Tin Việt Nam – 20/01/2020
Thứ Hai, 20 tháng 1, 2020
17:17
//
- Tin Việt Nam
,
Slider
Người dân đóng góp 30 ngàn USD
”chung tay giúp đỡ đồng bào Đồng Tâm”
Chỉ sau khoảng 2 ngày kêu gọi, “LỜI KÊU GỌI CHUNG TAY GIÚP ĐỠ ĐỒNG TÂM” trên trang web Go Fund Me đến 2 giờ chiều ngày 20-1-2020 đã nhận được 30 ngàn USD tiền đóng góp từ những người dân trong và ngoài nước.
Lời kêu gọi trên trang web gây quỹ cộng đồng Go Fund Me được đưa ra sau khi tài khoản Vietcombank của nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh với hơn 500 triệu đồng phúng viếng ông Lê Đình Kình bất ngờ bị phong tỏa với lý do Bộ Công an Việt Nam nêu ra là ngăn chặn hành vi “tài trợ khủng bố”.
Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, là người bị thiệt mạng trong vụ công an tấn công vào xã Đồng Tâm hôm 9/1 vừa qua. Vụ đụng độ đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng bao gồm 3 công an, 1 người dân bị thương. 22 người dân Đồng Tâm khác đang bị bắt giữ và truy tố với các tội giết người, chống người thi hành công vụ, sở hữu và sử dụng vũ khí trái phép.
Theo nhóm Đoàn kết vì Đồng Tâm gồm 5 nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Đặng Bích Phượng, Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trần Quỳnh Vi và Phạm Thanh Nghiên thì số tiền ủng hộ sẽ được “dùng cho mục đích giúp đỡ, hỗ trợ gia đình cụ Lê Đình Kình và bà con dân oan mất đất ở Đồng Tâm, cũng như bảo vệ nhân chứng và góp phần vào các nỗ lực thực thi công lý cho bà con, đặc biệt cho hương hồn người đã khuất.”
Ba lý do nhóm này nêu ra để kêu gọi giúp đỡ gia đình ông Lê Đình Kình và người dân Đồng Tâm gồm:
- Ít nhất để những người sống sót còn có thể tiếp tục cuộc đấu tranh đòi quyền của mình, để thuê luật sư bảo vệ tính mạng những người đang bị giam cầm với các tội danh do công an dựng lên.
- Để chính quyền công an trị hiểu rằng họ không thể mãi dối trời lừa dân, ngậm máu phun người. Công lý phải được thực thi và nhân quyền phải được bảo vệ trên mảnh đất Việt Nam này.
- Như một cách thể hiện lòng dân và thể hiện chính lương tri của mình: Chúng ta phải đứng về phía công lý, về phía những đồng bào chịu áp bức, bất công.
Hôm 20-1-2020, báo Quân đội nhân dân online có bài viết trong mục Chống diễn biến hòa bình kêu gọi “người dân cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác với những lời kêu gọi tẩy chay ngân hàng, tuyệt đối không tham gia các hoạt động quyên góp, ủng hộ, có thể vô hình trung vi phạm pháp luật, tiếp tay cho tổ chức khủng bố”, mặc dù Bộ Công an đã khởi tố vụ án và 20 bị can với các tội danh khác nhau nhưng không có tội danh khủng bố.
Facebooker Chương May Mắn
đăng tin về Đồng Tâm bị khởi tố
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ hôm 20/1 đã có quyết định khởi tố bị can, tạm giam Facebooker Chương May Mắn vì viết và đăng thông tin mà chính quyền cho là không đúng về vụ đụng độ giữa công an và người dân ở xã Đồng Tâm hôm 9/1 vừa qua.
Theo truyền thông trong nước, Facebooker Chương May Mắn bị khởi tố để điều tra hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Hôm 12/1, truyền thông trong nước cho biết công an quận Ninh Kiều đã bắt giữ Facebooker Chương May Mắn có tên Chung Hoàng Chương, 43 tuổi, về hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đăng tải trên mạng xã hội nhiều bài viết và hình ảnh có nội dung gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Nhà nước. Trước đó, ngày 10/1, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Ninh Kiều phát hiện tài khoản Facebook Chương May Mắn có nhiều bài viết mang tính chất xuyên tạc, làm mất uy tín cơ quan Nhà nước và lực lượng vũ trang đang thi hành công vụ tại xã Đồng Tâm.
Theo truyền thông trong nước, nhiều năm trước, tài khoản Facebook Chương May Mắn cũng đăng tải, chia sẻ 16 bài viết, được trích xuất thành 101 trang tài liệu in trên giấy A4 chứa nội dung có tính chất tiêu cực gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Vụ đụng độ giữa công an và người dân Đồng Tâm xảy ra hôm 9/1 vừa qua ở ngoại thành Hà Nội đã khiến ít nhất 4 người chết bao gồm 3 công an và một dân thường, theo thông báo của Bộ Công An.
22 người dân khác đã bị bắt giữ và bị khởi tố về các tội giết người, chống người thi hành công vụ, sở hữu và sử dụng vũ khí trái phép.
Vụ đụng độ xảy ra vào sáng sớm khiến nhiều người chết liên quan đến một khu đất tranh chấp giữa người dân địa phương và chính quyền. Sau vụ việc, một số tổ chức nhân quyền quốc tế đã kêu gọi chính quyền Việt Nam phải minh bạch thông tin, tiến hành một cuộc điều tra độc lập về vụ việc, và cho quan sát viên quốc tế vào Đồng Tâm.
Sau vụ việc, chính quyền Việt Nam đã yêu cầu Facebook và YouTube gỡ bỏ các thông tin về Đồng Tâm mà chính quyền cho là xấu, có tính chất kích động.
Quảng Nam bắt băng tội phạm giả công an,
viện kiểm sát để lừa đảo hơn 21 triệu Mỹ kim
Tin từ Quảng Nam: Công an cộng sản tỉnh Quảng Nam vừa phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ công an CSVN để triệt xóa đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên tới 500 tỷ đồng (hơn 21 triệu Mỹ kim).
Cụ thể, công an cộng sản đã bắt giữ 10 nghi phạm, gồm 2 người Malaysia và 8 người Việt Nam. Nhóm tội phạm này, đứng đầu là Long Boon Leng (29 tuổi, quốc tịch Malaysia) đã sử dụng nhiều số điện thoại để giả làm “đường dây nóng” của Bộ công an. Sau đó Leng phân vai cho người trong đường dây giả danh công an, kiểm sát viên gọi điện thoại cho nạn nhân, đe dọa họ “có liên quan đến các vụ án đặc biệt nghiêm trọng” như rửa tiền hoặc buôn ma túy…
Khi gặp nạn nhân nhẹ dạ, chúng yêu cầu họ cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền của bị hại bằng cách chuyển khoản. Căn cứ số lượng thẻ ngân hàng bị thu giữ, ước tính số tiền nhóm này đã chiếm đoạt của các bị hại trên khắp cả nước hơn 500 tỷ đồng.
Nhóm này đã nắm giữ trên thông tin tài khoản ngân hàng cá nhân của 100.000 người Việt Nam.
Công an tạm giữ 57 điện thoại, 5 máy tính xách tay, 1 thiết bị Air Tel, 5 thiết bị lưu trữ, 289 sim điện thoại, 50 thẻ ATM và nhiều tài liệu liên quan.
Quốc Tuấn
Con đương tơ lụa hay con đường bẫy nợ -
Từ câu chuyện của Myanmar đến Việt Nam
Hoàng Gia Phúc
Chuyến thăm của ông Tập đến Myanmar
Ngày 17/1/2020, ông Tập Cận Bình có chuyến thăm chính thức đến Myanmar – quốc gia thuộc ASEAN. RFI cho biết có hai dự án quan trọng được đề xuất trong chuyến thăm này, đó là: Bắc Kinh đề nghị xây dựng một hành lang kinh tế Trung Quốc-Miến Điện (CMEC) với một cảng nước sâu 1,3 tỉ đô la tại Kyaukphyu ở bang Rakhine, mở lối vào Ấn Độ Dương cho Trung Quốc. Một dự án lớn khác có thể được bàn bạc trong dịp này, đó là đập thủy điện 3,6 tỉ đô la ở Myitsone, bang Kachin. Với chuyến thăm này của ông Tập, Myanmar thể hiện quyết tâm tiến sâu vào quan hệ với Trung Quốc trong Dự án Con đường tơ lụa mới. Dự án này là một phần trong Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) do ông Tập khởi xướng từ 2013.
Vai trò địa chính trị của Myanmar
Myanmar là một mắt xích quan trọng trong chiến lược vươn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Tầm quan trọng của Myanmar bắt đầu từ vị trí địa chính trị của quốc gia này. Myanmar là một trong các quốc gia có biên giới trên đất liền giáp với Trung Quốc. Với học thuyết quốc phòng của Trung Quốc, Trung Quốc muốn chi phối được Myanmar để tạo ra một vùng đệm, bảo vệ sự an toàn của Trung Quốc trước sự tấn công của các cường quốc khác. Mặt khác, Myanmar lại có đường thông ra vịnh Bengal. Đây là vị trí tuyệt vời để Trung Quốc có thể thiết lập một đường ống dẫn dầu chạy từ vịnh Bengal thông qua Myanmar tới Côn Minh (Trung Quốc).
Các học giả hay nhắc tới vị trí hiểm yếu của eo biển Malacca, vốn nằm giữa Singapore và Malaysia. Khoảng 80% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua eo biển này. Lượng dầu mỏ dự trữ của Trung Quốc chỉ đủ cho một tháng sản xuất, do đó, Trung Quốc lo ngại rằng, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tuyến năng lượng này, mà eo biển này đang có sự hiện diện của Hải quân Hoa Kỳ và đồng minh. Chính vì vậy, Trung Quốc phải chủ động an ninh năng lượng, và vì thế, Trung Quốc đẩy mạnh việc xây dựng các đường ống dẫn dầu đến Trung Quốc, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào tuyến vận chuyển Malacca. Trong bối cảnh đó, Myanmar có vai trò quan trọng đối với Trung Quốc là như vậy.
Thêm nữa, Myanmar là một quốc gia thuộc ASEAN. ASEAN lại hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận. Myanmar lại gần như không có lợi ích gì ở biển Đông. Vì thế, kéo được Myanmar về phía mình là “lợi cả đôi đường” cho quốc gia muốn “xưng hùng xưng bá” ở biển Đông.
Myanmar và BRI
Myanmar vừa bước ra khỏi giấc ngủ triền miên dưới thời chế độ quân sự độc tài, hà khắc. Myanmar cần rất nhiều vốn và dự án để phát triển hạ tầng, “đánh thức nàng công chúa ngủ quên” bấy lâu nay. Vì thế, chính quyền Myanmar hiện thời đang tìm thấy ở Trung Quốc một nhà đầu tư giàu có và hào phóng. Điều đó đã thúc đẩy quan hệ giữa hai quốc gia lên mức cao hơn.
Tuy nhiên, có quá nhiều chuyện phải bàn về câu chuyện đầu tư từ Trung Quốc. Đã có rất nhiều quốc gia châu Á và châu Phi vướng phải “gánh nặng nợ nần” từ các dự án có sự tham gia của Trung Quốc. Một nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Toàn cầu cho biết có 23 quốc gia nằm trong danh sách mắc rủi ro cao bởi “bẫy nợ” từ Trung Quốc, 8 quốc gia trong số đó đang mắc phải “gánh nặng nợ nần” với Trung Quốc.
Giống như đa phần các quốc gia ASEAN lục địa khác, Myanmar cũng có một thể chế với sự quản trị thiếu minh bạch, cộng với sự tham nhũng, nên các dự án với Trung Quốc sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những bất công tồn tại.
Cũng giống như đã làm với Lào, các nhà đầu tư Trung Quốc đang khuyến khích Myanmar xây các dự án thuỷ điện. Dự án mà trong chuyến đi này ông Tập sẽ đề cập tới là dự án đập thủy điện 3,6 tỉ đô la ở Myitsone, bang Kachin. Tập đoàn quân sự cầm quyền trước đây đã ký với Tập Cận Bình năm 2009, nhưng dự án đã phải ngưng lại do bị dân chúng chống đối. Một khi con đập được xây dựng thì cả một vùng có diện tích bằng đất nước Singapore sẽ bị chìm dưới lòng nước, gây ra những thiệt hại vĩnh viễn cho dòng sông Ayeyarwady và những xáo trộn về môi trường mà khó lòng dự đoán được.
Các quốc gia phát triển bây giờ đã quá hiểu cái giá phải trả cho các đập thuỷ điện. Lợi ích thì chỉ một số người được hưởng, còn lại thì chịu thiệt hại rất nhiều về môi trường và tái định cư.
Các chuyên gia Myanmar đã khuyến nghị chính quyền Myanmar những vấn đề sau khi tham gia BRI của Trung Quốc:
Một là phải cải tổ lại Uỷ ban Phụ trách BRI của Myanmar. Không để Uỷ ban này đặt dưới quyền của một người hoặc một nhóm cho dù dưới sự chỉ đạo của bà Aung San Suu Kyi. Mà Uỷ ban này phải có các thành viên là các chuyên gia trong các thinktank và các thành viên của các tổ chức xã hội dân sự. Các chuyên gia trong các thinktank là những người có đầy đủ kiến thức chuyên môn, am hiểu về vấn đề. Các thành viên của tổ chức xã hội dân sự tham gia nhằm giám sát, tạo sự minh bạch, công khai trong các hoạt động.
Hai là công khai tất cả các thông tin về các dự án. Tất cả các hợp đồng được ký kết ra sao?giá cả nguyên vật liệu và nhân công thế nào? Tiến độ cam kết của dự án tới đâu? Tất cả những thông tin đó cần công khai cho công chúng biết và theo dõi.
Ba là tất cả các dự án phải được đặt trên lợi ích của đất nước Myanmar. Myanmar cần xây dựng một khung khổ pháp lý rõ ràng và minh bạch để việc tiến hành các dự án không gặp các trở ngại không cần thiết.
Trông người lại ngẫm đến ta
Những khuyến nghị của các chuyên gia Myanmar cũng đúng với trường hợp Việt Nam. Việt Nam đã và đang vướng vào vòng “bẫy nợ” của Bắc Kinh. Việt Nam đang là quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất từ ảnh hưởng của các con đập của hai quốc gia trên thượng nguồn Mekong là Trung Quốc và Lào. Tuy nhiên, thay vì có chính sách rõ rệt để ứng phó, thì chính quyền Việt Nam đang để mặc cho người dân Đồng bằng sông Cửu long tự xoay sở. Người dân Việt Nam còn bất mãn hơn khi mới đây được biết một công ty Việt Nam là Petro Vietnam Power Corporation sẽ là một bên tham gia xây đập Luang Prabangvới Lào. Con đập này sẽ cùng với nhiều con đập khác trên thượng nguồn góp phần “giết chết” Đồng bằng sông Cửu long.
Chúng ta nên biết, các tài liệu quan trọng của Đảng Cộng sản luôn đánh giá vai trò quan trọng của lực lượng nông dân Việt Nam, vì đây là lực lượng đông đảo nhất của xã hội Việt Nam. Cho nên, nếu để mặc cho nông dân “chết dần” như vậy, chính quyền Việt Nam sẽ nguy khốn khi “người nông dân nổi dậy”.
Ô nhiễm không khí ở Việt Nam – Vì đâu nên nỗi
Hoàng Trần Hiền Vy
Tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay
Người dân Việt Nam gần đây luôn lo lắng trước thông tin tình trạng chất lượng không khí của đất nước, đặc biệt tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, bị ô nhiễm trầm trọng.
Theo báo cáo thường niên The Environmental Performance Index (EPI) của Mỹ thực hiện, Việt Nam hiện đang đứng trong top 10 các nước ô nhiễm không khí ở Châu Á. Đáng lưu ý, tổng lượng bụi ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang liên tục tăng cao khiến chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức báo động.
Năm 2016, GreenID công bố báo cáo Sơ lược tình trạng môi trường Hà Nội và TP.HCM:
Hà Nội: chỉ số AQI trung bình là 121, nồng độ bụi PM2.5 là 50.5 gấp đôi quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và gấp năm lần khuyến nghị từ WHO (10 µg/m3).
TP.HCM: chỉ số AQI trung bình là 86, nồng độ bụi PM2.5 là 28.3 cao hơn so với quy chuẩn quốc gia và gấp ba lần khuyến nghị từ WHO.
Nồng độ bụi trung bình trong không khí ở Hà Nội và TP.HCM vượt mức cho phép từ hai đến ba lần và có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao.
“Sát thủ giấu mặt”
Một số nhà khoa học đã “vạch mặt chỉ tên” một trong các nguồn chính gây ô nhiễm không khí ở Việt Nam đó là từ các nhà máy nhiệt điện than.
Vậy vì sao nhiệt điện than nguy hiểm như vậy, nhưng chính phủ Việt Nam vẫn cho phép ngành điện tiếp tục phát triển ngành công nghiệp này?
Câu trả lời là nó liên quan đến một Sáng kiến vĩ đại của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với tên gọi Vành đai Con đường (viết tắt tiếng Anh là BRI).
Dự án BRI do chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng vào năm 2013 nhằm thúc đẩy các mối quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ với các quốc gia ở Châu Á, Châu Âu, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hai cam kết rằng họ sẽ thực hiện các dự án mang tên “Vành đai Con đường” một cách bền vững và tài trợ cho các dự án năng lượng hóa thạch ở Đông Nam Á ngay cả khi các nhà tài chính phương Tây, Nhật Bản và Hàn Quốc ngày càng tránh xa họ bởi những lo ngại mang tính bền vững.
Viện phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng có trụ sở tại Mỹ cho biết vào tháng 1 năm nay, Trung Quốc tài trợ cho hơn một phần tư các nhà máy năng lượng than với công suất 399 gigawat và chúng đang được phát triển bên ngoài lãnh thổ của Trung Quốc.
Trong tổng số 35,9 tỷ USD mà Trung Quốc đổ vào nhiệt điện than ở các nước, Bangladesh là nước nhận được cam kết tài trợ nhiều nhất với tổng trị giá hơn 7 tỷ USD, tiếp theo là Việt Nam, Nam Phi, Pakistan và Indonesia. Hầu hết tài trợ cho nhiệt điện than bên ngoài Trung Quốc đang được cung cấp bởi các ngân hàng quốc Trung Quốc hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc xây dựng các nhà máy với lực lượng lao động chủ yếu là người Trung Quốc.
Martin David – Trưởng nhóm thực hiện các dự án Châu Á tại công ty luật quốc tế Baker McKenzie khi trả lời phỏng vấn của báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng, cho biết “Khi hai trong số những đơn vị ủng hộ tích cực cho các dự án năng lượng tài trợ ở khu vực Đông Nam Á là các ngân hàng Nhật Bản và Hàn Quốc đã tránh xa việc tài trợ cho dự án than đốt, chúng tôi lại thấy họ được thay thế bởi các tổ chức tài chính Châu Á trong khu vực bao gồm các ngân hàng Malaysia và Trung Quốc.”
Trung Quốc thúc đẩy việc đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam hay các quốc gia đang phát triển khác nằm trong chiến lược lâu dài của họ. Thứ nhất, việc đầu tư xây dựng các dự án này nhưng luôn kèm theo điều kiện sử dụng các nhà thầu Trung Quốc, nguyên vật liệu từ Trung Quốc và công nhân thi công cũng từ Trung Quốc. Việc này sẽ dẫn tới Trung Quốc sẽ được lợi mọi đường, còn các quốc gia nhận dự án đứng trước nguy cơ trở thành “con nợ” của Trung Quốc, và do đó sẽ “lệ thuộc” mọi mặt vào Trung Quốc.
Bên cạnh việc trở thành một “nạn nhân” của bẫy nợ từ Trung Quốc thì như trong trường hợp Việt Nam, quốc gia này cũng đang trở thành một “bãi rác thải công nghệ” từ Trung Quốc. Trong khi thế giới đang cắt giảm điện than do chi phí cao và ô nhiễm môi trường, chính bản thân Trung Quốc cũng đang cho dừng hàng loạt nhà máy nhiệt điện, thậm chí là cấm cửa nhiệt điện thì trong nước, thì nhiệt điện than đang ngày càng phát triển và được sự cổ vũ của các nhóm lợi ích quan trọng trong nhà nước. Việc Trung Quốc cấm nhiệt điện than trong nước có thể khiến các dây chuyền nhà máy điện than chuyển sang Việt Nam. Việc này không phải là mới, khi trước đây Việt Nam đã phải gánh chịu các thiệt hại bởi các nhà máy đường và nhà máy xi măng có cộng nghệ lạc hậu từ Trung Quốc chuyển sang. Hiện nay, trong số 14 dự án nhà máy nhiệt điện than đang khai thác ở đồng bằng sông Cửu Long thì có tới 10 nhà máy do Trung Quốc đầu tư. Có những dự án nguồn vốn vay Trung Quốc chiếm tới 80% tổng vốn đầu tư.
Lợi bất cập hại
Nghiên cứu mới nhất của Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra ô nhiễm không khí khiến hàng chục nghìn người Việt Nam tử vong mỗi năm, thiệt hại 240.000 tỷ đồng, chiếm gần 5% GDP cả nước. mỗi năm, Việt Nam có hàng chục nghìn người tử vong do ô nhiễm môi trường, 2/3 trong số đó tử vong do ô nhiễm không khí.
Theo đó, năm 2018, 71.000 người chịu tác động của ô nhiễm môi trường, trong đó 50.000 người tử vong vì ảnh hưởng bởi không khí độc hại. Thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí ở thời điểm này ước tính 10,82-16,63 tỷ USD, tương đương 240.000 tỷ đồng, chiếm 4,45-5,64% GDP cả nước.
Vào cuối tháng 6 vừa qua tại Kenya, các thẩm phán của Tòa án môi trường quốc gia đã tạm dừng kế hoạch xây dựng một nhà máy nhiệt điện than trị giá 2 tỷ USD của Trung Quốc ở gần thị trấn ven biển Lamu – Di sản thế giới Unesco vì các vấn đề liên quan đến môi trường.
Mới đây, chính quyền tỉnh Long An kiên quyết không chấp nhận các dự án nhiệt điện than, cho dù chính phủ Việt Nam chấp thuận và đã cho phê duyệt quy hoạch phát triển các dự án điện này.
Chính quyền Ninh Bình đập phá trại nuôi hàu
của người dân ngay trước Tết
NINH BÌNH, Việt Nam (NV) – Nhiều gia đình ở huyện Kim Sơn thuê đất, xây dựng bể nuôi hàu để sinh sống bất ngờ bị chính quyền cho người đến đập phá, cưỡng chế trái pháp luật, khiến người dân vô cùng bất bình.
Báo Dân Trí ngày 19 Tháng Giêng, 2020, cho biết nhiều gia đình chuyên nuôi trồng thủy sản ở xã Kim Đông, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, cho biết họ rất tức giận trước cách làm “vô thiên, vô pháp” của chính quyền huyện.
Theo đó, nhiều gia đình tại xã Kim Đông sống bằng nghề nuôi hàu giống trong bể đã nhiều năm nay. Do thấy nghề này cho thu nhập khá ổn định, một số người đã đầu tư tiền của, công sức chuyển đổi mô hình bằng cách xây bể trên bãi cạn để nuôi hàu giống với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, khi công trình sắp hoàn tất chuẩn bị thả hàu nuôi thì bất ngờ ngày 22 Tháng Mười Hai, 2019, ông Đỗ Hùng Sơn, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Kim Sơn, dẫn một đoàn cán bộ có cả lực lượng công an cùng nhiều máy móc đến khu vực các gia đình xây bể nuôi hàu phá dỡ, cưỡng chế mà không hề thông báo lý do.
Một người dân cho hay, họ không biết mình vi phạm chỗ nào, đột nhiên lại bị phá bỏ, cưỡng chế các bể nuôi hàu một cách bất minh. Việc làm này của Ủy Ban Nhân Dân huyện Kim Sơn không hề được lập biên bản vi phạm hành chính. Phía đoàn cán bộ đến phá tài sản của người dân cũng không đọc hay đưa ra một quyết định cưỡng chế nào.
“Họ cứ đưa máy cuốc vào san ủi, phá bỏ các bể nuôi hàu giống của người dân chúng tôi đã xây dựng trước đó, bất chấp luật pháp. Người dân chúng tôi không thể đứng ra ngăn cản hay giải thích gì,” người này nói với báo Dân Trí.
Cũng theo gia đình này, bể nuôi hàu giống xây tạm bợ chứ không phải công trình kiên cố. Hiện đang vào mùa vụ sản xuất nếu không bị chính quyền phá bỏ thì người dân có thể thu được vài trăm triệu đồng.
Nói về việc này, ông Đỗ Hùng Sơn, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Kim Sơn, giải thích đây là những trường hợp “xây dựng vi phạm trên đất huyện cho thuê để tận thu, nuôi trồng thủy sản.” Vì thế khi phát hiện bắt quả tang, huyện đã “tiến hành xử ngay mà không cần lập biên bản hay phải có quyết định cưỡng chế.”
Thế nhưng khi báo chí đặt câu hỏi tại sao bắt quả tang mà mang cả xe cuốc và rất đông công an mặc quân phục cùng tham gia phá bỏ vào ngày Chủ Nhật, thì ông Sơn cho rằng: “Công an tham gia đoàn là đi vận động người dân. Còn về xe cuốc thì ‘cho kiểm tra lại’.”
Nói dứt câu, ông Sơn báo bận sau đó khất lần và đề nghị sau Tết Nguyên Đán 2020 “sẽ trả lời cụ thể sự việc.”
Theo báo Dân Trí, việc người dân xây các bể nuôi hàu giống tại khu vực phải mất rất nhiều thời gian. Nếu việc làm này là sai phạm, tại sao trong lúc xây không hề bị Ủy Ban Nhân Dân xã Kim Đông, hay đơn vị hữu trách của Ủy Ban Nhân Dân huyện Kim Sơn đến lập biên bản xử phạt, mà phải đợi cho đến khi người dân làm xong, chuẩn bị thả giống thì huyện lại cho người đến đập phá.
Nói với báo Dân Trí, Luật Sư Dương Lê Ước An, Đoàn Luật Sư thành phố Hà Nội, cho rằng: “Trên cơ sở thông tin mà người dân phản ánh về việc Ủy Ban Nhân Dân huyện Kim Sơn tự ý cưỡng chế, phá hủy công trình của người dân mà không có bất kỳ một văn bản về việc lập biên bản vi phạm, ra Quyết định cưỡng chế, khắc phục hậu quả là có dấu hiệu trái với quy định của pháp luật.”
Trước đó, báo chí đã phản ánh, việc quản lý đất đai ở vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn rộng khoảng 3,000 hécta “còn nhiều bất cập,” bị chính quyền cho thuê, chuyển nhượng đất đai, xây dựng công trình không đúng quy định gây dư luận xấu, khiến người dân rất bất bình. (Tr.N)
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông
vẫn chưa biết khi nào ‘vận hành thương mại’
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đầy tai tiếng, cứ lùi mãi thời gian bắt đầu khai thác vận hành thương mại mà đến ông Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc cũng không biết còn lùi đến bao giờ.
Hôm Chủ Nhật, tờ Tiền Phong thuật lại văn bản mà ông Phúc trả lời chất vấn của một đại biểu quốc hội sốt ruột vì dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông hứa hẹn rồi liên tục lỡ hẹn từ năm này sang năm khác, nay đã sang năm 2020.
“Bao giờ tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh-Hà Đông) được đưa vào vận hành thương mại? Trách nhiệm để chậm này thuộc về tổ chức, cá nhân nào?”, Bà Bùi Huyền Mai thuộc đoàn “đại biểu quốc hội” thành phố Hà Nội đặt câu hỏi với ông Phúc.
Văn bản trả lời được báo Tiền Phong thuật lại là “dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2A, Cát Linh-Hà Đông bị chậm tiến độ, phải điều chỉnh nhiều lần, đến nay chưa xác định chính thức thời gian hoàn thành dự án.” Tức là chính ông Nguyễn Xuân Phúc cũng chẳng biết gì hơn.
Nhà cầm quyền Việt Nam ký thỏa hiệp vay tiền của Trung Quốc để làm dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông bên cạnh một số dự án đường sắt khác nhằm giải tỏa nạn kẹt xe kinh niên trên các đường phố. Tuy nhiên hợp đồng ký kết lại có các điều khoản mù mờ, bất lợi cho chủ đầu tư từng bị chỉ trích rất nhiều trước đây.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông dài 13.5 km, vốn đầu tư khởi đầu hơn $552 triệu. Làm dở dang, nhà thầu Trung Quốc ì ra, nói hết tiền đòi phải thêm tiền mới làm tiếp. Nhà cầm quyền Việt Nam phải chấp nhận vay thêm, tăng đầu tư vào dự án lên thành $891.9 triệu.
Dự án sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam, bằng hợp đồng vay ký lần đầu năm 2008, sau đó ký vay thêm vào năm 2017. Dự án khởi công Tháng Mười, 2011, nhưng tới nay chỉ còn 1% chưa hoàn tất dù qua 5 đời bộ trưởng Giao Thông Vận Tải, lần lượt gồm các ông Đào Đình Bình, Hồ Nghĩa Dũng, Đinh La Thăng, Trương Quang Nghĩa và hiện là ông Nguyễn Văn Thể.
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông trong một lần chạy thử hồi Tháng Chín, 2018. (Hình: Getty Images)
Năm ngoái, người ta thấy Việt Nam thuê tư vấn độc lập ACT của Pháp đến để làm báo cáo đánh giá an toàn. Nhưng họ gặp khó khăn vì tổng thầu Trung Quốc không chịu cung cấp các tài liệu, chứng từ cần thiết. Nhì nhằng mãi, Cục Đăng Kiểm của Bộ Giao Thông Vận Tải “cũng đã hoàn thành việc cấp chứng nhận đăng kiểm tạm thời cho 13 đoàn tàu của dự án để có thể vận hành toàn hệ thống.” Dù vậy dự án “vẫn chưa thể đi vào hoạt động chính thức do còn một số hạng mục vẫn chưa thể hoàn thành,” theo tờ Dân Việt ngày 3 Tháng Giêng, 2020.
Như báo Dân Việt nêu ra và từng được nhiều báo tại Việt Nam nói đến hồi năm ngoái, “Theo Ban Quản Lý Dự Án Đường Sắt (Bộ Giao Thông Vận Tải), hiện các hạng mục xây dựng trong dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng; các hạng mục thiết bị đã lắp đặt khoảng 90%, vật tư thiết bị đã nhập khẩu, chuyển đến công trường đạt khoảng 99% (chưa bao gồm thiết bị dự phòng), đã căn chỉnh đồng bộ và chạy thử được 5 chuyên ngành liên quan đến chạy tàu.”
Những thứ còn lại trong 1% khối lượng xây dựng và các thủ tục nghiệm thu hoàn chỉnh để kết thúc dự án nhưng đều ảnh hưởng đến công tác nghiệm thu tổng thể từng hạng mục và toàn dự án, gồm: “lắp đặt mái che thang cuốn tại nhà ga, thoát nước ga vành đai 3, hệ thống phòng cháy chữa cháy, lắp đặt hoàn thiện liên hoàn nhiều hệ thống thiết bị, vận hành thử toàn bộ hệ thống… Do đó, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ tiếp tục lùi hạn khánh thành dù đã sang năm 2020.”
Vì kẹt không thể bắt đầu chạy khai thác thương mại, hôm 15 Tháng Giêng, 2020, tờ tiền Phong nói Bộ Giao Thông Vận Tải đã “yêu cầu tổng giám đốc Cục 6 Đường Sắt Trung Quốc (Tổng Thầu EPC) sang Việt Nam làm việc” để “thúc đẩy tiến độ, tháo gỡ vướng mắc để đưa dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) vào khai thác thương mại.”
Không thấy có tin gì cho biết ông nay có sang Việt Nam không mà chỉ thấy ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, không biết đến bao giờ đường sắt Cát Linh-Hà Đông bắt đầu khai thác thương mại. (TN)
Cử đi Trung Quốc học tiến sĩ,
giảng viên trường chính trị Gia Lai đem bằng giả về
GIA LAI, Việt Nam (NV) – Một cán bộ trường Chính Trị tỉnh Gia Lai được cử đi Trung Quốc học nghiên cứu sinh bằng tiền ngân sách, nhưng khi về nước lại đem nộp bản dịch photocopy công chứng bằng tốt nghiệp có dấu hiệu giả mạo.
Xác nhận với báo Tuổi Trẻ, ngày 20 Tháng Giêng, 2020, Tiến Sĩ Nguyễn Thái Bình, hiệu trưởng trường Chính Trị tỉnh Gia Lai, cho biết đã phát hiện ông Nguyễn Hoàng Lý, giảng viên của trường được cử đi học “nghiên cứu sinh tiến sĩ “ ở Trung Quốc nhưng khi chưa hoàn thành đã nộp bằng tiến sĩ nên nghi giả mạo.
Trước đó, nhà trường cử ông Nguyễn Hoàng Lý đi học chương trình đào tạo tiến sĩ tại trường Đại Học Trung Sơn (Trung Quốc) từ ngày 1 Tháng Chín, 2010 đến ngày 15 Thán Bảy, 2013, theo “Đề án 165” của Ban Tổ Chức Trung Ương CSVN. Theo đó, nghiên cứu sinh được chi trả chi phí cho khóa học bao gồm: phí ghi danh, học phí, phí bảo hiểm, sinh hoạt phí mỗi tháng $455.
Theo Tiến Sĩ Nguyễn Thái Bình, ông Lý được cử đi học từ năm 2010-2013, sau khi về nước, giảng viên này thông báo vẫn chưa bảo vệ được luận án tiến sĩ nên gia hạn thêm hai năm (đến năm 2015) để tiếp tục “nghiên cứu và bảo vệ tại Trung Quốc.”
Sau thời gian trên, ông Lý đã nộp bản photo công chứng và bản dịch “Bằng Tốt Nghiệp” với nội dung: “Đã hoàn thành toàn bộ các môn học theo quy định chương trình đào tạo nghiên cứu sinh tiến sĩ, chuyên ngành Quản Lý Khoa Học và Công Trình, thời gian ba năm, chín tháng (2010-2015). Thành tích ‘đạt yêu cầu’ và đã hoàn thành bảo vệ luận văn, được công nhận tốt nghiệp.”
Tuy nhiên, Tiến Sĩ Nguyễn Thái Bình cho biết theo quy định để bằng cấp hợp lệ thì phải được Cục Quản Lý Chất Lượng thuộc Bộ Giáo Dục và Đào Tạo kiểm tra, công nhận. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, ông Lý lấy nhiều lý do như mất sổ thông hành, mất bảng điểm… nên không thể kiểm định chất lượng bằng cấp.
Thấy qua thời gian dài ông Lý không chứng minh được bằng cấp, có dấu hiệu bất thường, nhà trường đã kiểm tra bằng tiến sĩ của ông Lý. Qua kiểm tra, ông này không đưa ra được văn bằng gốc, đồng thời có đơn giải trình thừa nhận là chưa hoàn thành chương trình tiến sĩ do “thiếu hai bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học quốc tế.”
“Nhà trường đã có văn bản gửi Tỉnh Ủy Gia Lai xin ý kiến chỉ đạo. Ngoài ra, việc cán bộ giảng dạy không hoàn thành nhiệm vụ của đề án thì phải hoàn trả chi phí ngân sách theo quy định,” ông Bình cho biết. (Tr.N)
0 nhận xét