Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Che giấu sự thật ở Vũ Hán và Chernobyl

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2020 18:13 // ,

Jackhammer Nguyễn
3-2-2020
Vũ Hán
Bệnh phổi Vũ Hán bắt đầu từ đầu tháng 12-2019. Các bác sĩ tại Vũ Hán biết chuyện đó, và dĩ nhiên các chi bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc tại các bệnh viện ấy cũng biết. Chúng ta chưa rõ là trong những ngày đầu tháng 12 chết chóc đó Đảng ủy Thành phố Vũ Hán có biết điều đó không, chỉ biết rằng đến ngày 2/1/2020, công an Vũ Hán câu lưu một bác sĩ đã chia sẻ lo lắng của ông về một bệnh phổi lạ chưa ai biết. Công an bảo rằng, hành động chia sẻ thông tin về bệnh dịch của người bác sĩ này là bất hợp pháp.
Tháng Giêng 2020 là tháng mà các đảng viên cộng sản chuẩn bị tham gia hội nghị đảng bộ vô cùng quan trong cho sự nghiệp của họ, cho nên tất cả các “tin xấu” đều bị chặn lại giữa các bức tường bệnh viện, mặc dù lúc ấy dịch đã bắt đầu, và đã có người chết, đã có chuyện lây giữa người với nhau rất rõ ràng.
Đến bảy tuần lễ sau khi có bệnh nhân đầu tiên, Vũ Hán mới bị phong tỏa, hàng triệu người đã tỏa đi khắp Hoa Lục và thế giới, trong đó có nhiều người mang mầm bệnh.
Đến đầu tháng 2/2020, số người chết vì phổi Vũ Hán ở Hoa lục đã vượt qua số người chết 17 năm trước vì dịch Sars. Mạng xã hội Trung Quốc, dù bị kiểm soát chặt chẽ, đã rất tức giận với nhà cầm quyền cộng sản.
Chernobyl
Chernobyl là một thị trấn ở Ukraine, xa Vũ Hán hàng ngàn dặm.
Vào ngày 26/4/1986, lò nguyên tử ở đây bị nổ. Hai ngày sau nhà cầm quyền Liên Xô mới thừa nhận là có vụ nổ, nhưng không cho biết chi tiết. Trong khi đó các thiết bị đo phóng xạ của … Thụy Điển, cách đó hàng ngàn dặm đã báo động, và biết được sự tăng lên của độ phóng xạ trong không khí đến từ Chernobyl.
Ngày 1/5/1986, lễ quốc tế lao động vẫn được tổ chức rầm rộ tại thủ đô Kiev, với những đám mây phóng xạ lơ lững trên đầu.
Bà Kate Brown, một người nghiên cứu về lịch sử khoa học tại trường MIT nổi tiếng của Mỹ, cho xuất bản vào năm 2019, một quyển sách mang tựa đề “Sổ tay sống còn ở Chernobyl” (Manual for Survival: A Chernobyl Guide to the future). Trong quyển sách này tác giả tìm được những bằng chứng cho thấy là những tháng sau thảm họa Chernobyl, các sản phẩm nông nghiệp bị nhiễm phóng xạ vẫn được gửi đi tiêu thụ khắp nơi trên lãnh thổ Liên Xô, nhưng những nhà máy thực phẩm đó được thông báo là … không gửi lên Moscow, thủ đô Liên Xô, nơi có Bộ chính trị và các nhân vật chóp bu cộng sản làm việc.
Sụp đổ
Ngoài những hậu quả tệ hại về môi trường và kinh tế do việc che giấu thông tin của nhà cầm quyền Liên Xô, một hậu quả to lớn khác là sự mất tín nhiệm của người dân Liên Xô vào nhà cầm quyền của họ.
Ngay trước Chernobyl không lâu, nhà lãnh đạo Liên Xô Gorbachev đã tiến hành một cuộc cải cách tên gọi là Glasnost (minh bạch) nhằm cải thiện hình ảnh đen tối che giấu sự thật rất thảm hại của chế độ cộng sản Liên Xô. Tuy nhiên khi lò nguyên tử Chernobyl phát nổ, ông ta và các đồng sự khác lại quay về thói quen cũ là … che giấu. Việc này đã góp phần làm cho tính chính danh của nhà cầm quyền Liên Xô sụp đổ.
Theo một nghiên cứu của trường Đại học Stanford, Hoa Kỳ, đưa ra vào năm 2016, có kết luận rằng: Thảm họa Chernobyl tạo nên sự chết chóc, sụp đổ kinh tế, đạo đức, đã dẫn đến những sự kiện liên tục trong vài năm sau đó làm Liên Xô sụp đổ vào năm 1990. Trong hồi ký của Gorbachev, ông ta cũng nhận rằng Chernobyl là nguyên nhân của sự sụp đổ đế chế Soviet.
Còn quá sớm để ta có thể nói về hậu quả chính trị của Vũ Hán, nhưng sự kiện chưa từng xảy ra trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc là Ủy ban thường vụ Bộ chính trị của đảng này đã cho phát hình trực tiếp một buổi họp giải quyết dịch Vũ Hán, chứng tỏ rằng họ đang rất lo sợ.
Nhân vật số hai của Đảng là ông Lý Khắc Cường được chỉ định đứng đầu việc giải quyết dịch Vũ Hán, nhưng như tờ Nikki của Nhật Bản chỉ ra, ông ta làm gì được khi phải chờ chỉ thị của Tập Cận Bình? Việc này cũng giống như tiết lộ mới đây của Thị trưởng Vũ Hán, rằng ông ta phải đợi lệnh … “trung ương” mới có thể công bố tình trạng khẩn cấp về bệnh dịch.
Vũ Hán và Chernobyl, tuy xa nhau, tuy bản chất hai đại họa khác nhau về kỹ thuật, nhưng rất giống nhau về “nền tảng tư tưởng” của nó là độc tài toàn trị, một chế độ có vẻ bề ngoài vững chắc vì sự kiểm soát ngặt nghèo của nó đến từng khu nhà ở của dân chúng, nhưng bất lực trước những thảm họa đòi hỏi ý chí và hiểu biết của một xã hội chứ không phải của một nhóm người.
Nếu ngày mai Tổng thống Trump của Hoa Kỳ có bị truất phế đi nữa, thì nước Mỹ vẫn là nước Mỹ. Nền tảng dân sự của quốc gia này dễ dàng đương đầu với tai họa, không phụ thuộc vào bất cứ đảng phái chính trị nào, không thể che giấu vì nền báo chí tự do, không thể độc tài vì bầu cử tự do.
Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco
https://baotiengdan.com/2020/02/03/che-giau-su-that-o-vu-han-va-chernobyl/

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.