trung Quốc đã dựa trên cơ sở nào để nhận định rằng Nga chỉ phát triển một số ít loại vũ khí mới. Giới chuyên gia Nga cho rằng các nhà phân tích Trung Quốc đã không nắm được đầy đủ tiềm năng quân sự thực tế của Nga.
“Nga không nhất thiết phải điều động tới máy bay. Hiện nay, chúng tôi có đủ các loại tên lửa có thể phá hủy toàn bộ các căn cứ quân sự hiện có tại châu Âu. Bên cạnh đó, mức độ đáng tin cậy của các hệ thống phòng không Nga là rất lớn, và Nga có thể bắn hạ trực tiếp các máy bay của đối thủ xâm phạm lãnh thổ” – một chuyên gia Nga giấu tên nhận định.
Trong khi đó, theo nhà phân tích quân sự Nga Viktor Baranets, các chuyên gia Trung Quốc đã có sự nhầm lẫn lớn.
“Sau khi quả bom nguyên tử đầu tiên của người Mỹ rơi xuống lãnh thổ Nga thì nước Mỹ sẽ bị hủy diệt, không phải trong 3 giờ đồng hồ, mà chỉ trong vòng 20 phút” – ông Baranets nói.
Cũng theo vị chuyên gia, nếu dựa vào logic của các chuyên gia Trung Quốc thì thậm chí có thể nói Trung Quốc sẽ bị hủy diệt trong nửa giờ nếu chiến tranh.
“Các tàu ngầm nguyên tử với 16 hoặc 20 tên lửa hạt nhân luôn ở trong tình trạng báo động, cảnh giác cao độ. Trong trường hợp Nga bị tấn công hạt nhân thì toàn bộ 16 tên lửa này sẽ giội xuống lãnh thổ Mỹ.
Ngoài ra, Trung Quốc cần biết rằng, Nga đang phát triển các loại vũ khí siêu vượt âm, trong vòng 10 phút có thể mang vũ khí hạt nhân tới lãnh thổ của quốc gia đang nhăm nhe tấn công hạt nhân nhằm vào Nga” – ông Baranets nhấn mạnh.
Vị chuyên gia Nga cho rằng giới phân tích Trung Quốc “cần thận trọng hơn nữa khi nói về năng lực quân sự của Nga trong trường hợp Nga bị tấn công hạt nhân”.
“Một số loại vũ khí được Tổng thống Putin đề cập trong thông điệp liên bang tháng 3/2018 đã được đưa vào trang bị, và chúng có tốc độ siêu vượt âm – điều mà người Mỹ hiện nay hoàn toàn không có phương thức ngăn chặn.
Tôi muốn gửi lời chia buồn sâu sắc tới những tác giả của bài báo Trung Quốc, họ quá thiếu hiểu biết về tình hình hiện tại nên đã đặt Nga vào vị thế bẽ bàng.
Cùng với cách tư duy như thế, người ta có thể nói trong trường hợp nổ ra chiến tranh hạt nhân, Trung Quốc sẽ bị hủy diệt trong vòng 30 phút. Nhưng tôi sẽ không bao giờ đưa ra kết luận một cách như vậy” – ông Baranets kết luận.
http://biendong.net/xung-dot-chien-tranh/32736-chuyen-gia-tq-nga-se-bi-huy-diet-trong-vong-3-gio-dong-ho-neu-chien-tranh-voi-my.html

Bắc Kinh chỉ trích Bộ Trưởng Thương Mại Hoa Kỳ

Wilbur Ross vì tuyên bố rằng Coronavirus

sẽ giúp người Mỹ lấy lại việc làm từ trung Cộng

Hôm thứ Sáu (31/01/2020), Bộ Ngoại giao Trung Cộng đã chỉ trích bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross là người không tốt bụng vì đã tuyên bố rằng việc coronavirus lây lan nhanh chóng sẽ giúp Mỹ lấy lại công việc làm từ Trung Cộng. Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross đã nói về việc này trong cuộc phỏng vấn với ký giả Maria Bartiromo của Fox Business Network hôm thứ Năm (30/01/2020).
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng, Hua Chunying nhắc lại rằng Trung Cộng đã chia sẻ dữ kiện và thông tin về coronavirus với quốc tế, bao gồm cả Hoa Kỳ, một cách minh bạch, có trách nhiệm và kịp thời. Virus bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán của Trung Cộng, giết chết 213 người ở Trung Cộng và làm ít nhất 9,934 người mắc bệnh trên toàn thế giới. Số ca được chẩn đoán đã vượt xa so với dịch Sars 2002-03, khiến gần 800 người thiệt mạng. Các ca được xác nhận chủ yếu tập trung ở Trung Cộng. Ít nhất 122 ca mắc bệnh đã được xác nhận tại ít nhất 21 quốc gia khác. Hoa Kỳ đã khuyên không nên đi du lịch đến Trung Cộng vì virus lây lan nhanh chóng.
Khi số người chết vì coronavirus tiếp tục tăng, hôm thứ Năm (30/01/2020) một số quốc gia đã tiến hành hoặc tiếp tục lên kế hoạch di tản công dân của họ ra khỏi Vũ Hán, tâm của dịch virus. Hãng máy bay Delta Airline tuyên bố tạm ngừng các chuyến bay đến Trung Cộng. Úc cấm tất cả các du khách ngoại quốc đến từ Trung Cộng nhập cảnh Úc.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/bac-kinh-chi-trich-bo-truong-thuong-mai-hoa-ky-wilbur-ross-vi-tuyen-bo-rang-coronavirus-se-giup-nguoi-my-lay-lai-viec-lam-tu-trung-cong/

Bắc Kinh đả kích Hoa Kỳ giới hạn nhập cảnh

 người từng ghé qua Trung Quốc

BẮC KINH, Trung Quốc (AP) – Số người thiệt mạng tại Trung Quốc do virus Corona lên tới con số 259 hôm Thứ Bảy, 1 Tháng Hai, trong lúc một giới chức thuộc Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) nói rằng chính phủ các quốc gia khác cần chuẩn bị cho việc chống bùng phát của virus nếu xảy ra tình trạng lây lan trong nước.
Bắc Kinh lên tiếng đả kích việc Washington đưa ra lệnh cấm nhập cảnh phần lớn những người ngoại quốc từng ghé qua Trung Quốc trong hai tuần qua.
Thủ Tướng Úc, ông Scott Morrison, hôm Thứ Bảy loan báo các biện pháp tương tự, tiếp theo sau Nhật và Singapore.
Trong khi đó, Nam Hàn và Ấn Độ đưa hàng trăm công dân của họ ra khỏi Vũ Hán, tâm điểm của khu vực nơi có khoảng 50 triệu người bị cấm ra khỏi nơi cư trú, do các biện pháp chống lây lan của virus. Chính quyền Indonesia cũng gửi một phi cơ đến đưa dân của họ về nước.
Số trường hợp được chính thức xác nhận là nhiễm virus Corona ở Trung Quốc nay lên tới 11,791, vượt quá con số của thời dịch bệnh SARS năm 2002-2003. Sự lây lan nhanh chóng của virus này trong hai tháng đã khiến tổ chức WHO hôm Thứ Năm tuyên bố tình trạng khẩn trương y tế toàn cầu.
Trung Quốc lên tiếng chỉ trích các biện pháp kiểm soát của Hoa Kỳ, nói rằng điều này đi ngược lại kêu gọi của WHO là tránh các hành động ngăn cấm di chuyển, cùng là những “phát biểu không thân thiện” rằng Bắc Kinh không chịu hợp tác.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) nói rằng: “Trong khi WHO đề nghị không giới hạn di chuyển thì phía Mỹ lại vội vàng làm ngược lại. Rõ ràng đây không phải là lối hành xử thân thiện.”
Tổng Thư Ký tổ chức WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tuyên bố tại Geneva, Thụy Sĩ, rằng tuy có tình trạng khẩn trương y tế, “không có lý do gì để đưa ra các biện pháp không cần thiết để cản trở di chuyển và thương mại quốc tế.”
Chính quyền Cộng Sản Trung Quốc tiếp tục gia hạn giai đoạn nghỉ Tết ở tỉnh Hồ Bắc, nơi có thành phố Vũ Hán, thêm một thời gian nữa, và kêu gọi dân chúng tiếp tục ở trong nhà.
Tại thành phố Huanggang ở Hồ Bắc, chính quyền nơi này ra lệnh cấm đa số cư dân không được ra khỏi nhà, nói rằng mỗi gia đình chỉ được cử ra một người ra khỏi nhà để đi chợ mua thực phẩm, hai ngày một lần.
“Những người khác không được ra khỏi nhà trừ trường hợp vì lý do y tế, đi làm nhiệm vụ ngăn ngừa lây lan, làm việc trong siêu thị hay trong các tiệm thuốc,” theo bản thông cáo.
Bắt đầu từ ngày Chủ Nhật, chính phủ Hoa Kỳ sẽ chuyển các chuyến bay từ Trung Quốc về bảy phi trường chính để hành khách qua các cuộc kiểm soát trước khi nhập cảnh.
Hôm Thứ Sáu, các hãng hàng không Delta Air Lines và American Airlines tạm ngưng các chuyến bay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các hãng hàng không khác, gồm cả British Airways, Finnair và Cathay Pacific ở Hồng Kông cũng hủy hoặc giảm bớt các chuyến bay tới lục địa Trung Quốc. Việt Nam cũng ngưng các chuyến bay tới Trung Quốc. (V.Giang)
https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/bac-kinh-da-kich-hoa-ky-gioi-han-nhap-canh-nguoi-tung-ghe-qua-trung-quoc/

Đeo hay không đeo khẩu trang để chống virus Corona?

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Chính quyền các quốc gia khắp thế giới đang đưa ra những thông tin trái ngược nhau về hiệu quả của việc đeo khẩu trang để chống virus Corona.
Nhà máy trên khắp Trung Quốc đang chạy đua sản xuất khẩu trang để cố ngăn virus Corona lây lan.
Chính phủ Trung Quốc đã hối thúc các nhà sản xuất nâng sản lượng để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh.
Công nhân các nhà máy đang phải làm việc đến mệt mỏi.
Chị Wang Xiaoming, công nhân nhà máy, nói: “Mỗi ca tôi phải làm 25,000 cái. Mệt lắm, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác mỗi khi xảy ra dịch bệnh. Chúng tôi phải sản xuất thêm khẩu trang.”
Theo Bộ Kỹ Nghệ và Công Nghệ Thông Tin Trung Quốc, hiện nay, nước này làm ra hơn tám triệu khẩu trang một ngày.
Con số này chỉ đạt 40% sản lượng hằng ngày bình thường của Trung Quốc là 20 triệu cái, vì đây là thời gian nghỉ Tết.
Khi công nhân trở lại làm việc sau Tết, sản lượng dự trù sẽ tăng mạnh. Theo chủ tịch Hội Dệt May Trung Quốc, đến cuối Tháng Hai, khi các dây chuyền mới được sử dụng, số khẩu trang sản xuất có thể đạt đến 180 triệu cái một ngày.
Tại thành phố Nam Ninh, phía Nam tỉnh Quảng Tây, Nhà Máy Thiết Bị Y Tế Fangyuan đã làm việc trở lại hôm Thứ Ba. Với 35 công nhân làm việc thêm giờ, nhà máy đã nâng sản lượng hằng ngày lên đến gần 100,000 cái kể từ Thứ Năm.
Công nhân của 27 nhà máy ở tỉnh Hồ Nam cũng đã trở lại làm việc hôm Thứ Tư để sản xuất thiết bị bảo hộ phòng ngừa dịch bệnh.
Theo các giới chức Hồ Nam, tỉnh này có thể sản xuất đến 462,000 khẩu trang một ngày.
Lý do họ phải sản xuất nhiều như vậy thì không có gì khó hiểu.
Tổ Chức Y Tế Thế Giới không nhắc gì đến việc đeo khẩu trang để phòng ngừa virus Corona. Trong hình, khách hàng đeo khẩu trang tại một nhà hàng thức ăn nhanh của MacDonald ở Hồng Kông. (Hình: Anthony Wallace/AFP via Getty Images)
Không chỉ ở Trung Quốc, mà còn ở nhiều nước khác, người ta đang đổ xô đi mua khẩu trang.
Tuy nhiên, hiện đang có nhiều thông tin trái ngược nhau về việc có nên đeo khẩu trang hay không.
Tờ báo chính của Singapore ra Thứ Sáu, 31 Tháng Giêng, khuyên người dân không nên đeo nếu khỏe.
Úc và Đài Loan cũng cho rằng người nào khỏe thì không cần đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, Úc cũng đã mở kho dự trữ y tế quốc gia để lấy ra một triệu cái khẩu trang.
Còn Đài Loan thì cấm xuất cảng khẩu trang. Cơ quan đường sắt Đài Loan thì loan báo nếu virus vẫn lây lan, họ sẽ không cho hành khách lên tàu nếu không đeo khẩu trang.
Tại Hồng Kông, một nhà lập pháp đặc trách ủy ban dịch vụ y tế của chính phủ, đã bị chỉ trích sau khi chia sẻ đoạn video hướng dẫn cách hấp để dùng lại khẩu trang xài một lần rồi bỏ.
Ở Ấn Độ thì có lời khuyên khá kỳ lạ. Chính phủ nước này đề nghị dùng món nước pha chế truyền thống, trong đó có gừng và rau húng, để phòng bệnh.
Còn tại Miến Điện, một bộ trưởng bị khiển trách vì chia sẻ một bài post trên Facebook khuyên người dân nên ăn thêm hành.
Trở lại Trung Quốc, các nhà máy tiếp tục hối hả sản xuất khẩu trang.
Bảng hướng dẫn chính thức của Tổ Chức Y Tế Thế Giới không nhắc gì đến việc đeo khẩu trang để phòng ngừa virus Corona. Nhưng website của họ cũng không khuyên là không nên đeo.
Mặc dù chưa có kết luận chính thức, các cuộc nghiên cứu từ xưa đến nay cho thấy đeo khẩu trang có thể giúp phòng ngừa những bệnh thông thường như cảm cúm.
Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Mỹ CDC đã khuyến cáo bất cứ ai được xác nhận hoặc bị nghi ngờ nhiễm virus Corona nên đeo khẩu trang khi có mặt người khác.
Theo ông Robert Amler, hiệu trưởng Đại Học Y Khoa New York, khẩu trang không phải dùng để bảo vệ người đeo, mà là bảo vệ người khác trước những dịch cơ thể từ người đeo văng ra.
Các chuyên gia khẳng định cách tốt nhất để tránh nhiễm bệnh là thường xuyên rửa tay và tránh tiếp xúc với người bệnh. (Th.Long)
https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/deo-hay-khong-deo-khau-trang-de-chong-virus-corona/

Đại dịch virus corona:

 Chính quyền Trung Quốc tự gây nguy hiểm cho mình

Đại Nghĩa
Hiện tại, tất cả các tỉnh của Trung Quốc đều có người mắc viêm phổi cấp do virus corona. Dịch bệnh đã lan tới ít nhất 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (ảnh chụp tại Bắc Kinh, Trung Quốc / Zhang kaiyv / Unsplash).
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona đã khiến Trung Quốc ngày càng bị cô lập. Từ châu Á, châu Âu đến Australia, Mỹ, hàng loạt quốc gia từ chối mọi hành khách đến từ Trung Quốc đại lục trong bối cảnh số người lây nhiễm vẫn tăng nhanh. Bên cạnh đó, dịch bệnh lần này cũng khiến cho chính quyền Trung Quốc lâm vào thế hiểm nguy.
Đổ vỡ lòng tin của công chúng và cộng đồng quốc tế
Ngay từ đầu, giới chức chính quyền Trung Quốc đã che giấu thông tin, trong vòng 6 ngày từ 11/01 – 16/01/2020 họ giữ nguyên số ca mắc ở mức 41. Chỉ sau khi lãnh đạo tối cao của họ, tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình lên tiếng, số ca mắc được báo cáo mới tăng vọt. Đến ngày 02/02/2020, đã là 14.380 với 304 người tử vong. Nhưng con số này so với thông tin cư dân từ Vũ Hán tiết lộ và dự đoán theo mô hình của các nhà khoa học Anh vẫn còn thấp hơn nhiều. Nguồn tin từ NTD cho biết, các nhà hoả táng tại Vũ Hán đang hoạt động 24/24 giờ mỗi ngày. Với công suất của tất cả các lò hoả táng tại Vũ Hán, đang có từ 112 – 224 người tử vong chỉ riêng tại đây mỗi ngày.
Trên các mạng xã hội, ngoài các thông tin rò rỉ từ cư dân và nhân viên y tế tại Vũ Hán, công chúng Trung Quốc ngày càng tỏ thái độ giận dữ với chính quyền Trung Quốc. Trần Thu Thực, một Youtuber cho biết “không phải ai cũng bị tẩy não” và kêu gọi sự trợ giúp từ các nước tiên tiến với người dân Trung Quốc: “Cho dù thời gian qua chính quyền Trung Quốc đã có những lời nói ngạo mạn, khó nghe nhưng đó không phải đại diện cho tiếng lòng của người dân Trung Quốc. Dẫu chúng tôi biết rằng, kể cả các vị giúp Trung Quốc vượt qua được kiếp nạn này thì chính quyền Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục mắng chửi các vị là “thế lực thù địch phương tây”. Nhưng biết phải làm sao, bản chất của chính quyền Trung Quốc là như vậy”.
Có thể nói, chỉ sau một thời gian ngắn diễn biến về dịch virus corona mới, lòng tin của công chúng Trung Quốc và cộng đồng quốc tế với chính quyền nước này đã hoàn toàn đổ vỡ. Bởi vì mức độ internet ngày nay đã hoàn toàn khác so với giai đoạn năm 2003 khi họ che giấu dịch SARS. Nhưng nói dối đã trở thành đặc tính của chính quyền Trung Quốc, cho nên dù bằng cách nào cũng không thể thay đổi được.
Tưởng mình là ‘vĩ đại’ thông qua phát triển kinh tế
Chính quyền Trung Quốc trong mấy chục năm qua đều lấy phát triển kinh tế để tô vẽ cho hình ảnh của bản thân là “vĩ đại, quang vinh và đúng đắn”. Thực chất là sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là do người dân được nới lỏng nên phát huy được năng lực của họ, đồng thời chính sách cưỡng ép chuyển giao công nghệ và gián điệp công nghệ của chính quyền Trung Quốc đã giúp Trung Quốc có được công nghệ tầm trung với giá rẻ. Nhưng với tình trạng tăng trưởng đã chậm lại về mức thấp nhất trong gần 30 năm, nay lại thêm ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, khó khăn mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối diện sẽ chưa thể đo lường.
Sự phong toả và hạn chế đi lại tại nhiều tỉnh thành Trung Quốc hiện đã làm đình trệ hoàn toàn các hoạt động kinh tế. Các nhà kinh tế của Nomura ước tính tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý I/2020 có thể giảm 2% từ mức 6,1% của năm 2019. Chỉ số chứng khoán Thượng Hải Shanghai Composite chỉ trong hai ngày giao dịch từ 22 – 23/01/2020 ngay sau khi Vũ Hán bị phong toả đã giảm từ 2,74% (tạm nghỉ giao dịch vì Tết Nguyên đán). Chỉ số Hang Seng của Hong Kong từ 22/01/2020 đến 31/01/2020 mất tới 9,4% từ 17 – 31/01/2020. Các chỉ số chính toàn cầu đều giảm tuỳ theo mức độ liên hệ với nền kinh tế Trung Quốc. Nhiều công ty toàn cầu đã đóng cửa tất cả các văn phòng và tạm ngưng hoạt động với các nhà máy tại Trung Quốc. Có thể nói, chuỗi cung ứng toàn cầu với sự tham gia của nền kinh tế Trung Quốc đã tạm thời ngưng trệ. Có thể nói, các nỗ lực của chính quyền Trung Quốc tô vẽ cho sự phát triển kinh tế đang bị đổ xuống sông xuống biển.
Mua chuộc và lũng đoạn Tổ chức Y tế thế giới (WHO)
Sau đại dịch SARS năm 2003, chính quyền Trung Quốc đã từng bị tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ trích vì giấu diếm thông tin khiến dịch bùng phát. Đến năm 2006, chính quyền Trung Quốc đã tìm cách để Trần Phùng Phú Trân, cựu bộ trưởng bộ y tế Hồng Kông, trúng cử chức Tổng giám đốc WHO. Từ đó, WHO đã bị lũng đoạn bởi chính quyền Trung Quốc. Sau khi miễn nhiệm khỏi WHO năm 2017, Trần Phùng Phú Trân được giữ chức vụ thường ủy Hội nghị Hiệp thương Chính trị ĐCSTQ. Ngày 18/12/2018, giới quan chức báo cáo rằng: Trung ương, Quốc vụ viện ĐCSTQ tặng cho “đồng chí” Trần Phùng Phú Trân danh hiệu cải cách tiên phong, và trao tặng “huy chương cải cách tiên phong”. Điều này cũng giải thích tại sao WHO thường phủ nhận việc chính quyền ĐCSTQ mổ cướp nội tạng của người dân.
Ngày 23/01/2020, sau khi chính quyền Trung Quốc phong toả Vũ Hán, WHO họp khẩn tại Genève – Thuỵ Sĩ. Sau đó, Tổng giám đốc WHO – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, người Ethiopia cho biết việc tuyên bố dịch virus corona mới là “Sự kiện y tế cộng đồng đột biến được quốc tế quan tâm” vẫn còn quá sớm. Ông này còn liên tục đánh giá các biện pháp của chính quyền Trung Quốc là “có khả năng ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh”. Mãi cho tới ngày 31/1, WHO mới buộc phải tuyên bố “Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC)”. Nhưng người ta dễ dàng nhận thấy các động thái của WHO đều luôn “tương thích” với các tuyên bố và động thái của chính quyền Trung Quốc.
Cái giá phải trả cho việc chính quyền Trung Quốc lũng đoạn WHO là sức khoẻ của người dân khắp thế giới. Bởi vì khi các quốc gia vẫn căn cứ vào động thái của WHO để ứng phó với dịch thì thông tin sai lệch của WHO sẽ khiến cả thế giới sai lầm. Con số 5 triệu người đã rời khỏi Vũ Hán đi khắp thế giới kể từ khi có dịch, là một trong những hậu quả từ hành động lũng đoạn WHO của chính quyền Trung Quốc. Việc nhiều quốc gia mấy ngày gần đây cấm nhập cảnh đối với người tới từ Vũ Hán và thậm chí từ cả Trung Quốc có thể đã quá muộn để ngăn chặn dịch lây lan.
Có thể nói, mục tiêu “duy trì sự ổn định” để đảm bảo quyền lực của ĐCSTQ đã để lại hậu quả không chỉ cho thế giới mà còn khôn lường cho bản thân ĐCSTQ. Việc che giấu thông tin đang gây hoang mang trên khắp Trung Quốc. Tình trạng phong toả nếu kéo dài, việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu về ăn, uống, y tế khẩn cấp của hàng trăm triệu người có thể dẫn đến bất ổn xã hội. Nếu diễn biến dịch còn phức tạp, và với thái độ cực đoan của dân chúng đã dưỡng thành trong chế độ của ĐCSTQ, thì sự hoảng loạn mất kiểm soát có thể xảy ra. Những điều mà ĐCSTQ lo sợ nhất, đó là sự mất niềm tin của công chúng trong nước và quốc tế, sự vỡ trận về kinh tế và tình trạng hoảng loạn dây chuyền trong xã hội đang làm cho nguy cơ sụp đổ của ĐCSTQ hiện hữu hơn bao giờ hết.
https://www.dkn.tv/the-gioi/dai-dich-virus-corona-chinh-quyen-trung-quoc-tu-gay-nguy-hiem-cho-minh.html

Giảng viên Trung Quốc:

mục tiêu đào tạo sinh viên Tân Cương là để ‘đồng hóa’ họ

Lục Du
Bitter Winter cho hay, trong khi hàng triệu người Hồi giáo đang bị Bắc Kinh giam cầm tại các trại cải tạo ở Tân Cương, thì con em của họ phải chấp nhận sự giáo dục “đồng hóa” ở nơi cách quê nhà của chúng hàng ngàn dặm để trở thành “người thừa kế” di sản của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Một trường đại học kỹ thuật ở Thiệu Hưng, một thành phố ở phía đông tỉnh Chiết Giang, bắt đầu “đào tạo” sinh viên người Hồi giáo từ Tân Cương vào năm 2011. Năm 2019, trường này đã “tuyển sinh” 186 sinh viên Hồi giáo, trong đó Người Duy Ngô Nhĩ chiếm 70%, phần còn lại là người Kazakhstan, người Slovak và người Mông Cổ.
Một giảng viên dạy môn đạo đức trong trường đại học này nói với Bitter Winter rằng những sinh viên Hồi giáo là “những em lắng nghe Đảng và thể hiện sự xuất sắc trong học tập”, khi hoàn thành khóa học họ sẽ được điều trở về quê nhà để làm trợ lý cảnh sát, làm cán bộ thôn, hoặc giáo viên song ngữ ở trường mẫu giáo hoặc tiểu học.
Trường đại học này cho lan truyền một câu chuyện vinh danh một sinh viên người Duy Ngô Nhĩ, theo đó, sinh viên này sau khi tốt nghiệp đã được “giao nhiệm vụ trên tuyến đầu duy trì sự ổn định tình hình Tân Cương”, và được đơn vị công an nơi sinh viên “ưu tú” này công tác ca ngợi là một chiến sĩ xuất sắc.
“Chúng tôi hướng dẫn sinh viên từ Tân Cương đi theo Đảng Cộng sản khi chúng được chính quyền gửi tới học ở đây”, giảng viên dạy môn đạo đức nói, và cho biết thêm rằng với tư cách là giảng viên, họ “sẽ đào tạo đội ngũ kế thừa cho Đảng”.
Ngoài việc học tiếng Trung Quốc, nhà trường ưu tiên “giáo dục cho họ lòng yêu nước, các bài giảng về đoàn kết dân tộc, lý tưởng và niềm tin cộng sản, và lòng biết ơn đối với nhà nước”, giảng viên dạy môn đạo đức cho biết.
“Nếu học sinh được hỏi ai cho chúng ăn bánh bao, chắc chắn họ sẽ trả lời rằng Đảng Cộng sản”, người giáo viên này khẳng định. “Chúng tôi hướng dẫn các sinh viên học cách cảm ơn Đảng và nhà nước”.
Vị giảng viên đạo đức được cấp bằng thạc sĩ nói rằng mục tiêu giáo dục tư tưởng cho học sinh Tân Cương là để làm cho họ yêu đất nước và Đảng, và đây là một nhiệm vụ chính trị.
Một giảng viên ở một trường dạy nghề ở thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, nói với Bitter Winter rằng, đối với sinh viên Tân Cương, giáo dục lòng yêu nước là ưu tiên hàng đầu. Hiện tại, trường của giảng viên này đang đào tạo 261 sinh viên quê ở thành phố Kashi, và huyện Aksu, Tân Cương.
“Các môn học khác, như công nghệ, văn hóa và những môn tương tự, là thứ yếu”, nữ giảng viên này thông tin. “Điều quan trọng nhất không phải là có kiến thức tốt về những môn học này, mà là thành tích xuất sắc trong các lớp học về ý thức hệ, đáp ứng yêu cầu của ĐCSTQ”. Bà cho biết thêm rằng mỗi cuối tuần, trường của bà sắp xếp cho sinh viên Tân Cương tham dự các lớp giáo dục tư tưởng, đưa họ tới với “nền tảng của giáo dục đỏ”, hay cho họ xem Xinwen Lianbo (các phim tuyên truyền), được sản xuất bởi Đài truyền hình trung ương Trung Quốc. Bằng cách đó, nhà trường đặt mục tiêu kết hợp giáo dục lòng yêu nước không chỉ bên trong chương trình giảng dạy cho sinh viên Tân Cương mà còn cả bên trong cuộc sống hàng ngày của họ và “giúp họ dần dần phát triển nhận thức về tổ quốc Trung Quốc”.
Bitter Winter cho hay, để đảm bảo hiệu quả của việc truyền bá ý thức hệ của ĐCSTQ, tất cả các sinh viên Tân Cương đều bị kiểm soát gắt gao. Họ sống trong các điều kiện giống như nhà tù, khu vực sinh sống của họ được bảo vệ nghiêm ngặt hơn và thường bị chia tách với khu vực ký túc của các sinh viên gốc Hán, ban giám hiệu nhà trường giữ giấy tờ tùy thân của họ, và những sinh viên này không được phép đi lại tự do. Muốn ra ngoài họ phải chấp nhận bị giáo viên đi kèm, ngay cả khi đi mua sắm. Họ cũng bị kiểm soát chặt chẽ niềm tin vào Thần. Nhà trường không cho phép họ tham gia bất kể nghi lễ hoặc hoạt động tôn giáo nào, thậm chí không cho họ sử dụng khăn trùm đầu hoặc cầu nguyện.
Một giảng viên khác của trường đại học kỹ thuật ở Thiệu Hưng tiết lộ với Bitter Winter rằng chính quyền Trung Quốc đang ủng hộ các bữa ăn “hỗn hợp” cho sinh viên Tân Cương, gọi đó là “bữa ăn dân tộc”, ở đó sinh viên Hồi giáo phải ăn thịt lợn, điều cấm kị trong tôn giáo của họ. “Đây là một chủ trương chung”, giáo viên này cho biết thêm. “Mục tiêu chủ yếu của ĐCSTQ là đưa họ tới đây để ‘đồng hóa’ họ”.
https://www.dkn.tv/the-gioi/giang-vien-trung-quoc-muc-tieu-dao-tao-sinh-vien-tan-cuong-la-de-dong-hoa-ho.html

Trung Quốc ‘bơm’ hơn 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ

chống bùng phát dịch virus corona

Triệu Hằng
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ bơm 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 173,8 tỷ đô la Mỹ) giá trị thanh khoản vào thị trường thông qua các hoạt động “repo ngược” vào thứ Hai (3/2) khi nước này đang vật lộn với một sự bùng phát dịch virus corona mới, theo Reuters (2/2).
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã thông báo trong một tuyên bố được công bố trên trang web của ngân hàng này vào Chủ nhật. Ngân hàng cho biết, tổng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng sẽ cao hơn 900 tỷ nhân dân tệ so với cùng kỳ năm 2019.
Hoạt động repo ngược là một quá trình mà trong đó ngân hàng trung ương mua chứng khoán từ các ngân hàng thương mại thông qua đấu thầu, với một thỏa thuận bán lại chúng trong tương lai.
Trước đó, ngày 16/1 Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã “bơm” 300 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 43,60 tỷ đô la Mỹ) vào hệ thống tài chính nước này thông qua repo đảo ngược kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,65%. Động thái này nằm trong nỗ lực thực hiện chính sách tài khóa chủ động và chính sách tiền tệ thận trọng.
https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-bom-hon-12-nghin-ty-nhan-dan-te-chong-bung-phat-dich-virus-corona.html

Trung Quốc lại bùng phát thêm

dịch cúm gia cầm H5N1

Triệu Hằng
Chủng cúm H5N1 gây truyền nhiễm cho gia cầm vừa mới bùng phát tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), theo Reuters ngày1/2.
Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cho hay, dịch bùng phát ở một trang trại ở thành phố Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Trang trại có 7.850 con gà thì 4.500 con chết vì nhiễm H5N1, Reuters trích số liệu từ Bộ.
Giới chức Thiệu Dương đã tiến hành các biện pháp cần thiết để kiểm soát dịch, bao gồm tiêu huỷ 17.828 con gia cầm.
Bùng phát dịch H5N1 ở Hồ Nam xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối phó với dịch virus corona Vũ Hán được cho là bắt nguồn từ đột biến gen ở một cá thể dơi ở tỉnh Hồ Bắc (phía Bắc tỉnh Hồ Nam) – tiếp tục lan rộng khắp đất nước khiến hàng trăm người chết và lây nhiễm cho khoảng 12.000 người trên toàn cầu.
SCMP thông tin ngày 1/2, virus cúm gia cầm H5N1, thường được gọi là cúm gia cầm gây bệnh hô hấp nghiêm trọng ở gia cầm và có khả năng lây truyền cho người. Virus này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1996 từ loài ngỗng ở Trung Quốc.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), H5N1 có thể lây truyền sang người, phổ biến nhất là khi có tiếp xúc với gia cầm chết hoặc môi trường ô nhiễm, nhưng rất hiếm khi lây từ người sang người.
Theo các chuyên gia của Liên Hợp Quốc, dịch cúm gia cầm ở Trung Quốc vào năm 2013 đã gây thiệt hại 6,5 tỷ đô la.
https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-bung-phat-dich-cum-gia-cam-h5n1.html

Trung Quốc : 304 người tử vong, virus corona lan mạnh,

Ôn Châu bị cách ly

Tú Anh|Minh Anh
Cho tới ngày 02/02/2020, dịch viêm phổi cấp tính chủng mới tại Trung Quốc tiếp tục lây lan, làm 304 người chết và 14.000 người bị lây nhiễm. Chính quyền Ôn Châu, cách trung tâm dịch Vũ Hán gần 700 km áp đặt biện pháp cách ly toàn thể 9 triệu dân. Mỗi nhà chỉ có một người được quyền đi mua thức ăn, hai ngày một lần.
Quốc tế tiếp tục di tản kiều dân và cấm cửa du khách Trung Quốc. Doanh nghiệp nước ngoài ngưng hoặc giảm hoạt động. Tác hại lên nền kinh tế đã hiện rõ. Ngày Chủ Nhật, 02/02/2020 Ngân Hàng Trung Ương loan báo đầu tư kích hoạt kinh tế 1000 tỷ nhân dân tệ.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde phân tích :
“Trong thời khủng hoảng thì điện thoại thông minh cũng hết còn quyến rũ. Các rạp chiếu bóng, hàng quán vắng khách thưa người. Sau McDo, IKEA, Wallmart, Starbuck, Pizza Hutt hay KFC đến phiên Apple thông báo đóng cửa khoảng 40 địa điểm thương mại tại Trung Quốc.
Theo giới phân tích được tạp chí kinh tế Tài Kinh (Caixin) trích dẫn, siêu vi viêm phổi chủng mới corona đã làm cho các ngành dịch vụ từ quán ăn, du lịch cho đến giải trí bị thiệt hại 143 tỷ đôla ngay trong tuần nghỉ lễ đầu tiên của Tết Nguyên Đán.
Trung Quốc, trong bối cảnh tăng trưởng thấp nhất từ 30 năm nay, hy vọng kinh tế sẽ phục hồi với thỏa thuận hưu chiến thương mại với Mỹ. Thế nhưng, siêu vi corona làm tiên tan hy vọng này. Trong ngày Chủ Nhật, Ngân Hàng Nhà Nước Trung Quốc loan báo sẽ bơm vào thị trường 1.000 nhân dân tệ để hỗ trợ kinh tế”.
Nguy cơ bất ổn xã hội
Thiếu thốn dụng cụ – thiết bị y tế, các hoạt động kinh tế bị đình trệ, Trung Quốc giờ có nguy cơ đối mặt bùng nổ xung đột xã hội. Việc các nhà xưởng phải kéo dài ngày nghỉ buộc chính quyền Bắc Kinh theo dõi sát sao tỷ lệ thất nghiệp do lo ngại bất ổn xã hội.
Vũ Hán, ổ dịch nhưng còn là lá phổi công nghiệp Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực lắp ráp xe ô tô và điện tử. Tâm trạng sợ virus corona buộc nhiều người ở yên trong nhà. Vào lúc nhu cầu khẩu trang và các thiết bị – dụng cụ y tế ngày càng cấp bácy, các nhà xưởng hoạt động hết công suất, nhưng tại nhiều doanh nghiệp, công nhân vẫn không trở lại làm việc.
Trả lời câu hỏi nhà báo Jelena Tomic của RFI, ông Samuel François, giảng viên Y khoa, đại học Vũ Hán nhận định hiện tại, người dân tại Vũ Hán vẫn còn « giữ nụ cười », chưa tỏ ra hoảng loạn, bất chấp tình trạng bị cách ly. Tuy nhiên, nếu tình hình này kéo dài, « tình hình có nguy cơ thay đổi ».
Một điều chắc chắn, khi nhìn thấy những chiếc máy bay chở kiều dân các nước hồi hương cất cánh, những hình ảnh này sẽ hằn sâu trong ký ức người Trung Quốc. Hơn nữa, khẩu hiệu « Tôi là người Vũ Hán » không còn được lắng nghe tại Trung Quốc cũng như ở bên ngoài, cư dân Hồ Bắc, giờ cũng đang bị đối xử giống như là những người bị mắc bệnh hủi.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200202-trung-qu%E1%BB%91c-304-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-t%E1%BB%AD-vong-virus-corona-lan-m%E1%BA%A1nh-%C3%B4n-ch%C3%A2u-b%E1%BB%8B-c%C3%A1ch-ly

Virus corona:

Bắc Kinh kêu gọi Châu Âu hỗ trợ chống dịch

Tú Anh
Trong bối cảnh cứ mỗi ngày có thêm gần 50 người chết và hàng ngàn bệnh nhân mới được kiểm kê, chính quyền Trung Quốc kêu cứu. Theo thông báo của chính phủ Trung Quốc, thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu tạo thuận lợi cung cấp khẩn cấp trang thiết bị, dụng cụ y khoa.
Bản tin Tân Hoa Xã ngày 01/02/2020 cho biết, trong cuộc điện đàm với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von Der Leyen, thủ tướng Trung Quốc đã giải thích tình hình dịch bệnh hiện nay ở Hoa lục nhất là ở Vũ Hán nơi mà ông gọi là « tuyến đầu » của cuộc chiến chống virus viêm phổi chủng mới.
Thủ tướng Trung Quốc cam kết sẽ tăng cường chia sẻ thông tin và hợp tác với Liên Hiệp Châu Âu chống khủng hoảng virus corona.
Trước quy mô lây lan nhanh chóng, giới y tế Trung Quốc có lẽ gặp nhiều khó khăn và thiếu phương tiện. (Xem giải thích của của bác sĩ Philippe Klein trên RFI/01/02/2020).
Ông Lý Khắc Cường kêu gọi Bruxelles và các thành viên Liên Hiệp Châu Âu hỗ trợ cho Trung Quốc, nhanh chóng cung cấp trang thiết bị khẩn cấp.
Tân Hoa xã cho biết chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von Der Leyen đã nhận lời trợ giúp y tế cho Bắc Kinh.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200202-virus-corona-b%E1%BA%AFc-kinh-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-ch%C3%A2u-%C3%A2u-c%E1%BB%A9u-h%E1%BB%99-ch%E1%BB%91ng-d%E1%BB%8Bch

Y học cổ truyền Trung Quốc chống virus corona ?

Thanh Hà
Trung Quốc nổi tiếng có những bài thuốc bắc thần dược, nhưng chưa có “thuốc tiên” trị virus corona. Vào lúc Bắc Kinh ghi nhận đã có hơn 300 ca tử vong, trên 12.000 người bị viêm phổi, tại Trung Quốc những chai thuốc Song Hoàng Liên trở nên vô cùng khan hiếm.
Lý do : loại thuốc này được chế biến từ một loài thảo dược chuyên trị ho, sốt hay viêm quản. Đây cũng là những triệu chứng do siêu vi corova gây nên.
Trong những ngày qua các giới chức y tế Trung Quốc nỗ lực thuyết phục dân tình tránh lui tới những chỗ đông người có khả năng lây nhiễm cao, nhưng các nhà thuốc là một ngoại lệ. Dịch bệnh đang lan tràn vẫn không làm nản lòng những người đứng xếp hàng đông như kiến đợi đến lượt vào mua thần dược Song Hoàng Liên và mua khẩu trang.
Mua khẩu trang là điều dễ hiểu, nhưng hiện tượng “lên cơn sốt” trước những lọ thuốc Song Hoàng Liên, chế biến từ một loài thảo dược, có cánh hoa vàng, đang khiến giới khoa học hoài nghi. Đành rằng, hôm 31/01/2020 chính Hàn Lâm Viện Khoa Học Trung Quốc quả quyết rằng loài dược thảo này có tính chất để “hút virus”. Chỉ vài giờ sau đó công dân mạng và cả báo chí chính thức Trung Quốc cũng tỏ ra hoài nghi về kết luận này. Chính Nhân Dân Nhật Báo đã phải lên tiếng kêu gọi người dân chớ dùng thuốc dân tộc mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ. Đài truyền hình nhà nước báo động “coi chừng phản ứng phụ hoặc bị công phạt”.
Điều đó không có nghĩa là thuốc bắc, thuốc dân tộc bất lực trước một chủng virus mới “bất trị” như siêu vi corona. Hàng chục nhà nghiên cứu Trung Quốc đang quan tâm đến một loài thảo dược có tên gọi Cốt Khí Củ – Reynoutria japonica, lá nhọn tựa như rau răm của Việt Nam. Theo AFP Bắc Kinh quyết tâm khai thác thế mạnh của y học cổ truyền Trung Quốc trong việc đẩy lùi virus corona. Ngoài ra hàng chục chuyên gia về thuốc dân tộc cũng đã được điều tới Vũ Hán để tiếp tay với các bác sĩ tại thành phố đã bị cô lập từ hôm 23/01/2020.
Trung Quốc rất tự hào về ngành y học cổ truyền. Chính ông Tập Cận Bình từng gọi đây là “một kho tàng của nền văn minh Trung Hoa” và “đông y phải có một chỗ đứng xứng đáng hơn nữa bên cạnh ngành y học hiện đại”. Năm 2016, doanh thu trên thị trường thuốc bắc tại Trung Quốc lên tới 120 tỷ euros.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200202-y-h%E1%BB%8Dc-c%E1%BB%95-truy%E1%BB%81n-trung-qu%E1%BB%91c-ch%E1%BB%91ng-virus-corona

Virus corona : Quốc tế tiếp tục xa lánh Trung Quốc

Tú Anh
Khủng hoảng dịch viêm phổi tại khiến Trung Quốc mỗi ngày mỗi bị cô lập. Mỹ, Úc, cấm hẳn du khách Trung Quốc trong khi Nga tái lập chế độ visa. Gần 150 trường hợp lây nhiễm virus corona được phát hiện tại 20 nước. Trong bầu không khí bất an, cuộc di tản kiều dân nước ngoài tiếp diễn.
Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Ấn, Canada, Ba Lan, Tây Ban Nha, Nhật, Hàn, Úc … một loạt quốc gia đã và đang chuẩn bị đưa máy bay sang Trung Quốc di tản công dân của mình.
Trưa ngày 02/02/2020 chuyến bay thứ hai của quân đội Pháp đưa về cơ sở một trường sĩ quan lực lượng chữa lửa tọa lạc trong tỉnh Aix-en-Provence, gần Địa Trung Hải khoảng 300 người gồm công dân Pháp và 29 quốc tịch khác nhau, trong tinh thần tương thân tương trợ, theo tuyên bố của Ngoại trưởng Jean Yves Le Drian. Sau đó, những người di tản sẽ được cơ quan đại diện ngoại giao mỗi nước hỗ trợ hồi hương. Trước đó, máy bay của Đức cũng đã hồi hương khoảng một trăm kiều dân.
Song song với cuộc di tản kiều dân, Luân Đôn rút bớt nhân viên ngoại giao về nước chỉ để lại một số cộng sự viên cần thiết với vị đại sứ ở Bắc Kinh.
Về phần chính quyền Nga, tuy rất thân thiết với Bắc Kinh, cũng quyết định ngưng cấp visa cho lao động Trung Quốc và tái lập thị thực nhập cảnh đối với du khách đi theo đoàn.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200202-virus-corona-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-xa-l%C3%A1nh-trung-qu%E1%BB%91c

Dọa đuổi quân Mỹ,

Tổng thống Philippines nhắm tới điều gì?

Theo chuyên gia, mục tiêu là nhằm ngăn chặn các hành vi leo thang trừng phạt của phương Tây nhằm vào quan chức thuộc quyền và có thể là cả bản thân ông Duterte trong thời gian tới, khi nhiệm kỳ tổng thống của ông sắp đi vào giai đoạn cuối.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đe dọa hủy bỏ hiệp ước quân sự với Mỹ nhằm đáp trả lệnh cấm đi lại của chính quyền Washington nhằm vào một số quan chức Philippines.
Theo Asia Times, ông Duterte đã nêu lại lời đe dọa hủy bỏ các hợp tác quân sự với Mỹ trước quyết định từ Washington gần đây áp đặt lệnh cấm đi lại đối với một số quan chức Philippines bị Mỹ cho là vi phạm quyền con người.
Nhà lãnh đạo Philippines cũng được nói là đã từ chối lời mời tham dự hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa Mỹ và ASEAN được tổ chức tại Las Vegas trong năm nay.
Nếu ông Duterte thực hiện những gì ông nói, đây sẽ là dấu chấm hết cho hiệp ước quân sự và quan hệ đồng minh có từ lâu giữa Philippines và Mỹ, tạo ra lợi thế cho Trung Quốc trước các tranh chấp trên biển Đông, nhà báo Richard Javad Heydarian nhận định trên Asia Times.
Theo nhà báo này, khi Mỹ và các đồng minh phương Tây đẩy mạnh trừng phạt nhằm vào các nhân vật được cho là thủ phạm trong các vụ “vi phạm nhân quyền” ở Philippines, bao gồm cả những người chủ trương cuộc chiến chống ma túy, ông Duterte có vẻ ngày càng lo lắng hơn về viễn cảnh của ông và các đồng sự khi ông bước dần về cuối của nhiệm kỳ tổng thống 6 năm.
“Bằng việc đe dọa chấm dứt việc để Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự chiến lược ở Philippines, các tiền đồn quan trọng trong chiến lược giành ảnh hưởng ở biển Đông, nhà lãnh đạo Philippines có lẽ hy vọng ngăn chặn được các hành vi leo thang trừng phạt của phương Tây nhằm vào quan chức thuộc quyền và có thể là cả bản thân ông trong những tháng và năm tới”, nhà báo Heydarian viết.
“Xoay trục”
Cùng lúc, ông Duterte đã có những bước đi “xoay trục” sang Nga và Trung Quốc, mà theo lời ông, “tôn trọng chủ quyền của Philippines”, điều ông nói “hoàn toàn thiếu vắng” từ phía Mỹ và phương Tây.
Kể từ khi nhậm chức tổng thống, ông Duterte đã ở thế đối đầu với Mỹ và phương Tây về chuyện nhân quyền. Cuộc chiến chống ma túy đẫm máu, được nói là đã lấy đi tính mạng của hàng ngàn nghi can, đã làm xấu đi quan hệ của Manila với các đồng minh truyền thống.
Ban đầu, chính quyền của ông Trump đã tìm cách làm giảm nhẹ các bất đồng nhằm ưu tiên hợp tác chiến lược chặt chẽ hơn, đặc biệt trước các mối bận tâm chung về sự quả quyết của Trung Quốc trên biển Đông.
Nhưng trong năm 2019, căng thẳng lại gia tăng khi các nỗ lực của quốc hội lưỡng đảng ở Mỹ nhằm trừng phạt “các nhân vật vi phạm nhân quyền ở Philippines” được chính phủ Mỹ ủng hộ.
Những ngày gần đây, một số quan chức hàng đầu Philippines công khai bày tỏ quan ngại về việc phải đối đầu với lệnh cấm đi lại và các biện pháp trừng phạt khác vì bị cáo buộc liên quan đến một số hành vi lạm dụng quyền lực.
Nhân vật nổi bật nhất trong số này là thượng nghị sỹ Bato Dela Rosa, cựu chỉ huy cảnh sát quốc gia Philippines (PNP), người giám sát giai đoạn được cho là “bạo lực nhất” trong cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Duterte.
Ngay sau đó, Tổng thống Duterte tỏ ra cứng rắn khi đe dọa bãi bỏ Hiệp ước Các lực lượng thăm viếng (VFA), được đàm phán ngay sau khi các căn cứ quân sự Mỹ ở Philippines đóng cửa trong những năm 1990, là cơ sở pháp lý để quân đội Mỹ phái binh lính đến Philippines. VFA cũng là cơ sở duy trì liên minh quân sự giữa Mỹ và Philippines, ra đời từ năm 1951 theo Hiệp ước phòng thủ chung. Hiệp ước này có điều khoản quan trọng quy định luôn có quân Mỹ đồn trú ở Philippines theo dạng luân phiên.
“Tôi được (đại sứ quán Mỹ) thông báo rằng tôi có thể nộp đơn lại nếu muốn, bởi vì thị thực hiện tại của tôi đã bị hủy bỏ”.
Thượng nghị sỹ Bato Dela Rosa xác nhận hôm 22/1 khi được hỏi về thông tin nói rằng thị thực ngoại giao vào Mỹ của ông bị thu hồi.
http://biendong.net/diem-tin/32735-doa-duoi-quan-my-tong-thong-philippines-nham-toi-dieu-gi.html

Úc đưa người Úc gốc Trung ở Vũ Hán

ra đảo cách ly gây tranh cãi

Úc vẫn giữ vững kế hoạch đưa công dân sơ tán khỏi vùng dịch coronavirus ở Trung Quốc đến một trung tâm giam giữ người nhập cư trên một hòn đảo tách biệt mặc cho những tranh cãi.
Những người bị đi sơ tán hầu hết là người Úc gốc Hoa sẽ bị cách ly trên đảo Giáng sinh trong hai tuần.
Một số người đang chờ đợi ở Vũ Hán, Trung Quốc, bắt đầu đặt nghi vấn là nếu họ là những “người Úc da trắng” thì liệu có bị đối xử như thế không. Các bác sĩ cũng chỉ trích kế hoạch này.
Nhưng chính phủ cho biết đó là giải pháp tốt nhất trước mắt.
Nhật ký Vũ Hán: Sống một mình trong thành phố bị phong tỏa
Virus corona: Tác động đến cơ thể như thế nào?
Virus corona lây lan ngay cả ‘trước khi có triệu chứng bệnh’
Virus viêm phổi corona đáng lo ngại tới đâu?
“Tôi không thể dọn sạch hoàn toàn một bệnh viện ở Sydney hoặc Melbourne hoặc Brisbane,” Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton nói với các phóng viên hôm thứ Năm.
“Tôi không có một cơ sở nào khác mà chúng tôi có thể nhanh chóng đáp ứng cho hàng trăm người, và Đảo Giáng Sinh được xây dựng với mục đích cho tình cảnh như thế này.”
Đảo Giáng sinh là một lãnh thổ nhỏ của Úc, cách đất liền khoảng 2,600km, vốn là nơi dành cho hàng ngàn người tị nạn kể từ năm 2003. Nhưng điều kiện cơ sở vật chất ở đây từng bị chỉ trích bởi các nhóm Liên Hiệp Quốc và nhân quyền.
Nhiều người có khả năng phải đi di tản nói rằng họ đang do dự về việc có nhận lời đi di tản hay không. Các quan chức Úc cho biết họ sẽ phải trả 1.000 đô la Úc cho chuyến bay và đồng ý đến đảo Giáng sinh để được hồi hương.
Họ có thể phải bay đến đất liền trước khi được chuyển đến đảo Giáng sinh để cách ly, ông Dutton nói.
Hơn 600 người Úc đã đăng ký giúp đỡ sau khi Trung Quốc phong tỏa Vũ Hán và các khu vực lân cận ở tỉnh Hồ Bắc. Canberra cho biết họ sẽ ưu tiên các nhóm dễ bị tổn thương như người già và gia đình có con nhỏ.
‘Không được đưa đến đất nước của chúng tôi’
Nhiều người đã bày tỏ lòng biết ơn đối với sự giúp đỡ của chính phủ Úc, nhưng cũng nêu lên mối lo ngại về kế hoạch này và so sánh với các cuộc di tản của các quốc gia khác.
Hoa Kỳ và Nhật Bản hồi hương hàng trăm công dân đến các thành phố lớn trong tuần này.
Một người đàn ông đến từ Sydney Daniel Ou Yang nói với BBC: “Chỉ cần so sánh thực tế nước này với nước kia, chúng tôi thậm chí còn không được hạ cánh ở đất nước của chúng tôi.”
Anh nêu lên mối lo ngại về mức độ chăm sóc y tế trên đảo, nói rằng: “Có phải chúng tôi bị đối xử như vậy vì chúng tôi không phải là người Úc da trắng không? Bởi vì chúng tôi là người Úc gốc Hoa à?”
Vào thứ Sáu, chính phủ cho biết họ sẽ gửi một số lượng thiết bị y tế “đáng kể” và 24 nhân viên y tế đến đảo để xây dựng “một bệnh viện” chính quy và đã không trả lời ngay lập tức các câu hỏi về cáo buộc phân biệt đối xử.
Canberra đã cho biết kế hoạch này tuân theo lời khuyên của các chuyên gia y tế. Tuy nhiên, Hiệp hội Y khoa Úc đã lập luận rằng mọi người sẽ được cách ly tốt hơn trên đất liền.
“Chúng tôi cảm thấy rằng việc hồi hương đến Đảo Giáng Sinh. đến một nơi trước đây là nơi tập trung của những người từng chịu sự tổn thương về thể chất và tinh thần không phải là một giải pháp thực sự phù hợp,” Tony Bartone, nói với Nine Network của Úc.
Hơn 140 trẻ em nằm trong số những người Úc còn kẹt lại ở Trung Quốc, theo ABC.
Một phụ nữ ở Sydney được xác định là bà Liu nói với đài truyền hình rằng: “Chúng tôi không phải là tù nhân, làm thế nào họ có thể chữa trị cho chúng tôi trong một nhà tù thay vì là một cơ sở y tế thích hợp?”
Wenbo Yu, có vợ và hai con đang ở Vũ Hán, cho biết ông sẽ muốn gia đình mình ở lại Trung Quốc.
“So với Vũ Hán, chúng tôi tin rằng tình hình ở Đảo Giáng sinh thậm chí sẽ còn khó đoán hơn,” ông nói với ABC.
Cựu ủy viên phân biệt chủng tộc Tim Soutphommasane nói: “Vâng, điều này phức tạp, nhưng công dân Úc xứng đáng nhận được sự đối xử tốt hơn từ chính phủ của họ.”
Trại giam của đảo Giáng sinh đã bị đóng cửa vào năm 2018 nhưng được mở lại vào năm sau. Nó hiện chỉ có một gia đình bốn người xin tị nạn Sri Lanka đang đấu tranh với việc bị trục xuất.
Đã có chín trường hợp được xác nhận nhiễm coronavirus tại Úc. Hai người đã hồi phục và được xuất viện, nhà chức trách cho biết hôm thứ Năm.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51346272

Lính cứu hỏa

ngăn những đám cháy rừng tiến đến thủ đô của Úc

Tin từ MELBOURNE/SYDNEY – Vào hôm thứ Bảy (1/2), lính cứu hỏa ngăn những trận cháy rừng lan rộng đến các khu vực ngoại ô thuộc thủ đô Canberra của Úc, bằng cách rải chất chống cháy để tạo một hàng phòng thủ dài 2.5km (1.55 dặm). Những ngọn lửa này có nguy cơ bị thổi bùng bởi những cơn gió mạnh và nhiệt độ tăng vọt.
Các nhà chức trách cho biết ba đợt rải chất chống cháy màu hồng tạo ra tuyến phòng thủ dọc theo đáy của một ngọn núi ở phía nam thủ đô Canberra, với những đợt rải tiếp theo được lên kế hoạch cho hôm Chủ nhật (2/2). Các nhà chức trách cho biết cho đến nay, các đội cứu hỏa có thể cứu tất cả các cấu trúc trong Lãnh thổ Thủ đô Úc (ACT). Trước đó, nhiều người lo sợ rằng ngọn lửa có thể chạm đến các vùng ngoại ô phía nam Canberra, đe dọa nhà cửa và mạng người như vào năm 2003, khi hỏa hoạn phá hủy gần 500 ngôi nhà và khiến 4 người thiệt mạng. Vào hôm thứ bảy (1/2), bầu trời dọc theo xa lộ Monaro trong ACT chuyển sang màu đỏ-cam khi một ngọn lửa không kiểm soát được lan tỏa sang hơn 50,000 ha (123,500 mẫu Anh).
Một xa lộ lớn bị đóng cửa, và chính quyền đưa ra khuyến cáo cho một số cư dân rằng đã quá muộn để di tản, trước khi điều kiện thời tiết bắt đầu dịu đi vào cuối ngày. Úc tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào hôm thứ Sáu, với dự đoán về điều kiện nóng và nhiều gió có thể sẽ kéo dài đến cuối tuần.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/linh-cuu-hoa-ngan-nhung-dam-chay-rung-tien-den-thu-do-cua-uc/

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.