Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Thứ Sáu, 10 Tháng 1, 2025
Cập nhật :

14 Jun 2021 » BBC Tin tức

Tin Việt Nam – 03/01/2020

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2020 19:16 // ,

Tin Việt Nam – 03/01/2020

1 người bị tạm giam chết nơi giam giữ

và công an nói tự treo cổ

Công an Thành phố Tây Ninh cho biết hôm 3/1, ông Phan Quốc Thắng (47 tuổi, ngụ P1), người đâm thượng úy công an trọng thương và bị bắt tạm giam một ngày trước đó, đã treo cổ trong buồng tạm giam, tử vong.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu vào cùng ngày. Mạng báo Thanh Niên dẫn nguồn từ báo cáo nhanh của Công An TP Tây Ninh cho biết, vào ngày 31/12, CA phường 1 Tây Ninh ập vào tụ điểm đánh bạc dưới hình thức ghi số đề của bà Trần Thị Riêng (vợ ông Phan Quốc Thắng) để kiểm tra. Sau đó, CA mời bà Riêng về trụ sở làm việc. Lúc này Thắng đang uống rượu tại nhà hàng xóm, nhận được tin, Thắng mang theo dao nhọn đến CA Phường 1 đòi gặp vợ.
Tuy nhiên thượng úy Trần Thái Trọng không cho phép mà hướng dẫn Thắng về nhà mang giấy tờ, hộ khẩu đến trụ sở CA, bất ngờ Thắng đâm hai nhát vào ngực và cánh tay của thượng úy Trọng. Tuy nhiên sau đó Thắng đã bị khống chế và bị CA Phường 1 tạm giữ hình sự để điều tra sự việc.
Đến trưa ngày 2/1 cán bộ quản giáo phát hiện Thắng treo cổ bằng áo thun và tử vong vào 1 giờ 20 phút ngày 3/1.
Kết quả khám nghiệm tử thi cho rằng Thắng chết do ngạt.
Theo thống kê của RFA, dựa trên những thông tin được truyền thông trong nước đăng tải, có ít nhất 3 người chết trong đồn CA năm 2019. Riêng năm 2018 có ít nhất 11 người. Như vậy trường hợp của ông Phan Quốc Thắng là vụ việc đầu tiên trong năm 2020 được công an báo tự tử khi đang bị tạm giam.
Trong khi đó, theo báo cáo của Vụ kiểm sát, việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (Vụ 8) tại Hội nghị triển khai công tác kiểm sát năm 2020 diễn ra ngày 2/1, thì năm 2019, kết quả công tác của Vụ 8 được cho là hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu. Vụ 8 đã hoàn thành các chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của Ngành.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/one-detainee-died-in-police-custody-01032020074458.html

Trưởng công an xã rút súng dọa bắn dân?

Trưởng công an xã Đức Phú, huyện tánh Linh, tỉnh Bình Thuận – ông Nguyễn Văn Lợi – rút súng dí vào đầu một thanh niên dọa bắn tại cửa hàng buôn bán của gia đình người này vào đêm 31 tháng 12 năm 2019.
Tin từ báo chí trong nước loan đi ngày 3 tháng 1 cho biết toàn bộ sự việc được camera thu lại. Gia đình thanh niên này đã gửi đơn tố cáo lên Công an tỉnh Bình Thuận về hành vi nói trên. Đại tá Nguyễn Văn Loan, Trưởng Công an huyện Tánh Linh đã cho tổ công tác của Công an huyện về xã Đức Phú làm việc để xác minh vụ việc này.
Báo Thanh Niên trích lời đại tá Nguyễn Văn Loan rằng ông đã gọi điện cho ông Lợi đề nghị giải thích sự việc nhưng ông Lợi cúp máy. Ông Loan nói thêm là: “Trước đây, bản thân ông Lợi đã có vi phạm, nhiều lần cấp ủy đã muốn cho nghỉ nhưng phải để sắp xếp lại đại hội cơ sở vào đầu năm”.
Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2019 có quy định: Người thi hành nhiệm vụ chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà người khác không tuân theo.
Trong ‘Dự thảo quy định quyền hạn, chức năng, hình thức, nội dung tuần tra của cảnh sát giao thông’ mà Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng đề nghị trang bị cho cảnh sát giao thông súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên và súng bắn đạn cao su khi làm nhiệm vụ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/commune-police-chief-threatened-people-with-gun-01032020072058.html

Thêm 3 cựu cán bộ cấp cao

thành phố Hồ Chí Minh bị khởi tố

Thêm ba cựu cán bộ Ủy Ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 3 tháng 1 bị Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội ‘vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí’ theo Điều 219 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Ba người bị khởi tố và bị bắt tạm giam gồm hai ông nguyên phó Chánh Văn phòng UBND thành phố HCM là Huỳnh Kim Phát (sinh năm 1954), Lê Văn Thanh (sinh năm 1962); và ông Lê Tôn Thanh (sinh năm 1956) – nguyên Phó Giám đốc Sở Văn Hóa- Thể Thao- Du Lịch TP HCM.
Cả ba người bị cáo buộc liên quan đến vụ án ‘vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãnh phí’, ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’, ‘thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’ xảy ra tại Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương và các đơn vị liên quan tại TP Hồ Chí Minh.
Vụ án này được xúc tiến theo quyết định khởi tố ngày 18 tháng 1 năm 2019 mà Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra. Theo đó thì bà Dương Thị Bạch Diệp, một nữ đại gia bất động sản tại Thành phố HCM, bị khởi tố về tội ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’. Bà này bị cho là vi phạm qui định về quản lý, hoán đổi tài sản công tại Trung tâm Ca nhạc nhẹ thuộc Sở Văn hóa TP HCM với Cty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương gây thất thoát và thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước.
Cùng chung vụ án này, các ông Nguyễn Thành Tài- cựu Phó chủ tịch thường trực UBND Tp HCM, ông Trần Nam Trang- Phó giám đốc Sở Tài Chính TPHCM, ông Nguyễn Thành Run- cựu Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao- Du lịch TP HCM, ông Vy Nhật Tảo- cựu Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM bị khởi tố về tội ‘vi phạm qui định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí’.
Trong vụ này, bà Đào Thị Hương Lan- cựu Giám đốc Sở Tài Chính TP HCM, vào tháng 9 năm 2019 bị Công an Việt Nan phát lệnh truy nã vì sau khi bị khởi tố về tội ‘vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí’ theo Điều 219 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam năm 2015. Bà này hiện đã bỏ trốn.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/another-3-former-officials-of-hcmcity-prosecuted-01032020103228.html

Bắt nhóm cho vay lãi suất lên đến 700% / năm

Công an tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp với Công an Nghệ An vây bắt 6 điểm cho vay tín dụng đen ở 2 tỉnh này, trong đó có nhóm cho vay với lãi suất lên đến 700%/năm.
Truyền thông trong nước hôm 3/1/2020, trích thông tin từ đại tá Phạm Văn Toàn, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, riêng ở Thừa Thiên Huế có 5 cơ sở cho vay nặng lãi đều là chi nhánh thuộc Công ty Tín Đạt ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, do Nguyễn Sỹ Trung cầm đầu.
Năm người quản lý chi nhánh ở Huế cho Trung gồm Nguyễn Duy Dương, Nguyễn Thị Nhụy, Hà Thị Thu Hiền, Vũ Duy Đức và Nguyễn Đức Thịnh.
Nếu muốn vay tiền, người vay dùng ôtô, xe máy có giấy tờ chính chủ của họ làm thủ tục bán cho nhóm của Trung. Sau đó nhóm này sẽ cho người vay thuê lại xe của họ vừa bán để đi lại.
Nếu không có tài sản để bán mà muốn vay tiền, nhóm này vẫn làm thủ tục cho vay và tính lãi suất theo ngày. Lãi suất dao động từ 109,5%/năm đến 182,5%, thậm chí có trường hợp cho vay với lãi suất hơn 700%/năm.
Theo Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, chỉ tính tại tỉnh này từ tháng 8 năm 2016 đến nay, nhóm trên đã cho 1.420 người vay tổng số tiền hơn 21,2 tỉ đồng, thu lãi hơn 4,6 tỉ đồng. Không chỉ cho vay với lãi suất “cắt cổ”, nhóm này còn hung hăng, sẵn sàng gây thương tích nếu người vay trả lãi không đúng hẹn.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/shark-loan-groups-bust-by-police-01032020074759.html

Tiếp viên trưởng Vietnam Airlines bị nghi buôn lậu

Công an quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đang điều tra một tiếp viên trưởng của hãng hàng không Vietnam Airlines, do người này bị nghi ngờ nhập lậu hàng từ Nhật Bản với trị giá 200 triệu đồng.
Truyền thông trong nước, vào ngày 3/1 loan tin vừa nêu, dẫn nguồn từ Công an quận Tân Bình cho biết vào tối ngày 2/1 đã phối hợp với an ninh sân bay chặn nữ tiếp viên trưởng tên H, làm việc cho Vietnam Airlines khi cô đáp chuyến bay Đà Nẵng-TP.HCM lúc 19 giờ tối tại sân bay Tân Sơn Nhất để kiểm tra va li và phát hiện một lô hàng gồm 130 cây thuốc lá Marlboro cùng với 48 chai dầu xoa bóp, có giá trị ước tính khoảng 200 triệu đồng.
Cơ quan chức năng bước đầu xác định lô hàng vừa nêu bị nghi ngờ nhập lậu từ Nhật Bản về Đà Nẵng và được chuyển từ Đà Nẵng về Sài Gòn. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra.
Vietnam Airlines, vào ngày 3/1 lên tiếng rằng vụ việc xảy ra không phải trong thời gian làm việc của tiếp viên trưởng tên H và Vietnam Airlines sẽ hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình điều tra cũng như sẽ xử lý nghiêm minh đối với nhân viên theo luật định.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-airlines-chief-flight-attendant-suspected-smuggling-01032020072910.html

Cố bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh

bị khai đã giới thiệu cho Vũ Nhôm mua tài sản công

Cố bí thư thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh, bị một số bị cáo trong vụ án làm thất thoát công quỹ hơn 22 ngàn tỷ đồng ở thành phố cảng biển khai rằng chính ông đã gọi điện, giới thiệu bán công sản cho Vũ “Nhôm”, tức Phan Văn Anh Vũ.
Truyền thông trong nước tường thuật diễn biến phiên tòa sang ngày thứ hai hôm 3 tháng 1 như vừa nêu. Cụ thể, ông Huỳnh Tấn Lộc, nguyên Giám đốc Công ty Cổ Phần Công Nghệ Phẩm Đà Nẵng thừa nhận bán hai nhà đất cho Vũ Nhôm vì có giới thiệu từ ông Nguyễn Bá Thanh – Bí thư, và ông Trần Văn Minh – Chủ tịch thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ.
Còn ông Phan Xuân Ít, nguyên Phó chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, cũng khai không có quan hệ gì với Vũ Nhôm, nhưng biết nhân vật này có mối quan hệ với Ủy ban, quan hệ với Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân cũ đã mất (tức ông Nguyễn Bá Thanh) và sau đó có quan hệ với ông Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND thành phố.
Trong khi đó cựu Phó chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng, Đào Tấn Bằng, khai rằng thông qua lãnh đạo thành phố, cụ thể là ông Trần Văn Minh nên biết Vũ Nhôm; và ông Trần Văn Minh nói với Đào Tấn Bằng rằng Vũ Nhôm có công ty bình phong của Bộ Công an. Cũng theo lời khai của ông Đào tấn Bằng với Hội đồng Xét Xử thì ông Trần văn Minh nói rõ hoạt động tình báo của lực lượng công an có các pháp lệnh, nghị định, quy định, trong đó phải tạo điều kiện để công ty bình phong hoạt động nhằm bảo vệ Đảng và Nhà nước.
Cựu Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến vào chiều ngày 3 tháng 1 khi bị Hội đồng Xét xử thẩm vấn về trách nhiệm cá nhân trong việc chuyển nhượng 22 nhà đất, dự án bất động sản cho công ty của Vũ Nhôm, khai rằng khi còn là Phó chủ tịch, việc giao đất cho Phan Văn Anh Vũ được thực hiện theo chỉ đạo của hai chủ tịch tiền nhiệm và không hề hưởng lợi ích vật chất nào.
Cáo trạng nêu rõ Vũ ‘Nhôm’ đã lợi dụng các mối quan hệ thân quen với các lãnh đạo Ủy ban Nhân dân TP Đà Nẵng và các sở, ngành liên quan nhằm nắm bắt thông tin đất đai, đặc biệt đất ở ven biển. Vũ được nhóm của hai cựu chủ tịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2006-2014 chỉ đạo cho cán bộ cấp dưới thực hiện các biện pháp để thâu tóm đất đai.
Cáo trạng nói Vũ được ưu đãi để có thể thâu tóm hằng loạt nhà đất, công sản tại Đà Nẵng nhờ các thủ thuật như không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, áp đơn giá giao quyền sử dụng đất không theo giá thị trường, giảm 10% tiền sử dụng đất chuyển mục đích từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở…
Thực tế đó khiến Nhà nước bị thiệt hại hơn 22 ngàn tỷ đồng; trong đó thiệt hại tại 22 nhà, đất công sản là hơn 2.400 tỷ đồng, và tại 7 dự án đất là hơn 19.600 tỷ đồng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/deceased-former-danang-city-head-said-to-introduce-vu-aluminium-for-state-property-transactions-01032020075918.html

Việt Nam bắt 3 container hàng Trung Quốc

gắn nhãn Việt xuất sang Mỹ

Hôm 3/1/2020, Cục Hải quan TPHCM phát hiện 3 container chứa bọc nệm, quần áo có nguồn gốc Trung Quốc nhưng ghi nhãn mác “Made in Vietnam” tại cảng Cát Lái.
Lô hàng này do Công ty Super Foam tại tỉnh Bình Dương đứng tên nhập khẩu và trên hồ sơ lô hàng thể hiện hàng hóa là bọc nệm, xuất xứ Trung Quốc.
Tuy nhiên, trang Hải Quan Online cho biết, khi kiểm tra thực tế, cơ quan Hải quan phát hiện hàng hóa trong container là vỏ bọc nệm, quần áo có gắn mác “Made in Vietnam” trên từng sản phẩm.
“Bước đầu cơ quan Hải quan xác định, Công ty Super Foam nhập khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam”, trang Hải Quan Online cho biết thêm.
TTXVN cho biết lô hàng này chuẩn bị xuất khẩu cho một doanh nghiệp có địa chỉ tại California (Hoa Kỳ), đồng thời nói rằng Công ty Super Foam đã nhập khẩu hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam với mục đích chuyển tải bất hợp pháp sang tiêu thụ tại thị trường Hoa Kỳ.
VOA ghi nhận rằng những hình ảnh do truyền thông Việt Nam chụp lại từ hiện trường cho thấy lô hàng này được sản xuất cho nhà nhập khẩu Hoa Kỳ có địa chỉ ở thành phố Southfield, bang Michigan.
Vào tháng trước, Công ty xe đạp Excel của Việt Nam nhập 100% linh kiện xe đạp, xe đạp điện từ Trung Quốc, sau đó lắp ráp đơn giản, lấy xuất xứ Việt Nam để xuất sang Mỹ nhằm hưởng ưu đãi thuế quan.
“Xe xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ lấy nguồn gốc xuất xứ Việt Nam để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi do chính phủ Mỹ dành cho Việt Nam”, báo Zing dẫn lời Cục Kiểm tra sau thông quan cho biết.
Vào đầu tháng 6/2019, các quan chức Việt Nam nói Trung Quốc cố tình dán mác “Made in Vietnam” lên hàng hóa của họ để tránh bị áp thuế quan của Mỹ, và phía Việt Nam yêu cầu các cơ quan kiểm tra gắt gao hơn việc chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Ngày 20/6, trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài về biện pháp của Việt Nam trước thông tin cho rằng thời gian qua xuất hiện tình trạng hàng Trung Quốc gắn nhãn “Made in Vietnam” để xuất sang Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói Việt Nam “kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm” việc lấy danh nghĩa hàng Việt Nam.
https://www.voatiengviet.com/a/vn-bat-3-container-hang-tq-gan-nhan-vietnam-de-xuat-sang-my/5230721.html

Ô nhiễm không khí khiến một số người nước ngoài

từng nghĩ đến việc rời Hà Nội

Không chỉ những cư dân nội đô, mà cộng đồng người nước ngoài đang sống và làm việc ở Hà Nội cũng có thể cảm nhận rõ luồng không khí mờ đục, ngột ngạt bao trùm thành phố suốt nhiều tháng qua.
Tình trạng ô nhiễm không khí Hà Nội đạt mức báo động vào hồi tháng 9, trầm trọng hơn vào tháng 11 và vẫn ở trong mức độ “có hại cho sức khoẻ” trong những ngày cận Tết.
Trước tình trạng này, một số người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở thủ đô lo lắng và thậm chí, nghĩ đến việc chuyển đi nơi khác ở.
Ô nhiễm không khí cứ để dân tự lo?
Việt Nam khuyến cáo dân Hà Nội ‘hạn chế ra đường’
Hà Nội ‘gần nhất Đông Nam Á’ về ô nhiễm không khí
“Tôi nhận ra tình trạng không khí bắt đầu xấu đi vào có lẽ từ 5 năm trước và chắc chắn nó đang trở nên tồi tệ hơn mỗi năm,” Douglas Snyder, một chuyên gia về công nghệ xanh và xây dựng thân thiện với môi trường, hiện đang giảng dạy ngành Khoa học môi trường tại Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết.
Snyder nói rằng, những dấu hiệu rõ rệt nhất là bầu trời mù đặc, nhiều người bị ho khi tiết trời vào Đông, hay khi ô nhiễm không khí trầm trọng.
James Joseph Kendall, một giáo viên mầm non tại Ecopark, thì nói anh có thể ngửi thấy mùi khét từ việc đốt rác thải nhựa ở nhiều nơi trong thủ đô.
“Có những ngày tôi cảm thấy chất lượng không khí quá tệ để đi ra ngoài tập thể dục hay làm các hoạt động khác. Những người tôi nói chuyện cũng đồng ý rằng, đôi khi họ phải ở trong nhà vì chất lượng không khí quá kém,” Kendall chia sẻ.
Anh cho biết, anh phải mua một chiếc máy lọc không khí đặt trong phòng ngủ, và cảm thấy có thể thở tốt hơn vào ban đêm.
Cũng giống như Kendall, Snyder cũng phải mua nhiều máy lọc không khí để trong nhà và hạn chế ra ngoài.
“Nhưng tôi thấy bạn bè người Việt Nam của tôi có vẻ ít quan tâm về vấn đề ô nhiễm không khí hơn là những người bạn ngoại quốc của tôi.
“Tôi không chắc tại sao người dân địa phương lại ít lo lắng hơn, thậm chí ngay cả khi chỉ số AQI ở mức rất không tốt cho sức khỏe hay thậm chí độc hại. Tôi không thể hiểu được vì sao học sinh mẫu giáo vẫn được cho phép ra ngoài chơi.”
‘Có thể tôi sẽ trở về Mỹ’
Kendall đến từ thị trấn Springfield ở bang Ohio, Hoa Kỳ. Anh đến Hà Nội cách đây 7 năm, vào tháng 8/2013, và đem lòng yêu mến Hà thành.
“Tôi yêu Hà Nội và muốn ở đây lâu dài. Nhưng quả thật là tôi đã nghĩ đến việc chuyển tới Đà Lạt hay một nơi khác ở Việt Nam có chất lượng không khí tốt hơn”, Kendall nói.
Ý định đưa mẹ anh đến Hà Nội sống cùng anh cũng gặp trở ngại khi “không khí sẽ quá khó thở với bà nên bà do dự về việc chuyển đến đây.”
Trong khi đó Snyder, người đã sống ở Hà Nội gần 8 năm qua thì “ngày càng trở nên mệt mỏi với tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng lên mỗi năm” và đã nghĩ đến việc chuyển đến Đà Nẵng hay thậm chí trở lại Hoa Kỳ.
“Mùa thu này có vẻ tệ nhất từ trước đến nay, vì vậy [ô nhiễm không khí] là một mối lo thường xuyên.”
Kendall và Snyder đều ở trong ban quản trị của Keep Hanoi Clean, một doanh nghiệp xã hội, với mục đích nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và thường xuyên tổ chức các sự kiện dọn dẹp đường phố thủ đô.
Cả hai đều sinh sống ở Việt Nam lâu năm và muốn gắn bó với thủ đô. Bởi vậy Keep Hanoi Clean là một trong những cách họ cùng nhiều bạn trẻ đóng góp cho cộng đồng và thành phố nơi họ đang sống.
Nguyên nhân chính do đâu?
Về tác nhân gây ra tình trạng ô nhiễm không khí, một thành viên khác của Keep Hanoi Clean cho rằng, khói bụi đến từ xe cộ, bếp than, công trình xây dựng hay đốt đồng không phải là tác nhân “nhỏ” mà cùng với nhau, chúng khiến tình trạng không khí tồi tệ hơn rất nhiều.
Vì đâu không khí Hà Nội ngày càng độc hại?
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TPHCM ‘báo động’
Việc tìm ra nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm luôn là một thử thách thú vị trong nhiều năm qua, theo Snyder.
“Đúng là nó theo một mùa nhất định, từ tháng 11 đến tháng 3 là những tháng tồi tệ nhất.”
Và vì vậy, Snyder nói, có thể loại trừ kết luận cho rằng khói bụi thải ra từ xe cộ là nguyên nhân chính, vì xe cộ luôn đi lại tấp nập quanh năm.
“Hàng ngày, cứ 5 giờ sáng là không khí trở nên tồi tệ nhất, cho nên chúng ta có thể nghi ngờ rằng, việc đốt than sưởi vào mùa Đông và hiện tượng nghịch nhiệt [là tác nhân].”
“Việc đốt đồng chỉ diễn ra trong tháng Chín và tháng Mười. Tôi cũng nghi ngờ các công trường xây dựng khiến không khí ô nhiễm nhiều. Đúng là có bụi phát sinh từ xáo trộn đất và xe tải trên những con đường đất, nhưng việc đốt cháy từ động cơ diesel còn nghiêm trọng hơn.
“Và trên đường phố, số lượng xe tải và xe bus chạy bằng diesel còn nhiều hơn số máy xúc trên các công trường xây dựng trong thành phố.”
Trích dẫn từ báo cáo của tổ chức GreenID, vốn sử dụng phần mềm để theo dõi hướng gió trong những ngày chất lượng không khí kém, Snyder nói, vào mùa Đông, gió thổi từ hướng Đông, vì vậy Hà Nội có vẻ đã nhận được một lượng lớn ô nhiễm từ sản xuất công nghiệp và điện than từ Quảng Ninh.
“Ai cũng có thể đếm được số lượng nhà máy điện quanh Hà Nội để thấy nó nhiều đến thế nào. Dường như, ô nhiễm từ cụm công nghiệp cộng với hiện tượng nghịch nhiệt đã ‘nhốt’ các chất ô nhiễm ở nội đô. Và đây có thể là nguyên nhân chính khiến chất lượng không khí tồi tệ.”
Hôm 14/12, Bộ Y tế đã gửi 14 khuyến cáo để người dân đối phó với ô nhiễm không khí.
Đây là hướng dẫn đầu tiên của bộ này, sau nhiều đợt chất lượng không khí biến động, đặc biệt từ tháng 9, theo báo Tuổi Trẻ. Trong các khuyến cáo này có hạn chế ra đường, tăng cường tập thể dục, vệ sinh bằng nước muối, hạn chế hút thuốc và tránh nơi khói thuốc.
Snyder cho biết, vì không biết tiếng Việt nên ông đã không biết đến 14 khuyến cáo đối phó với ô nhiễm không khí của Bộ Y tế.
“Mức độ quan tâm của chính phủ đối với tình trạng ô nhiễm không khí Hà Nội là rất đáng hoan nghênh. Trước đây, những trao đổi về vấn đề này chỉ đơn giản xoay quanh thực tế là có rất ít thiết bị đo lường, vì vậy kết quả không được cho là đáng tin cậy.”
“Giờ khi có nhiều máy được lắp đặt trên thành phố, và các chỉ số khá đồng đều nhau, điều này cho thấy chất lượng không khí thực sự là vấn đề không thể bỏ qua.”
‘Chúng ta phải giảm lượng khí thải’
“Tôi hy vọng rằng tất cả những người sống và làm việc tại Hà Nội và các khu vực lân cận bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về cách chúng ta có thể giảm khí thải.”
“Về cơ bản, chúng ta cần ngừng đốt mọi thứ – từ rác, đến than, xăng, dầu diesel và chất thải nông nghiệp… – đó là tôi chỉ kể tên một số.
“Mọi hình thức đốt cháy đều mang lại sản phẩm phụ làm tổn hại sức khỏe của chúng ta, đặc biệt là trẻ em và người già.
“Với việc tập trung vào thực hiện các giải pháp, hy vọng chúng ta có thể hít thở dễ dàng hơn ở thành phố tuyệt vời này,” Snyder nói.
Theo báo cáo mới nhất của Liên minh toàn cầu về sức khoẻ và ô nhiễm (GAHP), mỗi năm, có 52.000 người Việt chết vì ô nhiễm không khí.
Nếu tính chung khu vực Tây Thái Bình Dương, Việt Nam trong top 10 nước có tỉ lệ tử vong do ô nhiễm không khí cao nhất, cùng với Trung Quốc, Lào, Campuchia…
Hôm 30/12, liên minh của các tổ chức xã hội đã ra tuyên bố bày tỏ sự không đồng tình với các dự án nhiệt điện than.
Tuyên bố nhấn mạnh về nguy cơ hủy hoại môi trường, khí hậu, sức khỏe con người, đe doạ sự sống và đưa ra ba đề xuất: tạm dừng triển khai các dự án nhiệt điện than; tháo gỡ khó khăn với dự án năng lượng tái tạo; tham vấn ý kiến người dân về triển khai các dự án năng lượng.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50971069

Ngược đời đề nghị của Chủ tịch

Hiệp Hội Năng Lượng VN:

không được phản đối nhiệt điện than!

Thanh Trúc, RFA
Ngược xu thế giảm phát thải!
Một số tỉnh phía Nam không được phản đối các dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương  là đề nghị từ Chủ tịch Hiệp Hội Năng Lượng Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi, gửi đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết ngành công thương hôm 27/12/2019 vừa qua.
Đề nghị được đưa ra vào khi yêu cầu giảm thiểu, hạn chế hoặc bỏ hẳn nhiệt điện than được nhắc lại một cách nghiêm túc hơn tại Hội Nghị COP25 về biến đổi khí hậu toàn cầu do Liên Hiệp Quốc chủ trì diễn ra tại Chile vào tháng 12/2019. Yêu cầu này cũng trở nên cấp thiết khi mà không khí khu vực miền Bắc, nhất là Hà Nội, suốt thời gian qua bị ô nhiễm nặng đến mức nguy hại.
Đề nghị của Chủ tịch Hiệp Hội Năng Lượng Trần Viết Ngãi khiến dư luận cho rằng đây là quan điểm trái chiều với xu thế sử dụng năng lượng sạch nhằm bảo vệ môi trường.
Từ Hội Nghị  COP21 về biến đổi khí hậu do Liên Hiệp Quốc chủ xướng, Việt Nam đã cam kết sẽ giảm 8% tổng phát thải khí nhà kính so với năm 1990, và nếu như có được sự hỗ trợ của quốc tế thì Việt Nam sẽ giảm 25% khí nhà kính, trong đó nhiều phần đến từ nhiệt điện than.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu, Khoa Môi Trường và Tài Nguyên Thiên Nhiên Đại Học Cần Thơ, cho rằng đề nghị chỉ đạo các tỉnh không phản đối nhiệt điện than là một kiến nghị vô lý:
“Bởi vì các tỉnh có quyền đồng ý hay không đồng ý đặt nhà máy như vậy tại địa phương của mình, cái đó nằm trong Luật rồi. Khi làm dự án như vậy phải có sự tham khảo cộng đồng và ý kiến của chính quyền địa phương. Khi cộng đồng không đồng ý thì phải tìm cách điều chỉnh thế nào chứ không thể bắt buộc người ta đồng ý vì như vậy là trái Luật”.
“Cái thứ hai, có nhiều bài học ở Việt Nam cho thấy chỗ nào có xây dựng nhà máy nhiệt điện, dù cho là có áp dụng công nghệ mới thì  ô nhiễm vẫn xảy ra. Đó là lý do tại sao nhiều tỉnh bây giờ nhận thấy khi mà đem nhiệt điện than vào địa phương thì họ gặp rất nhiều khó khăn, người dân sản xuất không được,
bệnh tật gia tăng… Họ đề nghị đổi qua những dạng khác ít ô nhiễm hơn. Như điện chạy bằng khí hóa lỏng chẳng hạn, ít phát tán và không có chất thải nhiều. Hoặc là khuyến khích sự phát triển năng lượng tái tạo ở các khu vực phía Nam này rất phù hợp”.
Thiếu điện dự phòng
Hệ thống điện hầu như không còn dự phòng là lý do ông Trần Viết Ngãi đưa ra. Ông nói các nguồn nhiệt điện truyền thống sử dụng than, khí… giữ vai trò chủ lực trong việc bảo đảm an ninh năng lượng điện trong một thập niên tới, thế nhưng việc cung cấp than, khí… cho việc phát điện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Về mặt nguyên vật liệu trong sản xuất nhiệt điện than, Chủ tịch Hiệp Hội Năng Lượng Việt Nam cho biết trong khi khả năng cung cấp trong nước chỉ đáp ứng được chừng 30 đến 35 triệu tấn thì dự kiến năm 2020 cần khoảng 60 triệu tấn, năm 2025 cần khoảng 70 triệu tấn và đến năm 2030 phải là 100 triệu tấn.
Điều này cho thấy, vẫn theo ông Trần Viết Ngãi, nhu cầu than nhập khẩu ngày càng cấp bách hơn, bên cạnh đó thì nguồn khí cũng đang suy giảm dần trong thời gian tới, vì thế tiến độ triển khai tại các dự án dầu khí như Lô B, Cá Voi Xanh bị chậm hẳn lại. Ông còn cảnh báo là hầu hết các dự án nhiệt điện than, trong Quy Hoạch Điện VII điều chỉnh, đều chậm tiến độ trong vòng 2 đến 4 năm, dẫn đến tỷ lệ 20% nguồn điện dự phòng 2015-2017 trở thành không còn dự phòng, tức thiếu hụt, bước sang giai đoạn 2021-2025.
Phản biện!
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho hay ông không hoàn toàn đồng ý với nguyên nhân thiếu hụt điện dự phòng mà ông Trần Viết Ngãi nêu ra:
“Nói là đang thiếu nhưng thực sự theo tôi đánh giá là đôi khi Việt Nam mình sử dụng điện không hiệu quả, sự lãng phí điện có rất nhiều, hoặc là tập trung cho những ngành công nghiệp tiêu thụ điện nhiều mà sinh lợi không cao và còn gây ô nhiễm nữa”.
“Nói là đang thiếu nhưng thực sự theo tôi đánh giá là đôi khi Việt Nam mình sử dụng điện không hiệu quả, sự lãng phí điện có rất nhiều, hoặc là tập trung cho những ngành công nghiệp tiêu thụ điện nhiều mà sinh lợi không cao và còn gây ô nhiễm nữa”, TS Lê Anh Tuấn 
Đồng ý rằng than có giá rẻ hơn các nguyên vật liệu khác, tiến sĩ Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, nhưng thực tế cái giá phải trả cho vấn đề môi trường và vấn đề sức khỏe thì so ra đắt hơn những dạng năng lượng khác.
Ý kiến đề xuất của Chủ tịch Hiệp Hội Năng Lượng Việt Nam đã bị một số khoa học gia, chuyên gia phản đối. Về mặt nhu cầu thỉ có vẻ hợp lý nhưng về mặt môi trường thì không thể chấp nhận được, là quan điểm của  phó giáo sư tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Trung Tâm Công Nghiệp Môi Trường Việt Nam:
“Nhu cầu điện của Việt Nam tăng hàng năm khoảng 10%. Trong Qui Hoạch Điện VII thì điện than đóng vai trò rất quan trọng. Gần đây do Chính phủ có một số qui định hỗ trợ giá điện, rồi sau khi thấy qui hoạch điện mặt trời và điện gió phát triển nhanh thì Việt Nam đang tính tới hướng là hạn chế điện than đi”.
“Tuy điện mặt trời và điện gió phát triển nhanh nhưng mà lại không đồng bộ vì đườn dẫn, đường truyền tải điện không có, phát triển xong rồi cũng không phát, không đưa lên lưới được. Chắc là nghĩ rằng sợ thiếu điện cung cấp cho phát triển nên ông ấy phát biểu thế. Tiếc rằng về mặt môi trường thì ý kiến đó không hợp lý”
“Tôi  nghĩ định hướng chung của Chính phủ vẫn là không phát triển điện than, thậm chí Thủ tướng Chính phủ có lần nói rằng trừ những dự án nào đã đưa vào qui hoạch rồi, đang xây dựng dở rồi thì tiếp tục phát triển, còn dự án nào đang nằm trong qui hoạch mà chưa động thổ, chưa có nguồn vốn thì có lẽ cũng không nên phát triển tiếp vì hiện có những nguồn điện khác thay thế rồi chứ không nhất thiết phải phát nhiệt điện than”.
Được biết điện từ nhiên liệu hóa thạch bao gồm than ở Việt Nam hiện chiếm trên 60% tổng lượng điện tiêu thụ. Tiến sĩ Phùng Chí Sĩ nói tiếp:
“Điện than, điện dầu, điện đốt từ các nhiên liệu hóa thạch chiếm 60 đến 70%. Điện gió mặt trời trong qui hoạch khoảng độ 5-7% thôi nhưng bây giờ đang phát triển vượt bậc. Tôi ước đoán là 10-15% rồi chứ không phải 5-7% như qui hoạch đâu”.
“Việt Nam đang dần dần hạn chế sử dụng điện than bằng nhiều hình thức để cho tỷ trọng các nguồn điện khác nó tăng lên và điện than ngày càng giảm đi. Còn nói bỏ ngay thì tôi nghĩ cũng khó, tương lai chắc một hai ba chục năm nữa mới bỏ được” .
Trở lại đề nghị mà Chủ tịch Hiệp Hội Năng Lượng Việt Nam kiến nghị lên Thủ tướng để chỉ đạo các tỉnh, đặc biệt một số tỉnh phía Nam, không được phản đối nhiệt điện than, báo Dân Trí trích dẫn câu trả lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng “Tiếp tục phát triển nhiệt điện than thì dư luận không đồng tình”.
Trao đổi với đài Á Châu Tự Do, giáo sư tiến sĩ Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa Học, Công Nghệ và Môi Trường, nói rằng ông tin tưởng Chính phủ sẽ không cấm các địa phương phản đối nhiệt điện than như đề nghị của bên Hiệp Hội Năng Lượng Việt Nam:
“ Cũng hơi khó đấy, nhưng theo tôi nghĩ bằng cách nào chứ cách mà phát triển điện than để bù vào năng lượng thiếu hụt thì không hay lắm đâu. Cái dấu ấn để lại là khi đã ô nhiễm như vậy thì không bao giờ khắc phục được đâu. Ấn Độ và Trung Quốc đã bị ô nhiễm không khí nặng như vậy mà khả năng khắc phục thì hết sức khó khăn”.
Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 28/12/2019 đưa tin Diễn Đàn EST12 do Bộ Giao Thông  Vận Tải, phối hợp cùng các Bộ Tài Nguyên Môi Trường, Bộ Xây Dựng, UBND TP Hà Nội, Bộ Môi Trường Nhật Bản, Trung Tâm Phát Triển Vùng Liên Hiệp Quốc, đồng tổ chức từ ngày 28 đến ngày 30/12/2019 tại Hà Nội.
Đây là diễn đàn thường niên với mục đích thúc đẩy nhận thức chung giữa các nước châu Á về bảo vệ môi trường trong giao thông vận tải, xây dựng đô thị và cộng đồng an toàn hơn, tốt đẹp hơn và bền vững hơn thông qua các chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển hiệu quả.
Tại Diễn Đàn, Bản Tuyên Bố Hà Nội, đề cao nhận thức và bảo vệ môi trường, đã được công bố. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên Cứu Biển Đổi Khí Hậu, Khoa Môi Trường và Tài Nguyên Thiên Nhiên Đại Học Cần Thơ, cho biết đây là hy vọng đối với kế hoạch giảm thiểu điện than gây ô nhiễm không khí và bệnh hô hấp không lây nhiễm mà Bản Tuyên Bố Hà Nội đã đề cập tới.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/chairman-vn-energy-association-says-not-to-object-coal-fired-power-01032020081509.html

Năm 2019 có gần 150,000 người Việt đi xuất cảng lao động

Tin Vietnam.- Báo Thanh niên ngày 3 tháng 1 năm 2020 loan tin, cơ quan Cai quản lao động ngoại quốc thuộc bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Cộng sản Việt Nam cho biết, trong năm 2019, có 147,387 người Việt ra ngoại quốc mưu sinh bằng con đường xuất cảng lao động.
Số lượng người tha hương mưu sinh này đã đạt 122,8% kế hoạch của nhà cầm quyền. Tức là nhiều năm nay, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã coi sức lao động của người dân như một món hàng để kinh doanh nên họ luôn đặt chỉ tiêu về lượng người đi xuất cảng lao động làm việc, và tạo ra nhiều biện pháp để thúc đẩy càng nhiều người đi càng tốt. Như vậy, nhà cầm quyền sẽ giải quyết được vấn nạn thất nghiệp của người dân trong nước, đồng thời có thêm được một lượng tiền ngoại hối lớn.
Theo báo cáo của cơ quan Cai quản lao động ngoại quốc, năm 2019 là năm thứ 6 liên tiếp Việt Nam có hơn 100,000 người đi ra ngoại quốc làm thuê. Và đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp có hơn 120,000 người đi làm thuê ở ngoại quốc.
Quốc gia mà người Việt đến nhiều nhất là Nhật Bản, tiếp đến lần lượt là Đài Loan, Nam Hàn, Romania, Ả Rập Saudi. Các công việc mà người Việt thường làm khi đến nước sở tại là chăm sóc người cao tuổi, giúp việc nhà, xây dựng, nông nghiệp, bốc xếp hành lý, cơ khí.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nam-2019-co-gan-150000-nguoi-viet-di-xuat-cang-lao-dong/

CSVN xây dựng tổ chức đảng ở ngoại quốc

Tin Vietnam.- Đài VOV ngày 3 tháng 1 năm 2020 loan tin, sau khi Liên bang xã hội chủ nghĩa Xô Viết tan rã, Cộng sản Việt Nam đã tìm cách xây dựng tổ chức đảng Cộng sản của người Việt tại nơi đây.
Ông Nguyễn Hải Anh, Phó bí thư đảng uỷ vùng Odessa, thuộc Ukraine, đồng thời là Phó chủ tịch hội Người Việt tỉnh Odessa cho biết, sau khi Liên Xô tan rã thì tổ chức đảng Cộng sản của người Việt tại nước này bị ảnh hưởng. Ngay sau khi các nước cộng hoà ở Liên Xô tách ra thì Cộng sản Việt Nam có những cơ quan đại diện tại các nước này, rồi sau đó xây dựng các chi bộ và đảng bộ tại các tỉnh ở nước sở tại.
Theo ông Anh, khi những người Cộng sản ở Ukraine sinh hoạt đảng như thủ tục của người Cộng sản quốc nội thì chỉ có dám chào cờ, hát quốc ca, quốc tế ca chứ không dám công khai treo cờ búa liềm, và các khẩu hiệu về đảng Cộng sản tại trụ sở văn phòng của hội Người Việt. Ông Anh cho biết, những đối tượng mà tổ chức đảng ở đây lôi kéo là những người có uy tín, chức vụ trong cộng đồng người Việt, rồi sau đó phát triển ra.
Từ đảng bộ Cộng sản nhóm ông Anh thành lập hội Người Việt, hội Đồng hương rồi sau đó lập thêm hội Phụ nữ, hội Cựu chiến binh, hội Doanh nhân. Tất cả đều chịu sự lãnh đạo của tổ chức đảng cơ sở.
Tuy nhiên, theo ông Anh, hiện tại việc phát triển đảng viên mới đang khá khó khăn vì những người giữ chức vụ, có uy tín trong cộng đồng đã cạn kiệt. Cho nên, nhóm ông Anh đang tìm kiếm thế hệ thứ hai tại đây để lôi kéo, dụ dỗ các cháu trở thành đảng viên.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/csvn-xay-dung-to-chuc-dang-o-ngoai-quoc/

+ Ý kiến
Được tạo bởi Blogger.