Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Biển Đông – 06/02/2020

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2020 18:40 // ,

Tin Biển Đông – 06/02/2020

Mỹ thách thức quyết liệt hơn

tuyên bố chủ quyền của TQ ở Biển Đông

Trong năm 2019, Hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện 7 cuộc tuần tra hàng hải trong khuôn khổ Chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải- gọi tắt là FONOP, nhiều hơn bất cứ năm nào khác kể từ 2015, khi Hoa Kỳ bắt đầu thách thức mạnh mẽ hơn các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cung cấp số liệu vừa nêu, nói rằng các cuộc tuần tra FONOP đã được thiết kế để thách thức các tuyên bố của Trung Quốc về quyền hàng hải và chủ quyền lãnh thổ tại nhiều quần đảo trong khu vực, đặt Hoa Kỳ và các đồng minh vào thế đối đầu với Bắc Kinh.
Trang mạng tin quốc phòng của Mỹ nói trong các cuộc tuần tra hàng hải này, các chiến hạm Mỹ tiến vào vùng biển nằm trong phạm vi 12 hải lý cách các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, kể cả các thực thể đã được Bắc Kinh cải đổi thành cơ sở quân sự.
Theo Defense news, các cuộc tuần tra FONOP là dấu hiệu để Trung Quốc biết là Hoa Kỳ coi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là “quá đáng”. Bắc Kinh thì cho rằng các cuộc tuần tra của Mỹ gây bực dọc và coi đây là các hành động trái phép, vi phạm các vùng biển của họ.
Cho tới nay, các cuộc tuần tra FONOP không khiến Trung Quốc phải rút lại các tuyên bố chủ quyền của mình.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương Rachel McMarr nói hải quân Mỹ tiếp tục thể hiện quyêt tâm thách thức các tuyên bố chủ quyền ‘quá đáng’ của Trung Quốc.
Bà tuyên bố:
“Hoa Kỳ thường xuyên thực hiện các cuộc tuần tra để bảo vệ quyền tự do hàng hải trên khắp thế giới. Tất cả các hoạt động của chúng tôi được thiết kế phù hợp với luật pháp quốc tế và nhằm mục đích chứng minh rằng Hoa Kỳ sẽ điều máy bay, tàu thuyền, hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.”
Người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương nói thêm rằng các cuộc tuần tra hàng hải được tiến hành “một cách hòa bình và không thiên vị hay chống lại bất kỳ quốc gia nào.”
Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành FONOP
Cuộc tuần tra hàng hải đầu tiên trong năm 2020 được Hải quân Hoa Kỳ tiến hành vào ngày 25/1. Trang mạng Defense News cho biết tàu chiến cận bờ USS Montgomery di chuyển gần Đá Gạc Ma và Đá Chữ Thập, hai nơi đã bị Trung Quốc chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa. Lúc đó báo nhà nước Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã điều hai máy bay thả bom tới lượn bên trên để uy hiếp tàu chiến Montgomery của Mỹ.
“…Tất cả các hoạt động của chúng tôi được thiết kế phù hợp với luật pháp quốc tế và nhằm mục đích chứng minh rằng Hoa Kỳ sẽ điều máy bay, tàu thuyền, hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.”
Rachel McMarr, Phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ
Hải quân Mỹ nói tuần tra FONOP thách thức các tuyên bố chủ quyền quá đáng của tất cả các cường quốc trong khu vực, và cuộc tuần tra ngày 25/1 chính thức nhắm vào cả Trung Quốc, lẫn Đài Loan và Việt Nam. Phía Mỹ thách thức ý niệm cho rằng cần báo trước khi “qua lại vô hại” các vùng biển mà các nước khác tuyên bố chủ quyền.
Defense News dẫn lời Giáo sư Zhiqun Zhu, giảng dạy môn Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Bucknell nói sự gia tăng các cuộc tuần tra FONOP, đặc biệt dưới chính quyền Tổng thống Trump, căng thẳng liên quan tới các cuộc biểu tình ở Hong Kong và quyền của Đài Loan được tự cai trị, cùng với các vụ xung đột ngày càng nhiều giữa Trung Quốc và Việt Nam, đã góp phần tạo ra một bầu không khí bát an trong khu vực.
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh coi các hoạt động của Hoa Kỳ là bằng chứng cho thấy ‘bàn tay lông lá’ của Washington, “không ngớt kích động căng thẳng nhằm mục đích kéo dài quyền bá chủ trong khu vực”, SCMP dẫn lời ông Tong Zhao, nhà nghiên cứu lão thành của Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua, nói.
Ông Zhao nói thêm: “Bắc Kinh quyết tâm đáp ứng mạnh mẽ trước bất kỳ sự khiêu khích nào của Hoa Kỳ và tiếp tục các nỗ lực xây dụng cơ cấu hạ tầng quân sự, để nâng cao khả năng lâu dài nhằm bảo vệ các lợi thế tương lai của Trung Quốc.”

Indonesia bắt đầu tham gia cuộc chơi

chạy đua tàu ngầm ở Biển Đông

Hải quân Indonesia đã bắt đầu chạy thử tàu ngầm nội địa đầu tiên mang tên Alugoro thuộc Type 209/1400 sửa đổi. Nếu quá trình chạy thử hoàn tất theo kế hoạch, tàu ngầm Alugoro sẽ được bàn giao cho Hải quân Indonesia trong vòng 3 tháng tới.
Theo thông tin trên, Hải quân Indonesia đã bắt đầu chạy thử tàu ngầm nội địa đầu tiên Alugoro thuộc Type 209/1400 sửa đổi. Quá trình chạy thử nghiệm tàu ngầm Alugoro được thực hiện tại biển Bali ở độ sâu thực chiến khoảng 250m. Nếu quá trình chạy thử hoàn tất theo kế hoạch, tàu ngầm Alugoro sẽ được bàn giao cho Hải quân Indonesia trong vòng 3 tháng tới.
Được biết, Hải quân Indonesia và Công ty đóng tàu thuộc Tập đoàn Daewoo của Hàn Quốc (năm 2011) đã ký thỏa thuận trị giá 1,1 tỷ USD cung cấp 3 tàu ngầm thông thường Chang Bogo, vốn là phiên bản sửa đổi của tàu ngầm Type 209/1400 của Đức. Đây là một loại tàu ngầm chạy bằng năng lượng điện, diesel và cũng là một trong ba hợp đồng mua tàu lớn nhất của Hải quân Indonesia kể từ khi nước này mua lại các tàu hộ tống và tàu đổ bộ mới từ năm 2000. Theo kế hoạch đến năm 2024, Indonesia dự kiến sẽ sắm thêm ít nhất 10 tàu ngầm. Kế hoạch mua ba tàu ngầm Type 209 từ Hàn Quốc của Indonesia với mục đích thay thế các tàu ngằm lớp Chakra đã cũ, được mua lại từ Đức năm 1981. Tuy nhiên, việc chuyển giao tàu ngầm của Hàn Quốc cho Indonesia sẽ được hoàn thành vào năm 2020 với hai chiếc được đóng tại Hàn Quốc và một chiếc được đóng tại Indonesia.
Đánh giá về các tàu ngầm Type-209, cựu quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Indonesia Brig. Gen. Hartind Asrin cho biết, những chiếc tàu ngầm này sẽ đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ lãnh hải của Indonesia, sẽ khiến kẻ thù phải khiếp sợ những chiếc tàu ngầm hoạt động vô hình dưới đáy đại dương. Những tàu chiến mới được đóng với sự hợp tác của Hàn Quốc sẽ tương tự như tàu ngầm Skorpene Submarine.
Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu Koh Swee Lean Collin, tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng, Đại học Công Nghệ Nanyang (Singapore) cho biết, việc thay thế các tàu ngầm cũ đã hết tuổi thọ hoạt động hữu ích chỉ có khả năng thực hiện vào cuối năm 2025. Lúc đó các tàu ngầm mới của Hải quân Indonesia chỉ với con số là ba. Ông Collin cho rằng, một lực lượng như vậy vẫn còn nhỏ và hầu như không đủ đáp ứng nhu cầu cho Indonesia. Trong khi đó, Singapore có đường bờ biển nhỏ hơn Indonesia nhưng sẽ có 4 tàu ngầm Vastergotlands mới thay thế tàu ngầm Sjoormen cũ của Thụy Điển. Ngoài ra, ông Collin nhận định, trong khi bán Type-209 cho Indonesia, Hải quân Hàn Quốc đã không còn dựa vào tàu ngầm loại này nữa. Những chiếc tàu ngầm lớp cũ đang dần dần được thay thế bởi các tàu ngầm lớp Sohn-Won-II tiên tiến hơn nhiều (theo dự án đóng tàu KSS-2). Đây là một loại biến thể của Type-214 của Đức, nặng khoảng 3.000 tấn. Do vậy, loại tàu Type-209/1400 có thể không phải là đại diện cho mô hình tàu ngầm hiện đại trong thời gian tới. Hơn nữa, tàu ngầm mới Type-209 mà Indonesia mua được trang bị kỹ thuật không có gì đột phá. Chẳng hạn như tàu không có động cơ đẩy không khí độc lập để giúp kéo dài khả nặng chịu đựng ngập nước như tàu Vastergotlands của Singapore. Thậm chí tàu mới của Hải quân Indonesia có thể phóng tên lửa hành trình chống tàu ở dưới nước thì cũng không phải là khả năng gì mới quá. Trong khi đó, tàu ngầm lớp Scorpene của Malaysia đã được trang bị ống phóng tên lửa chống hạm SM-39 Exocet.
Được biết, trong những năm gần đây, các nước trong khu vực Biển Đông đang tập trung mua sắm, đầu tư cho lực lượng tàu ngầm. Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane’s, Trung Quốc hiện đứng thứ ba trên thế giới về số lượng tàu ngầm với 69 tàu, trong đó có 10-13 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo. Số tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc tuy không được thiết kế và tính năng ưu việt như tàu ngầm Nga hoặc Mỹ, nhưng tàu ngầm tên lửa đạn đạo chiến lược của Trung Quốc vẫn có thể bắn những tên lửa hạt nhân tầm xa. Các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc mang 12 tên lửa đạn đạo chiến lược, chiếm 1,1% số tên lửa này của Trung Quốc. Các tàu ngầm khác mang 146 tên lửa chống hạm (chiếm 9,9%), 1.182 ngư lôi (chiếm 82,4%) và 2.608 thủy lôi (31,5%). Ngoài 12 tàu ngầm lớp Kilo được mua từ Nga, các lớp tàu ngầm còn lại đều được Trung Quốc tự phát triển trên cơ sở sao chép công nghệ nước ngoài. Các tàu ngầm này có thể áp dụng chiến thuật bầy sói, tức là nhiều tàu tấn công cùng lúc một mục tiêu. Hiện Trung Quốc có kế hoạch bổ sung thêm 30 tàu ngầm để đạt tổng số 86 chiếc vào năm 2020. Trong khi đó, Indonesia đã sở hữu 02 tàu ngầm Type-109 do Đức sản xuất từ 30 năm qua và 03 tàu ngầm chạy động cơ dầu diesel – điện do Hàn Quốc sản xuất. Thái Lan đang có kế hoạch chi 257 triệu USD để mua 06 tàu ngầm Type-206 đã qua sử dụng, do Đức sản xuất và mua 03 tàu ngầm điện chạy bằng diesel của Trung Quốc. Philippines cũng đang có kế hoạch mua tàu ngầm Kilo do Nga chế tạo. Singapore đã mua 04 tàu ngầm lớp Challenger của Thụy Điển, 02 tàu ngầm lớp Archer của Na Uy và mới đưa vào sử dụng thêm 01 tàu ngầm tìm kiếm và hỗ trợ. Theo tạp chí The Diplomat, Singapore đang xem xét mua thêm bốn tàu ngầm nữa để thay thế các tàu Thụy Điển đã cũ. Malaysia đã mua 02 tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp với giá 1,5 tỉ USD. Trong khi đó, Việt Nam đang sở hữu 6 tàu ngầm lớp Kilo diesel do Nga sản xuất.
Tàu ngầm được sử dụng để phá vỡ những tuyến đường thương mại, bí mật triển khai quân, né tránh các đường biên của đối thủ để tạo nên yếu tố bất ngờ. Là một công cụ thiết yếu trong chiến tranh giữa các nước. Với những tranh chấp trên Biển Đông, tàu ngầm được sử dụng để thu thập thông tin tình báo, tổng hợp dữ liệu về các hạm đội của đối phương, thậm chí có thể giám sát những gì đang diễn ra trên đất liền và ngăn chặn những cuộc giao tranh chớp nhoáng. Trong trường hợp chiến tranh xảy ra, tàu ngầm hoạt động trong khu vực sẽ tạo ra kết quả khác biệt trong xung đột, nó được trang bị tên lửa hành trình có thể tấn công những mục tiêu trên đất liền. Xu hướng phát triển đội tàu ngầm thành lực lượng chủ lực nói trên càng rõ nét ở trong khu vực Biển Đông, bởi vì các nước trong khu vực phải đối phó với khả năng quân sự ngày càng mạnh của Trung Quốc. Bắc Kinh hiện có nhiều phương tiện phòng thủ trên biển và nhiều loại máy bay chiến đấu tối tân để ngăn chặn các tàu của đối phương tiến gần bờ biển của họ.

Hội thảo “Bãi Tư Chính – Một điểm nóng mới ở biển Đông”:

 TQ cần chấm dứt khiêu khích trên Biển Đông

Viện Á – Phi thuộc Đại học Hamburg, Cộng hòa Liên bang Đức (30/1) đã tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ ba với chủ đề “Bãi Tư Chính – Một điểm nóng mới ở biển Đông”.
Hội thảo đã thu hút sự tham dự của gần 50 đại biểu gồm chuyên gia Đức, chuyên gia châu Âu nghiên cứu về biển Đông, giới nghiên cứu, nghiên cứu sinh tại Đại học Hamburg và các vùng lân cận như Giáo sư Thomas Engelbert, Đại học Hamburg; Tiến sỹ Gerhard Will, nguyên chuyên gia về Biển Đông của Quỹ khoa học và Chính trị Đức (SWP); Tiến sỹ Takashi Hosoda, Đại học Charles ở Praha, Cộng hòa Séc… Các chuyên gia tham dự Hội thảo đều bày tỏ lo ngại trước các hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại biển Đông gần đây và kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm hơn tới việc giải quyết tranh chấp tại khu vực này.
Chủ trì hội thảo, Giáo sư Thomas Engelbert, Đại học Hamburg đánh giá, việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 và nhiều tàu hộ tống có vũ trang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi năm ngoái đã làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trong khu vực, gây lo ngại đối với cộng đồng quốc tế. Giáo sư Engelbert cho biết, căng thẳng ở Biển Đông ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), bởi nó có tác động lớn tới sự ổn định và phát triển của khu vực.
Tiến sỹ Takashi Hosoda, Đại học Charles ở Praha, Séc khẳng định, tuyên bố phi lý về “Đường lưỡi bò” đã bị luật pháp quốc tế bác bỏ. Tuy nhiên, Trung Quốc phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài, đẩy mạnh chuyến thuật “vùng xám” (sử dụng tàu dân sự, ngư binh …) để tiếp tục thực hiện hóa yêu sách chủ quyền phi lý, đi ngược lại các nguyên tắc của Luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của các nước khác, trong đó có Việt Nam. Tiến sỹ Hosoda nhấn mạnh, để ngăn chặn các hành động phi pháp trên biển Đông, cộng đồng quốc tế cần gia tăng nhận thức về tình hình nghiêm trọng ở biển Đông, có biện pháp giúp các nước ASEAN nâng cao năng lực quản lý và giám sát vùng biển của mình, có cơ chế để gây sức ép và có chế tài đối với các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế trên biển Đông. Tiến sỹ Hosoda cho rằng, việc tạo ra Bộ Quy tắc ứng xử biển Đông (COC) khá quan trọng vì nó không chỉ là luật quốc tế mà còn thể hiện sự đoàn kết và tính an ninh. Tháng 8/2018, Trung Quốc và ASEAN đã đưa ra bản thảo đầu tiên của COC tuy nhiên chưa có lần 2 và 3. Bởi thế năm nay rất quan trọng cho cả Việt Nam và các nước ASEAN để đồng thuận về COC. Tuy nhiên, Tiến sỹ Hosoda cũng bày tỏ lo ngại về một số khóa cạnh của COC, bởi Trung Quốc có thể sẽ ngăn cản mục tiêu tính pháp lý. Một điểm nữa là sự tham gia của các bên ngoài vào COC và phát triển khai thác tài nguyên Biển Đông nói chung. Trung Quốc sẽ gắng hạn chế hay lợi dụng sự hạn chế của các phía bên ngoài nên ASEAN và đặc biệt là Việt Nam sẽ đạt được đồng thuận và đảm bảo sự tham gia tự do cho các phía bên ngoài”.
Trong khi đó, Tiến sỹ Gerhard Will, nguyên chuyên gia về Biển Đông của Quỹ khoa học và Chính trị Đức (SWP), cho rằng hoạt động của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính của Việt Nam tương tự như vùng biển thuộc quần đảo Natuna – Indonesia, đã xâm nhập vào vùng biển rõ ràng nằm trong vùng đặc quyền
kinh tế của Việt Nam. Với các hành động tương tự, Trung Quốc kiểm tra phản ứng, thái độ của các quốc gia liên quan, cộng đồng ASEAN, phản ứng quốc tế của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và EU. Tiến sỹ Gerhard Will nhấn mạnh, mặc dù khu vực Biển Đông đóng vai trò quan trọng nhưng chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông không phù hợp với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Để có sự bền vững trong chính trị quốc tế, Trung Quốc phải từ bỏ hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông, thể hiện sự sẵn sàng và khả năng hợp tác trong lĩnh vực an ninh, kinh tế trên nền tảng bình đẳng và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã thảo luận các vấn đề về thách thức, nguy cơ, cơ hội trong cục diện mới trên Biển Đông, tầm quan trọng của Biển Đông trong chiến lược và tầm nhìn của các nước lớn; giải pháp tránh xung đột, xây dựng lòng tin, giải quyết tranh chấp tại Biển Đông… Phần lớn ý kiến chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông đối với tự do thương mại và hàng hải quốc tế, các bên liên quan cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế; đề cao giá trị pháp lý của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), COC trong các vấn đề tại vùng biển chiến lược này.
Được biết, Viện Á – Phi thuộc Đại học Hamburg cho biết mục đích hội thảo lần này nhằm đánh giá vụ việc tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc nhiều lần xâm phạm Bãi Tư Chính và vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, quan điểm và ý đồ của Trung Quốc, quan điểm của Việt Nam, những diễn biến có thể có của cuộc xung đột. Ngoài việc trình bày các bài thuyết trình của các diễn giả, Hội thảo nêu lên các câu hỏi để thảo luận như những thách thức, nguy cơ, cơ hội trong cục diện mới trên Biển Đông thời gian gần đây, tầm quan trong của Biển Đông trong chiến lược và tầm nhìn của Mỹ, EU, Nga; giá trị pháp lý của UNCLOS và phán quyết PCA đối với các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền tại Biển Đông; giải pháp tránh xung đột, xây dựng lòng tin, giải quyết tranh chấp tại Biển Đông…
Đây là lần thứ 3 Viện Á Phi, Đại học Hamburg tổ chức Hội thảo quốc tế về Biển Đông. Trước đó, năm 2017, Viện Á Phi đã tổ chức 2 Hội thảo với sự tham gia của gần 20 học giả quốc tế về Biển Đông đến từ các nước Đức, Anh, Pháp, Nga và Nauy, thu hút sự quan tâm lớn của giới nghiên cứu và dư luận quốc tế.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.