Tin Việt Nam – 06/01/2020
Thứ Hai, 6 tháng 1, 2020
19:10
//
- Tin Việt Nam
,
Slider
Hai nguyên lãnh đạo Công ty Tân Thuận bị bắt
Hai nguyên lãnh đạo Công ty Trách nhiệm Hữu hạn một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận vừa bị bắt do liên quan đến vụ chuyển nhượng 32 héc-ta đất ở xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).Truyền thông trong nước dẫn nguồn từ Cơ quan An ninh Điều tra Công an TP.HCM cho biết vào ngày 6/1 cơ quan này đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với hai cựu lãnh đạo của Công ty Tân Thuận gồm ông Trần Công Thiện, nguyên Tổng giám đốc và ông Nguyễn Văn Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên để điều tra về tội “Vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, theo Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015, bổ sung, sửa đổi năm 2017.
Theo Tuổi Trẻ Online thì ông Trần Công Thiện là người chịu trách nhiệm chính trong việc chỉ đạo, điều hành tại Công ty Tân Thuận liên quan những sai phạm trong lúc thực hiện dự án khu dân cư Phước Kiểng, ở huyện Nhà Bè.
Cụ thể, Công ty Tân Thuận chỉ trong vòng 6 tháng đã tự thẩm định và ký hợp đồng chuyển nhượng 32 héc-ta đất đã đền bù tại xã Phước Kiểng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 1.290.000 đồng/m2, thấp hơn giá trị trường 478.000 đồng/m2 và đã không báo cáo cho Chính quyền TP.HCM về hợp đồng chuyển nhượng vừa nêu.
Báo giới cho biết thêm rằng Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM hồi tháng 6 năm 2018 đã quyết định cách hết chức vụ trong Đảng đối với ông Trần Công Thiện, đồng thời đề nghị Văn phòng Thành ủy cách các chức vụ của ông Thiện tại Công ty Tân Thuận.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM cũng kiến nghị Ủy ban Nhân dân TP.HCM yêu cầu thanh tra làm rõ ông Thiện có hành vi cố ý làm trái quy định của pháp luật hay không và nếu có thì phải chuyển qua cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/two-former-leaders-of-tan-thuan-company-arrested-relating-32ha-land-01062020072650.html
Hoãn phiên xử phúc thẩm
cựu Thứ trưởng LĐ-TB-XH Lê Bạch Hồng
Phiên phúc thẩm ngày 6/1 xử ông Lê Bạch Hồng – cựu Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng 4 người khác liên quan đến những sai phạm trong Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam) bị hoãn do bị cáo Nguyễn Huy Ban – cựu Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam vắng mặt.Theo tin truyền thông trong nước loan đi trong cùng ngày, phiên phúc thẩm được mở theo yêu cầu do ông Nguyễn Huy Ban đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án; tuy nhiên ông Ban lại vắng mặt vì lý do sức khỏe.
Ngoài ra, Luật sư của ông Ban cũng có đơn xin hoãn phiên phúc thẩm do gia đình ông Nguyễn Huy Ban vừa đổi luật sư mới nên cần thêm thời gian để luật sư nghiên cứu, tiếp cận vụ án.
Ngoài đơn kháng cáo của ông Nguyễn Huy Ban, 4 bị can còn lại bao gồm ông Lê Bạch Hồng – cựu Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; ông Nguyễn Phước Tường – cựu Trưởng ban Kế hoạch – Tài chính; ông Trần Tiến Vỹ và ông Hoàng Hà – cựu Trưởng phòng kế hoạch – tổng hợp, Ban kế hoạch tài chính cũng làm đơn xin giảm nhẹ án.
5 người vừa nêu đều bị kết tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” khi để BHXH Việt Nam đầu tư sai quy định cho Công ty cho thuê tài chính II, trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Agribank, gây thất thoát cho Nhà nước 1.700 tỷ đồng.
Trong đó, ông Ban phải chịu trách nhiệm về hơn 1.260 tỷ đồng thất thoát và ông Lê Bạch Hồng chịu trách nhiệm cho 435 tỷ đồng.
Trong phiên sơ thẩm ngày 25/9/2019, ông Lê Bạch Hồng bị TAND TP Hà Nội tuyên 6 năm tù giam và phải bồi thường 150 tỉ đồng.
Đối với ông Nguyễn Huy Ban và Nguyễn Phước Tường, cả hai đều lãnh mức án 14 năm tù và phải bồi thường 292 tỷ đồng.
Ông Trần Tiến Vỹ bị tuyên án 3 năm, ông Hoàng Hà lãnh án 7 năm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/postponement-of-appeal-trial-former-deputy-minister-le-bach-hong-01062020070535.html
Vũ khí đuổi tàu ngoài biển
xuất hiện tại điểm nóng Đồng Tâm!
Điều thiết bị chống tàu biển đến điểm nóng biểu tình!“… Chủ tịch huyện Mỹ Đức đưa các loại về, sẵn sàng đàn áp dân, nhưng nhân dân Đồng Tâm sẵn sàng chết, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đất…”
Vừa rồi là tiếng một người dân Đồng Tâm nói trong tiếng hú ‘rợn người’, khi cảnh sát cơ động dùng thiết bị phát sóng âm thanh cực lớn, khi người dân tập trung ở khu vực ở cổng trường bắn Miếu Môn, hôm 5/1/2020. Đoạn video này được đăng tải trên trang FB Đồng Tâm Media.
Để tìm hiểu thêm, hôm 6/1 RFA liên lạc anh Lê Đình Quang, một người dân ở Đồng Tâm, và được anh xác nhận như sau:
“Xe này là xe của họ đi tuyên truyền, khi gặp bà con ở cổng trường bắn đông quá, họ bắt đầu phát cái máy có tiếng rú rít rất lớn. Cái máy đấy theo như nhiều nhà hoạt động nói, máy đấy là của tàu biển. Vì họ chỉ phát ở tần suất nhỏ nên bà con chỉ bịt tai bằng bông và chưa ảnh hưởng gì lớn. Ý đồ họ kéo xuống chắc muốn cướp 59 hecta đất nông nghiệp của bà con, nhưng bà con quyết giữ đất đến cùng nên họ mới dùng thiết bị như thế.”
Xe này là xe của họ đi tuyên truyền, khi gặp bà con ở cổng trường bắn đông quá, họ bắt đầu phát cái máy có tiếng rú rít rất lớn. Cái máy đấy theo như nhiều nhà hoạt động nói, máy đấy là của tàu biển.
-Lê Đình Quang
Đây không phải là lần đầu tiên công an Việt Nam sử dụng vũ khí âm thanh này để đuổi dân. Vào tháng 5 năm 2017, Linh mục J.B Nguyễn Đình Thục, khi đó là Quản xứ Song Ngọc, Giáo phận Vinh đã cùng với hàng ngàn giáo dân đi đến trụ sở công an huyện Diễn Châu, Nghệ An để đòi nhà chức trách phải thả anh Hoàng Bình, một giáo dân, một nhà hoạt động xã hội trong phong trào Lao Động Việt bị công an bắt giữ. Lúc bấy giờ lực lượng công an đã dùng thiết bị lạ phát ra âm thanh cực lớn để ngăn cản giáo dân tiếp cận trụ sở công an.
Linh mục J.B Nguyễn Đình Thục kể lại với Đài Á Châu Tự Do, trước đây:
“Lúc đó tôi và bà con giáo dân đến trước trụ sở công an, thì bên trong có một số đông công an và họ có dùng một cái máy phát ra một âm thanh khủng khiếp lắm, nó làm cho mình rất là khó chịu, nó vang cả cái đầu của mình.”
Vào hôm chủ nhật 10 tháng 6 năm 2018 tại khu vực Hồ Con Rùa, Sài Gòn, Cảnh sát Cơ động cũng đã dùng một thiết bị để trên xe tải quân sự, phát ra âm thanh rất lớn để giải tán người biểu tình chống dự thảo Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng.
Vũ khí âm thanh!
Trao đổi với RFA hôm 6/1, Kỹ sư tàu biển Đỗ Thái Bình, cho biết thông tin về thiết bị thường gắn trên tàu biển này:
“Theo tôi biết thiết bị này do một công ty về âm thanh ở California phát triển từ khoảng 6 hay 7 năm trước. Sau đó nó trở thành một vũ khí âm thanh, để phát đến một ngưỡng âm không thể chịu đựng được. Sau đó Việt Nam cũng có mua cái đó để đặt trên các tàu Cảnh sát Biển để bảo vệ và làm chấp pháp, sau đó người ta dùng cái đó trên cả đường bộ nữa, để chống bạo loạn… Họ dùng cái đó để dẹp đám đông cũng như dùng để đuổi tàu Trung Quốc… Âm thanh đó được định hướng, về mặt kỹ thuật là như thế.”
Vào năm 2014, nhiều tờ báo trong nước đăng tải thông tin Việt Nam trang bị cho một số tàu cảnh sát biển thiết bị âm thanh tầm xa LRAD là thiết bị truyền phát âm thanh và vũ khí phi sát thương, do tập đoàn LRAD của Mỹ sản xuất. LRAD được sử dụng để phát đi cảnh báo hoặc chùm âm thanh gây hại hay đau đớn ở khoảng cách xa hơn các loại loa thông thường. LRAD được sử dụng trong tuần tra trên biển, đuổi tàu vi phạm lãnh hải, chống cướp biển…
Bác sĩ Tô Quang Định, chuyên khoa tai mũi họng ở quận Tân Phú, Sài Gòn, hôm 6/1 cho RFA biết về cường độ âm thanh an toàn cho tai người:
“Cường độ âm thanh an toàn cho lỗ tai là 50 decibel trở xuống (decibel – dB là đơn vị đo cường độ âm thanh). Trên 50 dB thì gây hại cho tai, nhưng từ 100 dB trở lên thì có gân cơ búa co lại để cân bằng, không làm tổn thương màng nhĩ, nhưng mạnh quá thì bị hỏng. Mình nói chuyện bình thường như vầy là khoảng 25 dB, trên 120 dB thì cũng có thể gây thủng màng nhĩ, mạnh lắm.”
Theo tin từ truyền thông trong nước, loại máy LRAD trang bị cho các tàu cảnh sát biển Việt Nam là loại LRAD 1000Xi, nặng khoảng 40kg, có thể phát chùm âm thanh định hướng ở khoảng cách lên đến 3.000m tuỳ vào điều kiện môi trường. LRAD 1000Xi có thể phát ra mức âm hưởng tối đa 150dB với góc 30 độ, đây là mức âm hưởng vượt qua khỏi giới hạn gây đau đớn cho con người (khoảng 130dB) và đủ để gây thủng màng nhĩ.
Đồng Tâm: điểm nóng đất đai!
Cường độ âm thanh an toàn cho lỗ tai là 50 decibel trở xuống. Trên 50 dB thì gây hại cho tai, nói chuyện bình thường như vầy là khoảng 25 dB, trên 120 dB thì cũng có thể gây thủng màng nhĩ.
BS. Tô Quang Định
Xin được nhắc lại, tranh chấp đất ở Đồng Tâm bùng nổ vào ngày 15/04/17, khi chính quyền xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội tiến hành cưỡng chế đất tại đồng Sênh, ở thôn Hoành. Khi đó, người dân Đồng Tâm đã gây chấn động dư luận vì bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và cán bộ làm con tin, để yêu cầu được đối thoại với Chính quyền thành phố Hà Nội. Biện pháp này được thực hiện sau khi Công an Hà Nội bắt 4 người dân xã Đồng Tâm để điều tra cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’.
Căng thẳng chấm dứt vào ngày 22/4 sau khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về đối thoại với người dân và người dân thả toàn bộ những con tin bị bắt giữ.
Sau một thời gian tạm lắng, thời gian gần đây, chính quyền Hà Nội liên tục có những động thái mà theo người dân Đồng Tâm là toan tính cướp đất của dân như, công bố bản đồ Đồng Tâm không rõ nguồn gốc, bôi nhọ người lãnh đạo tinh thần của dân Đồng Tâm, đem quân đội xuống địa phương…
Gần nhất, vào chiều ngày 4/1/2020, cơ quan chức năng đã huy động một lực lượng quân đội cùng vũ khí, súng ống, thiết bị các loại, bao gồm cả vũ khí đàn áp bằng âm thanh có tên Long Range Acoustic Device (LRAD) đến xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, mà theo người dân Đồng Tâm là nhằm chống lại ý chí quyết tâm giữ đất nông nghiệp bị nhòm ngó giao cho doanh nghiệp làm dự án.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/using-weapons-to-chase-ships-out-at-sea-to-chase-people-01062020110128.html
Hơn ngàn công nhân đình công đòi thưởng Tết
Hơn 1000 công nhân Công ty TNHH Ever Great International Việt Nam ở Ninh Bình tiến hành đình công từ ngày 4 tháng 1 đến chiều ngày 6 tháng 1 để phản đối tiền thưởng Tết mà họ cho là quá thấp, không thỏa đáng.Báo trong nước đưa tin vào ngày 6/1/2020. Tin cho biết sau gần ba ngày đình công, chiều 6/1, toàn bộ công nhân đã đồng ý làm việc trở lại khi một số yêu cầu được giới chủ đáp ứng. Theo đó, đại diện Công ty Ever Great International Việt Nam thống nhất thưởng Tết một tháng lương cơ bản cho công nhân làm việc từ một năm trở lên, còn những người chưa đủ một năm sẽ hưởng theo phần trăm.
Công ty TNHH Ever Great International Việt Nam là doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài của Đài Loan, đóng tại Cụm công nghiệp Gia Vân ở xã Gia Vân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Công ty hoạt động từ tháng 9/2018, chuyên sản xuất giầy dép da xuất khẩu.
Cũng tin liên quan, theo Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, do năm nay tết Dương lịch và tết Nguyên đán gần nhau nên các doanh nghiệp tập trung chủ yếu sang thưởng tết Nguyên đán, mức thưởng tết Nguyên đán tăng hơn 7% so với năm 2019.
Về tiền thưởng tết Nguyên đán 2020, có hơn 89% doanh nghiệp báo cáo dự kiến có thưởng tết Nguyên đán với mức bình quân khoảng một tháng lương.
Những doanh nghiệp thưởng Tết cao thường tập trung vào ngành nghề có nhiều lợi thế như ngân hàng, kiểm toán, điện tử…; có những doanh nghiệp thưởng khoảng 100 nghìn đồng/người thường là ngành gia công, chế biến.
Mức thưởng cao nhất cho một nhân viên dịp tết Dương lịch năm 2020 là 3,5 tỷ đồng tại doanh nghiệp FDI thuộc lĩnh vực ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/more-than-1000-workers-go-on-strike-to-claim-tet-bonus-01062020074151.html
Chủ thầu xây dựng ở Hà Nội
bị nghi ngờ trả công thợ bằng ma tuý
Tin từ Hà Nội: Một chủ thầu xây dựng ở Hà Nội đang bị công an quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội điều tra về hành vi trả công thợ bằng ma tuý hàng ngày.Dẫn nguồn tin từ công an, báo Thanh Niên đưa tin đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy của công an quận Thanh Xuân đang điều tra việc hàng chục thợ xây dựng trên địa bàn dương tính với ma túy ngay tại công trường do được chủ thầu xây dựng trả công bằng ma túy.
Báo viết rằng vào đêm 3/1, từ nguồn tin tố giác của quần chúng, công an quận Thanh Xuân ập vào khu vực lán trại bên trong một công trình xây dựng trên địa bàn phường Hạ Đình và phát hiện ra một nhóm gần 20 người có biểu hiện sử dụng ma túy về trụ sở để làm rõ hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Tại đây, một số đối tượng khai là thợ xây dựng từ các tỉnh lẻ về làm thuê cho một chủ thầu. Tuy nhiên, thay vì nhận tiền công, hàng ngày, họ được trả bằng ma túy và cùng nhau sử dụng tại công trường.
Vào cuối tháng trước, công an quận Thanh Xuân phát hiện 8 công nhân ngoại tỉnh đã dương tính với ma tuý.
Việt Nam dường như đã trở thành điểm trung chuyển ma tuý từ Tam Giác Vàng đi quốc tế bên cạnh tiêu thụ nội địa. Năm 2019, công an đã bắt giữ hơn 8 tấn thuốc ma tuý.
Nhiều nhóm tội phạm người Hoa từ Đài Loan và Trung Cộng đã bị phát hiện sản xuất và vận chuyển ma tuý và nhiều chất gây nghiện ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/chu-thau-xay-dung-o-ha-noi-bi-nghi-ngo-tra-cong-tho-bang-ma-tuy/
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội:
Giải pháp không phải đơn giản
Thanh PhươngCùng với đà phát triển kinh tế, các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội và Sài Gòn cũng đã dần dần theo chân của Jakarta, Bangkok, Bắc Kinh…, đối phó với nạn ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng. Nạn ô nhiễm này trong những ngày qua đã lên đến mức báo động và đã gây ra nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, ô nhiễm không khí là một vấn đề liên quan đến nhiều mặt, tìm ra các giải pháp không phải là đơn giản.
Một báo cáo do tổ chức Global Alliance on Health and Pollution ( Liên minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm ) công bố tháng 12/2019 vừa qua cho thấy có hơn 71.300 người đã chết vì ô nhiễm môi trường ở Việt Nam, trong đó khoảng hơn 50.000 người chết vì ô nhiễm không khí, trong năm 2017, tức là năm
mới nhất mà chúng ta có được các dữ liệu này. Như vậy, tính về số người chết vì ô nhiễm, Việt Nam đứng hàng thứ tư ở khu vực Tây Thái Bình Dương, chỉ sau Trung Quốc ( 1,8 triệu người ), Philippines ( 86.650 người ) và Nhật Bản ( 82.046 người ).
Thành phố ô nhiễm không khí nặng nhất hiện nay tại Việt Nam là Hà Nội, nhất là ô nhiễm về bụi mịn, trong thời gian gần đây đã lên đến mức báo động. Bụi mịn ở Hà Nội chủ yếu là do những nguyên nhân nào, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 28/12/2019, giáo sư Phạm Duy Hiển, cựu Viện trưởng Viện nguyên tử Đà Lạt, nhiều năm nghiên cứu về vấn đề ô nhiễm không khí ở Việt Nam, giải thích:
“ Nguyên nhân chính vẫn là phát thải từ giao thông, trước hết là xe cộ. Hà Nội nay có trên 7,5 triệu phương tiện giao thông ( xe máy, xe tải, xe bus, xe hơi ). Mỗi loại xe như thế phát thải những bụi khí rất độc, phần lớn là bụi mịn, tức là dưới 2,5 micron. Nhưng trong khí phát thải của xe cộ thì có hai loại mà ít người để ý đến, trong khoa học người ta mới nghiên cứu sâu. Thứ nhất là hạt do xe cộ trực tiếp phát ra, dưới 2,5 micron, thậm chí dưới 1 micron, chủ yếu là những hạt từ động cơ, cháy không hết nên phát ra, trong đó có những hạt rất độc, như là carbon đen, mà người Việt hay gọi là bồ hóng, đặc biệt là từ những xe chạy bằng dầu diesel.
Ngoài ra, khi xe chạy thì lốp xe bào mòn và từ đó phát ra những hạt khác, rồi bụi đất ở trên đường, có những loại bụi mịn vẫn theo xe tung lên. Nhưng cái mà ít người để ý, đó là nó phát ra những khí rất độc, trong đó có NO2, hay là NOx, SO2, CO và các khí hữu cơ, dễ bốc, trong đó có benzene. Benzene là chất phụ gia người ta đưa vào trong xăng, thay cho chất chì ( nay đã bị cấm ), và cũng là một chất gây mầm mống ung thư. Một hàm lượng lớn benzene trong không khí có thể là nguy hiểm.
Những khí độc ấy là một bộ phận rất lớn do xe cộ vận hành phát ra. Vấn đề là các khí đó, sau một thời gian lan truyền trong khí quyển, sẽ trở thành hạt. Những hạt đó phần lớn rất là bé, phần lớn là dưới 1 micron, người ta gọi đó là hạt thứ cấp. Những hạt đó là một bộ phận rất lớn trong hạt bụi mịn, nguy hiểm hơn vì mịn hơn, nó đi sâu hơn ( vào cơ thể ), để lại nhiều độc tố trong phổi.”
Nhưng theo giáo sư Phạm Duy Hiển, ngoài xe cộ, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội còn, xuất phát từ nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như than tổ ong mà người dân còn sử dụng rất nhiều:
“ Ví dụ như ở Hà Nội thì người ta vẫn thường dùng than tổ ong. Khi đun ( than tổ ong ) thì nó phát ra một lượng tro bay tương đối khá. Rồi bao nhiêu những nguồn khác nữa, ví dụ như là đốt sinh khối. Ngay cả những chuyện mà chúng ta không để ý là, cứ tới ngày lễ, ngày giỗ thì người ta đốt rất nhiều vàng mã. Ở Hà Nội thì việc này rất phổ biến chung quanh các nhà chùa. Đó là những loại bụi do đốt sinh khối. Nghiên cứu kỹ người ta còn thấy có bụi từ biển, chứa muối biển, cũng bay vào Hà Nội.
Mỗi nguồn như thế thì có những thành phần nguyên tố, phải làm thế nào xác định được thành phần nguyên tố của bụi ở tại một điểm, xong rồi từ đó mới truy ngược lại là có những nguồn gì. Phải phân định mỗi một nguồn đóng góp bao nhiêu vào khối lượng bụi quan trắc được tại một điểm.
Như vậy, vấn đề tương đối phức tạp, không phải nhìn vào là nói ngay được, mà phải làm nghiên cứu khoa học. Chúng tôi đã có nhiều công trình nghiên cứu như thế, ví dụ như là có một nghiên cứu gần đây cho thấy là ở một khu đô thị ở Nghĩa Đô, nồng độ bụi mịn là khoảng hơn 40 microgram/m3, tính trung bình cả năm, nhưng có những ngày tăng vọt trên 100. Trong 40 microgram đó, có một nửa là thành phần bụi do xe cộ, mà trong một nửa đó thì có 15% là trực tiếp phát ra từ ống xả, 15% là bụi lơ lửng do xe cộ tung ra từ mặt đất và 20% là bụi thứ cấp, tức là từ các khí phát ra. Ngoài ra, bụi từ các bếp than tổ ong cũng chiếm đến 15%, còn lại là các thứ khác. ”
Ở những nước khác, giao thông vẫn là nguyên nhân chính gây ô nhiễm, nhưng riêng Hà Nội lại có những đặc điểm khiến thành phố này không giống những nơi khác, như phân tích của giáo sư Phạm Duy Hiển:
“ Thứ nhất, thành phần xe cộ ở Hà Nội, đa số 85% là xe máy, mà xe máy thì chất lượng phát thải không tốt, xe công cộng thì rất là ít. Đặc điểm thứ hai: diện tích mặt đường ở Hà Nội quá bé so với tổng diện tích, có nghĩa là diện tích dành cho xe cộ chạy thì rất ít. Trước những năm 2005, diện tích này chỉ chiếm 1,9% trong vùng nội thành, rất thấp so với thế giới, do đó xe cộ cứ phải chen chúc nhau.
Đặc điểm thứ ba là, trong cấu trúc đô thị của Hà Nội, có rất ít khoảng trống dành cho cây xanh, hồ nước, còn tất cả đều là bê tông nói chung là rất chật chội. Các nghiên cứu của thế giới, cũng như của chúng tôi, đều cho thấy là nồng độ ô nhiễm phụ thuộc rất nhiều vào mật độ dân cư. Khu nào càng đông dân cư thì ô nhiễm càng cao. Dân cư đông thì xe cộ nhiều, nhất là mỗi người dân lại có 1 hoặc 2 xe máy. Mật độ dân số cao thì nhà cửa chật chội, đường xá chật chội, không có khoảng trống để các chất ô nhiễm phát tán.
Cũng vì tất cả đều là bê tông, nên có một hiện tượng là ban ngày ánh nắng mặt trời đốt nóng mặt đất, tối đến thì xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt: nhiệt độ của lớp không khí sát mặt đất tăng lên theo độ cao, trong khi bình thường thì nó phải giảm theo độ cao. Cho nên, ô nhiễm không phát tán ra được, mà nó
cứ ở lại trong khoảng vài trăm mét trên mặt đất. Đó là một yếu tố rất quan trọng làm cho Hà Nội có rất nhiều bụi vào đầu mùa khô.
Một hiện tượng nghịch nhiệt nữa, tức là nhiệt độ không giảm mà lại tăng theo độ cao, khoảng 500 mét trên mặt đất, thường xảy ra vào mùa hơi ẩm một chút, sau tháng Giêng, tháng Hai, liên quan đến khái niệm gọi là mù. Có hai loại mù. Đầu tiên là loại bụi mù mà tôi nói ở trên và thứ hai là loại mù khí tượng. Loại mù thứ hai này thường dày đặc đến mức máy bay không lên xuống được. Những yếu tố thời tiết và địa hình có ảnh hưởng rất lớn, làm cho nồng độ tăng lên. Như vừa rồi, đầu tháng 12, từ 7 cho đến 14, gần như là 7 ngày liên tục, hàm lượng bụi ở Hà Nội đã tăng lên sau giờ chập tối, trên 200 microgram/m3, thậm chí có nơi trên 300. Mãi đến khuya, hàm lượng này vẫn còn cao, rồi đến sáng mới bớt dần. Cho nên nhiều người không hiểu tại sao ban đêm xe cộ không chạy nhiều mà ô nhiễm không khí lại cao hơn ban ngày”.
Trước tình trạng này các cơ quan hữu trách phải có giải pháp nào cho Hà Nội? Theo giáo sư Phạm Duy Hiển, vẫn có một quan điểm sai lầm cho rằng ô nhiễm không khí là trách nhiệm của riêng bộ Tài Nguyên Môi Trường, trong khi đây là vấn đề mà toàn bộ chính quyền phải ra tay giải quyết, mà giải quyết không phải chỉ là bằng việc trang bị thật nhiều trạm quan trắc. Tuy nhiên, tìm ra những giải pháp hữu hiệu không phải là đơn giản:
“ Đó là vì những giải pháp nào cũng đụng chạm đến người dân, nhưng chung quy lại, muốn giải bài toàn ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các thành phố khác, thì phải đánh đổi những khó khăn của người dân với việc tăng chất lượng không khí lên. Muốn như vậy thì phải có những giải pháp tương đối mạnh.
Ví dụ như tại Hà Nội, những khu mà ô nhiễm tương đối cao nhất là các cụm đại học, bệnh viện. Mỗi khu đại học như thế hàng ngày thu hút hàng chục nghìn người, thậm chí nhiều hơn, mà mỗi người đều đi xe máy. Thế thì liệu chúng ta dám làm một việc là dời các cụm đại học đó ra vùng ngoại vi, ví dụ như trên đường Thăng Long? Mà giải tỏa khu đó thì không phải là để làm nhà cao tầng, mà là xây các công viên, các hồ nước, v.v…, để cho khí ô nhiễm phát tán.
Còn về xe cộ, thì tại những nước văn minh, người ta có dùng xe máy nhiều như thế đâu? Trung Quốc ngay từ hàng chục năm trước đây đã cấm xe máy. Cái này chúng ta phải suy nghĩ. Ban đầu có thể là giảm đăng ký xe mới. Bây giớ cứ mỗi một năm lượng xe đăng ký trong nội thành lại tăng 15-17%, như thế thì chịu sao nổi? Sau đó, tiến đến cấm xe máy ở một số khu, rồi cấm hẳn và như vậy thì Hà Nội sẽ trở thành một đô thị hiện đại như những nơi khác.
Một yếu tố cũng rất quan trọng và Hà Nội cũng từng làm rất nhiều, đó là vỉa hè. Vỉa hè của Hà Nội thì lởm khởm, bụi đất nhiều, nhìn không tươm tất, cho nên phải cương quyết dẹp chuyện chiếm dụng vỉa hè, để làm sạch vỉa hè. Rồi phải cấm sử dụng than tổ ong, thay bằng bếp gaz chẳng hạn.
Thật ra, trong vấn đề ô nhiễm không khí do xe cộ ở Hà Nội, có vấn đề chất lượng phát thải, chất lượng xăng dầu. Ở phương Tây và các nước khác người ta đã theo tiêu chuẩn khí thải euro, tiến tới euro 6, còn mình thì vẫn lẹt đẹt theo sau. Như vậy là các xe cộ phải được kiểm tra rất kỹ về chất lượng phát thải. Xăng dầu cũng vậy: xăng của mình thì có lượng benzen hơi cao, trong dầu thì cũng có nhiều lưu huỳnh. Bây giờ phải tính tới chuyện đưa lên đến mức ngang bằng với Singapore. Trên bản đồ chỉ số ô nhiễm của cả châu Á, Singapore bao giờ cũng rất là sạch, thường là màu xanh, trong khi chung quanh đó thì Jakarta, Kuala Lumpur thường là màu đỏ, màu vàng”.
Tuy nhiên, giải pháp hạn chế dần, rồi tiến tới cấm xe máy ở Hà Nội chắc chắc sẽ gây nhiều tranh cãi, chưa chắc là khả thi, vì đây vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu của đa số dân thủ đô, cũng như ở Việt Nam nói chung.
Vấn đề ô nhiễm còn liên quan chặt chẽ đến quản lý đô thị và phát triển đô thị. Cho nên, theo giáo sư Phạm Duy Hiển, muốn giải quyết tốt nạn ô nhiễm không khí ở Hà Nội, biện pháp trước mắt cũng như lâu dài là kiểm kê các nguồn ô nhiễm, tức là kiểm kê phát thải như nhiều nước đang làm:
“ Việc kiểm kê đó không những giúp cho nhà khoa học biết nguồn bụi đó là như thế nào, nhưng quan trọng hơn là cho các nhà quản lý biết năm nay, tại Hà Nội, ở khu này có bao nhiêu xe máy, sang năm sẽ là bao nhiêu, rồi dùng than là bao nhiêu, dùng diesel là bao nhiêu. Các nhà quản lý có thể nhìn vào bài toán kiểm kê, có số liệu hàng năm được cập nhập.
Rồi con người cũng phải bỏ đi những tập quán không tốt, không thích hợp với cuộc sống ở những đô thị văn minh. Ở các đô thị văn minh, người ta đi bộ rất nhiều, rồi lên các xe bus, metro, còn người Việt Nam thì cứ có thói quen đi xe máy. Rồi khi nào thấy có chỗ nào xây đường thì mọi người xông ra mặt tiền, gây ra sốt đất. Đó là những thói quen của người Việt từ một xã hội thủ công nghiệp trước đây. Chất lượng không khí là thể hiện một thành phố văn minh hiện đại.”
http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200106-%C3%B4-nhi%E1%BB%85m-kh%C3%B4ng-kh%C3%AD-%E1%BB%9F-h%C3%A0-n%E1%BB%99i-gi%E1%BA%A3i-ph%C3%A1p-kh%C3%B4ng-ph%E1%BA%A3i-%C4%91%C6%A1n-gi%E1%BA%A3n
Việt Nam có nguy cơ bị virus “lạ” từ Trung Cộng tấn công
Tin từ Hà Nội: Việt Nam có nguy cơ bị tấn công bởi virus viêm phổi cấp gây bệnh hàng loạt từ Trung Cộng do số lượng lớn người nhập cảnh từ biên giới phía bắc hàng ngày cho dù Bộ Y tế Việt Nam đang phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới theo dõi dịch bệnh viêm phổi tại cửa khẩu.Việc lo lắng của nhiều người không phải không có căn cứ vì dựa trên tính nguy hiểm của dòn virus gây bệnh viêm phổi cấp, và năng lực và tinh thần phục vụ yếu kém của đội ngũ y tế ở Việt Nam.
Theo Cục Y tế dự phòng của Bộ Y tế Việt Nam thì trong tháng 12 năm 2019, Trung Cộng phát hiện nhiều trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân ở các cơ sở y tế tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Tính đến ngày 31/12/2019, Bắc Kinh ghi nhận 27 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 7 trường hợp trong tình trạng nặng, các trường hợp khác sức khỏe ổn định, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Chợ hải sản ở Trung Cộng, nơi phát hiện có 27 người bị nhiễm bệnh virus lạ (SCMP)
Bộ Y tế Trung Cộng đã tổ chức điều tra và triển khai các biện pháp kiểm soát tình hình dịch bệnh. Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng của việc lây truyền từ người sang người và cũng chưa ghi nhận trường hợp cán bộ y tế nào bị nhiễm bệnh.
Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy đây là các trường hợp viêm phổi cấp do virus, chưa xác định được nguyên nhân cụ thể. Bộ Y tế Trung Cộng tiếp tục làm các xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh.
Trước tình hình này, Bộ Y tế Việt Nam đã yêu cầu giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ngay tại cửa khẩu và cộng đồng để chủ động ngăn ngừa các dịch bệnh xâm nhập vào nước ta.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/viet-nam-co-nguy-co-bi-virus-la-tu-trung-cong-tan-cong/
Việt Nam ngăn ngừa
dịch viêm phổi do virus lạ ở Trung Quốc
Bộ Y tế Việt Nam ngày 6/1 chỉ đạo các địa phương giám sát chặt chẽ để ứng phó với tình hình dịch bệnh viêm phổi gây ra bởi virus lạ đang lây lan tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.Truyền thông trong nước cho biết đã có ít nhất 44 người tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) bị nhiễm bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân. 11 người Trung Quốc trong số trên được cho biết đang trong tình trạng nặng, 2 người đã hồi phục hoàn toàn, các trường hợp còn lại đang tạm thời ổn định và chưa có trường hợp tử vong.
Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy những trường hợp mắc bệnh ở Trung Quốc không phải từ các chủng virus lây qua đường hô hấp thông thường.
Một người khác ở Singpapore vừa đi về từ thành phố Vũ Hán hôm 5/1 cũng bị phát hiện viêm phổi cấp gây ra bởi virus RSV. Đây là loại virus được nói gây viêm phổi thông thường.
Tin nói Trung Quốc đang điều tra và triển khai các phương án kiểm soát dịch bệnh này như đóng cửa chợ hải sản Huanan, nơi có nhiều bệnh nhân được phát hiện đầu tiên. 121 người khác có tiếp xúc với những người bệnh hiện cũng đang được theo dõi.
Tổ chức Y tế Thế giới hiện đã khuyến cáo hạn chế việc đi lại đến khu vực có các ca bệnh ở Trung Quốc.
Bộ Y tế Việt Nam đã yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát cửa khẩu, dùng máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát tình hình sức khỏe của các hành khách có tiền sử đến từ thành phố Vũ Hán.
Hồi năm 2003, đại dịch bệnh hô hấp cấp gây ra bởi virus SARS phát sinh ở Hong Kong, Trung Quốc. Chỉ trong vòng vài tuần lễ, dịch SARS đã lây lan ra 37 quốc gia trên thế giới khiến hơn 8000 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 900 người tử vong.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-to-prevent-the-pandemic-pneumonia-caused-by-strange-virus-in-china-01062020072148.html
Bệnh nhân ung thư Việt Nam chờ chết
vì hết thuốc viện trợ Glivec
Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ ngày 6 tháng 1 năm 2019 loan, bộ Y tế Cộng sản Việt Nam đã thông báo chương trình viện trợ thuốc Glivec điều trị ung thư bạch cầu mạn dòng tuỷ đã kết thúc từ ngày 31 tháng 12 năm 2019. Chương trình viện trợ thuốc Glivec bị ngưng đã khiến cho nhiều bệnh nhân ung thư bị ảnh hưởng.Theo đó, chương trình viện trợ nhằm hỗ trợ bệnh nhân điều trị ung thư bạch cầu mạn dòng tuỷ được triển khai tại 7 bệnh viện ở Việt Nam như: bệnh viện K, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện Chợ rẫy, bệnh viện Ung bướu Sài Gòn, bệnh viện Truyền máu huyết học Sài Gòn, và viện Huyết học- Truyền máu trung ương.
Việc ngưng hỗ trợ thuốc khiến nhiều người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân ung thư nghèo phải ngừng sử dụng thuốc vì không có tiền. Không chỉ nguồn thuốc hỗ trợ bị “đứt” mà ngay đến nguồn thuốc điều trị theo tuyến Bảo hiểm y tế ở một số nơi cũng hết, khiến người bệnh phải mua thuốc ở “chợ đen” với giá cao.
Theo một bệnh nhân đang điều trị tại viện Truyền máu huyết học Sài Gòn, hiện tại chi phí quá cao nên nhiều bệnh nhân đã không được dùng thuốc vì không đủ tiền mua. Mặc dù Bảo hiểm y tế hỗ trợ 40% chi phí, và 60% chi phí còn lại là người bệnh trả, nếu người bệnh muốn có thuốc uống phải mất 1,2 triệu đồng chi phí cho 1 ngày. Như vậy, mỗi bệnh nhân phải mất khoảng gần 500 triệu đồng/năm để mua thuốc điều trị. Với nhiều người đây là khoản tiền khổng lồ nên họ chỉ còn con đường là chờ chết.
Một bệnh nhân khác cho hay, hiện tại nếu muốn mua thuốc ở “chợ đen” thì phải mất 120,000 đồng 1 viên thuốc, và 1 liệu trình cho 1 lần là hết 4 viên, như vậy 1 ngày bệnh nhân phải mất ít nhất 480,000 đồng tiền thuốc.
Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc bệnh viện Ung bướu Sài Gòn cho biết, việc thông báo ngưng tài trợ thuốc Glivec đã được đưa ra từ năm 2015.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/benh-nhan-ung-thu-viet-nam-cho-chet-vi-het-thuoc-vien-tro-glivec/
Xử phạt khi lái xe có nồng độ cồn:
Thái quá & bất cập?
Diễm Thi, RFACó nồng độ cồn là bị phạt!?
Hôm 30 tháng 12 năm 2019, chính phủ Hà Nội ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2020, tức chỉ sau hai ngày ký.
Theo quy định mới thì mức phạt tiền sẽ là từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Mức phạt cũ chỉ từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Như vậy có thể thấy theo quy định mới, chỉ cần có nồng độ cồn là đã bị phạt. Điều này bị người dân lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Ông Võ Minh Đức, chủ một doanh nghiệp vận tải ở Tp. HCM cho biết, ông hoàn toàn đồng ý với việc phạt thật nặng, thậm chí tước bằng lái vĩnh viễn với những người điều khiển phương tiện giao thông khi say xỉn và tái phạm. Việc này gây ra bao cái chết oan uổng cho người dân lành khi lái xe không làm chủ được hành vi của mình, nhất là những xe có tải trọng lớn. Tuy vậy ông phản đối cách xử phạt theo Nghị định mới bởi nó có những bất hợp lý. Ông giải thích:
“Nó không đúng với thực tiễn của cuộc sống và không phù hợp với đại đa số người dân. Thứ nhất là cứ có nồng độ cồn trong hơi thở là phạt mà không theo một tỷ lệ nào cả, cũng không cần biết nồng độ cồn xuất phát từ bia, rượu, trái cây hay thuốc…
Thu nhập của người Việt Nam thì thấp mà không cần biết nồng độ cồn là bao nhiêu vẫn phạt và giam bằng lái tới hai năm thì người lao động sao mà sống? Mục đích là họ thu tiền của dân, còn chuyện vì an toàn giao thông chỉ là trò mị dân mà thôi.”
Ông Đức nói thêm rằng đổ lỗi cho dân trong việc tai nạn giao thông tăng cao bởi bia rượu là không đúng, bởi còn nhiều yếu tố khác là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp mà lỗi hoàn toàn thuộc về Nhà nước, như cơ sở hạ tầng quá kém, khói bụi ô nhiễm hạn chế tầm nhìn…
Cựu Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang từ Hà Nội cũng nêu những điểm bất hợp lý:
“Nghị định 100/2019 ra đời là cần thiết vì tai nạn giao thông do bia rượu quá nhiều. Thế nhưng cách phạt trong nghị định này thì có những cái bất hợp lý. Một là người ta ăn vải, ăn trái cây mà có nồng độ cồn thì cảnh sát cứ căn cứ vào nồng độ cồn trong ống thổi để phạt và thu bằng lái. Điều thứ hai là cảnh sát giao thông được phép giữ lại tỷ lệ rất lớn số tiền phạt. Điều đó chẳng khác nào khuyến khích cảnh sát giao thông rằng càng phạt nhiều càng có lợi nhuận.”
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông thuộc Bộ Công an, trong 2 ngày đầu tiên thực hiện nghị định mới này, lực lượng Cảnh sát giao thông cả nước đã phát hiện và xử lý 615 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 816 triệu đồng.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu từng khẳng định với RFA rằng cần tạo ra ý thức và thói quen cho người dân trong việc không lái xe khi đã uống rượu. Ông nêu quan điểm của mình:
“Nhiều ý kiến nhưng tôi nghĩ cần phải xử lý nghiêm để người dân nhận thức vì khi uống rượu bia khi đi ra đường rất là nguy hiểm nên nếu chúng ta không có biện pháp để chế tài những người này thì nó tác hại không nhỏ đến cuộc sống của người dân, xã hội.
Một đất nước mà tình trạng uống rượu bia tràn lan như thế này thì không phát triển được, một đất nước không bền vững được. Một số quốc gia người ta có thể uống rượu bia được nhưng bắt buộc không thể lái xe về, thành ra nó tạo ra được thói quen.”
CSGT được hưởng 70% tiền phạt !
Thông tư số 89/2007/TT-BTC do Bộ Tài chánh Việt Nam ban hành ngày 25 tháng 7 năm 2007 có quy định trích 70% tiền thu phạt vi phạm hành chính cho lực lượng Công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, tức cảnh sát giao thông.
Năm 2012, Đại biểu Quốc hội Huỳnh Minh Thiện gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ về việc sử dụng hơn 1.700 tỉ đồng (70% trong số hơn 2.540 tỉ đồng) tiền phạt thu được trong năm 2011 để bồi dưỡng cảnh sát giao thông.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ trả lời rằng số trích 70% cho lực lượng công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông không phải là dành toàn bộ để chi bồi dưỡng cho lực lượng này mà còn chi cho nhiều hoạt động khác, như tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ bị thương, tai nạn hoặc gia đình của cán bộ hi sinh khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn trật tự giao thông.
Không chỉ có những chất vấn chính thức từ ĐBQH, mà người dân cũng thắc mắc về qui định này.
Cựu Đại tá công An Nguyễn Đăng Quang nói với RFA:
“Người dân phản đối là đúng vì trước hết, cảnh sát giao thông là người thu lợi. Tiền phạt bao nhiêu thì phải nộp cho ngân sách Nhà nước rồi ngân sách mới chi lại cho cảnh sát giao thông tùy từng trường hợp.”
Ông Võ Minh Đức, chủ doanh nghiệp vận tải, cũng là một người xuất thân từ quân đội cho rằng điều này vô cùng bất hợp lý, bởi lương của cảnh sát giao thông vốn đã rất cao. Ông phân tích:
“Tôi xuất thân từ quân đội ra nên tôi biết hai lực lượng công an và quân đội khoảng 10 năm trở lại đây được hưởng lương rất cao theo hệ số K, là lương cơ bản nhân với nhiều lần tùy theo cấp bậc sĩ quan. Nếu so với mặt bằng lương chung của người lao động ở Việt Nam thì lương của hai lực lượng này cao ngất ngưởng.”
Ông nói thêm rằng việc trích 70% tiền phạt cho cảnh sát giao thông là điều không thể chấp nhận được bởi tiền phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông cũng giống như tiền phạt của các lĩnh vực khác phải thuộc về ngân sách Nhà nước. Ngân sách này phải do Quốc Hội phân bổ chứ không một cá nhân hay cơ quan chức năng nào được tự ý trích 70% sử dụng cả.
Sau một tuần thực hiện Nghị định 100/2019 vẫn tiếp tục vấp phải những tranh cãi. Nhiều người dân cho rằng Nhà nước chỉ muốn lấy tiền của dân bất chấp những bất hợp lý đang diễn ra.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-do-people-oppose-fines-when-driving-with-alcohol-content-dt-01062020112937.html
Bộ trưởng công an nói gì
về hàng nghìn tỷ đồng tiền phạt được giữ lại?
Một thông tư được Bộ Tài chính ban hành từ năm 2007 cho phép lực lượng công an giữ gìn an toàn giao thông được giữ lại 70% số tiền xử phạt những người vi phạm.Trong những ngày gần đây, khi một nghị định mới của chính phủ bắt đầu có hiệu lực, với mức phạt tăng vọt đối với vi phạm luật giao thông, có nhiều người dân bày tỏ băn khoăn, thắc mắc về việc công an được giữ lại tiền phạt lên đến hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm.
Báo Tiền Phong hôm 6/1 ước tính rằng tổng số tiền phạt công an được giữ lại trong 2 năm 2018 và 2019 lên đến gần 3.800 tỷ đồng.
Tờ báo dẫn số liệu từ Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT), Bộ Công an, và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cho thấy trong năm 2019, lực lượng CSGT Việt Nam phạt hơn 4,1 triệu trường hợp vi phạm, thu về gần 2.800 tỷ đồng. Con số của năm 2018 cũng là hơn 4,1 triệu trường hợp, nhưng số tiền phạt thấp hơn một chút, là hơn 2.600 tỷ đồng.
Từ các con số trên, Tiền Phong tính toán rằng, theo thông tư số 89 năm 2007 của Bộ Tài chính, lực lượng CSGT có thể đã được giữ lại khoảng 1.934 tỷ trong năm 2019 và 1.829 tỷ trong năm 2018.
Theo tìm hiểu của VOA, quy trình chính thức được nêu trong thông tư là người vi phạm phải nộp phạt ở Kho bạc Nhà nước, đồng thời, 2 lần mỗi tháng – vào đầu tháng và giữa tháng – các sở tài chính căn cứ vào số tiền phạt thực tế mà Kho bạc Nhà nước ở các tỉnh, thành thu được để từ đó “tạm trích” và cấp cho các “đối tượng thụ hưởng”, mà cụ thể là “trích 70% cho lực lượng công an tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông”.
Lâu nay, nhiều người dân tỏ ý phân vân về quy định nêu trên. Nhà hoạt động xã hội Lê Văn Dũng, thường được biết đến với biệt danh “Lê Dũng Vova” trên Facebook, nói với VOA:
“Công chức đi làm hàng ngày họ đã được ăn lương, thì sao họ lại còn được lấy tiền ra từ ngân sách, 70% số tiền phạt hàng ngày ra để chia? Cái đó hoàn toàn là không có một cơ sở nào cả”.
Ông Dũng cho rằng một cơ quan về tư pháp của Việt Nam cần phải rà soát lại thông tư của Bộ Tài chính để đảm bảo tính hợp lý của nó. Ông nói thêm rằng việc ngành công an được hưởng một tỷ lệ đáng kể từ tiền phạt có thể kích thích các ngành khác đòi “quyền lợi” tương tự. Ông nói:
“Sẽ xảy ra tình trạng các bộ ngành có thẩm quyền đi xử phạt ông nào cũng [đòi] ban hành thông tư để được hưởng phần 50, 70% [tiền phạt] đó thì nó trở thành tình trạng gần như là vô chính phủ”.
Trong bài báo của Tiền Phong hôm 6/1, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay tất cả tiền phạt công an thu được “đều nộp về Ngân sách Nhà nước”, rồi sau đó sẽ được phân bổ lại một phần cho trung ương, một phần cho địa phương “theo quy định của luật pháp”.
Phần tiền dành cho Bộ Công an được sử dụng để mua sắm thiết bị hay cho các mục đích khác “đều căn cứ vào danh mục cụ thể” của bộ, ông Tô Lâm cho biết, nhưng không đi vào chi tiết “các mục đích khác” là gì.
Các đây ít ngày, Nghị định số 100 năm 2020 của chính phủ Việt Nam bắt đầu có hiệu lực, trong đó quy định các mức xử phạt vi phạm giao thông cao hơn nhiều so với trước đây. Riêng mức phạt đối với tài xế sử dụng rượu, bia có thể lên tới 40 triệu đồng.
Đang có những ước tính cho rằng với nghị định này, số tiền phạt người vi phạm luật giao thông sẽ tăng vọt trong năm 2020, cũng đồng nghĩa là phần 70% công an được giữ lại sẽ tăng lên tương ứng.
Trên mạng xã hội, nhiều người lo ngại rằng với đặc quyền được hưởng phần lớn tiền phạt, ngành công an có thể sẽ “phạt vô tội vạ”. Facebooker có nhiều ảnh hưởng Lê Dũng Vova chia sẻ với mối lo này. Ông nói với VOA:
“Hiện giờ chưa có cơ quan nào làm việc giám sát việc xử phạt của cảnh sát giao thông xem họ phạt đúng hay sai, tại vì đa số người dân nắm pháp luật yếu lắm. Với thông tư cho chia 70% cho ngành công an thì chắc chắn là CSGT đứng ngoài đường sẽ phạt bừa đi chẳng hạn, làm nhiều thì được nhiều. Tôi e ngại là vì họ được chia nhiều tiền thì họ sẽ lạm quyền”.
Mối lo ngại của ông Dũng và nhiều người dân được Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong xác nhận trong một bài phỏng vấn đăng trên Tiền Phong cùng ngày 6/1.
Ông nói nếu không có giám sát, nghị định mới “có thể sẽ trở thành ‘miếng mồi ngon’ để người ta lạm dụng và lợi dụng”, hàm ý nhắc đến lực lượng thực thi pháp luật.
“Đây cũng là điều đang được dư luận xã hội rất quan tâm và bản thân chúng tôi cũng thấy điều đó”, ông Phong nói.
https://www.voatiengviet.com/a/5233599.html
Đầu năm 2020: Khuyến cáo cướp biển
gia tăng hoạt động trong khu vực
Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các tàu, thuyền đi qua vùng eo biển Singapore triển khai kế hoạch an ninh đề phòng cướp biển; đồng thời cũng yêu cầu các Cảng vụ phổ biến đến tất cả thuyền trưởng, chủ tàu, công ty khai thác tàu về diễn biến cướp biển và yêu cầu các thuyền trưởng thực hiện nghiêm kế hoạch an ninh đã được Cục Đăng kiểm phê duyệt.Theo thông tin trên, Cục Hàng hải Việt Nam (30/12/2019) yêu cầu các Cảng vụ phổ biến đến tất cả thuyền trưởng, chủ tàu, công ty khai thác tàu về diễn biến cướp biển và yêu cầu các thuyền trưởng thực hiện nghiêm kế hoạch an ninh đã được Cục Đăng kiểm phê duyệt; đồng thời khuyến cáo các tàu biển tăng cường biện pháp bảo vệ, kế hoạch an ninh khi hành trình qua khu vực eo biển phía đông Singapore và vùng biển Sulu – Celebes và eo biển Malacca để đảm bảo an toàn cho thuyền viên và tàu.
Trước đó, Trung tâm chia sẻ thông tin thuộc Thỏa thuận hợp tác khu vực về chống cướp biển ở châu Á (ReCAAP) cho biết, từ 30/9 – 25/12 đã xảy ra 12 vụ cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu đang hành trình tại làn đi về hướng Đông của eo biển Singapore. Ngoài ra, trong năm 2019, tại eo biển Malacca và eo biển Singapore đã xảy ra 30 vụ việc cướp biển và cướp có vũ trang, tình hình đáng báo động so với con số 8 vụ việc xảy ra tại hai eo biển này năm 2018. Vụ việc xảy ra gần nhất vào ngày 25/12, khi tàu chở dầu Stena Immortal đang hành trình tại eo biển Singapore và hướng đến cảng Singapore, thì máy trưởng của tàu phát hiện 6 kẻ xâm nhập không vũ trang trong buồng máy và đã thông báo cho thuyền trưởng. Hệ thống báo động của tàu đã được kích hoạt và những kẻ xâm nhập đã thoát ra khỏi tàu. Không có sự đối mặt giữa những kẻ xâm nhập và thuyền viên của tàu. Trước đó hai ngày, tàu chở dầu Bamzi (23/12) đi qua eo biển Singapore, trên đường từ khu neo Nipa (Indonesia) đến Qing Dao, Trung Quốc, thì máy trưởng và sỹ quan máy đi ca nhìn thấy 3 kẻ xâm nhập trong buồng máy, trong đó một tên mang theo dao. Báo động được kích hoạt và ba kẻ xâm nhập đã trốn thoát. Hai thợ máy của tàu sau đó được tìm thấy trong tình trạng bị trói.
Được biết, Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng, có các tuyến đường giao thông quan trọng nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á. Ngoài ra, trong khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong đó có hai cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới là cảng Singapore và Hồng Công. Chính vì vậy, khu vực Biển Đông cũng là một trong những điểm nóng trên thế giới về nạn cướp biển.
Theo một báo cáo của Cục hàng hải quốc tế (IMB) thì gần 60% sự cố hàng hải giữa năm 1993 và năm 2015 chủ yếu diễn ra ở đây với hơn 20% các sự cố diễn ra chỉ tính riêng tại Indonesia. Ngược lại, cướp biển Somali (nổi tiếng thế giới bởi những vụ cướp chết chóc trong thập niên 2000) chỉ chiếm 17% các hoạt động cướp biển trong cùng kỳ. Trước đây, số lượng các vụ việc gây ra do cướp biển châu Á chiếm đến 1/3 số lượng cướp tàu trên toàn thế giới, song cướp biển châu Á tuy ít được nói đến do chỉ có tính chất nhỏ lẻ như cướp tư trang, tài sản, hàng hóa nhỏ lẻ trên tàu. Tính chất phức tạp đã tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2013-2015, trong đó cướp dầu ở khu vực eo biển Singapore và eo Malacca gây rất nhiều thiệt hại cho nhiều chủ tàu có tàu đi ngang qua đây. Theo IMB, năm 2014 xảy ra 245 vụ cướp biển, 181 vụ xảy ra ở châu Á; năm 2015, Đông Nam Á xảy ra 120 vụ cướp biển tấn công, chiếm gần 30% số vụ cướp biển toàn cầu, gây thiệt hại trung bình mỗi năm ít nhất 8,4 tỉ USD.
Từ năm 2016 đến nay, hoạt động của nhóm tội phạm cướp biển trên khu vực biển châu Á, nhất là ở những khu vực biển trọng điểm, tuyến hàng hải có xu hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Theo số liệu thống kê, trong năm 2016 và 2 tháng đầu năm 2017, ở khu vực châu Á đã xảy ra 95 vụ cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền. Trong đó, bọn cướp đã thực hiện thành công 83 vụ. Các vụ cướp biển thường diễn ra tại một số khu vực như quần đảo Anambas, Natuna, Mangkai, Subi Besar, Pulau Jemaja, Pulau Siantan, Pulau Matak thuộc Indonesia; eo biển Malacca; khu vực ngoài khơi Tioman, Pulau Aur, Đông Sabah thuộc Malaysia; khu vực biển thuộc Miền Nam Phillippines. Đến năm 2019, hải phận Đông Nam Á vẫn là khu vực dễ bị cướp nhất thế giới, nhưng tỷ lệ các vụ cướp đang suy giảm. Giữa 2 năm 2017 và 2018, tổng số lượng các sự cố được báo cáo đã giảm từ 102 vụ xuống còn 76 vụ, và đến năm 2019 cho thấy cướp biển có vẻ án binh bất động. Ở hải phận Indonesia, chỉ có 3 vụ tấn công trong 3 tháng đầu năm 2019, ít nhất trong một thập kỷ.
Nhìn chung, các vụ cướp trên biển khu vực châu Á có phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn cướp thường là: (1) Sử dụng từ 02 đến 04 tàu, xuồng loại nhỏ, có tốc độ cao (trên 25 hải lý/giờ) để tiếp cận, tấn công các tàu vận tải hành trình đơn lẻ trên biển; (2) Chúng tiếp cận, leo lên và tấn công từ phía đuôi, hoặc hai bên mạn tàu; (3) Chúng sử dụng vũ khí hạng nhẹ (súng tiểu liên, súng phóng lựu…) đe dọa, uy hiếp thuyền viên để đưa ra các yêu cầu về giảm tốc độ, hoặc dừng tàu để tiếp cận và leo lên. Khi sử dụng vũ khí, bọn cướp biển thường nhằm vào buồng lái, buồng ngủ, phòng Câu lạc bộ…; (4) Trong mỗi vụ, chúng thường sử dụng từ 01 đến 02 tàu mẹ, tàu mẹ có thể là tàu biển, tàu thuyền buồm, tàu đánh cá. Tàu mẹ dùng để chứa hàng dự trữ, nhiên liệu và có thể vận chuyển các hàng hóa cướp được. Các xuồng nhỏ để tấn công thường được kéo theo phía đằng sau tàu mẹ; (5) Để tấn công, leo lên tàu, bọn cướp thường sử dụng sào móc với thang dây dài và nhẹ, hoặc dây thừng để leo lên tàu. Khi đã lên được tàu, bọn chúng thường lên buồng lái để khống chế, kiểm soát hàng hải và thông tin trên tàu, yêu cầu cho tàu chạy chậm, hoặc dừng lại để cho đồng bọn tiếp tục leo lên tàu và khống chế toàn bộ thủy thủ đoàn, kiểm soát tàu, tổ chức cướp tàu, cướp hàng hóa vận chuyển trên tàu hoặc bắt cóc thuyền viên. Quá trình khống chế, kiểm soát tàu, nếu thuyền viên có hành vi chống đối, bọn biển sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để sát thương nhằm quyết tâm thực hiện hành vi cướp đến cùng.
Thời gian tới, để ngăn ngừa các vụ cướp biển trong khu vực, thì các nước trong khu vực cần phải hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực, cụ thể: Các nước liên quan, nhất là các nước ven Biển Đông cần tăng cường hợp tác, tuần tra song phương, đa phương trong khu vực, trong đó tập trung vào việc chia sẻ thông tin, tình hình cướp biển và cướp có vũ trang; công tác huấn luyện, diễn tập, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền; thiết lập và duy trì hiệu quả hoạt động của các đường dây nóng giữa lực lượng thực thi pháp luật trên biển của mỗi nước; thiết lập và tăng cường cơ chế tuần tra chung giữa lực lượng thực thi pháp luật trên biển của mỗi quốc gia ở các vùng biển giáp ranh… Không những vậy, các nước cũng cần tăng cường sức mạnh lực lượng tuần duyên, cảnh sát biển, trang bị vũ khí hiện đại như súng máy, trực thăng chiến đấu hạng nhẹ; lắp đặt hệ thống giám sát bờ biển sử dụng radar, trang bị hệ thống nhận dạng tự động, cũng như nhiều thiết bị quản lý hiện đại khác… nhằm bảo đảm lực lượng thực thi pháp luật của mỗi quốc gia có đủ năng lực kiểm soát, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các đối tượng có hành vi cướp biển và cướp có vũ trang.
Ngoài ra, mỗi quốc gia trong khu vực cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền cho các doanh nghiệp và đội ngũ thuyền viên, nhất là thuyền viên các tàu vận tải. Đồng thời, có các khuyến cáo, chỉ dẫn về huấn luyện, các biện pháp phòng vệ, phương án thông tin liên lạc khẩn cấp khi bị cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tấn công; yêu cầu các chủ tàu trang bị hệ thống tự động nhận dạng (AIS); Hoàn thiện cơ chế phản ứng nhanh và cài đặt điểm an toàn xung quanh vùng biển Sabah, điểm nóng của tệ nạn cướp biển trong khu vực Biển Đông; hỗ trợ xây dựng, đào tạo lực lượng, diễn tập để nâng cao trình độ kỹ thuật, khả năng phối hợp chiến đấu…
http://biendong.net/bien-dong/32474-dau-nam-2020-khuyen-cao-cuop-bien-gia-tang-hoat-dong-trong-khu-vuc.html
Người Bảo vệ Nhân quyền:
Việt Nam ‘đang giam giữ 239 tù nhân lương tâm’
Báo cáo mới nhất của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) nói rằng Việt Nam đang giam giữ ít nhất 239 tù nhân lương tâm trong các nhà tù hoặc các hình thức giam giữ tương tự.Thống kê công bố hôm 1/1/2020 cho biết con số kể trên bao gồm cả trường hợp nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy, người đã bị kết án 33 tháng tù giam nhưng hoãn thi hành án vì đang nuôi con nhỏ. 238 người còn lại đang bị giam giữ “trong điều kiện vô cùng tồi tệ ở nhiều nhà tù khắp đất nước và xa gia đình của họ.”
Việt Nam vẫn là quốc gia có số tù nhân lương tâm lớn thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Myanmar, theo thông cáo của tổ chức.
Trong khi đó, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa qua cho biết hiện tại Việt Nam có đến 130 tù nhân chính trị trong khi Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) nói rằng có đến 12 phóng viên đang bị giam cầm. Còn theo The 88 Project, con số các nhà hoạt động nói chung đang bị chính quyền Việt Nam bỏ tù là 276 người.
Trong số 239 người đang bị giam giữ theo thống kê của Người Bảo vệ Nhân quyền, có 48 tù nhân lương tâm bị kết tội hoặc đang bị giam để điều tra về cáo buộc “lật đổ,” 37 người về “tuyên truyền chống nhà nước,” 57 người thuộc nhiều sắc dân thiểu số về “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc,” 7 người về “lợi dụng quyền tự do dân chủ,” 13 người về “phá hoại an ninh,” 48 người về “gây rối trật tự công cộng” và 2 người “bị kết tội khủng bố”. Tội danh của 10 người không được công bố.
Trong năm 2019, Việt Nam bắt giữ 39 người hoạt động trong nước và công dân Australia Châu Văn Khảm, 32 trong số họ bị cáo buộc theo các tội danh thuộc phần An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự (BLHS). Nạn nhân mới nhất của các vụ bắt giữ độc đoán này là nhà báo tự do Tiến sỹ Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và là blogger của VOA. Ông bị bắt giữ vào tháng 11 sau khi gửi thư cho Quốc hội Châu Âu kiến nghị không phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA).
21 Facebooker bị bắt trong năm 2019 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” chỉ vì viết và chia sẻ trên mạng xã hội nhằm cổ suý nhân quyền và dân chủ đa nguyên hay chỉ trích chính phủ hoặc đơn giản chỉ là nêu ra các vấn đề của xã hội như tham nhũng và ô nhiễm môi trường. Họ bị bắt sau khi luật An ninh mạng có hiệu lực, tuy nhiên, các cáo buộc chống lại họ không liên quan đến luật này.
Phần lớn tù nhân lương tâm đã bị buộc tội hoặc kết án theo các cáo buộc của Điều 79, 87 và 88 của BLHS 1999 hoặc Điều 109, 117 và 331 trong BLHS 2015.
Ông Vũ Quốc Ngữ, Chủ tịch tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, người vừa được Bộ Ngoại giao Pháp-Đức trao giải nhân quyền 2019, nói với VOA rằng: “Việc vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng nghiêm trọng và mang tính thách thức. Đây là một năm tồi tệ nhất trong những năm gần đây. Chế độ cộng sản Việt Nam không còn coi trọng và bị chùng bước trước những ý kiến, những chỉ trích của cộng đồng thế giới nói chung về đàn áp nhân quyền. Đó là một thái độ mang tính thách thức của chế độ cộng sản Việt Nam.”
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng về phúc trình của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, nhưng hồi tháng 5 năm ngoái phủ nhận việc giam giữ bất kỳ “tù nhân lương tâm” nào và phản bác một báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng chính quyền Cộng sản ngày càng bỏ tù nhiều người là “không có căn cứ.” Theo người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, không ai bị bắt giữ ở Việt Nam “vì bày tỏ chính kiến.”
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-bao-ve-nhan-quyen-viet-nam-dang-giam-giu-239-tu-nhan-luong-tam/5233928.html
Việt Nam lần đầu công khai
tên lửa đạn đạo ‘mạnh nhất khu vực’
Việt Nam lần đầu tiên ra mắt công chúng hệ thống tên lửa đạn đạo Scud được coi là duy nhất và mạnh nhất ở Đông Nam Á, theo truyền thông trong nước.Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud của Việt Nam được ra mắt tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân vừa qua ở Hà Nội.
Bản tin ra hôm 6/1 của VietNamNet cho biết mặc dù đã có trong biên chế từ lâu song đây là lần đầu tiên hệ thống tên lửa đạn đạo Scud được công khai ra mắt ở Việt Nam hôm 23/12.
Các loại tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud ban đầu được Liên bang Xô Viết phát triển trong thời gian chiến tranh lạnh, theo The National Interest. Sau 6 thập kỷ, các phiên bản của Scud đã được nhân lên trên toàn cầu, hiện diện trong các loại tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên cho tới Iran.
Theo số liệu của Viện nghiên cứu Hòa bình và Quốc tế Stockhom (SIPRI) được VietNamNet trích dẫn, Việt Nam nhận được một số bệ phóng di động cùng hàng chục quả đạn Scud-B vào năm 1981. Scud được Liên Xô xuất khẩu cho rất nhiều quốc gia đồng minh trên khắp thế giới – trong đó có Việt Nam, theo Báo Mới.
Loại tên lửa này chính gốc có tên R-11 (với phiên bản đầu tiên) và R-17 (sau này đổi thành R-300) Elbrus (phiên bản sau). Tuy nhiên cả thế giới vẫn quen gọi với cái tên Scud do NATO đặt cho loại tên lửa này.
Cũng theo SIPRI, vào năm 1998 Việt Nam đã mua từ Triều Tiên hàng chục quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hwasong-6 (Hỏa Tinh 6), một phiên bản sao chép dựa trên nguyên mẫu Scud-C, với tầm bắn lên tới 600km.
Số tên lửa Scud phiên bản B và C được coi là một trong những vũ khí uy lực của lực lượng pháo binh Việt Nam hiện nay. Theo An Ninh Thủ Đô, đến thời điểm này, Việt Nam là quân đội đầu tiên và cũng là duy nhất tại khu vực Đông Nam Á có tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud trong biên chế.
Cũng vào tháng 12 vừa qua, Việt Nam lần đầu tiên công khai hệ thống tên lửa phòng không SPYDER, mà báo chí trong nước gọi là ‘sát thủ’, mua từ Israel. Trong vài năm gần đây, truyền thông trong nước và quốc tế đã đưa tin về việc Việt Nam sở hữu tên lửa phòng không SPYDER hiện đại từ Israel nhưng không có bất cứ hình ảnh chính thống nào về các tổ hợp này được công khai.
Việt Nam trong một thập kỷ qua đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng nhằm hiện đại hóa quân đội trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng mở rộng sức mạnh trong khu vực. Dữ liệu của SIPRI cho thấy chi tiêu quốc phòng của Việt Nam tăng từ 1,3 tỷ vào năm 2006 lên 5,5 tỷ vào năm 2018, với mức tăng hơn 320%.
Vào tháng 3 năm ngoái, viện nghiên cứu SIPRI cũng đưa ra một phúc trình về các giao dịch vũ khí quốc tế, trong đó nói Việt Nam nằm trong top 10 nước mua nhiều thiết bị quan sự nhất thế giới.
Trong những năm gần đây, khoảng hơn 80% đơn hàng quân sự của Việt Nam đặt mua của Nga, theo CNN. Việt Nam sử dụng các khoản chi để hiện đại hóa khả năng – đặc biệt là các đội tầu ngầm và chiến hạm.
Kể từ khi Tổng thống Barack Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Hà Nội đã có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Mỹ trị giá tới 94,7 triệu USD, theo một nguồn tin của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng năm 2018 nói rằng “chính sách quốc phòng của Việt Nam là để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, hòa bình của đất nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới”.
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-lan-dau-cong-khai-ten-lua-dan-dao-manh-nhat-khu-vuc/5233875.html
Tổng kết công tác chống tham nhũng năm 2019
Đảng cộng sản Việt Nam tiến hành Hội nghị tổng kết ngành Nội chính Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 vào ngày 6 tháng 1 ở Hà Nội.Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho biết, đối với các vụ án, thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng quản lý, cơ quan tố tụng đã tuyên phạt 11 án tử hình, 23 án tù chung thân, khi xét xử sơ thẩm 62 vụ án với 720 bị cáo.
Ngoài ra còn có 10 bị cáo bị phạt án tù 30 năm; 23 bị cáo từ 20 đến 30 năm tù…
Cũng tại hội nghị, ông Vượng cũng yêu cầu tập trung tham mưu xử lý dứt điểm các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ (Út trọc) và các vụ án, vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm…
Thống kê cho thấy trong năm 2019 có gần 500 nghìn vụ án được được tòa các cấp giải quyết, hình phạt áp dụng với các bị cáo trong nhiều vụ án lớn, được cơ quan chức năng cho là vừa nghiêm khắc, vừa đảm bảo tính khoan hồng.
Thông tin vừa nói được truyền thông trong nước trích dẫn theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020 của các tòa án, hôm 6/1/2020.
Khi đưa báo cáo công tác năm 2019 tại hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang cho biết, từ ngày 1/12/2018 đến 30/11/2019, các Tòa án đã thụ lý hơn 554 nghìn vụ việc, đã giải quyết được hơn 494 nghìn vụ việc, đạt tỉ lệ 89,2%.
Trong đó, điển hình đã xử lý nghiêm các vụ án đặc biệt nghiêm trọng như: vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam phạm tội “Tổ chức đánh bạc”…; vụ án Phan Văn Anh Vũ; vụ án Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm phạm tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” liên quan đến Cty cổ phần VN Pharma; các vụ án gian lận thi cử tại Kỳ thi THPT năm 2018 xảy ra tại các tỉnh Sơn La, Hà Giang…
Cũng tại hội nghị, TANDTC đề ra 10 phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác trong năm tới.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, điểm sáng trong các phiên tòa xét xử các vụ án tham nhũng vừa qua là áp dụng đồng bộ các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình xét xử.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, chưa bao giờ đấu tranh phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh và thu được nhiều kết quả vượt bậc rõ nét như hiện nay.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/anti-corruption-work-in-2019-01062020075645.html
Năm 2020 nhà cầm quyền cộng sản tại Sài Gòn
sẽ đấu tranh với các hội, nhóm kín trên mạng
Tin Saigon.- Báo Pháp luật loan tin, sáng ngày 6 tháng 1 năm 2019, Uỷ ban nhân dân Cộng sản tại Sài Gòn đã tổ chức hội nghị trực tuyến để triển khai nhiệm vụ của thành phố năm 2020.Tại đây, ông Lê Đông Phong, Giám đốc công an thành phố nói rằng, công an thành phố sẽ tập trung đấu tranh với các “hội, nhóm kín” trên không gian mạng để phát hiện kịp thời, vô hiệu hoá ngay âm mưu hoạt động của các tổ chức chính trị phản động trong và ngoài nước.
Ông Phong cho rằng, năm 2020, các thế lực thù địch, phản động, chống đối chính trị trên địa bàn thành phố sẽ còn tiếp tục liên kế các lực lượng hoạt động chống phá, nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”.
Ngoài ra, việc khiếu kiện, đình công, lãn công sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp, có nhiều nguy cơ mất ổn định an ninh trật tự. Vì vậy, lực lượng công an sẽ tập trung các biện pháp nghiệp vụ để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn không cho các hoạt động khủng bố, phá hoại, biểu tình xảy ra tại Sài Gòn.
Để thực hiện được kế hoạch này, Công an Cộng sản tại thành phố đã đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhưng cụ thể là gì thì không được tờ báo nhắc đến.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nam-2020-nha-cam-quyen-cong-san-tai-sai-gon-se-dau-tranh-voi-cac-hoi-nhom-kin-tren-mang/
Thủ tướng: “Tội phạm phá hoại an ninh quốc gia
nguy hiểm hơn tất cả!”
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu đề ra nhiệm vụ trong năm 2020 yêu cầu Bộ Công an triển khai kế hoạch, biện pháp đấu tranh làm thất bại các âm mưu mà theo người đứng đầu chính phủ Hà Nội là ‘chống phá của các thế lực thù địch, phản động’.Ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng tội phạm phá hoại an ninh quốc gia là loại tội phạm nguy hiểm hơn tất cả các loại tội phạm.
Trong năm 2019, chính quyền Việt Nam bắt giữ và xét xử hàng chục nhà hoạt động ôn hòa liên quan đến nhóm tội an ninh quốc gia, có người bị bắt chỉ vì bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội Facebook.
Hồi tháng 9/2019, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao báo cáo về tình hình tội phạm tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh: “đáng chú ý, tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia tăng 58,8%”.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương vào thời điểm đó cũng đưa ra nhận định: “các thế lực thù địch, phản động gia tăng hoạt động chống phá nước ta, hoạt động công khai, manh động, quyết liệt hơn. Hoạt động của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia có chiều hướng gia tăng”.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/national-security-undermining-is-the-most-dangerous-crime-vn-pm-said-01062020084441.html
Làm từ thiện bằng đồng tiền bẩn có đáng tôn vinh?
Nguyễn Tường ThụyBằng thủ đoạn móc ngoặc, hối lộ, Phạm Nhật Vũ đã làm thiệt hại cho nhà nước 8500 tỉ đồng, trong đó, riêng y kiếm lợi bất chính trong thương vụ này là 5850 tỉ đồng. Thế nhưng y chỉ bị kết án 3 năm tù giam. Một trong những lý do để tòa giảm mức án cho Vũ là y có nhiều hoạt động từ thiện, đóng góp cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Việc này đã gây ra nhiều phản đối của dư luận xã hội.
Không nói thì ai cũng biết, số tiền mà Vũ đã bỏ ra làm từ thiện là từ những nguồn thu lợi bất chính, ví dụ số tiền 5850 tỉ đồng vừa nhắc.
Hoạt động từ thiện là nếp văn hóa đẹp, thời nào cũng có, quốc gia nào cũng có. Nó duy trì, khơi dậy tình yêu thương con người qua những việc làm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, đóng góp xây dựng quê hương…
Tuy nhiên, không phải là hoạt động từ thiện nào cũng xuất phát từ mục đích tử tế.
*
Thở nhỏ, theo mẹ ra chợ, tôi hay đứng xem ăn mày. Những bà nông dân lam lũ, ra chợ bán mớ rau, củ khoai nhưng cũng bỏ vào cái mê nón rách của anh què lê ở chợ năm xu, một hào, có khi chỉ 1, 2 xu.Cũng có người bỏ vào một củ khoai đã luộc chín. Có những người nông dân từ các huyện đói kém hơn xuống quê tôi ăn xin rong. Họ vào tận từng nhà kêu chúng em đói quá. Khiêm nhường xưng em vì họ biết thân phận của mình chứ họ cũng ngang tuổi bố mẹ tôi. Chúng tôi phải cho họ củ khoai hay củ dong riềng mà mẹ cho để dành ăn giữa buổi. Sau này, những hình ảnh ấy cứ ám ảnh tôi mãi. Quê tôi hồi ấy, nhà ai cũng thiếu đói, chúng tôi đói suốt ngày, ăn khoai trừ cơm mà vẫn đói. Vậy mà ăn mày vẫn kiếm sống được. Khi ấy, tôi chưa có khái niệm gì về việc thiện, về lòng hảo tâm. Lớn lên tôi mới biết đến những cụm từ “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Những việc làm từ thiện ấy rõ ràng xuất phát từ tấm lòng thương yêu đồng loại, chẳng cần ai biết đến và cũng chẳng nghĩ nhằm tích đức gì cả mà chỉ để cho thanh thản cõi lòng.
Càng về sau, hoạt động từ thiện quy mô hơn. Ở vùng quê nào cũng có những người con đi làm ăn xa ở các tỉnh khác hoặc ở hải ngoại. Họ làm ăn gặp may mắn nên có của ăn của để và họ có nhu cầu chia sẻ, giúp đỡ người thân và giúp quê hương. Quê hương tuy nghèo khó nhưng đấy là nơi họ sinh ra và lớn lên cũng trong nghèo khó nhưng đầy ắp những kỷ niệm nên họ muốn có những việc làm trả nghĩa cho quê hương. Có người bỏ tiền ra làm cho thôn con đường bê tông, có người cúng chùa làng quả chuông hay xây hoặc tu bổ một hạng mục nào đó. Mỗi lần tôi về quê, đều đi qua cây cầu bê tông dài rộng ở đầu huyện, bắc qua con sông cái nghe nói của một Việt kiều nào đó ở Canada bỏ tiền ra xây.
Đó là làm từ thiện bằng tâm thiện.
*
Từ thiện nay không như từ thiện xưa. Đi lễ chùa, có đặt những hòm công đức, không bỏ hay bỏ ít bỏ nhiều chẳng ai để ý. Người công đức cũng chẳng cần ai biết đến. Rồi đến lúc, nhà chùa đón được ý khách, qui định ai công đức tối thiểu ở mức nào thì được cấp một cái giấy chứng nhận. Việc công đức ở chùa mất ý nghĩa dần từ đấy.Trong vụ AVG, thấy báo chí nói, người nhà Phạm Nhật Vũ đi khắp nơi để xin xác nhận số tiền mình đã từ thiện, cung cấp cho tòa để được giảm tội.
Những năm gần đây, nếu để ý thì sẽ thấy, những người có chức quyền, giàu có tham gia làm từ thiện ngày càng đông. Một ông quan cấp huyện cấp tỉnh hoặc cao hơn, một ông giám đốc, một bà kế toán khi làm việc thì hưởng lương nhà nước, thường là mươi, mười lăm triệu/tháng nhưng khi về hưu có tài sản hàng trăm tỉ. Số này bỏ tiền ra làm từ thiện cũng khá hào phóng nhưng thử hỏi khối tài sản khổng lồ mà họ có được ở đâu ra nếu không tham nhũng?
Giải thích hiện tượng này như thế nào?
Dù khó lý giải bằng khoa học nhưng người ta đều tin vào luật nhân quả. Nhiều khi luật này báo ứng đến hãi hùng làm cả người vô thần cũng phải dè chừng. Hẳn nhiều người đã biết cái chết đến của 3 người từng tham gia vào quá trình điều tra, xét xử vụ án Hồ Duy Hải mà dư luận cho là vụ án oan.
Ngày càng nhiều quan chức và những người giàu có hay đến viếng chùa và bỏ tiền cúng phật. Có người sau khi về hưu chuyên tham gia các hoạt động của phật giáo, chăm chỉ ngồi thiền như muốn quên đi quá khứ. Tôi cho rằng tâm lý của nhiều người trong số ấy là mong lấy thiện trừ đi ác vì hơn ai hết, họ là người biết rõ nhất việc làm thất đức của họ.
Có điều lạ là nhiều người giàu có, sẵn sàng bỏ tiền ra làm từ thiện nhưng giúp anh em, cha mẹ nghèo lại là chuyện vô cùng khó khăn. Có lẽ họ cho rằng Phật mới giúp được họ xóa được tội lỗi, tránh được quả báo chứ còn người thường thì không.
Vì vậy sinh ra tâm lý, vừa tham nhũng vừa làm từ thiện để được giảm tội vì lo trời phạt, thậm chí còn tính đến việc nếu bị phát giác sẽ được tòa giảm tội như trường hợp Phạm Nhật Vũ.
Việc làm từ thiện mà được giảm án là chuyện vừa xảy ra trong vụ AVG vì những người xử là những con người, họ cũng có bản năng, dục vọng của con người. Nhưng nếu cúng chùa mà giảm được tội, không bị quả báo, chẳng lẽ họ cho rằng, Phật cũng tiêu thụ của gian hay nhận hối lộ như băng đảng của họ?
Không có chuyện cứ việc làm điều ác, cứ việc tham nhũng rồi trích từ đó ra một phần làm từ thiện để yên tâm hưởng phần còn lại mong tránh được quả báo. Làm từ thiện kiểu đó không có gì đáng ca ngợi hay tôn vinh và cũng không tránh được luật nhân quả. Việc từ thiện chỉ có ý nghĩa và đáng hoan nghênh khi dùng những đồng tiền chân chính của mình.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/charity-donation-from-corruption-funds-not-welcomed-01062020091339.html
0 nhận xét