Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Ai sẽ thành Tổng bí thư, Thủ tướng?

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2020 17:47 // ,

3-2-2020
Tổng bí thư mới ban hành quy định về các chức danh lãnh đạo, có vài thay đổi so với quy định 90 ban hành năm 2017.
Nhìn chung, đa số nội dung quy định đều khá mơ hồ, không có công cụ gì để cân đo đong đếm các phẩm chất như: Có tinh thần yêu nước nồng nàn, sẵn sàng hi sinh vì sự nghiệp CM. Mẫu mực về phẩm chất đạo đức; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt. Không tham nhũng, lãng phí, cơ hội, vụ lợi; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm; tuyệt đối không trục lợi và cũng không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.
… rất nhiều.
Thực ra nếu cứ áp theo những quy định này mà để bọn nhân dân đấu tố qua Facebook thì sẽ chả có đồng chí nào đủ tiêu chuẩn làm cán bộ lãnh đạo cả!
Tuy nhiên, quy định mới về phẩm chất lãnh đạo có mục uy tín cao trong nhân dân. Nhưng bọn nhân dân thì không có cách gì để cho ý kiến với đảng ngoài việc chém gió FB. Điều này chứng tỏ đảng sẽ hóng phản hồi từ FB về uy tín của các đồng chí ứng viên lãnh đạo chủ chốt.
Trong tứ trụ, có 2 vị trí quan trọng nhất là TBT và Thủ tướng, có ảnh hưởng lớn nhất đến vận mệnh quốc gia. Nếu căn cứ theo quy định này, ta thấy có 2 khái niêm rất mơ hồ về chức danh TBT. Đó là “người kế nhiệm” và “cán bộ chủ chốt”. Cán bộ chủ chốt là mới bổ sung vào quy định mới.
Lẽ ra, quy định phải có phần giải nghĩa các khái niệm, như văn bản pháp quy, nhưng ở đây không có, nên phải suy diễn.
Người kế nhiệm có thể hiểu là cấp phó thường trực của chức danh lãnh đạo đương nhiệm. Ví dụ, với TBT thì người kế nhiệm là Thường trực ban bí thư.
Còn cán bộ chủ chốt, có thể tạm hiểu là tam trụ và thường trực Ban bí thư. Theo nhận định cá nhân mình thì khả năng cả 3 trụ cùng nghỉ hưu vào nhiệm kỳ tới là cao. Chắc chắn TBT thì sẽ nghỉ rồi.
Như vậy, khả năng ông Trần Quốc Vượng sẽ là ứng viên duy nhất (hoặc sáng nhất) cho chức vụ TBT vì vừa là cán bộ chủ chốt, vừa là người kế nhiệm và CÓ VẺ NHƯ cũng ít điều tiếng với bọn nhân dân. Chưa thấy bị thế lực thù địch đấu tố trên Facebook. Các UV Bộ chính trị còn lại thì hầu hết cũng đã từng bị.
Trường hợp cạnh tranh duy nhất với ông Vượng thì chỉ có thể là ông Phúc, thì mới đạt tiêu chí cán bộ chủ chốt (bà Ngân không được xét vì là nữ). Nhưng khả năng ông Phúc tiếp tục làm TBT theo mình là rất ít khả năng do tuổi tác về một số tiêu chí không đạt.
Về chức danh thủ tướng, có yêu cầu sau đáng chú ý:
“Hiểu biết sâu, rộng nền hành chính quốc gia, kinh tế – xã hội đất nước; kinh tế, chính trị thế giới và hội nhập quốc tế. Có năng lực toàn diện về tổ chức, quản lý, chỉ đạo, điều hành cơ quan hành chính nhà nước và hệ thống chính trị.”
Có vẻ như điều này mở đường cho ông Vương Đình Huệ. Vì ông đang phụ trách về kinh tài ở CP và xuất thân là người có kinh nghiệm về quản lý, giám sát kinh tế.
Người thứ 2 cạnh tranh là ông Trương Hòa Bình vì đang là Phó Thủ tướng thường trực. Tuy nhiên, ông xuất thân là Công an và Tòa án, nên ông hợp với vị trí Chủ tịch nước hay TBT hơn là Thủ tướng. Nhưng vị trí TBT đã là của ông Vượng rồi. Và vị trí này không yêu cầu phải là người kế nhiệm (Phó TTg thường trực) nên ông Trương Hòa Bình sẽ yếu thế hơn ông Vương Đình Huệ.
Người thứ 3 cạnh tranh sát hơn với ông Huệ là ông Nguyễn Văn Bình, vì ông này cũng có kinh nghiệm tốt về quản lý, điều hành kinh tế. Nhưng xét về mặt “quan hệ” với ông Trọng và uy tín với bọn nhân dân, thì ông Bình yếu thế hơn ông Huệ. Vì sao ông Bình còn yên ổn đến giờ vẫn còn là một câu hỏi!
Các chức danh Chủ tịch nước và Chủ tịch QH thì vô thưởng vô phạt hơn, yêu cầu cũng không khắt khe lắm để có thể khoanh vùng được ngay. Nhưng chức danh Chủ tịch nước có một nội dung đáng lưu ý:
“Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp.”
Điều này mở đường cho các ông có xuất thân Quân đội, Công an. Như vậy, ứng viên sáng giá là ông Ngô Xuân Lịch (QĐ), Tô Lâm (CA), Trương Hòa Bình (CA), Phạm Minh Chính (CA). Ông Bình sẽ có cửa sáng hơn chút vì vị trí hiện tại đang nhỉnh hơn 3 ông kia và CÓ VẺ NHƯ ít điều tiếng hơn với bọn nhân dân.
Một ứng viên khác là ông Nguyễn Thiện Nhân, thì phẩm chất có vẻ hợp với việc ma chay hiếu hỉ, trao huân huy chương của Chủ tịch nước, nhưng với tiêu chí bên trên thì không được đáp ứng lắm. Nhưng khả năng vẫn có thể được lựa chọn.
Chức danh Chủ tịch QH có quy định sau đang chú ý:
“Hiểu biết sâu sắc hệ thống pháp luật của Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế. Có năng lực điều hành chất lượng, hiệu quả các phiên họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. ”
Hiểu biết sâu sắc về pháp luật thì mấy ông CA kể trên nhưng năng lực điều hành các phiên họp QH thì chắc chỉ có người đã từng làm Chủ tịch hay Phó chủ tịch QH? Vậy nếu bà Ngân nghỉ thì còn có bà Phóng có thể là ứng viên? Nhưng hai bà này lại bằng tuổi nhau, sinh năm 54, nên sẽ nghỉ chung cùng ông Lịch, ông Phúc?
Hóa ra chức danh Chủ tịch nước và Chủ tịch QH lại có nhiều ẩn số hơn cả, nhưng cũng chả quan trọng lắm. Hai vị trí này theo mình là sẽ phụ thuộc vào các yếu tố bất thành văn, như vùng miền, giới tính, dân tộc. Ví dụ, nếu ông Vượng, người Bắc có ný nuộn làm TBT, ông Huệ miền Trung làm TTg, thì ông Trương Hòa Bình hoặc Nguyễn Thiện Nhân (dân Nam) dễ làm CTN và CTQH dễ là một nữ và/hoặc người dân tộc thiểu số.
Yếu tố bất thành văn nữa cũng cần xét đến là yếu tố quan hệ với ông Trọng, thì ông Vượng và ông Huệ có cửa sáng hơn những người còn lại. Yếu tố TTg là dân Nam có lẽ sẽ bị bỏ qua do không kiếm được người đủ phẩm chất và quan hệ.
iengdan.com/2020/02/03/ai-se-thanh-tong-bi-thu-thu-tuong/

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.