Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 24/01/2020

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2020 19:05 // ,

Tin Việt Nam – 24/01/2020

Hơn 650,000 người Việt Nam được xuất cảng

qua hàng chục quốc gia khác để lao động

Theo dữ kiện thống kê của cơ quan cai Quản Lao Động Ngoài Nước thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cộng sản Việt Nam (gọi tắt là MOLISA), có khoảng 650,000 người Việt Nam đã được xuất cảng lao động, và đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Vào năm 2019, cộng sản Việt Nam gửi đi hơn 152,000 lao động ra ngoại quốc, vượt hơn 27% so với kế hoạch của năm.
Nhật Bản là nước nhận nhiều lao động nhất với gần 83,000 người, tiếp theo là Đài Loan với hơn 54,000 người; Nam Hàn nhận hơn  7,200 công nhân Việt Nam, kế đến là Romania và Saudi Arabia. Ông Tống Hải Nam, trưởng cơ quan Quản lý Lao Động Ngoài Nước cho biết năm 2019 là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam gửi hơn 120,000 công nhân ra nước ngoài. Đến nay, 421 công ty đã đạt giấy phép cung cấp dịch vụ việc làm ở nước ngoài. Theo ông Nam, một số thị trường truyền thống vẫn có nhu cầu cao đối với lao động Việt Nam, bao gồm Nhật Bản, Đài Loan và Nam Hàn, cùng với những thị trường ở Âu Châu như Nga, Romania, Đức, Ba Lan, Latvia và Áo. Năm nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam dự kiến sẽ ký một thỏa thuận hợp tác với cơ quan việc làm của Đức, về việc tiếp nhận lao động lành nghề ở những khu vực mà Đức có nhu cầu nhân lực cao. Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết mặc dù Việt Nam đã vượt chỉ tiêu trong bốn năm qua, họ vẫn đặt mục tiêu chỉ cần đưa 130,000 lao động ra nước ngoài vào năm 2020, nhưng đến các thị trường hứa hẹn thu nhập cao và ổn định.
Ông Dung nói thêm thỏa thuận với Đức có thể mở ra cơ hội cho toàn bộ thị trường châu Âu. Đây là cách thức nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam giãm thiểu con số thất nghiệp trong nước để tránh những bất ổn xã hội và cùng lúc thu về nguồn ngoại tệ khổng lồ.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/hon-650000-nguoi-viet-nam-duoc-xuat-cang-qua-hang-chuc-quoc-gia-khac-de-lao-dong/

Thanh tra chính phủ kiến nghị

Bộ công an điều tra các sai phạm của Vinashin

Thanh tra Chính phủ (TTCP) ngày 22/1 đã có kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đối với 2.200 tỉ đồng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVC) trả nợ cho Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin/SBIC) và số tiền 4.100 tỉ đồng Chính phủ tạm ứng cho Vinashin/SBIC tái cơ cấu.
Truyền thông trong nước loan tin này ngày 24/1 trích dẫn từ kết luận của thanh tra. Theo đó, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an xác minh và xử lý việc rút tiền từ nguồn vốn 4.190 tỉ đồng gửi có kỳ hạn tại ngân hàng có dấu hiệu cố ý làm trái, nguy cơ thiệt hại hơn 1.050 tỉ đồng gửi tại OceanBank.
Kết luận của TTCP cũng nêu rõ, chưa được Thủ tướng đồng ý nhưng Vinashin đã gửi tiền có kỳ hạn tại OceanBank để thu lãi. Số lãi thu phản ánh trên sổ sách là 436,616 tỉ đồng; đã chi 114,617 tỉ đồng cho các hoạt động của đơn vị.
Do đó, các ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên Vinashin; Trương Văn Tuyến, Tổng giám đốc; Phạm Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc; Trần Đức Chính, Trưởng ban Tài chính kế toán phải chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này.
Cũng tại kết luận, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an xác minh, điều tra xử lý theo quy định về các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự đối với 2 việc bao gồm: việc lập, sử dụng các chứng từ, tài liệu để rút tiền từ nguồn vốn 4.190 tỉ đồng gửi có kỳ hạn tại ngân hàng khi chưa được Thủ tướng cho phép, có dấu hiệu cố ý làm trái, vi phạm nguyên tắc bảo toàn vốn tại Quyết định số 1394/QĐ-TTg ngày 15-8-2011 của Thủ tướng, nguy cơ thiệt hại 1.050,4 tỉ đồng gửi tại OceanBank; và việc hỗ trợ hoàn thiện Tàu 700TEU NT29 tại Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu, lỗ 456,9 tỉ đồng, thiệt hại số tiền đã hỗ trợ 151,76 tỉ đồng.
Ngoài ra một số cá nhân của Vinashin chiếm đoạt lãi ngoài hợp đồng, vi phạm pháp luật, TTCP cũng đề nghị cần phải được xét xử theo quy định của pháp luật.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/government-inspectorate-suggests-ministry-public-security-investigate-vinashin-wrongdoings-01242020073618.html

Quảng Ngãi: Dân cả xã mất Tết

vì huyện cấp bò ‘lở mồm, long móng

QUẢNG NGÃI, Việt Nam (NV) – Hàng trăm con bò, trong đó có hàng chục con thuộc “Dự Án Phát Triển Sản Xuất Nông Thôn Mới” huyện cấp cho dân ở xã Bình Tân, huyện Bình Sơn, đồng loạt bị bệnh “lở mồm, long móng,” và chết khiến người dân mất Tết.
Theo báo Dân Trí, chiều 22 Tháng Giêng, 2020, con bò thứ ba trong số 16 con của gia đình ông Phan Minh Khánh (ở thôn Liêm Quang, xã Bình Tân) chết do bệnh “lở mồm, long móng.” Đàn bò 13 con còn lại nhiều con lở loét ở miệng, móng, chảy nước dãi và bỏ ăn.
“Chết ba con, mất khoảng 45 triệu đồng ($1,942) rồi, số còn lại chưa biết ra sao đây. Vay mượn tiền mua bò về nuôi mà vầy thì đến khi nào mới trả được nợ. Năm nay coi như khỏi ăn Tết,” ông Khánh rầu rĩ nói.
Chiều 28 Tết mà cả gia đình ông Khánh phải dồn sức chăm sóc đàn bò. Khó nhất là khâu vệ sinh miệng và bơm thức ăn cho những con bò mắc bệnh nặng nên cả nhà quần quật cả ngày bên chuồng bò, quên cả Tết đã cận kề.
Theo ông Khánh, dịch bệnh xuất hiện đầu tiên ở nhà bà TTY (thôn Liêm Quang) từ con bò được Ủy Ban Nhân Dân huyện Bình Sơn cấp phát theo “Dự Án Phát Triển Sản Xuất Nông Thôn Mới” và chưa đầy một tuần bệnh dịch lan ra cả thôn với khoảng 100 con bò mắc bệnh.
“Thôn này có hơn 100 con bò mắc bệnh rồi, trong đó có sáu trong tổng số bảy con bò được huyện cấp cũng mắc bệnh. Lúc nhận bò nghe nói bò đã được chích ngừa đầy đủ sao bây giờ mắc bệnh hết?” ông Khánh hoài nghi cho biết.
Tương tự, mấy ngày qua, anh Thới Hồng Thanh (thôn Liêm Quang) cũng không màng đến Tết. Suốt ngày anh chỉ quanh quẩn đàn bò sáu con, trong đó có ba con mắc bệnh. Điều anh Thanh lo sợ nhất là bò sẽ chết, lúc đó số nợ 50 triệu đồng ($2,158) mua bò sẽ trở thành gánh nặng trong năm mới.
Nhiều người nghi ngờ đàn bò được huyện cấp phát mang mầm bệnh rồi lây lan ra diện rộng. Bởi toàn xã được cấp 25 con thì hầu hết đều mắc bệnh.
“Bò giống cấp cho dân nghèo làm giống mà vừa mang về đã mắc bệnh. Mà có phải một vài con đâu, như thôn này được hỗ trợ bảy con thì đã có sáu con mắc bệnh,” anh Thanh bất bình nói.
Nói với báo Dân Trí, ông Đào Duy Dương, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Bình Tân, (huyện Bình Sơn), xác nhận dịch bệnh “lở mồm, long móng” đang “diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại thôn Liêm Quang.”
Đến thời điểm này đã có trên 150 con bò mắc bệnh, sáu con đã chết. Trong đó có 20/25 con bò (mỗi con có giá 17.5 triệu đồng) do công ty Nông Tín cung ứng để huyện cấp cho dân cũng mắc bệnh.
Giải thích về nguyên nhân, ông Dương cho rằng trước thời điểm cấp bò thì dịch bệnh “lở mồm, long móng” cũng đã xuất hiện nhưng “người dân giấu dịch.” Do đó, khi đưa đàn bò giống về trụ sở Ủy Ban Nhân Dân xã để cấp cho dân nghèo thì bò bị lây bệnh.
Theo người dân, công ty Nông Tín giải thích về việc có đến 20/25 con bò đã chích ngừa vẫn mắc bệnh là do “có chích ngừa thì tỷ lệ phòng bệnh cũng chỉ được 70-80%, số còn lại vẫn có thể mắc bệnh.”
Nói với báo Dân Trí vào chiều cùng ngày, ông Phan Sơn, đại diện công ty Nông Tín, cho rằng số bò này được công ty thu mua từ nhiều nơi nhưng phủ nhận bò giống mang mầm bệnh khiến dịch bệnh lây lan.
Thế nhưng cũng chính ông Sơn lại nghi ngờ đối với đàn bò giống mà mình đã bán. “Thật ra thì cũng không biết. Nói đúng ra là không biết bò đã có mầm bệnh hay chưa, hay là sau này mới bị nhiễm ở ngoài vào,” ông Sơn nói.
Đối với việc có đến 20/25 con bò được cho là đã chích ngừa nhưng vẫn mắc bệnh, ông Sơn lại giải thích do “tai nạn nghề nghiệp.”
“Bò chúng tôi mua về chích ngừa xong phải theo dõi trên 10 ngày mới bảo đảm. Riêng ở xã Bình Tân thì dự án được phê duyệt quá gấp, rồi người dân cứ đòi phải nhận bò ngay nên chúng tôi phải cấp,” ông Sơn đổ lỗi cho người dân.
Về trách nhiệm, ông Sơn cho biết công ty sẽ “bảo hành” cho số bò do mình cung ứng. Đối với thiệt hại của những gia đình khác sẽ được xem xét sau thời gian nghỉ Tết. (Tr.N)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/quang-ngai-dan-ca-xa-mat-tet-vi-huyen-cap-bo-lo-mom-long-mong/

Trào lưu treo biển cấm hỏi chuyện cá nhân nhân dịp Tết!

Mỗi đợt Tết đến xuân về luôn là dịp để cả gia đình đoàn tụ, ngồi lại bên nhau trò chuyện về những gì đã trải qua trong một năm. Tuy nhiên, với nhiều người, dịp gặp gỡ đầu năm này còn là nỗi sợ hãi khi liên tục bị người thân hỏi quá nhiều câu hỏi cá nhân như lương bổng, kết quả học hành, chiều cao, cân nặng, tình trạng hôn nhân, gia đình… Việc quan tâm, hỏi thăm là nét đẹp trong truyền thống người Việt từ bao đời, nhưng quan tâm thế nào để không khiến người bị hỏi khó chịu vì quá xâm phạm vào đời sống cá nhân lại là một vấn đề khiến nhiều người lo ngại.
Mức độ thăm hỏi!
Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, trình bài về nguồn gốc việc thăm hỏi của người Phương Đông:
“Xét về phương diện truyền thống, lời hỏi thăm của người Á Đông, nhất là người Việt Nam thì câu hỏi càng cụ thể, càng gần hơn với nhân thân, tuổi tác, sinh hoạt, đạo lý, hành xử của con người càng tỉ mỉ bao nhiêu càng chứng tỏ sự thân tình, quan tâm. Người Việt sống theo mô thức ‘cộng cảm’ thành ra trở thành văn hóa lời hỏi thăm không còn mang tính hình thức mà rất cụ thể, tỉ mỉ. Như vậy trở thành một khuôn mẫu người Việt hỏi thăm nhau ngày Tết, thường nhắm vào tiến trình, giai đoạn cuộc đời con người để hỏi.”
Về phương diện truyền thống, lời hỏi thăm của người Á Đông, nhất là người Việt Nam thì câu hỏi càng cụ thể, càng gần hơn với nhân thân, tuổi tác, sinh hoạt, đạo lý, hành xử của con người càng tỉ mỉ bao nhiêu càng chứng tỏ sự thân tình, quan tâm. - TS. Trịnh Hòa Bình
Còn Phó Giáo sư – Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi, Phó Viện Trưởng Viện Xã hội học Việt Nam lại cho rằng cần phải tôn trọng quyền riêng tư của người khác, vì thế không nên hỏi những câu hỏi quá chi tiết về từng cá nhân.
“Mỗi người có nhiều lý do khác nhau để người ta có cuộc sống không giống nhau, cuộc sống xã hội hay và đẹp ở chỗ đó. Tôi nghĩ đó là truyền thống của người Việt xưa là quan tâm, hỏi thăm. Tôi nghĩ sở dĩ họ có tính như vậy vì họ nghĩ vậy là tốt. Bây giờ mình hiểu biết hơn, hiểu rõ hơn về quyền riêng tư của mỗi người thì những câu hỏi đấy không thích hợp và không nên. Tôi biết người Việt, ít nhất ở miền bắc vì tôi sống ở bắc nên biết những câu hỏi như vậy rất phổ biến và người ta không ác ý mà chỉ quan tâm nhau thôi. Nhưng trong rất nhiều trường hợp lại khiến người được hỏi cảm giác không hay. Trong giao tiếp nếu gây cho người khác cảm giác không hay thì cũng không tốt, không nên tiếp tục, không nên ủng hộ.”
Treo biển cấm hỏi trước nhà: nên hay không?
Những ngày gần đây, trên mạng rộ lên phong trào nhiều người chụp ảnh những tấm biển “Nhà có đứa đang… khách đến chơi Tết xin đừng hỏi” được treo trước cửa nhà. Trong đó, những vấn đề được chủ nhà đề cập mong khách đừng hỏi chủ yếu về những việc riêng tư như bao giờ lấy chồng/ lấy vợ, lương tháng bao nhiêu, học hành thế nào, lên bao nhiêu ký…
Nhiều người chia sẻ hình ảnh này và bày tỏ sự cảm thông khi mỗi dịp đoàn tụ lại bị ‘tra khảo’ những câu hỏi như trên, không chỉ từ một người mà từ rất nhiều người. Trong khi đó, nhiều người khác lại thích thú với cách giải quyết vấn đề này.
Tuy nhiên, một số người lại không đồng ý với việc treo bảng trước nhà như thế, như lời chị Hà Anh, quê ở Đồng Nai và hiện đang sống ở Sài Gòn. Chị cho biết mỗi lần về quê cũng hay bị hỏi những câu tương tự nhưng chị không đồng ý với việc treo biển cấm hỏi trước cửa nhà như vậy:
“Bây giờ xã hội ngày càng phát triển, bản thân những người trẻ cũng ít quan tâm nhiều đến xung quanh, cộng đồng và không muốn bị làm phiền, muốn được riêng tư nên Anh nghĩ có những người quá bực vì từ năm này sang năm khác cứ hỏi vấn đề riêng tư của họ thì họ cảm thấy xâm phạm đời tư, không được thấu hiểu. Do văn hóa, con người Việt Nam phần nào thiếu đi sự riêng tư nên người ta đến hỏi những câu hỏi mà theo Anh là bất lịch sự và mất riêng tư, như vậy không hay. Có thể quá bức xúc, cộng thêm cộng đồng mạng ngày càng nhiều trò dẫn đến người ta cũng hơi lố khi treo biển này.”
Theo Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, việc treo bảng này chỉ do một vài người làm quá lên vì người Việt không cư xử như thế. Dù vậy, ông cho rằng cách phản ứng này cho thấy đến lúc người Việt hiện đại không chấp nhận cung cách, lời hỏi han cụ thể, xăm soi, quá sức đào bới vào đời tư làm người ta mất tự do:
“Dẫu sao cũng phải thừa nhận rằng giới trẻ ngày nay và bố mẹ chúng cũng cảm thấy áp lực, nặng nề khi người ta cứ soi vào những điều như thế để hỏi thăm không chỉ đường đột, mất tự nhiên, thiếu tế nhị mà còn đụng chạm sĩ diện, sự xấu hổ rằng con cái mình không được như con nhà người…”
Dưới góc nhìn cá nhân, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi việc treo bảng cấm hỏi là hơi cực đoan và những người khác làm theo là dấu hiệu buồn cho xã hội hơn là đem lại điều tốt đẹp. Ông giảng giải:
“Tôi nghĩ việc đó làm trầm trọng thêm tình hình. Tự mình chường ra vì rất nhiều người không định hỏi, đến nhà chơi vì mục đích khác. Nếu chương ra cái biển như vậy thì thu hút sự chú ý của người ta. Điều đó làm mất hứng cả người đến thăm và làm hại cả người trong cuộc. Tôi không cho đây là một biện pháp tốt để giải quyết vấn đề người ta hỏi những câu không nên.”
Giải pháp
Vấn đề trò chuyện, thăm hỏi nhau mỗi dịp sum họp khi xuân về nhưng vẫn giữ được sự quan tâm đúng mực, không xâm phạm vào đời sống cá nhân người khác luôn là trăn trở của nhiều người.
Với kinh nghiệm của mình, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi cho rằng truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng các hành vi của mọi người. Vì thế ông đề xuất:
“Thời thế thay đổi, có thể thời xưa những câu hỏi như vậy phù hợp nhưng bây giờ không phù hợp nữa. Tôi nghĩ nhà trường, những thiết chế giáo dục, nhất là truyền thông vì ảnh hưởng rất lớn, có thể giải thích thêm cho người ta hiểu. Tôi tin sự thay đổi có thể xảy ra trong thời gian khá ngắn. Khi người ta hiểu chuyện thì người ta thay đổi.”
Tôi nghĩ đó là truyền thống của người Việt xưa là quan tâm, hỏi thăm. Tôi nghĩ sở dĩ họ có tính như vậy vì họ nghĩ vậy là tốt. Bây giờ mình hiểu biết hơn, hiểu rõ hơn về quyền riêng tư của mỗi người thì những câu hỏi đấy không thích hợp và không nên. - PGS. TS. Vũ Mạnh Lợi
Không đồng quan điểm với Phó Giáo sư – Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi, chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình có cách nhìn nhận khác:
“Chúng tôi nghĩ rằng đây là văn hóa, tập quán và khắc phục, sửa chữa cần có thời gian, không thể ngày một ngày hai được và có liên quan cả thế hệ. Có lẽ cách khắc phục rõ ràng nhất là người ta phải nói thẳng, nói thật với nhau chứ không có cách khác. Phải đặt vấn đề đó lên bàn nghị sự, chương trình, kịch mục nội dung để trao đổi trong ngày Tết đến xuân về. Chuyện này là vấn đề không thể lảng tránh, buộc phải đặt vấn đề ra để nói chứ câu chuyện này không liên quan đến chuyện giáo dục phẩm hạnh, tư cách con người để phải đưa vào trong nhà trường.”
Hoặc theo cách đơn giản hơn của chị Hà Anh, mà nhiều người vẫn hay áp dụng xưa nay, người được hỏi nếu không muốn người khác hỏi tới có thể né hoặc trả lời qua loa vì có thể nhiều lúc khách đến nhà không có chuyện để nói thì việc hỏi những câu như gia đình thế nào, khi nào lấy chồng, lấy vợ chỉ như câu hỏi chung chung mang tính chất xã giao chứ không phải là soi mói đời tư người khác!
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/trend-of-hanging-ban-private-conversations-signs-on-tet-holiday-01232020134516.html

Vì sao dân cười khi thấy quan chức xuống đường quét rác?

Diễm Thi, RFA
Cứ vào những tháng cuối năm hay những ngày đầu năm mới, hình ảnh một vị lãnh đạo nào đó cùng nhiều thuộc cấp ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường như quét rác, khơi thông cống rãnh… với hàng loạt ống kính chĩa vào trở nên phổ biến.
Sáng 18 tháng 1 năm 2020, nhiều quận huyện ở TP.HCM đã tổ chức lễ ra quân thực hiện tháng “Thành phố sạch – Thành phố văn hoá mừng xuân Canh Tý 2020, mừng Đảng 90 năm”. Báo chí trong nước đưa tin kèm hình ảnh Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân mang bao tay trắng tham gia quét rác cùng người dân. Lập tức mạng xã hội đăng lại tấm hình ông Nguyễn Thiện Nhân cầm cây khơi thông dòng chảy cho kênh Rạch Lăng ở quận Bình Thạnh năm 2018 với hàng loạt ống kính phóng viên, cũng trong một buổi vận động người dân không xả rác.
Trước đó vài năm, tại buổi lễ phát động các hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường, người ta cũng thấy hình ảnh nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cùng thanh niên tình nguyện vớt rác, kéo lục bình khai thông dòng chảy rạch Dừa. Ông này đang phải thụ án tù vì những sai phạm trong công tác.
Nhiều người dân mỉa mai với những câu nói như: “Tôi không hiểu sao ông Bí thư Thành ủy làm đúng nghề của mình mà bị mọi người công kích?”. Có người họa lại đôi câu bài thơ Ông Đồ của tác giả Vũ Đình Liên: “Mỗi năm hoa đào nở – Lại thấy ông xuống đường – Cầm chổi chà, cào cỏ – Giữa phố đầy phóng viên”.
Anh Quang, một người dân TP.HCM cho rằng dân cười là phải và chuyện này không mới, chỉ có phản ứng của người dân trên mạng xã hội là mới. Anh giải thích:
“Bình thường họ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, hà hiếp người dân, đến ngày lễ, ngày tết bày ra những trò như vậy nhìn nó lố bịch. Người dân cười là đúng rồi. Đó là hình thức biểu diễn để mị dân của người cộng sản từ hồi nào đến giờ rồi nhưng bây giờ dân mới có phương tiện để nói lên, để phản ứng. Chuyện đó không mới!
Những chuyện thiết thực hàng ngày thì họ không làm, bao nhiêu chuyện nóng về môi trường, về an toàn thực phẩm sờ sờ trước mắt họ không quan tâm.”
Cũng là một người dân ở TP.HCM nhưng cô Tuyết không bao giờ lên mạng xã hội, mà các thông tin cô biết chỉ qua báo đài trong nước. Cô nêu quan điểm của mình về việc quan chức cao cấp ra phụ dân nhặt rác, quét đường:
“Theo quan điểm của em thì những quan chức lớn như vậy mà làm công việc của những người quét rác nó thể hiện sự bình đẳng. Nhìn hình ảnh các quan chức trên báo như vậy thì người dân sẽ không vứt rác bừa bãi ra bên ngoài. Thấy người “lớn” làm như vậy thì đương nhiên người “nhỏ” phải noi theo, không xả rác bừa bãi.”
Nhà nghiên cứu xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương nhận xét rằng đa số người dân chê bai những hành động của các lãnh đạo cao cấp như vậy. Bà không có một nghiên cứu chính thức về việc này nhưng theo bà thì người dân không sai, bởi làm lãnh đạo thì phải làm những việc to tát, hoạch định những chính sách sao cho ích nước lợi nhà thể hiện vị thế của mình, chứ đi lượm rác, thông kênh rạch chẳng giải quyết được việc gì cả. Bà đưa nhận định của mình:
“Cá nhân tôi thì tôi thấy các quan chức có cách này cách kia để lấy lòng dân, và hành động nhặt rác thì cũng nhằm cổ vũ cho vệ sinh môi trường, nhưng tôi nghĩ là cách làm truyền thông không phù hợp. Người dân nhìn những hình ảnh đó họ không thấy thuyết phục.”
Việt Nam là một nước có số lượng báo chí chính thống khá nhiều. Theo thống kê được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra hôm 6 tháng 11 năm 2019, cả nước có 844 cơ quan báo, tạp chí in, 24 báo, tạp chí điện tử độc lập, 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, 05 đơn vị hoạt động truyền hình, với tổng số kênh phát thanh, truyền hình trong nước được cấp phép là 279 kênh, 70 kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép biên tập, biên dịch.
Có 36 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, trong số đó, số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet chiếm 20/36 doanh nghiệp.
Đang làm việc trong lĩnh vực báo chí có 41.600 người và Bộ đã cấp 23.402 thẻ nhà báo.
Thế nhưng với những người dân có chút hiểu biết về thời cuộc thì từ lâu họ đã không còn tin, không còn xem những tin tức, hình ảnh mà báo trong nước loan nữa. Người ta nói với nhau rằng, ngày xưa đọc báo để có kiến thức, ngày nay phải có kiến thức hãy đọc báo. Nhạc sĩ Tuấn Khanh đã sáng tác một bài hát có tên “Hãy gấp trang báo và tắt tivi”.
Như vậy mạng xã hội cho đến bây giờ là nơi người dân có thể nói lên những suy nghĩ, những phản biện một cách trung thực nhất, nhưng lại bị chính quyền coi là công cụ chống đảng, chống nhà nước.
Tuy vậy, theo đánh giá của những nhà quan sát thời cuộc thì nhờ mạng xã hội mà nhận thức của người dân được nâng lên rất nhiều và họ không tin vào những điều được gọi là ‘mị dân’ nữa.
Blogger Nguyễn Ngọc Già nhận định:
“Theo tôi thì chuyện cuối năm mấy ông bà cộng sản cấp cao đi quét rác, dọn dẹp… bị người dân cười cợt thì không có gì ngạc nhiên hết bởi vì người ta không tin vào những chuyện mị dân như vậy. Nó phản ánh não trạng của giới cộng sản cấp cao vẫn rất ấu trĩ. Họ không lừa được người dân bằng những hành động đen cả về hình thức lẫn tâm trí của họ nữa.
Cái thứ hai là tự họ làm cho hình ảnh của họ trở nên xấu xí. Người dân Việt Nam ngày nay nhận thức rất nhiều chứ không phải như ngày xưa nữa. Người dân không cần những hình ảnh quét rác theo nghĩa đen nữa mà họ cần quét rác theo nghĩa bóng, tức là hãy quét sạch hết những tệ nạn như ma túy, tham nhũng…”
Theo báo cáo, thống kê của Bộ Công an, tính đến 15 tháng 5 năm 2018, cả nước có 225.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 2.100 người so với năm 2017. Còn tệ tham nhũng, hối lộ thì tràn lan khắp các cơ quan công quyền, có vụ ‘ăn’ đến hàng triệu đô la Mỹ mà người dân chỉ được biết qua chiến dịch ‘đốt lò’ của ông Nguyễn Phú Trọng mấy năm qua.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/leaders-show-cleanning-up-the-road-ridiculous-dt-01232020135613.html

Gia đình công an chết

trong vụ tấn công Đồng Tâm được nhận tiền tỉ

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Mỗi gia đình có công an chết trong vụ tấn công Đồng Tâm hôm 9 Tháng Giêng, được trao gần 1.3 tỉ đồng ($56,168) từ tiền quyên góp một ngày lương của lực lượng cảnh sát cơ động, theo báo Dân Trí.
Cái chết của Đại Tá Nguyễn Huy Thịnh, Đại Úy Phạm Công Huy và Thượng Úy Dương Đức Hoàng Quân được chính ông Lương Tam Quang, thứ trưởng Bộ Công An CSVN giải thích là do “rơi xuống hố kỹ thuật [giếng trời]” ở giữa hai nhà của các con ông Lê Đình Kình, “thủ lĩnh tinh thần” của dân Đồng Tâm.
Việc đảng CSVN cấp tốc trao huy chương chiến công hạng nhất, thăng hàm, truy tặng danh hiệu liệt sĩ, phát động toàn ngành “học tập tấm gương” sau cái chết của ba công an nêu trên khiến công luận giận dữ xen lẫn hoang mang. Bởi lẽ, cho tới nay, không ai biết viên cảnh sát này đã thật sự “hy sinh” và “lập chiến công” thế nào trong vụ tấn công, sau những phát biểu “tiền hậu bất nhất” của giới chức công an.
Theo báo Zing, bên cạnh khoản tiền phúng điếu, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội còn giao Sở Lao Động trợ cấp hàng tháng, đến năm 18 tuổi đối với các con của công an Nguyễn Huy Thịnh và công an Phạm Công Huy.
Chuyện báo đảng công khai số tiền tỉ phúng điếu cho ba công an được cho là cách đáp trả về việc hàng trăm người đóng góp tiền phúng điếu ông Kình qua tài khoản của bà Nguyễn Thúy Hạnh (được 528,453,669 đồng, tức $22,757).
Sau khi khoản tiền này bị Bộ Công An CSVN ra lệnh cho Ngân Hàng Vietcombank phong tỏa với cáo buộc “tài trợ khủng bố,” cộng đồng mạng lập tức lại đóng góp vào quỹ “Giúp dân Đồng Tâm” trên trang GoFundMe, tính đến sáng 23 Tháng Giêng đã nhận được $38,161. Gần như cứ mỗi 10 phút, số tiền người Việt ở khắp nơi trên thế giới gửi về qua quỹ này lại tăng thêm khoảng $100.
GoFundMe được cho là nền tảng gây quỹ nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà cầm quyền CSVN, dù họ đã chặn truy cập trang này từ Việt Nam.
Blogger, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang, một trong những người gây quỹ nêu trên, lý giải trên trang cá nhân: “Tôi nghĩ mình không cần nói nhiều về chuyện ‘thấy gì qua số tiền ủng hộ gửi về lớn đến thế trong khoảng thời gian ngắn như thế’, vì đây đã là câu trả lời quá xác đáng cho câu hỏi ‘Lòng dân ở đâu’, có tuân theo sự chỉ đạo, định hướng của đảng và nhà nước không.”
Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Mạc Văn Trang nhận định trên trang Facebook của ông rằng khoản tiền đóng góp của cộng đồng “cho thấy bộ máy tuyên truyền dùng hết công suất cũng không thể lừa dối, đe dọa được hết mọi người dân” và “lòng dân thương xót, cảm thông hướng về Đồng Tâm không gì ngăn cản được.”
Trong một diễn biến khác, Facebooker Doanh Hoàng cho biết trên trang cá nhân rằng ông bị một số công an thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, “đến làm việc” trong nhiều giờ về “tội” đã đóng góp 1 triệu đồng ($43) phúng điếu ông Kình qua tài khoản của bà Nguyễn Thúy Hạnh, bên cạnh “tội” khác là ký vào bản “Tuyên bố Đồng Tâm.” (N.H.K)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/gia-dinh-cong-an-chet-trong-vu-tan-cong-dong-tam-duoc-nhan-tien-ti/

Tình cảnh tù nhân lương tâm và gia đình vào dịp Tết

Thăm tù chính trị những ngày giáp Tết
Vợ của tù nhân chính trị Nguyễn Ngọc Ánh, bà Nguyễn Thị Châu vào tối 23/1 chia sẻ với RFA rằng bà đã ngược xuôi gần 700 cây số trong vòng 2 ngày 1 đêm để được gặp chồng chỉ vỏn vẹn trong 30 phút đồng hồ hôm 28 Tết.
Bà Châu kể lại nỗi gian nan thăm chồng trong những ngày giáp Tết Canh Tý:
“Sáng ngày 21/1 tôi đi đến trại giam ở Bến Tre để gửi thức ăn và thăm chồng dịp Tết. Nhưng khi đến gần trại giam thì tôi nghe tin chồng đã chuyển trại. Lúc đó tôi cảm thấy không giữ được bình tĩnh tại vì chồng tôi bị chuyển trại mà tôi không nhận được giấy tờ thông báo gì để biết chồng đang ở đâu, cho nên lúc đó tôi quay về luôn.
Sau đó mới sực nhớ nếu không có giấy tờ nào để đi đến trại giam mới tìm chồng và chỗ trại giam mới nói rằng không có tiếp nhận chồng mình thì lại khổ nữa. Tôi lại tiếp tục chạy hơn 50 cây số đến trại giam ở Bến Tre để xin giấy nhưng trại giam dứt khoát từ chối không đưa cho giấy mà bảo đi thẳng lên trại giam Xuân Lộc để gặp. Lúc đó tôi nhanh ý, ghi lại live stream để ghi lại lời nói của cán bộ trại giam để đến trại giam Xuân Lộc mà người ta từ chối thì còn có bằng chứng.
Chiều hôm đó về nhà làm thức ăn đến 11 giờ đêm và lên xe đi đến trại giam Xuân Lộc cách 230 cây số ngay trong đêm. Bởi vì tôi nghe nói trại giam chỉ làm việc đến ngày 27 Tết nên sợ không kịp.”
Mặc dù có mặt ở trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai từ sáng sớm ngày 28 Tết nhưng mãi đến gần 2 giờ chiều bà Châu mới được phép gặp chồng và sau đó bà Châu đi xe máy về trọ ngủ ở Sài Gòn, đến sáng hôm sau nữa mới về lại quê chuẩn bị Tết cho gia đình.
Đài RFA ghi nhận thân nhân của các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, tù nhân tôn giáo tại Việt Nam trong những ngày giáp Tết Canh Tý cũng có hoàn cảnh tương tự như của gia đình kỹ sư nuôi tôm Nguyễn Ngọc Ánh, người bị tuyên án 6 năm tù giam và 5 năm quản chế dưới tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.
Bà Lê Thị Thập, vợ của tù chính trị Lưu Văn Vịnh chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do là bà đi đến trại giam Gia Trung thăm chồng vào hôm 27 Tết và được chồng báo tin có 4 tù nhân lương tâm mới được chuyển đến mà gia đình của họ chưa nhận được tin. Bà Thập nói về buổi gặp chồng mới nhất khiến cho bà có thêm động lực trong dịp đón Tết năm mới này:
Tết buồn thê thảm! Thấy cảnh Tết gia đình người ta sum họp còn gia đình mình thì kẻ một nơi, người một ngả rồi ly tán hết. Mẹ em thì suy sụp tinh thần và bệnh hoài. Em thấy vậy còn tủi thân thêm chứ Tết có ý nghĩa gì đâu. Trước khi biến cố xảy ra thì gia đình em đón Tết rất vui vẻ vì có bạn bè và mấy người đồng đạo của tía đến nhà. Mấy người ở phương xa cỡ nào cũng đến thăm tía em. Khi tía em bị bắt tới giờ, không có một bóng dáng nào tới nữa vì tới bao nhiêu người thì bị lập biên bản, bị làm khó nên mọi người xa lánh gia đình em hết
-Con gái ông Vương Văn Thả
“Tinh thần của anh Vịnh là luôn luôn xác định là họ bắt giữ anh rồi thì anh chẳng có vấn đề gì. Anh luôn hy vọng sau này xã hội được thay đổi thì anh mới được tự do. Thế nên tinh thần của anh luôn vững vàng. Những người mới chuyển đến thì anh luôn hỗ trợ. Gia đình của họ chưa tiếp xúc được thì luôn ứng tiền trong tài khoản của anh để giúp đỡ mọi người.”
Sau khi thăm chồng về, bà Thập tất bật tìm kiếm và báo tin cho gia đình của 4 tù nhân lương tâm vừa được chuyển đến trại giam Gia Trung. Sự nỗ lực của bà Thập cũng gặt hái được kết quả là bà đã kết nối được với gia đình của tù nhân chính trị Lê Thanh Phương.
Số liệu ghi nhận trong Báo cáo mới nhất của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders), vừa công bố vào đầu tháng 1/2020 cho thấy Chính quyền Việt Nam đang giam giữ ít nhất 239 tù nhân lương tâm trong các nhà tù hoặc các hình thức giam giữ tương tự.
Tù mồ côi!
Thế nhưng không ít thân nhân của tù nhân lương tâm được thăm gặp trong dịp Tết Canh Tý. Hoàn cảnh của tù nhân chính trị Vương Văn Thả là một trường hợp điển hình. Cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo, một cựu tù chính trị đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang hồi tháng 1/2018 tuyên án 12 năm tù dưới tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”. Cô Vương Ngọc Thảo, con gái của ông Vương Văn Thả nói với RFA
rằng suốt hai năm qua gia đình không được thăm gặp, gửi đồ ăn hay gửi tiền vì gia đình nhận được tin là ông Thả không chịu ký tên nhận tội và không chịu mặc áo tù.
Cùng bị tuyên án với ông Vương Văn Thả, còn có con trai là Vương Thanh Thuận và hai người cháu gồm Nguyễn Nhật Trường và Nguyễn Văn Thượng.
Cô Thảo vào tối 23/1 tâm tình rằng cứ mỗi lần mẹ của cô đến trại giam xin thăm gặp thì cán bộ trại giam đều nói là ông Vương Văn Thả không muốn gặp, và lần trước Tết này cũng không ngoại lệ. Đang lánh nạn tại Thái Lan, cô Thảo tâm tình với RFA:
“Tết buồn thê thảm! Thấy cảnh Tết gia đình người ta sum họp còn gia đình mình thì kẻ một nơi, người một ngả rồi ly tán hết. Mẹ em thì suy sụp tinh thần và bệnh hoài. Em thấy vậy còn tủi thân thêm chứ Tết có ý nghĩa gì đâu. Trước khi biến cố xảy ra thì gia đình em đón Tết rất vui vẻ vì có bạn bè và mấy người đồng đạo của tía đến nhà. Mấy người ở phương xa cỡ nào cũng đến thăm tía em. Khi tía em bị bắt tới giờ, không có một bóng dáng nào tới nữa vì tới bao nhiêu người thì bị lập biên bản, bị làm khó nên mọi người xa lánh gia đình em hết.”
Tết của sẻ chia
Cô giáo Huỳnh Thị Út, thân mẫu của tù chính trị-sinh viên Trần Hoàng Phúc cho biết Tết Canh Tý là cái Tết thứ ba con trai duy nhất yêu dấu của cô đón Tết trong trong trại giam.
Từ Sài Gòn, cô giáo Nguyễn Thị Út lên tiếng rằng cô cảm thấy vui lòng trong dịp Tết Canh Tý vì:
“Có lẽ do Phúc cũng đấu tranh nhiều cho nên Tết năm nay Phúc điện thoại nhắn mua các đầu báo Tết gửi vào càng nhiều càng tốt và mua bánh, mứt, kẹo để Phúc giao lưu và mua 2 cây kèn harmonica để Phúc gửi tặng các chú, các anh người dân tộc. Đó là những điều mới trong Tết năm nay.”
Bà mẹ đơn thân đón Tết một mình bên mâm cơm đơn giản cúng ông bà suốt 3 năm qua luôn với lời khấn nguyện một năm mới “bình an, sức khỏe và không bị hãm hại”. Riêng trong Tết Canh Tý năm 2020, cô giáo Nguyễn Thị Út được hân hoan hơn khi nghe con trai Trần Hoàng Phúc báo tin cùng với các bạn tù trồng rau, trồng cây ăn quả và có đến những 15 quả mướp xanh ngon mọc trên giàn. Cô Nguyễn Thị Út tin rằng đó còn là mầm xanh hy vọng cho các tù nhân lương tâm ở Việt Nam sẽ sớm đón Tết cổ truyền vui vẻ cùng gia đình một ngày không xa nữa.
Tù nhân lương tâm Trần Thị Nga, người vừa mới được Chính quyền Việt Nam tống xuất sang Hoa Kỳ vào trung tuần tháng 1 năm 2020, chia sẻ với RFA rằng bà được đoàn viên với người phối ngẫu và hai con trai nhỏ trong dịp Tết Canh Tý nhưng bà không thể quên được ký ức khi bà bị bắt vào ngày đưa ông Táo hồi Tết Đinh Dậu:
Khi tôi bị bắt là các con của tôi bơ vơ trước mấy ngày Tết. Trong khoảng thời gian đó thì công an lại còn dùng các con của tôi để tra tấn tinh thần tôi, khi họ liên tục nói với tôi rằng là một người mẹ tôi đã không làm tròn trách nhiệm của mình, đã để con bơ vơ trong những ngày Tết. Họ nói là chồng tôi đã chết và tôi phải nhận tội theo ý của họ thì họ sẽ thả tôi về để lo cho con những ngày Tết. Đó là một tội ác mà Chính quyền Cộng sản đã gây ra cho mẹ con tôi
-Tù nhân lương tâm Trần Thị Nga
“Khi tôi bị bắt là các con của tôi bơ vơ trước mấy ngày Tết. Trong khoảng thời gian đó thì công an lại còn dùng các con của tôi để tra tấn tinh thần tôi, khi họ liên tục nói với tôi rằng là một người mẹ tôi đã không làm tròn trách nhiệm của mình, đã để con bơ vơ trong những ngày Tết. Họ nói là chồng tôi đã chết và tôi phải nhận tội theo ý của họ thì họ sẽ thả tôi về để lo cho con những ngày Tết. Đó là một tội ác mà Chính quyền Cộng sản đã gây ra cho mẹ con tôi.”
Bà Trần Thị Nga hồi tưởng những cái Tết tiếp theo bà bị biệt giam, không được tham dự cùng các phạm nhân trong trại giam vào thời khắc trời đất sang mùa. Tuy nhiên, bà Trần Thị Nga luôn nghĩ đến kỷ niệm Tết ấm cúng bên gia đình và người thân; đồng thời bà cũng muốn chia sẻ với thân nhân của các tù nhân lương tâm đang còn trong trại giam:
“Trong những ngày Tết năm mới, hãy thật sự làm sao mình có thể mạnh khỏe, vui vẻ, lạc quan để làm được nhiều việc tốt lành hơn cho bản thân, cho gia đình và cho đất nước. Chính những sự lạc quan, vui vẻ của thân nhân những người tù ở bên ngoài, đặc biệt của những đứa con sẽ làm cho những người tù nhân lương tâm có được niềm tin, tin tưởng mạnh mẽ hơn để vượt qua sự khó khăn trong chốn ngục tù.”
Một số thân nhân của các tù nhân lương tâm như vợ của tù nhân chính trị Nguyễn Ngọc Ánh và Lưu Văn Vịnh cũng gửi gấm tâm tình đến gia đình các tù nhân lương tâm rằng dù đón Tết không trọn vẹn, nhưng vẫn vui vẻ và đoàn kết, sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn, khích lệ nhau để tiếp sức cho người thân, là những người đấu tranh ôn hòa vì những mùa xuân hy vọng của Việt Nam mà họ phải đón Tết xa nhà trong chốn lao tù.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-families-of-vietnamese-prisoners-of-conscience-and-tet-01232020124953.html

2019-nCo: VN khuyến cáo ở mức cao

một bậc với dịch viêm phổi cấp?

Việt Nam đã ghi nhận 2 bệnh nhân và một số trường hợp nghi ngờ đang chờ xét nghiệm dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới – nCoV – gây ra.
Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp giữa Bộ Y tế Việt Nam và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào trưa 30 Tết (24/1) theo Tuổi trẻ.
Nguy cơ hai ca dương tính lây ra cộng đồng ở mức nào?
Bộ Y tế Việt Nam trước đó xác nhận 2 trường hợp dương tính với virus nCoV đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP HCM.
Hai bệnh nhân này là hai cha con người Trung Quốc, nhập viện trong tình trạng sốt.
Trước đó, người bố nhập cảnh vào Hà Nội vào ngày 13/1, qua Sân bay Quốc tế Nội Bài, sau đó bay Nha Trang.
Người con đã ở Long An từ 4 tháng trước, đi ra Nha Trang gặp cha. Họ gặp nhau 4 ngày ở Nha Trang.
Sau đó, ngày 20/1, cả hai về Long An.
Ngày 17/1, người cha bắt đầu sốt, ba ngày sau (20/1) đến lượt người con có triệu chứng tương tự. Hai cha con nhập viện Chợ Rẫy tối 22/1.
Hiện sức khỏe của hai cha con người Trung Quốc này đã ổn định.
2019-nCoV: Báo VN nói có hai ca ‘người TQ’
Virus viêm phổi corona đáng lo ngại tới đâu?
Tờ Vietnamplus dẫn lời Viện trưởng Viện Pasteur Phan Trọng Lân cho biết tại cuộc họp nói trên rằng, kết quả lấy mẫu xét nghiệm hai bệnh nhân cho kết quả ban đầu dương tính với chủng mới virus corona. Hiện viện đang phối hợp với các viện và các chuyên gia của WHO nghiên cứu tiếp, trong thời gian sớm nhất có kết quả chính xác.
Theo VnExpress, điều tra dịch tễ hành trình của hai bệnh nhân nói trên cho thấy, họ đã đi tàu SE5 từ Nha Trang về TP HCM trên toa số 11. Bởi vậy, những người đi tàu đã tiếp xúc với 2 bệnh nhân này được ông Lân khuyến cáo là “cần tự cách ly trong vòng 14 ngày để theo dõi. Sau 14 ngày không có dấu hiệu bệnh hô hấp thì có thể hoạt động bình thường”.
Một trong hai bệnh nhân cũng từng làm việc ở địa chỉ số 10 Tông Đản, Nha Trang, ngày 17/1, nên đại diện Viện Pasteur cũng yêu cầu những người đã tiếp xúc với bệnh nhân ở địa chỉ này cũng phải tự cách ly.
Bộ Y tế cũng đang thống kê danh sách những người đã tiếp xúc trực tiếp với hai bệnh nhân và yêu cầu các địa phương giám sát, cách ly.
Tuy nhiên, về khả năng hai ca bệnh này lây nhiễm ra cộng đồng, tờ Vietnamplus trích dẫn lời Phó giáo sư Phan Trọng Lân cho rằng, nguy cơ này rất thấp. Ý kiến này nói rằng, hiện nay, ngành y tế đã triển khai các biện pháp cách ly nghiêm ngặt trường hợp bệnh nhân trên, cách ly tuyệt đối với cộng đồng các trường hợp nói trên nên người dân có thể yên tâm.
Với hai bệnh nhân nghi ngờ viêm phổi đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, VnExpress dẫn lời ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết hiện chưa có kết quả xét nghiệm.
Cao hơn một mức?
Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Việt Nam, được truyền thông nước này dẫn lời phát biểu tại cuộc họp nói trên rằng, Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc, lượng người Trung Quốc sang Việt Nam rất đông, nên Việt Nam “đưa ra khuyến cáo ở mức lây nhiễm” chứ không phải là “lây nhiễm hạn chế” như thông thường.
Trước đó, một bài báo trên tờ Tin tức của TTXVN cũng đánh giá, “Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai các hoạt động đáp ứng cao hơn một mức so với thực tế tình hình dịch”.
Tuy nhiên, tác giả Lưu Nhi Dũ trong một bài viết “NÓI THẲNG: Nên sẵn sàng đóng cửa biên giới với Trung Quốc” trên báo Người lao động cho rằng, “Việt Nam có 7 tỉnh giáp với biên giới Trung Quốc, với hàng trăm cửa khẩu giao thương. Dịch bệnh viêm phổi cấp đang diễn ra phức tạp trong thời điểm cả hai quốc gia Việt – Trung đều đang nghỉ Tết, nên việc đi lại của người dân, đặc biệt du khách Trung
Quốc du lịch Việt Nam rất nhiều. Nên chăng, cơ quan chức năng cân nhắc việc đóng cửa tạm thời biên giới giữa hai nước để phòng dịch?”.
Trên mạng xã hội, cũng có nhiều ý kiến cho rằng đây là việc làm cần thiết vào lúc này.
Ít nhất 10 thành phố TQ hạn chế đi lại do lo dịch lan rộng
Virus corona: Kiểm dịch khách từ Vũ Hán tới London Heathrow
VN kiểm soát chặt cửa khẩu, lo dịch xâm nhập khi nghỉ Tết
Tại cuộc họp nói trên, ông Đam yêu cầu cơ quan chức năng thực hiện ngay bước khai báo y tế tại tất cả các cửa khẩu, thực hiện nghiêm ngặt theo dõi người có biểu hiện sốt, tiếp xúc với người nghi ngờ.
Đồng thời, yêu cầu ngành y tế phải tuân thủ thực hiện 12 văn bản đã có để chống dịch, trong đó có bảo vệ bác sĩ và nhân viên y tế, tuyệt đối không để lây nhiễm.
Từ ngày 23/1, Việt Nam đã ngưng tiếp nhận các chuyến bay đi/đến từ Vũ Hán và Hoàng Cương.
Theo ông Đam, “Nếu Trung Quốc công bố thêm thành phố nào có dịch viêm phổi do chủng virus corona mới, những chuyến bay tới thành phố đó cũng bị dừng”.
Không đưa khách đến các khu vực có nguy cơ
Trước đó, ngày 23/1, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng có công văn yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đón khách du lịch vào Việt Nam tuân thủ nghiêm các quy định, khuyến cáo của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng về việc đảm bảo phòng chống lây nhiễm virus corona.
Các doanh nghiệp này phải kịp thời báo cáo và tuân thủ chỉ đạo của các cơ quan chức năng địa phương nếu phát hiện trường hợp khách du lịch có biểu hiện ốm sốt, nhất là khách du lịch đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đã có bệnh nhân nhiễm virus corona.
Với doanh nghiệp lữ hành quốc tế đưa khách đi du lịch nước ngoài, không tổ chức tour du lịch cho khách đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm virus corona cao theo khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51232179

‘EVFTA không phải là xin – cho giữa VN và EU’

“Và tôi nhắc lại đây là một hiệp định thương mại. Tất nhiên, nó có các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhưng mà nhân quyền, dân chủ, chắc chắn không phải là đề tài chính của hai hiệp định này giữa Việt Nam và EU,” ông Quang A nói với BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội.
Những mốc thời gian chính của EVFTA
Tháng 12 năm 2015: Kết thúc đàm phán và bắt đầu rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.
Tháng 6 năm 2017: Hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật
Tháng 9 năm 2017: EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên.
Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm:
- Hiệp định Thương mại tự do bao gồm toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời.
- Hiệp định Bảo hộ đầu tư (Hiệp định IPA) bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Hiệp định IPA này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.
Tháng 6 năm 2018: Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA; và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.
Tháng 8 năm 2018: Hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định IPA.
Ngày 17 tháng 10 năm 2018: Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.
Ngày 25 tháng 6 năm 2019: Hội đồng châu Âu đã phê duyệt cho phép ký Hiệp định.
Quý vị bấm vào đường link này để theo dõi Bàn Tròn Thứ Năm bàn về chủ đề chuyển động của các hiệp định giữa Việt Nam và EU trong bối cảnh dư âm vụ Đồng Tâm vẫn còn nóng.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51234857

2019-nCoV: Ít nhất 10 thành phố TQ

hạn chế đi lại do lo dịch lan rộng

Trung Quốc công bố các biện pháp phòng chống dịch chưa có tiền lệ giữa khi số người nhiễm và tử vong tăng nhanh.
Ít nhất 10 thành phố ở Hồ Bắc, với tổng dân số 20 triệu người, đã áp dụng biện pháp hạn chế đi lại.
Tuy nhiên, giữa các thành phố có sự hạn chế khác nhau, dù nhiều thành phố đã phong tỏa giao thông công cộng.
Tại Vũ Hán – thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc – và phát xuất của virus – tất cả các dịch vụ xe buýt, tàu điện ngầm và phà đã phong tỏa; tất cả các chuyến bay và tàu hỏa đều bị hủy.
Người dân đã được khuyên “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Ngạc Châu (Ezhou), một thành phố khác nhỏ hơn của Hồ Bắc, đã đóng cửa nhà ga xe lửa.
Còn thành phố Oblhi đình chỉ tất cả dịch vụ xe buýt.
Chính quyền cũng đã hủy bỏ các sự kiện công cộng lớn ở các nơi khác gồm:
Tạm đóng cửa Tử Cấm Thành
Hủy bỏ các hội chợ truyền thống mừng năm mới ở Bắc Kinh
Hủy bỏ lễ hội quốc tế tại Hong Kong
Hủy bỏ giải bóng đá hàng năm tại Hong Kong
Hủy bỏ tất cả các lễ kỷ niệm Tết Nguyên đán tại Macau
Hiện dịch đã bùng phát ở gần như tất cả khu vực của Trung Quốc nhưng nhiều nhất vẫn là tại tỉnh Hồ Bắc, với 549 trường hợp.
Hôm 24/1, nhà chức trách Trung Quốc cho biết, số người thiệt mạng do virus này đã tăng lên đến 26, với 830 trường hợp được xác nhận đã nhiễm bệnh.
Hiện có 2 trường hợp tử vong do dịch ngoài tỉnh Hồ Bắc, một ở tỉnh Hà Bắc, gần Bắc Kinh và một ở tỉnh Hắc Long Giang, cách thành phố Vũ Hán tới hơn 2.000 km; 24 trường hợp khác đều ở Hồ Bắc.
Trong số các trường hợp nhiễm bệnh đã được xác nhận, 177 người trong tình trạng nghiêm trọng và 34 người đã được “chữa khỏi và xuất viện”. Ngoài ra còn có 1.072 nghi ngờ khác trường hợp nghi ngờ đang được theo dõi.
VN kiểm soát chặt cửa khẩu, lo dịch xâm nhập khi nghỉ Tết
2019-nCoV: Báo VN nói có hai ca ‘người TQ’
Virus viêm phổi corona đáng lo ngại tới đâu?
Hiện có 13 trường hợp nhiễm bệnh đã phát hiện bên ngoài Trung Quốc. Đây là một trong những lý do khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 23/1 cho rằng vẫn là “hơi quá sớm” để tuyên bố dịch bệnh là vấn đề y tế khẩn cấp của cộng đồng toàn cầu.
“Đây là vấn đề khẩn cấp tại Trung Quốc nhưng vẫn chưa trở thành vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với báo giới tại Geneva ngày 23/1.
Hoa Kỳ hôm 23/1 cho biết rằng, trường hợp thứ hai bị nghi ngờ nhiễm bệnh tại nước này đang được điều tra.
Bộ Y tế Việt Nam cũng xác nhận hai ca bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới là hai cha con người Trung Quốc đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM); đồng thời cho biết là cuộc họp khẩn về phòng chống dịch sẽ diễn ra sáng nay 24/1.
Cán bộ Y tế cũng đã xác định chống dịch xuyên Tết, theo báo chí Việt Nam.
Lo dịch lan nhanh trong dịp Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán là thời điểm người dân ở các quốc gia châu Á đi lại rất nhiều.
Chính quyền Trung Quốc đã hủy bỏ tất cả các lễ kỷ niệm quy mô lớn ở Bắc Kinh. Các hội chợ đền bị cấm, việc phát hành phim mới bị hoãn và Tử Cấm Thành cũng bị đóng cửa.
Hong Kong đã hủy một lễ hội quốc tế và một giải đấu bóng đá hàng năm. Quyền lãnh đạo chính quyền Hong Kong Matthew Cheung nói rằng hiện tại “không phải là thời điểm thích hợp để tụ tập nhiều người lại với nhau”.
Chính phủ Trung Quốc đã cách ly gần 20 triệu người ở tỉnh Hồ Bắc.
Không có bất cứ chuyến bay hay tàu hỏa nào được đến hay rời Vũ Hán.
Quán cà phê, rạp chiếu phim, nhà hát và triển lãm ở các thành phố này cũng bị ảnh hưởng.
Đã xảy ra những cuộc cãi vả trong những hàng dài người xếp hàng trước các cửa hàng thực phẩm.
Đeo khẩu trang là bắt buộc với mọi người khi đến các khu vực công cộng ở Vũ Hán.
Một số cư dân mô tả về thành phố này hiện như một thành phố ma.
Nhưng phóng viên Stephen McDonell của BBC tại Bắc Kinh, nói rằng có hàng trăm ngàn cư dân đã rời Vũ Hán để ăn Tết Nguyên đán ở nơi khác. Và với việc chủng virus mới này có thời gian ủ bệnh lên tới khoảng năm ngày, nên những người này hoàn toàn có thể là nguồn lây lan virus mà họ không hề biết.
Virus corona: Kiểm dịch khách từ Vũ Hán tới London Heathrow
Virus corona: 4 tử vong tại TQ, có thể truyền từ người qua người
Trung Quốc: Virus viêm phổi corona lan tới Bắc Kinh
Theo thông tin chính thức, 634 trường hợp ở Trung Quốc được xác nhận đã nhiễm bệnh hầu hết tập trung ở Hồ Bắc. Tuy nhiên, trường hợp tử vong của một người đàn ông 80 tuổi ở tỉnh Hà Bắc, gần Bắc Kinh – trường hợp tử vong đầu tiên bên ngoài Hồ Bắc – là cảnh báo về mối đe dọa của dịch bệnh này.
Các chuyên gia y tế ở Hong Kong cho rằng những biện pháp phòng chống dịch ở thành phố này đã thực hiện là chưa đủ, nhất là việc kiểm tra hành khách đến từ Đại lục.
Macau đã đặt mua 20 triệu khẩu trang để bán với giá thấp; còn Hong Kong tặng khẩu trang miễn phí. Cả hai lãnh thổ này đều đã xác nhận có trường hợp nhiễm bệnh.
Tình hình dịch trên toàn cầu
Việt Nam và Singapore hôm 23/1 là hai quốc gia mới nhất ngoài Trung Quốc xác nhận đã xuất hiện các trường hợp nhiễm bệnh. Trước đó, Thái Lan, Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã xác nhận có người nhiễm. Nhật Bản xác nhận trường hợp thứ hai hôm 23/1 còn Hàn Quốc xác nhận trường hợp thứ hai hôm 24/1. Riêng Thái Lan đã có trường hợp thứ tư.
Tổng cộng có 13 trường hợp như vậy được xác nhận bên ngoài Trung Quốc.
Các quốc gia khác đang theo dõi các trường hợp nghi ngờ gồm Anh và Canada.
Hôm 23/1, nhà chức trách Hoa Kỳ cho biết, trường hợp nghi ngờ thứ hai đang được theo dõi tại bang Texas.
Một quan chức y tế Hoa Kỳ cho biết, bệnh nhân này là một sinh viên tại Đại học Texas A&M, ở bắc Houston và đi đến đây từ Vũ Hán.
Trước đó Hoa Kỳ đã xác nhận ở Mỹ trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên là một người đàn ông ở Seattle, bang Washington. Ông này được cho là đang hồi phục và sắp xuất viện.
Nhiều nước đã công bố các biện pháp sàng lọc đối với hành khách đến từ Trung Quốc.
Đài Loan đã cấm người đến từ Vũ Hán và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo du khách Mỹ nên thận trọng hơn khi ở Trung Quốc.
Chúng ta biết về chủng virus corona mới này?
Chủng virus corona mới này phát xuất từ một chợ hải sản ở Vũ Hán có “thực hiện việc mua bán động vật hoang dã bất hợp pháp”, theo nhà chức trách Trung Quốc.
Virus này có thể xuất phát từ rắn, theo BBC News. Còn Sars từng bị cho là xuất phát từ dơi.
Hiện chợ này đã bị đóng cửa.
Đã có bằng chứng cho thấy chủng virus này có thể lây từ người sang người, với các trường hợp đã xác định là các thành viên trong gia đình và nhân viên y tế.
Nhưng mức độ lây từ người sang người của chủng virus này như thế nào vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Triệu chứng nhiễm bệnh gồm sốt, ho, khó thở.
Hiện chưa có vắc-xin phòng virus này nhưng hiện có ba nhóm nghiên cứu đang tích cực làm việc để sớm ra mắt.
Vì sao WHO chưa xác định đây là một trường hợp khẩn cấp toàn cầu?
Phân tích của James Gallagher, phóng viên khoa học và y tế của BBC
Quan điểm của ủy ban khẩn cấp của WHO là “hiện chưa phải là lúc” để công bố trường hợp khẩn cấp toàn cầu. Có hai lý do được viện dẫn: số lượng các trường hợp nhiễm bệnh ở ngoài Trung Quốc chưa nhiều và “những nỗ lực của Trung Quốc” nhằm ngăn chặn dịch.
Lý do thứ hai dường như là một sự tán đồng trước việc Trung Quốc phong tỏa nhiều thành phố trong vòng 24 giờ qua, cho rằng điều này sẽ giảm thiểu nguy cơ virus lan nhanh và trở thành một vấn đề toàn cầu.
Nhưng khả năng xác định trường hợp khẩn cấp toàn cầu vẫn là điều có thể.
Một số chi tiết khoa học cũng được công bố. WHO cho biết 25% các trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh hiện đang phát triển các triệu chứng nghiêm trọng.
Và có hai manh mối về mức độ lây nhiễm của chủng virus corona mới này.
Ước tính sơ bộ, mỗi người nhiễm virus lây cho trung bình từ 1,4 đến 2,5 người (đây được gọi là giá trị R0).
Ro lớn hơn 1, nghĩa là virus có khả năng lây lan trong dân số, nhưng con số trong dịch lần này thấp hơn giá trị Ro trong dịch SARS.
Tại Vũ Hán, một “trường hợp lây qua thế hệ thứ tư” đã được phát hiện – đây là một chuỗi lây dây chuyền liên quan đến bốn người.
Hãy còn quá sớm để xác định mức độ lây truyền thực sự từ người sang người của chủng virus này.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51232024

Bộ Y tế Việt Nam họp khẩn chỉ đạo

phòng chống viêm phổi cấp do virus corona

Bộ Y tế Việt Nam vào sáng ngày 24 tháng 1 tiến hành cuộc họp khẩn được nói nhằm mục tiêu phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Tin từ trong nước cho biết cuộc họp được chủ trì bởi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Cuộc họp được tiến hành sau khi Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP.HCM vào chiều ngày 23 tháng 1 xác nhận có 2 bệnh nhân người Trung Quốc nhập viện vào ngày 22 bị dương tính với virus Corona lạ (nCoV) đang gây dịch viêm phổi cấp ở Trung Quốc.
Hai người nhiễm bệnh là 2 cha con người Trung Quốc sinh năm 1954 và 1992. Người cha và vợ đi từ thành phố Vũ Hán, nơi dịch bệnh bắt đầu, đến Hà Nội vào ngày 13/1, sau đó cả hai vợ chồng đến Nha Trang để gặp người con. Người con được nói đã ở TPHCM 4 tháng trước đó.
Ba người này sau đó đi đến TPHCM và Long An. Người cha bắt đầu có biểu hiện sốt vào ngày 17/1, còn người con vào ngày 20/1.
Báo trong nước cho biết hai người Trung Quốc nhiễm bệnh đã đi qua nhiều địa phương và tiếp xúc nhiều người ở Việt Nam nên khả năng lây lan bệnh rất có thể xảy ra.
Bệnh viện Chợ Rẫy nói đã cách ly bệnh nhân, lấy mẫu bệnh phẩm và thực hiện các quy trình phòng chống dịch và điều trị.
Tại cuộc họp khẩn vào ngày 24 tháng 1, Bộ Y tế Việt Nam xác nhận hai trường hợp vừa nêu được Viện Pasteur Tp HCM kết luận dương tính với virus corona; tuy nhiên theo cơ quan chức năng y tế Việt Nam thì đó chỉ là kết luận ban đầu vì theo đại diện của Tổ Chức Y tế Thế Giới – WHO, thì đây là dịch mới, chưa có mẫu thử chuẩn.
Cũng vào ngày 24 tháng 1, Trung tâm Khẩn cấp của Bộ Y tế Việt Nam bắt đầu được hoạt động để ứng phó với dịch coronavirus mới.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-ministry-of-health-holds-emergency-meeting-to-prevent-coronavirus-spread-01242020073244.html

Khảo sát quốc tế 2019:

Việt Nam vẫn là nhà nước chuyên chế

Theo đánh giá của The Economist Intelligent Unit, chưa đầy 6% dân số thế giới được sống trong một nền dân chủ đầy đủ- tỷ lệ này giảm so với tỷ lệ gần 9% vào năm 2015.
Có hơn 48% dân số thế giới được sống trong một nền dân chủ thuộc dạng nào đó. Hơn một phần ba dân số thế giới phải sống dưới chế độ toàn trị mà Trung Cộng chiếm một phần lớn.
Hoa Kỳ bị hạ từ mức một nền dân chủ đầy đủ xuống còn là một nền dân chủ bị khiếm khuyết hồi năm 2016.
The Economist Intelligent Unit khởi sự thực hiện phúc trình chỉ số dân chủ vào năm 2006. Trong năm 2019, điểm trung bình toàn cầu về dân chủ giảm xuống 5.44 điểm trên thang điểm 10- so với 5.48 của năm ngoái. Đây được đánh giá là kết quả tồi tệ nhất kể từ năm 2006. (BBT)
https://www.sbtn.tv/khao-sat-quoc-te-2019-viet-nam-van-la-nha-nuoc-chuyen-che/

1.500 công an thành phố Hà Tĩnh

tập trung chống “pháo tặc”

Công an thành phố Hà Tĩnh huy động 1500 quân để ứng phó không để xảy ra tình trạng buôn bán, sử dụng pháo trái phép trong dịp Tết Canh Tý.
Truyền thông trong nước, vào ngày 23/1 tức 29 Tết Canh Tý dẫn nguồn từ Công an thành phố Hà Tĩnh cho biết thông tin vừa nêu.
Cụ thể, 500 cán bộ thuộc Công an thành phố Hà Tĩnh sẽ phối hợp với lực lượng cảnh sát cơ động (CSCĐ), thuộc Tiểu đoàn CSCĐ số 2 tuần tra toàn bộ 15/15 phường, xã ở thành phố Hà Tĩnh. Đồng thời, 1000 công an viên, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ và Đoàn thanh niên…được huy động để phối hợp tuần tra.
Công an thành phố Hà Tĩnh cho biết việc ra quân này nhằm giữ an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng “pháo tặc” nhằm đảm bảo cho người dân đón Tết Canh Tý được an toàn.
Truyền thông quốc nội trong hơn 1 tháng trước Tết Canh Tý liên tục loan tin liên quan tình trạng mua bán pháo lậu diễn ra khắp nơi tại Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh biên giới phía Bắc.
Điển hình, Đài phát thanh-truyền hình Lào Cai cho biết những vụ buôn bán và vận chuyển pháo lậu phức tạp kể từ tháng 12/2019 và vẫn đang tiếp diễn. Một trong những vụ bắt giữ lớn nhất là vào ngày 3/1/20, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai tịch thu gần 700 kg pháo bông được vận chuyển lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/1500-polices-mobilized-to-cope-with-firework-crime-in-hatinh-city-01242020070703.html

Tỉnh Kiên Giang xin bỏ lệnh tạm dừng

phân lô, tách thửa ở Phú Quốc

Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Kiên Giang vừa có tờ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang và Thường trực Tỉnh ủy về việc xin bỏ lệnh dừng các hoạt động phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn đảo Phú Quốc.
Theo tờ trình ký ngày 22/1, ông Phạm Vũ Hồng – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – nhận định việc tạm dừng thực hiện các thủ tục đất đai theo quy định kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người sử dụng đất và tác động đến thị trường bất động sản, cũng như sự phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Quốc.
Trước đó, ngày 15/8/2018, UBND tỉnh Kiên Giang đã ra công văn số 651 yêu cầu tạm dừng các hoạt động phân lô, tách thửa tại Phú Quốc để kiểm soát việc chuyển mục đích sử dụng đất, mua bán đất đai, xây dựng trái phép.
Theo ông Hồng thì hiện nay, những tình trạng nêu trên đã được kiểm soát và dần đi vào ổn định nên ông này đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang và Thường trực Tỉnh ủy cho chấp dứt hiệu lực công văn 651, và giao UBND tỉnh và huyện triển khai những chủ tương mới.
Phú Quốc là đảo lớn nhất Việt Nam với diện tích khoảng 600 km2 nằm ở Vịnh Thái Lan, thuộc tỉnh Kiên Giang.
Hồi năm 2018, Phú Quốc và Vân Đồn được chính phủ Việt Nam nói có khả năng trở thành đặc khu kinh tế nếu Dự luật đặc khu gây tranh cãi được thông qua.
Theo đó, Luật đặc khu cho phép người nước ngoài đầu tư thuê đất lên tới 99 năm, mà nhiều ý kiến lo ngại sẽ tạo điều kiện cho người Trung Quốc dễ dàng chiếm đất của Việt Nam ở những khu vực quan trọng về chiến lược.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua hồi cuối tháng 11/2019 cho phép người nước ngoài được miễn thị thực 30 ngày vào khu kinh tế ven biển nếu đáp ứng được một số yêu cầu như đảo Phú Quốc.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/kiengiang-province-rescinds-the-order-01242020080329.html

Việt Nam miễn visa 30 ngày

cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển

Việt Nam sẽ cho phép người nước ngoài được miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày khi vào khu kinh tế ven biển bắt đầu từ ngày 1/7/2020.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 23/1 cho biết đây là quy định nằm trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 11/2019.
Theo Luật sửa đổi nói trên, những khu kinh tế ven biển được miễn thị thực cho khách nước ngoài phải đáp ứng bốn điều kiện: có sân bay quốc tế; ranh giới địa lý cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội; và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
Báo trong nước cho biết hiện nay chỉ có Phú Quốc đáp ứng các điều kiện để miễn thị thực cho người nước ngoài.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cũng quy định một số trường hợp người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú dành cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc đi theo nhiệm kỳ.
Việt Nam cũng sẽ thực hiện thêm việc miễn thị thực có thời gian cho công dân 8 nước gồm Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Belarus đến hết năm 2022.
Hiện nay Việt Nam đang gia hạn miễn phí visa đơn phương đến 30/6/2021 cho công dân 5 nước gồm Anh, Đức, Italy, Pháp và Tây Ban Nha với thời hạn tạm trú không quá 15 ngày.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-waives-30-day-visas-for-foreigners-entering-coastal-economic-zones-01242020072830.html

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.